- 🏠 Home
- Cổ Đại
- Quan Quan Tương Hộ
- Chương 2
Quan Quan Tương Hộ
Chương 2
Hai
Mặc dù hai nhà Đường Nhan là thông gia tốt của nhau, nhưng sau khi tới báo danh, Đường Cần Thư chỉ làm đủ lễ phép chào hỏi giữa thân thích họ hàng xa, chứ sau đó hoàn toàn không hề lui tới thêm gì cả.
Thế nào là thông gia tốt nhỉ? Nghĩa là không những hai nhà được liên kết bởi một mối hôn nhân, mà quan hệ giữa hai gia đình còn phải tốt đẹp thuận hòa, con trai con gái cũng có thể chơi đùa với nhau thoải mái không cần quá mức giữ kẽ... Nên nhớ điều này không phải dễ dàng trong bối cảnh các gia đình quý tộc thế gia lớn, luôn chú trọng việc trai gái quá bảy tuổi là không được ăn cùng một mâm ngồi chung một bàn.
Cha của Nhan Cẩn Dung và cha của Đường Cần Thư là chính là dạng chơi thân với nhau quấn quít như mật đổ thêm dầu vậy đó. Ông Đường tự xưng mình là nho tướng, ông Nhan thì vốn là văn nhân nhưng tự xưng võ nghệ cao siêu, trong lòng có ngàn binh mã. Trên thực tế, đấy là hai gã lông bông đầu óc hồ đồ, đánh nhau vỡ đầu rồi thân nhau cả đời từ nhỏ tới lớn, hai nhà do đó cũng chơi thân với nhau. Nếu không, anh cả của cô đã không cưới chị dâu nhà họ Nhan - hoàn toàn dựa vào mối thân tình thanh mai trúc mã này cả.
Có thêm mối liên hệ hôn nhân đó, dĩ nhiên hai gia đình càng thêm thân thiết. Từ khi Đường Cần Thư còn chưa biết đi vững đã quen Nhan Cẩn Dung hay đến nhà mình chơi rồi.
Theo lý mà nói, nếu đã là hai gia đình chơi thân với nhau, thêm một đôi thanh mai trúc mã nữa cũng tốt mà? Hồi đầu tiên khi hai đứa còn nhỏ, Đường Cần Thư quá đỗi yên lặng nên trong đám chị em họ hàng hoàn toàn không có gì nổi bật. Còn về sau khi cả lũ đều trưởng thành, chả hiểu sao lại loáng thoáng tin đồn rằng Nhan Cẩn Dung hình như có tính xấu gì đó... Thế là càng thêm chẳng có động tĩnh gì nữa cả.
Cái gọi là tính xấu ấy mà, Đường Cần Thư không biết có nên gọi là tính xấu hay không nữa. Gã anh họ xa không có quan hệ ruột thịt tí nào này của cô ấy à, hồi bé toàn thích chơi cùng các bé gái, lớn lên rồi, cũng chỉ thích chơi với các bé gái. Cái gọi là bé gái, nghĩa là chỉ các cô bé con mềm mại xinh xắn, chỉ từ bảy tuổi trở xuống mà thôi.
Còn "chơi", thì thật sự là chơi đùa ấy, hoàn toàn không phải mấy thứ này kia mà người ngoài nói bậy nói bạ đâu. Gã ta chỉ là thích ôm cô bé con một cái, rồi thì chơi dây hay đá cầu với bé con một chút, hay là chải đầu cho bé con này, hớn ha hớn hở bưng áo váy trang sức ra mà trang điểm phối đồ cho các bé con để ngắm cho đã mắt này...
Còn với đám con gái từ bảy tuổi trở lên ấy thì, gã vẫn đối xử một cách thật sự lễ độ nho nhã... nói cách khác là lạnh lùng khách sáo.
Thế là thôi, bị người ngoài loan truyền đồn nhảm loạn xì ngầu. Thích các cô gái mười mấy tuổi gọi là giai thoại phong lưu, chứ thích các cô bé gái sáu bảy tuổi thì sẽ bị gọi là bỉ ổi vô liêm sỉ, danh tiếng trở nên xấu xa hư thối.
Mặc dù cô biết sự thật cụ thể ra sao, cũng không phải là không đồng tình anh ta. Cơ mà cô biết nhà họ Nhan thiếu điều lo lắng tới trọc đầu nát gan nát ruột vì anh ta, nên việc gì cô phải nhào vào góp dầu vào lửa gây chuyện không đáng kia chứ?
Phải giữ kẽ thôi, không nên làm bừa.
Cơ mà, cô mới tới huyện Đào Nguyên chưa lâu, còn may có một ông anh họ ở đây làm chủ bộ, cho dù chỉ là quan cửu phẩm tép riu, cũng coi như là "có người quen làm ở trển" đi ha.Cô đâu phải đứa ngô nghê mới ngày đầu bước vào chốn quan trường, nên rất hiểu cái lẽ "Có người quen thì không sao, Người quen không có là sao tới liền". Nếu không đương yên đương lành cô bỗng được bổ nhiệm đến huyện Đào Nguyên, e là sẽ bị xa lánh khá lâu mới có thể hòa nhập với xung quanh được. Còn bây giờ, các đồng nghiệp của cô có thể vui vẻ hòa nhã nói chuyện, cấp trên không gây sự, thậm chí còn ưu ái mà phân công cho cô một khu nhà nhỏ có sân riêng ở phía sau nha môn... Đãi ngộ vô cùng tốt đẹp.
(Câu "Có người quen thì không sao, Người quen không có là sao tới liền", bạn editor chém gió từ câu nguyên văn "Có quan hệ thì không quan hệ, không quan hệ thì có quan hệ" mang tính chơi chữ nhẹ nhàng: không quan hệ = không sao, không việc gì; có quan hệ = có sao =)). Ý là có quan hệ quen biết thì không sao, còn nếu không có quen biết ở nơi công tác thì sẽ có sao :)) )
Tất thảy là nhờ việc cô có một ông anh họ làm chủ bộ.
Hơn nữa nghe đâu gã anh họ chủ bộ này còn rất khéo léo trong giao tiếp lẫn công việc, nên ngài Huyện lệnh vô cùng nể trọng, ngay cả Huyện thừa cũng không có trọng lượng bằng... Chỗ dựa cây cao bóng cả đến thế, vô cùng đáng giá được đối xử một cách chu đáo lễ độ, ngày lễ ngày tết là phải lễ lạt này kia.
Tuy mới vào nha môn huyện, nhưng ít ra cô hoàn toàn không khiến cái "cây cao bóng cả" kia phải mất mặt.
Mặc dù vị quan nương họ Đường này không giống hai cô nữ lại ở nha môn hồi trước - người ta chỉ làm công việc giấy tờ nhẹ nhàng, mỗi lúc uống trà là phải nhón tay vén áo dịu dàng tao nhã - còn cô thì nhanh chân nhanh tay, lại còn thông minh lanh lợi. Nên ban đầu họ chỉ coi cô như một kẻ chạy chân vặt vãnh mà sai bảo. Ai dè cô lại tỏ ra vô cùng có ích.
Mấy chuyện lặt vặt khắp các ban bộ sáu tào, việc gì cô cũng có thể làm, cái gì cũng hiểu rõ rành mạch, đã thế còn không ngại ra ngoài công tác, bảo đi là đi ngay được. Chỉ thế thôi đã khiến cho người ta thích rồi, hơn hẳn đám toan nho cậu ấm bảo làm gì cũng càu nhàu "nhục nhã, mất mặt" kia.
(Sáu tào hoặc sáu ty: cơ cấu sáu ngành trực thuộc tất cả nha môn hành chính châu quận huyện ngày xưa (thời Hán, Đường trở đi), bao gồm công, thương, hộ, binh, pháp, sĩ. Công tức các nghề thủ công, công nghiệp, thương tức thương nghiệp kinh tế, hộ tức quản lý hộ khẩu, binh tức quản lý binh lính, pháp tức quản lý luật pháp, pháp điển, sĩ tức quản lý các kẻ sĩ, việc học hành, thi cử...)
Một việc khác càng khiến cho người ta vỗ tay khen ngợi, ấy là có lần cô ra ngoài làm việc với đám bộ khoái để điều tra một vụ trộm cướp. Ai dè bộ đầu có mắt lửa ngươi vàng như lão Tôn, phát hiện ra đám trộm cướp lại đứng trong đám người đứng ngoài vây quanh hóng hớt. Ai mà ngờ chứ, lúc tên đầu sỏ suýt nữa thì chạy thoát, cô nàng quan nương phụ trách ghi chép này lại vung đao trong tay, lao ra như một tia chớp mà quật ngã tên đó rồi nhanh chóng phi người lên ngựa đuổi theo như bay đập lia lịa đám lau nhau đang định tẩu thoát, bắt gọn cả đám nên cả đội lập công lớn.
Đã thế người ta còn vô cùng khiêm tốn, trong công văn câu nào câu nấy đều nghiêm túc khen ngợi đội ngũ bộ khoái rồi thì bộ đầu giỏi giang, còn công lao của chính mình thì chỉ lướt thoáng qua vài chữ mà thôi.
Muốn văn có văn, muốn võ có võ, tính tình lại rất là tốt bụng. Người như thế, từ cấp trên tới đồng nghiệp ai mà chả thích? Sau đó, lại có người từ huyện Sơn Câu tới chơi, hỏi thăm vài câu mới biết vị quan nương này cực kỳ nổi tiếng ở vùng đó. Thậm chí cấp trên cũ của cô ấy, Bành tri huyện có thể thăng chức thuận lợi thật ra là cũng nhờ có cô ấy hỗ trợ cả.
Huyện Sơn Câu là chỗ như thế nào? Cái huyện nhỏ tí như mắt muỗi, thuộc tầng lớp thấp của thấp, thật sự thuộc về vùng sâu vùng xa núi cao đèo sâu, nghèo rớt mùng tơi, đến mức cả cái huyện chỉ có một hai con phố, cả cái huyện chỉ có hai người có ngựa để cưỡi là Huyện lão gia và cô quan nương họ Đường này. Cái loại địa phương chó ăn đá gà ăn sỏi ấy, trừ Huyện lão gia ra còn thì toàn bộ bộ máy vận hành từ huyện thừa tới chủ bộ đều 'khuyết danh' hoặc là 'kiêm chức' vì chẳng ai muốn đến. Chức quan còn thiếu thốn đến vậy nói gì đến chức lại, chỉ có hai chữ để miêu tả: "thê thảm"!
Huyện lão gia cùng lắm là cầm được cây chổi quét dọn hót rác, đã là bận đến cuống quýt quay cuồng. Nên Đường quan nương thuận tay hay việc toàn bộ sáu tào âu cũng là điều bắt buộc - Huyện lão gia chỉ đọc được mấy chữ viết to rõ ràng, kiểu như chữ trên hoành phi cửa phòng cửa nha môn ấy, trong khi cô là kẻ duy nhất trong toàn bộ nha môn nhậm chức nhờ kết quả thi đỗ đường đường chính chính, cũng có nghĩa là vị lại quan có học vấn tốt nhất nha môn.
Huyện nghèo lọt thỏm giữa núi cao đèo sâu, vị nữ lại có tuổi tác quá là trẻ, thế mà vẫn cưỡi ngựa đi trông coi việc cày bừa mùa xuân thu hoạch mùa thu, thậm chí lúc đi giúp đỡ dân chúng thu hoạch mùa thu còn bị lũ lụt núi lở lấp đường bị ngăn lại trong thôn trên núi vài ngày. Nghe đâu cả ngọn đồi đều bị sạt lở hết cả, là thiên tai cỡ nặng đó! Một vị quan nương trẻ tuổi non nớt như thế mà lại có thể trấn an trăm họ, đánh đuổi lưu dân, lại còn cầm tiền riêng của mình mà quyên góp hỗ trợ xử lý hậu quả thiên tai và sửa đường sửa núi bị sập...
Nhờ có cô ấy xử lý mọi việc chu đáo, nên Bành huyện lệnh vốn ngỡ mình sẽ bị cách chức phạt nặng ai dè lại được khen ngợi mà lên chức. Làm cấp trên, ông ấy đã cố hết sức giúp đỡ cô, nghĩ đủ cách để có lệnh trên điều cô rời khỏi vùng núi cao xa xôi nghèo đói này. Con gái con đứa mà cứ ở tít trong thôn trong núi sơn cùng thủy tận như thế đâu có được, sau này tìm chồng cũng không được hay cho lắm.
Câu chuyện khiến cho người trong huyện Đào Nguyên càng thêm tò mò tợn. Anh nói xem, vị quan nương họ Đường này rốt cuộc có gia thế xuất thân ra làm sao nhỉ? Có một người anh họ như Nhan chủ bộ, chắc hẳn gia đình cũng không đến nỗi tệ chứ? Tại sao lại đến cái huyện khỉ ho cò gáy kia như thể bị lưu đày thế hả? Không cần đi cũng được chứ sao? Ai chả biết, nữ lại chỉ là tấm bình phong mà nữ hoàng đế trưng ra cho đẹp mắt, không biết bao nhiêu người con gái đi thi đỗ nữ lại để có thêm một thân phận cao quý hơn để dễ gả chồng, sau đó nếu bị phân công đến nơi nào thảm thiết quá thì cũng đầy lý do lý trấu mà trốn tránh nhậm chức.
Vẻ ngoài không có gì để bới móc, học thức càng không có gì có thể bới móc. Bạn bảo cô ấy cồng kềnh thô lỗ nên mới ai thèm lấy ư, đừng nhầm, người ta vâng dạ chu đáo lễ nghĩa một hai, lời nói thưa gửi dịu dàng hòa nhã. Cô ấy cũng đã từng thay nữ trang thường ngày đi dự tiệc, không ai không khen một tiếng yểu điệu thục nữ, thậm chí nghe nói cầm kỳ thư họa cũng đều đâu ra đó cả.
Nói thật nhé, tuy huyện Đào Nguyên tốt hơn huyện Sơn Câu thật, nhưng cũng chỉ tốt hơn một chút nho nhỏ mà thôi. Một cô gái con nhà lành như Đường quan nương, đứng giữa huyện Đào Nguyên chả khác nào phượng hoàng vàng đứng giữa nông thôn, không hề hợp lẽ hợp mắt.
Cái huyện này nhỏ xíu xìu xiu chả có gì hay ho giải trí, nên ai cũng đều thích tán phét hóng chuyện nhà nọ nhà kia. Thế nên vị Đường quan nương nọ quả thực cũng làm đầu đề câu chuyện khi nhàn rỗi cho dân chúng trong huyện khá lâu. Nhan chủ bộ thì kín miệng lắm chả nói thêm gì, nên ai nấy chỉ có cách mặc cho trí tưởng tượng bay cao bay xa, vẽ ra một bộ huyền thoại truyền kỳ đầy ân oán tình thù của quý tộc hào môn. Nào là Đường quan nương chỉ là con vợ lẽ, nếu không thì cũng là con vợ cả mẹ đẻ mất sớm cha lại tục huyền, chuyện nào chuyện nấy đều bi thương réo rắt lệ ướt vạt áo, không phải bị mẹ cả chèn ép thì cũng bị mẹ kế bắt nạt không cách nào sống nổi nên mới cam tâm đi nhận chức ở chốn vùng núi xa xôi hiểm trở như vậy.
Đường Cần Thư nghe vậy, chỉ cười thầm.
Mẹ cô là một người phụ nữ cực kỳ truyền thống tam tòng tứ đức nhu nhược nép vào chồng, lấy đâu ra mẹ cả chèn ép hay mẹ kế bắt nạt kia chứ... Cô là con vợ cả đó nha. Nếu nói tới nguyên do, thì chỉ có thể nói là tuổi trẻ nóng tính, không cam lòng số phận, cứng đầu làm ngược ý người lớn mà thôi. Mà cái người lớn thật sự tranh cãi ầm ĩ với cô ấy, chính là cha ruột cô vậy.
Nói đi nói lại, cũng chỉ là chuyện cưới xin này nọ.
Năm cô mười hai tuổi, ông nội cô ốm nặng, có nhà họ Khương tới cầu hôn, cố nài xin đổi thϊếp canh trước khi ông nội cô nhắm mắt. Nội cô mất, cô theo cả nhà về quê chịu tang, vốn là chờ đủ mười lăm tuổi mãn tang sẽ thành hôn.
Cô chịu tang ông nội, cách một đời nên chỉ cần chịu tang trong một năm. Ở quê vô công rồi nghề, cô cùng mấy chị em cùng tộc hùa nhau đi thi nữ lại, xong may mắn sao đó mà thi đỗ.
Kết quả, kinh thành gửi thư, bảo rằng công tử nhà họ Khương có cậu con trai trưởng do nàng hầu sinh ra vừa tròn một tuổi, mở tiệc ăn mừng suốt ba hôm liền.
Đúng rồi, công tử nhà họ Khương ấy là chồng chưa cưới của cô đó. Bấm tay tính thử ngày tháng, hẳn là khi đó nàng hầu của cậu Khương đó vừa có thai nên sợ quá vội vàng cố nài ép đính hôn với cô.
Đây là gì, là lừa gạt người ta kết hôn đó!
Họ cho là cô về quê chịu tang cùng cha mẹ ba năm, chờ khi biết sự thật e là đã ngoài tầm tay với nên có thể an tâm. Gia đình như thế, làm gì còn cái gọi là quy củ, cuộc sống tương lai của cô phải làm sao?
Cô muốn từ hôn, nhưng cha mẹ cô dù tức giận tới mấy cũng không chịu. Cãi vã tranh luận không có hiệu quả, cái tính cứng đầu của cô mới trỗi dậy, nhất quyết đòi đi làm nữ lại... cuối cùng bị cha ruột đuổi ra khỏi nhà.
Đến quần áo bên người còn không cho cô cầm theo, thị nữ hầu gái cũng không cho cô một đứa. Cuối cùng, là ông anh trai hơn cô chục tuổi chạy theo đuổi kịp, cho cô một con ngựa, một túi bạc, thậm chí tiện tay cởi bội đao bên hông đưa cho cô dùng.
"Ra ngoài đi xem khám phá khắp nơi cũng tốt." Đại ca thở dài. "Con gái con đứa như em, biết nhiều hiểu rộng hơn cũng tốt. Chờ tới đó rồi, anh sẽ gửi em vài người..."
"Em cóc cần." Cô gái trẻ tuổi nóng tính là cô từ chối đầy kiêu ngạo. "Nếu thế cha sẽ trút giận lên anh mất. Cha chắc chắn là em không chịu được khổ thì sẽ về nhà van vỉ xin tha chứ gì? Em thà chịu khổ hai năm, còn hơn chịu khổ cả đời."
Có khổ không nhỉ? Có chứ, thật ra thì khổ lắm, cô cũng từng lén khóc lén hối hận. Vốn là tiểu thư trâm anh, váy áo lụa là, cơm ngon vật lạ, giờ như từ đám mây rơi xuống vũng bùn, chứng kiến lẫn trải qua cuộc sống cơ hàn nghèo đói của đám dân nghèo hạ tiện.
Nhưng dường như đã chứng kiến nỗi khổ sở tột cùng nhất, nên giờ đây cô cảm thấy cuộc sống hiện tại dường như đang chìm trong hũ mật, mỗi ngày đều cảm thấy ngọt ngào.
Ta chính là nữ lại, là quan nương. Không phải là đám rỗi hơi vô tích sự chỉ biết ngồi im chốn khuê phòng mà thương xuân khóc thu, mà là một người có ích trong cuộc sống.
Thật ra, cô quả là thỏa mãn với hiện tại.
Căn nhà nhỏ của cô tuy hơi rách nát, phần tường rào chia cách với nhà hàng xóm thậm chí bị vỡ một khúc nên chỉ còn cao tới ngực. Nhưng mà tình quê nghèo thật thà đôn hậu, hàng xóm không biết là vị đồng nghiệp nào, nhưng cũng chẳng sao. Lúc còn ở huyện Sơn Câu, đằng sau nha môn còn rách rưới hơn nhiều, số phòng có thể cư ngụ được cực kỳ ít ỏi, nên cô ở một mình một phòng nhỏ, ngay bên cạnh là một gia đình bốn miệng ăn... Còn chẳng sao nữa là.
Trong sân tuy nhỏ, tuy thi thoảng mưa thì bị ngập, nhưng lại có một cái giếng nước trong, có thể trồng ít rau xanh, chứng tỏ cô được chiếu cố rất nhiều.
Cô suиɠ sướиɠ dạo quanh thăm thú luống hành luống hẹ xong xuôi, đang định đi múc nước giếng đổ đầy lu nước trong bếp... thì thấy sân nhà bên bốc khói mù mịt.
Mặc dù cô không có khinh công vượt tường đạp mái, nhưng vẫn có thể miễn cưỡng chống tay lên bờ rào thấp thấp mà nhảy qua.
***
Hãy tung hoa chào mừng bạn editor vượt lười vượt khó làm truyện đi nào ahihi...
Tung hoa chào mừng anh hùng Cần Thư và mỹ nhân Cẩn Dung đi nào ahihi...
Em cứ việc ra ngoài xông xáo, anh phụ trách xinh đẹp như hoa, cu pồ mỹ nhân và quái thú đã xuất hiện =)))))))))
Tôi đang lảm nhảm gì thế này zời ạ!
- 🏠 Home
- Cổ Đại
- Quan Quan Tương Hộ
- Chương 2