“Theo lý mà nói hẳn là nó có thể chạy thoát, lúc đó ngày mùa bận rộn nên bà cụ đi đưa bánh bột ngô và nước lạnh cho người nhà xong cũng ở lại đó phụ giúp, mấy đứa bé thì được người lớn dùng vải buộc vào trong gùi, để chúng không chạy lung tung. Ghế đẩu nhỏ ước chừng là có thời gian cả ngày để chạy trốn. Thế nhưng đợi đến tối khi họ trở về nhà, lại chỉ nhìn thấy một đống rơm củi ở nhà chính, nhìn kỹ hơn một chút, hóa ra là ghế đẩu nhỏ đã vỡ thành từng mảnh.”
“Vì sao lại vỡ thành từng mảnh nhỏ thế?” Hỉ Ôn bị câu chuyện hấp dẫn, cảm giác bất an sợ hãi trong lòng cũng vơi đi không ít.
Thích Nguyệt ngửi thấy được khí tức xanh tươi tràn đầy sức sống của núi rừng và cây cỏ trên người cô nàng, làm cho nàng nhịn không được hít sâu hơn, nói tiếp: “ Bởi vì có bậc cửa, mà bốn chân của ghế đẩu nhỏ lại không biết nhảy qua, chỉ biết vụng về tiến lên đập vào đến khi trời tối, cứ đập như vậy rồi vỡ thành từng mảnh nhỏ thôi.”
“Bậc cửa? Nó có bốn chân mà không biết nhảy qua à? Bậc cửa đó cao lắm sao?” Hỉ Ôn nhìn bậc cửa của ngôi nhà nhỏ này với đôi mắt khó hiểu.
Tổ tiên của cô nàng là người sống trong rừng, băng rừng lội suối sinh tồn, đến đời cha của cô nàng mới vì nhu cầu săn hưu của triều đình mà định cư ở tại chỗ này.
Nơi này gọi là Áp Tử Hà Lạc, nhiều nước nhiều cỏ, sườn núi phủ đầy cây du, liễu, bách, thông… Có đủ món ngon từ núi sông, chỉ có điều mùa đông thì khá kéo dài và lạnh.
Trước đây, người trong rừng chủ yếu dựng lều để di cư thuận tiện nhưng hiện nay họ đã định cư ở đây, nơi cư trú phần lớn là hang động hoặc bán hang, dễ bị ngập lụt vào mùa mưa. Địa điểm của hang động thường được xây dựng ở nơi có nhiều ánh nắng ở Cao Phụ, một hốc cây rỗng được dùng làm cột ngang, mái nhà bên trên được phủ bằng lớp cỏ tranh và có thể di chuyển được để tạo điều kiện chiếu sáng.
Kể từ khi triều đình Bắc Giang xâm lược và sáp nhập nhiều lãnh thổ của người Hán ở phía Nam, nhiều người Hán không còn nơi nào để đi bởi phần lớn huyện thành đã bị phá hủy, phải sống ở nhiều nơi khác nhau. Rất nhiều người đã đến định cư ở Áp Tử Hà Lạc, ban đầu hai bộ tộc xảy ra tranh chấp không ngớt, đâu đâu cũng thù địch nhau, thế nhưng những năm gần đây đã dần dần đạt đến một mức độ cân bằng nhất định.
Người Hán xây nhà trên đất, dùng cỏ, bùn và lông vịt phủ lên tường để giữ ấm, sau khi tạo dựng được nền móng vững chắc, có người đã xây tường bằng gạch dày dặn và kín để chắn gió, tránh rét.
Mọi người đều có thể nhìn thấy sự việc tốt hay xấu, người trong rừng cũng dần dần học theo kiểu nhà Hán, tuy nhiên, nhà của Hỉ Ôn vẫn là dạng nhà nửa hang, đứng trên khu đất dốc chỉ có một cửa sổ với mái bằng vỏ cây bạch dương. Vậy nên cô nàng đương nhiên không hiểu chi tiết về những ngôi nhà của người Hán.
“Người Hán sở dĩ đặt bậc cửa trong nhà là để ngăn chặn những thứ bẩn thỉu từ bên ngoài xâm nhập. Ghế đẩu nhỏ ở trong nhà sinh ra linh trí nên mới bị bậc cửa này hạn chế. Chẳng qua cuối cùng vì linh lực nó thấp kém, cho dù tu luyện thêm một thời gian nữa, nếu không có môn thần trấn trụ thì chính là môn hạm cũng vô dụng.”
Hỉ Ôn nửa hiểu nửa không hiểu phong tục tập quán của người Hán, chống cằm nhìn xung quanh.
Ngôi nhà nhỏ này ấm áp sáng sủa, đơn giản mà sang trọng, trong tiền sảnh có hai chiếc bàn vuông và vài chiếc ghế nhỏ, nhìn vào bên trong, có một đôi sừng hưu đực khổng lồ màu trắng như tuyết treo trên bức tường gỗ ở giữa, lộng lẫy xinh đẹp như bàn tay của một vị tiên nhân. Bất cứ ai bước vào ngôi nhà này, khi nhìn thấy chiếc sừng băng giá này đều cảm thấy choáng váng, như để đang được diện kiến một vị thần linh nào đó.