Chương 4: Chân Long Thiên Tử
Tuy chiến tranh loạn lạc kéo dài suốt hai mươi năm nhưng Hoàng thượng giống như rau hẹ* vậy, cắt một bó thì sẽ có một bó khác mọc lên. Rất nhiều người không thèm để Hoàng thượng vào mắt, càng không tin vào cái gọi là Chân Long Thiên Tử.
(*Ý nói là nhiều nhan nhản)
Ví dụ như Hứa Kinh Hoa, nàng luôn âm thầm phản nghịch, không gọi là Hoàng thượng hay bệ hạ mà gọi là lão Hoàng thượng. Nhưng trong lòng lớp người Hán như Hứa Tuấn vẫn cho rằng thiên tử họ Lưu chính là Chân Long.
Họ luôn tin rằng dòng dõi triều đình nhà Lưu đã lui về phía nam Hoài Thủy. Họ mong triều đình tấn công lên phía bắc, khôi phục non sông, bình định thiên hạ, trả lại cuộc sống bình yên cho dân chúng.
Hoàng đế họ Lưu cũng không làm họ thất vọng. Nay non sông được khôi phục, thiên hạ thống nhất trở lại. Hứa Tuấn vô cùng sùng bái thiên tử, còn hơn cả Thần Phật ở trong miếu. Vì thế vừa nghe Hoàng thượng đến, ông phấn khích tới mức cả người run lên, xém thì đứng không vững.
Hứa Kinh Hoa đỡ lấy ông, đi theo sau Tề Vương đến cửa điện để nghênh tiếp Thánh thượng. Mặc dù nàng chưa bao giờ gặp người trong hoàng thất, nhưng từ nhỏ đã được nghe kể rất nhiều câu chuyện.
Hoàng thượng trong những câu chuyện đó đi đến đâu cũng có rất nhiều tuỳ tùng theo sau, còn phải “tung hô vạn tuế”.
Nhưng không ngờ Hoàng thượng chân chính chỉ có hai, ba người theo hầu, mấy người đó còn đi theo Hoàng thượng vào trong điện. Trong hai, ba người kia, có một người là Đại Điện hạ đã lui ra ngoài từ nãy.
Bạch đại thúc đã nói không thể nhìn thẳng vào mặt Hoàng thượng một cách tuỳ tiện, đó gọi là xúc phạm long nhan. Cho nên Hứa Kinh Hoa không dám nhìn mặt Hoàng thượng, nàng đưa mắt nhìn qua rồi thôi. Thấy Hoàng thượng mặc long bào màu vàng bước tới, nàng đỡ cha quỳ xuống.
“Mau đứng lên, miễn lễ. Tiểu Ngũ tới giúp một tay đi.” Thái hậu nói.
Giọng nói của Hoàng thượng hào sảng, hình như ngài còn cười nữa: "Nghe nói ở cung của Thái hậu có chuyện vui nên trẫm vội vàng tới đây để chúc mừng Thái hậu.”
Ngài vừa nói vừa đi vào trong điện, Đại Điện hạ không vào theo mà đến bên cạnh cha con Hứa Kinh Hoa, nói với Tề Vương: "Ngũ thúc, cứ để ta.”
Tề Vương cười cười, hắn buông tay ra, để Đại Điện hạ dìu Hứa Tuấn còn mình thì đi vào trong trước.
“Đau lắm sao? Ta đã gọi Thái y tới, hay là để Thái y xem chân trước?”
Đại Điện hạ hạ thấp giọng, hỏi Hứa Tuấn. Hứa Tuấn được hắn đỡ đi, trong lòng ông nơm nớp lo sợ, không nói nên lời.
Hứa Kinh Hoa bèn trả lời thay: "Đa tạ Đại Điện hạ. Có điều, Hoàng thượng đang ở đây. . .”
Trong điện, Thái hậu đang trả lời Hoàng thượng: "Đúng là có chuyện vui, nhưng Hoàng thượng nói tới đây chúc mừng, sao lại đi tay không thế này?”
Tề Vương nói: "Đúng rồi, quà của hoàng huynh đâu?”
Hoàng thượng nói: "Yên tâm, trẫm có mang theo đây.” Nói rồi ngài ngồi xuống bên cạnh Thái hậu, nhìn về phía Hứa Tuấn đang được Đại Hoàng tử và Hứa Kinh Hoa đỡ vào điện: "Sao rồi? Chân còn đau nữa không?"
“Không không không không… Không… Đau nữa ạ.” Hứa Tuấn sợ tới mức dừng lại, lắp bắp nói. Thái hậu vừa mới tìm được đứa nhi tử đã thất lạc nhiều năm, xót con mình vô cùng. Bà biết ông gặp được Hoàng thượng thì sẽ rất bối rối và sợ sệt nên nói: "Con cứ ngồi ở đó đi, đừng đi lại nhiều.”
Nội thị mang ghế ra ngay lập tức, mời Hứa Tuấn ngồi xuống. Lần này ông lại không dám ngồi thật, chỉ đáp một câu tượng trưng. Hứa Kinh Hoa đứng bên cạnh cha theo thường lệ, Đại Điện hạ cũng tới đứng bên cạnh Hoàng thượng.
“Diễm Nhi nói nó đã truyền Thái y đến, hay là để Thái y khám trước?" Hoàng thượng hỏi Thái hậu.
Hứa Kinh Hoa thấy Hoàng thượng không nhìn bên này, nàng lén lút nhìn góc nghiêng của ngài. Đúng lúc Đại Điện hạ đang đứng đằng sau, hai cha con cùng nghiêng mặt, giống nhau đến bảy, tám phần.
"Xem ra Hoàng thượng cũng là một người tuấn tú.” Nàng nghĩ thầm. Thái hậu lo lắng cho chân của Hứa Tuấn nhưng cũng không thể gọi Thái y vào chẩn đoán ở trước mặt Hoàng thượng được. Nếu đến chỗ khác để khám thì Hứa Tuấn phải đi tiếp, bà sợ càng đi thì chân càng đau.
Hứa Kinh Hoa nhìn theo ánh mắt Hoàng thượng đang nhìn Thái hậu. Nàng cũng không hiểu vì sao mình chỉ nhìn thoáng qua mà đã hiểu được nỗi lo âu của Thái hậu: "Không cần gấp gáp vậy đâu ạ. Đây chỉ là vết thương cũ của cha con thôi, Thái y có khám cũng chỉ châm vài mũi rồi bôi thuốc thôi.”
Nàng bỗng nhiên nói chêm vào, không chỉ có Hứa Tuấn sợ tới nỗi hít một hơi thật sâu, mà Đại Điện hạ cũng nhìn nàng với vẻ ngạc nhiên. Lúc hắn hỏi Hứa Tuấn có muốn Thái y khám cho ngay bây giờ không, Hứa Kinh Hoa trả lời thay, cảm xúc hiện ra trên mặt hắn cũng giống như bây giờ. Thần thái cũng y đúc, như đang nói: “Ồ? Nhóc đần độn cũng có lúc thông minh thế sao?”
Hứa Kinh Hoa đã quen với kiểu kinh ngạc này, bởi vì trước đây nàng có nuôi một chó chăn cừu cực kỳ ngốc nghếch. Thỉnh thoảng con chó ngốc nghếch kia nghe hiểu và làm đúng như những gì nàng nói, nàng cũng tỏ vẻ ngạc nhiên như thế này.
“Đại Điện hạ cũng không phải người tốt đẹp gì.” Hứa Kinh Hoa ngầm đánh giá. Hứa Tuấn không biết nữ nhi ngốc nhà mình đã to gan đến mức hờn giận Đại Hoàng tử trong lòng. Ông muốn mở miệng trách cứ nàng nhưng lại không dám, đành nhìn Hoàng thượng đầy sợ hãi, sợ Hoàng thượng sẽ trách tội.
Hoàng Thượng ngoảnh lại nhìn nơi phát ra âm thanh thì thấy Hứa Kinh Hoa đang đứng đó. Ngài chẳng những không giận mà còn cười: "Đây là ái nữ của Hứa đại ca sao?”
Nghe Hoàng thượng gọi mình như thế, Hứa Tuấn sợ tới mức chân nhũn ra như con chi chi*, suýt nữa thì quỳ xuống mặt đất. Hứa Kinh Hoa nhanh tay đỡ lấy, kéo ông lên ngồi vững vàng trên ghế.
(*1 loài cá nhỏ, có thân mềm và vô cùng yếu đuối, thậm chí, chỉ cần vớt lên bờ để 1 lúc là chúng tự tan ra hết.)
"Đó là nữ nhi của Hứa Tuấn, nhưng Hoàng thượng không thể gọi thế được.” Thái hậu nói.
“Sao lại không? Nhi tử ruột của người thì chính là huynh đệ của ta. Lúc nãy người hỏi quà của ta đâu đúng không? Ta đã nghĩ kỹ rồi, nếu lần này thật sự tìm được Hứa đại ca thì ta sẽ phong huynh ấy làm Quận vương. . .”
"Không được!" Thái hậu không đợi Hoàng thượng nói xong đã cắt ngang: "Hắn chỉ là dân thường, không có công lao gì thì sao có thể phong Vương?”
“Nhưng người có công lớn với triều đình, ta hậu đãi nhi tử của người cũng không quá đáng.”
"Dù có công lao thì ta cũng được đặc cách làm Thái hậu rồi. . .”
"Sao người lại gọi đó là đặc cách? Người nuôi ta từ nhỏ, sau lại theo hầu hạ Tiên hoàng nhiều năm, sinh ra Tiểu Ngũ. Ta phong người làm Thái hậu không phải là lẽ đương nhiên hay sao?”
Hai người tôn quý nhất trên đời này cứ ngươi một câu ta một câu, tốc độ nói rất nhanh, không để đối phương nói hết câu cũng không cho bất cứ ai xen vào. Vì vậy mà Hứa Tuấn cũng bớt run rẩy hơn lúc nãy. Phong Vương ư? Thế thì chẳng khác gì tổn thọ của ông? Kẻ hèn mọn như ông nào gánh nổi phúc phận này. Tìm được mẫu thân thất lạc và tìm một người lo cho nữ nhi thật tốt là ông đã mãn nguyện rồi.
Ông lại nghe Thái hậu đáp lời: "Ta hiểu tấm lòng của Hoàng thượng, nhưng ngài không cần làm thế đâu. Thiên hạ chỉ mới bình định, biết bao nhiêu công thần tướng giỏi đổ mồ hôi xương máu trên chiến trường cũng không được phong Vương. Nếu ngài phong Hứa Tuấn làm Vương, ắt sẽ khiến các quan đại thần thất vọng. Vả lại Tiên hoàng đã từng nói rất nhiều lần, sau này tuyệt đối không được lạm dụng lệ phong Vương tước, ta không thể phá bỏ lời dặn của Tiên hoàng vì nhi tử của mình được.”
Hoàng thượng trầm tư trong chốc lát, ngài nhượng bộ: "Được rồi. Phong làm Cự Lộc* Công, hư phong**, vậy là được rồi chứ?”
(*Cự Lộc (巨鹿) là một huyện thuộc địa cấp thị Hình Đài, tỉnh Hà Bắc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bây giờ. Cự Lộc Công là người cai quản cả huyện Cự Lộc.)
(*Hư phong nghĩa là “đất phong ảo”, số hộ thực phong, lượng thực ấp không tương xứng với tước hiệu.)
Công tước hư phong chỉ có bổng lộc nhưng được xếp vào hàng nhị phẩm, Thái hậu vẫn cảm thấy chức vị này quá cao: "Phong làm Khinh xa Đô uý* là được rồi.”
(*Khinh xa đô uý (轻车都尉), chia làm 3 đẳng, kiêm Nhất vân Kỵ úy (一雲騎尉) là đẳng riêng, vị Chính tam phẩm.)
Không quyền không phẩm, cũng không ra vào kinh thành thường xuyên. Khinh xa Đô uý chỉ là Chánh tam phẩm, Hoàng thượng không mấy hài lòng: “Trẫm không thể tặng lễ nhỏ thế được, ít nhất cũng phải phong Hầu. Phong làm… Bảo Định Hầu thì thế nào? Chỉ cần người gật đầu, trẫm sẽ cho người đi soạn chiếu chỉ.”
Hoàng thượng đã xưng “Trẫm” với bà, Thái hậu cũng không thể từ chối mãi, bà nhấn mạnh: "Hư* phong là được.”
(*Nhấn mạnh ở đây ý nói chức danh này chỉ cho có lệ, không có quyền thế.)
Tề Vương vốn đang ngồi, nghe vậy bèn đứng dậy lạy Hoàng thượng: "Huynh trưởng không tiện đi lại, ta thay mặt huynh ấy tạ ơn ân huệ của Hoàng thượng.”
“Ngươi tạ ơn có lệ quá.” Hoàng Thượng lắc đầu, nghiêng người vẫy tay với Hứa Kinh Hoa: "Chất nữ tên là gì? Tới đây, trẫm có quà tặng con.”
Hứa Kinh Hoa cảm thấy Hoàng thượng không khác người bình thường là bao nên nàng không sợ lắm. Nghe ngài nói chuyện với Thái hậu rất thân thiết, Hứa Kinh Hoa cũng thoải mái bước tới. Nàng quỳ trước mặt Hoàng thượng, dập đầu thưa: "Hứa Kinh Hoa bái kiến Hoàng thượng, tạ ơn Hoàng thượng phong thưởng cho cha con.”
“Kinh Hoa à, cái tên hay đấy. Mau đứng lên đi.”
Hứa Kinh Hoa vừa đứng dậy thì Hoàng thượng đã thốt lên: "Kinh Hoa cao quá, năm nay con bao nhiêu tuổi?”
“Dạ, mười bốn tuổi ạ.”
"Mới mười bốn mà đã cao vậy rồi.” Hoàng Thượng liếc Tề Vương ở đối diện: "Trẫm còn nhớ năm Tiểu Ngũ mười bốn chỉ cao đến bả vai trẫm, bị trẫm gọi là ‘chú lùn’ rất lâu.”
Tề Vương: ". . .”
Thái hậu bật cười: "Hắn chậm lớn.”
“Đúng vậy, ta chậm lớn, nhưng bây giờ ta cũng không lùn.” Tề Vương nói tới đây thì chợt nhớ ra gì đó: "Hoàng huynh còn cười ta, Diễm Nhi nhà huynh cũng chậm lớn kìa! Chắc chắn nó của hai năm trước không cao bằng Kinh Hoa bây giờ.”
Đại Hoàng tử Lưu Diễm nằm không cũng trúng tên: ". . .”
Trong một khoảnh khắc mà Hứa Kinh Hoa nhặt được tận hai niềm vui. Nàng cười như pháo nổ trong lòng, chỉ là không dám cười to trước mặt Hoàng thượng. Hoàng thượng thì khác, ngài nhìn nhi tử mình rồi bật cười: "Hình như là vậy thật, ha ha, hơn một năm qua Diễm Nhi cũng cao lên thêm một chút.”
Lưu Diễm: ". . .”
May thay vẫn còn Thái hậu thấy bất bình: "Hai huynh đệ các ngươi đấu võ mồm với nhau thì thôi đi, lôi con cái ra làm cái gì? Không ra dáng trưởng bối chút nào.”
Hoàng Thượng cười nói: "Thái hậu dạy phải, chúng ta hơi quá rồi. Trẫm sẽ tặng cho Kinh Hoa một món quà gặp mặt.”
Ngài nói xong thì phất tay, nội thị đứng bên cạnh lập tức bưng một cái khay sơn lên. Người đó quỳ gối bên cạnh Hoàng thượng rồi nâng cao cái khay.
Hứa Kinh Hoa thấy một tấm lụa được trải lên khay, trên đó là cái vòng cổ bằng vàng, chiếc vòng được khảm khoá vàng và bùa hộ mệnh thì phải. Nàng thấy hơi lạ, mấy cái này dành cho trẻ con mà?
Hồi ở Hoài Nhung, nàng thấy nhà hàng xóm sinh nhi tử thì sẽ được trưởng bối tặng cho khoá trường mệnh hoặc bùa hộ mệnh, nói là cái này sẽ phù hộ con cái lớn lên một cách bình an. Nhưng nàng đã lớn rồi!
"Cái này… Đây chính là…” Thái hậu bỗng nhiên lên tiếng, Hứa Kinh Hoa thấy bà rất kinh ngạc, hình như bà không hề tán thành việc này: “Chương Đức Hoàng hậu để lại cho Hoàng thượng, sao ngài có thể tặng cho con bé được?”
Hoàng Thượng đưa tay cầm lấy chiếc vòng cổ vàng, ngài nhẹ nhàng vuốt ve cái khoá vàng và bùa hộ mệnh được khảm trên đó: "Không sai, đây là thứ duy nhất mẫu thân ta để lại cho ta. Năm xưa mẫu thân quyết định để người dẫn ta xuất cung, bà đã bỏ cái vòng này vào hầu bao rồi treo nó lên người ta. Bà ấy nói cao tăng đã cầu phúc cho, nó sẽ bảo vệ ta yên ổn cả đời.”
Ngài nói xong thì ngẩng đầu nhìn Hứa Kinh Hoa: "Sau đó Thái hậu đưa ta từ Bắc vào Nam, trải qua vô số gian nguy nhưng chúng ta đều bình an vượt qua. Xem ra bùa hộ mệnh này thật sự linh nghiệm. Kinh Hoa, hôm nay trẫm tặng cái vòng này cho con, mong con luôn bình an hạnh phúc, nhiều phúc nhiều thọ.”
Hoàng thượng nói như đang nói chuyện ngày thường nhưng Thái hậu đã quay mặt đi rồi khóc. Hứa Kinh Hoa nghe Hoàng thượng kể về lai lịch của cái vòng thì biết ý nghĩa của nó rất to lớn. Nàng nào dám nhận, khéo léo từ chối: "Kinh Hoa không dám nhận vật quý giá như vậy đâu ạ.”
“Đồ vật tuy quý nhưng tình cảm càng quý hơn.” Hoàng thượng nhìn Thái hậu: "Hơn nữa, hiện tại trẫm đã là vua của một nước, không cần đến những thứ như này nữa. Tuổi con còn nhỏ, đeo cái này thì Phật tổ sẽ phù hộ cho con. Biết đâu còn được hưởng chút ít vận khí của thiên tử, chẳng yêu ma quỷ quái nào dám lại gần con.”
Những lời này rất mực chân thành, Hứa Kinh Hoa có thể nghe ra thành ý của Hoàng thượng. Nàng bối rối không biết nên từ chối thế nào, đành cầu cứu Thái hậu. Thái hậu lau khô nước mắt, thấy Hứa Kinh Hoa nhìn mình, cuối cùng cũng gật đầu. Hứa Kinh Hoa quỳ xuống, Hoàng thượng đeo vòng cổ cho nàng rồi nàng lại dập đầu tạ ơn. Hoàng Thượng đưa tay đỡ nàng dậy, ngài mỉm cười: "Được rồi, đều là người một nhà, về sau cháu không cần chú ý lễ nghĩa nhiều thế.”
Ngài ra hiệu cho Đại Hoàng tử đang đứng sau mình: "Đây là trưởng tử của ta, tên là Lưu Diễm. Nó lớn hơn con hai tuổi, cứ coi nó như đại huynh trong nhà. Con đừng ngại, có chuyện gì thì cứ tìm nó.”
Hứa Kinh Hoa ngẩng lên, đúng lúc đối mặt với Lưu Diễm. Rõ ràng nàng thấy hắn đang cau mày như có điều suy nghĩ, vậy mà khi Hoàng thượng gọi hắn, hắn lập tức thay đổi sắc mặt, nở một nụ cười hiền lành.
"Lại… Lại gì nữa đây?" Lông tơ trên người Hứa Kinh Hoa dựng đứng cả lên, nàng nghĩ bụng. Vì để tỏ ra thân thiện mà Đại Điện hạ còn gọi tên nàng: "Muội muội Kinh Hoa, ta ở điện Đông Thiên. Muội đừng khách khí với ta, muội đến điện tìm ta hay sai người chuyển lời đều được.”
“…”
Hứa Kinh Hoa nổi da gà da vịt, nàng rất muốn túm lấy cổ áo hắn rồi hét lên: "Ai là muội muội Kinh Hoa của ngươi hả?"