- 🏠 Home
- Linh Dị
- Trinh Thám
- Quán Trọ Hoang Thôn
- Chương 34: Hoang thôn (4)
Quán Trọ Hoang Thôn
Chương 34: Hoang thôn (4)
Bảy giờ sáng, tôi mờ mắt ra. Ánh sáng xuyên qua cửa sổ giấy rọi lên bức bình phong khiến ngôi nhà cổ này có chút sinh khí.
Tôi không thể chịu đựng được nữa, vốn cho rằng chuyến du hành tới Hoang thôn sẽ lạng mạn và thú vị, nhưng lúc này lại khiến tôi hoảng sợ tới đỉnh điểm, tôi quyết định phải rời khỏi Hoang thôn ngay tức khắc.
Tiểu Chi đang ở trong tiền sảnh ngôi nhà cổ, sắc mặt cô ấy khá ổn, nhìn không ra dáng vẻ mộng du nửa đêm hôm qua, tôi nghĩ hay là không nói toạc ra vẫn tốt hơn. Tôi ngẩng đầu lên nhìn bức chân dung dưới tấm biển “Nhân Ái Đường”, người đàn ông triều Minh trong bức tranh cũng đang nhìn tôi, ông ấy chắc là con trai của Yên Chi, vậy thì cha của ông ấy có thực là một hồn ma đã chết trận không? Tôi không dám nghĩ tiếp , tức tốc ăn hết bữa sáng.
“Anh muốn về rồi à?” Tiểu Chi đã nhận ra khi nhìn thấy hành lý của tôi.
“Xin lỗi, tôi không nên tới Hoang thôn, càng không nên quấy nhiễu cuộc sống yên bình của gia đình cô”.
“Tôi biết anh không ở được lâu”. Tiểu Chi mím mọi nói: “Anh có còn tới Hoang thôn nữa không?”
“Không biết”. Tôi nhìn vào đôi mắt ngây thơ của cô ấy, trong lòng bỗng nhớ tới ánh trăng trên dốc núi đêm qua, “Vậy cô thì sao? Đợi sau khi cô tốt nghiệp đại học ở Thượng Hải rồi, có còn về Hoang thôn nữa không?”
Ánh mắt cô ấy hình như rất rối loạn, lí nhí trả lời: “Tôi nhất định sẽ trở lại, kể cả có chết bên ngoài tôi cũng phải về nhà”.
Tôi bỗng run rẩy, câu nói của cô ấy khiến tôi cảm thấy có chút kỳ dị. Lúc này tôi ngửi thấy mùi thối rữa của hoa lan tỏa ra từ người của Tiểu Chi, mùi vị sộc lên mụi là lan vào phổi khiến tim tôi cũng trở nên chát đắng.
Tôi chầm chậm tiến tới cổng “Tiến Sỹ Đệ”, đứng cạnh ngưỡng cửa nhìn vào mắt Tiểu Chi nói: “Có lẽ, chúng ta sẽ không gặp lại nhau nữa, bảo trọng nhé”.
Ánh mắt Tiểu Chi vẫn u buồn nhường vậy, cô ấy hình như còn muốn nói thêm điều gì đó, nhưng tôi đã bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà cổ. Tôi không dám quay đầu lại nhìn, chỉ biết cúi đầu bước về phía trước, muốn tiêu hủy tất cả mọi chướng ngại trong lòng. Tôi đến chân tấm bia tiết hạnh, ngẩng đầu nhìn bốn chữ trên tấm bia – “Trinh Liệt Âm Dương” mà lòng cảm thấy có chút giễu cợt và bi ai.
Tôi đáp chuyến xe trở về thị trấn Tây Lãnh. Nhưng chuyến xe khách về Thượng Hải đã khởi hành từ lâu rồi, chuyến tiếp theo phải đợi tới bốn giờ chiều.
Buổi chiều, nhân vài tiếng đồng hồ rỗi rãi, tôi đã tới bảo tàng văn hóa của thị trấn Tây Lãnh, đánh liều gặp viện trưởng viện bảo tàng. Tôi dựa vào thân phận mà Tiểu Chi bịa ra cho tôi, tự xưng là tới đây để khảo sát lịch sử và phong tục tập quán. Viện trưởng rõ ràng đã bị tôi nói phét, tôi nói ra hết những nghi ngờ về tấm bia tiết hạnh ở Hoang thôn cho ông nghe.
Viện trưởng là một người đàn ông trung niên ngoài năm mươi tuổi, ông ấy trầm ngâm hồi lâu, lấy từ trong kho ra một tấm in thác bản. In thác bản chính là văn thể được sao chép lại từ văn bia hoặc bản khắc bằng giấy và mực, tương đương với bản photo cổ đại. Tôi nhìn sơ qua tấm in thác bản, chằng chịt văn tự rất dài, được in lại từ bản khắc trên bia đá, nghiễm nhiên không có bất cứ dấu câu nào, khi đọc rất nhức mắt. Tôi chau mày nín thở, giống như đang suy luận để phá án, nghiên cứu từng câu từng chữ, mất có một buổi chiều mới có thể hiểu được tấm in thác bản này.
Dưới đây, tôi sẽ dùng ngôn ngữ hiện địa để thuật lại tóm tắt nội dung ghi chép trên tấm in thác bản:
“Những năm Gia Tĩnh triều Minh, nạn cướp biển hoành hành nghiêm trọng phía đông nam, Âu Dương An người Hoang thôn được triệu tập nhập ngũ. Trước lúc lên đường, anh đã hẹn ước cùng người vợ mới cưới chưa được bao lâu, tết trùng dương ba năm sau sẽ trở về quê đoàn viên, nếu như không gặp được nhau, hai người sẽ cùng nhau tự tử để minh chứng. Sau đó, tết trùng dương ba năm sau đã tới, Âu Dương An vẫn đánh trận tại Quảng Đông xa xôi ngàn dặm, anh biết rằng mình chắc chắn đã không còn cách nào khác để thực hiện lời nguyện ước nên quyết tâm tự tử vì tình nơi chiến trường. Đêm tết trùng dương, quan quân và cướp biển đánh nhau ác liệt, Âu Dương An xông lên hàng đầu chiến tuyến, kết quả bị vô số tên bắn trúng người, ngã gục ngay tại trận địa. Nhưng Âu Dương An vốn không chết trận, chỉ là bị thương nặng hôn mê đi mà thôi, sau đó anh được ngư dân cứu mạng. Khi Âu Dương An thương tích đầy mình trở về nhà, quan quân và cướp biển lại chiến đấu quyết liệt, một tên thủ lĩnh cướp biển bị thất lạc đội ngũ đang tháo chạy, đúng lúc đó chạm mặt Âu Dương An trên đường. Âu Dương An một đao chặt rời đầu thủ lĩnh cướp biển, không ngờ nhờ đó mà lập nên công lớn, được triều đình ban thưởng cho một chức quan. Không lâu sau, nạn cướp biển đã được san bằng. Âu Dương An áo gấm về quê, khi anh về tới cố hương Hoang thôn thì phát hiện ra vợ mình đã làm theo lời nguyện ước, treo cổ tự tử chết trong đêm trùng dương. Âu Dương An vô cùng đau khổ, đứt từng khúc ruột, không còn cách nào để sống một mình trên cõi đời này. Nhưng anh vẫn muốn nhìn thấy vợ lần cuối nên đã âm thầm đào mộ vợ lên. Mở quan tài ra xem thì bỗng phát hiện thi thể của vợ mình hoàn toàn chưa bị phân hủy, bên cạnh còn có một chiếc sáo trúc. Vậy là Âu Dương An đã cho xây dựng nhà cao cửa rộng, khiêng quan tài của vợ về nhà. Những năm sau đó, Âu Dương An nhất mực sống ẩn dật, cất giấu quan tài của vợ trong nhà, trước và sau tết trùng dương hàng năm, tới lúc nửa đêm anh đều thổi sáo lấy ra từ trong quan tài của vợ. Cứ như vậy nhiều năm trôi qua, vào đêm 23 tháng Chạp tuyết giăng kín trời, Âu Dương An lại thổi sáo lần nữa, kỳ tích cuối cùng đã xuất hiện, những âm thanh kỳ lạ bỗng phát ra từ trong quan tài của vợ, anh mở nắp quan tài ra xem, người vợ bỗng nhiên từ từ tỉnh dậy. Âu Dương An mừng vui khôn xiết, bế vợ lên giường, ngày ngày bón cháo cho cô, người vợ rút cuộc cũng đã hồi phục sức khỏe. Người vợ sau khi sống lại vẫn trẻ trung xinh đẹp, hai người họ tận hưởng cuộc sống yên bình, thậm chí còn sinh hạ một người con trai. Sau này, con trai họ thi đỗ tiến sỹ, đứng đầu danh sách bảng vàng chốn kinh thành. Sau khi hoàng đế nghe xong câu chuyện này đã vô cùng cảm động và quyết định ngự giá ban tặng Hoang thôn một tấm bia tiết hạnh, bốn chữ “Trinh Liệt Âm Dương” trên tấm bia chính là do hoàng đế Gia Tĩnh đích thân viết tặng, chẳng bao lâu sau khi tấm bia được dựng lên, Âu Dương An và vợ gần như cùng lúc qua đời".
Đọc xong tấm in thác bản, tôi hoàn toàn kinh ngạc, trước mắt cứ hiện lên những tấm văn bia mờ ảo. Tôi dụi dụi mắt: “Tâm in thác bản này ở đâu ra?”
“Đây là một tấm bia mộ”.
“Bia mộ?” Tôi lập tức liên tưởng tới những ngôi mộ gần Hoang thôn, “Là bia mộ của Âu Dương An?”
Viện trưởng gật đầu nói: “Hai mươi năm trước, gần Hoang thôn có một ngôi mộ cổ triều Minh bị bọn đào trộm mộ xâm phạm. Thầy giáo tiểu học của Hoang thôn Âu Dương tiên sinh đã báo án, đội khảo cổ lập tức đến tiến hành khai quật khẩn cấp, Âu Dương tiên sinh là hậu duệ của chủ ngôi mộ, cũng là người báo án, thế nên ông đã cùng đội khảo cổ khai quật mộ cổ, lúc đó tôi cũng có mặt tại hiện trường. Khai quật khảo cổ phát hiện, trong mộ mai tàng hài cốt của một đôi nam nữ, còn có cả một bia mộ chí được đưa tới viện bảo tàng thành phố cất giữ, lúc đó tôi đã in một thác bản này để bảo tồn trong viện bảo tàng thị trấn, chính là cái mà anh đang xem đây”.
Hài cốt của một đôi nam nữ? Vậy đó chính là Âu Dương An và Yên Chi rồi? Hóa ra là họ thực sự tồn tại, đến cả xương cốt cũng phát hiện thấy rồi, nghĩ tới đây mà tôi nổi da gà: “Trong một còn có thêm phát hiện gì không?”
“Đa số những lễ vật mai táng đền đã bị đạo tặc lấy đi. Nhưng tại hiện trường khai quật còn phát hiện thêm một chiếc sáo trúc được đặt cạnh bộ xương của chhu3 mộ, bảo tồn khá hoàn hảo”. Viện trưởng bất giác thở dài: “Đáng tiếc là, hiện trường khai quật lúc đó rất hỗn loạn, chúng tôi không khống chế tốt cục diện, chiếc sáo đó sau khi được khai quật không lâu đã mất tích một cách thần bí, đó là đáng tiếc lớn nhất trong lần khai quật đó”.
Chiếc sáo của mấy trăm năm trước? Sống lưng tôi đã lạnh toát: “Viện trưởng, Âu Dương tiên sinh đã xem qua bia mộ đó chưa?”
"Ong6 ấy đương nhiên là có xem rồi, ông ấy là hậu duệ của chủ mộ và đã cùng tham gia trong cả quá trình khai quật, lúc làm bản photo tấm in thác bản này ông ấy cũng ở lại giúp đỡ. Tôi nhớ ông ấy lúc đó vô cùng kinh ngạc, bởi vì nội dung chép trên tấm bia mộ này đều hoàn toàn không có trong truyền thuyết của tấm bia tiết hạnh Hoang thôn”.
“Cũng tức là truyền thuyết về Yên Chi?”
"Đúng vậy, Hoang thôn cùng với rất nhiều vùng lân cận đều lưu truyền câu chuyện về Yên Chi, truyền thuyết này có mười mấy phiên bản, hầu hết đều mang màu sắc thần bí kỳ dị, mọi người tin rằng hồn ma của Yên Chi vẩn nghiễm nhiên tồn tại. Nhưng tấm bia mộ của Âu Dương An được khai quật lên khiến tất cả những truyền thuyết khác đều trở nên mờ nhạt. Có lẽ, chỉ có thể phát hiện chân tướng từ trong mộ".
“Ông có tin những ghi chép trên tấm bia mộ là thật không?”
“Không biết, nhưng từ góc độ nghiên cứu lịch sử cho thấy độ tin cậy của bia mộ cao hơn rất nhiều so với tài liệu văn hiến, càng cao hơn rất nhiều các truyền thuyết dân gian. Bởi vì người chết và mộ phần không biết nói dối”. Truyện "Quán Trọ Hoang Thôn "
Người chết và mộ phần không biết nói dối? Đúng vậy, trên thế giới này chỉ có người sống mới biết nói dối. Bỗng nhiên, tôi thấy mình như rơi xuống đáy vực sâu thẳm “La sinh môn” của Akira Kurosawa.
Khi quay đầu lại, tôi mới phát hiện ra đã là năm rưỡi chiều, đã lỡ mất chuyến xe cuối cùng trở về Thượng Hải.
Vội vã rời khỏi viện bảo tàng, sắc đêm đã bao trùm thị trấn Tây Lãnh. Một làn gió lạnh thổi qua, tôi ngửi thấy rất nhiều mùi khói đốt, trước cửa mỗi hộ gia đình đều đang đốt tiền vàng mã, thậm chí còn có thể nhìn thấy một số bài vị của tổ tông nhà họ.
Trời ơi, tôi ở Hoang thôn tới mức mộng mị rồi, hôm nay là ngày 23 tháng Chạp, dương lịch là ngày 29 tháng 12, ngày mai chính là đêm trừ tịch. Trong phong tục truyền thống của người Trung Quốc, ngày 23 tháng Chạp là ngày lễ bái tổ tông, nhà nhà đều phải đốt tiền giấy, dập đầu bái lạy tổ tông.
Tôi lập tức nhớ tới tấm bia mộ đó, năm đó Âu Dương An đã thổi chiếc sáo thần bí trong đêm 23 tháng Chạp và đã làm cho Yên Chi sống lại. Và hôm nay chính là ngày 23 tháng Chạp, chiếc sáo thần bí đó giờ đây đang ở trong tay cha của Tiểu Chi, mẹ cô ấy cũng mất từ lâu rồi. Âu Dương tiên sinh là hậu duệ của Âu Dương An và Yên Chi, có phải ông ấy muốn lập lại kỳ tích của tổ tiên để tiếng sáo đêm 23 tháng Chạp thức tỉnh âm hồn của người vợ?
Phút chốc, tôi ra một quyết định – lập tức trở lại Hoang thôn, tôi nhất định phải vén mở bức màn bí mật này.
Bến xe thị trấn Tây Lãnh đã không còn một bóng người từ lúc nào rồi, tôi đành phải móc đèn pin ra, lần theo con đường hướng về Hoang thôn bộ hành trên những ngọn núi hoang vu.
Sau hai tiếng đồng hồ, lúc tôi đã đặt chân tới Hoang thôn bỗng nghe thấy tiếng sáo kỳ dị, giống như thủy triều trong đêm đen đang dâng lên, chầm chậm ập vào tai tôi. Trong tiếng sáo đáng sợ đó, tôi thở dốc chạy về phía Hoang thôn, lờ mờ nhìn thấy một tấm bia đá khổng lồ, giống như một tòa lâu đài sừng sững trong bóng đêm – tới Hoang thôn rồi.
Tức khắc, tiếng sáo trên núi lại dần dần mất đi, tôi chạy thẳng một mạch tới trước cổng “Tiến Sỹ Đệ”.
Cổng chính không khóa, tôi lập tức xông vào. Đèn pin soi vào bóng tối đặc quánh của ngôi nhà cổ, hình như có một tầng khói sương đang bay lượn, tim tôi càng đập càng nhanh, trong tiền sảnh tối om hình như không có người, tôi chuyển tới sân sau, cả ngôi nhà cổ “Tiến Sỹ Đệ” tĩnh mịch như đã chết.
Tôi xông vào phòng Tiểu Chi tối đen, đèn điện không tài nào bật sáng được, đành phải lấy đèn pin soi, đến cả một bóng ma cũng không có. Sau khi bước ra tôi mới nhìn thấy, trên căn gác tôi từng ở sáng ánh đèn leo lắt.
Tôi lập tức bước lên căn gác đó, khẽ đẩy cửa căn phòng tôi đã từng ở, lại là ngọn đèn dầu đó, ánh lửa lập lòe chiếu sáng căn phòng tăm tối, bên kia tấm bình phong sơn mài, tôi nhìn thấy một bóng thiếu nữ.
“Tiểu Chi!”
Tôi lập tức lao tới phía sau bình phong, quả nhiên là cô ấy, cô ấy mặc một chiếc áo ngủ màu trắng, xõa mái tóc dài đen bóng, thẫn thờ nhìn những bức vẽ trên bức bình phong. Tôi vịn vào bờ vai lạnh ngắt của cô ấy,cô ấy từ từ quay đầu lại, khuôn mặt xinh đẹp dưới ánh nến âm u trông thật đáng thương. Nhưng đôi mắt của cô ấy vẫn cô hồn, thẫn thờ nhìn tôi, rõ ràng là lại mộng du rồi.
Tôi lắc lắc vai cô ấy nói: “Cô tỉnh lại đi”.
Tiểu Chi không trả lời, chỉ chớp chớp mắt giống như viên đá quý mà đen tỏa ra ánh sáng lấp lánh.
Tôi nhìn bức tranh cuối cùng trên bình phong nói: “Có lẽ cha cô chưa từng nói với cô về câu chuyện của Yên Chi thực ra vẫn còn một phiên bản được đào từ dưới mộ lên”.
Cô ấy sững ra một lúc, từ từ quay đầu lại nói: “Hồn ma trở về?”
Tôi bỗng chốc ngớ người ra, hình như tiếng của cô ấy không được phát ra từ miệng mà là trực tiếp chui vào trong não tôi, không… giọng nói của cô ấy không giống Tiểu Chi! Hìn như đến cả đôi mắt cũng có chút không giống.
Ánh đèn dầu mù mờ rọi lên mắt và tóc cô ấy, lên cả áo ngủ trắng toát trên người cô giống như cố nhân bước ra từ tấm bình phong.
Lúc này tôi mới phát hiện ra, cô ấy vốn dĩ không phải là Tiểu Chi.
Bờ vai cô ấy lạnh toát nhường vậy, ánh mắt kỳ dị nhường vậy, tôi cảm thấy sợ hãi thấu tận xương tủy, lùi lại một bước thật rộng: “Cô rút cuộc là ai?” Truyện "Quán Trọ Hoang Thôn "
“Cô ấy là mẹ của Tiểu Chi”.
Một giọng nói khàn khàn bỗng cất lên sau lưng khiến tôi dựng cả tóc gáy, dưới ánh đèn dầu âm u, khuôn mặt trắng bệch hốc hác của Âu Dương tiên sinh đột ngột hiện lên.
Ông bước tới cạnh người phụ nữ, trên tay còn cầm cả chiếc sáo thần bí, lạnh lùng nói: “Cậu đã nhìn thấy cảnh tượng không nên nhìn thấy”.
Tôi run rẩy lắc đầu nói: “Thế là thế nào? Mẹ của Tiểu Chi không phải đã chết từ lâu rồi sao?”
Âu Dương tiên sinh rầu rĩ nói: “Hai mươi năm trước, khi Tiểu Chi mới ra đời chưa được bao lâu, tôi đi công tác xa một thời gian dài, khi tôi trở về thì mẹ của Tiểu Chi đã lâm bệnh qua đời rồi. Nhưng tôi không tài nào chấp nhận được việc cô ấy đã chết, cuộc đời tôi không thể mất cô ấy, tôi đau khổ khôn cùng, không muốn một mình sống trên cõi đời này nữa. Không lâu sau, ngôi mộ cổ của tổ tiên chúng tôi bị đào trộm, tôi cùng đội khảo cổ đã đào được chiếc sáo thần bí này, tôi âm thầm cất giấu nó đi rồi nghiên cứu tấm bia mộ đó. Câu chuyện của tổ tiên đã cho tôi một gợi ý lớn, tôi tin rằng chỉ cần làm theo cách được ghi chép lại trên bia mộ thì vợ tôi sẽ nhất định trở về bên tôi”.
“Thế nên bác mới thường xuyên lên núi thổi sáo lúc nửa đêm?”
“Đúng thế, cậu có biết phép thuật của chiếc sáo này không? Nó có thể đem người mà cậu yêu thương trở về bên cậu. Đúng vậy, cô ấy đã trở về rồi”. Ánh mắt và khẩu khí của ông càng lúc càng dồn dập, nhẹ nhàng vuốt tóc người vợ đang ở bên, “Mỗi khi tôi thổi sáo lúc nửa đêm, cô ấy sẽ âm thầm lặng lẽ đến “Tiến Sỹ Đệ”. Tuy tôi đã dần dần già đi, nhưng cô ấy mãi luôn trẻ đẹp. Tiếng sáo thê lương lúc nửa đêm dẫn cô ấy về nhà, cô ấy chải tóc trong phòng, đi dạo trong sân, đây chính là hốn ma trở về”.
Tôi lại nhớ tới bức ảnh lúc mẹ Tiểu Chi còn sống trong căn phòng của cô ấy,rõ ràng là giống hệt cô ấy, thảo nào khiến tôi tưởng lầm đó là Tiểu Chi. Lúc này, tôi nhìn đôi vợ chồng người ma trước mặt, người vợ trẻ trung xinh đẹp ngẩng đầu lên nhìn người chồng đã già cả héo hon, ánh mắt đó khiến tim ta vỡ vụn. Ông ấy yêu cô ấy sâu đậm, bất luận là cô ấy còn sống hay đã chết, dù là người ma âm dương ngăn cách nhung ông vẫn khát khao người mà mình yêu thương trở về nhà. Âu Dương tiên sinh chậm rãi nói: “Nước của biển mới thực sự là nước. Mây vu sơn mới thực sự là mây”. Truyện "Quán Trọ Hoang Thôn "
Lòng tôi cũng xót xa, đây là câu thơ trong bài thơ “Xa nhớ” của Nguyên Chấn sáng tác để tưởng nhớ người vợ, nhưng tôi lại nhớ tới Tiểu Chi: “Tiểu Chi thì sao? Cô ấy đâu rồi?”
Âu Dương tiên sinh không trả lời, mắt ông đột ngột trợn tròn lên, giơ tay về phía sau lưng tôi.
Trong giây phút tôi đang chuẩn bị quay đầu lại, cơn mộng mị lập tức ào tới, trước mắt chỉ có tấm bình phong cổ đang phản chiếu ánh đèn dầu êm u. Người phụ nữ triều Minh đang thổi chiếc sáo trên tay.
Trong tiếng sáo du dương cổ xưa đó, một vùng nước biển tối đen bao trùm lấy tôi cho tới khi mất hết mọi nhận thức
- 🏠 Home
- Linh Dị
- Trinh Thám
- Quán Trọ Hoang Thôn
- Chương 34: Hoang thôn (4)