Nếu tóm tắt nội dung "Phế đô" cũng phải ngót nghét bảy tám chục trang in, nên tốt nhất xin cứ để bạn đọc lần theo từ trang đầu đến trang cuối cuốn sách. Nhưng qua mối liên hệ đan xen giữa các nhân vật, mà chủ yếu là giữa danh nhân Trang Chi Điệp với những người đàn bà cùng những người thân cận của anh, toàn bộ đời sống hiện thực và tâm linh của con người đang tồn tại trong nền kinh tế hàng hoá được tái hiện sống động với những số phận khác nhau và tính cách tiêu biểu qua các trang viết của "Phế đô", mỗi bạn đọc đều có thể có những cảm thụ riêng, chẳng hạn, không nên vứt bỏ cái có sẵn trong tay để tìm bắt bóng, khi người ta đã phạm sai lầm lần đầu tiên sẽ có thể liên tiếp dấn thân vào sai lầm thứ hai, thứ ba…
Khi con người cho dù là nhân vật tiếng tăm, song đã thoái hoá suy đồi và khi thực trạng đầy rẫy bệnh hoạn, thì theo quy luật tuyển chọn tự nhiên tất sẽ tự phế bỏ, không ai đánh đổ được mình trừ chính mình. Quả thật trong đời sống xã hội và không có ít những người vô tình hay hữu ý huỷ hoại bản thân và môi trường mình đang sống. Đọc "Phế đô" càng làm cho ta cảm thấy sâu sắc sự cần thiết phải sống trong sáng, lương thiện và trung thực biết chừng nào?