- 🏠 Home
- Bí Ẩn
- Phật Giáo
- Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh
- Chương 72: Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh
Chương 72: Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo
Điều thứ ba là “Chánh Ngữ”.
Ngữ là ngôn ngữ. Tiêu chuẩn của chánh ngữ vẫn là thực tiễn ở bốn loại thiện nghiệp trong bổn kinh.
Thứ nhất là không vọng ngữ.
Thứ hai là không hai lời.
Thứ ba là không thêu dệt.
Thứ tư là không ác khẩu.
Phạm vi của bốn điều này rất là rộng lớn. Phật nói cho chúng ta bốn cương lĩnh này, nếu như chúng ta có thể thọ trì, y giáo phụng hành thì ngữ của chúng ta chính là chánh ngữ, chính là thiện ngữ. Ngữ là từ tâm sanh. Thân ngữ phải thiện, tâm ngữ phải thiện. Tâm tánh của chúng ta, trong chân tâm bổn tánh tuyệt đối không có chút lỗi lầm nào. Lỗi lầm còn không có thì làm gì có ý niệm ác? Chân tâm bổn tánh là thuần thiện.
Ngày trước, trẻ nhỏ bốn, năm tuổi bắt đầu đi học là học “Tam Tự kinh”. Câu đầu tiên của “Tam Tự kinh” là “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Câu nói này là thật, “tánh” đó là bổn tánh, là chân tánh. Tánh vốn dĩ là thiện, thuần thiện, không có chút ác niệm nào. Tại vì sao chư Phật Như Lai thấy tất cả chúng sanh đều là Phật? Các Ngài nhìn từ nơi bổn tánh, chính là nhìn từ nơi “tánh bổn thiện”. Tất cả chúng sanh đều là bổn thiện, tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật. Các Ngài nhìn bằng cách nhìn này, không hề nhìn sai chút nào. Hiện tại chúng ta phiền não hiện hành, ngay đến Phật Bồ Tát cũng không thấy trong mắt. Đây là nguyên nhân gì? Chúng ta chính mình đem bổn tánh mê mất (bổn tánh có, nhưng mê rồi). Mê mất đi bổn tánh cũng chính là mê mất đi vốn thiện, cho nên biến thành bất thiện. Đây chính là câu thứ hai của “Tam Tự kinh” đã nói: “Tánh tương cận, tập tương viễn”. Chúng ta “tương cận” là giống nhau, chính là tất cả chúng sanh cùng chư Phật Như Lai không hề khác biệt, tánh vốn thiện, thế nhưng hiện tại thì khác biệt. Khác ở chỗ nào? Tập tương viễn. Tập là gì? Tập là tập khí, tập quán. Chúng ta từ nhỏ đã nuôi thành thói quen không tốt. Không chỉ là từ nhỏ, mà là đời đời kiếp kiếp, trong đời quá khứ vô lượng kiếp đến nay nuôi thành tập khí thói quen không tốt. Điều này thật phiền phức. Như vậy cùng với bổn thiện càng ngày càng xa, quả báo liền biến thành mười pháp giới, biến thành sáu cõi, biến thành ba đường ác. Cho nên phải biết, mười pháp giới, sáu cõi, ba đường ác đều là từ tập tánh biến hiện ra, đích thực là vậy. Cái thứ này cũng giống như nằm mộng vậy. Do đây có thể biết, mê mất đi bổn chân, mê mất đi bổn tánh, thì họ liền sẽ ở trong đại mộng. Cái mộng này, nếu họ không thể tỉnh lại thì phiền phức liền lớn. Nếu như họ tỉnh lại, thì họ liền thành Phật, họ liền hồi phục bổn thiện. Do đây có thể biết, chư Phật Bồ Tát xuất hiện ở thế gian không gì khác hơn là giúp chúng ta phá mê khai ngộ, cũng chính là nói, công tác của chư Phật Bồ Tát ở thế gian chính là đánh thức người trong mộng mà thôi.
Chúng sanh sáu cõi, chúng sanh mười pháp giới đều là người trong mộng, các Ngài đến đây để thức tỉnh chúng ta. Ngôn hạnh của các Ngài đều là khải phát chúng ta, giúp chúng ta giác ngộ. Đến lúc nào chúng ta mới có thể thể hội được? Vậy thì phải xem căn tánh của mỗi người, duyên phận của mỗi người. Ở trên kinh Phật thường nói, căn tánh của tất cả chúng sanh có thể phân thành Thượng - Trung - Hạ, ba bậc. Thượng - Trung - Hạ là phần lớn, còn phần vi tế thì quá phức tạp.
Người thiện căn tiếp xúc được Phật pháp, họ có thể lĩnh ngộ, họ sẽ theo Phật học tập, y giáo phụng hành, họ có thể làm theo, hay nói cách khác, một đời họ liền thành tựu, liền được độ. Họ có thể đem tập khí thói quen của chính mình toàn bộ buông xuống, tùy thuận Phật Bồ Tát, trải qua đời sống giống như Phật Bồ Tát, họ liền thành công, một đời liền thành tựu. Đây là người thượng căn.
Người trung căn cũng có thể tiếp nhận, nhưng họ không phải hoàn toàn tiếp nhận, họ tiếp nhận một phần. Vì sao vậy? Vì tập khí ô nhiễm của họ. Họ không thể hoàn toàn buông xả, cũng chính là họ không cách gì y giáo phụng hành đến được 100%, họ chỉ có thể làm đến phân nửa, hoặc là hơn phân nửa một chút, cho nên muốn ngay đời này thành tựu thì không thể làm được. Ngay đời thành tựu thì cần phải làm được 100%. Nếu bạn nói, bạn làm đến được 99%, vẫn còn một phần chưa làm được, vậy thì ngay đời này bạn cũng không thể thành tựu. Các vị cần phải biết được, tu học của Phật pháp là không thể trừ bớt đi. Khác biệt của thượng căn và trung căn chính là ngay chỗ này.
Người hạ căn càng kém hơn, nửa tin, nửa nghi, cũng chịu làm, nhưng đại khái chỉ làm được mấy phần trăm mà thôi. Vì sao vậy? Tập khí của họ không cách gì buông xả. Chúng ta xem thấy rất nhiều người hạ căn, tập khí cả đời đều không cải đổi. Loại người này cả đời học Phật chỉ có thể kết duyên với Phật, trong A Lại Da trồng xuống hạt giống của Phật; họ đáng phải luân hồi thế nào thì vẫn phải luân hồi như thế đó, đáng đọa ba đường thì vẫn phải đọa ba đường, không còn cách nào, cũng chính là nói, họ làm không được. Điểm này chúng ta phải đặc biệt chú ý. Cho dù pháp sư học giảng kinh, biết giảng cho người khác nghe, không giảng sai, nhưng chính mình không làm được thì quả báo vẫn là đọa ba đường. Các vị phải nên biết, giảng kinh cũng không cứu được chính mình, giảng kinh là thuộc về phước đức, không phải công đức. Việc này, Lục tổ trong “Đàn kinh” nói rất hay (việc này là việc lớn sanh tử), “phước không thể cứu”. Cho nên, giảng kinh là tu phước. Chúng ta nhất định phải hiểu được làm thế nào đem phước đức biến thành công đức, vậy thì chúng ta chính mình liền được độ.
Muốn đem phước đức biến thành công đức, đại đức xưa nói với chúng ta, “tùy văn nhập quán”, vậy thì biến thành công đức. Tùy theo kinh văn, chúng ta chính mình khế nhập cảnh giới, cũng chính là nói, tùy theo kinh văn, đem quan niệm của chính mình cải đổi lại, vậy thì liền biến thành công đức. Việc này có lợi ích lớn đối với chính mình. Tấm gương tốt nhất chính là Thiện Tài Đồng Tử 53 Tham của kinh Hoa Nghiêm. Bạn thấy, Ngài tham vấn một vị thiện tri thức, Ngài chân thật là tùy văn nhập quán, tùy ngữ nhập quán. Thiện tri thức khai thị cho Ngài, Ngài xem thấy hành vi của thiện tri thức thì tùy ngữ nhập quán, tùy hành nhập quán. Loại tu hành này thật cừ khôi. Sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài thảy đều là trí tuệ, cho nên Ngài thành Phật ngay trong một đời, không phải đến đời thứ hai. Tham phỏng một vị thiện tri thức thì cảnh giới của Ngài liền hướng lên cao thêm một tầng, từ Sơ Trụ, Nhị Trụ mãi đến Đẳng Giác, vậy thì thành tựu rồi.
Có lẽ có người nói, Thiện Tài có số may mắn gặp được Thiện tri thức tốt đến như vậy, chúng ta không có vận tốt như vậy. Cách nghĩ này hoàn toàn sai, đây gọi là tà kiến, không phải chánh kiến. Kinh Hoa Nghiêm bày ra ngay trước mặt bạn, bạn từng quyển, từng quyển mà đọc. Mỗi lần đọc một quyển thì cảnh giới của chính mình liền hướng lên cao, quyết không kém Thiện Tài Đồng Tử. Ta đọc chương Sơ Trụ này, ta chính là Sơ Trụ Bồ Tát; đọc chương Nhị Trụ thì ta chính là Nhị Trụ Bồ Tát; đọc đến sau cùng chính là Bồ Tát Đẳng Giác, vậy liền thành Phật rồi. Đây là gì vậy? Tùy văn có thể nhập quán. Quán là gì? Là quan niệm. Tùy theo kinh văn cải đổi quan niệm của chính mình, đem những loại tập khí nhiễm tập từ vô lượng kiếp đến nay thảy đều cải đổi hết, đây là người thượng thượng căn. Kinh này không có đọc suông, không có xem suông, mỗi biến khế nhập vào trên cảnh giới Như Lai quả địa. Chúng ta phải biết học phương pháp tu hành này, vậy thì có lợi ích lớn đối chính mình. Nếu như không thể, vậy thì phải giáng xuống đến mức độ thấp nhất, chắc chắn khẩu nghiệp phải tương ưng với bốn loại thiện, “khéo giữ khẩu nghiệp”. Bạn không thể tùy văn nhập quán, thì bạn phải ở ngay trên đây mà hạ công phu. Công phu này có chỗ tốt, thế nhưng phiền não tập khí của bạn chưa đoạn hết.
Đối với tất cả chúng sanh quyết định không thể có tâm dối gạt, đương nhiên chúng ta sẽ không vọng ngữ. Quyết định không có tâm tổn hại, quyết định không có tâm chiếm tiện nghi của người. Trước tu tâm, sau đó mới có thể chân thật làm đến được không vọng ngữ. Không luận đối với người nào, mỗi câu đều là lời thành thật. Chúng ta nghĩ đến tất cả chúng sanh, ý niệm thứ nhất thường là bảo hộ chính mình. Nếu như tôi nói lời nói này bất lợi đối với chính mình thì làm sao? (Họ liền không dám nói lời thành thật). Chỗ này, chúng ta quyết định phải nghĩ đến, “bất lợi với ta, có tổn hại với ta, nhưng tổn hại này đến mức độ nào?”. Trong đây có phương tiện khéo léo. Nếu như mức độ tổn hại không lớn, chúng ta vẫn phải nói lời thành thật. Nếu tổn hại trọng đại từ chính mình dẫn đến cho xã hội, dẫn đến quần chúng, vậy thì có thể không nói thật. Điều này ở trong vọng ngữ gọi là “khai duyên”. Giới điều này là khai giới, không phải phá giới, không những không có tội lỗi, mà vẫn có công đức. Việc này trong kinh Phật, Thế Tôn có nêu ra thí dụ để nói. Một người thọ trì ngũ giới thập thiện, gặp một người đi săn ở ngã ba đường. Người đi săn này đuổi theo một con thỏ, muốn gϊếŧ con thỏ này. Người trì giới này thấy con thỏ chạy về hướng con đường kia.
Người đi săn hỏi người trì giới: “Anh có nhìn thấy con thỏ không?”
Người trì giới: “Tôi nhìn thấy”.
Người đi săn:“Nó chạy về hướng nào?”
Người trì giới: “Từ con đường bên đây”.
Ông ta chỉ sai phương hướng, đây là vọng ngữ. Việc vọng ngữ này cứu được mạng con thỏ, đây là tâm thiện. Ông lại cứu được người đi săn (người đi săn này sát sanh, tương lai phải chịu quả báo). Ông cứu được cả hai bên. Cho nên, đây gọi là khai duyên, việc này không gọi là phá giới. Chúng ta tu học ngũ giới thập thiện, đây là căn bản, nhất định phải hiểu được khai, giá, trì, phạm. Ở trong tình huống nào phải dùng phương pháp gì là linh hoạt, linh động hoạt bát, không phải khô cứng.
Lại nói về giới trộm cắp, thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ (về sau là tổ sư đời thứ sáu của Tịnh Độ tông chúng ta), trước khi chưa xuất gia, Ngài làm một quan chức nhỏ, là một viên chức ở phòng thuế vụ. Thường ngày ông thu tiền, đó là tiền thuế của quốc gia, là công khoản của quốc khố. Ông thường hay lấy trộm tiền này để phóng sanh. Về sau bị người phát hiện, đem việc này báo lên quan. Quan trên hỏi ông: “Ngươi có lấy trộm hay không?”. Ông rất thành khẩn thú nhận là có lấy trộm. Trộm bao nhiêu tiền, ông thảy đều nói ra hết. Ông bị hình phạt là tử hình. Ông tuyệt nhiên không né tránh, bằng lòng tiếp nhận hình phạt này. Đây là một người thành thật, chắc chắn không có một câu vọng ngữ. Hoàng đế lúc đó gặp được án kiện như vậy, cảm thấy rất kỳ lạ, nhưng vẫn phải chiếu theo pháp luật phân xử, dẫn ông đến hình trường để chặt đầu. Hoàng đế dặn dò quan giám trảm: “Khi chuẩn bị gϊếŧ ông ấy, nếu thấy thái độ của ông ấy rất thung dung, không hề lo sợ, không hề kinh khϊếp, thì khanh hãy mang ông ấy đến gặp ta. Nếu như thấy ông ấy rất lo sợ, rất khủng khϊếp, thì cứ gϊếŧ đi cho xong”. Kết quả, khi Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư được dẫn đến pháp trường, thái độ ông rất ung dung, rất hoan hỉ. Quan giám trảm hỏi Ngài: “Tại vì sao ông có thái độ như vậy?”. Ngài nói: “Một mạng của tôi mà có thể cứu được ngàn vạn sinh mạng thì thật là xứng đáng”. Quan giám trảm đem câu nói này trình lên hoàng đế. Hoàng đế triệu kiến, sau đó hỏi chí nguyện của Ngài. Ngài nói, Ngài muốn đi xuất gia. Hoàng đế thành tựu chí nguyện xuất gia của Ngài, làm hộ pháp cho Ngài.
Ngài phạm giới trộm cắp không phải là vì chính mình, mà vì cứu giúp tất cả chúng sanh. Ngài chuẩn bị sinh mạng của chính mình để hoán đổi sinh mạng của những chúng sanh này. Tâm của Ngài phát ra là Tâm Bồ Đề. Nếu như trộm cắp là vì lợi ích chính mình thì đây là đại tội. Vĩnh Minh Diên Thọ làm việc này là thuộc về khai duyên, là vì cứu tất cả chúng sanh. Cho nên, bạn tỉ mỉ mà quán sát, giới điều của nhà Phật là hợp tình, hợp lý, hợp pháp, mọi mặt đều chiếu cố, rất là hoàn thiện.
Khẩu nghiệp là rất dễ dàng tạo. Người xưa nói: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”. Nếu bạn muốn thân thể khỏe mạnh thì phải hết sức cẩn thận khi ăn thức ăn. Nếu bạn muốn cả đời bình an, thì lời nói của bạn phải cẩn thận, quyết định không nên tổn người, quyết định không nên tạo ác nghiệp. Phải giữ lấy không vọng ngữ, không vọng ngữ thì có lợi ích lớn đối với chính mình. Không hai lưỡi, quyết không nên khıêυ khí©h phải quấy, cho dù xem thấy có những sự việc không đúng pháp, chúng ta không chân thật hiểu rõ chân tướng sự thật thì không được tùy tiện mà nói ra. Nhất định phải đem chân tướng sự thật làm cho rõ ràng, đáng nên nói thế nào thì mới nên nói như thế đó. Chúng ta là phàm phu mắt thịt, cho nên xem thấy Phật Bồ Tát có rất nhiều hành trì dường như là không đúng pháp. Kỳ thật, không phải vậy. Họ không có lỗi lầm, chính chúng ta có lỗi lầm, còn khıêυ khí©h phải quấy, tạo nghiệp thì rất là nặng. Trong gia đình mà khıêυ khí©h phải quấy, làm cho người cả nhà bất hòa thì phải gánh lấy trách nhiệm nhân quả. Trong một đoàn thể mà khıêυ khí©h phải quấy, làm cho đoàn thể này bất hòa, nếu là đoàn thể Phật giáo là phạm tội “phá hòa hợp tăng”. Tội lỗi của phá hòa hợp tăng là đọa A Tỳ địa ngục. Phật nói ở trong “Giới kinh”, năm điều nghiệp nhân đọa A Tỳ địa ngục là gϊếŧ phụ thân, gϊếŧ mẫu thân, gϊếŧ A La Hán, làm thân Phật ra máu, phá hòa hợp tăng (phá hòa hợp tăng là ưa thích khıêυ khí©h phải quấy). Do đó, trong tăng đoàn, tuy là có những sự việc không đúng pháp, chúng ta thấy rồi cũng không dám nói. Tại vì sao không dám nói? Sợ làm cho tăng đoàn phân chia, chúng ta là người nói ra, sẽ có trách nhiệm. Khi chúng ta xem thấy sự việc này thì chỉ có thể khuyên bảo riêng tư, qui quá khuyến thiện. Khuyên bảo không nghe, chúng ta rời khỏi thì tốt rồi, quyết không nên có một câu phê bình. Vì sao vậy? Nếu như bạn ở bên ngoài phê bình tăng đoàn này, thì bạn sẽ làm cho tín chúng mất lòng tin đối với tăng đoàn, vẫn là phá hoại tăng đoàn. Trách nhiệm nhân quả này quá to quá lớn, nhưng hiện tại rất nhiều người không biết. Bất cứ một đoàn thể nào, chúng ta đều hy vọng họ có thể hòa thuận với nhau, không nên phân hóa, không được phá hoại. Ở chỗ lớn hơn mà nói, đó là đoàn thể của chủng tộc, đoàn thể của tôn giáo, đoàn thể của quốc gia, nhất định phải nghĩ đến chỗ này, chúng ta chắc chắn không dám khıêυ khí©h phải quấy.
Ác ý, gây rối, sanh sự, như vậy quả báo càng nghiêm trọng. Thêu dệt là lời nói ngon ngọt lừa gạt chúng sanh, mê hoặc chúng sanh. Ác khẩu là lời nói thô lỗ, rất dễ dàng làm tổn thương người; bất tri bất giác tổn hại người khác mà chính mình vẫn là không biết. Đây đều là làm chướng ngại với chính mình, nhất định phải biết để ngăn ngừa. Khi muốn nói chuyện, Phu Tử nói: “Tái tư khả hỉ”, nghĩ lại xem có nên nói lời nói này hay không. Chánh ngữ phải từ ngay chỗ này mà tu.
Điều thứ tư là “Chánh Nghiệp”.
Trước tiên chúng ta phải hiểu tường tận, “Nghiệp” là ý nghĩa gì, cách nói như thế nào? Chữ này thông thường cùng chữ “Sự” liên kết lại là “Sự Nghiệp”. Nói sự nghiệp, mọi người đều sẽ có một khái niệm. Tuy có khái niệm, nhưng rất ít người có thể đem nó phân biệt được rõ ràng. Sự cùng Nghiệp là quan hệ của nhân quả. Khi đang tạo tác thì gọi là “sự”, cho nên thông thường chúng ta hỏi người, hiện tại anh đang làm công việc gì. Kết quả của tạo tác thì gọi là “nghiệp”.
Phạm vi của “Nghiệp” rất lớn. Khởi tâm động niệm gọi là “Ý nghiệp” (trong tâm bạn đang tạo nghiệp). Ngôn ngữ là “Khẩu nghiệp”. Thân thể động tác gọi là “Thân nghiệp”. Chỗ này nói “Chánh nghiệp”, tức là Thân - Khẩu - Ý đều bao gồm ở ngay trong đó. Phía trước, chúng ta đã nói “Chánh ngữ”, đó là “Ngữ nghiệp”; “Chánh kiến” và “Chánh tư duy” là thuộc về “Ý nghiệp”, đây đặc biệt nêu ra để nói. Chỗ này lại tổng nói, trong tổng thuyết nghiêng nặng ở tạo tác của thân. Phía trước, ý nghiệp nói hai điều, ngữ nghiệp nói một điều. Chỗ này nói chánh nghiệp là bao gồm thân - ngữ - ý ba nghiệp. Bởi vì phía trước đã nói tỉ mỉ, trọng điểm ở ngay chỗ này chính là chỉ tạo tác của thân thể. Các vị nhất định phải biết, thân - ngữ - ý có quan hệ liên đới, quyết không phải đơn độc, cho dù nói chuyện, nói chuyện vẫn có thái độ, có biểu thái, cho nên ba nghiệp này “một chính là ba, ba chính là một”, chắc chắn không thể rời khỏi. Do đây có thể biết, bao gồm tất cả tạo tác đều phải lợi ích chúng sanh, lợi ích xã hội, đây chính là chánh. Nếu như tất cả tạo tác của chúng ta chỉ quan tâm đến lợi ích của chính mình, lợi ích gia đình mình, lợi ích đoàn thể nhỏ này của ta, thì cái nghiệp này là tà nghiệp, không phải chánh nghiệp.
Đặc biệt, chúng ta nhất định phải biết, xã hội ngày nay là xã hội mở rộng, khoa học kỹ thuật phát đạt đến một xã hội trình độ tương đương, giao thông thuận tiện, tin tức phát triển. Trên địa cầu này bất cứ nơi nào xảy ra sự việc gì, lập tức từ trên đường truyền vô tuyến chúng ta đều biết được, thậm chí còn có thể thấy được hình ảnh. Giao thông thuận tiện, nhiễu quanh địa cầu một vòng chỉ mất hơn 20 giờ đồng hồ. Vào mấy năm trước, Hoa Kỳ và nước Nga hợp tác phát triển phi cơ tốc độ nhanh (gần đây có thể đã sản xuất ra), tốc độ của phi cơ này phải nhanh hơn gấp đôi so với phi cơ hiện tại của chúng ta. Tôi nghe nói, từ Cựu Kim Sơn Hoa Kỳ bay đến Thượng Hải Trung Quốc, bay ngang qua Thái Bình Dương chỉ cần hơn bốn giờ đồng hồ, hiện tại phải bay mười giờ. Địa cầu này càng ngày càng nhỏ. Do đó cách nói, cách nghĩ, cách làm của chúng ta phải lấy cả thảy địa cầu này mà khảo lượng, thì thế giới mới có an định, mới có thể có hòa bình. Quốc gia này của ta tốt, chỉ riêng nghĩ cho quốc gia của ta, không nghĩ đến quốc gia của người khác thì có lợi ích hay không? Ngày nay có rất nhiều quan niệm sai lầm, chỉ lo cho quốc gia của ta thì có lợi ích, còn các quốc gia chung quanh khác thì không có lợi ích. Cái có lợi cùng cái không có lợi liền sanh ra xung đột, vậy thì liền tạo ra tranh chấp của xã hội, vừa không thận trọng, không cẩn thận, liền biến thành chiến tranh thế giới. Cho nên, có rất nhiều người gọi địa cầu ngày nay là “thôn địa cầu” là không sai chút nào. Chúng ta cùng ở chung một cái thôn trang, những người chung quanh có quan hệ mật thiết với chúng ta. Chúng ta nhất định phải khẳng định, muốn chăm sóc chính mình, thì cũng phải chăm sóc hoàn cảnh chung quanh giống như vậy. Cho nên khảo lượng nhất định phải chiếu cố đến cả thảy chúng sanh trên địa cầu này. Nếu chúng ta có thể nghĩ như vậy, thì đó là chánh tư duy; còn chỉ nghĩ đến lợi ích của chính mình, thì đây là tà kiến, tà tư duy. Do đó, bao gồm tất cả tạo tác của chúng ta đều phải nghĩ đến cả thảy thế giới, tất cả chúng sanh đều có lợi ích. Còn những việc có hại thì sao? Những việc không lợi còn không nên làm, thì những việc có hại lại càng không nên làm.
Chúng ta nhất định phải tu học tâm thuần thiện, chính là tư tưởng thiện mà Phật nói. Ngay chỗ này, tâm địa thiện, lời nói, việc làm không gì là không thiện. Cái gì là “thiện”? Chính là đối với tất cả chúng sanh toàn thế giới đều có lợi ích. Không chỉ với tất cả người có lợi ích, mà còn phải nghĩ đến tất cả động vật có lợi ích, với tất cả thực vật có lợi ích, thậm chí bao gồm đất nước đều có lợi ích. Đây mới gọi là chân thiện, mới gọi thuần thiện. Bạn thảy đều quan tâm đến lợi ích tất cả nước, đất thì chắc chắn sẽ không phá hoại hoàn cảnh tự nhiên. Con người ngày nay không có cái tâm này, tùy tiện phá hoại hoàn cảnh sinh thái tự nhiên. Sinh thái tự nhiên không cân bằng, thì liền có rất nhiều tai hại thiên nhiên. Tai hại thiên nhiên từ đâu mà có? Tuyệt đối không phải do thiên nhiên, mà do con người làm. Thiên nhiên làm gì có tai hại? Thượng đế ái thế nhân, thần ái thế nhân, làm gì có tai hại cho chúng sanh? Không thể nào! Đây đều là do con người làm ra, con người làm trái với tự nhiên, tạo thành tai hại của tự nhiên. Nguyên nhân trực tiếp tạo thành tai hại tự nhiên là do thân nghiệp. Tư tưởng, lời nói của chúng ta sẽ không phá hoại hoàn cảnh tự nhiên, chúng ta vừa động tay thì liền phá hoại hoàn cảnh tự nhiên. Đạo lý này nhất định phải hiểu được.
Cho nên, con người ở đời chắc chắn phải chọn lựa nghề nghiệp chính đáng. Con người ở đời không thể không có việc gì làm, nhất định phải có sự nghiệp. Sự nghiệp này nhất định là làm lợi ích xã hội, lợi ích đại chúng, vì tất cả chúng sanh phục vụ. Không luận từ nơi nghề nghiệp nào, đều là vì đại chúng xã hội phục vụ. Nhất định phải lấy đối tượng chúng ta phục vụ làm chủ, không thể lấy chính chúng ta làm chủ, lấy chính ta làm chủ thì sai rồi. Cho dù chúng ta ngày nay chọn lựa giáo học của Phật giáo, chọn lựa nghề nghiệp Phật giáo (xuất gia cũng là một nghề nghiệp), chúng ta chính mình tu học, chúng ta giáo hóa chúng sanh vẫn là lấy chúng sanh làm đối tượng, lấy yêu cầu của họ làm tiêu chuẩn. Chắc chắn không thể nói, ta ưa thích một pháp môn nào, ta ưa thích kinh điển nào, ta muốn tuyên dương cái này, vậy thì sai rồi, đây chính là không khế cơ. Nhất định phải hiểu rõ đại chúng xã hội ngày nay cần gì, phải vì họ mà suy nghĩ. Chọn lựa như vậy thì chính xác. Nhất định phải dạy đại chúng, ngay trước mắt họ có được lợi ích (chính là hiện tại phải được lợi ích), đời sau phải được lợi ích, đời sau nữa vẫn phải được lợi ích, vĩnh viễn được lợi ích, vậy thì chính xác. Đây là thuần chánh. Hiện tại được lợi ích, mà đời sau không được lợi ích, vậy là sai rồi.
Trên kinh Lăng Nghiêm, Phật thường nói: “Thời kỳ Mạt Pháp, tà sư nói pháp nhiều như cát sông Hằng”. Tà sư nói pháp, tại vì sao có nhiều người tin đến như vậy? Tà sư nói ra là lợi ích hiện tiền, hiện tại bạn có thể được lợi ích, còn đời sau thì họ không quan tâm, đời sau vẫn để cho bạn luân hồi, vẫn để bạn đọa ba đường, vậy thì đặc biệt sai lầm, đó là tà sư. Cho nên, Phật pháp là đặc biệt xem trọng lợi ích của đời sau, hiện tiền không có được lợi ích, mà đời sau được lợi ích, đó là chính xác. Hiện tiền được lợi ích, mà đời sau không được lợi ích là chắc chắn sai lầm. Phải quấy, thiện ác, chân vọng chúng ta phải có năng lực phân biệt. Chúng ta phải ghi nhớ, tất cả tạo tác của chúng ta chắc chắn là lợi ích đại chúng, lợi ích chúng sanh, thì đây mới gọi là chánh nghiệp. Lợi ích đại chúng mà có thể không chấp tướng, trên kinh Bát Nhã nói: “Tam luân thể không”, loại tạo tác này lại nâng lên một cấp gọi là “Tịnh nghiệp”, cao hơn một cấp so với “Chánh nghiệp”. Chấp tướng là “Chánh nghiệp”, lìa tướng là “Tịnh nghiệp”, chúng ta phải ở ngay chỗ này mà học tập.
Chánh nghiệp là bao gồm “Thập Thiện Nghiệp Đạo”. Thân không sát sanh, không trộm cắp, không tà da^ʍ. Khẩu không vọng ngữ, không hai lưỡi, không ác khẩu, không thêu dệt. Ý không tham, không sân, không si. Chúng ta hoàn toàn thực tiễn ở mười nghiệp thiện, đây là chánh nghiệp thuần chánh. Nếu như trái ngược với mười thiện, bạn tạo ra mười ác thì không phải là chánh nghiệp, mà là tà nghiệp, ác nghiệp. Cho nên, chúng ta phải đem mười ác đổi trở lại, để tu mười thiện.
Xã hội ngày nay không có giáo huấn của thánh hiền, cho nên thông thường người ta không biết cái gì gọi là phải quấy, thiện ác. Trong các vị đồng tu, có không ít người đến từ Đài Loan. Hoàn cảnh của Đài Loan được xem là không tệ, vẫn có một số người đang đề xướng luân lý đạo đức, còn có một số người đang dạy học, thế nhưng hiệu quả không cao. Hôm qua, tôi cùng với tiên sinh Từ Tỉnh Dân của Đài Trung nói chuyện qua điện thoại, tôi hỏi ông ấy tình hình hiện tại của xã hội Đài Loan như thế nào. Ông ấy nói rất không tốt, thường hay có con cái gϊếŧ phụ thân, cha mẹ gϊếŧ con cái, anh em tàn sát nhau, sự việc này rất nhiều. Luân lý đạo đức hoàn toàn không còn. Có một số ít người đang lên tiếng kêu gọi, nhưng đại chúng xã hội dường như là không nghe, vậy thì làm sao có thể tránh được tai nạn? Lão Cư Sĩ Lý Bĩnh Nam, trước một ngày vãng sanh đã nói với các đồng tu: “Thế giới này loạn rồi, Phật Bồ Tát, thần tiên dù có đến cũng không thể cứu được. Chúng ta chỉ có con đường sanh lộ duy nhất là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ”. Đây là di ngôn sau cùng của Ngài, dạy bảo chúng ta lão thật niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Ngài rời xa chúng ta đã mười năm rồi. Ngay trong mười năm, lời của Ngài nói đã ứng nghiệm. Đặc biệt là vào hiện tại, chúng ta đã xem thấy trong xã hội này, trong nước, ngoài nước, toàn thế giới, mỗi một khu vực đều loạn, loạn thành một mảng. Làm thế nào cứu chính mình? Tu mười nghiệp thiện. Nếu như người niệm Phật vẫn tạo mười nghiệp ác thì không thể vãng sanh. Niệm Phật chắc chắn phải tu “Thập Thiện Nghiệp Đạo” thì mới có thể tự cứu mình, mới có thể giúp đỡ người khác.
Hiện tại chúng ta nói dân chủ tự do, mở rộng, chúng ta không có quyền can thiệp người khác, chúng ta cũng không có quyền nghị luận người khác, không bằng gom tâm trở lại, cố gắng chính mình tu, vậy thì chính xác. Người khác có thể tiếp nhận thì chúng ta khuyên bảo họ, còn nếu họ không thể tiếp nhận thì chính mình cố gắng niệm Phật, thành tựu chính mình. Chân thật phát tâm đại từ bi, sau khi vãng sanh thừa nguyện tái lai; xem chúng sanh đến lúc nào có ý quay đầu thì trở lại độ, không cần phải nóng vội muốn độ người khác. Phải nên khẩn cấp độ chính mình trước, đây là quan trọng. Chính mình chưa độ được mình thì làm sao có thể độ người khác? Phật nói, “không hề có việc này”, không có đạo lý này. Nhất định phải độ chính mình trước, giúp đỡ chính mình trước, thành tựu chính mình trước, sau đó lại giúp đỡ người khác, như vậy thì đúng, vậy thì chính xác.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi.
A Di Đà Phật!
- 🏠 Home
- Bí Ẩn
- Phật Giáo
- Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh
- Chương 72: Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo