Chương 12: Mối tình đầu

Bác Hòa thấy anh nói thế thì vội vàng đi lại gần rồi sốt sắng hỏi:

– Cháu mệt làm sao? Sốt à? Hay là bị cảm?

– Không sao đâu ạ, cháu ngủ tý là khỏi thôi.

– Ngủ làm sao mà khỏi được, cháu cứ lên phòng đi, tý nữa bác nấu cháo mang lên cho.

– Vâng.

Vừa nói xong, bác Hòa ngó vào bếp rồi gọi tôi:

– Phương ơi, bỏ con gà trong tủ ra cho rã đông đi để nấu cháo nhé.

Hình như nghe bác Hòa nói vậy, anh mới phát hiện ra có người lạ trong nhà nên bước chân đang đi tự nhiên khựng lại rồi ngoái đầu nhìn về hướng của tôi. Tôi ở trong bếp thì không dám ngẩng đầu lên nhìn mà cố gắng cúi thật thấp mặt để anh không nhận ra mình, bác Hòa thấy thế mới lên tiếng giải thích:

– À, đây là người giúp việc mà bác thuê theo giờ đấy. Làm được gần một tuần rồi, cũng nhanh nhẹn sạch sẽ lắm.

Nói rồi, bác ấy quay sang tôi:

– Phương, ngồi đấy làm gì thế? Không chào à?

Tôi không nghĩ trái đất này tròn thế, mà cũng chẳng tưởng tượng ra người với người lại có thể chia xa rồi gặp lại ở một nơi xa xôi thế này. Lúc ấy, tôi thấy đầu óc rối như tơ vờ, mặt mày đỏ lựng lên vì xấu hổ, nhưng mà chẳng lẽ gặp chủ lại không chào? Không chào càng làm cho anh thêm chú ý đến tôi hơn mà thôi.

Tôi lau tay vào tạp dề rồi chậm chạp đứng dậy, chỉ dám liếc anh một cái rồi lại cúi gằm xuống, lí nhí chào:

– Em chào anh ạ.

Tôi cảm nhận được ánh mắt của Vũ nhìn chằm chằm mình, anh chỉ nhìn mỗi mấy giây mà tôi tưởng như trôi qua cả thế kỷ, tim đập thình thịch, cả người đầy áp lực. Một lúc sau anh mới quay đi rồi khẽ nói:

– Ừ.

Sau khi anh lên phòng rồi, bác Hòa mới nghi hoặc hỏi tôi:

– Làm sao mà mặt mày đỏ lựng ra thế kia? Thấy nó đẹp trai nên ngại à?

– Không ạ, cháu nhìn thấy chủ hay sợ. Trước cháu làm ở bên Đài Loan cũng thế, bình thường thì không sao chứ chủ về là cứ thấy kiểu gì ấy.

– Ôi giào, sợ vớ vẩn. Thằng Vũ nó hiền lắm, không hay nói hay để ý mấy chuyện lặt vặt đâu.

– Vâng, anh ấy chắc cũng lớn tuổi rồi bác nhỉ?

– Ừ, gần ba mươi rồi đấy. Đẹp trai ngời ngời, con nhà điều kiện, tính lại vừa hiền vừa biết sống nữa. Nói chung bác chăm nó bao nhiêu năm, chưa thấy chê nó được điểm gì.

Tôi bỏ gà ra xả nước để chuẩn bị nấu cháo cho anh, nghe thế lại buột miệng nói:

– Tuổi đấy lấy vợ là vừa rồi.

– Ừ, cũng sắp cưới rồi. Nghe nói sang đầu năm sau cưới đấy.

Bác Hòa lấy gạo ra phụ tôi nấu cháo cho anh, cũng thật thà kể:

– Vợ nó nhà ngay bên Cầu Giấy, qua đây chơi mấy lần rồi. Trông đẹp gái mà nhà cũng giàu lắm, hai đứa nhìn rõ xứng đôi. Thấy nó bảo tháng 2 năm sau bố mẹ nó về, chắc là về để bàn chuyện cưới xin.

Đã tám năm rồi kể từ khi tôi không còn gặp lại Vũ nữa. Lúc ấy anh học trên tôi một khóa nhưng lại lớn hơn tôi những ba tuổi, anh là hotboy trường tôi, vừa đẹp trai vừa hiền, học lại giỏi thuộc Top 1 của trường nữa, thế nên con gái trong trường tôi mê anh như điếu đổ.

Tôi vẫn còn nhớ ngày đó, nhà nghèo chẳng có nổi một cái áo mưa lành lặn để đi học. Hôm ấy trời mưa to, áo mưa của tôi rách tả rách tơi không mặc được nữa, mà chờ mãi trời không tạnh nên phải đội mưa đạp xe về nhà. Lúc đi ra đến cổng trường chỉ còn lác đác vài người đang trú mưa, tôi vừa đi qua thì nghe một giọng nam âm ấm gọi:

– Này, bạn gì ơi.

Tôi ngoái đầu lại thấy Vũ đang đứng ở hiên phòng bảo vệ cách tôi một đoạn, nhưng cũng không nghĩ là hotboy trường lại lên tiếng gọi mình nên tôi tròn mắt hỏi:

– Dạ, anh gọi em ạ?

Anh bật cười, nụ cười hiền hòa và êm dịu mà tôi ghi nhớ mãi năm mười bảy tuổi đến tận bây giờ vẫn không sao quên được:

– Ừ. Ở đây có mình tôi với bạn mà, tôi gọi bạn đấy.

Khi đó tôi chỉ là một cô học sinh lớp mười một, vẫn còn ngượng ngùng khi nói chuyện với người khác giới, đặc biệt là người nổi tiếng như Vũ thì tôi lại càng ngại. Mặt tôi đỏ bừng bừng, lí nhí nói:

– Vâng, anh gọi em có việc gì không ạ?

– Bạn có đi về phía Tổ 4 không, cho tôi đi nhờ với.

– Có ạ.

Trong chiều mưa hôm ấy, anh đèo tôi trên con xe đạp cọc cạch cũ kỹ của tôi, tôi ngồi đằng sau che ô cho anh, ban đầu tôi ngại nên im re không nói chuyện gì, sau đó thấy Vũ hỏi han những việc rất bình thường, tôi mới trả lời sơ sơ rồi dần dần cả hai trò chuyện không dứt cho đến tận khi về đến nhà anh mới thôi.

Vũ bảo nhà anh ở trong ngõ nên tôi không cần đưa vào, còn cẩn thận đưa ô cho tôi về nhà. Tôi cũng ngại nhưng nhà cách hơi xa, mà trời thì mãi vẫn không ngớt mưa nên đành nhận lấy, trên đường về cầm chiếc ô ấy mà lòng tôi xao xuyến mãi, cứ nghĩ sao trên đời này lại có kiểu con trai như Vũ nhỉ? Không biết tiếp xúc lâu dài thế nào nhưng từ ngoại hình hoàn hảo cho đến tính cách dễ chịu như thế, chấm anh điểm 10 còn hơi ít. Con gái trường tôi thích anh cũng phải thôi.

Về sau, cũng từ chuyện trả chiếc ô rồi chúng tôi bắt đầu gặp gỡ nhiều hơn, thỉnh thoảng anh đi nhờ xe của tôi, thỉnh thoảng cho tôi sách vở, thỉnh thoảng còn tốt bụng giảng cho tôi nghe những bài tôi không hiểu. Suốt thời gian quen nhau, Vũ thường không kể về hoàn cảnh gia đình mình, cũng không hỏi về gia đình tôi, anh nói chuyện dễ gần nhưng rất chừng mực, thoải mái nhưng không vồ vập, và trên hết, tôi còn cảm nhận được anh là một người trầm tĩnh nhưng lại có một trái tim rất chân thành.

Mối tình đầu của tôi bắt đầu nảy mầm rồi bén rễ trong tim từ khi nào tôi cũng không rõ, nhưng trong suốt những năm tháng ấy, tôi chưa từng tỏ tình, cũng chưa từng hy vọng Vũ sẽ thích tôi, càng chưa bao giờ nghĩ tôi và anh có sẽ cơ hội đi xa hơn. Tôi biết hoàn cảnh của mỗi người khác nhau, ngay cả nhận thức và tư duy của tôi và anh cũng khác nhau, tôi sợ mối tình thời học trò sẽ không đi được đến đâu, còn sợ lỡ nói ra thì đến tình cảm bạn bè đơn thuần của mình với anh cũng không còn nữa.

Tình cảm đầu đời tôi đã chôn chặt vào tim như thế cho đến năm mười tám tuổi đi lấy chồng, qua bảy năm giông tố, tôi lại gặp anh một lần nữa, nhưng hoàn cảnh hiện tại còn khác hơn lúc xưa rất nhiều. Anh là chủ, tôi là giúp việc. Anh sắp lấy vợ, tôi qua một đời chồng.

Duyên phận sao mà trái ngang thế!!!

– Gà chín rồi kìa, vớt ra đi. Làm gì mà ngẩn người ra thế?

Nghe giọng bác Hòa, tôi mới giật mình bừng tỉnh khỏi những kỷ niệm của quá khứ ùa đến, vội vội vàng vàng vớt gà ra rồi đáp:

– Vâng ạ.

– Hình như nhà mình hết hành hoa rồi nhỉ?

– Còn bác ạ, trong tủ còn mấy củ ạ.

– Thế thì chỉ đủ ăn một bát thôi, đến tối lỡ thằng Vũ có đói thì lại không có để ăn. Cháu xé gà xong, thái mấy củ hành đó bỏ vào rồi mang lên tầng cho nó ăn nhé. Bác ra chợ mua thêm.

– Bác để cháu đi cho, cháu chạy ra tý là xong.

– Thôi, chợ ở đây biết mua mới được, hôm sau bác dẫn đi mua. Bác tranh thủ đi bộ thể dục luôn.

Tôi rất ngại việc tiếp xúc với Vũ, đặc biệt là bây giờ thì càng ngại, nhưng mà bác Hòa nói thế không từ chối được, cuối cùng vẫn phải bê cháo lên phòng cho anh.

Đứng bên ngoài gõ cửa mấy tiếng thì bên trong vọng ra một giọng nói khàn khàn và mệt mỏi:

– Bác vào đi.

Tôi mở cửa đi vào, bên trong phòng anh tôi chưa được dọn dẹp bao giờ mà toàn bác Hòa dọn trên đấy. Phòng của Vũ sạch sẽ gọn gàng, có một giường ngủ, một bàn làm việc với một cái tủ quần áo, gần máy tính còn đặt một khung ảnh nho nhỏ có hình anh và một cô gái nữa, chắc là bạn gái của anh.

Lúc này, Vũ nằm im trên giường, sốt cao quá nên mặt đỏ bừng bừng, hai mắt nhắm nghiền, mồ hôi trên trán vã ra lấm tấm. Tôi bê cháo lại gần giường, định không hỏi han nhiều nhưng thấy anh thế nên đành nói:

– Anh ơi, anh có mệt lắm không? Có dậy ăn cháo được không?

Nghe thấy giọng tôi, anh hơi nhíu mày, rồi mở mắt ra. Khi nhìn thấy tôi đứng cạnh giường, Vũ có vẻ vẫn hơi ngạc nhiên, sau đó chống tay ngồi dậy:

– Ừ, em cứ để ở bàn, tý anh ăn.

– Vâng, anh có cần kẹp nhiệt độ với uống thuốc không? Mặt đỏ thế này hình như là sốt cao rồi đấy.

Tôi cố gắng tỏ ra bình tĩnh và ăn nói lưu loát nhất có thể, giả vờ như trước đây chúng tôi không hề quen nhau, còn tự động viên mình là dù có quen cũng chẳng sao cả, giờ ai cũng có cuộc sống riêng cơ mà, gặp lại chỉ hơi xấu hổ vì thân phận mình thế này tý thôi.

– Ừ, tý nữa anh uống.

– Vâng, thế tý anh dậy ăn cháo nhé. Em về đây ạ.

Nói rồi tôi đặt khay cháo ở ngay tủ gần đầu giường rồi xuống nhà.

Lúc ra khỏi phòng anh rồi mà tim tôi vẫn đập thình thịch như trống dồn, hai má đỏ ửng. Lạ thật đấy, bao nhiêu năm qua lần nào nhìn thấy anh tôi vẫn vậy, lúc nào cũng hồi hộp vì gặp anh. Cảm giác này bốn năm chung sống với Tùng tôi không hề có, đã có những lúc tôi nghĩ mình thực sự có tình cảm với anh ta, nhưng cho đến bây giờ nghiệm lại, tôi mới phát hiện ra rằng khoảng cách giữa có tình cảm và thật sự thích một người còn xa nhiều lắm.

Tôi xuống nhà một lúc thì bác Hòa về, bác ấy mang theo một đống hành lá, ngải cứu và các đồ giải cảm, tất tất tưởi tưởi đem vào bếp rồi bảo với tôi:

– Thằng Vũ ít khi ốm, lần này ốm mà phải về nhà giữa chừng thế này chắc là nặng đấy. Bác mua mấy cái này cho nó ăn để nhanh khỏi. Mà cháu đã mang cháo lên chưa?

– Cháu mang rồi ạ.

– Nó ăn rồi à?

– Không, anh ấy hình như sốt cao lắm bác ạ. Mặt mày đỏ hết cả lên, lúc cháu mang cháo lên, anh ấy bảo cứ để đấy tý anh ấy ăn.

– Chết. Để bác lên kẹp nhiệt độ xem sao.

Bác Hòa kẹp nhiệt độ xong xuôi rồi đi xuống thì cũng đã gần sáu giờ chiều. Trong quãng thời gian chờ bác ấy, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng quyết định sẽ xin thôi việc ở đây. Đằng nào thì tôi cũng chưa hết thời gian thử việc, với lại làm giúp việc cho Vũ thế này, tôi cảm thấy ngượng ngập và khó xử làm sao ấy. Dù chẳng biết sau chừng ấy năm anh có còn nhớ ngày xưa đã từng có một người bạn là tôi không, nhưng tôi cũng không muốn thân phận mình ở trong mắt anh ngày càng thấp đi thêm nữa, thà làm giúp việc cho một nhà khác không quen không biết, lương ít hơn nhưng thoải mái, còn hơn giúp việc cho chính người mà mình thầm thương thế này.

Khi bác Hòa đi xuống, thấy tôi vẫn dọn dẹp ở dưới chưa về thì lên tiếng:

– Ơ cháu chưa về à? Hơn sáu giờ rồi còn gì.

– Cháu chưa bác ạ. Anh Vũ sao rồi bác?

– Sốt gần bốn mươi độ cơ, mới cho uống hạ sốt, giờ nó đang ngủ rồi.

– Vâng ạ.

– Cháu về đi không hết xe bus.

– Bác ơi, cháu có chuyện muốn nói với bác.

Bác Hòa chần chừ nhìn tôi, suy nghĩ một lát rồi mới đoán ra mai là hết kỳ thử việc của tôi nên cười:

– À, mai là hết một tuần thử việc rồi nhỉ? Bác thấy mày cũng nhanh nhẹn tháo vát, mày cứ đến đây làm với bác, lương lậu trả đủ, thỉnh thoảng bác bảo thằng Vũ thưởng thêm cho.

– Không ạ. Cháu định xin phép bác từ mai cho cháu nghỉ. Cháu thích làm ở nhà mình lắm nhưng chỗ cháu trọ cách đây hơi xa, với cả tối cháu còn học thêm nữa, sợ về không kịp ạ.

– Sao lại thế? Bình thường có sao đâu, hay là mày sợ thằng Vũ?

– Không ạ. Anh Vũ hiền mà, cháu có sợ gì đâu. Bác thông cảm cho cháu bác nhé.

Bác Hòa nói thêm mấy câu nữa mà tôi vẫn nhất quyết xin nghỉ việc nên cũng thôi, sau đó bảo tôi ngồi đợi một tý, bác đi lấy tiền trả lương cho tôi.

Trên đường về, cầm số tiền đã làm ở nhà Vũ mấy ngày qua tôi thấy sao mà chua chát quá. Tôi không hiểu tại sao người con trai hiền hòa ngày xưa mình từng quen, bây giờ chớp mắt cái lại biến thành một người giàu có và quyền quý như vậy. Ở tuổi ba mươi anh còn đẹp trai hơn trước rất nhiều, cao ráo trắng trẻo, mắt sâu mũi cao, phong độ ngời ngời, đúng kiểu đàn ông tiêu chuẩn của phụ nữ.

Nhưng mà đối với tôi, thà không gặp lại, thà là lãng quên, thà là mối tình này cứ ngủ yên trong tôi như tám năm qua, còn hơn là gặp mặt rồi nhưng người trên trời cao vời vợi, người dưới vực thẳm tăm tối. Mãi mãi không thể nào với tới, gặp lại như thế càng khiến tôi buồn thêm mà thôi.

Cả đêm hôm đó tôi ôm một bụng đầy tâm trạng đi ngủ, ngày hôm sau lại bắt đầu lang thang đi tìm việc làm. Cứ như thế, một ngày nữa nặng nề tiếp tục trôi qua, đến tờ mờ sáng của ngày kế tiếp, khi tôi còn chưa kịp tỉnh dậy đã bị tiếng chuông điện thoại đánh thức. Không biết bác Hòa có việc gì mà mới bốn rưỡi sáng đã gọi điện cho tôi, vừa nghe máy chưa kịp nói gì, bác ấy đã vội vã nói trước.

– Cháu đang ngủ à? Ngại quá đánh thức giấc ngủ của cháu.

– Vâng, không sao đâu ạ. Có chuyện gì thế bác?

– Nhà bác ở quê có đám tang, gấp quá mà thằng Vũ thì vẫn ốm mấy hôm nay không đỡ được. Bác định về quê một hai hôm rồi lên, cháu giúp bác, đến nấu cơm cho thằng Vũ ăn hộ bác được không?

– Cháu… ấy ạ?

Tôi ngạc nhiên đến tỉnh cả ngủ, vội vàng lồm cồm bò dậy hỏi lại. Bác Hòa ở đầu bên kia “ừ” chắc nịch một tiếng:

– Ừ, mấy hôm trước cháu bắt đầu quen việc rồi. Bác không nhờ được ai cả. Mà chú em ruột bác mất, bác không về thì phải tội cháu ạ. Cháu giúp bác nhé, bác nhờ cháu đấy.

Tự nhiên bị đặt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan thế này, tôi chẳng biết trả lời ra làm sao cả. Chẳng lẽ bác ấy nhờ lại không giúp, mà ở riêng với Vũ thì tôi ngại. Cuối cùng, tôi còn chưa lên tiếng bác Hòa đã sụt sịt nói tiếp:

– Mày giúp bác với. Mười giờ người ta đưa nó vào áo quan rồi, bác về muộn thì không kịp nhìn mặt lần cuối.

Nghe bác ấy nói thế, bỗng dưng tôi nhớ đến mẹ mình ngày xưa, nhớ lúc đó tôi vẫn cứ day dứt ân hận mãi vì không ở bên cạnh mẹ những giờ phút cuối đời. Bây giờ chắc bác Hòa cũng có cảm giác gần giống như tôi khi ấy, tôi mà không giúp thì lương tâm cũng cắn rứt tôi không yên:

– Vâng, để cháu đến ạ.

– Cảm ơn cháu nhé. Chìa khóa bác để ở bụi cây trước nhà, cháu đến giúp bác với nhé.

Sau khi cúp máy, tôi ngủ thêm hai tiếng nữa rồi lại lếch thếch ngồi xe bus sang Long Biên. Giờ đó, bác Hòa đã ra bến xe về quê, chỉ còn mình tôi loay hoay trong bếp để nấu cháo, lúc nấu gần xong, vừa quay người lại thì thấy có người đứng sau lưng mình từ bao giờ. Vũ khoanh tay tựa vào tường, chỉ nhìn chằm chằm tôi mà không nói gì khiến tôi giật mình, suýt nữa thì hét ầm lên.

– Anh… anh… anh.

Tôi sợ quá nên vẫn lắp ba lắp bắp, mãi sau mới nói hết được một câu:

– Anh xuống từ bao giờ thế ạ?

– Anh mới xuống.

Mới qua một ngày mà nhìn anh có vẻ mệt mỏi hốc hác đi nhiều, hai mắt đỏ ngầu, cổ nổi đầy các vết như phát ban. Trước đây tôi cũng bị sốt kiểu này một lần, vì tiếc tiền không đi viện nên cứ bò lê bò lết mãi không khỏi, sau đó lúc nặng quá phải đến bệnh viện, bác sĩ bảo tôi bị sốt virus, mà sốt này không chữa dứt điểm thì biến chứng nhiều vô kể.

– Anh sốt không đỡ ạ? Hay anh thử đi bệnh viện xem có bị sốt virus không? Phát ban thế kia giống bị sốt virus lắm.

– Ừ

Vũ đi lại gần tủ lạnh, lấy ra một cốc nước cam uống hết nửa, sau đó mới quay sang nhìn tôi cười:

– Anh đỡ rồi. Em đang nấu gì thế?

Nhìn thấy nụ cười này của anh, tim tôi lại đập rộn ràng, đầu óc cứ gào thét điên cuồng “bình tĩnh nào, bình tĩnh”, thế mà vẫn không bình tĩnh nổi. Tôi bối rối quay đi, giả vờ khuấy khuấy nồi cháo rồi đáp:

– Em nấu cháo, bác Hòa bảo em nấu cháo.

– Ừ.

Tự nhiên nói đến đây, không khí giữa tôi và anh bắt đầu ngượng ngập trở lại. Vũ uống hết ly nước cam, cẩn thận đem đi rửa rồi úp gọn gàng rồi mới quay lên phòng. Trong suốt thời gian anh ở bếp, tôi đến thở mạnh cũng không dám, nhìn thẳng vào anh lại càng không dám luôn. Khi ấy, tôi nghĩ chắc anh không nhận ra mình đâu, không nhớ nổi tôi đâu, năm tôi mười bảy tuổi vẫn còn tươi trẻ xuân sắc, bây giờ tôi đã hai mươi lăm tuổi đầy sương gió, khóe mắt bắt đầu có nếp nhăn rồi, xấu xí thế này anh không nhận ra đâu!!!

Anh lên phòng thay quần áo sơ mi gọn gàng rồi đi xuống, ngồi vào bàn ăn. Tôi thấy thế nên múc ra một tô cháo nóng, cẩn thận đặt trước mặt anh rồi nói:

– Mời anh ạ.

– Em cũng ngồi xuống ăn đi. Ở đây không cần phải ngại, nhà có mấy người, ăn cùng nhau cho vui.

Trước kia tôi cũng đi làm giúp việc ở bên Đài Loan, chưa bao giờ thấy chủ bảo mình ngồi ăn cùng, mà họ cũng đối xử bề trên bề dưới chứ không nói năng thế này. Cách Vũ nói chuyện khiến cho người khác không có cảm giác như chủ và tớ mà như những người một nhà, nghe rất thoải mái và dễ chịu.

– Em ăn rồi, anh mời đi ạ.

– Sợ lây virus hả?

– Không, lây virus gì đâu. Ăn cùng bát cùng thìa mới lây virus.

– Thế thì em lấy bát riêng, thìa riêng ăn đi.

Tôi ngẩn ra nhìn anh, đúng là sau bao năm anh vẫn vậy, nói năng nhẹ nhàng nhưng cũng đủ khiến người khác chẳng còn đường nào mà chối, cuối cùng đành lấy bát và thìa mới ngồi xuống ăn với anh.

Anh ăn xong, cũng chẳng để tôi dọn bát đĩa mà tự mình đứng dậy, để bát của mình vào bồn rửa. Tôi ngại quá nên cũng cầm bát đứng dậy:

– Anh để đấy em dọn cho ạ.

– Anh nghe bác Hòa bảo em nghỉ rồi.

Tôi không hiểu anh nói câu đó là ý gì nhưng vẫn thật thà trả lời:

– Vâng. Em xin nghỉ nhưng bác Hòa bảo em sang giúp bác ấy mấy hôm để bác về quê.

– Ở đây em không thoải mái à?

– Không ạ. Em thuê trọ xa, với cả buổi tối còn đi học thêm, sợ làm bên này tối về không kịp.

– Ừ. Giờ anh ra bệnh viện truyền nước. Buổi trưa nếu anh về muộn thì em cứ ăn trước đi.

– Vâng.

Gần đến buổi trưa có một người đến nhà, cô gái ấy có chìa khóa nên cũng không bấm chuông mà mở cửa đi thẳng vào phòng khách. Thấy tôi lúi húi trong bếp, cô ấy tưởng bác Hòa nên gọi:

– Bác ơi, anh Vũ có nhà không ạ.

Tôi đang dở tay lau rửa, nghe thấy thế mới giật mình ngẩng đầu lên nhìn. Cô gái ấy thấy tôi không phải là bác Hòa cũng có hơi ngạc nhiên, sau đó cười trừ:

– À chị. Anh Vũ có nhà không ạ?

– Không. Anh ấy mới ra bệnh viện truyền nước rồi, chị tìm anh ấy có việc gì không ạ.

– Em mang ít đồ đến cho anh ấy. Chị là ai đấy ạ?

– Em là giúp việc theo giờ ạ.

– À

Cô gái ấy khoảng hơn hai mươi tuổi thôi, nhìn trắng trẻo xinh xắn, ăn mặc cũng đẹp, mà nhìn thấy cô ấy tôi nhận ngay ra là người trong ảnh chụp cùng với Vũ.

– Chị là bạn anh Vũ đúng không ạ? Chị ngồi đi, chắc tý nữa anh ấy về đấy.

– Thôi chị đừng gọi em là chị, em mới hai mươi tư tuổi thôi. Chị làm ở đây lâu chưa?

– Tôi mới làm được hơn một tuần thôi.

– Vâng, em gọi cho anh ấy mấy lần mà không nghe máy, chắc anh ấy để quên điện thoại ở nhà rồi. Thôi, em lên phòng anh ấy đã, chị làm đi.

Nói rồi, cô ấy lên phòng Vũ rồi ở trên đấy cả buổi, đến mười hai giờ trưa anh về, tôi có nói bạn gái của anh đến nhà thăm, Vũ chỉ gật đầu một cái rồi cũng lên trên đấy.

Khi đó, thực ra bảo tôi vẫn còn thích Vũ thì không phải, mà yêu anh thì lại càng không đúng. Thế nhưng nhìn thấy anh và người yêu như vậy, chẳng hiểu sao tôi vẫn cứ buồn buồn, cảm giác giống như một thứ mình mãi mãi không thể với tới được càng lúc càng trở nên xa vời, khát khao muốn hạnh phúc nhưng hạnh phúc ấy lại vĩnh viễn chẳng thuộc về mình. Dù biết không xứng đáng để được nhận nhưng vẫn hụt hẫng chứ, có đúng không?

Tôi thở dài một tiếng rồi lại tiếp tục xách nước lau nhà, dù tủi thân nhưng vẫn tự nhủ với mình rằng: cố gắng lên, chờ bác Hòa lên là mình được nghỉ thôi, không phải gặp lại anh nữa, không phải buồn nữa đâu!!!

---------