Chương 3: Bát hiệp anh hùng
Vài hôm trước, từ Cố Cung của thành Bắc Kinh loang tin tức “thái hoàng thái hậu sẽ cùng với Khang Hi hoàng đế xuất tuần đến núi Tây Sơn để tạ lễ Quan Thái Âm.” Sư Thái biết chuyện bèn kêu gọi Giang Nam thất hiệp bày mưu ám sát. Giang Nam thất hiệp là bảy vị anh tài có võ nghệ cao cường nhất của bang hội phản Thanh. Ngặt nỗi, âm mưu đảo chính bất thành.
Sáng ngày hôm đó, thái hoàng thái hậu xuất cung. Bà mang người cháu đích tôn tức là Khang Hi ấu chúa theo cùng. Nhưng tân hoàng đế đã được Phủ Doãn đại tướng quân tặng long bào có tẩm độc nhằm bảo vệ bản thân khi nguy cấp. Ngoài ra, còn có đội súng Tây phục kích chung quanh ngôi miếu Quan Âm. Lực lượng của đội súng Tây cũng được Phủ Doãn đại tướng quân bí mật bố trí và sẵn sàng chờ đợi để đánh úp đối phương khi lọt vào trận địa.
Bởi thế mà mưu lược ám toán của bang hội phản Thanh bị phá sản. Sư Thái vừa mới ra quân, trận vừa mới đánh, chưa kịp diệu võ dương oai thì đã phải tìm đường tẩu thoát. Trong giây phút nguy ngập, người đồ đệ thứ ba của Sư Thái là tam đương gia bắt giữ được hoàng đế nhưng thấy đứa trẻ nên không đành ra tay. Ngược lại, Khang Hi rút đoản đao đâm trúng tĩnh động mạch cạnh sườn của kẻ thích khách. Độc trên long bào vì thế công tâm.
Sư Thái hết cách đành cắn răng hủy bỏ kế hoạch. Bà phất tay ra hiệu rút lùi và đánh cầm chân bọn binh sĩ để cho người đồ đệ thứ bảy là thất đương gia dìu tam đương gia lên tuấn mã. Trong khi hai người đó an toàn rời khỏi thì bản thân của Sư Thái lại lâm cảnh nguy nan. Bà bị quân thù nã pháo, đạn bắn trúng lòng ngực.
Nhưng trời không phụ người lành. Sư Thái được người đồ đệ thứ nhì là nhị đương gia dùng khinh công phá vòng vây cứu bà thoát hiểm. Người đồ đệ thứ nhất là đại đương gia bị địch bao vây. Chẳng ai biết hắn tìm cách nào mà cuối cùng cũng tháo chạy ra ngoài. Còn những người đệ tử khác của Sư Thái là tứ đương gia, ngũ đương gia, lục đương gia thì số phận không được may mắn như bà và đám huynh đệ. Bọn họ tất cả đồng loạt tử thương.
Xin cho phân tích thêm là bang phái phản Thanh gồm có vị lãnh tụ, tức người đứng đầu, gọi bằng “tổng đà chủ.” Kế đến là “thiếu đà chủ,” người này nhậm chức chỉ huy và lãnh đạo bang hội khi tổng đà chủ qua đời hay vắng mặt vì nguyên do mà ít ai lường trước được, thí dụ như lúc lâm bệnh hoặc đang thọ thương. Xếp dưới quyền của thiếu đà chủ nhưng trên hàng vạn thành viên bang hội là tám vị “đương gia.” Tất cả thành viên của hội đều có thể được cân nhắc vào hàng đương gia nếu như họ hội tụ đầy đủ các yếu tố. Một trong những yếu tố quan trọng nhất chính là võ công. Tám vị đương gia đều là nhân vật võ lâm kính nể, công phu cái thế, thuộc hàng tinh thông thượng thừa.
Cũng xin nhắc đến danh phận đặc biệt của Sư Thái. Bà vốn là Trường Bình công chúa của triều Minh. Đó là triều đại độc lập cuối cùng do người Hán lãnh đạo trước khi thôn tính vào tay nhà Thanh của những người thắt bím tóc thuộc tộc Mãn Châu. Năm xưa, Trường Bình công chúa đi lại trong chốn giang hồ đã lấy biệt hiệu là A Cửu. Sau khi bị mất một tay, A Cửu xuất gia đầu phật nên sửa đổi danh hiệu thành Cửu Nạn.
Kể từ đó, Cửu Nạn thành tâm khẩn phật. Bà một lòng xa lánh thế nhân để quy ẩn giang hồ. Tuy nhiên, ngó vậy chứ không phải vậy. Thật tình mà nói thì ngọn lửa hận thù vong quốc vẫn còn cháy âm ỉ trong lòng bà. Thành thử tu hành chỉ là cái cớ để bà che mắt triều đình, còn mục tiêu chính thức là thành lập một bang hội. Dã tâm của bà rất lớn. Trong suốt hai mươi mấy năm qua bà không ngừng thu nhận và huấn luyện đệ tử hòng phản Thanh phục Minh.
Trường Bình công chúa lúc rời Thành Tử Cấm đã bí mật giao du khắp nơi hòng chiêu binh mãi mã. Bà vì dốc lòng tìm kiếm các bậc nhân tài nghĩa sĩ nên quanh năm suốt tháng lăn lộn nơi chốn giang hồ để chiêu mộ nhiều vị danh nhân. Đại đa số những người được bà hết mực chú ý là đám trẻ thơ ở cô nhi viện. Bà truyền thụ võ công cho họ và quan tâm chăm sóc như người thân trong gia đình. Sau khi bà quen biết Mã Lương lão nhân thì cả hai người bắt đầu âm thầm hoạt động cướp giàu tế bần. Hai người cùng một ý nguyện phục Minh nên mở thư viện và tư thục nhằm kêu gọi bằng hữu gia nhập bang phái Đại Minh Triều. Dần dần sau này, đám cô nhi lớn khôn. Bọn họ vì tôn kính nên gọi bà là Sư Thái. Nhưng bà chính là tổng đà chủ, vị lãnh tụ vĩ đại của bang phái phản Thanh. Bà trú ngụ ở rất nhiều nơi, cư gia thường hay bất định. Ngoài Giang Nam thất hiệp thì không ai biết tông tích lẫn hành tung ẩn náu của bà.
Sư Thái vốn thu nhận nhiều đệ tử nhập môn. Trong những kẻ anh tài đó có bảy người đồ đệ được bà cất công chọn lựa, đặc biệt tâm đắc và vô cùng ưu ái hợp thành Giang Nam thất hiệp. Họ là đại đương gia Khẩu Tâm, nhị đương gia Tần Thiên Nhân, tam đương gia Trương Quốc Khải và thất đương gia Tần Thiên Văn. Còn ba người đồ đệ nữa nhưng họ đã thất thủ và bỏ mạng ở miếu Quan Thế Âm.
Ngoài ra, Sư Thái còn nuôi nấng một nữ nhân mười tám tuổi. Công phu không rõ hạng bởi nàng chưa hề tỉ thí với ai. Người đời chỉ biết đến danh tánh của nàng là Giang Nam đệ nhất mỹ nhân. Riêng các vị sư huynh trong hội thì âu yếm gọi nàng bằng “bát muội.” Nàng là nữ thành viên duy nhất trong thất hiệp huynh đệ và cũng được xem như bát đương gia của bang phái Đại Minh Triều. Hệt Sư Thái, hành tung của Giang Nam đệ nhất mỹ nhân thường hay bất định, nay đây mai đó, thỉnh thoảng thì tạm trú ở Hắc Viện học đường. Nàng cùng với các vị sư huynh liên binh, kết nạp thành Giang Nam bát hiệp trấn thế giang hồ.
Đôi lời giới thiệu về các vị đương gia:
Đại đương gia là người có võ nghệ cao thâm, tuy rằng khoác áo cà sa, lòng hướng phật nhưng tâm không tịnh. Chàng mặc áo tu hành mà bụng dạ toan tính, thâm tâm ranh ma, lại còn ưa thích chức vụ cao sang và mơ được trở thành đại sư trù trì.
Biệt hiệu của đại đương gia là Khẩu Tâm. Hai chữ đó vốn do phương trượng của chùa Thanh Tịnh đặt cho. Ngay cả bản thân chàng cũng chẳng biết tên thật của mình là gì.
Khẩu Tâm có thân mình cao lớn, gương mặt rộng hình chữ điền cộng với hai hàng mi mao dày và hàm râu đậm, trông bộ dạng cứ như linh vật kỳ lân. Bá tánh bình dân chỉ nhìn thoáng qua dung mạo của Khẩu Tâm một cái cũng đủ khϊếp đảm mất ăn mất ngủ. Chẳng những thế, chàng còn sở hữu giọng nói dõng dạc mà nhiều lúc vang lên nghe từa tựa như tiếng chuông đồng.
Khẩu Tâm không cười bao giờ, lúc gặp đối thủ thì càng im lìm cô tịch, mục đích là để hù dọa tâm lý của kẻ đối diện khiến cho quân địch kinh thiên hồn vía. Chàng ra tay nhanh như sấm, động thủ không bao giờ nương và chưa hề nếm mùi vị thất bại dưới tay cẩu tẩu Mãn Thanh dầu chỉ một lần.
Năm mười lăm tuổi, Khẩu Tâm cùng Sư Thái mai phục ở Sơn Đông hầu chặn đoàn xe của Cao Lã. Ông ấy lúc bấy giờ đang hộ tống vợ con lên đường nhận chức quan địa phương. Sư Thái kề dao cận cổ người con trai duy nhất của Cao Lã tri huyện. Bà dùng tên nghịch tử đó để uy hϊếp trong khi Khẩu Tâm đòi tên quan tri huyện nộp hết tài sản. Cao Lã đâu dám không tuân. Sau khi rời khỏi, Sư Thái bàng hoàng phát giác tên đại đệ tử lén lút cất giữ một số trân châu hạt hòng làm của riêng. Bà bèn xử theo bang pháp.
Theo quy luật bang hội, bất kỳ thành viên nào có ý tham nhũng nhưng lại cam tâm hối cải thì sẽ chịu phạt bằng cách lau chùi nhà xí trong vòng ba tháng, ăn cơm hẩm và ngủ chiếu đất. Mặc kệ là ai cũng không được ân xá. Nếu như phạm nhân bị phát hiện gian dối hoặc làm trật một trong ba điều kể trên thì sẽ lãnh phạt hai trăm trượng và bị trục xuất ra khỏi tông đường. Quy chế đó là một điều trong bộ Tam Bất Luật do Mã Lương lão nhân đặt tên, mãi cho đến ngày hôm nay vẫn còn được tất cả các thành viên bang hội xem trọng. Tam Bất Luật gồm có:
Bất đầu phục Thanh triều
Bất bán rẻ huynh đệ, và
Bất tham nhũng gia sản
Khẩu Tâm dọn dẹp nhà xí ở địa đạo Tây Hồ không lâu liền len lén ăn thịt chuột và uống rượu bồ đào. Ngoài Hắc Viện thì địa đạo Tây Hồ chính là nơi tụ tập của Giang Nam bát hiệp khi có biến cố. Họ dùng pháo thủ làm tính hiệu. Khi thấy lửa bùng nổ ở Tây Hồ, tất cả các thành viên bang hội đều về tham dự. Nơi đây, nhị đương gia Tần Thiên Nhân trở thành nhân vật chủ chốt. Chàng ngồi chiếc ghế lãnh đạo. Lẽ ra là vị trí của tổng đà chủ nhưng Sư Thái không bao giờ ra mặt. Bà chỉ ở bên trong âm thầm chỉ huy.
Trở lại câu chuyện của Khẩu Tâm. Có một hôm, Khẩu Tâm chưa ăn xong thịt đã nghe tiếng chân người. Vì sợ việc tu hành trái phép bị phát giác nên chàng vội giấu đồ ăn xuống dưới ghế mây. Đệ tử bang hội đi ngang lầm tưởng người ngồi đấy là vị hòa thượng tốt của chùa Thanh Tịnh.
Lúc họ mới rời gót, Khẩu Tâm chưa kịp thở phào thì phát giác đồ ăn bị một con mèo đen đánh cắp. Chàng liền huơ tay vớ cọng dây nhằm phơi áo quần, cột thành một vòng tròn nhỏ, ném trúng cổ hắc miêu và ra sức kéo. Sợi dây vòng tròn siết mạnh. Chỉ trong vòng nháy mắt là xương cổ súc sinh gãy gọn.
Sau việc đó, Khẩu Tâm quyết định chế tạo binh khí độc đáo thiên hạ. Khoảng vài năm mày mò, cuối cùng Khẩu Tâm đã cho ra Thiết Đầu Lôi. Một thứ vũ khí cực kỳ hung tợn, hình tạng như l*иg chim bằng thép có xích sắt. Khẩu Tâm chỉ cần vung tay sao cho đúng mục tiêu là chiếc l*иg bay tới chụp vào đầu đối thủ. Sau khi giật mạnh sợi dây xích, nhiều cạnh nhọn từ l*иg chim đâm vào cổ đối phương khiến gân xương đứt lìa. Đầu rời khỏi xác. Kinh hãi tột cùng. Trong lúc không sử dụng, Khẩu Tâm xếp Thiết Đầu Lôi lại và bỏ vào áo cà sa. Lúc ban đầu, Mã Lương lão nhân không bằng lòng với ác khí đó vì nó quá tàn nhẫn nhưng ông khuyên mãi mà Khẩu Tâm không phục. Lại nữa, Khẩu Tâm làm rất được việc, nhất là vấn đề tiêu trừ tham quan vô lại nên Mã Lương mới chịu thôi. Ông không màng đá động tới.
Trả Lời Với Trích Dẫn
Người xếp thứ nhì trong tám vị Giang Nam bát hiệp là Tần Thiên Nhân. Tuy ngoài miệng ăn nói chững chạc, chàng lại thuộc típ người trầm lặng. Tần Thiên Nhân nhập môn sau Khẩu Tâm một thời gian nên được xem là nhị đương gia của bang phái Đại Minh Triều.
Khẩu Tâm vốn là đại sư huynh của nhóm Giang Nam bát hiệp thành thử Khẩu Tâm đáng lý ra phải là người đảm nhiệm chức vụ thiếu đà chủ. Nhưng ngặt cái là mỗi lần Sư Thái vắng mặt thì hầu hết tất cả thành viên bang hội đều tôn xưng Tần Thiên Nhân thành vị thủ lĩnh chứ không phải Khẩu Tâm. Lý do đó vô cùng đơn giản, vì Tần Thiên Nhân là người hữu dũng hữu mưu, võ nghệ tài tình còn bản lĩnh thì cao siêu thâm hậu. Bởi vậy mà khi bang phái có việc cần kẻ chủ trương thì Tần Thiên Nhân thường hay là người nêu ra quyết định cuối cùng.
Võ công của Tần Thiên Nhân nói không khả quan thì có thể xếp hàng thượng thừa. Chàng sở hữu đôi tay nhanh nhẹn. Với khả năng bất cần vũ khí, chàng chỉ dựa vào nội công siêu phàm mà vận công lực vào đôi tay nhằm đánh gãy xương cốt địch thù. Tần Thiên Nhân là cao thủ thần quyền nên ít khi ra tay từ xa, bởi nếu chàng không nắm bắt được đối phương thì sẽ không dễ dàng nhập nội. Vì thế mà chàng có thể phát huy võ công tối đa ở trong vòng mười thước.
Tần Thiên Nhân còn có khinh công bậc nhất thiên hạ, tuy là đồ đệ của Sư Thái nhưng võ nghệ vượt trội sư phụ rất nhiều. Chàng ít khi ra tuyệt chiêu, chỉ chờ giây phút cuối cùng mới sử dụng. Tuyệt kỹ quyết định của chàng là chiêu thức Chuẩn Đề Quyền, một chiêu độc địa trong bộ Thiên Thủ Thiên Nhãn Quyền. Mỗi lần chàng xuất chiêu này là có thể đoạt cùng lúc hàng chục tánh mạng.
Khoan hãy nói về việc Tần Thiên Nhân là cao đồ của lò võ Thiếu Lâm, chàng thông thạo bảy mươi hai môn tuyệt kỹ “thất thập nhị huyền công.” Bây giờ nói tới bộ Thiên Thủ Thiên Nhãn Quyền mà từ lâu đã trở thành độc nhất vô nhị trong giới giang hồ. Bộ môn thần công này là do Tần Thiên Nhân tự mình sáng lập, lâu nay chưa hề truyền thụ cho ai. Trong bộ có chiêu thức Chuẩn Đề Quyền đã được các vị võ thuật gia mô tả như sau:
“Kẻ địch lâm trận sẽ tưởng chừng như đang đối phó cùng lúc với hai mươi bốn bàn tay ra đòn chí tử từ bốn phương tám hướng. Đánh không kịp bưng tai, nhanh chớp nhoáng đến mức kẻ thù không biết phải công thủ bên nào.”
Thiên Thủ Thiên Nhãn Quyền là tên của bộ quyền công kinh hồn mà những đối phương may mắn sống sót đã ví như đang tranh bá với tượng phật nghìn tay nghìn mắt.
Phía giang hồ thường hay tương truyền, quyển Võ Thuật Gia Phổ cũng từng ghi chép “thiếu đà chủ Tần Thiên Nhân ngự tôn đỉnh võ lâm, công phu xếp hàng đầu thiên hạ.”
Tần Thiên Nhân còn được người đời tôn thành “thần quyền Nam hiệp,” oai trấn tứ phương. Người duy nhất có thế sánh ngang hàng ngang sức với Tần Thiên Nhân họa may chỉ có một mà thôi. Vị cao nhân đó là Phủ Doãn đại tướng quân Dương Tiêu Phong, hay còn được dân chúng kinh thành ban danh “Bắc quan đại nhân.” Dương Tiêu Phong tướng quân là chuyên gia ám khí.
Bởi vậy mà các vị bằng hữu giang hồ thường nghêu ngao câu “Nam hiệp Bắc quan giao tranh đấu.” Nghĩa là phương Nam thì có Tần Thiên Nhân, còn phía Bắc lại có Dương Tiêu Phong. Thần quyền Nam hiệp đối đầu Bắc quan đại nhân. Cả hai bậc võ vương là kỳ phùng địch thủ, chưa từng hội ngộ bao giờ nên thở thành câu đố trong giới võ lâm.
Ngoài ra cũng không nên không nhắc đến Ngạo Bái. Ông vốn xuất thân là Mãn Châu đệ nhất tướng sĩ, đã từng tham gia chinh chiến từ thời Hoàng Thái Cực. Ngạo Bái dũng mãnh hơn người, xuất nhiều mưu mô gian xảo và thảm sát nhân mạng một cách tàn bạo. Nay ông quyền cao chức trọng nên ở mãi trong cung lập kế loại trừ tân hoàng đế. Thế nên giang hồ không xếp hạng ông vào quyển Võ Thuật Gia.
Trở lại thiếu đà chủ Tần Thiên Nhân. Theo lời của Giang Nam đệ nhất mỹ nữ thì “Tần Thiên Nhân là người đáng để nữ nhi trao thân cả đời. Chàng tuy rất nghiêm nghị, ngoài mặt nhìn có vẻ lạnh lẽo nhưng trong thâm tâm thì vô cùng độ lượng.”
Tần Thiên Nhân có tầm dáng cao ngời, thân mình vạm vỡ rắn chắc, và đôi vai rộng có thể làm điểm tựa cho bất kỳ nữ nhân nào. Chàng là một đấng trượng phu nghĩa hiệp. Nhìn dáng vẻ ngỡ vô tình nhưng có phải là kẻ đa tình hay không? Chàng rất ít khi cười dù là cười mỉm. Hình như trong lòng chất chứa điều ưu tư. Chàng như một chiếc rương khóa chặt, bên trong chứa đựng bao điều bí mật khiến nữ nhân hiếu kỳ nên muốn chinh phục cho bằng được. Ánh mắt chàng sâu thẳm chứa chan tâm sự, khi người đối diện nhìn vào sẽ bị thu hút và cuốn xoáy theo tâm hồn. Bất cứ lúc nào chàng xuất hiện, cho dù chỉ một mình hay cùng với những thanh niên khác thì sự vô tình càng khiến chàng toát lên vẻ quyến rũ khiến cho ai nấy đều phải động lòng thương yêu. Mỗi lần có sự hiện diện của chàng thì nữ nhân nào cũng muốn mang trái tim nồng nàn trao tặng, để đổi lại một tia nhìn mà thôi, mặc dầu là ánh mắt hững hờ.
Đối với các vị bằng hữu trong chốn giang hồ thì Tần Thiên Nhân là người bạn tâm giao rất đáng để quen. Chàng sẵn sàng xả tánh mạng vì tri kỉ và cũng sẵn lòng vì hiệp nghĩa mà hy sinh. Hễ mỗi lần gặp điều bất bình thì mọi người đều diện kiến Tần Thiên Nhân vì họ biết chàng luôn ra tay tương trợ. Chàng sống cho sơn hà, chết vì xã tắc. Chàng là một hình tượng anh hùng nhưng hy vọng không phải hình hài bi kịch, mà sẽ là một bậc kỳ tài trong giới võ lâm.
Tóm lại, thiếu đà chủ Tần Thiên Nhân là một đại trượng phu lý tưởng, đầu đội trời chân đạp đất. Chàng tôn thờ chính nghĩa. So với đại đương gia Khẩu Tâm thì nhị đương gia Tần Thiên Nhân xem ra được huynh đệ bang hội ưu ái hơn. Khẩu Tâm được nhiều người kính sợ nhưng Tần Thiên Nhân lại được mọi người trọng nể. Cho đến hôm nay vẫn không rõ trong trái tim chàng đã có hồng nhan tri kỉ hay chưa?
Bậc anh hùng đảm nhiệm chức vụ thứ ba trong bang hội Đại Minh Triều là Trương Quốc Khải. Chàng được các vị huynh đệ tôn thành tam đương gia. Trương Quốc Khải là người nhân từ nhất trong nhóm Giang Nam bát hiệp. Chàng có tư duy thanh thản và tâm địa rộng lượng hải hà.
Trương Quốc Khải là chủ nhân của thanh Phục Kiếm. Lúc đón nhận món binh khí từ tay Sư Thái, chàng có tuyên thề rằng sẽ bảo hộ thanh kiếm cho đến khi bản thân đứng trước vùng biên ải cửu tuyền. Đối với Trương Quốc Khải thì thanh bảo kiếm là tánh mạng. Kiếm mất người mất, kiếm còn người còn. Binh khí của chàng bất rời thân. Khi chàng không dùng đến thì thanh kiếm được cuộn tròn vòng quanh thắt lưng. Mỗi lần người ngoài nhìn sơ qua sẽ thấy thanh kiếm có hình dáng từa tựa một sợi dây thắt lưng của y phục nên gọi là Phục Kiếm. Hiếm khi có cao nhân phát giác sợi dây thắt lưng ấy chính là binh khí, ngoài trừ các vị bát hiệp anh hùng.
Theo sự ghi chép của Binh Khí Phổ thì loại binh khí này còn có tên là Liễu Diệp kiếm. Hai chữ Liễu Diệp dùng để chỉ loại gươm rất mỏng, nhẹ, dẻo dai và được làm bằng thép. Thanh Phục Kiếm được hình thành bởi sắt và chất thán. Giang hồ đoán phong phanh rằng Sư Thái đã cất công khai quật loại hợp kim này vào nhiều năm trước, ở tại nơi mà võ lâm đồn đãi là chốn ra đời của thanh Kim Xà Kiếm, một di vật của Kim Xà lang quân Hạ Tuyết Nghi.
Khi bang hội danh tiếng chưa vang thì Trương Quốc Khải là bậc anh tài mà nhân sinh thường biết đến. Bởi vì chàng là một trong những kẻ đầu tiên dùng danh hiệu của bang phái Đại Minh Triều để hành hiệp trượng nghĩa. Đã rất nhiều lần, chàng tham gia hoạt động với Khẩu Tâm và Tần Thiên Nhân. Cả ba huynh đệ cướp giàu tế bần. Họ sử dụng cùng chung bộ môn võ thuật Thiếu Lâm Tự thất thập nhị huyền công. Bảy mươi hai chiêu thức chứa đầy sự biến hóa, dùng để điều khiển và thống nhất thiên hạ, vượt bá trung nguyên.
Trương Quốc Khải có dung mạo tầm thường còn dáng dấp thì như một phàm phu. Thành thử đám binh lính triều đình chưa thể khẳng định được bản lĩnh thật của chàng, và càng không ngờ chàng là một thành viên nòng cốt của bang hội phản Thanh. Cho nên Sư Thái mới lợi dụng ưu điểm đó. Bà thường hay cử Trương Quốc Khải đi thám thính tin đồn ở chỗ đông người, trong chốn kinh thành hay là nơi phố chợ.
Mỗi lần gặp Trương Quốc Khải ngoài đường sá thì lần nào binh sĩ cũng phớt lờ. Bọn chúng đi ngang, nhìn thoáng bộ mặt của chàng rồi dửng dưng đi tiếp, chẳng chút nghi ngờ lôi thôi. Có đôi khi bọn chúng còn to nhỏ với nhau rằng chàng là một kẻ chất phác, tướng tá nhà quê. Và đương nhiên một người với hình tạng nông phu ngờ ngệch thì không thể nào trở thành mối đe dọa cho triều đình Mãn Châu. Bọn chúng càng ít đề phòng thì tính mạng của Trương Quốc Khải càng được an toàn. Cái phong cách bình dân và lối ăn mặc giản dị của chàng âu cũng là điều lợi.
Ngoài ba vị đương gia kể trên thì bang phái Đại Minh Triều gồm có thêm tứ đương gia, ngũ đương gia và lục đương gia nhưng ba người họ đã hy sinh tánh mạng trong cuộc ám sát Khang Hi ấu chúa. Chỉ còn sót lại vị đương gia cuối cùng là thất đương gia. Đấng anh hào ngồi ở vị trí thứ bảy đó tên là Tần Thiên Văn.
Tần Thiên Văn và Tần Thiên Nhân là hai huynh đệ cùng chung huyết thống. Tần Thiên Văn cũng chính là nghĩa tử của Mã Lương. Xin nhắc lại rằng Mã Lương là người xây dựng nên học đường Hắc Viện ở Giang Nam. Ông vốn nắm giữ chức vụ viện trưởng, nhưng kể từ khi ông qua đời thì Tần Thiên Văn được các vị tú tài và thi hào danh nhân bầu chọn thành viện trưởng để thay thế nhiệm vụ cao cả của nghĩa phụ chàng. Hiện tại, Tần Thiên Văn vừa đảm đang chức trách trọng đại nơi chốn học đường vừa phải lao tâm lao não tính toán cho việc khôi phục giang sơn Hán thất.
Nói một cách chân thật, không hề khoác lác thì Tần Thiên Văn là người sáng giá nhất trong bảy vị Giang Nam thất hiệp. Tần Thiên Văn có dung mạo anh tuấn, khí độ phi phàm. Hình tượng của chàng an nhàn thanh thả hệt một cư sĩ nhưng khổ nỗi vị cư sĩ này có tướng đa thê. Đều đó thể hiện qua từng ngôn ngữ khi chàng ở cạnh nữ nhi khuê tú. Phải chăng tất cả anh hùng trên thế gian đều không thể nào bước qua ải mỹ nhân?
Đương nhiên là phong cách tài hoa luôn đính kèm tính nết đào hoa phong nhã, âu cũng chính là tật xấu của chàng. Thói đời gì mà tơ tình nhăn nhít, nhất là cái miệng trát mật, nói toàn lời tán tỉnh gái nhà lành. Nay nàng áo đỏ, mai nàng áo xanh. Bởi thế nên tác giả xin mượn hai câu thơ của Hồng Sơn Lạp Lộ để diễn đạt tính cách của Tần Thiên Văn. Chàng là kẻ “bạc tình nổi tiếng lầu xanh, một tay chôn biết mấy cành phù dung.”
Nhưng ngặt cái là nữ nhân cứ đua nhau hâm mộ anh chàng… Sở Khanh. Phải chăng là vì phong thái lịch lãm? Hay là do thói ăn vận chải chuốt? Mà thiệt, Tần Thiên Văn diện độc nhất bộ y phục màu trắng nom hệt tam thái tử Bạch Long Mã của Long Vương trong truyện Tây Du. Chàng đi đứng nho nhã, cử chỉ phong lưu, còn về mặt ăn nói thì văn chương từ tốn.
Tài cán của Tần Thiên Văn kể mãi không hết. Chàng chơi đàn tranh thành thạo, rành thuật thổi tiêu, biết cách viết nhiều bày thơ tình yêu văn hoa bóng bẩy, còn riêng biệt tài đánh cờ thì lại trở thành thiên hạ vô địch. Ngang hàng ngang sức với chàng âu chỉ có một người, là Hoa Đà tái thế Nữ Thần Y. Nàng xuất thân là một cô nhi, không danh không tánh. Bởi vì nàng thông minh trí tuệ và am tường y thuật Đông phương nên nàng được các thành viên bang hội mệnh danh là “nhà thông thái.” Còn biệt hiệu Nữ Thần Y thì đã xuất phát từ khi… mai này mới nói.
Có lẽ Nữ Thần Y và Giang Nam đệ nhất mỹ nhân là đôi nữ nhi duy nhất chưa nằm trong vòng tay sành sỏi của Tần Thiên Văn. Điều này dễ giải thích, tại vì Giang Nam đệ nhất mỹ nhân có hôn ước với sư huynh của Tần Thiên Văn từ xưa. Thành thử ra, Giang Nam đệ nhất mỹ nhân sau này sẽ trở thành tẩu tẩu, nghĩa là chị dâu nên chàng không dám rớ. Còn về khoảng của Nữ Thần Y thì chẳng hiểu tại sao Tần Thiên Văn, một kẻ văn võ song toàn, ra sức nắm bắt mà với mãi vẫn không tới được.
Bây giờ nói về phương diện võ nghệ.
Nếu luận tài đấm đá hay là cơ trí thì Tần Thiên Văn có võ công thuộc hàng cao siêu thâm hậu, và còn thông minh mưu lược trên cả Chu Du. Năm chàng mười tuổi đã từng được tất tần tật các thành viên bang hội mệnh danh là Gia Cát tái lai. Trên hiện tại, chàng là đầu não của bang phái Đại Minh Triều.
Tần Thiên Văn đoán biết thiên thời địa lợi, sử dụng chu tường tam thập lục kế và dự liệu như thánh nhân. Binh khí của chàng cũng rất tài tình. Khoan hãy nói về binh khí. Chàng lúc nào cũng cầm theo chiếc quạt màu trắng, bên trong có chép bài thơ:
Cửu nhật san ẩm
Hoàng hoa tiếu thục trần
Túy kháng phong lạc mạo
Vũ ái nguyệt lưu nhân
Nếu ai tinh ý sẽ thấy cây quạt lúc bình thường hay được Tần Thiên Văn xếp gọn nhưng khi đối diện với chuyện khả nghi thì chàng mở ra. Đó chính là dấu hiệu mà chàng báo cho bang hội biết biến cố sắp sửa kéo đến.
Có ai ngờ những dòng thơ trên chiếc quạt tầm thường đó nào phải mực tàu đơn giản? Năm năm trước, Tần Thiên Văn giao đấu với binh lính triều đình. Lúc ấy địch nhiều ta ít thành thử chàng tổn thương, trúng phải ám khí và đã tìm gặp Nữ Thần Y cốt ý nhờ nàng chữa trị. Khi chàng nhìn thấy Nữ Thần Y dùng nam châm rút ám khí ra khỏi cơ thể thì lập tức liên tưởng cách thức biến hóa nam châm thành binh khí.
Kỳ lạ thay, đây là mưu sách mà Tần Thiên Văn ưng ý nhất trong cuộc đời chàng. Khi đá nam châm được mài nhỏ, hòa với mực đen và viết lên chiếc quạt thì có thể thu hút binh khí của kẻ khác. Nhờ thế nên Tần Thiên Văn thường hay phối hợp độc đáo với sư huynh của chàng là Tần Thiên Nhân. Cả hai vị đương gia trở thành cặp “song hùng đại thủ.” Khi đối phương mất đi binh khí bởi Nam Châm Quạt thì thần quyền Nam hiệp lại có cơ hội nhập nội nhằm đánh bại kẻ thù. Hai huynh đệ như tay liền chân. Nếu không may một mất một còn, kẻ sống sót sẽ đối đầu nguy nan, cơ man trùng trùng nguy hiểm.
Tần Thiên Văn còn được hàng vạn thành viên bang hội đặc biệt mến mộ, ban cho chàng danh hiệu Cửu Dương. Bởi chàng am tường thuật số Cửu Dương càn khôn. Thuật số này là do chàng thiết lập, gồm chín trận bát quái. Cửu Dương càn khôn thuật số được ví với Tôn Tẫn binh pháp, nhất là khi dàn trận, cho dù tỏ tường dưới ánh dương thì địch thủ cũng không thể nào giải mã. Chín bát quái trận được chàng sáng tạo, chủ yếu đề cập sự tấn công khi quân địch không đề phòng, lâm trận tác chiến một cách bất ngờ và tự bảo vệ bản thân để giành thắng lợi. Điều quan trọng kế đến là tránh chỗ thực, đánh vào chỗ hư, giành chiến công theo tình hình của địch. Nhưng trên hết là lúc ra lệnh phải dùng văn, khi trị an thì nên dụng võ.
Cũng hệt như nội dung của binh pháp Tôn Tử, Tần Thiên Văn ủng hộ cách tác chiến tri bỉ tri kỉ bách chiến bất đãi. Bất tri bỉ nhi tri kỉ nhất thắng nhất phụ. Bất tri bỉ bất tri kỉ mỗi chiến tất bại. Nghĩa là biết người biết ta thì trăm trận không nguy. Không biết người mà chỉ biết ta thì một trận thắng một trận thua. Còn không biết người và cũng không biết luôn cả bản thân hay tình cảnh của ta thì mọi trận đều bại.
Câu chuyện này kể từ đây về sau, xin cho phép tác giả dùng hai từ Cửu Dương để ám chỉ Tần Thiên Văn, trừ khi gặp ngữ cảnh cần kíp thì tác giả sẽ gọi tên thật của chàng.
Trở lại câu chuyện. Mỗi lần các vị bằng hữu của bang phái phản Thanh ngồi xuống uống rượu luận anh hùng thì bọn họ đều nhắc danh tánh Cửu Dương. Họ thao thao bất tuyệt về việc chàng là người có sức mạnh vô song, võ nghệ tuyệt luân, tính tình khoáng đạt rộng rãi, giàu sang coi nhẹ, tỳ thϊếp coi thường, tinh thông lục thao tam lược và dĩ nhiên là nổi danh cái thế võ lâm trung nguyên.
Cửu Dương là thiên hạ kỳ tài hiếm hoi, lúc mới mười tuổi đã chính thức bước vào vũ đài chính trị. Bởi vậy mà khi nhắc đến chàng thì giang hồ thường hay nhái câu “thông binh pháp ai hơn Tôn Võ? Giỏi thiên văn phải kể Cửu Dương!”
Nhân sinh cảm nghĩa khí và phong thái của Cửu Dương bởi chàng đề cao tư tưởng "quan bức dân phản.” Cửu Dương là một nhà lãnh đạo có sức hút và rất giỏi thu phục lòng người.
Với tài lược của Cửu Dương, nếu như chàng trút bỏ ý nguyện phản Thanh phục Minh để đi tòng quân triều đình thì chàng chắc chắn sẽ tiến thân phơi phới, đạt tới thành tựu đỉnh cao danh tiếng, dẫn đầu hàng công tước dưới thời hoàng đế Khang Hi.