Chương 23: Ngoại truyện 1: Cứu viện mạnh mẽ
Mẹ Hướng cùng cha Hướng vừa mới xuống xe đã thấy con trai mình bộ dáng đau khổ đứng đợi ở bến. Mẹ Hướng lườm anh một cái: “Thật vô dụng!”
Chuyện công đến Thanh Châu, bố mẹ anh cũng biết nhưng họ lại không ngờ rằng, đã hơn một tháng rồi mà đến mặt thụ công còn chưa thấy. Công mặt mày đáng thương nhìn mẹ mình: “Con nhớ Chiêu Ninh quá.”
Cả nhà ngồi xuống ăn bữa cơm, công kể qua về tình huống hiện tại, mẹ Hướng vừa nghe vừa lắc đầu: “Không được, mặt không đủ dày, tay chân cũng bám không chặt lấy người ta gì cả.”
Cha Hướng liếc mẹ Hướng một cái: “Hay là chúng ta đi một chuyến vậy. Phản ứng của bố mẹ Tiểu Diệp như thế cũng rất bình thường thôi”.
Công vừa nghe thế đã lắc đầu quầy quậy: “Không được, không được, con gọi hai người đến là để làm cố vấn, đưa ra kế hoạch. Nếu cha mẹ tìm đến tận nhà thì không ổn đâu”.
Mẹ Hướng: “Nếu Tiểu Diệp là nữ thì cái đoạn tình cảm này của hai đứa có đến gian đoạn nào, mẹ đây cũng không thèm quan tâm. Nhưng tình cảnh của hai đứa dù sao cũng hơi đặc biệt, cha mẹ chỉ hy vọng con sớm có thể ổn định lại. Yên tâm đi, cha mẹ lộ diện càng thể hiện chúng ta rất có thành ý à?”
Công vẫn hơi do dự. Cha Hướng dường như nhận ra công đang nghĩ gì, an ủi: “Không sao đâu, còn có cha mà”.
Công: “…”.
Chẳng thèm đợi công nói thêm gì, cha Hướng đã rút từ trong túi ra một quyển sổ tay, bắt đầu bàn bạc kế hoạch với mẹ Hướng: Bắt đầu từ những lý do chủ yếu khiến bố mẹ thụ không chấp nhận được việc con mình đồng tính, lần lượt giải quyết từng vấn đề một khiến họ sau này không cần phải lo nghĩ nhiều nữa. Cha Hướng còn nêu ý kiến, trong quá trình trao đổi, mẹ Hướng phải nhắc đi nhắc lại, nhấn mạnh những hậu quả gây ra do áp lực từ phía gia đình nhằm khiến bố mẹ thụ cảnh giác, đến lúc phù hợp cũng có thể lấy công ra làm ví dụ.
Công nghe thấy rất kỳ lạ: “Sao lại để mẹ nói? Cha nói không phải càng có sức thuyết phục sao?”
Cha Hướng: “Lúc phụ nữ nói dối trông đều vô cùng thành khẩn, lời nói cũng rất dễ tác động đến người khác”.
Công: “… Vừa nhìn đã biết cha rất có kinh nghiệm rồi”.
Ngày đến nhà thụ, mới sáng sớm công đã dậy, đi xuống nhờ nhà bếp khách sạn, tự mình nấu ăn. Bữa trưa, mẹ Hướng nhìn một bàn đầy thức ăn, dường như có phần cảm khái: “Con sinh vào buổi đêm nên đặt tên là Vãn[1]. Mẹ vẫn còn nhớ bộ dạng lúc nhỏ của con, thế mà chớp mắt một cái đã sắp thành gia lập thất rồi…”.
[1] Vãn: Có nghĩa là muộn hoặc buổi tối.
Công thấy mẹ mình đột nhiên trở nên đa sầu đa cảm, nhất thời không biết làm thế nào: “Mẹ…”
Cha Hướng chậm rãi thổi nguội đồ ăn: “Vừa vừa thôi, lỡ đến chiều lại không phát huy được thì chết.”
Mẹ Hướng lập tức đắc ý nói: “Lão Hướng, vừa rồi tôi làm thế nào? Cảm xúc rất chuẩn đúng không. Ồ, A Vãn, thật ra con sinh vào buổi sáng, lúc đó mẹ giận dỗi với bà con nên nhất định đặt tên con là “Vãn”. Cũng không nhớ lúc đó có chuyện gì nữa, giờ quên mất rồi…”
Công: “…”.
Buổi chiều, cha mẹ công đi vào tòa nhà nơi Diệp gia ở, còn công thì đứng dưới đợi, sốt hết cả ruột cả gan. Không biết bao lâu sau mới thấy cha mẹ đi ra. Công vội vàng chạy đến trước hỏi: “Sao rồi? Hai bác đã đồng ý chưa?”. Phụ mẫu hai người mặt không chút biểu cảm nhìn công.
Lòng công lập tức lạnh buốt: “Con biết mà, sao có thể nghe hai người nói một cái là đã thông suốt ngay được… Con biết mà…”.
Nhị vị phụ huynh đưa mắt nhìn nhau.
Thực ra tình hình lúc ban chiều có phần nằm ngoài dự liệu của mẹ Hướng. Lúc mẹ Hướng ở trong phòng nói chuyện với mẹ Diệp, bà phát hiện thái độ của nhà họ Diệp thực ra cũng đã lung lay rồi, xem ra bất kể là mấy chiêu “thà chết không chịu bỏ cuộc” của công hay là hành vi kiên trì của thụ, thì cũng đều có kết quả nhất định cả. Thế là mẹ Hướng liền khóc lóc bịa ra một câu chuyện công lúc trước đã tự sát rồi được cứu như thế nào. Có lẽ là do nhân vật chính trong câu chuyện bịa đặt này là con trai ruột của mình nên bà nói càng thuận miệng, thật giả lẫn lộn, nói tới mức mẹ Diệp cũng thấy đồng cảm, cả hai cùng khóc rưng rức.
Mẹ Hướng vỗ vai con trai: “Sáu giờ tối, nhớ đưa Tiểu Diệp về ăn cơm đấy”, sau đó không đợi con trai phản ứng lại được với tin tức giật gân này, hai người đã rời đi.
Trên đường về khách sạn, mẹ Hướng không nhịn được mà than một câu: “Tôi thật nhớ bộ dạng lúc con mình còn nhỏ, mà giờ nó quả thật cũng sắp thành gia lập thất rồi…”
Cha Hướng đứng khựng lại. Ông chăm chú quan sát vợ một hồi, sau đó tay hơi cong lại bên sườn. Mẹ Hướng lập tức bật cười, vươn tay ôm chặt lấy cánh tay chồng.
Dạo gần đây B rất đau đầu. Anh cãi nhau với A rồi, nguyên do chỉ vì một bức tranh.
Từ sau khi A, B hai người chính thức xác định mối quan hệ, A liền thường xuyên chạy qua chỗ B ở, vì thế B cũng dành riêng một góc trong phòng làm việc của mình cho A vẽ tranh. Hôm đó là vào cuối tuần, A ra ngoài mua ít màu vẽ, B thì tiếp một người bạn đến thăm. Con gái người bạn đó cũng đi cùng, rất hiếu động, người lớn nói chuyện còn cô bé thì tự mình chơi đùa, chui cả vào phòng làm việc như đang chơi trốn tìm vậy. Gần đến lúc về, cô bé cầm một bức tranh từ phòng làm việc đến trước mặt B, mắt chớp chớp nhìn lên: “Chú ơi, chú có thể tặng cháu bức tranh này không?”
B nhìn một cái, là bức tranh lần trước khi anh bắt A ở lại tăng ca, cậu chán quá mà vẽ ra, bức tranh “Trong mắt”. A dường như đặc biệt thích bức tranh này, dựa trên bản phác thảo gốc đó đã vẽ thêm rất nhiều bức tranh khác, bức sau đẹp hơn bức trước, càng ngày càng dụng tâm.
B ôm cô bé lên: “Sao cháu lại muốn có bức tranh này?”.
Cô nhóc chỉ vào hình người bé bé trong tranh: “Bởi vì bức tranh này rất đẹp, cháu cũng muốn được vào đó giống như người này này”.
B nhìn kỹ lại lần nữa, bức tranh này cũng mang lại cảm giác kỳ diệu như truyện cổ tích vậy, chắc bởi thế mới được các bạn nhỏ yêu thích. B nghĩ ngợi một lúc, dù sao A cũng đã có những bức tranh mới hơn, đẹp hơn rồi, bức phác thảo cũ này chắc cũng chẳng cần đến nữa đâu, thế nên anh quyết định tặng cho con gái bạn mình.
Đến tối A trở về, bộ dạng có vẻ đang rất vui, báo là cuối cùng cũng tìm được màu mình muốn rồi. B chợt nhớ đến bức tranh lúc sáng, nói: “Anh đem bản phác thảo của em cho con gái người bạn rồi”.
A sững ra: “Bản phác thảo nào?”.
B: “Chính là bức em ngồi ở phòng làm việc của anh vẽ ấy, tên là “Trong mắt”. Anh thấy dù sao em cũng có những bản mới hơn rồi, bản thảo đó chắc chẳng cần nữa đúng không?”
A: “Anh đùa gì thế? Sao anh có thể tùy tiện đem đồ của em cho người khác?”.
B giật mình. Anh biết mình tự ý lấy tranh của cậu tặng cho người khác là không đúng, nhưng anh không ngờ A lại phản ứng dữ dội như thế.
B: “Sao thế? Không phải chỉ là một bức tranh thôi sao?”.
A vừa gấp vừa giận: “Anh thì hiểu cái gì chứ! Trên bàn em anh muốn tặng bức nào thì tặng, chỉ riêng bức đó là không được!”.
B: “Tại sao? Đó chỉ là bản phác thảo thôi mà”.
A: “Anh đi tìm người đó đòi lại tranh ngay đi!”.
B có phần chẳng hiểu ra sao nhìn A: “Em đùa à? Anh đã tặng con gái người ta rồi”.
A nhìn B, cố gắng kiềm chế lửa giận: “Đi đòi về đây. Bức tranh đó quả thật là không thể tặng cho người khác. Em vẽ cho nó bức khác, mười bức cũng được!”.
B nhíu mày: “Em cứ nhất quyết phải làm thế à?”.
A im lặng nhìn B, sau đó cũng chẳng quay đầu lại, đi thẳng ra cửa.
B: “…”.
Chiến tranh lạnh hai ngày, B cuối cùng cũng không chịu được nữa. Nói thế nào thì người sai trước cũng là anh, B đành mặt dày đòi lại bức tranh từ chỗ bạn mình, sau đó lại chạy đến nhà A. Anh đứng trước cửa gọi điện thoại cho A: “Anh lấy lại bức tranh rồi”.
A: “Vậy đưa cho em”.
B: “Em mở cửa ra, mở ra anh mới đưa được cho em chứ”.
A: “Nhét vào khe cửa đi”.
B: “…”
Cuối cùng A vẫn không chịu mở cửa, hơn nữa mặc dù đã lấy lại bức tranh nhưng cậu dường như không có ý định tha thứ cho B: Trong giờ làm thì lạnh nhạt, hết giờ thì ai về nhà nấy.
Cứ thế lại qua thêm hai ngày nữa, đến ngày thứ Sáu, A còn chẳng thèm đến làm, trực tiếp xin nghỉ! B quả thực là đầy một bụng tức giận, anh nghĩ kỹ rồi, nếu hôm nay A mà không mở cửa cho anh thì anh sẽ gọi thẳng cho công ty lắp khóa. Vừa nghĩ đến đó thì bảo an ở trước cửa đưa cho anh một bọc hàng. Anh hơi nghi hoặc, mình cũng đâu có đặt hàng gì trên mạng đâu. Nhìn kỹ lại một chút, B phát hiện gói quà này hình như không phải là được gửi đến mà chỉ ghi tên người nhận là anh, sau đó để trước cổng thôi. Anh nghĩ một lúc, chậm rãi mở ra, là một bức tranh màu nước đã được đóng khung hoàn thiện: Một chiếc thuyền trôi lờ lững trên mặt sông, một người nằm ngủ an lành trên thuyền; Hai bên bờ sông là những căn nhà hình cây nấm đầy màu sắc sặc sỡ, những hàng cây ven sông thì treo đầy những ngôi sao; Không trung yên tĩnh nhưng dường như lại có những cuộn xoáy ở phía xa.
Bức tranh này tên là “Nhà”.
B ngắm bức họa, cả người ngơ ngẩn. Sau đó anh chợt nhớ ra điều gì đó, cẩn thận mở khung tranh ra, bên trong còn kẹp một tờ giấy, đó là bản phác họa “Trong mắt”. B nhẹ nhàng xem xét tờ giấy, thấy ở mặt sau, chỗ góc bên phải phía dưới bức tranh là một hàng chữ:
Chỉ nguyện mãi mãi được ở trong mắt anh.