Chương 22: Náo động

Vở hí kịch của Lạc Nguyệt Dung vẫn được trình diễn như thường lệ, bên Doãn Phi Khanh cũng không rơi lại phía sau. Sân khấu hai nhà như cuộc thi “anh hát xong đến lượt tôi hát”, khiến khán giả thoả mãn và thấy may mắn vì được xem.

Doãn Phi Khanh diễn liên tục nửa tháng, khán giả từ bàn tán về phong cách ca hát của y đến thảo luận về con người y, thậm chí cả cửa hàng nơi y mua quần áo giày dép, tất cả đều đã được đào ra. Các cửa hàng vải và giày giá rẻ mà Doãn Phi Khanh thường lui tới đã kiếm được bộn tiền, khiến chủ cửa hàng vui mừng cười không khép được miệng.

Vệ Lê chưa từng bỏ lỡ đêm nào, từ trăng tròn đến trăng khuyết, đêm nào cũng đến cổ vũ cho y.

Sau một vở diễn, khuyên tai và vòng vàng được ném đầy lên sân khấu. Vệ Lê nghe các phu nhân và tiểu thư xung quanh thảo luận: “Phi Khanh nhà chúng ta tuấn tú quá đi mất, cô nhìn cách hoá trang kia đi, chậc chậc chậc, tôi thật sự uổng là nữ tử đấy.”

Vệ Lê cúi đầu mỉm cười, ha ha, Doãn Phi Khanh thành của mấy cô từ lúc nào vậy?

Một người khác tiếp lời: “Đúng vậy, đây quả là hí khúc thần tiên mà, rất muốn được gả cho huynh ấy.”

“Kịch bản này cũng hay nữa, nghe nói tác giả có mối quan hệ rất tốt với Khanh Khanh, đã sáng tác riêng cho huynh ấy đấy.”

Trong tiếng bàn tán rôm rả, Vệ Lê đang nghe đắc ý, đột nhiên có một giọng nói xuất hiện: “Xem nội dung đoạn này sao giống vở hí kịch mới của Lạc Nguyệt Dung vậy?”

Giọng nói này vừa vang dội vừa đột ngột, những người ngồi ở bàn bên cạnh trừ Vệ Lê đều quay đầu nhìn hắn. Người kia tiếp tục nói: “Uầy, mọi người chú ý nghe kìa, từ ngữ trong vài câu hát quả thật giống nhau như đúc. Có phải là sao chép của người ta không, dù sao thì hí kịch của Lạc Nguyệt Dung diễn trước mà.”

Lại có một giọng nam phụ họa: “Hôm qua tôi vừa đi xem hí kịch của Lạc Nguyệt Dung, bốn câu hát vừa rồi vì ý cảnh cực đẹp nên tôi còn cố ý dùng bút chép lại này, tôi chắc chắn sẽ không nhớ lầm đâu, giống y hệt mà.”

Dưới sân khấu xôn xao, ngay cả âm thanh trên sân khấu cũng bị át mất. Doãn Phi Khanh không quan tâm vẫn tiếp tục diễn trên sân khấu, chạy quanh sân khấu không chút sơ sót. Vừa quay người lại, y đã thấy rèm hậu trường hơi vén lên và theo sau là ánh nhìn lo lắng của sư phụ.

Vệ Lê thấy chân đệ ấy hơi chậm một nhịp, không khớp với tiếng chiêng trống leng keng kia.

Công việc của nhạc công vẫn không ngừng, Doãn Phi Khanh lắc ống tay áo, mượn cơ hội này điều chỉnh lại bước đi rồi tiếp tục diễn một cách lưu loát.

Cuối cùng, với từng vần âm cuối vô tận, ống tay áo nước của Doãn Phi Khanh giơ lên hướng về phía Vệ Lê, uyển chuyển như một làn sóng, vừa biểu diễn vừa nhìn Vệ Lê. Tiếng đàn chấm dứt, tiếng vỗ tay vang lên. Vệ Ly đứng dậy theo đám đông và gật đầu với đệ ấy.

** ** ** ** ** ** **

Doãn Phi Khanh lui vào hậu trường, sau đó quay lại sân khấu trong tiếng vỗ tay không dứt.

Doãn Phi Khanh điều chỉnh ống tay áo, mở lời: “Xin chào những vị thích xem hí kịch, cảm ơn mọi người đã tới ủng hộ buổi diễn.”

Đây là lần đầu tiên hầu hết người hâm mộ hí kịch được nghe giọng thật của y, họ chỉ cảm thấy tiếng nói ấy khác hẳn Côn Sơn ngọc vỡ, phù dung khóc (*), mà dịu dàng tròn trịa, từng chữ như châu ngọc khuấy động trái tim người nghe.

(*) Mượn ý thơ “Côn sơn ngọc toái phượng hoàng khiếu, Phù dung khấp lộ hương lan tiếu” (Nghe như tiếng hót phượng hoàng,

Côn Sơn ngọc vỡ trên ngàn xa khơi.

Phù dung khóc hạt sương rơi,

Còn nghe e ấp nụ cười hương lan.) trong bài “Lý Bằng không hầu dẫn”, để diễn tả âm nhạc trong trẻo và ngọt ngào.


Phi Khanh nhìn Vệ Lê, nói tiếp: “Tôi có được vị trí như ngày hôm nay là nhờ vào tính vững chắc của kịch bản. Tối nay, tôi muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt tới tác giả vở kịch - Kinh Thành Tần Tần Nữ.”

Tên này như sấm bên tai, mọi người nhìn xung quanh, thầm nghĩ chẳng lẽ vị tài nữ nổi tiếng chỉ sau một tác phẩm, thật sự có mặt ở đây hôm nay sao?

Dưới sự chú ý của mọi người, Vệ Lê nhấc váy ung dung đi lên sân khấu kịch.

Đám đông thầm than, một nữ tử trông nhỏ nhắn và có lọn tóc ngộ nghĩnh trên đầu này lại có thể tạo ra một vở kịch tuyệt vời như vậy. Họ thật sự ngưỡng mộ nàng và càng vỗ tay vang dội hơn.

Dưới sân khấu có mấy vị phu nhân nhà quan nhận ra nàng, đây không phải là cô vợ xinh đẹp của đại tướng quân mà họ gặp ở Bách Hoa Yến lần trước sao? Tướng quân phu nhân và vị tài nữ trước mắt này là cùng một người thật ư?!

Một cách tự nhiên, trước tiên Vệ Lê khách khí vài câu, sau đó đưa mắt ra hiệu cho người ngồi bên phải ở cuối dãy lầu mà nàng đã sắp xếp. Người kia hiểu ý, tiếp theo đó ra hiệu cho vài người vừa mới gây náo động lúc nãy.

Người trong bóng tối là nam tử có bước chân chắc nịch được Vệ Lê mời uống trà lần trước.

Những người nọ được hắn ngầm ra hiệu, lại ầm ĩ nói: “Kịch bản này, lời lẽ được sao chép từ Lạc Duyệt Dung đấy, dạo này tôi xem đi xem lại vở kịch của hai người họ, càng xem càng thích, hơn nữa Lạc Duyệt Dung diễn trước, nhất định là hắn thấy nổi nên muốn thừa cơ để được nổi tiếng đây mà.”

Ngay sau đó là những âm thanh hùa theo, thậm chí một số phu nhân và tiểu thư nhà quan cũng bị dụ dỗ lên tiếng phê phán cùng.

Vệ Lê và Doãn Phi Khanh liếc nhau, đồng loạt ra vẻ hoảng sợ và xấu hổ, dường như không ngờ sẽ xảy ra chuyện như vậy, vừa như đang che che giấu giấu.

Tuy nhiên, hai người chưa kịp giải thích thì một số thanh niên ở bên phải sân khấu đã đứng lên khiển trách mấy gã nam tử kia: “Đạo văn? Sao tôi lại không nhìn ra đạo văn hả? Ông dựa vào đâu mà nói Phi Khanh nhà chúng tôi đạo văn?”

Một nam tử mặt chữ điền giẫm lên ghế, chống nạnh hô: “Chứng cứ rõ ràng vậy mà ngươi không nhìn ra à? Không thể bởi vì ngươi tâng bốc y mà che chở y, đúng không?” Đồng thời gã nhìn sang hai người trên sân khấu: “Làm phiền hai vị mau đến xin lỗi Lạc Nguyệt Dung đi, tác phẩm xem nhân phẩm, người có thể viết ra và diễn loại hí kịch này e là cũng chẳng tốt lành gì đâu...”

Doãn Phi Khanh thoáng nhìn rèm vải ở hậu trường đã bị nắm cực kì chặt.

Vị thanh niên trẻ kia bước dài vọt tới trước mặt và chỉ vào mũi gã: “Ông giữ mồm miệng sạch sẽ cái đi, chứng cứ hoàn toàn không đủ, biết đâu chính Lạc Duyệt Dung đã sao chép Doãn Phi Khanh đấy chứ, ông mau chóng xin lỗi hai người trên sân khấu đi.”

Vệ Lê vẫn còn trong trạng thái sợ hãi và luống cuống, im lặng nhìn họ tranh cãi.

Người đàn ông mặt chữ điền đương nhiên không muốn: “Xin lỗi? Người xin lỗi là bọn họ mới đúng!” Vừa nói vừa giơ cánh tay phải lên, gã dẫn đầu đám đông hét to: “Xin lỗi! Xin lỗi! Xin lỗi!”

Người thanh niên vung nắm đấm, khiến các phu nhân và tiểu thư la hét né tránh. Thấy cảnh đánh nhau dưới sân khấu sắp mất kiểm soát, Vệ Lê hít một hơi thật sâu, bước lên nói: “Chư vị, chư vị! Ta và Phi Khanh đều là người mới và ta thấy rất uất ức vì nỗi oan kêu trời không thấu này. Hay là vậy đi, ba ngày sau là đại hội bình chọn của Bích Thuỷ Các, đến lúc đó chúng ta có thể mời các phu tử đưa ra quyết định, được không?”

Mọi người nghe thấy có lý, nhốn nháo đồng ý. Vệ Lê che chở Phi Khanh hơi có vẻ hốt hoảng mau chóng đi vào hậu trường.

Trễ hơn thường lệ gần nửa canh giờ, cuối cùng rạp hát cũng đã vắng khách.

Sau khi xác định xung quanh không có ai, người thanh niên đỡ gã đàn ông mặt chữ điền bị đánh chảy máu mũi dậy, nói: “Đa tạ huynh đệ đã phối hợp. Mũi huynh không sao chứ? Trước đó từng tập thử rồi, hẳn sẽ không đánh trúng huynh đâu hả.”

Nam tử mặt chữ điền dùng tay áo lau qua loa: “Khụ, không sao, hôm nay ta né hơi chậm, không thì đâu không giống thật thế này.”

Người thanh niên một tay khoác lên vai gã, hai người cùng đi ra ngoài: “Cũng đúng, ba ngày sau chúng ta còn phải phối hợp diễn thêm một cảnh nữa, vất vả rồi!”

“Huynh đệ khỏi phải khách khí với ta, tìm chỗ ngồi uống rượu đi?”

Người thanh niên vỗ gã: “Đi chứ?”

“Đi nào!”