Chương 3
Một ngày tươi đẹp của bạn A
“Sao ông cứ kể cho tôi nghe làm gì thế?”, A vừa cắn hạt dưa vừa hỏi.
Nói thật, bây giờ A rất hiếu kỳ về thụ. Thằng nhóc công kia miệng thì cứ “phải duy trì khoảng cách”, “bọn tôi chỉ là bạn bè bình thường thôi” gì gì đấy, nhưng mặt mũi lúc nào chẳng xuân tình phơi phới (trong mắt A là thế) kể cho cậu nghe hôm nay thụ nấu món gì, hôm nay thụ mặc đồ gì, thụ cười lên đẹp biết bao nhiêu…
Làm ơn đi, ai trước khi đi ngủ lại muốn nghe mấy chuyện này cơ chứ!
Không sai, trước khi đi ngủ.
Từ ngày công và thụ chuyển sang ăn tối cùng nhau, A cuối cùng cũng giã từ ác mộng “điện thoại lúc nửa đêm”, đổi thành “hội nghị trước giờ lên giường”. Đối với việc này, A thật sự là không thể hiểu được. Công trước nay không phải loại người có thể đem chuyện tình cảm cá nhân ra chia sẻ với bạn bè, cũng đâu còn là mấy cậu học trò mười bảy, mười tám tuổi nữa, chuyện tình cảm của người lớn vừa nhanh chóng vừa đơn giản, đào đâu ra lắm thứ mơ mộng lãng mạn như thiếu nữ mới lớn thế này. Rốt cuộc đến một ngày, A cuối cùng cũng không nhịn được mà hỏi công: “Sao ông cứ kể với tôi mấy chuyện này làm gì?”
Công trầm mặc, rất lâu sau mới đáp: “Tôi cứ cảm giác là nếu không nói với ai thì tôi sẽ không khống chế được mình mà đi tìm cậu ấy mất”.
Nghe đến đây, tim A đập đánh thịch một cái, trong đầu hiện ngay dòng chữ: Con lớn không nghe cha nữa rồi!
Đó cũng là lý do lúc này A đang giấu công mà ngồi trong quán cà phê nho nhỏ này: Đã làm công mê mẩn đến thế rồi, thân là cố vấn kiêm thùng rác, A đương nhiên phải đến ngó một cái chứ.
Ngồi trong tiệm cà phê thưởng thức âm nhạc nhẹ nhàng, quan sát người qua kẻ lại trên đường, A đột nhiên có chút xúc động. Nhớ đến những đoạn tình cảm trước kia của mình không khỏi có chút đau thương, sầu muộn, thậm chí đến cả khi thụ tới trước bàn mình, A vẫn còn đang ngây người nhìn ra cửa sổ.
Thụ: “Xin hỏi quý khách muốn dùng gì?”
A: “Một cốc ‘Thời gian’ đi”.
Thụ: “… Xin lỗi, tiệm của chúng tôi không có loại thức uống đó”.
A: “Cũng phải, thời gian chẳng thể quay lại mà…”
Thụ: “… Xin hỏi quý khách muốn dùng gì?”.
A: “Có ‘Hồi ức’ không?”
Thụ: “… Ông chủ, cho vị khách này một cốc Cappucino!”.
Lúc này A mới quay lại nhìn kỹ thụ, trong lòng đồng thời cảm khái: Mắt nhìn của công quả không tồi. Cappuccino thơm nồng, quả đúng là mang hương vị giống như hồi ức.
Cà phê đã uống rồi, thụ cũng đã nhìn thấy được rồi, A mãn nguyện đi về nhà. Cậu vừa đi vừa nghĩ: Thân là bạn tốt của công, bất kể cậu ta có quyết định thế nào thì mình cũng sẽ ở bên cạnh cổ vũ. A ngẩng đầu, cảm nhận ánh nắng chiếu xuống người mình. Hôm nay quả là một ngày tốt đẹp.
Giờ ăn tối của công và thụ:
Thụ: “Hôm nay có một vị khách rất kỳ quái đến tiệm”.
Công: “Có chuyện gì thế?”.
Thụ: “Bảo hắn gọi đồ, hắn bảo muốn một cốc ‘Thời gian’, tôi nói không có, hắn lại gọi một cốc ‘Hồi ức’. Buổi chiều trong tiệm vốn đã bận muốn chết, anh nói cái tên này có phải là muốn đến chọc tức tôi không?”.
Công: “Sau đó cậu làm thế nào?”.
Thụ: “Tôi tùy tiện gọi cho hắn một cốc Cappuccino, thích uống thì uống, không thì thôi. Hắn hình như còn trừng mắt với tôi một cái nữa”.
Công: “Sau này cứ cẩn thận một chút thì hơn, dạo gần đây mấy thằng biếи ŧɦái nhiều lắm”.
Thụ: “Ừ”.
Thụ cảm thấy dạo gần đây thời gian mình gặp công càng lúc càng nhiều.
Ví dụ như bình thường, năm giờ chiều cậu tan ca, công mua xong đồ ăn tới quán cà phê đón cậu. Hai người về đến nhà thụ, bắt tay vào nấu ăn, lúc nào cũng trước sáu giờ đã có cơm ăn rồi. Hai người ăn uống rất vui vẻ, kết thúc nhanh chóng bữa tối, sau đó công rửa bát, cả hai nói chuyện phiếm đến sáu giờ bốn mươi lăm phút thì công rời khỏi nhà thụ, đến quán cà phê.
Thế nhưng tình hình thực tế thì thế nào? Công lúc nào cũng bốn giờ rưỡi đã mua xong hết đồ ăn đến đón thụ rồi. Nhưng anh không vào trong quán cà phê, thường là đứng ở góc cua ngay gần quán. Anh cho rằng thụ không biết, nhưng ngay từ lần đầu tiên anh đến sớm đã bị cậu phát hiện. Thụ đoán công ngại làm gián đoạn công việc của cậu nên không vào, đang định ra ngoài gọi anh thì phát hiện công đang dựa vào tường hút thuốc. Thụ có phần ngạc nhiên, đây là lần đầu tiên cậu thấy anh hút thuốc. Lúc trước cũng thỉnh thoảng ngửi thấy trên người anh có mùi thuốc nhưng cậu vẫn cho là công vô ý đứng gần ai đó hút thuốc mà thôi.
Phát hiện lần này khiến thụ cảm thấy rất mới lạ: Một người mà bạn cho rằng đã rất thân thuộc rồi, lại vô tình thể hiện ra một tính cách khác, việc đó luôn làm người ta có ham muốn được tìm hiểu kỹ càng hơn. Bởi thế mỗi lần công lén đứng vào góc đường đợi thụ, thụ đều không nhịn được mà quan sát anh.
Phần lớn thời gian, công đứng dựa lưng vào tường hút một điếu thuốc, sau đó lại ăn một viên kẹo để át mùi thuốc đi. Có lần thụ cố ý về sớm, công luống ca luống cuống vứt điếu thuốc đi, nhét vội vào miệng một viên kẹo. Đợi đến lúc tới gần sát công, thụ tận mắt thấy anh một miếng nuốt luôn viên kẹo xuống, nghẹn đến đỏ bừng hết mặt. Có mấy bận gặp người hỏi đường, công cực kỳ nhiệt tình, còn vẽ đường hẳn hoi cho người ta. Còn có một lần vào đúng dịp Dương Thành vận động chiến dịch Thành phố văn minh, trên đường rất nhiều các ông lão, bà lão đeo băng đỏ qua lại, có lẽ nhìn bộ dạng công rất đáng ngờ (ban ngày ban mặt xách một túi đồ ăn to đứng ở góc đường, lúc thì hút thuốc, lúc lại ăn kẹo) nên đã đến gặng hỏi mấy lần. Công lúc này khóc không được mà cười cũng chẳng xong, một chốc rút chứng minh nhân dân, một chốc lại mở túi đồ ăn ra cho họ xem.
Thụ lúc đó đang đứng ngay bàn bên cửa sổ đợi khách gọi món, nhìn thấy màn này thì bật cười. Khách hàng chẳng hiểu sao, thụ lúng túng xin lỗi liên tục. Ông chủ đang ngồi một bên tính toán sổ sách liếc thụ một cái, nói: “Dạo gần đây trời tối sớm, về sau nếu có tôi ở tiệm rồi thì bốn rưỡi vậu có thể tan ca”. Thụ không biết ông chủ có phải đã nhận ra gì rồi không, chỉ cảm thấy mặt mình nong nóng.
Có những lúc, buổi tối rõ ràng đang đọc sách, xem tivi hoặc làm chuyện gì đấy, thụ bất giác nhớ đến công, chẳng hiểu sao lại thấy rất buồn cười, sau đó lại đến quán cà phê tìm anh. Ở quán xem sách, nghe công kể mấy câu chuyện cười chẳng có tí hài hước nào, hoặc cả hai người cùng chơi mấy trò bài bạc đơn giản. Thụ cảm thấy bản thân bây giờ hình như quá chìm đắm vào cuộc sống hiện tại, cậu nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng kết luận: Cuộc sống của cậu quá đơn điệu, còn công thì rất thú vị.
Thời tiết dần chuyển lạnh, thế là đến một ngày, vào lúc ăn tối, thụ bảo công, dù sao cuối tuần cũng chẳng có gì làm, không bằng qua nhà cậu ăn lẩu. Công vui vẻ gật đầu ngay. Nghĩ đến việc cuối tuần cũng có thể gặp thụ, tâm trạng công bay phơi phới, lúc rửa bát thậm chí còn ngân nga hát nữa. Thụ ở bên cạnh nghe thấy, cố gắng dỏng tai nghe kỹ một lúc: Ừm, hình như là bài “Mua bán tình yêu”.
Buổi tối công gọi điện cho A: “Ông biết cuối tuần tôi với thụ làm gì không?”
A: “Làm gì?”.
Công: “Ăn! Lẩu!”.
A: “Ông chắc chắn không phải là vừa trông cây chuối vừa ăn lẩu đấy chứ?’.
Công: “… Là ăn lẩu rất bình thường thôi”.
A: “Thế thì ông vui mừng cái quái gì?”.
Công: “Hi hi hi hi hi hi”.
A: “…”.
Công: “Tôi đang có hai vé xem phim, là phim nước ngoài ‘Bí mật của quá khứ’ mới khởi chiếu”.
A: “Thế nên?”.
Công: “Hi hi hi hi hi hi”.
A: “…”.
Công: “Ông nói cậu ấy có đồng ý đi cùng không?”.
A: “Quan hệ hai người bây giờ không tồi, chắc là sẽ đi thôi”.
Công: “Tôi cũng thấy thế, hi hi hi hi hi”.
A: “…”.
Vé xem phim là vào ngày Chủ nhật, công nghĩ tới nghĩ lui vẫn thấy không thể cứ trực tiếp hỏi thụ có đi xem phim không được. Một thằng con trai rủ một thằng con trai khác đi xem phim, cứ thấy đáng ngờ sao đó. Có điều, công đã nghĩ ra một cách có thể thuận nước đẩy thuyền mà tặng được vé rồi.
Sáng sớm ngày thứ Bảy, công với thụ đã hẹn gặp nhau ở cổng siêu thị, cùng đi mua đồ ăn. Hai người mua xong ra ngoài, công kêu sáng mình chưa ăn gì, giờ đã đói rồi. Thụ thấy xung quanh siêu thị chỗ duy nhất có thể ăn sáng được cũng chỉ có KFC, liền nói qua bên đó ăn vậy. Vừa vào trong công đã lập tức tìm một chỗ ngồi, rút điện thoại ra gọi, thụ thấy thế liền đi gọi đồ ăn. Gọi vừa mấy món, thụ đang định trả tiền thì nhân viên phục vụ cười tươi rồi nói với cậu: “Chúc mừng anh, cốc sữa đậu nành anh vừa gọi là cốc thứ mười nghìn mà cửa hàng bán ra, vì thế anh đã trúng thưởng một vé xem phim”.
Thụ: “… KFC bán sữa đậu nành cũng đếm số lượng à?”.
Nhân viên phục cụ: “Trên máy tính của chúng tôi có lưu lại số lượng hàng bán. Suất đồ ăn anh chọn tổng cộng hai mươi ba tệ rưỡi, mời anh nhận lấy vé xem phim”.
Thụ: “…Ừm.”
Thụ bưng bữa sáng đến ngồi trước mặt công, công tò mò nhìn thứ đồ trên tay cậu: “Cái gì thế?”.
Thụ: “Vé xem phim. Thấy bảo cốc sữa đậu nành tôi mua là cốc thứ mười nghìn, được tặng vé xem phim”.
Công: “Số cậu tốt thật đấy!”.
Thụ: “Còn là phim mới lên rạp. Anh muốn xem không, cho anh đấy”.
Công: “Không, không, không, ngày mai tôi có lịch rồi”.
Thụ: “Nói thật, tôi cũng không muốn đi lắm”.
Công: “Bộ phim này dạo gần đây nổi lắm, nghe nói là rất hay. Mai cậu cũng đâu làm gì đâu, đừng có lãng phí nó”.
Thụ: “Nói cũng đúng, vậy thì đi”.
Phim chiếu vào lúc ba giờ chiều Chủ nhật, công đã tính toán hết rồi, xem xong hai người đi dạo một lát rồi ăn cơm là vừa. Để tránh đến sớm lại gặp thụ, công còn đợi đến tận khi bắt đầu kiểm vé thì mới thò mặt ra. Anh tìm tới chỗ của mình ngồi xuống, chưa thấy thụ đến, trong lòng vui vẻ nghĩ: Không biết lát nữa nhìn thấy mình ngồi bên cạnh, thụ sẽ nói gì? Có lẽ sẽ là: Í, sao anh lại ở đây? Thế mình nên trả lời thế nào nhỉ? Tôi cũng trúng thưởng rồi chắc? Ha ha ha ha ha. Không được không được, quá giả tạo rồi, chẳng bằng cứ nói thật cho cậu ấy biết thì hơn.
Công đang vui vẻ tưởng tượng thì thấy bên tay phải có người ngồi xuống, anh quay đầu nhìn sang đó lại là một cô gái trông bộ dạng hình như là sinh viên! Công nhất thời ngây đơ, nhìn trái nhìn phải một hồi, vội hỏi: “Xin lỗi, có phải cô ngồi sai vị trí rồi không?”.
Cô gái đó rút vé ra xem: “Hàng 9 ghế số 8, không sai đâu”.
Công có vẻ không tin, nghiêng người sang xem, quả đúng là hàng 9 ghế số 8. Anh miết tấm vé đề hàng 9 ghế số 9 của mình, mở miệng hỏi: “Tôi có thể hỏi cái vé này của cô là làm sao mà có không?”.
Vừa nghe đến đây, thái độ của cô gái trở nên vui vẻ: “Là mua qua mạng đấy. Vé suất chiếu này bán hết từ lâu rồi, may mà tôi thấy có người nhượng lại, không uổng công tôi còn phải bắt xe buýt qua lấy…”.
Tâm trạng của công nhất thời chìm xuống đáy vực.
Đèn trong phòng đã tắt hết, phim bắt đầu chiếu. Phim bom tấn quả nhiên không hổ danh là phim bom tấn, tình tiết hấp dẫn, hiệu ứng đặc biệt nhìn rất thật, tiếng ồ lên kinh ngạc của người xem vang lên hết đợt này đến đợt khác, thế nhưng công lại chỉ ngây ra nhìn màn hình trước mặt, không cách nào xem vào được. Anh đang nghĩ có phải thụ đã đoán ra anh tặng vé xem phim nên mới nhượng lại cho người khác không. Quả nhiên, một người con trai dùng đủ mọi cách để rủ một người con trai khác đi xem phim là một việc rất kỳ quái.
Công rất buồn.
Anh thật sự không nghĩ gì nhiều, thật sự, thật sự không dám nghĩ gì.
Cứ như thế, hai tiếng đồng hồ cuối cùng cũng trôi qua. Phim chiếu hết rồi, công chậm chạp đi từ phòng chiếu ra ngoài, bước được mấy được lại bất ngờ nhìn thấy thụ đang đứng dựa vào bức tường ngay chỗ cửa ra, tay đút túi quần, mắt nhìn về trước, không biết đang nghĩ gì. Dường như cảm nhận được gì đó, thụ quay đầu lại, vừa vặn nhìn thấy công, vội vàng đứng thằng người lên, mặt hiện rõ vẻ áy náy, đi tới trước: “Thật xin lỗi, tôi không biết…”.
Công ngây ra nhìn thụ, thụ đột nhiên không biết phải làm sao. Một lúc sau, cậu thở dài, rút ra hai tấm vé: “Nếu anh không ngại, có muốn xem thêm một bộ phim nữa không?”.