Khi Viva tỉnh dậy, một người đàn ông trung tuổi, trên đầu đội một chiếc mũ vải với những hoa văn thêu thùa khá cầu kỳ đang nhìn chằm chằm vào cô. Đôi mắt ông ta mở to, vàng vọt. Hơi thở sặc mùi tỏi.
"Cô ả tỉnh rồi". Người đàn ông nói bằng tiềng Hindi với kẻ nào đấy mà Viva không thể nhìn thấy.
Cô thấy lạnh. Cổ tay cô hằn lên những vết dây thắt bầm đỏ. Mảnh vải lanh quấn sau lưng cô có mùi cây gai dầu xen lẫn mùi ẩm mốc.
"Tên tôi", người đàn ông đội mũ thêu giới thiệu, "là Anwar Azim".
Một gã thấp bé nhưng khá rắn rỏi, với một chiếc mũi khá lớn ngự chính giữa khuôn mặt, những chiếc răng vàng lổn nhổn trong khuôn miệng với môi dưới hơi trề khiến người đối diện có cảm giác gã từng bị dính một dao vào miệng và được khâu lại bởi một viên bác sĩ có tay nghề cực tệ. Giọng gã lạnh lùng, khào khào kiểu của những kẻ nghiện thuốc nặng, nhưng tiếng Anh của gã khá chuẩn, không hề tỏ ra chút dấu hiệu thiện chí nào. "Tôi đã muốn được diện kiến cô từ lâu".
Gã khịt mũi, âm thanh do gã phát ra khiến cô sợ cứng cả người. Sau khi đã nhổ sạch thứ dớt dãi trong miệng vào ống nhổ bằng đồng dựng trong góc nhà, gã dửng dưng nhìn Viva.
Đầu cô đau như búa bổ khiến Viva không thể tập trung quan sát kỹ khuôn mặt người đàn ông trước mặt cũng như không gian chật chội của căn phòng nơi cô đang bị giam giữ. Cô chỉ lờ mờ nhận thấy đây là một căn phòng khá nhỏ, chỉ rộng chừng mười mét vuông, vách tường bao quanh chi chit những vết nhơ hoen ố, tấm thảm trải nhà rách như xơ mướp. Trong góc phòng, một chiếc bàn bên trên đặt một bàn thờ đầy màu sắc thờ thần Ganesh, vị thần mình người đầu voi; dưới chân bàn vương vãi những mẩu đọt thuốc lá. Một vòng hoa cúc vạn thọ đã héo rũ quấn quanh cổ vị thần, và, thật khó hiểu, một chiếc ô tô đồ chơi màu đỏ nằm gọn trong lòng bàn tay của thần Ganesh.
Đôi mắt của nguời đàn ông chăm chú dõi theo ánh mắt của Viva. "Đây không phải là phòng tôi", gã giải thích với cô.
Ngay chính giữa trán gã là một vết chàm nâu và một vệt lõm khá nông, dấu hiệu của những tín đồ Hồi giáo mộ đạo, những kẻ thường xuyên sụp đầu quỳ gối cầu nguyện vài lần mỗi ngày.
Đầu óc cô mơ màng, không còn ý thức được thế giới xung quanh. Khi cô tỉnh lại lần thứ hai, một gã trai trẻ với hàm râu lún phún trên khuôn mặt rỗ chằng rỗ chịt nhưng nom khá thân thiện đang chăm chú quan sát cô. Gã trai trẻ đang nằm duỗi người trên một chiếc chõng kê trước một cánh cửa đóng im ỉm. Đầu cô nhói đau khi Viva quay người lại nhìn gã.
"Tôi khát nước", cô nhũn nhặn hỏi. "Cho tôi chút gì để uống được không?".
Thật ngạc nhiên, gã trai trẻ lập tức bật dậy.
"Tất nhiên", gã nói, rồi nhanh nhẹn chụp lấy chiếc bình đựng thứ nước nhờ nhờ màu gỉ sắt lên rót đầy một cốc.
Gã trai trẻ nâng cốc nước lên ngang miệng cô, lập tức Viva uống ừng ực một hơi cạn cốc nước. Gã thanh niên quay mặt đi như thể Viva đang ném ánh mắt đầy giận dữ của cô vào gã.
"Tôi xin lỗi", gã trai trẻ nhẹ nhàng nói với cô, "chỗ này hơi xập xệ. Tôi không biết chỗ này lại mất vệ sinh đến thế".
Cô có cảm giác mình đang há hốc miệng khi nghe những lời gã thanh niên vừa thốt ra.
"Tại sao tôi lại bị bắt đến đây? Tôi phải làm gì?".
"Tôi không thể nói cho cô biết lý do vì sao", gã trai trẻ vẫn nhã nhặn. "Đấy không phải là trách nhiệm của tôi. Ông Azim sẽ quay lại. Trong lúc chờ đợi, cô có muốn ăn chút gì không?".
"Tôi muốn về nhà", giọng cô thiểu não. "Tôi không làm chuyện gì sai trái cả".
Đầu cô vẫn nhức nhối những cơn đau, cảm giác choáng váng lại ùa về trong Viva, mặc dù một phần trong tâm trí cô vẫn cảm nhận được tình thế nguy hiểm mà mình đang dính vào, nhưng cảm giác mệt mỏi bải hoải đang cuộn lên trong cô như một màn sương mù đặc quánh khiến Viva chỉ muốn nằm xuống, nhắm mắt và chìm sâu vào giấc ngủ, mặc kệ chuyện gì xảy ra vào lúc này.
Khi Viva tỉnh giấc trở lại, cô đưa mắt nhìn về phía cửa sổ, một vệt sáng mỏng manh lọt qua kẽ hở giữa những ô cửa chớp rọi thẳng vào căn phòng. Sợi dây buộc trên tay cô đã biến mất, hai cánh tay của Viva được xếp ngay ngắn trên vạt áo, một vết phồng rộp nổi lên trên vòng dây da đeo quanh cổ tay cô.
Một người đàn bà đẫy đà mặc một bộ sari cáu bẩn đứng trước mặt cô, hai tay bê một chiếc khay bên trên đựng hai chiếc bánh ngọt và một hũ nhỏ đậu lăng rang. Gã trẻ tuổi lún phún râu đã trò chuyện với cô tối hôm qua bằng thứ tiếng Anh khá lịch thiệp xuất hiện trước ngưỡng cửa, ra lệnh cho người đàn bà mang bức tượng thần đầu voi bằng thạch cao đi khỗ khác. Người đàn bà ngoan ngoãn ôm bức tượng trong tay, bước ra ngoài đi xuống phía dưới.
Viva không có cảm giác đói bụng nhưng cô vẫn ép mình ăn một chút với hy vọng sẽ giúp tâm trí cô minh mẫn trở lại. Trong lúc nhẩn nha nhai, hai tai Viva vẫn dỏng lên nghe ngóng mọi động tĩnh xung quanh: tiếng ống bơ leng keng lăn lông lốc ngoài đường phố, tiếng đóng cửa sầm sầm, tiếng lóc cóc của chiếc xe ba gác, cả tiếng kêu thảm thiết của một chú chim lạc đàn.
Cô nhìn đồng hồ đeo tay - chín giờ kém hai lăm phút sáng. Giờ này chắc hẳn mọi người đang sốt ruột chờ cô ở trung tâm tình thương. Daisy đã tràn trề hy vọng cô sẽ đến tham dự bữa tiệc, cô đã hứa sẽ không để Daisy thất vọng, nhưng rồi những ý nghĩ tiêu cực lại ập đến. Nếu hôm nay là thứ Tư, cô gần như chắc chắn như thế, Daisy đã dạy xong một lớp buổi sáng ở trường đại học, và những người khác có thể sẽ nghĩ cô ấy đang ở cùng cô. Vả lại, làm thế nào mà mọi người sẽ tìm thấy cô ở đây được? Một căn phòng kín mít ở một xó xỉnh nào đấy trong một khu ổ chuột giữa muôn ngàn khu ổ chuột giống nhau trong lòng thành phố rộng mênh mông này.
Trong khi Viva ăn, gã thanh niên thơ thẩn bên chiếc chõng, ánh mắt vẫn dán chặt vào cô. Một khẩu súng để bên cạnh gã, cùng hai chiếc dao găm còn nhét trong vỏ bọc da.
Khi cô vừa kết thúc bữa ăn, gã trẻ tuổi đột ngột bước ra khỏi căn phòng, thò đầu xuống dưới cầu thang gào lên mấy câu, rất nhanh chóng người đàn bà lúc nãy xuất hiện, mang theo một chiếc xô dậy mùi chất thải. Trong lúc đi vệ sinh, Viva lờ mờ nhớ lại có lần ai đấy đã nói với cô, rằng đàn ông Ấn Độ sẽ cảm thấy nhục nhã với ý nghĩ về những người đàn bà chỉ dùng để thực hiện các chức năng thỏa mãn thân xác.
Người đàn bà lượn tới lượn lui chờ cô xong việc, ngay lập tức thô lỗ tiếp tục quấn dây trói quặt hai tay cô ra sau. Ném vào cô một cái nhìn xa lạ xen lẫn hiếu kỳ, một chút độc ác, nhưng khi nghe những tiếng bước chân thậm thịch của đám đàn ông bước lên cầu thang vọng đến, cả hai cùng cứng đờ cả người, những động tác của người đàn bà lập tức quýnh quáng, vội vàng và hấp tấp, rõ ràng bà ta cũng đang sợ hãi đến rúm ró cả người.
Cánh cửa xịch mở, Anwar Azim bước vào.
"Xin chào, cô Viva", giọng gã đàn ông trung tuổi nhẹ nhàng, đôi mắt gã lướt từ trên cổ xuống ngực, rồi chạy thẳng xuống giữa hai chân cô. "Tối qua cô thế nào?", gã khẽ nuốt nước bọt, vẻ thèm muốn.
"Rất khó chịu", cô trả lời gã. "Tôi không hiểu tại sao mình lại bị giữ ở đây". Cô quyết định nhìn thẳng vào mắt gã.
Gã ngoác miệng ra ngáp, răng lợi gã phơi bày trước mặt cô, mồn một. "Tôi xin lỗi nếu cô thấy bất tiện. Tôi có thể giúp được gì cho cô?".
"Có chứ", Viva trả lời, "tôi muốn có một tấm chăn, tôi thấy lạnh".
"Có lạnh bằng nước Anh không?", gã chòng ghẹo cô, không khí trong căn phòng lúc này khá ấm.
Rồi gã đứng dậy, kéo ghế ra sau. "Đừng lo", gã nói. "Cô chỉ cần trả lời vài câu hỏi rất đơn giản của tôi, rồi cô có thể về nhà".
Gã quay đầu lại nói điều gì đấy với gã trẻ tuổi lúc bấy giờ đang đứng cách đấy không xa với một chồng vải màu đen trên tay. Gã trai trẻ nghe xong lập tức rũ chồng vải choàng lên những ô cửa sổ, ánh sáng lập tức bị chặn đứng ở bên ngoài, một ngọn đèn dầu nhanh chóng được châm lửa, mang ra đặt giữa bàn.
"Xin lỗi vì những phiền phức đã gây ra với cô". Khi Azim tiến gần đến trước mặt và nhìn thẳng vào mắt cô, Viva chợt nhận ra đôi mắt của gã mới yếu ớt làm sao, tròng trắng mờ đυ.c, nhợt nhạt như lòng trắng trứng gà.
Gã lôi từ trong túi áo ra một chiếc hộp bằng ngọc, rút ra một điếu thuốc rồi nhét vào giữa đôi môi dày chằng chịt vết sẹo, dùng một chiếc bật lửa khá sang trọng, cô nhận ra đấy là một chiếc bật lửa hiệu Dunhill, cực kỳ đắt tiền - loại bật lửa vẫn được bà Driver sử dụng để châm điếu xì gà xén tày hai đầu vào mỗi sáng sớm.
"Vậy thì", gã đàn ông trung tuổi tiếp tục sau khi nhả ra một ngụm khói màu xanh lờ đờ cuộn lên uốn éo vây quanh đầu gã. "Thực ra chuyện này khá đơn giản. Thứ nhất, tôi muốn cô cho tôi biết Guy Glover đang ở đâu, sau đấy tôi muốn được nghe từ chính miệng cô kể lại những gì cô đã làm trong buổi tối thứ Sáu tại mái ấm tình thương của các cô".
Yêu cầu của gã khiến Viva kinh ngạc. "Ông muốn biết những gì?".
"Thằng nhãi Glover đã theo dõi mọi động tĩnh của cô ở đấy bao lâu nay, ít nhất là cho đến khi chúng tôi mất dấu nó. Dẫu sao", gã đột ngột dịu dọng trở lại, "cho tôi biết cô đã làm gì".
"Ừm, không có gì nhiều", cô trả lời. "Chúng tôi ăn tối cùng bọn trẻ, sau đấy đọc sách cho chúng nghe rồi yêu cầu chúng lên giường đi ngủ".
"Cô đọc chuyện gì cho bọn trẻ nghe?".
"Nhiều chuyện: phiêu lưu mạo hiểm, thần thoại, điển tích trong kinh thánh, trong sử thi Ramayana".
"Còn gì nữa không?".
"Không. Chúng tôi cố tạo ra một đêm đặc biệt trong tuần, nhưng chỉ với cảm giác tất cả nhân viên cùng ăn tối với bọn trẻ. Chúng tôi đều mong muốn điều đấy".
"Vậy thì những lời đồn kiểu như ở trung tâm tình thương các cô bắt các cậu bé tắm cùng các bé gái là không đúng?". Gã dừng lại, gỡ mấy sợi thuốc lá dính trên môi xuống. "Thế còn lời đồn xoay quanh chuyện các cô thường tắm rửa một cách lộ liễu nhằm mục đích khiêu gợi trước mặt bọn trẻ thì sao?". Giọng của gã đàn ông đột ngột trở nên lạnh lùng như trước.
Cảm giác sợ hãi trào lên trong lòng Viva. "Phải Guy Glover nói với ông chuyện này không?".
Azim không trả lời, gã nhìn thẳng vào mắt cô.
"Nếu đúng như thế, thì nó đã nói dối", cô nói. "Chúng tôi tôn trọng bọn trẻ và chúng rất tôn trọng chúng tôi. Nếu muốn, ông có thể đến để chứng kiến, lúc bấy giờ ông sẽ hiểu".
"Chúng tôi luôn có tai mắt của mình ở khắp nơi", gã trả lời rồi đưa tay quẹt ngang miệng, tiếp tục dán mắt vào cô. "Và chúng tôi đã chứng kiến tận mắt và nghe thấy những điều hết sức tồi tệ".
"Câu hỏi tiếp theo. Tại sao cô lại chọn sống tại Byculla?".
Cô nhìn gã, hít một hơi thật sâu. Cô thầm nhẩm tính, hẳn phải có đến mười hay mười hai vết khâu trên môi gã, có vẻ là những vết thương do dao gây ra, mỗi khi gã nhoẻn miệng mỉm cười, môi dưới lại méo mó đến thảm hại.
"Bởi vì tôi thích mảnh đất ấy. Tôi có việc làm ở đấy".
"Tại sao cô liên tục hỏi bọn trẻ về những câu chuyện xảy ra trong cuộc đời chúng rồi đưa cả họ tên thật của bọn trẻ vào trong cuốn sách của mình?".
Gã nhặt lấy chiếc áo khoác, cuốn sổ tay của Viva ló ra sau lớp vải nhung lót bên trong.
"Nó là của tôi". Khi cô vừa chớm nhổm người về phía gã, lập tức Viva nghe thấy tiếng lên đạn rôm rốp ngoài cửa. Gã bảo vệ đứng phắt dậy.
"Ngồi xuống". Gã đàn ông trung niên ngồi trước mặt đột nhiên hét lên với cô như một con chó dại. "Trả lời câu hỏi của tôi".
Cố lấy lại tự chủ, cô trả lời gã: "Tôi đang viết những câu chuyện về bọn trẻ".
"Tại sao?". Đôi mắt gã mở to.
"Bởi vì đấy là những câu chuyện rất thú vị".
"Chẳng có gì thú vị cả; chúng chỉ là những đứa trẻ bụi đời, với những cuộc đời rác rưởi". Dứt lời, gã phác một cử chỉ đặc sệt Ấn Độ, giơ tay phác lên một bên mặt như thể đang xua một con côn trùng chuẩn bị bám vào người. "Còn nhiều chủ đề hay ho hơn cho cô viết. Thế cô có những cuốn sách nào đã từng xuất bản? Tôi có thể mua chúng ở đâu?".
"Không", Viva trả lời gã, "đấy là cuốn sách đầu tiên của tôi".
"Tiếng Anh của ông rất tốt", cô lên tiếng khen ngợi gã sau một hồi lâu im lặng. Cô quyết định sẽ nói vài câu nịnh bợ gã, chí ít cô cũng phải thử hót vài câu đã. "Ông học ở đâu thế?".
"Đại học Oxford, giống như anh trai tôi thôi", đầu gã khẽ đung đưa nhè nhẹ cho thấy gã đang tỏ ra hài lòng với mấy lời tán dương vừa rồi của Viva. "trước đấy là ở trường thánh Crispin".
Cô đã từng nghe nói về ngôi trường ấy, một trong những trường công ở Ấn Độ được ca ngợi là "Eton của nước Ấn". Ở đấy người ta thừa hưởng phong cách giáo dục của phương Tây, dạy những giá trị thuộc về cuộc sống, những chuẩn mực và phong cách của người Anh cho con trai của các ông hoàng xứ Ấn, hoặc giả là con trai của bất kỳ ai có đủ khả năng tài chính để trang trải cho con cháu mình.
"Phải đấy là nơi các ông tổ chức những buổi lễ kỷ niệm sự kiện đêm Guy Fawkes?".
Gã đứng phắt dậy, cau mặt khó chịu. "Đừng có hỏi tôi", gã nói. "Chúng ta không có nhiều thời gian đâu".
Khi gã hấp tấp rời khỏi căn phòng, Viva phỏng đoán chắc hẳn gã đang vội vã đến với lễ cầu nguyện buổi trưa. Ít phút sau cô nghe thấy tiếng nước nhỏ từng giọt tong tong lên sàn nhà, rồi tất cả lại rơi vào im lặng, Viva tưởng tượng hình ảnh gã đang phủ phục thực hiện salah, lễ cầu nguyện bắt buộc mà những đứa trẻ Hồi giáo ở trung tâm tình thương của cô vẫn thường thực hiện mỗi ngày năm lần, vào lúc bình minh, khi mặt trời đứng bóng, vào giữa chiều, lúc hoàng hôn và sau khi bóng tối đã bao trùm lên vạn vật.
Trong lúc chờ đợi, gã trẻ tuổi làm nhiệm vụ canh gác trước cửa liên tục chĩa họng súng về phía cô.
Khoảng nửa giờ đồng hồ sau, Azim quay trở lại phòng giam.
"Vừa rồi ông đi cầu nguyện à?".
"Không", gã trả lời. "Tôi không phải là người mộ đạo. Không ai trong số chúng tôi là những người ngoan đạo cả".
Điều đấy có nghĩa cô đã đoán nhầm, Viva nhìn kỹ vết hằn trên trán gã, chính giữa hai mắt, hóa ra chỉ là một nếp nhăn chứ không phải là một vết lõm bởi những năm tháng dập đầu sát đất cầu nguyện tạo nên.
Gã tiến đến trước mặt cô, rất gần. "Tôi sẽ giải thích cho cô hiểu vì sao chúng tôi lại giam giữ cô tại đây", gã nói, ánh mắt lạnh lùng. "Mọi động tĩnh xảy ra trong trung tâm của bọn cô đều được giám sát chặt chẽ. Mục đích chính của chúng tôi là tìm cho ra gã bạn Guy Glover của cô".
"Nó không phải là bạn tôi".
"Không phải?", Azim cao giọng hỏi lại, nhổ mẩu thuốc lá ra khỏi miệng. "Cô từng chung buồng với nó trên con tàu Kaiser-i-Hind kia mà".
"Tôi không ở chung buồng với nó", cô dứt khoát. "Tôi chỉ là bảo mẫu của thằng bé".
Vẻ mặt Azim vụt trở nên bối rối.
"Tôi được người ta trả tiền để trông nom giám sát nó trên đường sang Ấn Độ", cô giải thích.
Azim bắt đầu đưa tay lên gãi, từ cổ đến cằm như thể những lời Viva vừa thốt ra biến thành mấy nốt phát ban bám lên mặt gã.
"Đừng có nói dối để đánh lừa tôi, cô Viva ạ", gã cảnh cáo cô. "Tôi không muốn làm cô đau đâu".
Cảm giác buồn nôn chợt cuộn lên trong dạ dày, lan dần lên thực quản và dợm lên trong miệng cô.
"Nó chỉ là một học sinh trung học", cô lắp bắp trả lời, "hay ít nhất tôi nghĩ nó chỉ dừng lại ở đấy. Tôi cần việc làm. Và tôi đã ở đấy để chăm sóc thằng bé".
"Ừm, thế thì cô đã không tận tụy với công việc của mình cho lắm nhỉ", giọng gã vẫn nhẹ nhàng.
Azim lôi từ trong túi áo ra một bức ảnh chụp một thanh niên ăn bận khá bảnh bao, mái tóc đen nhánh bóng mượt lượn sóng đầy nghệ sĩ. Trong bức ảnh, gã thanh niên đang mặc một chiếc áo sơ mi buổi tối, ngồi trên chiếc ghế đặt trong một buồng tàu khá sang trọng. Đôi môi gã sưng phồng, một bên mắt khép hờ bóng loáng. Một chiếc áo khoác buổi tối trải dài trên chiếc giường sau lưng gã trông giống như xác của một con chim cánh cụt khổng lồ. Một đôi giày trắng tinh nằm chỏng chơ trên sàn tàu.
"Đấy là em trai tôi", Azim nói. "Tác phẩm của Guy bạn cô đấy".
"Tôi biết chuyện này", cô thừa nhận. "Nhưng tôi không liên quan gì cả".
"Thế tại sao cô không báo cho cảnh sát? Bởi vì nó là một thằng đần?". Gã mỉm cười nhìn cô, một nụ cười không chút thiện cảm.
"Không". Cô nhìn thẳng vào mắt gã. "Đấy là một từ khá xúc phạm. Tôi không bao giờ sử dụng kiểu ngôn ngữ như thế bao giờ cả. Những gì tôi được kể lại lúc ấy chỉ là một tình huống xảy ra trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, ai cũng muốn vấn đề trở nên đơn giản và được dàn xếp trong hòa bình".
"Thế hoàn cảnh đặc biệt lúc bấy giờ là gì?".
Cô cúi đầu nhìn xuống bàn tay mình. "Tôi không biết", giọng Viva nhẹ bẫng, gần như thì thầm.
"Thế cô có biết Guy Glover là một kẻ cắp?".
"Tôi có biết". Cảm giác khô khốc trong miệng lại ùa về, Viva gần như không thể thốt nổi thành lời. "Cả em trai của ông nữa. Tại sao cậu ta lại không đòi bồi thường?".
Azim đưa mấy ngón tay lên khẽ lướt nhẹ trên môi gã rồi nhìn cô chằm chằm.
"Bởi vì", gã nói, "thay vì đòi bồi thường, chúng tôi có thể thuyết phục Guy làm việc cho mình, nhưng giờ chúng tôi đang rất giận dữ với nó vì đã nuốt lời, bỏ trốn. Chúng tôi nghe nói nó đang chuẩn bị quay về nước Anh. Thậm chí có thể giờ này nó đã trên đường về đấy rồi cũng nên. Ngay khi cô giúp chúng tôi tìm ra nó, chúng tôi sẽ để cô đi".
Dứt lời, Azim bước ra khỏi phòng, gã trẻ tuổi làm nhiệm vụ canh gác lập tức bước đến bên cạnh Viva dùng một dải lụa bịt chặt mắt cô. Viva kịp nghe tiếng đế giày của Azim nện thình thịch lên những bậc cầu thang dẫn xuống tầng dưới, tiếp theo là tiếng hơi nước rít qua kẽ nắp của chiếc nồi hơi đang sôi, tiếng vi vu của những tán thông từ ngoài xa vọng vào. Mệt mỏi vì phải lắng nghe những âm thanh hỗn loạn từ ngoài phố vọng đến, Viva cố gắng tập trung vào tiếng bánh xe rệu rã nghiến trên mặt đường, tiếng rao mời chào thiểu não của ông già gánh nước thuê. Nhưng cô vẫn đủ sáng suốt để không gào toáng lên cầu cứu. Giờ thì cô đã thấy khϊếp sợ trước Azim. Gã là một kẻ rất lạnh lùng và quyết đoán.
Tuy khiến cô hoảng sợ nhưng Viva bắt đầu nhận thấy cảm giác bất an, thiếu tự tin mà gã đang cố che giấu trong lòng. Azim kể cho cô nghe câu chuyện về một người bất ngờ bị đẩy ra giữa sân khẩu mà không hề có một ý niệm rõ ràng nào về yêu cầu liên quan đến vai diễn anh ta phải đóng. Chủ đề của những buổi thẩm vấn của gã không thể nào dự đoán được, và Viva bắt đầu hướng tâm trí cô đến chuyện quần áo, những thứ thường mang biểu tượng của vật chất, những biểu hiện bên ngoài của chứng rối loạn tinh thần. Đôi khi gã nhẹ nhàng giáo huấn cô bằng những lời ngập ngụa đức tin cá nhân: "Trước hết tôi là một tín đồ Hồi giáo, sau đấy mới là một người Ấn Độ", một hôm gã nói với cô. "Kinh Cô-ran dạy rằng chúng tôi có quyền được thừa hưởng và thực thi công lý, quyền được bảo vệ danh dự của chính mình, quyền được kết hôn, quyền được có lòng tự trọng và không bị báng bổ hay xúc phạm bởi bất kỳ ai". Hôm khác gã lại nói với cô, rằng gã thuộc kiểu người chỉ tin tưởng vào duy nhất một tiến trình, không phải tôn giáo: ấy là cải cách. Đấy là thời điểm, gã nói với cô, mà người dân Ấn Độ bắt đầu thôi không còn tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những cắc lẻ được người đời thửa xuống dưới chân họ, là thời điểm để người dân Ấn Độ đứng dậy chống lại lũ người Anh khốn khϊếp. Đấu tranh để không còn làm thân phận tôi tớ: "ôi vâng, thưa ông chủ", gã bắt chước giọng điệu của một người đầy tớ. "Tôi đang chạy, đang nhảy, đang hết sức tìm nó về cho ngài đây".
Đến sáng thứ Tư, Azim quay trở về với nỗi ám ảnh quen thuộc của gã.
"Các cô làm gì vào mỗi tối thứ Sáu ở cái trung tâm tình thương ấy?".
"Không làm gì đặc biệt cả", Viva trả lời gã. "Chúng tôi ăn tối với bọn trẻ, sau đấy đọc sách cho chúng nghe trước khi lên giường đi ngủ".
"Các cô đọc những loại sách gì cho bọn trẻ nghe?", giọng Azim đầy nghi ngờ.
"Tôi đã nói với ông rồi, thơ, điển tích trong Kinh thánh, thỉnh thoảng bọn trẻ kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện trong Mahabharata, hoặc vài câu chuyện cổ tích mà chúng biết - đấy là cách dễ dàng nhất để trao đổi giữa các nền văn hóa khác nhau".
Gã ném vào cô một cái nhìn đầy phẫn nộ. "Thế cô giải thích những chuyện này với bọn trẻ như thế nào?". Gã dí một cuốn sách sát mắt cô. "Cô có biết đây là gì không?". Cả cơ thể gã run rẩy bởi những cảm xúc đang dồn nén trong lòng.
"Tôi hiểu. Đấy là một cuốn sách rất thiêng liêng - một cuốn kinh Cô-ran".
"Và đây nữa", bàn tay gã run rẩy khi lật giở những trang sách. "Đây là một sự xúc phạm, một sự lăng mạ kinh khủng đối với một tín đồ Hồi giáo". Gã túm chặt lấy mái tóc của Viva và dúi đầu cô sát rạt vào những trang sách đang được mở tung trước mặt. Lúc này Viva mới nhận ra vài trang trong cuốn kinh Cô-ran đã bị xé nham nhở từ bao giờ.
"Tôi biết".
Miệng cô khô khốc, Viva không thể thốt nổi thành lời. Lần đầu tiên ý nghĩ cuốn gói rời khỏi đất nước này ngay sau khi sống sót thoát khỏi căn phòng này ùa về trong đầu Viva.
"Chúng tôi tìm thấy cuốn sách này trong phòng cô".
"Tôi... chúng tôi không làm chuyện này, ông Azim", giọng cô run rẩy, cố gắng giữ bình tĩnh có thể. "Không ai trong số chúng tôi.... Chúng tôi không phải là những kẻ cực đoan".
"Đừng có lấy vải thưa che mắt thánh, cô Viva". Gã hét lên, nước bọt từ trong miệng gã văng tung tóe, bám lên mặt cô. "Bố tôi đã chết trong cuộc bạo loạn năm 1922 ở Bombay nên tôi thừa biết điều gì sẽ xảy ra khi người Anh các người can dính vào tôn giáo của chúng tôi, không có việc gì cho các người trong chuyện này - ôi, những kẻ bản địa tởm lợm". Giọng gã rít lên the thé, đầy kích động. "Hoang dại và không tự chủ được bản thân, nhưng các người đã chứng minh cho chúng tôi thấy chúng tôi đã cần các người nhiều đến thế nào. Các người đã làm gì với em trai tôi - vẫn kiểu đối xử ấy! Các người đang làm gì ở cái trung tâm nuôi dạy trẻ tình thương của các người - không gì khác! Hẳn các người đang nghĩ mình là điều kỳ diệu vĩ đại đang chìa tay giúp đỡ cứu vớt người dân Ấn Độ khốn khổ ngoài kia".
"Tôi không hề như thế bao giờ cả", cô hét lên, rồi bằng một nỗ lực phi thường, Viva kiềm chế được cơn giận vừa bùng lên trong mình, bình tĩnh ngồi yên trên ghế.
"Ông Azim này", cô nhỏ nhẹ, sau khi gã đã ngồi xuống ghế, "tôi thực sự lấy làm tiếc về chuyện của bố ông".
"Đừng có nhắc đến ông ấy nữa", gã rít lên. "Cô làm ô uế đến tên của ông ấy đấy".
"Và chuyện của em trai ông nữa", cô vẫn tiếp tục, bởi Viva hiểu có thể đấy là cơ hội duy nhất dành cho cô. "Thực tình tôi không hề làm cậu ấy đau một chút nào, và tôi không phải là một gián điệp".
Azim khẽ khịt mũi và liếʍ môi.
"Có thể ông không tin", cô tiếp tục, "nhưng ở trung tâm, tất cả chúng tôi đều dành tình cảm hết sức to lớn cho Gandhi; chúng tôi tin rằng đã đến lúc Ấn Độ dành lấy tự chủ cho riêng mình. Chúng tôi biết chúng tôi đã gây ra những sai lầm nghiêm trọng nhưng cũng đã làm được những điều tốt đẹp cho đất nước của các ông".
"Tôi không thích Gandhi", gã nói với cô. "Ông ta chỉ dành cho người Hindu thôi".
"Ừm, còn chuyện khác nữa tôi cũng muốn kể cho ông nghe", cô nói tiếp. "Bố tôi mất ở Cawnpore vào năm 1913. Lúc ấy tôi mới chín tuổi. Ông đến đấy để xây dựng một tuyến đường ray xe lửa. Không liên quan gì đến chuyện chính trị cả. Người ta kể lại với tôi là ông ấy bị bọn cướp sát hại. Ít tháng sau thì mẹ tôi cũng qua đời. Đâu chỉ riêng người Anh mới là người chịu trách nhiệm chính về cái chết của ai đấy".
Sự im lặng bao trùm lên khắp căn phòng. Đôi mắt gã nhìn cô trống rỗng, Viva tự hỏi không biết nãy giờ gã có lắng nghe những gì cô nói, có lẽ Azim đang nghĩ về người bố quá cố của gã.
"Tôi quên cách cầu nguyện như thế nào rồi", gã vu vơ, lẩm bẩm với chính mình.
Lập tức Viva vớ được một vỏ bọc khá hoàn hảo, như thể một con côn trùng có cánh tìm được một chiếc tổ bằng hổ phách tuyệt diệu, hoặc giả như một miếng mỡ nước được lưu giữ trong một tảng băng cực kỳ vuông vắn.
Gã rướn người tiến gần hơn trước mặt cô, chiếc ghế nghiến lên sàn nhà phát ra một tràng âm thanh chói tai. Đôi mắt gã nhắm nghiễn, khẽ nhíu mày suy nghĩ trước khi tiếp tục nói với cô.
"Tôi là một thành viên của tổ chức Liên đoàn Hồi giáo toàn Ấn", gã giới thiệu. "Một số đồng bào của cô, những người Anh ấy, đang cộng tác với chúng tôi rất chặt chẽ. Tôi cũng đã cho gã Guy bạn cô một cơ hội để giúp đỡ tổ chức. Cô Barker bạn cô ở mái ấm tình thương rất nổi tiếng trong tổ chức của chúng tôi với vai trò là người ủng hộ thân cận của Gandhi - chúng tôi nghĩ cô ấy có thể làm được nhiều việc hơn thế. Cô giúp chúng tôi nhé?".
"Tôi không hiểu ông đang nói gì", Viva nghi ngại.
"Không?".
"Không".
Gã đứng phắt dậy. "Thật đáng tiếc", gã nói. "Tối nay là đêm cuối cùng của lễ hội Diwali. Cũng chính là thời điểm chúng tôi sẽ đưa ra quyết định phải làm gì với cô".
"Tôi không phải là gián điệp", giọng cô thiểu não, ngay cả khi Viva thực sự chẳng buồn quan tâm đến điều gì sẽ xảy ra với cô sắp tới. "Không ai trong số chúng tôi là gián điệp cả".
"Đừng có cố đánh lừa bọn tôi, cô Viva ạ", gã rít lên với cô rồi quầy quả bước ra ngoài, cánh cửa đóng sầm sau lưng.