Phòng Trọ Ba Người

10/10 trên tổng số 1 lượt đánh giá
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Phòng trọ ba người là nơi dành cho ba chàng sinh viên Chuyên, Nhiệm, và Mẫn trú ngụ, là nơi họ chia sẻ việc học hành, những trò nghịch ngợm và chia sẻ cả những buồn vui trong đời sống tình cảm. Mẫn, c …
Xem Thêm

- Lúc đó mấy giờ, mày?

- Ai biết! - Mẫn so vai - Lúc nào tụi mình chẳng mở nhạc!

Chợt Nhiệm reo lên:

- Thôi rồi! Tôi hiểu rồi!

Trước những cặp mắt dò hỏi của Chuyên, Mẫn và Thủy, Nhiệm nhanh nhẹn bước lại chỗ cái cassette "Panasonic" cổ lỗ sĩ của Chuyên đang đặt trên bàn. Anh cho băng quay ngược lại và nhẹ nhàng nhấn nút "play". Một điệu nhạc vui nhộn vang lên. Bản "Young, Free and Single" của nhóm Boney M.

Tới đây thì Mẫn và Chuyên bắt đầu hiểu ra. Chỉ có Thủy là vẫn chưa hiểu:

- Tự nhiên anh mở nhạc chi vậy?

Nhiệm cười bí mật:

- Thủy chờ một lát đi!

Bản "Happy Song" tiếp ngay sau bản "Young, Free And Single". Ba chàng trai lẩm nhẩm hát theo: "Every body, lets go to the Kings".

Thủy đang lắng tai nghe, bỗng giật mình khi nghe một giọng con nít trong trẻo cất lên: "Right to dance, its time to sing". Và cái giọng trẻ con ấy lại cười hí hí trong máy. Giọng cười hồn nhiên và vui vẻ đến nỗi Thủy bất giác buột miệng:

- Dễ thương quá!

Nhiệm tỉnh rụi:

- Tôi hả? - Xì, anh mà dễ thương! Tôi khen giọng con bé kia kìa!

Nhiệm tắt máy và nheo mắt nhìn Thủy:

- Con bé Thủy tìm nãy giờ chứ gì?

Thủy gật đầu, bối rối:

- Vậy mà tôi cứ tưởng...

- Tưởng sao?

Thủy không đáp. Cô đỏ mặt và tránh trả lời bằng cách nhìn ra cửa sổ. Nhiệm đành hỏi lảng sang chuyện khác:

- Bản nhạc hay không?

Thủy quay lại:

- Hay! Bản gì vậy?

- Bản "Happy Song".

- Cho Thủy mượn nghen!

- Ừ.

Nhiệm tháo máy, lấy cuộn băng đưa cho Thủỵ Anh không quên giở cái giọng tán tỉnh "rẻ tiền" cố hữu:

- Cái gì của tôi cũng là của Thủy.

Chuyên hắng giọng, phá bĩnh:

- Cái đó là của tao, mày! Nhiệm tỉnh khô:

- Thì cái gì của mày cũng là của tao!

Nghe cái giọng ngang như cua của Nhiệm, Chuyên đành chịu thua. Còn Thủy thì cười cười. Cô cầm lấy cuộn băng, chào ba chàng trai, ra về.

Nhiệm quay vào, thở phào:

- Thế là xong!

- Xong cái gì? - Mẫn hỏi.

- Mối tình của tao và em Thủy.

Mẫn vẫn không hiểu:

- Xong sao?

Nhiệm khịt mũi:

- Mày chậm hiểu quá! Xong nghĩa là "hai đứa tao" đã chính thức "đặt vấn đề" với nhau.

- Xạo đi mày!

- Chứ gì nữa! Em chẳng mượn băng nhạc của tao là gì!

Mẫn nheo mắt:

- Chuyện đó thì nhằm nhò gì! Em mượn băng nhạc của mày cũng giống như tao mượn tiền của mày thôi, có khác gì đâu!

Nhiệm nhìn Mẫn, giọng khinh khỉnh:

- Mày ngốc quá! Sao lại "có khác gì đâu"! Em mượn băng nhạc của tao, nhưng chủ yếu là để nghe bài "Happy Song". Mà "Happy Song" nghĩa là "Bài ca hạnh phúc". Mày thấy cái ý nghĩa thâm thúy trong vụ mượn băng này chưa?

Trong khi Mẫn đang thấm ý, ngồi gục gặc đầu thì Chuyên cười khúc khích:

- Thằng Nhiệm chỉ giỏi tài tán phét!

Nhiệm trừng mắt:

- Mày đừng thấy tao có số đào hoa mà tìm cách hạ "uy tín" tao. Tao nói thật ày biết, em Thủy biết tỏng tiếng con nít là ở trong bản "Happy Song", em chỉ giả bộ lên hỏi han để tìm cớ "tỏ tình" với tao thôi! - Rồi Nhiệm chép miệng, giọng kẻ cả - Nói thật với tụi mày, muốn thành công trong tình yêu phải "nắm bắt" được những biểu hiện nhỏ nhặt nhất!

Chuyên đã chán ngấy trò thuyết giáo về ái tình của Nhiệm, anh ngáp dài:

- Thôi, mày muốn yêu ai thì kệ mày! Đun nước pha cà phê uống đi!

Mẫn nhăn mặt:

- Giờ này mà uống cà phê gì nữa! Hơn chín giờ rồi!

- Chết mẹ! Vậy thì chuẩn bị nấu cơm trưa!

- Chưa đi chợ! - Mẫn nói.

Chuyên liếc Nhiệm:

- Thằng Nhiệm đi chợ một bữa đi!

Nhiệm tặc lưỡi:

- Tao đâu có biết mua gì?

- Có gì đâu mà không biết! Trước tiên mày mua hai trái cà chua, hành, ngò, rồi mua vài con cá nục hấp, rồi...

Nhiệm vội vã khoát tay:

- Thôi, thôi, mày dặn đủ thứ làm sao tao nhớ hết! Hay là như thế này...

- Sao?

- Ba đứa cùng đi!

- Thật chán ày! Đi chợ mà cũng kéo cả lũ!

Nhiệm cười hề hề:

- Chủ nhật mà! Sẵn đi chợ, tụi mình dạo phố luôn!

Chuyên nhỏm người dậy:

- Thôi, tao với mày đi! Thằng Mẫn ở nhà!

Sở dĩ Chuyên nói vậy vì Mẫn có tật ở chân, đi lại khó khăn. Hồi nhỏ, Mẫn bị sốt tê liệt. Bệnh nặng, tưởng chết. Nhưng ông ngoại Mẫn, vốn là một thầy thuốc giỏi, đã cứu được Mẫn. Cơn bạo bệnh đi qua nhưng từ đó chân trái của Mẫn bị biến tướng, nó teo lại chỉ bằng cẳng tay. Vì vậy, dáng đi của Mẫn không được bình thường mặc dù từ lâu rồi Mẫn đã quen với khuyết tật của mình và hầu như anh không hề ý thức về sự có mặt của nó.

Nghe Chuyên bảo mình ở nhà, Mẫn lập tức phản đối:

- Tao đi nữa!

Chuyên gạt phắt: - Thôi, mày ở nhà đi! Mày ở nhà vo gạo nấu cơm, tụi tao đi chợ về làm đồ ăn là vừa.

Nghe Chuyên nói cũng có lý, Mẫn không đòi đi theo nữa. Vả lại, anh cũng vừa sực nhớ chiều nay anh còn phải tới nhà Thu Thảo dạy kèm. Vì vậy, phải ăn trưa sớm một chút để còn chuẩn bị bài vở. Nhưng trước khi bước lại vật lộn với cái bếp dầu, Mẫn còn chạy ra cửa nói với theo:

- Tụi mày mà về trễ, tao nấu cơm khét ráng chịu à nghen!

Mẫn được nhận vào dạy kèm Thu Thảo là một điều hoàn toàn may mắn.

Hồi trước, Chuyên, Nhiệm, Mẫn cùng học chung với nhau lớp mười hai ở trường phổ thông thị trấn. Đậu vào đại học, lên thành phố, được người quen giới thiệu, cả ba lại thuê chung với nhau căn gác trọ này. Chuyên và Nhiệm học ở Đại học Tổng hợp Văn, Mẫn lại học ở Đại học Bách Khoa.

Trong bọn, gia đình Nhiệm là khá giả nhất. Nhà Nhiệm là lò bánh mì lớn và khá nổi tiếng của thị trấn. So với hai bạn, Mẫn nghèo nhất. Anh luôn là "con nợ" của Chuyên và Nhiệm. Vì vậy, vừa đặt chân lên thành phố, Mẫn đã lo kiếm việc làm thêm ngoài giờ học.

Một hôm, đọc được mẫu rao vặt cần người dạy kèm, Mẫn lò dò đến nhà Thu Thảo. Đó là một căn nhà gạch xinh xắn nằm khuất sau dãy hàng rào bông giấy rực rỡ. Mẫn hơi ngập ngừng một thoáng trước khi đưa tay bấm chuông.

Người bước ra mở cổng là một chàng trai trạc tuổi Mẫn. Anh ta quan sát Mẫn vài giây rồi hỏi:

- Xin lỗi, anh tìm ai?

Tự nhiên, Mẫn cảm thấy bối rối:

- Tôi... tôi đọc trên báo...

Người con trai mỉm cười, ngắt lời:

- Anh đến xin dạy kèm phải không?

Mẫn gật đầu.

Chàng trai đưa Mẫn vào nhà. Anh ta tự giới thiệu:

- Tôi là Sơn.

- Còn tôi là Mẫn.

Mẫn đáp, giọng không được tự tin lắm. Anh tỏ ra ngượng ngập về những bước chân khập khiễng của mình mặc dù Sơn cố ý không nhìn Mẫn. Sau này, Mẫn mới biết Sơn là anh trai của Thu Thảo, sinh viên trường Mỹ thuật, một chàng trai khá cởi mở.

Tính cách người cha khác hẳn cậu con trai, ba Thu Thảo có một bề ngoài khá nghiêm nghị. Ông ít cười. Hôm đó, sau khi mất đúng một buổi sát hạch Mẫn về mọi phương diện, cuối cùng ông mới đồng ý nhận Mẫn vào dạy kèm Thu Thảo.

Thực ra, ba Thu Thảo thích tìm cho con gái một cô giáo hơn. Đó là tâm lý của các bậc cha mẹ biết... lo xa. Cô giáo bao giờ cũng "an toàn" hơn. Còn các chàng trai, không "bất trắc" nào là không thể xảy ra. Nhưng khổ một nỗi, từ hôm mẩu rao vặt được đăng báo đến nay, chẳng có người phụ nữ nào đến xin dạy. Chỉ toàn là giống mày râu. Nhưng tất cả đều bị ba Thu Thảo loại thẳng cánh. Ông không chọn một người nào, khi thì vì lý do này, khi thì vì lý do khác.

Đúng vào lúc Sơn và Thu Thảo bắt đầu phàn nàn về sự khó tính của ông thì Mẫn xuất hiện như một vị cứu tinh. Vẻ khiêm tốn và lễ phép của Mẫn chinh phục ông ngay. Hơn nữa, với một bên chân bị tật của mình, Mẫn có "lợi thế" rõ rệt so với những chàng trai khác, ít ra nó cũng cho biết rằng anh không phải là mẫu người hấp dẫn với các cô gái và vì vậy anh hoàn toàn... vô hại với phụ nữ. Tất nhiên, Mẫn không hề biết tất cả những ngoắt ngoéo, phức tạp bên trong việc mình được nhận vào dạy Thu Thảo. Đối với anh, tìm được việc làm là một niềm vui vô hạn.

Thêm Bình Luận