Chương 2: Khảo dị

Trong tuồng tích miêu tả có khác ở phần đầu.Theo đó,kiếp trước Thị Kính là một sư ông đắc đạo sắp thành Phật, nhưng lỡ "thoáng tà tâm" vào nữ sắc mà hỏng mất. Đức Thích Ca bèn thử lần chót, mới cho đầu thai làm cô Thị Kính con Mãng ông nghèo hèn nhu nhược nhất làng. Sau Thị Kính được gia đình gả cho anh học trò Thiện Sĩ con họ Sùng khá nhất làng bên. Một hôm, Thiện Sĩ học khuya, mệt quá mà thϊếp đi. Thị Kính đang ngồi khâu áo thì thấy cằm chồng có cái râu mọc ngược, vớ dao toan cắt đi. Chồng giật thột tỉnh giấc, sinh bụng ngờ vợ hãm hại mình, bèn tri hô. Sùng ông Sùng bà trong buồng chạy ra, gán ngay cho thị tội sát chồng hòng kiếm nàng dâu con nhà phú quý hơn. Thị Kính bị đánh mắng rồi đuổi về với cha mẹ, phẫn chí mới giả trai xin vào chùa Vân tu hành, được ban pháp danh Kính Tâm.Còn lại thì y truyện chínhTrong truyện Quan âm Thị Kính theo diệu kể hạnh của nhà chùa thì sau khi Thị Kính thành Phật, ông bà họ Mãng và đứa bé cũng được lên tòa sen, còn Thiện Sĩ thì hóa thành chim vẹt hầu ở bên cạnh.

"... Truyền cho nào tiểu Kính Tâm,

Phi thăng làm Phật Quan âm tức thì.

Lại thương đến đứa tiểu nhi,

Lên tay cho đứng liền khi bấy giờ.

Kìa như Thiện Sĩ lờ đờ,

Cho làm chim vẹt đứng nhờ một bên.

Độ cho hai khóm thung huyên,

Ra tay cầm quyết bước lên trên tòa,

Siêu thăng thoát cả một nhà,

Từ đây phúc đẳng hà sa vô cùng.

Người Nghệ-an có hai truyện có tình tiết gần với truyện Quan Âm Thị Kính:

1. Sự tích cây chay: Có cô con gái mới về nhà chồng. Một hôm chồng nằm ngủ, nàng thấy ở cằm chồng có cây râu mọc ngược, bèn cầm dao toan cắt. Chồng chợt tỉnh dậy thấy dao kề cổ, bèn kêu lên. Cha mẹ chồng chạy đến nói: - "Tưởng là dâu thế nào, ai ngờ bạc ác, toan gϊếŧ chồng". Cô gái kêu trời mà khóc, khóc mãi, sau chết đứng hóa thành cây chay. Chay ăn với trầu cũng hóa đỏ là vì tấm lòng son của cô gái nên mới như thế.

2. Đứa con của thần: Huyện Thanh-chương có một người đàn bà góa tên là Huỳnh Thị Phước, 40 tuổi, xin vào chùa đi tu. Một đêm nọ nằm chiêm bao thấy có một người mặt đỏ như son, mặc áo xanh. Tỉnh dậy, người dàn bà kể lại với hòa thượng trụ trì chùa. Hòa thượng bảo: - "Có lẽ Thần Phật cho nàng đứa con, vậy nàng nên ra khỏi chùa để sinh chồi nảy lộc, kẻo xóm làng nghi". Sau đó người đàn bà sinh được một đứa con trai. Hương chức làng bèn lên án hòa thượng, buộc hòa thượng phải nuôi đứa bé. Lên mười tuổi, đứa bé học giỏi, nhưng chưa biết đặt tên nó là gì. Một đêm nọ, thần báo mộng: - "Trên ngọn cây kia có khắc tên của nó. Vậy bảo trẻ em trèo lên tìm xem". Sáng dậy, người ta tìm dược ba chữ Lương Quy Chính khắc trên ngọn cây. Bèn dùng đặt tên cho đứa bé. Về sau đứa bé đi thi đỗ cao làm quan to. Khi vị hòa thượng ở chùa chết, người làng lên khâm liệm mới biết ông vốn là ái nam ái nữ.

Riêng vì sự tích Quan Âm cũng có nhiều dị bản. Việt-nam còn có Phật thoại Bà chúa Ba hay là Quan âm Nam-hải tương đối phổ biến ở miền Bắc:

Xưa có Diệu Thiện, một nàng công chúa xinh đẹp con gái Diệu Trang Vương, nàng có hai người chị: Diệu Thanh và Diệu Âm, cả ba kiếp trước đều là con trai họ Thi, một gia đình nhân đức. Hai chị đều lấy chồng, còn Diệu Thiện thì trái lại chỉ muốn tu hành. Vua cha tức giận truyền giam cầm, và mặc dù hoàng hậu và hai chị hết lời khuyên dỗ, nàng cũng không đổi chí. Diệu Trang Vương lập kế giả vờ bằng lòng cho nàng đi tu tại một ngôi chùa lớn, nhưng lại bí mật ra lệnh cho hòa thượng bắt công chúa phải sớm khuya làm lụng cực nhọc để cho thoái chí. Nhưng nàng vẫn chịu đựng được; việc giao ngày càng nhiều, bằng việc của hàng chục người; nàng vẫn làm xong (có chim tới nhặt rau, rồng lấy nước hộ...). Không thấy công chúa nản lòng trở về, vua nghi hòa thượng không tuân lệnh mình, bèn sai người đốt chùa. Diệu Thiện tự trách mình là nguyên nhân chính của tai nạn bèn cắn ngón tay cầu nguyện, tập tức có rồng xuống phun nước dập tắt ngọn lửa. Vua lại ra lệnh đem công chúa ra xử trảm, nhưng gươm bị gãy khi chạm vào cổ. Đột nhiên có một mãnh hổ nhảy vào tha nàng đi trong khi trời đất tối sầm, sấm ran chớp giật. Lúc này hồn nàng được Thập điện Diêm vương mời xuống thăm. Trông thấy tất cả những cảnh trừng phạt, nàng liền niệm Phật làm cho Diêm vương ra lệnh ân xá tất cả tội nhân.

Khi Diệu Thiện trở về cõi trần thì Phật đã hóa làm một chàng trai tuấn tú để thử thách. Thấy nàng quả vững lòng tu, Phật bèn chỉ cho "rằng có một chùa tại Hương- tích san (san); gần bể Nam-việt thanh nhàn; sang tu chốn ấy sẽ toan viên thành". Sau nhiều năm tu luyện, nàng trở thành Phật bà Quan Âm "Một thân hóa được ra nghìn muôn thân" (vì vậy ngày nay người ta diễn tả thành Phật ngàn tay ngàn mắt). Theo hầu có hai đệ tử: 1) Thiện Tài, một em trai mồ côi; 2) Long Nữ, con gái Long vương, đều được cứu vớt và qua nhiều thử thách.

Về sau vua Diệu Trang Vương bị bệnh nan y, yết bảng sẽ trao ngôi báu cho ai chữa lành. Nhưng mọi thứ thuốc đều không công hiệu. Nghe tin này, Diệu Thiện biến thành một thày thuốc đến giật bảng và cho biết bệnh ấy chỉ có tay và mắt của một tiên nữ tu tại núi Hương-tích mới khỏi. Vua bèn cho người sang nước Đại-việt cầu xin được một tay một mắt. Bệnh quả lành, nhưng chỉ lành có được nửa thân. Thầy thuốc lại giục xin nốt một tay một mắt còn lại của tiên nữ. Khi bệnh lành hẳn vua định truyền ngôi cho thầy thuốc như đã hứa, nhưng thầy đã bỏ di mất. Vua và hoàng hậu quyết tìm đường sang Hương-tích để tạ ơn tiên nữ. Đoàn ngự giá đang trên đường sang Nam, thì ở kinh đô Hưng-lâm bỗng xảy ra cuộc biến, ngai vàng suýt vào tay kẻ phản bội nếu không có Diệu Thiện sai hai đệ tử đi cứu. Trong cuộc này, hai người chị Diệu Thanh và Diệu Âm bị bắt giam ở ngục, và khi được cứu thoát, hai người đuổi theo đoàn ngự giá. Sau bao nhiêu ngày gian khổ, cả đoàn cũng đến được Hương-tích. Khi nhận ra con gái với hai mắt bị móc, hai tay bị chặt, máu còn chưa khô, hoàng hậu ngã ra bất tỉnh. Diệu Thiện cho biết nếu bố mẹ nguyện bỏ ác làm thiện thì mình sẽ lành lặn như xua. Sự việc quả như lời khi vua và hoàng hậu phát thệ. Cả nhà ở lại đây tu hành. Diệu Thanh cũng trở thành Văn Thù bồ tát và Diệu Âm trở thành Phổ Hiền bồ tát.

Truyện vừa kể chịu ảnh hưởng từ Phật thoại Nam-hải Quan Thế Âm toàn truyện của Trung-quốc. Giữa hai truyện, tên nhân vật không có gì thay đổi.

Nước Hưng-lâm ở đây được xác định không phải là đất Trung-quốc mà là một nước phía Tây giáp Thiên-trúc, phía Đông giáp Tam-phật-tề, phía Bắc là Xiêm-la, phía Nam là Thiên-chân. Nội dung hai truyện cơ bản là một, chỉ có khác một vài chi tiết.

Hai vợ chồng vua Diệu Trang muộn con, cúng cầu mãi mới sinh được ba nàng công chúa, dự định nhường ngôi cho một trong ba chàng rể. Nhưng công chúa ba là Diệu Thiện chỉ muốn tu hành với cuộc sống độc thân. Kết quả là nàng phải chịu đựng sự trừng phạt từ thấp đến cao: bị lột áo quần, đánh roi và giam đói. Cũng có việc được đi tu với những công việc lao động nặng nhọc, việc ngôi chùa bị đốt và việc đập tắt đám cháy bằng một trận mưa huyền bí do công chúa cắm chiếc trâm vào họng và nhổ máu lên trời cầu nguyện Linh Sơn thế vương. Cũng có việc xử trảm sau một thời kỳ hết dụ dỗ đến dọa nạt mà không ăn thua. Theo lệnh của Ngọc Hoàng, công chúa được bảo vệ đến nỗi đao phủ bất lực, cuối cùng chỉ còn dùng hai tay bóp cổ. Nhưng thần Thành hoàng đã kịp thời hóa hổ, giải tán đám đông và đưa xác nàng lên núi. Cũng lại có việc hồn công chúa dược sứ giả Diêm-la mời xuống để chứng kiến cực hình của con người tội lỗi. Ở đây, những lời cầu nguyện của nàng đã làm cho họ được giải phóng trở về dương thế, đến nỗi cả địa ngục bỗng hóa thành thiên đường và vua Diêm-la phải cấp tốc cho đưa nàng về vì nạn thiếu dân. Phật Như Lai đã đón nàng đưa đến không phải chùa Hương-tích ở Đại-việt mà là chùa đảo Phổ-đà sau khi vượt qua ba năm hiểm trở. Sau chín năm tu hành, công chúa đắc đạo và cũng thu được hai đồ đệ Thiện Tài và Long Nữ sau nhiều cuộc thử thách.

Trời phạt vua Diệu Trang về tội đốt chùa và gϊếŧ con gái, bắt chịu đựng một bệnh nan y: thịt da mọc đầy mụn lở và bấy nát. Cũng có việc công chúa biến thành một thầy tu già ra mắt nói là chỉ có tay và mắt của người thân thì mới có thể lành. Vua sai đại thần đi tìm. Trong lúc đó hai chàng rể của vua vì tham vọng được làm vua sớm nên định tâm gϊếŧ thầy tu và đầu độc vua. Biết được ý đồ của chúng, công chúa đã làm đổ chén thuốc độc và làm bại liệt kẻ ám sát. Kết quả là hai chàng rể tự tử và hai người chị của công chúa hối hận đi tu. Rồi cũng có hai lần xin tay và mắt, và cuộc hành trình của vua và hoàng hậu đến đảo Phổ-đà để cảm ơn con gái. Nhìn thấy con không tay không mắt ngồi trên tòa sen, vua cầu nguyện cho.

Đại khái cả hai truyện nói chung là một mớ hỗn tạp những mẩu phật thoại, tiên thoại ghép với nhau thành truyện. Tượng Quan Âm của Trung-quốc thường là một người nữ tay cầm bình cam lộ, gần đấy có một con chim mỏ cắn một chuỗi ngọc, dấu hiệu của sự tôn quý. Hoặc có khi Quan Âm (đứng hoặc ngồi) tay cầm quyển kinh, dưới chân một bên là Long Nữ tay cầm hòn ngọc, và một bên là Thiện Tài hai tay chắp lại hướng lên chủ mình như đang cầu nguyện.