Kinh văn: “Niệm xứ trang nghiêm cố, thiện năng tu tập, tứ niệm xứ quán”.
Đây là đoạn thứ nhất trong 37 phẩm trợ đạo. Phẩm trợ đạo tổng cộng có bảy khoa, chúng ta ngày nay gọi là bảy giai đoạn, đó là Tứ Niệm Xứ - Tứ Chánh Cần - Tứ Thần Túc - Ngũ Căn - Ngũ Lực - Thất Giác Chi - Bát Chánh Đạo. Bảy giai đoạn này là Phật pháp hoàn chỉnh, cũng có thể nói bất luận là Đại thừa, Tiểu thừa, Hiển giáo, Mật giáo, tóm lại không ngoài bảy loại này. Thuật ngữ của kinh Phật gọi là bảy khoa (khoa là khoa mục), bảy khoa mục đã bao gồm hết rồi. Nội dung trong mỗi một khoa mục đều là sâu rộng không có bờ mé, cho nên chúng ta không thể xem nó là Tiểu thừa. Đại sư Thiên Thai dùng bốn giáo Tạng – Thông – Biệt –Viên để nói rõ với chúng ta. Trong mỗi một khoa đều có Tạng, Thông, Biệt, Viên. Từ đó cho thấy, nó đã bao gồm hết rồi.
Khoa thứ nhất chính là niệm xứ. Trước đây tôi giảng những kinh văn này, cách nói hơi có một chút không giống với người xưa, dễ hiểu hơn.
“Tứ niệm xứ”, chúng tôi thường gọi là thấy rõ, thấy ra được.
“Tứ thần túc” chính là buông xả được.
“Tứ chánh cần” là đoạn ác, tu thiện.
Quí vị từ trên quan điểm này mà thể hội, sẽ không khó hiểu được ý nghĩa của nó. Thấy rõ, buông xả xuyên suốt toàn bộ Phật pháp.
Tại sao phàm phu chúng ta lại có những phiền não tập khí sâu nặng này vậy? Nguyên nhân căn bản là do không biết chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Niệm xứ giúp chúng ta hiểu rõ, dạy chúng ta nhìn vũ trụ nhân sinh như thế nào. Phật ở chỗ này đem nó quy nạp thành bốn hạng mục.
Thứ nhất, “Quán thân bất tịnh”.
Thứ hai, “Quán thọ là khổ”.
Thứ ba, “Quán tâm vô thường”.
Thứ tư, “Quán pháp vô ngã”.
Sự quán này chúng ta hiện nay gọi là nhân sinh quan, vũ trụ quan. Cách nhìn của bạn đối với nhân sinh vũ trụ, bạn có thật sự nhìn thấy chân tướng của nó hay không?
Điều thứ nhất, “Quán thân bất tịnh”.
Phàm phu điều quan trọng nhất chính là chấp trước thân này, quí trọng thân này, khởi chấp trước tham ái đối với thân này, cái gốc của chấp trước này quá sâu. Nên biết, chấp trước này chính là gốc của sáu cõi luân hồi, luân hồi là từ đây mà ra. Nếu bạn thấy sự việc này rõ ràng rồi, đem thân kiến buông xả, bạn liền thoát khỏi sáu cõi luân hồi. Sáu cõi luân hồi hoàn toàn không phải sự thật, nó là hiện tượng hư ảo, trong kinh Kim Cang nói là “mộng huyễn bèo bọt” không sai tí nào. Người nào có chấp trước thì người đó sẽ hiện cái tướng này, người nào buông xả chấp trước thì hiện tượng này đối với họ không có nữa. Từ đó cho thấy, cảnh giới này là hư ảo, không phải chân thật.
Ngày nay mỗi người chúng ta đều hiện ra hiện tượng này, Thế Tôn ở trên hội Lăng Nghiêm gọi hiện tượng này là “Đồng phân kiến vọng”.
Kiến là kiến giải.
Vọng là hư vọng.
Đồng phân là mọi người chúng ta đều có điểm chung, tuy có điểm chung nhưng vẫn là mỗi người mỗi khác. Ví dụ hôm nay giảng đường này rất sáng sủa, có mấy chục ngọn đèn đang chiếu sáng, đây gọi là đồng phân kiến vọng. Thực ra ánh sáng của mỗi ngọn đèn không liên quan nhau, giống như từng ánh sáng hòa lẫn vào nhau, nhưng trên thực tế vẫn là cái nào ra cái nấy. Bạn tắt một ngọn đèn đi, ánh sáng của ngọn đèn này không còn nữa, nó hoàn toàn không cản trở cái khác. Quí vị từ chỗ này mà thể hội thật kỹ, mỗi người có cảnh giới riêng, mỗi người có trời đất riêng, mỗi người có vũ trụ của riêng mình. Có thể nói, mỗi người không giống nhau; cũng có thể nói, mỗi người có sự liên quan mật thiết. Chân tướng sự thật ở trong đây, chúng ta cần thể hội thật kỹ. Cho nên, không thể nói đồng, cũng không thể nói bất đồng. Giống như ánh sáng đèn này vậy, bạn không thể nói nó không hòa vào nhau, ánh sáng của mấy chục ngọn đèn quả thật là hòa lẫn với nhau; bạn cũng không thể nói nó thật sự hòa vào nhau, vì nếu thật sự hòa vào nhau thì khi tắt một ngọn, ánh sáng ngọn đèn này đã không còn nữa. Trong Phật pháp thường nói “Phi nhất phi dị”, không thể nói một, cũng không thể nói không một. Đây là chân tướng sự thật, không phải lời nói hàm hồ tắc trách, quả thật đúng là chân tướng.
Chúng ta ngày nay đọa lạc vào sáu cõi luân hồi, bạn hiểu rõ chân tướng sự thật là không liên can gì với ai cả, hoàn toàn là do tự mình vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà tạo ra hiện tượng này. Đạo lý này phải biết, nếu bạn không hiểu rõ thì bạn sẽ rất khó vượt thoát. Tại sao vậy? Trong kinh Phật hết lòng hết dạ khuyên bạn những lời này, nếu bạn nghi hoặc, bạn không thể tin một cách quả quyết, vẫn cứ chấp trước kiên cố thành kiến của bạn (thành kiến chúng ta gọi là ngã kiến) thì bạn bị cái này hại rồi, hại quá thảm thương. Cho nên Phật ở chỗ này dùng loại phương tiện trí tuệ viên mãn cao độ dạy chúng ta “quán thân bất tịnh”.
Cái gì là thân vậy? “Thân”, theo nghĩa hẹp là thân thể của chính chúng ta, theo nghĩa rộng là tất cả mọi vật thể, chỉ cần có hình thể thì chúng ta liền gọi nó là thân. Bất kể là xác thân, bất kể là tất cả vật thể đều là bất tịnh. Phật ở trong kinh phân tích cho chúng ta, cấu tạo của xác thân vật chất chúng ta là không trong sạch. Quan sát rõ ràng nhất, đơn giản nhất, bạn thấy, cái mà chúng ta gọi là thất khiếu bài tiết ra là gì vậy? Nó từ bên trong bài tiết ra. Ngoài thất khiếu ra, vi tế hơn là lỗ chân lông, chất mà lỗ chân lông bài tiết ra, người hiện nay chúng ta gọi là chất u-rê, chứng tỏ bên trong chúng ta không có gì là trong sạch, cho nên người xưa nói bị thịt, túi da. Túi da chứa trong đó là gì vậy? Máu mủ, phẩn tiện, chứa đựng những thứ này. Đối với những thứ này, chấp trước tham ái quá mức là sai rồi! Cổ đức mô tả xác thân là “đãy da thối”, mùi tỏa ra từ trên cái thân này thật là khó ngửi. Người có phiền não càng nặng thì mùi sẽ càng khó ngửi, người có phiền não nhẹ thì tương đối tốt hơn một chút, còn người thân tâm thanh tịnh thì mùi sẽ thơm.
Năm xưa (dường như là năm 1977), lần đầu tiên tôi đến Hồng Kông giảng kinh. Đồng tu bên Hồng Kông nói với tôi, Lão Hòa thượng Hư Vân đã đến Hồng Kông hơn một tháng. Sau khi Trung Quốc đại lục giải phóng, đệ tử Phật bên Hồng Kông mong muốn Lão Hòa thượng Hư Vân ở lại Hồng Kông lâu dài, nên đã xây cho Ngài một ngôi tịnh xá, tôi cũng đã đến tham quan. Khi ở được một tháng, Lão Hòa thượng nói Hồng Kông không thể ở được, đây là thế giới phồn hoa, không thích hợp cho tu hành, Ngài liền trở về tổ quốc. Lúc đó Ngài đã hơn 100 tuổi rồi. Rất nhiều người đều biết, lão hòa thượng một năm cắt tóc và tắm rửa một lần, không tắm rửa thường; quần áo mặc trên người rách nát, trên cổ áo dính cặn dầu rất dầy. Tuy Ngài không tắm, trên cổ áo nhìn thấy rất bẩn, nhưng mà mùi tỏa thơm dịu, rất dễ ngửi. Chúng ta mà ba ngày không tắm rửa là trên cổ áo thối chịu không nổi, người ta đã tránh rất xa rồi. Từ chỗ này cho thấy, người ta tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì thân liền thanh tịnh, cái mùi đó là không giống nhau. Lão Hòa thượng Hư Vân là người tu hành, người có công phu tu hành cao hơn Ngài, ngửi mùi của Ngài là cảm thấy khó ngửi rồi. Đây là đạo lý nhất định. Từ đó cho thấy, công hạnh sâu cạn quả thật có thể thay đổi kết cấu tổ chức của thân tâm chúng ta, đúng như Phật ở phần trước bản kinh đã nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Do đó chúng ta liền thể hội được, tại sao Phật dạy Bồ Tát ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quan sát thiện pháp, không cho phép mảy may bất thiện xen tạp, đạo lý chúng ta hiểu rõ rồi.
Bản thân chúng ta muốn tu thành chân thật được thân kim cang bất hoại, ở thế gian này khó, quá khó! Vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc thì dễ dàng rồi. Sanh về thế giới Cực Lạc thì sắc thân của mỗi người đều là “sắc thân bằng vàng ròng”. Đây là đại từ đại bi, đại ân đại đức của Phật đối với chúng ta. Phật không nói rõ thì chúng ta làm sao biết được? Hơn nữa, pháp môn này khó tin nhưng dễ tu, thành tựu thù thắng không gì bằng. Mười phương tất cả chư Phật Như Lai phổ độ chúng sanh, đây là pháp môn hàng đầu, cho nên tất cả chư Phật không vị nào không tán thán, không vị nào không hoằng dương. Chúng ta phải hiểu được đạo lý. Chúng ta ngày nay tiếp nhận pháp môn này, trong một đời này có thể thành tựu hay không là xem bạn có thể thấy rõ, có thể buông xả được hay không. Nếu bạn không thể thấy rõ, không thể buông xả thì bạn đời này chỉ có thể nói là kết thiện duyên với A Di Đà Phật và thế giới Tây Phương Cực Lạc, chứ đời này là không thể đi được. Nếu muốn ngay một đời này quyết định vãng sanh thì cần phải thấy rõ, cần phải buông xả.
Tại sao không buông xả vậy? Vì chưa thấy rõ ràng. Thật sự thấy rõ ràng rồi thì không ai mà không buông xả. Tại sao vậy? Buông xả liền tự tại ngay, buông xả là vui sướng thật sự, buông xả liền nhập cảnh giới Phật. Chúng ta vẫn cứ chấp trước kiên cố, đó là cảnh giới phàm phu. Buông xả chấp ngã chính là buông xả lục đạo luân hồi. Đây là điều thứ nhất Phật dạy chúng ta quán thân, thân này không phải thân thanh tịnh, không nên chấp trước, yêu thương bảo vệ nó quá mức, nhưng cũng không được phép tùy tiện làm tổn hại. Nếu bạn làm tổn hại cũng là lỗi lầm, cũng là sai lầm. Phải như thế nào vậy? Tùy duyên, vậy là đúng. Cần phải mượn giả để tu thật. Cái thân này là tướng giả, chúng ta phải mượn cái tướng giả này để tu cái chân thật. Đối với chúng ta, muốn vãng sanh Tịnh Độ thì phải lợi dụng thân thể này, cố gắng nỗ lực niệm Phật; ngoài niệm Phật ra, thảy đều buông xả, thân tâm thế giới tất cả buông xả, vậy là đúng rồi.
Pháp thế xuất thế gian đều không nên để ở trong tâm. Tại sao vậy? Pháp xuất thế gian cũng không phải chân thật. Phật ở trong kinh nói rất rõ ràng, Phật pháp nhân duyên sanh. Phàm là pháp do nhân duyên sanh đều là hư vọng, không phải chân thật, cho nên trong kinh Kim Cang nói: “Pháp còn phải xả, huống hồ phi pháp”, ngay cả Phật pháp còn không để ở trong tâm, huống hồ những thứ khác! Thân tâm thế giới thảy đều buông xả. Chúng ta ngày nay chưa có nhập cảnh giới Phật, buông xả tất cả, chỉ mỗi chấp trước danh hiệu A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu. “Chấp” chính là chấp trước. “Trì” là gìn giữ, tuyệt đối không để mất. Chúng ta phải dựa vào một câu Phật hiệu này vãng sanh Tịnh Độ. Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc rồi thì sự chấp trước danh hiệu này cũng buông xả luôn. Chưa có đến được thì không thể buông xả, sau khi đến được rồi là có thể buông xả. Giống như đi xe vậy, lên xe mua một tấm vé, chấp trì danh hiệu A Di Đà Phật chính là tấm vé này, đến được rồi thì vé trả lại cho phòng vé thu hồi. Ngoài việc đó ra thì cái gì cũng phải buông xả, vậy là chính xác, là đúng rồi, cho nên nhất định phải nhận thức rõ ràng.
Điều thứ hai, “Quán thọ là khổ”.
Thọ là sự hưởng thụ của chúng ta, nói xác đáng thêm một chút là cảm thọ của chúng ta. Sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, cần phải biết rằng, cái mà chúng ta tiếp xúc thảy đều là khổ, chắc chắn không có lạc.
“Khổ”, Phật ở trong kinh thông thường dùng tam khổ, bát khổ vì chúng ta nói rõ chân tướng sự thật. Trong tam khổ, thứ nhất là khổ khổ, thứ hai là hoại khổ, thứ ba là hành khổ. Bát khổ trên thực tế chính là khổ khổ, là điều đầu tiên ở trong tam khổ. Có tám loại “khổ khổ”. Chữ “khổ” phía sau là danh từ, chữ “khổ” phía trước là động từ, là hình dung từ. Trong khổ khổ, cái mà tất cả chúng sanh không thể tránh khỏi là sinh, già, bệnh, chết, đây gọi là tứ khổ, không ai có thể tránh khỏi. Bạn làm đến hoàng đế, bạn cũng không có cách gì tránh khỏi sinh, già, bệnh, chết. Bạn là kẻ bần tiện, là kẻ ăn mày, bạn cũng không thể tránh khỏi sinh, già, bệnh, chết. Cái khổ của sanh, chúng ta quên mất rồi, nhưng trong kinh Phật đã nói rất rõ ràng, chúng ta nhất định phải biết. Tại sao vậy? Bạn không ra khỏi sáu cõi luân hồi, bạn vẫn đi đầu thai, đầu thai chẳng phải sinh trở lại sao? Già khổ, bệnh khổ, hai thứ này chúng ta tự mình đều có thể thể nghiệm được, cho dù chúng ta còn trẻ. Bạn thử xem người già trong xã hội hiện đại, người được con cháu hiếu thuận quá ít rồi, con cháu có thể chăm lo người già, hiện nay ngày càng hy hữu. Người già đáng thương, người già phải chịu quả báo này. Tại sao vậy? Vì thế hệ chúng ta không có chăm lo cho thế hệ trước. Chúng ta tạo nhân bất thiện, thì thế hệ sau đó có thể chăm lo cho thế hệ của chúng ta không? Nhân duyên quả báo mà! Chúng ta không có hiếu thuận cha mẹ, mà muốn con cái hiếu thuận chúng ta, không có đạo lý này. Người hiện nay tạo tác là nhân bất thiện, quả báo ở tương lai trong dự đoán của chúng ta, chắc chắn không phải quả báo thiện.
Xã hội hiện nay, chính phủ phụ trách dưỡng lão , nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đều có chế độ dưỡng lão khi về hưu. Chế độ này có một số quốc gia làm rất tốt, chúng tôi đã thấy rất nhiều, muốn làm đến tận thiện tận mỹ, đó là một giai đoạn rất dài. Chúng ta hiện nay cũng đang nỗ lực đề xướng thôn Di Đà. Tôi nghĩ quí vị đã nhìn thấy, thôn Di Đà của Cư Sĩ Lâm Singapore đã bắt đầu khởi công hôm qua, hình như có mười mấy công nhân đứng bên cạnh vây một cái tường gỗ, có lẽ là phòng tránh bụi. Hơn một năm nay, chúng ta đã tìm rất nhiều chỗ đều không thành công, cuối cùng bất đắc dĩ phải xây lên chỗ đất trống nhỏ còn thừa lại này của Cư Sĩ Lâm. Cư sĩ Lý nói với tôi, đây là xây tòa nhà bảy tầng để làm liêu phòng, tương lai có thể chứa được bốn trăm đến năm trăm người. Vậy cũng tốt. Túc xá, trai đường, niệm Phật đường, giảng đường đều chung một chỗ, đối với người già mà nói là rất tiện lợi; về mặt quản lý cũng giảm bớt rất nhiều việc, giảm bớt rất nhiều nhân công, cho nên tôi nhìn thấy rất hoan hỷ. Đồng tu ở rất nhiều quốc gia khu vực trên thế giới đều phát tâm ủng hộ cho sự việc này, cuối cùng đã có khai báo, chúng ta lạc quan với thành tích ấy.
*******************
Kinh văn: “Niệm xứ trang nghiêm cố, thiện năng tu tập, tứ niệm xứ quán”.
Tứ niệm xứ, lần trước tôi đã giảng hai điều là “Quán thân bất tịnh” và “Quán thọ là khổ”. Phật ở trong kinh điển đem tình trạng đời sống ở trong lục đạo, tam giới, vì chúng ta quy nạp thành tam khổ, bát khổ.
Ở trong bát khổ, “Sinh – Già – Bệnh – Chết” là điều mà mỗi chúng sanh đều không có cách gì tránh khỏi, đây là khổ bên trong cơ thể. “Khổ” ngoài thân cũng quy nạp thành ba loại:
Thứ nhất là “Oán tắng hội”. Người bạn không ưa thích, việc không ưa thích, hoàn cảnh sống không ưa thích lại cứ gặp mãi, không có cách gì tránh khỏi. Những cái cùng loại này đều thuộc về oán tắng hội. Chúng tôi nghĩ hầu như mỗi một người đều không có cách gì tránh được, gặp phải cả đời.
Thứ hai là “Ái biệt ly”. Người chúng ta ưa thích, việc ưa thích, hoàn cảnh sống ưa thích lại cứ không được dài lâu. Đây là điều mà ở xã hội trước mắt rất phổ biến, chúng ta thường có thể nhìn thấy được, thậm chí ở ngay bản thân mình cũng có thể cảm nhận được. Loại này cũng là khổ. Đời người, việc bất như ý thường chiếm tám - chín phần, chúng ta nhất định phải thấy rõ ràng, thấy minh bạch.
Thứ ba là “Cầu bất đắc”. Nguyện vọng, mong cầu ở trong tâm chúng ta đều không thể thành hiện thực, vậy là đã bao quát hết toàn bộ nỗi khổ ở ngoài thân chúng ta rồi.
Một điều cuối cùng gọi là “Ngũ ấm xí thạnh khổ”.
Nếu như đem tám loại này tách biệt để nói, thì bảy loại phía trước đều là thuộc về quả báo, một loại cuối cùng này là nhân khổ. Hay nói cách khác, nguyên nhân chúng ta có sinh, già, bệnh, chết, oán tắng hội, ái biệt ly, cầu bất đắc là do “ngũ ấm xí thạnh”. Câu nói này không dễ hiểu! Ngũ ấm, dùng cách nói hiện nay để nói, chính là thân của chúng ta, tâm của chúng ta không khỏe mạnh. Thân tâm đều đang tạo nghiệp bất thiện, cho nên mới gặt quả báo bất thiện. Nếu như thân tâm khỏe mạnh, cái tạo ra đều là thiện nghiệp, như Phật ở trong bộ kinh này dạy chúng ta, ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quan sát thiện pháp, thì tám loại khổ này chúng ta đều không còn nữa.
Người thế gian cầu tài, tài có thể cầu được không vậy? Chắc chắn có thể cầu được. Nhà Phật thường nói: “Ở trong cửa Phật, có cầu ắt ứng”, nhưng bạn phải biết đạo lý, nó có nhân quả, gieo dưa thì được dưa, gieo đậu thì được đậu, bạn tạo là nhân gì thì bạn sẽ được quả báo như thế ấy. Phật nói cho chúng ta biết, nhân của giàu có là bố thí. Người ưa thích bố thí thì được tiền của nhiều, người tham lam keo kiệt thì quả báo bần cùng.
Chúng ta thấy, xã hội ngày nay có rất nhiều người, đặc biệt là ngành thương mại, tập đoàn thương mại lớn của giới công thương, họ sở hữu tiền của ức vạn. Tiền của ức vạn này, nguyên nhân gì mà có vậy? Là trong đời quá khứ họ tu bố thí nhiều. Chúng ta nói, trong số mạng của họ có tài, cái tài này không phải do trời sinh, vì trời sinh thì phải mỗi người đều giống nhau. Tại sao mỗi người đều không giống nhau vậy? Do nhân mỗi người tạo không giống nhau, họ bố thí nhiều thì trong số mạng họ tài nhiều. Trong số mạng có tài thì bất kể làm ngành nghề nào họ cũng đều phát tài. Họ làm ngành nghề kinh doanh, đó là duyên, trong số mạng của họ có nhân, nhân cộng thêm duyên thì quả báo liền hiện tiền, sự việc là như vậy. Nếu như trong số mạng không có nhân giàu có, dù họ đi học, đi làm ngành nghề kinh doanh giống người khác, nhưng người ta kinh doanh phát tài, còn họ kinh doanh lỗ vốn, đó là do trong số mạng không có tài.
Quí vị đọc qua Liễu Phàm Tứ Huấn sẽ biết ngay, “một giọt nước, một hạt cơm đều do tiền định”. Ai định cho bạn vậy? Tự mình định, không phải người khác định, đây mới thật sự là công bằng. Sau khi hiểu rõ đạo lý này, trong số mạng của đời này thiếu tài, chúng ta cũng không nên căng thẳng. Hiện tại chúng ta tu, tu tích cực cũng vẫn còn kịp. Tiên sinh Liễu Phàm sau khi hiểu rõ đạo lý này, ông tự mình biết được tu nhân, ba loại nhân bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy, ông đều tu. Bố thí tài được giàu có; bố thí pháp được thông minh, trí tuệ; bố thí vô úy được khỏe mạnh, trường thọ. Không những bản thân ông làm, mà vợ ông cũng giúp ông làm, cả nhà làm, cho nên vận mệnh của ông mới thay đổi nhanh như vậy. Khi phát tài, bản thân ông hoàn toàn không hưởng thụ. Ông sống đời sống vô cùng vui sướng, tiết kiệm, đem tiền của mà mình tiết kiệm dư được tiếp tục giúp đỡ những người có nhu cầu. Phú quý của ông vĩnh viễn không hưởng hết, đời đời kiếp kiếp không bị quả báo bần cùng. Ông hiểu được đạo lý này, biết được phương pháp, như lý như pháp mà cầu, có cầu ắt ứng.
Có một số người trong đời quá khứ được tiếp xúc lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, được tiếp xúc Phật pháp, họ chịu tu, nên đời này có được quả báo. Sau khi quả báo có được rồi, nhưng chưa chắc gặp được thánh nhân, chưa chắc có thể gặp được lời giáo huấn của thánh hiền, Bồ Tát. Không gặp được thì đời này chỉ biết hưởng phước, chứ họ không biết tiếp tục không ngừng tu thêm. Điều này rất đáng tiếc. Sau khi phước báo đời này hưởng hết rồi, đời sau sẽ không bằng đời nay, mỗi lúc một tệ thêm, đời sau không bằng đời trước. Từ đó cho thấy, giáo huấn của thánh hiền là quan trọng hàng đầu, không có gì quan trọng hơn điều này.
Trong tất cả bố thí thì bố thí pháp là đệ nhất, trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm hạnh nguyện Phổ Hiền nói rất rõ ràng. Chúng ta biết được đạo lý, cũng biết được phương pháp, vậy mới cố gắng nỗ lực tu học, quả báo ngày càng thù thắng. Quả báo hiện tiền, trong Phật pháp gọi là hoa báo, quả báo ở đời sau. Hoa báo tự mình đã cảm thấy thù thắng như vậy, thì quả báo có thể nghĩ mà biết được. Giống như thực vật vậy, ra hoa trước, kết quả sau. Chúng ta nhìn thấy thực vật ra hoa, hoa ra tốt là có thể dự đoán tương lai kết quả nhất định vô cùng mỹ mãn. Cho nên, nhà Phật dạy chúng ta lìa khổ được vui, lời nói này là chân thật, không phải giả. Những lời này đều là nói về thế gian, quả báo của thế gian không phải cứu cánh, nhưng đại đa số người thế gian ham muốn quả báo thế gian. Phật Bồ Tát là người hiểu biết, những Thánh triết xưa nay trong ngoài cũng đều là người hiểu biết, họ có thể quan sát căn cơ của chúng sanh. Bạn ham muốn phú quý thế gian thì giúp đỡ bạn thỏa mãn nguyện vọng của bạn, khiến bạn sinh tâm hoan hỷ. Bạn có thể sinh tâm hoan hỷ đối với thánh hiền thì bạn mới thích gần gũi họ, bạn mới sẵn lòng tiếp nhận lời giáo huấn của họ. Tất nhiên họ ở trên nền tảng hiện có của bạn mà giúp đỡ bạn thăng hoa lên thêm. Phú quý nhân gian rất tốt, nhưng phú quý trên trời còn thù thắng hơn.
Con người sống được bao nhiêu năm? Mạng sống quá ngắn ngủi, cho dù sống đến 100 tuổi cũng là trong khoảng khảy móng tay. Chúng ta tự mình hồi tưởng một chút, năm nay mấy chục tuổi rồi, thử nghĩ từ lúc sinh ra đến bây giờ, chẳng phải giống như một giấc mộng sao? Thử nghĩ lại sự việc thời niên thiếu là giống như hôm qua vậy, ngày tháng trôi quá nhanh. Một trăm năm chỉ là cái khảy móng tay, phú quý của bạn có thể hưởng thụ được mấy ngày? Phước báo ở trên trời lớn hơn nhiều so với nhân gian. Không cần nói những tầng trời quá cao, chúng ta thông thường nói trời Đao Lợi, còn gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế, trong tôn giáo thông thường gọi là sanh thiên phần lớn đều là sanh về trời Đao Lợi. Làm sao biết vậy? Nhìn họ tu nhân, nhân họ tu là nhân gì thì biết quả báo ở đâu. Cách suy đoán này tương đối chính xác. Muốn sinh trời Tứ Thiên Vương, trời Đao Lợi phải tu thập thiện thì bạn mới có thể đến nơi đó được. Phước báo ở nơi đó thù thắng hơn nhân gian, trước tiên là thọ mạng dài, một ngày ở trời Đao Lợi bằng một trăm năm nhân gian chúng ta. Hiện nay chúng ta biết có độ lệch giờ. Địa cầu này của chúng ta lệch giờ với trời Đao Lợi rất lớn, một ngày ở trời Đao Lợi là 100 năm của chúng ta. Thọ mạng của họ là 1000 tuổi, tính theo thế gian chúng ta thì thời gian đó là quá dài. Một ngày của họ là 100 năm của chúng ta, một năm của họ cũng là 365 ngày, thọ mạng của họ là 1000 năm. Cho nên, hưởng phước ở trời Đao Lợi thù thắng hơn so với nhân gian chúng ta quá nhiều. Phước báo càng lên nữa thì tăng thêm gấp nhiều lần. Nếu như chúng ta biết đạo lý này thì đối với phước báo ở nhân gian, một cách tự nhiên chúng ta sẽ xem nhẹ ngay, chúng ta sẽ tu phước trời.
Phật Bồ Tát lại nói cho chúng ta biết, còn có phước báo thù thắng hơn so với phước trời, đó là dứt sanh tử ra khỏi tam giới. Phước báo của A La Hán, Bích Chi Phật, hay của Phật Bồ Tát tuyệt đối không phải trời, người có thể sánh được. Đại Phạm Thiên Vương, Ma Hê Thủ La Thiên Vương là người có phước báo lớn nhất trong tam giới mà còn không sánh bằng A La Hán, không sánh bằng Bích Chi Phật. Cho nên Phật Bồ Tát luôn giúp đỡ chúng ta, không ngừng nâng cao cảnh giới của chúng ta lên thêm. Phật nói cho chúng ta biết, phước báo hàng đầu là vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Trí tuệ, phước đức của thế xuất thế gian không thể sánh bằng các Ngài được. Mặc dù sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc ở địa vị thấp nhất là cõi “Phàm Thánh Đồng Cư Độ” hạ hạ phẩm vãng sanh, thì Ma Hê Thủ La Thiên Vương cũng không thể sánh bằng, mà tứ thánh ở trong thập pháp giới cũng không thể sánh bằng. Sự việc này nếu không phải Phật Đà nói ra cho chúng ta thì chúng ta làm sao biết được? Cho nên, chúng ta hiện nay với thân xác này còn ở tại thế gian, phải cố gắng nỗ lực đoạn ác tu thiện, tuyệt đối không mong cầu phước báo thế gian này. Phước mà chúng ta tu đến đâu hưởng vậy? Đến thế giới Cực Lạc để hưởng. Thế phước mà ta tu không lớn, người thế giới Cực Lạc phước quá lớn? Không sai! Một chút phước nhỏ này của ta, đến thế giới Cực Lạc thì sẽ biến thành phước lớn. Nhân tuy nhỏ nhưng đến thế giới Cực Lạc sẽ biến thành phước lớn. Nếu không có nhân phước nhỏ này thì không thể đến thế giới Cực Lạc.
Phật ở trong kinh giới thiệu cho chúng ta thế giới Tây Phương Cực Lạc là nơi “các bậc thượng thiện cùng hội một chỗ”. Sao gọi là “thượng thiện” vậy? Những người này tâm thiện, niệm thiện, hạnh thiện, như trong bộ kinh này gọi là “ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp”, đây chính là thượng thiện. Từ đó cho thấy, đối với người tu Tịnh Độ, bộ kinh này vô cùng quan trọng. Nếu bạn nói trong kinh Tịnh Độ không có nói kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo thì bạn hoàn toàn sai rồi. Chúng ta đọc kinh phải thận trọng, không được phép lơ là. Phương pháp tu hành Tịnh Độ, điều cơ bản là Tịnh Nghiệp Tam Phước. Tịnh Nghiệp Tam Phước, điều đầu tiên là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Thế cách tu thập thiện nghiệp như thế nào vậy? Bộ kinh này chính là nói thập thiện nghiệp. Từ đó cho thấy, bộ kinh này quả thật đúng là nền tảng tu hành của chúng ta. Pháp môn niệm Phật là xây dựng trên cơ sở này, bạn mới có thể vãng sanh. Niệm Phật, cho dù bạn có niệm tốt đi nữa, nhưng không có cơ sở Tịnh Nghiệp Tam Phước thì không thể vãng sanh. Tại sao vậy? Tâm hạnh bất thiện, không tương ưng với đại chúng ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đạo lý này nhất định phải biết. Cho nên, khổ có thể giải quyết được, nhưng phải biết được đạo lý, biết được phương pháp.
Phần sau của tứ niệm xứ còn có hai điều là “Quán tâm vô thường” và “Quán pháp vô ngã”. Mỗi một điều đều rất quan trọng, chúng ta nhất định phải hiểu thật rõ ràng, sau đó mới biết tu học ra sao.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.
A Di Đà Phật!