Chương 11: Đường kiếm giải nguy giúp kết bạn tâm giao
Mấy chục tên đạo sĩ môn hạ của Tiêu Dao đang đứng quanh đó xem trận đấu, tên nào tên nấy nét mặt đều lộ vẻ lo âu, mồ hôi nhỏ giọt xuống. Hai người đang đấu đó là Long Uyên mới ra đời và Tiêu Dao chân nhân, người Chưởng môn của phái Mao Sơn.
Tuy mới bước chân vào giang hồ, nhưng Long Uyên đã được học hỏi những thế võ rất cao siêu và cũng biết người trong giang hồ rất hiểm trá. Nhưng chàng vẫn định dùng thái độ thành thật để xử thế mà thoát ly gia đình ra ngoài đời xem mặt trái của đời như thế nào.
Chàng dám chắc mình lấy chữ thành đối đãi với người và lấy sự kiên nhẫn để xử thế thì dù người có kiêu ngạo đến đâu chàng cũng cảm hóa được và kiêu căng đến đâu cũng bị khắc phục.
Ngờ đâu, Tiêu Dao chân nhân là người ngông cuồng, xưa nay không phục ai bao giờ. Y vì kiêng nể sư trưởng đỡ đầu cho Hổ Hùng và Phong Lan nên mới không dám hạ độc thủ đối phó hai người ấy.
Nhưng không cho bọn này một bài học lại mất thể diện của mình. Trong lúc y đang băn khoăn thì Long Uyên xuất hiện kịp thời lại khuyên răn hòa giải. Nếu Long Uyên là một người có danh tiếng ở trong võ lâm thì Tiêu Dao chân nhân có lẽ sẽ ngừng tay ngay, nhưng Long Uyên chỉ là tên vô danh tiểu tốt, một đứa nhỏ chưa hết hơi sữa. Chỉ những điểm đó cũng đủ cho y khinh thường rồi. Một người kiêu ngạo như y khi nào chịu nghe theo hảo ý của một tiểu tốt vô danh như thế?
Đồng thời y muốn diệt tên tiểu tử vô danh này để cảnh cáo hai người kia. Nếu Long Uyên võ nghệ kém một chút có phải là đã chết oan chết uổng rồi không? Cũng may, võ học của chàng rất cao, nội công lại luyện đến mức thượng thặng, vì vậy Tiêu Dao chân nhân lại càng định tâm gϊếŧ chết chàng. Y là người có địa vị số một trong năm tỉnh miền Bắc này hỏa hầu tinh luyện và rất giàu kinh nghiệm, tất nhiên đấu một lúc y đã biết Long Uyên có nhiều chỗ nương tay cho mình.
Y để ý quan sát thấy chưởng pháp của Long Uyên toàn là những kỳ học mà y chưa hề thấy qua bao giờ. Thân pháp của chàng lại lẹ làng vô cùng, cho nên y nhất thời không biết được tài ba tuyệt học của chàng. Còn mặt khác, tuy mặt mũi của Long Uyên rất xấu xí nhưng cốt cách lại hơn người, phong độ rất tao nhã đủ biết chàng là một tài hoa. Tuy bây giờ hãy còn non nớt nhưng vài năm sau nữa chàng ta thế nào cũng trở nên anh kiệt đương kim đứng đầu cả các môn phái cũng nên.
Tiêu Dao chân nhân nghĩ đến Cô Độc Khách, người có biệt danh là Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm và đã độc bá võ lâm gần ba mươi năm rồi. Tuy nhiên, suốt đời y chỉ gặp qua Cô Độc Khách có một lần, nhưng bấy nhiêu lâu nay lúc nào cũng lo Cô Độc Khách xuất hiện. Suốt đời y chỉ muốn được sống một cách tự do chứ không bao giờ chịu bị một người nào ám ảnh hết, cũng vì thế mà y nghĩ đến viễn cảnh đến thiếu niên đứng đối diện trước mặt đây sau này thế nào cũng ảnh hưởng đến tên tuổi của y, vì thế y càng không chịu được nữa. Y nổi hung chỉ muốn gϊếŧ chết ngay Long Uyên cho khỏi chướng mắt nên mới đề nghị đấu kiếm. Sau khi Long Uyên nhận lời, y liền tấn công ngay một kiếm để thử thách. Thấy nội lực của chàng không phải tầm thường, nên y phải giở Thiên Cương kiếm pháp, môn kiếm pháp độc đáo của mình ra để chém gϊếŧ đối thủ.
Thiên Cương kiếp pháp và Thiên Cương kiếm trận là hai môn võ công độc đáo của phái Mao Sơn dùng để trấn đạo quan. Dùng tới pho kiếp pháp và kiếm trận này đáng lẽ phải bảy người đứng bảy nơi để liên kiếm hợp thức. Nhưng từ khi Tiêu Dao chân nhân lên làm Chưởng môn tới giờ đã cố hết sức nghiên cứu và ỷ vào khinh công đặc biệt của mình mà hợp bảy pho kiếm đó thành một.
Nếu đối phương không biết mà nhất thời sơ ý bị dồn vào vị trí không tính, như vậy là không khác gì tự đâm đầu vào lưới. Lúc ấy, dù người công lực cao siêu đến đâu cũng không sao thoát khỏi được vòng vây của y. Nhưng Long Uyên biết rõ oai lực của Thiên Cương kiếm trận và cũng biết cả cách hóa giải cho nên khi Tiêu Dao chân nhân vừa bước chân lên các vị trí chàng đã hiểu hết và nghĩ ngay ra được một cách đối phó.
Các đạo sĩ của phái Mao Sơn đứng quanh đó xem, thấy người Chưởng môn mình giở kiếm pháp trấn sơn ra đối địch, ai nấy đều kinh hãi và mừng rỡ.
Bọn đạo sĩ này đa số đã được học qua Thiên Cương kiếm pháp, nhưng vì thiếu hỏa hầu hay kém thông minh chưa biết hết được những thế kiếm tinh ảo, nay thấy được người Chưởng môn giở pho kiếm này ra đối địch, chúng rất lấy làm kinh ngạc, vì chúng chưa nghe thấy vị Chưởng môn lại dùng đến kiếm pháp trấn sơn để đối phó với địch bao giờ cả, nhất là lần này lại đối phó với thanh niên trẻ tuổi như thế. Đồng thời, chúng rất vui mừng là được có dịp may để xem người Chưởng môn biểu diễn pho kiếm trấn môn này.
Phong Lan tự ỷ tuyệt học gia truyền không coi đạo sĩ vào đâu, nhưng không hiểu tại sao nàng lại lo âu hộ chàng ta. Vì thế, một tay nàng cầm kiếm, một tay cầm sẵn lẵng hoa, hai mắt cứ trợn tròn xoe nhìn thẳng vào đấu trường không chớp.
Long Uyên khác hẳn mọi người. Chàng tay cầm kiếm, mũi kiếm lại đưa chéo lên trên trông rất ung dung, hình như chàng không biết tính mạng mình sắp bị nguy hiểm tới nơi.
Tiêu Dao chân nhân thấy vậy kinh ngạc thầm, nhưng y vẫn tuần tự giở Thiên Cương bộ pháp ra lẹ làng chạy quanh và bao vây Long Uyên. Nhưng y rất lấy làm ngạc nhiên, thấy thiếu niên đứng giữa có vẻ thản nhiên không đề phòng gì hết, mà không hiểu tại sao lại không có một kẽ hở nào để cho mình tấn công cả? Y càng quay nhanh, một lát sau chỉ thấy một cái bóng đen với một luồng ánh sáng ở cách xa Long Uyên chừng năm trượng đang quay tít mà thôi.
Lúc ấy nếu là người khác thấy Tiêu Dao chân nhân hung hăng như vậy tất đã hoảng sợ mà đột nhiên ra tay phản công rồi. Khinh công của Tiêu Dao chân nhân quả nhiên thật lợi hại, lúc này bất cứ Long Uyên nhìn về phía nào cũng thấy hình bóng của đối phương. Nhưng chàng biết hễ mình ra tay là đối phương liền có dịp may tấn công mình ngay. Cho nên chàng cứ vẫn đứng yên đợi chờ Tiêu Dao chân nhân động thủ trước rồi mới phản công lại.
Một lát sau, Tiêu Dao chân nhân đã chạy khá nhiều vòng rồi mà thấy Long Uyên vẫn đứng yên như thường nên y không sao chịu được, y liền nhắm vai trái của Long Uyên đâm luôn một kiếm mạnh khôn tả, kiếm của y chưa tới nơi kiếm phong đã lấn át vào người đối thủ trước.
Long Uyên thấy vậy, mỉm cười múa tít thanh kiếm giở một thế rất bình thường ra nhằm thân kiếm của đối phương gạt ra.
Tiêu Dao chân nhân đã biết nội lực của Long Uyên mạnh kinh người, bây giờ y lại thấy chàng giở một thế tầm thường ra chống đỡ liền có tiếng kêu “vo” nên y nghĩ thầm: “Nội lực của tên tiểu tử này quả thật khôn lường”.
Y không dám để cho kiếm mình chạm vào kiếm của đối phương xong vội thâu kiếm lại, chân bước sang phương vị khác, đồng thời y lại nhằm về phía sau lưng của Long Uyên mà tấn công tiếp. Long Uyên đã biết rõ Thiên Cương kiếm pháp lợi hại như thế nào, nên chàng chỉ xoay người một cái đã hóa giải được thế công của địch ngay.
Tiêu Dao chân nhân lại chạy tới vị trí Thiên Cơ và kiếm thâu lại rồi vận chân lực ra giở luôn bốn thế ra một lúc tấn công tiếp. Thế công lần này của y như vũ báo và y cũng nghĩ tiếp: “Hừ! Xem tiểu tử ngươi ngông cuồng đến mực độ nào. Lần này ta giở bốn thế một lúc như vậy xem ngươi có cuống quýt hay không”.
Thế kiếm của y quả thật lợi hại, vì lúc ấy sau lưng của Long Uyên đang hướng về phía y, mà chưởng và kiếm của y lại đâm về bên trái, như vậy Long Uyên làm sao mà quay người lại chống đỡ hay hóa giải kịp? Nếu muốn hóa giải trừ phi chỉ có tung mình lên trên cao hay đâm bổ về phía trước thôi, nhưng nếu chàng làm như thế sẽ bị rớt vào trong vòng vây của Thiên Cương kiếm pháp của đối thủ liền. Thật là khó mà đề phòng được và thế nào cũng bị đả thương ngay chớ không sai.
Sự thật Long Uyên có ý muốn thử xem Thiên Cương kiếm pháp của đối phương oai lực đến mức độ nào, cho nên chàng không theo kế hoạch cũ nữa mà nhân lúc Tiêu Dao chân nhân bước vào chân vị Thiên Hoàng, chàng đã chiếm ngay chủ vị Thiên Thư ấy, nếu chàng đứng ở trên chủ vị đó mà giở khinh công vô thượng ra thì Thiên Cương kiếm pháp của đối phương sẽ mất ngay một nửa ngay. Nhưng chàng lại không chuyển bước chỉ tấn công luôn ba kiếm, vì thế chàng bị lâm vào chốn nguy hiểm tức thì.
Phong Lan đứng cạnh đó thấy vậy kinh hoảng đến toát mồ hôi. Còn những đạo sĩ khác và Hổ Hùng chỉ cảm thấy Thiên Cương kiếm pháp quả thật khác thường.
Chỉ trong nháy mắt kiếm quang của Tiêu Dao chân nhân đã cách Long Uyên chỉ còn nửa thước, ai cũng yên trí chàng sắp bị nguy hiểm đến nơi.
Nhưng không hiểu tại sao hai chân chàng như đóng đinh vào chỗ đó không thấy di chuyển chút nào, chỉ hơi phất tay áo về phía sau một cái liền có một luồng gió kêu rào rào cuộn ngay vào cây thân kiếm của đối phương tức thì.
Tiêu Dao chân nhân thấy vậy giật mình kinh hãi, y biết nội lực của thiếu niên này đã luyện tới mức mượn vật truyền lực rồi.
Nếu không thay đổi vị trí mà thâu kiếm lại, thì mình chưa đả thương được kẻ địch, kiếm của mình cũng bị tay áo của chàng cuốn mất ngay. Tới lúc ấy dù muốn thâu kiếm lại cũng không kịp, như vậy có phải là mất hết thể diện hay không? Vì thế, y không đợi chờ tay áo của Long Uyên va chạm tới đã vội nhảy sang vị trí Thiên Quyền mà xoay kiếm sang tấn công cánh tay phải của Long Uyên luôn.
Sự thật, Tiêu Dao chân nhân đã tấn công liền ba thế kiếm như thế mà không đẩy được Long Uyên lui nửa bước, như vậy không khác gì thua rồi. Ngay nói về công lực Long Uyên phất tay áo bên trái một cái cũng đủ chứng minh nội lực mạnh hơn y nhiều. Nhưng y không nghĩ đến điều đó thì chớ, lại còn muốn gϊếŧ chết Long Uyên mới hả dạ. Y ỷ lại vào Thiên Cương kiếm pháp biến hóa nhanh chóng và phức tạp khiến cho đối phương hoa mắt mặt mũi tối tăm. Y tưởng cứ giở hết pho kiếm pháp ấy ra thì thế nào cũng thắng được kẻ địch. Ngờ đâu y vừa ra tay thì Long Uyên đã rú lên một tiếng rất thánh thót, kiếm của chàng đi như vũ như bão nhằm đầu Tiêu Dao chân nhân tấn công luôn.
Thế kiếm của chàng là Thần Long Thí Vũ trong Đồ Long thập cửu thức, nên khi hai kiếm vừa va chạm nhau, bảo kiếm của địch đã được đẩy hẳn sang bên hai thước, ngực để hở kiếm của Long Uyên đã nhằm năm đại huyệt ở đầu và ngực của y điểm tới liền.
Tiêu Dao chân nhân có bao giờ trông thấy thế kiếm kỳ lạ và lợi hại như thế đâu, nên cả kinh thất sắc vội lui bước và nhảy vào phương vị khác. Cũng may Long Uyên là người nhân hậu và ra tay hơi chậm một phút để cho y tẩu thoát như thế. Bằng không, thế nào cũng có một yếu huyệt của y bị kiếm của chàng đâm trúng, không chết ngay tại chỗ thì cũng bị thương nặng chứ không sai.
Tiêu Dao chân nhân kinh hãi và tức giận khôn tả liền quát lớn một tiếng, tả quyền dùng thế Ô Long Thám Hải, hữu kiếm thế Khai Dương Nghênh Xuân nhằm đầu và người Long Uyên tấn công.
Long Uyên thấy y sợ mình thừa thế tấn công, nên mới sử dụng cả tay trái như vậy, chàng liền cười khỉnh và nói :
- Đạo trưởng khỏi phải lo sợ, tại hạ không bao giờ nhân lúc người ta nguy nan mà ra tay tấn công.
Tiêu Dao chân nhân nghe nói hổ thẹn vô cùng, hai má đỏ bừng rồi nổi giận nói :
- Tiểu tử đừng có ngông cuồng, hãy coi thế công này của ta!
Nói xong, y liền lấy thoái làm tiến, đột nhiên nhảy lên trên cao năm trượng, kiếm của y hóa thành muôn vạn ngôi sao tấn công xuống.
Long Uyên thấy thế kiếm này quả thật lợi hại, trong một khoảng đất tròn đường kính dài hơn trượng rưỡi đều bị bóng kiếm của đối phương bao trùm hết.
Nếu lúc này chàng giở thân pháp ra lui tránh vẫn có thể nhảy ra ngoài vòng vây được, nhưng làm như thế thì hơi mất thể diện. Vì thế mà chàng không đợi Tiêu Dao chân nhân tấn công xuống đã đột nhiên rú lên một tiếng rất thánh thót, giở thế Thanh Long Hồi Không ra tung mình nhảy lên, ở trên không. Hai cái bóng người vừa chạm nhau liền có mấy tiếng kêu “coong, coong”. Long Uyên vẫn kêu rú. Người của chàng đã lên tới trên cao ba trượng. Trái lại, Tiêu Dao chân nhân thì nhanh nhẹn lộn xuống dưới.
Phong Lan đứng cạnh đó thấy khinh công của Long Uyên lợi hại như vậy liền khoái chí cười hoài.
Nàng ngẩng đầu lên nhìn thấy Long Uyên đang ở trên cao bay lượn không khác gì một con rồng vậy, mà chàng cũng trông thấy rõ cử chỉ của Phong Lan nên cũng nhếch mép cười, rồi người chàng khom lưng một cái đã đổi thế Thần Long Hồi Thân. Lượn hai vòng, hơi ngừng một chút rồi mới dùng thế Thanh Long Nhập Hải hạ chân xuống giữa đấu trường.
Còn Hổ Hùng vừa kinh ngạc và hoài nghi vừa ghen tức lẫn ái mộ, hai mắt cứ đảo lộn hoài dù thấy y đang nghĩ ngợi rất nhiều.
Tiêu Dao chân nhân thì hoảng sợ vô cùng, y không ngờ tiểu tử vô danh mặt xấu xí này lại có tuyệt học như vậy. Y bỗng nghĩ thầm: “Tất cả thiên hạ võ lâm quả thật ta không hề thấy một người nào lại có thân pháp kỳ lạ như thế”.
Trong lúc y kinh hoảng, lòng ghen tài lại nổi lên, hai mắt lộ sát khí nhằm vào người của Long Uyên đang lượn ở trên không, vận hết công lực vào hai cánh tay, chỉ đợi chàng xuống tới mặt đất chưa kịp vận hơi lấy sức là ra tay tấn công luôn. Cho nên y vừa thấy Long Uyên hạ đầu xuống đã rú lên một tiếng múa kiếm xông lại chặt ngang lưng chàng liền.
Nếu lấy lý lẽ thường mà nói thì lúc này Long Uyên chân khí đã hết, sức lực mới chưa nẩy nở, lúc hạ chân xuống lại nhanh thì làm sao mà thay đổi ngay thế thức được. Vả lại, lần này Tiêu Dao chân nhân lại giở hết toàn lực ra tấn công, nếu chàng tiến lên chống đỡ thì kiếm của chàng thế nào cũng bị y đẩy bắn ra khỏi tay và người chàng còn bị thương là khác. Còn nếu không chống đỡ thì thế nào cũng bị toi mạng.
Phong Lan đang tươi cười, thấy vậy hoảng sợ biến sắc định múa kiếm và lẵng hoa ra chận đỡ hộ, nhưng không ngờ lúc ấy nàng đã nghe kêu “coong” một tiếng. Long Uyên lại phi thân lên cao, còn Tiêu Dao chân nhân thì cánh tay hạ xuôi xuống, mặt hổ thẹn hết sức.
Phong Lan thấy vậy liền dừng chân lại, miệng tủm tỉm cười và cất tiếng khen :
- Hay lắm!
Hổ Hùng quay đầu lại nhìn nàng, mặt tỏ vẻ kinh ngạc và rất thán phục.
Thì ra trong lúc nguy hiểm ấy, Long Uyên đã giơ kiếm ra khẽ điểm một cái trúng ngay vào thân kiếm của Tiêu Dao chân nhân nên mới có tiếng kêu “coong” như vừa rồi.
Chàng lại mượn sức của đối phương mà tung người lên cao, thế võ công ấy của chàng bề ngoài trông thì hình như chàng không mất hơi sức gì hết, nhưng sự thật chàng đã vận hết chân lực thần công vào đầu kiếm rồi. Cũng may chàng nương tay, bằng không bảo kiếm của Tiêu Dao chân nhân đã gãy ra làm đôi. Tuy vậy sức điểm ấy của chàng đã nặng hơn nghìn cân nên mới đẩy được Tiêu Dao chân nhân bắn ra như thế.
Đồng thời y thấy hổ khẩu tay phải tê tái, suýt tí nữa thì không nắm nổi bảo kiếm. Y là Chưởng môn của một môn phái suốt đời ngông cuồng đã quen rồi thì khi nào y chịu nhịn được. Nên khi Long Uyên hạ chân xuống ngoài xa hai trượng, đang định lên tiếng kết thúc trận đấu, ngờ đâu Tiêu Dao chân nhân mặt đỏ bừng giậm chân một cái phi thân lại, cả chưởng lẫn kiếm cùng giở một lúc như vũ bão nhằm các nơi yếu hiểm của Long Uyên mà tấn công.
Long Uyên không ngờ đồi phương lại hèn hạ đế? như vậy, tức giận vô cùng liền giở Cô Độc kiếm pháp ra phản công luôn. Cô Độc kiếm pháp là của Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm phát minh ra, tuy chỉ có mười hai thức nhưng bao hàm tất cả những thế kiếm tinh ảo của các pho kiếm trong thiên hạ.
Thế thứ nhất là Khai Thiên Phích Dịch chàng vừa ra tay một cái đã dồn hết nội lực vào thân kiếm ngay.
Tiêu Dao chân nhân nghe thấy tiếng kiếm phong của chàng kêu vo vo và thấy kiếm quang nhấp nhoáng làm lóa cả mắt, tuy chỉ có hai thức hai thế, nhưng y không sao phân biệt được thế nào trước, thế nào sau mà chỉ thấy cùng một lúc có mấy lưỡi kiếm sắc bén nhằm người mình đâm tới.
Long Uyên thấy vậy vội giở thế kiếm thứ hai ra, kiếm quang như một làn ánh sáng bao vây chặt lấy địch.
Tiêu Dao chân nhân rống lên một tiếng giơ kiếm lên bảo vệ lấy đầu và mặt, còn tả quyền thì tấn công bên dưới. Long Uyên thấy y giở thế ấy ra mới biết là y đã liều lĩnh muốn cả hai người cùng bị thương và bị hại một lúc.
Chàng hơi do dự một chút, vì thế mà kiếm thế ở tay hơi chậm, vừa va chạm vào quyền phong của đối phương chỉ nghe thấy “loong coong” hai tiếng, chàng đã lướt ra ngoài xa.
Tiêu Dao chân nhân không biết Long Uyên có lòng nhân hậu không giở toàn lực ra đối phó, y tưởng công lực của chàng chỉ có thế thôi, nên y càng không sợ, xông lên tấn công tiếp.
Long Uyên thấy vậy tức giận vô cùng liền giở luôn thế thứ ba Nhật Nguyệt Vô Quang chống đỡ luôn. Kiếm và chưởng của chàng nặng như núi non và có tiếng kêu “ùm ùm” như sấm động nên kiếm của chàng chưa tới nơi, Tiêu Dao chân nhân đã cảm thấy có một luồng gió mạnh lấn át khiến y cuống quýt không sao mà chống đỡ được. Y bỗng nghĩ ra một người lại hoảng sợ thêm, vội giở hết chưởng lực ra chống đỡ.
Tuy vậy y vẫn biết địch không nổi nên cứ nhắm nghiền mắt lại đánh liều chống đỡ thôi. Lần này, Long Uyên định cho đối phương một bài học nên thân, nhưng bây giờ thấy y nhắm mắt đánh liều như vậy, vội thâu kiếm khí lại rồi cứ đứng yên chờ kiếm phong của Tiêu Dao chân nhân lấn át tới, chàng thừa kế nhảy luôn ra ngoài hai trượng, cắm kiếm xuống đất và nói :
- Kiếm pháp của đạo trưởng cao siêu thật không hổ thẹn cao thủ của bắc phương, tại hạ tự nhận địch không nổi, xin đạo trưởng buông tha cho.
Tiêu Dao chân nhân yên trí phen này không bị thương thì bảo kiếm cũng bị rơi khỏi tay, nhưng muốn lui cũng không sao lui được, nên y mới nhắm mắt đợi chờ, trong lòng đau đớn vô cùng. Ngờ đâu, y đột nhiên thấy áp lực mất hẳn, y ngạc nhiên vô cùng mở mắt ra nhìn, mới hay Long Uyên đứng ở ngoài xa hai trượng.
Y nghe thấy Long Uyên nói như vậy vừa hổ thẹn vừa ghen tỵ, nhưng y đã trải qua rất nhiều trận đánh lớn nhỏ nên dù sao cũng trấn tĩnh hơn người, vội định thần giây lát, cắm kiếm vào bao, ngẩng mặt lên cười ha hả nói :
- Long thiếu hiệp quá khen như vậy, đạo gia này hổ thẹn không dám nhận. Thiếu hiệp còn trẻ mà võ công cao siêu như vậy thật là hiếm có.
Phong Lan đứng cạnh trông thấy rõ ràng nhất, biết Long Uyên nương tay nên lão đạo sĩ mới thoát chết mà chàng còn khen ngợi đối phương. Còn lão thì trái lại, còn làm bộ không biết xấu hổ. Nhưng cũng vì y ngông cuồng kiêu ngạo mà thấy Long Uyên khiêm tốn nhân hậu một cách khả ái. Vì vậy, Phong Lan lại càng yêu chàng hơn.
Còn Hổ Hùng lại nghĩ khác, y nhận thấy võ công của Long Uyên tuy cao siêu thật nhưng phải cái nhát gan sợ sệt không dám làm mất lòng người, nên y nghĩ thầm: “Đáng tiếc! Võ công của y cao siêu như thế, nhưng lại nhát gan như vậy. Nếu là ta thì lúc nãy đã gϊếŧ chết lão đạo sĩ đó rồi”.
Tiêu Dao chân nhân lại cười ha hả nhìn thẳng vào mặt Long Uyên hỏi :
- Đạo gia có một việc này chưa hiểu, không biết Long thiếu hiệp có vui giải đáp thắc mắc cho không?
Tất nhiên Long Uyên nhanh nhẩu nhận lời ngay, nên Tiêu Dao chân nhân lại nói tiếp :
- Vừa rồi, kiếm pháp của thiếu hiệp sử dụng, đạo gia cảm thấy quen lắm nhưng không biết Cô Độc Khách với thiếu hiệp có liên quan gì?
Long Uyên ngẩn người ra giây lát, chàng cũng phải chịu phục mắt của Tiêu Dao chân nhân sành sỏi. Chàng đang định trả lời thật cho đối phương nghe nhưng sực nghĩ lại, nói như thế sẽ bất lợi cho Vân Tuệ. Cho nên chàng hơi chần chừ một chút, định đặt điều để nói nhưng lại không muốn. Ngẫm nghĩ một hồi, chàng mới trả lời rằng :
- Cô Độc Khách đã chết lâu năm, chính tại hạ cũng không biết ông ta là người thế nào. Còn kiếm pháp của tại hạ học được ở một cuốn sách cổ, có điều chi sơ sót mong đạo trưởng lượng thứ cho.
Chàng nói như vậy là sự thực, nhưng Tiêu Dao chân nhân thấy chàng hơi chần chừ một lúc lâu mới nói nên không tin. Nhưng y biết có hỏi thêm cũng vô ích cho nên y cười ha hả rồi nói :
- Đâu dám! Đâu dám! Kiếm thuật của thiếu hiệp thật là cao siêu khôn lường, bảo chỉ điểm thì tôi không dám. Nếu sau này có cơ duyên thì thế nào cũng xin nghiên cứu với thiếu hiệp một phen, lúc ấy đạo gia mới lấy làm toại nguyện.
Hổ Hùng đứng ở phía sau Long Uyên, vừa rồi không trông thấy thái độ của chàng, nghe đạo sĩ nói như vậy liền động lòng, bụng thầm tính kế. Nên y chờ Tiêu Dao chân nhân nói xong, liền đi cạnh tới Long Uyên mà nói với chàng rằng :
- Long huynh! Việc ở đây đã xong. Theo đệ, chúng ta nên sớm rời khỏi nơi đây. Bằng không, lát nữa trời tối không có chỗ mà nghỉ ngơi đấy.
Nói xong, y đưa mắt ra hiệu tỏ vẻ bí ẩn.
Long Uyên thấy vậy tuy không hiểu nhưng đang muốn kết bạn với y nên không chịu bỏ lỡ dịp may này mà cự tuyệt, vì vậy chàng liền nhận lời, quay lại cáo từ Tiêu Dao chân nhân ngay.
Tiêu Dao chân nhân muốn giữ Long Uyên ở lại nhưng không ngờ lại bị Hổ Hùng mời đi trước, tuy trong lòng bực tức không tiện nói ra đàng để cho cả ba người đi khỏi.
Hổ Hùng không muốn kết bạn với Long Uyên, nhưng vì thấy chàng giỏi võ một cách không ngờ, lại nghe thấy chàng nói võ công của chàng là tự học trong một cuốn sách cổ truyền, nên y muốn lợi dụng chàng dạy cho vài thế võ.
Ba người xuống tới chân núi, Long Uyên rú một tiếng thật lớn, con ngựa đen của chàng đã từ đâu phi tới liền.
Phong Lan thấy con ngựa đẹp như vậy liền tủm tỉm cười, hỏi Long Uyên :
- Này, con ngựa của đại ca thật đẹp, cho tiểu muội mượn cưỡi nhé?
Long Uyên gật đầu nhận lời. Hổ Hùng hơi cau mày lại, nhưng y vẫn làm ra vẻ tươi cười đáp :
- Lan muội cưỡi ngựa đi trước đi, còn tôi với Long huynh thủng thỉnh đi sau, Lan muội tới đó lấy hành lý xong, rồi chúng ta cùng gặp nhau ở khách sạn Lai Phúc ở trong Khoáng Thành.
Phong Lan phi lên ngựa ra roi phóng đi luôn.
Lúc ấy trời quang mây tạnh, mặt trời đã là tà lặn về phía tây. Trên đường cái quan vì sau một trận mưa người đi lại rất thưa thớt, người ta chỉ thấy hai thanh niên một văn một võ đi sát cạnh với nhau, tuy trông họ đi rất thủng thẳng nhưng nhanh khôn tả. Hai người vừa đi vừa chuyện trò, Long Uyên rất thực thà nói rõ hết thân thế của mình cho Hổ Hùng hay còn về võ học thì chàng nói hồi còn nhỏ phiêu lưu ra ngoài hải ngoại nên học được một cuốn sách trên đảo.
Sự thật chàng nói như vậy không phải là nói dối vì những việc của Vân Tuệ nàng đã dặn chàng phải giữ bí mật nên gặp ai chàng cũng không thể nói ra chuyện đó, vì mối thù của Vân Tuệ tức là mối thù của Cô Độc Khách bị bảy người Chưởng môn của bảy môn phái hợp sức tấn công. Nếu thố lộ sư thừa của Vân Tuệ ra thì thế nào cũng có sự lôi thôi lắm chứ không sai và nói như thế sẽ cản trở đến việc trả thù của nàng.
Đồng thời chàng cũng muốn dò thăm tin tức bảy người Chưởng môn ấy hộ nàng, nên chàng thấy Hổ Hùng là người của phái Hoa Sơn nên muốn làm quen để dò biết bảy người Chưởng môn của bảy môn phái kia.
Khoáng Thành là một thành nhỏ thuộc phủ Hàn Châu tỉnh Sơn Đông ở ngay giáp giới tỉnh Sơn Đông với Giang Tô, khách lên miền Bắc và xuôi miền Nam phần nhiều ở lại thị trấn này nghỉ ngơi cho nên có nhiều tửu điếm.
Hổ Hùng với Phong Lan cũng lên miền Bắc đã đi qua đây, nên biết trong thành có một khách sạn lớn tên là Lai Phúc, Long Uyên theo Hổ Hùng tới Khoáng Thành thì trời đã vừa tối, hai người đi tới khách sạn, tên tửu bảo đã vội ra nghinh đón vái chào và nói :
- Hai vị có phải là Hổ gia với Long gia ấy không? Cô nương đã mướn hai phòng cho hai vị rồi, xin hai vị theo tiểu nhân về phòng.
Hổ Hùng gật đầu rồi hai người đi theo tửu bảo vào tới vườn trong khi đến căn phòng của Phong Lan mướn cho, hai người mới hay phòng đó có ba căn một căn ngoài và hai căn trong.
Hai người rửa mặt xong Phong Lan đã ở ngoài cửa nhảy vào và cười khanh khách như một con chim non vừa bước vào vừa nói :
- Hai người bây giờ mới tới. Ôi cha! Phòng này tối lắm sao không thắp đèn thế này? Tửu bảo đâu mau thắp đèn lên bằng không sáng mai đi chúng ta không trả tiền đâu.
Tửu bảo vội vâng vâng dạ dạ ra lấy đèn. Phong Lan thấy dáng điệu hoảng sợ của tửu bảo ôm bụng cười hồi lâu mới nói tiếp :
- Hổ đại ca, hành lý của đại ca ở phòng bên trái mau đi thay quần áo.
Hổ Hùng thấy nàng săn sóc mình chu đáo như vậy trong lòng khoan khoái vô cùng quên hết cả câu chuyện hồi nãy và nhanh nhẩu cám ơn một tiếng rồi đi vào thay quần áo ngay.
Phong Lan nhìn Long Uyên tủm tỉm cười rồi chỉ vào mặt chàng và nói :
- Này, người này đi đường đem nhiều châu báu như thế làm chi. Không sợ người ta cướp mất của ngươi hay sao?
Long Uyên ngẩn người ra và bụng bảo dạ rằng :
- Sao cô bé này biết rõ như thế? Chắc cô bé này đã mở hành lý của ta cũng nên.
Phong Lan thấy chàng như vậy lại nói tiếp :
- Tôi đã mở hành lý ra xem qua rồi, nhưng không lấy gì đâu, người không tin thì vô mở hành lý ra mà xem lại.
Long Uyên lại ngẩn người ra thêm và nghĩ: “Cô bé này lạ thực, sao cô ta lại biết ta đang nghĩ gì thế?”
Nghĩ đoạn, chàng lại sợ nàng đoán trúng tâm sự của mình, vội chắp tay chào và lớn tiếng đáp :
- Tại hạ tin Phong cô nương lắm, hơn nữa châu báu ấy là vật ngoại thân nếu cô nương thấy thích thì cứ việc lấy đi có sao đâu.
Phong Lan nghe nói sầm nét mặt lại hờn giận đáp :
- Hừ, cô nương chỉ vì hiếu kỳ giở ra xem qua, đâu thèm vật ấy của ngươi, ngươi đường hoàng như vậy chắc những vật đó không phải là của ngươi mà cướp của người khác cũng nên.
Long Uyên không ngờ Phong Lan giở mặt nhanh như thế và còn bảo những châu báu của mình là tang vật lai lịch bất minh.
Chàng tức giận vô cùng nhưng đối với cô bé chàng trở mặt cũng không nỡ và giải thích cũng không xong chàng không biết nên xử trí như thế nào cho phải nên ngẩn người ra giây lát rồi đáp :
- Phong cô nương...
Phong Lan lại cau mày quát lớn :
- Cái gì Phong cô nương, cái gì ngốc cô nương, cô nương này có phong có điên bao giờ đâu. Ngươi nói đi.
Long Uyên cau mày lại nghĩ thầm :
- Ngươi chả họ Phong là gì, sao lại bướng bỉnh như thế? Sao lại bảo người ta nói mình là phong với điên rồ vậy. Hà, thôi ta đành phải đổi giọng vậy.
Nghĩ đoạn chàng liền gọi :
- Lan cô nương... cô...
Phong Lan lại cười khì ngay, nhưng nàng lại nghiêm nét mặt bảo :
- Đâu đến thứ ngươi được gọi ta là Lan cô nương nào.
Long Uyên cười ấp úng một hồi mới hỏi :
- Như vậy tại hạ nên gọi như thế nào mới phải?
Phong Lan đảo tròn đôi ngươi một vòng rồi mới dịu giọng hỏi :
- Tại hạ là ai thế?
Long Uyên tức cười vì thấy cô bé này đến những lời nói xưng hô một cách khách khứa như vậy mà cũng không hiểu liền giải thích :
- Tại hạ là tại hạ. A không tại hạ là tôi.
Phong Lan thấy thái độ hoảng sợ của chàng rất tức cười lại ôm bụng cười hoài. Long Uyên nghĩ mình giải thích cho nàng nghe như vậy mà nàng ta cũng buồn cười, ngờ đâu chàng vừa cau mày suy nghĩ thì Phong Lan đã nín cười nói tiếp :
- Tại hạ là người, nếu vậy ngươi phải gọi cô nương này là tại thượng nhé.
Phong Lan nói tới đó, Long Uyên mới hiểu nàng có ý nói bóng, đồng thời chàng nghĩ lại câu nói của nàng ta lại không sao chịu được liền cười ha hả.
Phong Lan thấy chàng vui vẻ cười, mặt đỏ bừng và trong nét cười của chàng rất đẹp liền ngẩn người ra nhìn, hai mắt không chớp.
Hổ Hùng ở phòng trong nghe thấy hai người cười nói với nhau biết Phong Lan tinh nghịch đem Long Uyên ra đùa rồi. Tuy cảm thấy Long Uyên quá thực thà nhưng y lại cũng hơi ghen tức nữa. Y vội thay quần áo lối nho sĩ thủng thẳng bước ra tằng hắng một tiếng và hỏi :
- Long huynh, chuyện gì mà buồn cười đến thế, tiểu đệ có dự được không?
Phong Lan mới tỉnh ngộ mặt nàng đỏ thêm vội nói sang chuyện khác.
- Ối chà! Đói lắm. Chúng ta mau đi ăn đi.
Lúc ấy tửu bảo vừa mang đèn vào, Phong Lan sợ hãi người trông thấy bộ mặt của mình vội nhảy ra ngoài nhà thúc giục :
- Đi mau lên, tửu bảo này, chúng ta đi ăn cơm, những đồ đạc ở trong nhà giao cho chú đừng để mất mát một vật gì nhé.
Tửu bảo vâng vâng dạ dạ, nhưng y đã nhức óc về cô bé này. lúc ấy Long Uyên biết cô bé rất tinh nghịch nên chỉ nhìn Hổ Hùng rồi cùng nhau đi ra ngoài nhà.
Ba người đi ra ngoài phòng ăn, thấy khách ngồi nay sảnh, đa số là những người lao động, cũng có người lưng đeo áo vải với mang khí giới. Chỉ thoáng trông đã biết những người đó đều là nhân vật võ lâm. Hổ Hùng là người giàu kinh nghiệm giang hồ, biết gần đây thể nào cũng có chuyện gì xảy ra, bằng không sao nhất thời lại có nhiều nhân vật giang hồ lại hiện ra ở đây như thế?
Ba người ngồi xuống, Phong Lan tranh chọn món ăn, cuối cùng nàng mới hỏi Long Uyên :
- Này, ngươi có uống rượu không?
Long Uyên lắc đầu, Phong Lan hình như khen ngợi nói tiếp :
- Uống rượu không tốt, vừa hôi mồm vừa làm việc hồ đồ cái gì cũng không thành công hết, tôi ghét nhất những hạng người uống rượu.
Hổ Hùng là người nghiền rượu, từ khi biết Phong Lan đến nay y cứ không dám uống nhiều, bây giờ nghe thấy Phong Lan nói như thế biết nàng ta đang mỉa mai mình, nhưng không dám nói chuyện đó mà lảng sang chuyện khác nói với nàng ta rằng :
- Lan muội có thấy không, hôm nay nơi đây hình như có gì khác lạ.
Phong Lan nghe nói liền đưa mắt nhìn chung quanh rồi ngạc nhiên hỏi :
- Có cái gì lạ đâu?
Long Uyên là người thông minh chỉ thoáng trông thấy nhiều nhân vật võ trang như thế liền hiểu ý vội hỏi :
- Hổ huynh có phải chỉ những người ngồi ăn kia không?
Hổ Hùng buột miệng khen ngợi rằng :
- Long huynh thông minh thật, chính tiểu đệ chỉ những người đó.
Phong Lan dùng giọng mũi “hừ” một tiếng rồi xen lời nói :
- Thông minh cái quái gì, bổn cô nương đã trông thấy từ lâu.
- Theo kinh nghiệm của tiểu đệ nếu nơi đây không có chuyện gì xảy ra thì không khi nào có nhiều nhân vật tụ họp.
Lòng hiếu kỳ thúc đẩy, Phong Lan vội xen lời hỏi :
- Việc gì thế? Ngươi nói đi!
Hổ Hùng cũng không biết việc gì cả, đành xua tay nhún vai tỏ vẻ không biết thôi. Phong Lan thấy vậy lại dùng giọng mũi “hừ” một tiếng nữa rồi nói tiếp :
- Tưởng gì lạ! Thì ra ngươi biết có một chút ấy mà cũng làm bộ làm tịch, thật là không biết xấu hổ. Cứ mau đi dò xem, nếu có trò vui thì chúng ta cũng dự một phần.
Long Uyên nghĩ thầm: “Hầu hạ cô bé này khó thật. Hình như Hổ huynh đã có ý với nàng, sau này anh ta còn chịu khổ nhiều với cô ta mà xem”.
Nghĩ đoạn, chàng liền vận dụng môn Tịnh Tâm Thiền Thính để nghe chuyện của các người ở những bàn kia.
Lúc ấy, Hổ Hùng thật khó xử vì mọi người đều đã ăn uống. Biết đi đâu mà dò thám. Hơn nữa, người trong giang hồ kỵ nhất là bị người ta điều tra và dò xét bí mật của mình. Nếu đường đột hỏi thăm thì chỉ có mang sự phiền phức vào thân thôi. Nhưng không đi lại sợ Phong Lan trách cứ...
Đang lúc y còn phân vân thì chợt thấy có tửu bảo đem thức ăn vào, vội nói :
- Lan muội chớ có nên nóng lòng như thế, chúng ta hãy ăn no nê một bữa đã!
Phong Lan trợn mắt lườm y rồi cầm đũa ăn luôn. Long Uyên vừa ăn vừa nói :
- Việc này xảy ra không phải là ở nơi đây, những người này đều là người qua đường, họ định đi Sào Hồ đấy!
Hổ Hùng và Phong Lan thấy chàng nói như vậy đều ngạc nhiên vô cùng.
Phong Lan vội ngừng đũa, hỏi :
- Sao ngươi lại biết?
Long Uyên chỉ tay về phía sau lưng Phong Lan mà nói tiếp :
- Tôi vừa nghe người ngồi bàn thứ ba nói, nhưng chưa dám xác định cho lắm.
Phong Lan không nhịn được vội đứng dậy nhìn sang bàn thứ ba, thấy có bốn người mặc áo bào lưng đeo bảo kiếm. Người ngồi đối diện nàng tuổi ngoài bốn mươi, người cao lớn vạm vỡ, mắt to mày rậm, hai thái dương huyệt gồ cao hiển nhiên là những nhân vật tên tuổi của võ lâm.
Người đó thấy Phong Lan đứng dậy nhìn mình, hai mắt liền trợn trừng đôi ngươi tia ra hai luồng ánh sáng lóng lánh hiển nhiên nội công của y đã luyện tới mức khá cao.
Phong Lan lườm người đó một cái rồi ung dung ngồi xuống và nói :
- Người đó hung ác lắm, lại còn trợn trừng mắt lên nhìn tôi. Hừ! Nếu không phải ở trong tiệm ăn này thế nào cô nương cũng cho y một bài học.
Long Uyên thấy vậy, bụng bảo dạ rằng: “Cô bé này hay gây thật”.
Nghĩ như vậy, chàng vội lên tiếng khuyên rằng :
- Thôi, cô nương chấp y làm chi, mau ăn cơm đi!
Hổ Hùng cũng nóng nảy như Phong Lan, nếu là những ngày qua thì y đã nhảy ra đánh người kia một trận rồi, nhưng hôm nay y mục kích Long Uyên đấu với Tiêu Dao chân nhân mới biết còn nhiều người tài giỏi hơn mình, nên y mới hết kiêu ngạo không coi thường mọi người như trước. Phong Lan tính nóng nảy muốn biết nội dung mà Long Uyên vừa nghe thấy, nên nàng vừa ăn vừa thúc giục Long Uyên kể lại chuyện cho nàng nghe.
Long Uyên hạ thấp giọng xuống, nói :
- Người đó hình như là tên đầu não của bọn chúng, vừa rồi y đang nghĩ cách làm thế nào để tới kịp Sào Hồ. Vì thế tôi mới đoán chắc Sào Hồ có chuyện gì xảy ra. Bằng không, không khi nào đem theo nhiều người đi xa hàng vạn dặm như thế làm chi.
Phong Lan lại hỏi :
- Sào Hồ có chuyện gì xảy ra?
Long Uyên không trả lời, chỉ lắng tai nghe. Phong Lan với Hổ Hùng thấy vậy cũng bắt chước nhưng hai người chỉ nghe thấy người ở cách bàn kế bên nói thôi chứ không sao nghe được người ở bàn thứ ba nói. Nên cả hai người đều phục tài Long Uyên vô cùng. Phong Lan lại thúc giục tiếp :
- Có nghe thấy gì không? Nói mau, nói mau, người ta nóng lòng muốn chết đi được!
Long Uyên mỉm cười và ăn một miếng cơm, từ từ nói tiếp :
- Cô nương hãy yên trí ăn cơm, thức ăn và canh đã nguội cả rồi.
Phong Lan tức giận lườm chàng rồi đáp :
- Tôi đã nóng ruột đến chết đi được! Không nói thì thôi, tôi không biết đi hỏi hay sao?
Nói xong, nàng để đũa định đi. Long Uyên thấy vậy biết nàng sang bên đó thế nào cũng gây sự, vội đỡ lời :
- Cô nương ngồi xuống, tôi nói cho mà nghe.
Sở dĩ Phong Lan làm thế là cố ý dọa chàng, thấy mục đích của mình đã đạt rồi, nàng không đứng dậy nữa chỉ đợi chờ Long Uyên kể thôi.
Long Uyên thở dài một tiếng. Phong Lan thấy vậy đắc chí vô cùng, Long Uyên liền nói :
- Hình như họ nói ở Sào Hồ có một con Tỷ Kim Ác Giao xuất hiện nên họ định bắt con thuồng luồng đó.
Hổ Hùng nghe nói tới đó liền kêu “ồ” một tiếng và xen lời nói :
- Con Kim Giao này thế nào cũng có vật báu, bằng không làm sao có nhiều người đi như thế?
Long Uyên sực nghĩ đến những trái Kình châu mà mình đã ăn, liền nói tiếp :
- Có lẽ con thuồng luồng này thế nào cũng có trái nội đơn. Người nào nuốt được trái nội đơn đó, võ công mạnh gấp ba và hỏa hầu cũng tăng thêm rất nhiều.
Phong Lan liền kết luận :
- Thôi thôi, bất cứ con thuồng luồng đó có vật báu gì hay không, chúng ta cũng phải đi xem, một là tăng thêm kiến thức, hai là xem chúng đánh nhau.
Hổ Hùng nghe thấy Long Uyên nói như vậy liền động lòng tham. Bây giờ y lại thấy Phong Lan đòi đi tất nhiên y vui lòng đi theo ngay, liền phụ họa :
- Hay lắm! Chúng ta đi xem đi! Long huynh nghĩ sao? Nếu huynh có hứng thì cùng đi với tiểu đệ và Lan muội.
Long Uyên không muốn lấy vật báu gì hết, nhưng chuyến đi này của chàng không có mục đích nhất định nào đi đâu cũng được, đang lúc Sào Hồ phong vân tập hội, Hổ Hùng lại rủ chàng đi xem trò vui, chàng từ chối sao được, vì thế chàng nhanh nhẩu nhận lời ngay kết bạn cùng đi luôn.
Cơm nước xong, ba người về phòng trọ chuyện trò giây lát. Phong Lan đề nghị mua hai con ngựa để cưỡi, Hổ Hùng đồng ý, vì ngay lúc trời tối nên quyết định sáng mai đi mua.
Sáng sớm ngày hôm sau, ba người cơm nước xong đâu đấy, thanh toán tiền phòng rồi dắt con Mạc Long đi ra chợ ngựa để mua thêm ngựa.
Phong Lan lựa chọn hàng nửa ngày vẫn không sao lựa được một con ngựa vừa ý. Bất đắc dĩ đành phải mua con ngựa thường vậy, rốt cuộc mua được một con màu vàng và một con màu đỏ, và lúc ấy đã gần tới giữa ngọ rồi.
Chiều hôm đó, mặt trời hãy còn ở trên cao, ánh nắng chiếu xuống nóng hổi chịu không nổi, Phong Lan chỉ mặc một chiếc áo lụa đỏ mà mồ hôi đã ướt đẫm cả áo.
Long Uyên tính nhân hậu và rất tỉ mỉ, thấy Phong Lan mồ hôi ướt đẫm bỗng nghĩ tới trong túi châu báu của mình có một chuỗi hàn ngọc khí châu, chuỗi hạt này làm bằng một thứ ngọc lạnh vạn năm, đeo vào người mát dịu dù đứng ở dưới ánh nắng cũng không thấy nóng. Chàng vội lấy chuỗi hạt đó ra đưa cho Phong Lan và nói :
- Cô nương xem chuỗi hạt này có đẹp không? Cô thử đeo may ra bớt nóng đấy.
Phong Lan đỡ lấy chuỗi hạt vừa cầm vào trong tay đã thấy bớt nóng trong người liền, nàng thấy những hạt châu đó to bằng trái long nhãn màu xanh thẫm có mười hạt tất cả vừa đeo vào cổ tay không khác gì một cái vòng ngọc vậy. Phong Lan là người không ưa gì báu vật nhưng thấy chuỗi hạt này có thể giải nóng, nên nàng vừa đeo vào tay bụng bảo dạ rằng: “Chuỗi hạt này có công hiệu như vậy ắt phải đắt lắm, chàng tặng cho mình một cách khẳng khái như thế đủ thấy chàng là người rộng rãi biết bao!”
Nghĩ tới đó, nàng cảm động vô cùng, liền cám ơn Long Uyên, nhưng trong lòng đã có một tình ý rất kỳ lạ. Nhưng nàng vẫn tiếc thay cho bộ mặt rất xấu xí của chàng.
Hổ Hùng có vẻ không vui nhưng y phát giác Long Uyên hình như không có ý gì theo Phong Lan, sở dĩ chàng ta tặng cho nàng chuỗi hạt đó chỉ là một sự khẳng khái ngẫu nhiên chứ không có ý định gì cả. Hơn nữa y nhận thấy mình đẹp trai như thế này vả lại mình quen Phong Lan trước mình còn chưa hoàn toàn lấy được lòng nàng thì khi nào Long Uyên lại cướp được người yêu của mình.
Tình yêu bao giờ cũng ích kỷ dù nghĩ như vậy Hổ Hùng vẫn không ưa sự biếu xén ấy của Long Uyên.
Nếu không muốn nhờ vả Long Uyên thì y đã đề nghị đi riêng rồi, hay là Long Uyên võ nghệ không bằng y thì y đã giơ chưởng đánh chết chàng nọ tại chỗ ngay.
Long Uyên không để ý đến bộ mặt vừa ghen vừa hờn của Hổ Hùng mà chỉ trông thấy Phong Lan có đội mắt to và đen nhánh hình như chứa nay tình cảm vậy. Long Uyên thấy Phong Lan bỗng thay đổi thái độ, nàng nghịch ngợm điêu ngoa bây giờ bỗng biến thành người hiền lành giống hệt Vân Tuệ nên chàng mới hoảng sợ, vì đó là một triệu chứng của sự yêu đương. Có lẽ hiện giờ thiếu nữ ngây thơ và điêu ngoa này chưa kịp phát giác nhưng cứ kéo dài mãi như thế này thế nào cũng nguy hiểm.
Phần vì không muốn cướp người yêu của bạn phần vì không muốn làm một việc hổ thẹn với Vân Tuệ, Long Uyên không dám yêu Phong Lan đồng thời chàng cũng sợ tính nết điêu ngoa của nàng nữa, vì thế chàng mới phải đề cao cảnh giác trước mà không dám nhận cái nhìn đầy tình tứ của Phong Lan May thay lúc ấy Hổ Hùng đề nghị lên đường ngay, Phong Lan nghe nói ở Sào Hồ có nhiều trò vui nên cũng nóng lòng sốt ruột thúc ngựa đi luôn. Thế là cả ba cùng phóng ngựa tiến thẳng con đường cái quan về phía Sào Hồ.
Suốt dọc đường không có chuyện gì xảy ra nhưng khi gần tới Sào Hồ thì ba người phát hiện rất nhiều nhân vật giang hồ cũng tiến thẳng về phía Sào Hồ.
Đi đến đâu Long Uyên cũng để ý đến những lời nói của các nhân vật giang hồ nên không đầy năm hôm chàng đã?biết rõ nguyên nhân chàng liền kể rõ cho Phong Lan và Hổ Hùng nghe.
Thì ra mấy tháng nay trong Sào Hồ đột nhiên xuất hiện một con thuồng luồng màu tía và vàng hung ác khôn tả thân hình nó cũng đồ sộ lắm.
Thoạt tiên con thuồng luồng ấy chỉ ở trong hồ gây sóng gây gió nuốt những du khách và các ngư phủ câu cá thôi, cũng vì vậy mà những người đánh cá ở quanh đó không dám ra giữa hồ câu cá và thả lưới như trước nữa.
Hình như con thuồng luồng ấy phát giác trong hồ không có người để ăn, nó không sao nhịn được liền lần mò vào các làng thuyền chài và nông dân ở quanh hồ để tấn công lên. Mỗi lần nó vào bờ là trên bờ có mưa gió liền. Làng nào bị nó tấn công không bị nước lụt thì người và súc vật cũng bị mất tích. Nó còn táo bạo vô cùng, vào từng nhà một để lục lọi kiếm ăn.
Nhất thời dân chúng quanh hồ bàng hoàng hãi sợ khôn tả, lần lượt rủ nhau đào tẩu, di cư đi nơi khác không khác gì ngày trời sụp đã tới vậy.
Các quan viên ở gần đó hay tin ấy không thể nào không can thiệp liền phái một đội quân binh đi vây bắt, ngờ đâu hơn ba mươi tên lính tới ở bờ ác chiến với con thuồng luồng một trận, kết quả chỉ có một tên lính nhát gan nhất là thoát chết thôi.
Vương Nghị nhát gan nghe nói được phái đi gϊếŧ con thuồng luồng đã hoảng sợ đến tay chân mềm nhũn, chưa tới bờ hồ xa xa đã trông thấy ngọn sóng nổi lên như ngọn núi. Cũng may y hoảng sợ nên không đi được nên y mới không tham gia trận hỗn chiến ấy bằng không thì đến người truyền tin cũng không có nốt.
Căn cứ theo lời Vương Nghị thì con thuồng luồng ấy dài chừng mười trượng. Xa xa trông như một quả núi nhỏ, vẩy nó đỏ tía nhưng có óng ánh màu vàng, da nó đao thương đâm không lủng mà cung nỏ bắn không vào, một đôi khi cung nỏ bắn phải người nó thì bật trở lại khiến người bắn cung nỏ chết ngay tại chỗ. Còn một điều đáng sợ hơn nữa là con thuồng luồng ấy tinh thông biến hóa, há mồm một cái là đớp được người vào trong bụng ngay.
Quan phủ nghe Vương Nghị nói đến con thuồng luồng lợi hại như thế liền sai người phi ngựa vào kinh thưa với nhà vua.
Cùng một lúc ấy trong võ lâm lại có một tin đồn ra là con Tỷ Kim Giao ấy trong người nó có vật báu ấy là óc của nó. Hễ ai nuốt được óc sống ngoài sự tăng thêm sức lực da dẻ còn cứng cáp đao kiếm chém cũng không lọt.
Ngoài ra da của nó cũng quý báu lắm, may thành áo mặc áo vào người có thể lội nước không chìm, vào lửa không cháy và đao kiếm chém không lọt.
Hổ Hùng nghe thấy nói như vậy mừng rỡ vô cùng bụng bảo dạ rằng :
- Cố làm sao gϊếŧ được con thuồng luồng này để ăn óc của nó và lấy da may áo. Lúc ấy có ta phải trở lên đệ nhất bá chủ của thiên hạ, như vậy còn có ai địch nổi Phi Hổ thập tam thức của ta nữa, lúc bấy giờ chả cần nể nang một người nào hết.
Còn Phong Lan thì không tin những lời nói ấy, nàng cho là có người cố ý đặt điều như vậy để dọa người khác thôi. Tuy không tin nhưng nàng vẫn muốn được xem con Tỷ Kim Giao ấy hình như thế nào, đồng thời nàng cũng bảo :
- Tôn chỉ của ta ra đời hành đạo là trừ bạo an dân. Con thuồng luồng này hung tàn như thế nào ta cũng phải diệt trừ nó mới được.
Long Uyên đã gặp nhiều chuyện ly kỳ nên chàng cho những tin này không lấy gì làm lạ cả. Trước kia chàng nuốt Kình châu nên bây giờ hai mắt của chàng mới sáng suốt như vậy, thì tất nhiên Kim Giao cũng phải có công hiệu riêng của nó chứ, cho nên chàng tin tưởng những lời đồn đãi ấy không ngoa, nhưng chàng không có những mục đích như Hổ Hùng vì chàng tự nhận mình đã uống quá nhiều linh dược dị báu rồi, bây giờ chả cần phải tranh chấp gì với người khác nữa.
Chàng thấy Hổ Hùng với Phong Lan nghe xong có vẻ thích thú, biết tâm lý của hai người là muốn nuốt ngay được óc giao để tăng thêm công lực. Nên chàng có lòng muốn giúp hai người thành công. Nên không có người bắt được con thuồng luồng trước thì chàng thể nào cũng phải gϊếŧ cho được con Ác Giao ấy trừ hại cho dân và giúp đỡ cho đôi bạn này được hài lòng.