Chương 2

Hơi nước trắng mờ mịt trong phòng tắm dần tan đi, không khí trở nên lạnh lẽo.

Đàn Hương đã nhìn Gia Phù mấy lần. Cả người nàng ấy co lại, ngâm trong thùng nước tắm thơm ngát, đầu vừa mới gội, nửa đầu được dùng trâm búi lỏng sau gáy, khẽ dựa vào vách thùng, đôi mắt khép lại, lông mi buông xuống tựa như đã ngủ.

Nàng sợ Gia Phù cảm lạnh, không nhịn được nhỏ giọng thúc giục: "Tiểu thư, tỉnh dậy đi."

Gia Phù chậm rãi mở mắt, vịn vào vách thùng ướt nhẹp để đứng dậy.

Da thịt trắng như tuyết khiến người ta chói mắt, bên trên lấm tấm những giọt nước trong suốt, dáng người yêu kiều như đóa hoa lan mới nở.

Đàn Hương dùng khăn lớn mềm mại bao lấy thân mình Gia Phù, Đinh Hương dâng lên xiêm y đã chuẩn bị sẵn. Gia Phù lau khô cơ thể, mặc xiêm y ra ngoài. Mấy bà tử thô sử tiến vào thu dọn. Trong đó có một bà tử họ Vương mới tới không lâu, ngửi thấy mùi hương tỏa ra từ nước tắm, không nhịn được hỏi: "Hàng ngày tiểu thư dùng hương gì vậy? Thơm quá. Tháng sau cháu gái ta gả chồng, lát về ta muốn mua tặng nàng ấy."

Đàn Hương là người thân thiện, cười đáp: "Vương ma ma, đây gọi là hương yết bồ la hay còn gọi là đông long não, chuyển từ Nam Thiên Trúc tới. Vốn ở bên đó cũng không đáng mấy đồng nhưng vận chuyển vượt biển tới chỗ chúng ta nên một phần hương liệu cũng phải một hai lượng bạc."

Bà tử họ Vương hoảng sợ, tặc lưỡi: "Vậy cũng quá đắt rồi, một bà già như ta làm sao mua nổi! Tiểu thư tắm bằng hương này mỗi ngày, tính ra một tháng tốn bao nhiêu tiền bạc? Đây không phải tắm nước thơm mà là nước tiền!"

Các bà tử khác cười "xùy" một tiếng: "Bà Vương, lời này ngươi tự nói với bản thân ngươi thôi, đi ra ngoài tuyệt đối đừng nói linh tinh, miễn chọc người khác chê cười. Chủ nhân nhà nào chứ? Hương liệu quý mấy đến chỗ chủ tử cũng như bùn đất mà thôi. Đừng nói một lượng bạc, tiểu thư muốn dùng, chẳng qua cũng chỉ cần căn dặn một tiếng mà thôi."

Giao thương đường thủy ở Tuyền Châu phồn thịnh, ngoài Nam Huân môn có rất nhiều bến tàu lớn nhỏ, mỗi ngày vô số thuyền bè ra ra vào vào, các loại hàng hóa muôn màu vạn trạng đến từ dị quốc như Chiêm Thành, Xiêm La, Tô Lộc, hay xa hơn là Đại Thực, Ma Lâm, hương liệu chỉ là một trong số đó. Chân gia là nhà giàu ở Tuyền Châu, có đội tàu số một số hai trong vùng, kể cả hương liệu quý giá, ở chỗ Chân gia cũng không hiếm lạ. Tuy lời của bà tử này có chút khoa trương nhưng cũng không sai.

Bà tử họ Vương gật đầu như gà mổ thóc, ngượng ngùng cười: "Phải, phải, là ta nông cạn, nói sai rồi..." Bà ta lại vươn cổ ra hít hà hương thơm rồi cùng mọi người bê chậu nước ra ngoài.

Đàn Hương đi tới, thấy Gia Phù mở hộp hương liệu ra, lấy muỗng ngọc múc ra một muỗng. Đàn Hương biết nàng ấy muốn thêm hương vào lư hương hình phượng, vội đi đến mở lư hương ra cho nàng ấy.

"Việc này cứ để ta là được rồi. Tiểu thư cẩn thận, lỡ đâu bỏng tay.”

Gia Phù thêm hương liệu vào lò. Hương liệu gặp lửa phát ra tiếng lép bép rất nhỏ, theo đó một làn khói mỏng manh lượn lờ bay lên. Nàng hơi khom lưng, giơ tay quạt quạt hương khí về hướng mình, sau đó nhắm mắt hít vào một hơi thật sâu.

Đàn Hương nhìn, trong lòng có chút khó hiểu.

Từ trước đến nay tiểu thư không thích xông hương trong phòng, chỉ cắm hoa tươi. Nhưng không biết vì sao, từ ngày trở về từ chùa Tây Sơn, sở thích của tiểu thư bỗng thay đổi, không những thích xông hương đông long não này, đến cả nước tắm cũng muốn thêm bột hương.

Vậy cũng không sao. Đàn Hương ở Chân gia nhiều năm, đi theo tiểu thư, ít nhiều cũng biết chủng loại và ưu nhược điểm của hương liệu. Tất nhiên đông long não là hàng cao cấp, mùi hương nhẹ nhàng lại ấm áp, hương cuối chứa đựng ngọt ngào, giá thành đắt đỏ nhưng trong số hương liệu cũng không thể coi là cao cấp nhất. Cao cấp nhất là long tiên hương. Hai loại hương liệu này nhìn hình thức giống nhau, mùi hương cũng tương tự, không phải người am hiểu thì không thể phân biệt được. Thường có gian thương lấy đông long não trộn lẫn vào long tiên để bán.

Tuy long tiên hiếm có nhưng trong kho của Chân gia cũng không phải không có. Tiểu thư đã đổi sang xông hương, sao không lấy long tiên mà lại phải dùng đông long não kém hơn này?

Đàn Hương không nhịn được hỏi một câu.

Gia Phù nhìn chằm chằm làn hương tỏa ra từ miệng con phượng, nhàn nhạt nói: "Long tiên hương là hương dâng vua, ta dùng không hợp."

Đàn Hương bừng tỉnh: "Vẫn là tiểu thư suy nghĩ chu đáo."

"Ngày mai ra ngoài nhớ mang theo, quần áo của ta cũng phải xông hương đông long não, xông lâu một chút, những cái khác đều không cần, đừng làm sai."

Đàn Hương cười nói: "Tiểu thư yên tâm, nô tỳ đều đã chuẩn bị xong, sẽ không sai sót."

"Phu nhân tới."

Gia Phù quay đầu, thấy mẫu thân Mạnh thị và Lưu ma ma đi tới, trên mặt nàng lộ ra tươi cười đi ra nghênh đón.

Mạnh phu nhân dẫn theo nhi nữ ngồi vào mép giường: "Thân thể thế nào? Ngủ còn bồn chồn không?"

Ngày mùng chín là giỗ lần thứ ba của phụ thân Gia Phù. Ngày ấy nàng theo tổ mẫu Hồ thị, mẫu thân Mạnh phu nhân và ca ca Chân Diệu Đình đi tới chùa Tây Sơn làm tế lễ. Ban đêm tá túc lại chùa, nàng và Mạnh phu nhân ngủ cùng phòng. Sáng sớm hôm sau, Mạnh phu nhân tỉnh dậy, thấy nữ nhi nước mắt đầy mặt, hoảng sợ hỏi nàng nguyên nhân. Nàng lắc đầu không nói, chỉ một mực ôm lấy bà, vừa khóc vừa cười. Mạnh phu nhân bị dọa không nhẹ, lòng nghi ngờ nàng gặp phải thứ không sạch sẽ ở ngoài chùa. Bà đi xin nước thần, bùa phép, cũng dẫn nàng về nhà ngay trong ngày hôm ấy nhưng nhìn tinh thần nàng vẫn hoảng hốt, nhiều ngày mới khá hơn.

Gia Phù nói: "Nữ nhi đã sớm ổn rồi. Mẹ không cần lo lắng."

Mạnh phu nhân quan sát nữ nhi, thấy lúm đồng tiền yêu kiều của nàng, đúng là sắc mặt cũng tốt hơn, bà yêu thương ôm nàng vào lòng: "Phụ thân con vừa đi, chớp mắt đã ba năm rồi. Ca ca con bướng bỉnh không nghe lời, bên cạnh mẹ chỉ có con là tri kỷ, ngày mai lại..."

Bà dừng lại.

Ngày mai, Gia Phù sẽ cùng Mạnh phu nhân và ca ca Chân Diệu Đình ra bắc đi lên kinh thành.

Lần này người Chân gia ra bắc, bề ngoài là đi chúc thọ Bùi lão phu nhân, nhưng thật ra nguyên nhân chính là vì hôn sự của Gia Phù với thế tử phủ Quốc công - Bùi Tu Chỉ.

Hôn sự đã được quyết định từ một năm trước, chỉ chờ Gia Phù chịu tang xong sẽ tổ chức. Tuy là tục huyền [1], phía bên đó đã có một đứa con riêng năm tuổi đang chờ, nhưng Chân gia dù có tiền, phụ thân đã qua đời của nàng cũng chỉ có một cái danh Tú tài, nàng được gả vào phủ Quốc Công làm phu nhân thế tử đã là cực kỳ trèo cao rồi. Hôn sự này có thể thành công, ở giữa cũng phải trải qua bao nhiêu trắc trở.

[1] Tục huyền: đi bước nữa (đàn ông)

Nữ nhi có chốn đi về, đối với Chân gia mà nói, đây là chuyện tốt vô cùng, tất nhiên Mạnh phu nhân vui mừng. Nhưng nghĩ đến sau khi nữ nhi xuất giá, đường đi giữa kinh thành và Tuyền Châu xa xôi cách biệt, mẹ con gặp lại sợ là không dễ. Phủ Quốc công lại là nhà cao cửa lớn, dòng dõi nhà mình không bằng, bà lo lắng ngày sau nàng khó mà có chỗ đứng. Buồn hết chuyện này tới chuyện khác, tâm sự trào ra, hốc mắt mơ hồ mang ánh nước.

Lưu ma ma vội lựa lời khuyên giải: "Tiểu thư đâu gả vào nhà nào xa lạ, phủ Quốc công chúng ta hiểu tận gốc rễ. Tướng mạo thế tử xuất chúng, là long phượng giữa loài người. Lần trước tới tuyền Châu, ngài ấy đối xử với tiểu thư thế nào, phu nhân người cũng biết mà. Huống chi Nhị phu nhân bên đó và ngài là tỷ muội ruột, đều là người một nhà. Tiểu thư qua đó làm phu nhân thế tử Quốc công phủ, về sau không biết sẽ còn tốt phúc thế nào, phu nhân lo lắng gì chứ?"

Mạnh phu nhân được khuyên, chuyển thành mỉm cười, lau nước mắt trên khóe mắt, nắm tay nữ nhi, nói: "Là mẹ nghĩ nhiều. Đi thôi, đừng để tổ mẫu con chờ lâu."

...

Tổ mẫu Hồ thị của Gia Phù là người đứng đầu Chân gia, có chủ kiến, khôn khéo quả quyết không thua kém nam nhân. Trước kia bà một lòng hy vọng nhi tử thi đỗ công danh, sau khi trượng phu qua đời, để không khiến hắn phân tâm, gia nghiệp đều do một tay bà xử lý. Tính tình phụ thân Gia Phù rộng rãi phóng khoáng, ông không hứng thú nhiều với công danh, sau khi thi đỗ Tú tài, thi cử nhiều lần không đậu. Tới hơn ba mươi tuổi, dưới cơn nóng giận, ông dứt khoát từ bỏ công danh để tiếp quản gia sản của tổ tiên. Không ngờ ba năm trước, năm ấy Gia Phù mười ba tuổi, đội tàu của ông ấy ra khơi, chẳng may gặp sóng gió mà qua đời. Hồ thị người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, có thể tưởng tượng được đau buồn nhường nào. Nhưng bà xốc vác lại, đổi sang gửi gắm hy vọng trên người ca ca Chân Diệu Đình của Gia Phù. Hắn lớn hơn Gia Phù hai tuổi, năm nay mười tám, cực kỳ yêu thương muội muội, đáng tiếc bản thân lại không tiến bộ lắm. Chưa nói việc học hành rối tung rối mù, việc làm ăn trong nhà hắn cũng không để ý đến, suốt ngày lêu lổng bên ngoài. Lúc này đã lên đèn rồi mà người còn chưa thấy trở về.

Gia Phù theo mẫu thân đi vào phòng tổ mẫu. Lão thái thái có mày rậm trán cao, dung mạo nghiêm khắc. Trước giờ, Gia Phù không thân thiết với bà ấy, thậm chí có hơi sợ bà, đến cả Mạnh phu nhân cũng không dám lên giọng trước mặt bà. Mạnh phu nhân cùng nữ nhi vấn an bà ấy.

Lão thái thái hỏi chuyện chuẩn bị ra Bắc, Mạnh phu nhân vội đáp: "Mẹ yên tâm, lễ vật mừng thọ lão phu nhân Quốc công con đã tự mình chuẩn bị, có lễ vật tặng Tống gia, tất cả đều đã kiểm tra và đưa lên thuyền. Nhà ở bên phía kinh thành cũng đã sắp xếp xong xuôi, tới nơi là có thể vào ở."

Lần này Gia Phù vào kinh sẽ không trở lại Tuyền Châu mà ở lại đó chờ thành hôn. Để thuận tiện cho cử hành hôn sự, Chân gia cố ý bố trí nhà ở kinh thành.

Lão thái thái lại hỏi vài câu, Mạnh phu nhân một mực trả lời từng câu, hết sức chu toàn, không một sai sót. Lão thái thái vừa lòng, nói: "Vào đến kinh thành không cần tính toán tiền bạc, nên dùng bao nhiêu cứ dùng bấy nhiêu. Dòng dõi Bùi gia cao quý, nhưng dù có cao quý, những chuyện khó xử không nhìn thấy chưa chắc đã ít hơn chúng ta. Huống chi hiện giờ trong cung đổi chủ, Bùi gia cũng không còn vinh quang như trước, nhà họ đồng ý hôn sự này không phải nhìn trúng A Phù mà là nhìn trúng gia tài nhà chúng ta."

Mạnh phu nhân nói: "Mẹ yên tâm, con biết."

Cuối cùng vẻ mặt nghiêm khắc của lão thái thái cũng lộ ra chút tươi cười: "Số ngươi cũng khổ, gả tới Chân gia ta, giống như ta, tuổi còn trẻ như vậy đã phải ở góa, cũng may còn một đôi nhi nữ để hy vọng. Bây giờ A Phù gả vào chỗ tốt, sau này ngươi cũng được hưởng phúc theo."

Mạnh phu nhân xuất thân nhà quan lại, năm đó phụ thân tới Phúc Kiến làm quan, xảy ra sơ xuất lớn, nhờ có tổ phụ Chân gia bỏ tiền ra giúp đỡ nên mới vượt qua được cửa ải khó khăn. Để bày tỏ lòng biết ơn, Mạnh gia mới gả thấp một người con gái tới Chân gia. Ban đầu quan hệ giữa hai nhà không tồi nhưng sau khi Mạnh đại nhân và tổ phụ Chân gia qua đời, nhi tử Mạnh gia không phát đạt, lại tự giữ thân phận, không chịu chủ động thân thiết với Chân gia nên quan hệ giữa hai nhà cũng dần nguội lạnh. Nhưng sau khi gả tới, tình cảm giữa Mạnh phu nhân và trượng phu rất thắm thiết, giờ phút này lão thái thái nhắc lại chuyện buồn, đôi mắt bà đỏ lên, không dám rơi lệ, chỉ cười nói: "Mẹ nói phải, con cũng nghĩ như vậy."

Lão thái thái gật đầu, chuyển hướng sang Gia Phù vẫn luôn im lặng ở bên cạnh, gọi nàng một tiếng.

Gia Phù biết bà ấy có chuyện muốn nói, tới trước mặt bà ấy quỳ gối xuống đệm: "Xin tổ mẫu căn dặn."

"Hiếu thuận là gốc rễ của đạo làm người. Tình hình nhà chúng ta thế nào, trong lòng con rõ ràng. Tuy con người phải tự dựa vào bản thân mình nhưng con gả vào Bùi gia cũng là chuyện tốt. Sớm muộn ta cũng sẽ ra đi, sau này nếu con có chỗ đứng ở Bùi gia, đừng quên giúp đỡ ca ca con vài phần. Lời tổ mẫu nói, con nhớ kỹ chưa?"

Gia Phù nói: "Cháu gái nhớ kỹ." Thái độ cung kính mười phần.

Ánh mắt lão thái thái nhìn nàng lộ ra chút dịu dàng hiếm hoi, gật đầu nói: "Con đứng lên đi, trở về nghỉ ngơi cho sớm, giữ tinh thần tốt, sáng sớm mai còn phải lên đường."