- 🏠 Home
- Bí Ẩn
- Phật Giáo
- Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh
- Chương 43: Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh
Chương 43: Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo
Kinh văn: “Ly thô ác ngữ, nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, nhất thiết chúng hội, hoan hỷ quy y, ngôn giai tín thọ, vô vi cự giả”.
Đây là nói không ác khẩu mà hành bố thí thì sẽ có được quả báo thù thắng.
Hai câu “Thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt” là nói tổng quát, nay không cần giảng nữa vì phần trước đã nói rồi.
Chúng ta xem biệt báo: “Nhất thiết chúng hội, hoan hỷ quy y”. Đây là vô cùng hiếm có, tức là khi chung sống với đại chúng, bạn đều được quần chúng hoan nghênh.
“Chúng hội” là rất nhiều người ở chung với nhau.
“Hoan hỷ quy y”. Chúng ta ngày nay có thể dùng từ ngữ này để giải thích, tức là bạn sẽ được đại chúng ủng hộ hoan nghênh.
“Ngôn giai tín thọ”. Bạn ở trong đại chúng nói chuyện, phát biểu mọi người đều tin, đều có thể tiếp nhận, không có “chống đối”, không có phản đối, không có cự tuyệt. Từ đó cho thấy, đây là người lãnh đạo rất được mọi người trông đợi. Cái phước đức này của họ là từ không ác khẩu mà có. Chúng ta ngày nay nhìn thấy có một số lãnh tụ quả thật rất được quần chúng hoan nghênh, chúng ta biết được họ tu thế nào mới có được quả báo này.
Có một số người thật sự có trí tuệ, có năng lực, rất nhiệt tâm muốn vì đại chúng xã hội làm một chút việc, nhưng họ chung sống với đại chúng thì không được đại chúng ủng hộ. Đây là nguyên nhân gì? Đây là vấn đề của khẩu nghiệp trong đời quá khứ, trong khẩu nghiệp nói năng thô lỗ khiến đại chúng nghe thấy sinh khó chịu, cho nên mới cảm quả báo này. Dù cho bạn có trí tuệ, nhiệt tâm vì đại chúng phục vụ, nhưng mọi người chống đối bạn. Cho nên, nếu muốn phước đức được viên mãn thì mặt nào cũng phải làm tốt, thiếu một mặt cũng không được. Chúng ta thật sự hiểu được đạo lý của nhân quả, hiểu rõ sự thật về báo ứng thì một cách tự nhiên, không cần người khác khuyên bảo, chúng ta nhất định phải tu thập thiện nghiệp. Thập thiện nghiệp dùng vào trong ngành nghề nào cũng đều đạt được quả báo thù thắng, thì tại sao chúng ta không nghiêm túc nỗ lực tu học, không đem những tập khí sai lầm này của mình sửa đổi lại? Thật sự sửa đổi lại được thì bất kể thế pháp hay Phật pháp đều thật sự được thuận buồm xuôi gió.
Trong Phật pháp, Phật đặc biệt chỉ dạy chúng ta nên hướng về tất cả chư Phật Như Lai mà học tập, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn. Cái “khổ nạn” này nói theo nghĩa rộng là chúng sanh trong thập pháp giới đều có khổ, đều có nạn. Phật ở trong thập pháp giới chưa có minh tâm kiến tánh, chưa có thoát khỏi thập pháp giới, cái này chính là tai nạn của họ. Đến được nhất chân pháp giới mới được xem là bạn đích thực đã đến được chỗ an ổn, trong Phật pháp nói là “cứu cánh Niết-bàn”. “Cứu cánh Niết-bàn” nói theo nghĩa rộng chính là nhất chân pháp giới. Trong kinh Hoa Nghiêm, sơ trụ viên giáo là chứng được cứu cánh Niết-bàn. Cứu cánh viên mãn ở trong cứu cánh là Phật quả của viên giáo. Sơ trụ, nhị trụ là phần chứng cứu cánh. Trong thập pháp giới, cái mà Thanh Văn, Duyên Giác chứng được là thiên chân Niết-bàn. Phật ở trong thập pháp giới vẫn không phải phần chứng Niết-bàn. Những lý và sự này chúng ta nhất định hiểu rõ, cũng cần phải sáng tỏ. Những Thanh Văn, Bồ-tát này tại sao phải tu hành chứng quả vậy? Mục đích ở đâu? Mục đích chỉ có một, là vì phổ độ tất cả chúng sanh mà tu hành, mà cầu chứng quả, nhất định không phải vì bản thân.
Thập thiện nghiệp đạo là cơ sở tu hành của chúng ta, là đại căn đại bản. Chúng ta tu hành điều quan trọng nhất là ở bước đầu tiên. Nếu bước đầu làm không tốt là không có tiền đồ, bước thứ hai bạn liền sai lầm, té ngã. Đem thập thiện nghiệp đạo dùng vào trong tất cả pháp thế xuất thế gian. Bộ kinh điển này là thông cả Đại-Tiểu thừa, thông tất cả Phật pháp. Mở đầu là dạy chúng ta đem thập thiện dùng vào trong lục Ba-la-mật của Bồ-tát, bố thí được tài bảo. Tài là phước, bảo là tuệ, được phước báo, được trí tuệ. Phước báo và trí tuệ viên mãn hay không thì phải xem tế hạnh (tế hạnh chính là thập thiện), loại tế hạnh nào thì được loại quả báo ấy, vì vậy tế hạnh không thể không tu. Tế hạnh không phải như người bình thường nói “giới nhỏ xíu có thể bỏ, giới nhỏ xíu không sao cả”, không nên nói như vậy. Nói năng thô lỗ một chút [thì cho là] giới nhỏ xíu, cái này không sao cả, nhưng quả báo bất khả tư nghì. Bạn có thể tiếp xúc với đại chúng vui vẻ hòa nhã thì bạn được quả báo là đại chúng hoan hỷ quy y, ủng hộ bạn, người khác hoan hỷ tiếp nhận lời nói của bạn. Đây là quả báo có được từ trong những giới rất nhỏ.
Chúng ta trong đời sống thường ngày, trong kinh nghiệm của bản thân, hoặc giả là chính bản thân mình, hoặc giả chúng ta nhìn thấy biết bao nhiêu người lãnh đạo các ngành các nghề, đối với cán bộ của họ, đối với nhân viên của họ có được sự ủng hộ chân thành của đại chúng hay không. Chúng ta hãy xem những quả báo này, từ quả báo hiện tại chúng ta biết họ đã gieo nhân gì tạo nên. Phàm phu không biết những nhân hạnh vi tế này. Đại chúng đối với bạn tốt, vậy còn có thể sống nổi. Nếu như quần chúng cấp dưới đối với bạn có ý kiến, bạn sẽ oán hận, oán trời trách người, luôn cảm thấy mình không có sai, người khác đều là sai. Cái quan niệm này, loại tư tưởng này là hoàn toàn sai rồi.
Kinh văn: “Ly vô nghĩa ngữ, nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt. Ngôn bất hư thiết, nhân giai kính ái, năng thiện phương tiện, đoạn chư nghi hoặc”.
Đây là không ỷ ngữ mà hành bố thí thì sẽ có được quả báo thù thắng.
Ỷ ngữ, người thế gian chúng ta thường nói là “mau mồm mau miệng”, rất biết nói chuyện, lời ngon tiếng ngọt, nhưng ý đồ bất thiện, lừa gạt người khác, dẫn người khác đi theo hướng bất thiện. Những lời này nghe thì hay, ai cũng thích nghe, nhưng tội lỗi lớn vô cùng. Ỷ ngữ có loại hữu ý, có loại vô ý. Loại hữu ý thì tội càng nặng hơn, xem mức độ họ tổn hại xã hội là bao lớn, xem thời gian ảnh hưởng tổn hại của họ là bao lâu, từ đây mà kết tội. Nếu như mức độ ảnh hưởng rất rộng, thời gian rất dài, thì cái tội lỗi này thật khủng khiếp. Mức độ ảnh hưởng của họ không lớn, thời gian ảnh hưởng rất ngắn ngủi thì tội lỗi này nhỏ. Ví dụ thường hay thấy nhất là ca dao. Vào thời xưa, trước khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc, ca dao là văn hóa nguyên thủy nhất của mỗi dân tộc. Dân tộc lạc hậu đi nữa họ cũng có ca khúc của họ, có điệu múa của họ. Chúng ta hiện nay thường hay xem thấy trên truyền hình, biết bao nhiêu dân tộc khác nhau trên thế giới với những ca vũ của họ. Trong sách cổ Trung Quốc ghi chép, khi tham quan du lịch nhìn thấy các dân tộc này, nhìn thấy những quốc gia này, thử nghe nhân dân họ hát là hát cái gì, từ nội dung của bài hát, nội dung của điệu múa là biết sự thịnh suy của quốc gia này. Từ đó cho thấy, người thời xưa quan sát rất tỉ mỉ những nội dung này. Chúng ta ngày nay xem lại, nếu như nội dung tương ưng với thập ác nghiệp, bất thiện thì làm gì có quả báo tốt được? Quốc gia này, khu vực này chắc chắn sẽ loạn động, bất an. Nếu như những ca vũ này nội dung tương ưng với thập thiện thì xã hội này nhất định tốt, nhất định là ổn định, phồn vinh, hưng vượng. Vào trong gia đình người ta, bạn thử xem những thành viên trong gia đình, ngôn từ mà họ nói ra, sở thích của họ, người trong nhà này thích nghe ca khúc gì, thích xem loại giải trí nào, bạn có thể nhìn thấy và biết được gia đình này là hưng hay suy. Trong tiêu chuẩn của Phật pháp, phàm là thuận với tánh đức thì chắc chắn là thiện, chắc chắn là tốt. Nhân tốt, quả báo nhất định tốt, thật sự là nhân quả tròn đầy. Nếu như nhân không tốt mà muốn mong cầu quả báo tốt, dứt khoát không có đạo lý này.
Ngày nay, trên thế giới, nước Mỹ là cường thịnh nhất, đích thực có nguyên nhân. Chúng ta biết lịch sử nước Mỹ chỉ có 200 năm, 100 năm trước thì tốt. Tôi nghe tiên sinh Phương Đông Mỹ nói, đầu thế kỷ này, khoảng thập niên 20, thập niên 30, thầy đi học và dạy học tại Mỹ, thầy vô cùng tôn kính người Mỹ, trên toàn thế giới người Mỹ nói chánh nghĩa, rất hiếm có, thật không dễ dàng. Trong khi các nước khác nghĩ đủ mọi cách để tranh giành đặc quyền, chỉ có người Mỹ có thể chủ trương chánh nghĩa, người trong nước nói những lời công bằng. Đây là có cội nguồn lịch sử của nó, do tiền nhân tích đức nên ngày nay nước Mỹ có thể trở thành nước đứng đầu trên thế giới. Tương lai họ còn có thể lãnh đạo thế giới hay không thì phải xem hành vi tạo tác của họ hiện nay. Vào một thế kỷ trước, người Mỹ được người trên toàn thế giới tôn kính, tán thán. Hiện nay nước Mỹ mạo xưng nắm quyền cảnh sát thế giới, khiến cho biết bao nhiêu dân tộc, khu vực bất mãn đối với người Mỹ. Ngay cả chính phủ Mỹ cũng tuyên bố, người nước Mỹ đi du lịch phải đặc biệt cẩn thận, sợ bị không tặc, sợ bị bắt cóc, bắt làm con tin. Tại sao lại có hiện tượng này? Tại sao người Mỹ đi ra không được đại chúng nhiệt liệt hoan nghênh, thương yêu ủng hộ vậy? Là do ở ngôn hạnh của họ có tương ưng với thập thiện nghiệp đạo hay không? Bất luận lớn như một quốc gia, nhỏ như một gia đình, nghiệp nhân quả báo đều vô cùng rõ ràng. Những sự thật rõ ràng như vậy bày ngay trước mắt chúng ta, chúng ta nhìn mà không thấy, nghe mà chẳng hay, đó chính là ngu si đến cực điểm rồi.
Chúng ta có thể không ỷ ngữ. Trong “ỷ ngữ” hiện nay điều nghiêm trọng nhất chính là nghệ thuật kịch. Bạn thử xem nội dung nghệ thuật kịch hiện đại [thì sẽ biết]. Trung Quốc từ xưa đến nay tiếp nhận nền giáo dục Nho gia, đối với những phương diện văn nghệ, nghệ thuật này đều tuân thủ theo một nguyên tắc của Khổng Lão Phu Tử là “Tư vô tà”. Cái gì là “Tà” vậy? Thập ác đều là tà. Nghệ thuật kịch cổ xưa của Trung Quốc đều tuân thủ bốn nguyên tắc là “trung, hiếu, tiết, nghĩa”, đó là giáo dục xã hội, chỉ dạy bá tánh rằng thiện có thiện báo, ác có ác báo. Bạn xem nội dung của nó có phải như vậy hay không? Điều này không giống với nghệ thuật nước ngoài. Trung Quốc mấy ngàn năm nay giới văn nghệ đều tuân thủ theo nguyên tắc này, kể cả nghệ thuật kịch địa phương cũng không ngoại lệ. Trước đây trường học không có nhiều thế này, giáo dục nhà trường không phát triển. Quốc gia làm thế nào giáo hóa nhân dân toàn quốc vậy? Chỉ có nương vào ca múa nhạc kịch. Hoàn toàn không có đi học bao giờ, không biết chữ, nhưng họ rất biết làm người. Họ học được từ đâu vậy? Học được từ xem kịch, cho nên gánh hát trước đây đi biểu diễn ở các nơi, đó là giáo dục xã hội.
Hiện nay theo đà phát triển của khoa học kỹ thuật, nghệ thuật kịch sân khấu dần dần bị suy tàn, đều biến thành phim truyền hình nhiều tập. Hiện nay người viết kịch bản phim truyền hình nhiều tập không tuân thủ theo nguyên tắc của Khổng Lão Phu Tử. Nội dung truyền hình nước ngoài thì khỏi cần nói nữa. Trước đây, tiên sinh Phương Đông Mỹ nói với quan chức bộ giáo dục Đài Loan, ngày hôm đó đúng lúc tôi ở trong nhà thầy, tôi nghe thấy họ nói chuyện. “Nước Mỹ hiện nay là quốc gia mạnh nhất trên thế giới. Thời xưa La Mã là nước mạnh nhất, nhưng nay La Mã đã mất nước rồi”. Vị quan chức này thỉnh giáo với thầy Phương: “Nước Mỹ tương lai mất nước, nhân tố đứng đầu là gì?” Thầy Phương không hề do dự, không cần suy nghĩ, trả lời rất dứt khoát, đó là “Truyền hình”. Nước Mỹ tương lai mất nước nhân tố đứng đầu là truyền hình. Nội dung truyền hình của họ hoàn toàn là thập ác nghiệp, phát hình 24 giờ. Trẻ con, người trẻ tuổi hằng ngày xem những thứ này. Ở nước Mỹ, trẻ con hai, ba tháng tuổi là mắt đã mở thật to để xem truyền hình. Bạn nói, vậy có nguy không? Cho nên, ngày nay nước Mỹ vấn đề thanh thiếu niên nghiêm trọng như vậy. Họ cũng không biết nguyên nhân này là xuất phát từ truyền hình. Hiện nay vấn đề con cái giết cha mẹ, học trò giết thầy cô, giết bạn học vô cùng nghiêm trọng, đây là do truyền hình tạo nên. Cho nên thời đó tại Đài Loan, thầy Phương cảnh báo Đài Loan phải cẩn thận! Nếu như không tiến hành phòng bị, nếu đi theo vết xe đổ của người Mỹ thì Đài Loan cũng sẽ tiêu mất, toàn bộ hủy sạch.
Đây là thuộc về ỷ ngữ. Quả báo của không ỷ ngữ là “Ngôn bất hư thuyết”, quyết không có ngôn từ hư vọng. “Nhân giai kính thọ”, người khác có thể tôn kính bạn, có thể tiếp nhận. Bản thân bạn có phương tiện thiện xảo, giúp đỡ tất cả chúng sanh đoạn trừ nghi hoặc. Đây là bốn loại thiện nghiệp của miệng.
Kinh văn: “Ly tham cầu tâm, nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, nhất thiết sở hữu, tất dĩ tuệ xả, tín giải kiên cố, cụ đại uy lực”.
Điều đầu tiên của ba ý thiện trong thập thiện là không tham.
“Ly tham cầu tâm”. Tham cầu là phiền não căn bản của tất cả chúng sanh, là nghiêm trọng nhất ở trong tam độc. Tham không được mới sân hận. Nếu tất cả đều có thể tham được, thì họ sao có thể sân hận? Cho nên, xét cho cùng chính là một chữ “Tham” này.
Phật dạy Bồ-tát điều đầu tiên là bố thí. Bố thí độ tham lam. Bố thí có thể xả, thì có thể đem gốc của phiền não đoạn sạch. Cái gốc này không đoạn sạch thì vĩnh viễn không thể vào cửa Phật. Đạo lý và sự thật này, chúng ta đều phải hiểu rõ. Nếu chúng ta muốn khế nhập cảnh giới của Phật Đà thì tham lam không thể không xả. Phạm vi của tham lam vô cùng rộng. Học Phật rồi, pháp thế gian xả hết rồi, nhưng lại tham Phật pháp, vậy thì tâm tham chưa có xả, chỉ đổi đối tượng mà thôi. Như vậy có thể vào cửa Phật hay không? Vẫn không thể vào cửa Phật. Phật dạy chúng ta xả tâm tham lam, không phải dạy chúng ta đổi đối tượng. Ham muốn Phật pháp, quả báo vẫn là phước báo, là phước báo hữu lậu trong tam giới.
“Lậu” là gì vậy? Phiền não là lậu. Phiền não bạn không đoạn là hữu lậu. Phật pháp là thiện pháp, cho nên bạn được phước, có thể thành tựu phước đức của bạn chứ không liên quan gì đến công đức. Công đức là xả tham sân si. Xả tham sân si thì tất cả thiện pháp mà bạn tu là công đức chân thật.
Chúng ta quan sát tỉ mỉ người khác, xoay trở lại thử nghĩ bản thân mình. Tự mình nhìn tật xấu của mình thì rất khó phát hiện, dù cho có phát hiện cũng không thể quan sát tỉ mỉ, chỉ sơ suất qua loa, quán chiếu tỉ mỉ thì không dễ dàng làm được. Người biết tu hành không có gì khác là họ nhìn thấy người khác có thể lập tức liền soi lại chính mình. Loại người này tiến bộ rất nhanh, thành tựu cũng lớn. Người ngu si chỉ nhìn thấy tật xấu của người khác, không biết tật xấu của mình, cho nên vĩnh viễn không ra khỏi lục đạo luân hồi. Người ngu si thì khởi tâm động niệm đem lợi ích của mình đặt lên hàng đầu, lợi ích của người khác thì đặt ở thứ hai, thứ ba, thứ tư. Người giác ngộ thì đem lợi ích của người khác đặt lên hàng đầu, hoàn toàn không nghĩ đến lợi ích của mình, đây là Bồ-tát, người này mới có thể vào được cửa Phật.
Phạm vi của tham cầu thật là quá rộng. Nói tóm lại, khởi tâm động niệm có vì bản thân thì trong đây liền có tham cầu. Cho nên tham cầu đã hàm chứa tất cả ác nghiệp, nó là gốc rễ của tất cả ác nghiệp, căn nguyên là ở chỗ này. Đầu tiên Phật dạy chúng ta xa lìa tâm tham, không có tâm tham cầu mà hành bố thí. Đây là chư Phật Bồ-tát làm, một mảy may tâm tham cầu cũng không có, niệm niệm vì chúng sanh, nhất định không phải vì mình. Nếu có một mảy may tâm tham cầu thì chắc chắn không sanh trí tuệ. Phiền não đoạn sạch mới sanh trí tuệ. Có tâm tham cầu thì dù có học nhiều đi nữa, nhà Phật nói là “Thế trí biện thông”, người này không sanh trí tuệ. Trí tuệ là từ trong tâm thanh tịnh sinh ra. Ở trong tâm thanh tịnh hoàn toàn không có tham sân si mạn. Chúng ta cầu trí tuệ thì phải biết, nếu chúng ta không xả, thì tâm thanh tịnh nhất định không có được. Không có tâm thanh tịnh thì bạn không có tâm bình đẳng, cũng không có tâm từ bi. Nhà Phật nói những danh từ này, danh từ nghe hay, bạn có thể luôn tụng ở cửa miệng, nhưng cảnh giới của bạn nhất định là cảnh giới phàm phu, bạn nhất định không thể khế nhập, hay nói cách khác, bạn giúp đỡ người khác có hạn. Tại sao vậy? Vì giúp bản thân mình còn giúp không nổi, niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Tại sao niệm Phật cũng không thể vãng sanh vậy? Vì bạn chưa có phát Bồ-đề tâm. Các bạn đã xem trong Phẩm Tam Bối Vãng Sanh: “Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Tâm Bồ-đề là không có tham sân si. Có một mảy may ý niệm tham sân si là không phải tâm Bồ-đề, bạn vẫn là tâm luân hồi, bạn vẫn là tâm phàm phu. Tâm luân hồi thì tạo nghiệp luân hồi. Tâm luân hồi tu tích tất cả thiện pháp, thì ở trong tam giới lục đạo hưởng phước, phước báo đó thật sự là trên thì làm vua trời, dưới thì làm người quyền quý nhân gian, bạn chỉ có thể được quả báo này. Chúng ta huân tu Phật pháp đã lâu, hiểu rất rõ chân tướng sự thật này, trong tam giới cho dù làm đến Ma-hê-thủ-la thiên vương vẫn chưa thể thoát khỏi luân hồi, hay nói cách khác, đây không phải biện pháp cứu cánh. Cái thù thắng của Phật pháp chính là cứu cánh viên mãn. Phật Đà chỉ có thể chỉ dạy chúng ta, chứ không có cách gì tu hành thay cho chúng ta được. Phật Đà gia bị cho chúng sanh, bảo hộ chúng sanh chính là ở dạy học.
Hôm qua có đồng tu hỏi tôi về “Sám hối”. Chúng ta làm việc có lỗi, ở trước Phật Bồ-tát chí tâm sám hối thì có thể tiêu trừ nghiệp chướng hay không? Tôi thành thật nói cho họ biết là không thể, đó chỉ là hình thức. Bạn làm bao nhiêu việc lỗi lầm, ở trước Phật Bồ-tát phát lồ sám hối cũng vô ích. Sám hối như thế nào mới có tác dụng vậy? Trước đây đại sư Chương Gia nói cho tôi biết: “Sám hối là không tái phạm nữa”, vậy mới hiệu quả. Bạn biết lần này sai rồi, thì lần sau không phạm cái lỗi lầm giống như vậy nữa, đây đích thực là chân sám hối. Nhà Phật nói “Sám hối” với nhà Nho nói “Bất nhị quá” là ý nghĩa giống nhau. Lỗi lầm chỉ có thể có một lần, không thể để lặp lại. Lặp lại chính là nhà Phật gọi là “Bất thông sám hối”. Ở trước Phật Bồ-tát phát nguyện sám hối, bản thân về sau tạo tiếp, đó chẳng phải là lừa gạt Phật Bồ-tát sao? Tội càng thêm tội. Bạn nói mà không giữ lời, sau khi nói xong bạn vẫn phạm. Bồ-tát nặn bằng đất, bằng gỗ bạn còn nhẫn tâm đi lừa gạt các Ngài, bạn thử nghĩ xem, cái chủ tâm của bạn là gì? Bạn làm sao có thể được Phật Bồ-tát phù hộ? Đây là việc không thể có. Trong Phật pháp, một mảy may mê tín cũng không có, mỗi câu nói với bạn đều là lời chân thật, chúng ta phải biết. Cho nên nhất định phải biết sửa chữa lỗi lầm, vĩnh viễn không phạm lỗi lầm giống như vậy.
Nếu như một ngày có thể sửa lỗi lầm tương tự, nghiêm túc nỗ lực sửa đổi, thì ba năm người này là thánh nhân. Đây là sự thật, không phải giả. Tại sao có người có thể thành thánh, thành hiền, thành anh hùng hào kiệt vậy? Không có gì khác là biết sửa lỗi mà thôi. Sửa lỗi thì sửa từ trên căn bản, chính là sửa từ trên tâm tham cầu. Đối với tất cả pháp thế xuất thế gian đều không tham cầu. Nếu bạn làm được như thế, thì tất cả pháp thế xuất thế gian bạn liền đạt được một cách viên mãn ngoài dự tính. Tại sao vậy? Vọng tâm của bạn hết rồi thì chân tâm hiện tiền viên mãn thôi. Tất cả pháp thế xuất thế gian đều là chân tâm hiện ra, tất cả pháp thế xuất thế gian, có pháp nào mà bạn không thông đạt, không có cái đạo lý này. Vì vậy bạn muốn tham, bạn vĩnh viễn không tham được, cái mà bạn có được rất hữu hạn. Bạn vừa buông xả tâm tham xuống thì cái gì cũng đạt được cả. “Xả đắc”, cái danh từ này là của Phật giáo, xả thì liền được ngay. Bạn xả bao nhiêu liền được bấy nhiêu. Bạn không chịu xả thì chẳng được gì cả. Bạn có thể đem hư không pháp giới thảy đều xả hết, liền có được hư không pháp giới viên mãn ngay. Tại sao họ có thể thành Pháp Thân Đại Sĩ, tại sao có thể chứng Phật quả viên mãn? Không có gì khác là xả được mà thôi. Lời của Phật nói rất đơn giản, rất rõ ràng, rất sáng tỏ, đích thực là giản đơn tường tận. Vấn đề là chúng ta nghe xong có biết hay không? Có hiểu được cái ý này hay không?
“Thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt”. Hai câu này là nói tổng quát.
Bốn câu này dưới đây là biệt báo, chuyên nói không tham mà hành bố thí.
“Nhất thiết sở hữu, tất dĩ tuệ xả”. “Xả” chính là buông xả, trí tuệ đích thực. Tại sao người thế gian không chịu buông xả vậy? Vì không có trí tuệ. Họ vẫn cứ là tự tư tự lợi, cho nên họ không thể buông xả. Trí tuệ đích thực là cái có được từ tâm thanh tịnh. Trí tuệ mở rồi thì pháp thế xuất thế gian tất cả thông đạt viên mãn.
Các bạn xem trong “Ảnh Trần Hồi Ức Lục”, pháp sư Đàm Hư kể về pháp sư Phơi Đèn Cầy. Bạn xem, vị pháp sư này không biết chữ, chưa từng đi học, làm hương đăng ở trong tự miếu. Ông là người thành thật, thường hay bị người lừa gạt, đạo hữu đồng tu trêu chọc ông, họ nói với ông: “Thầy Hương Đăng, khoảng tháng 6 thầy thấy mọi người đều phơi quần áo, đèn cầy của thầy cũng nên đem đi phơi đi, không phơi sẽ bị mốc đấy”. Ông liền đem hết đèn cầy ra ngoài sân để phơi nên đều bị chảy nước hết, ông ngu si đến như vậy. Thời khóa tối, khi thắp đèn cầy thì chỉ có tim đèn, còn sáp thì không còn nữa. Thầy Duy-Na nhìn thấy rất khó chịu, nói: “Ông làm trò gì vậy?” “Họ bảo tôi đi phơi đèn cầy, tôi bèn phơi. Phơi xong thì biến thành như thế này đây”, thầy Hương Đăng trả lời. Sau khi khóa tối xong, thầy Duy-na bèn đem sự việc trình với lão Hòa thượng và nói không nên để ông làm hương đăng nữa. Lão Hòa thượng thương xót ông, người thành thật, bèn gọi ông lên mà bảo rằng: “Chú không nên làm hương đăng nữa, chú đến chùa Dục Vương để lạy xá lợi của Phật Thích Ca Mâu Ni, một ngày chú lạy 3000 lạy”. Ông rất thật thà, nghe lời đi tu khổ hạnh, mỗi ngày lạy 3000 lạy, lạy được ba năm ông liền khai ngộ. Ông có thể làm thơ, làm kệ, giảng kinh thuyết pháp, mặc dù ông chưa hề học qua. Tại sao ông làm được vậy? Vì trí tuệ mở rồi, giống như đại sư Huệ Năng vậy, bởi vì ông không phải học hành nhồi nhét, ông không phải do người khác dạy. Đến lúc này học cái gì cũng nhanh chóng, vì chướng ngại không còn nữa. Chúng ta hiện nay học cái gì cũng khó khăn như vậy, do trùng trùng chướng ngại, trí tuệ không mở, tâm không thanh tịnh, đạo lý là như vậy. Ông, con người thành thật này tâm thanh tịnh. Khó khăn của ông chúng ta hiện nay hiểu rõ, ông không có phiền não của người bình thường, ông chỉ có vô minh che đậy chính mình. Lão Hòa thượng dạy ông phương pháp này hay. Ông một lòng một dạ đi lạy Phật, mỗi ngày lạy 3000 lạy, ý niệm gì cũng không còn. Lạy Phật là tu định, tu tâm thanh tịnh, tu tâm chân thành. Một khi khai ngộ thì pháp thế xuất thế gian tất cả đều thông đạt. Cho nên có huệ mới có thể xả, không có huệ thì không chịu xả. Trí tuệ càng lớn thì bạn xả càng nhiều. Người không chịu xả chắc chắn không có trí tuệ.
“Tín giải kiên cố, cụ đại uy lực”. Tín và giải đều là đối với Phật pháp. Những điều mà Phật Thích Ca Mâu Ni hay chư đại Bồ-tát nói, các Ngài có lòng tin kiên cố và lý giải minh bạch. “Đại uy lực” chính là trên quả địa Như Lai, 18 pháp bất cộng, tứ vô sở úy. Tuy không phải ở trên cảnh giới của quả địa Phật, nhưng các Ngài là Bồ-tát. Bồ-tát cũng có 18 pháp bất cộng và tứ vô sở úy, nhưng chưa được viên mãn như trên quả địa Như Lai. Giống như ánh mặt trăng vậy, ánh sáng của Như Lai là trăng tròn, còn ánh sáng của Bồ-tát là trăng mồng hai, mồng ba đến mười bốn, là ánh sáng chân thật, không phải giả. Đây là trí tuệ Bát-nhã tự tánh hiện tiền, là đại uy lực chân thật, có thể tự độ tức tự mình thoát khỏi lục đạo, thoát khỏi thập pháp giới; có thể độ tha tức là có năng lực giáo hóa tất cả chúng sanh.
Vào thời xưa đại sư Huệ Năng đã làm nên tấm gương cho chúng ta thấy. Pháp sư Trì Luật là người đầu năm Dân Quốc, cuối triều nhà Thanh, cách chúng ta hiện nay vẫn chưa đầy một thế kỷ, cũng đã làm nên tấm gương tốt cho chúng ta thấy, chúng ta có thể tin hay không? Điều này ở trong Phật pháp gọi là chứng chuyển, họ đến để chứng minh cho chúng ta thấy. Chúng ta ngày nay điều quan trọng nhất là phải xả được, xả thập ác nghiệp, buông xả sát, đạo, da^ʍ, vọng, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham sân si mạn, thảy đều phải buông xả. Bạn xả thập ác liền được thập thiện. Thập thiện dùng vào trong Bồ Tát đạo thì bạn là Bồ Tát đích thực, bạn không phải giả, những điều mà bạn tu học đều là đức hạnh viên mãn vững chắc. Đây là chỗ mà chúng ta phải nghiêm túc nỗ lục tu học.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.
A Di Đà Phật !!
- 🏠 Home
- Bí Ẩn
- Phật Giáo
- Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh
- Chương 43: Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo