Tải app Android hoặc iOS để đọc truyện nhanh hơn

Hỗ trợ: Fanpage TruyenHD

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh

Chương 38: Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo

« Chương TrướcChương Tiếp »
“Nhị, thâm tín nhân quả, ninh vẫn thân mạng, chung bất tác ác”.

Đây là lợi ích thứ hai trong mười lợi ích của việc lìa tà kiến.

Điều này nói ra nghe dễ dàng, nhưng làm thì rất khó khăn. Chỉ có người đầy đủ trí tuệ chân thật, đối với chân tướng sự việc họ thật sự thông đạt sáng tỏ thì mới có thể làm được.

“Thâm tín nhân quả” là không dễ dàng. Đối với sự và lý của nhân quả, chúng ta quả thật hiểu rõ hơn rất nhiều so với người bình thường. Hiện nay, người bình thường trong xã hội rất ít nói đến nhân quả. Người học Phật thì thường hay nghe nói về nhân quả. Chúng ta nghe quen tai rồi, biết được gieo nhân thiện thì được quả thiện; tạo nhân ác thì nhất định có ác báo, nhưng tại sao vẫn không chịu tu thiện, mà còn muốn đi tạo ác vậy? Nguyên nhân chính là tin nhân quả không sâu. Tin sâu là đối với đạo lý thông đạt, chân tướng sự thật hiểu rõ. Ví dụ, một con muỗi, một con kiến, chúng ta người học Phật thông thường, người học Phật nhiều năm luôn luôn vẫn còn có tâm sát. Khi muỗi đến chích bạn, bạn đập một cái làm chết nó, đây là tập khí xấu ác. Chúng ta biết nhân quả hay không vậy? Biết, nhưng biết không đủ sâu. Chúng ta hữu ý hay vô ý giết hại nó, tương lai quả báo không tránh khỏi.

Trước đây chúng tôi đọc truyện ký của An Thế Cao, ông là người tu hành chân chánh, đắc đạo, chứng quả. Ông đã từng đến Trung Quốc để trả nợ mạng hai lần, vì trong đời quá khứ ngộ sát người khác, quả báo này ông vẫn phải tự chịu. Ông trả nợ mạng, ông biết và hiểu rõ, nhưng mà người tổn hại ông là ngộ sát. Trong đời quá khứ ông đã ngộ sát người khác thế nào thì đời này cũng bị người khác ngộ sát. “Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định”. Người thế gian không hề nói là sự việc phát sinh không có nhân, không có đạo lý này. Quả báo nhất định là có nhân, có duyên. Bồ-tát làm thị hiện ấy là nói cho chúng ta biết, nhân mà bạn tạo tác nhất định có quả báo, quả báo nhất định phải tự mình gánh chịu.

Chúng ta không ưa một người, người ta cũng không ưa chúng ta, hay chúng ta ưa thích một người, người ta cũng ưa thích chúng ta, đây là quả báo. Nhà Nho cũng nói: “Ái nhân giả, nhân hằng ái chi”. Bạn yêu người khác, đây là bạn tu nhân; đại chúng xã hội đều tôn kính bạn, yêu thương bạn, đây là quả báo của bạn. Bạn hận người khác, chán ghét người khác thì đại chúng xã hội cũng hận bạn, cũng chán ghét bạn giống như vậy. Nếu như bạn thật sự sáng tỏ đạo lý này, thì câu nói “Thà bỏ thân mạng của mình chứ không chịu tạo ác” là bạn có thể làm được. Cổ đức ví dụ rất hay, hiện nay trong xã hội có vị trí rất cao mời bạn đi làm, mời bạn đi làm vua chẳng hạn, chỉ cần bạn giết một người vô tội thì bạn có thể có được vương vị này. Người tin sâu nhân quả thì không làm việc này, bảo ta giết một chúng sanh vô tội, được lợi ích như thế nào ta cũng không chịu làm. Người tin sâu nhân quả mới có thể làm được, điều này cần phải lìa tà kiến mới được.

Tà kiến là ngu si. Người hồ đồ không tin nhân quả, hay nói cách khác, người không tin sâu nhân quả vẫn là người hồ đồ, không thể xem là người sáng tỏ. Người sáng tỏ đâu chịu làm loại việc khờ dại này? Phải biết rằng muỗi, kiến cũng là một mạng sống. Tại sao nó lại đi làm muỗi, làm kiến vậy? Quá khứ khi nó làm người, ác nghiệp tạo quá nhiều nên đọa vào trong đường này. Khi tội của nó báo hết rồi, thì nó cũng sẽ chuyển thành thân người. Bản thân chúng ta tạo tội nghiệp nhiều thì cũng sẽ biến thành kiến, biến thành muỗi. Quả thật mà nói, vô lượng kiếp đến nay chúng ta ở trong lục đạo mang đủ dạng thân tướng, chúng ta đều đã từng trải qua rồi. Hiện nay đời này được thân người, nhà Phật thường nói “mê do cách ấm”, nên những việc của đời quá khứ đã quên hết. Tuy quên hết (cái quên hết này là mê hoặc), nhưng chủng tử nghiệp nhân ở trong A Lại Da thức vĩnh viễn không bị mất đi. Vì vậy chúng ta không được nói, làm rồi sau này sẽ không có chuyện gì. Đây là tà kiến, là kiến giải hoàn toàn sai lầm. Từ đó cho thấy, không cần nói là ngôn ngữ, hành vi, ngay cả khởi tâm động niệm, tự mình phải chịu trách nhiệm đối với chính mình.

Nhân quả rất đáng sợ, lời nói này là sự thật. Ai biết vậy? Chư Phật Bồ-tát biết, Thanh Văn, Duyên Giác biết. Trong kinh ghi chép, A La Hán nghe Phật giảng kinh, khi Phật giảng đến địa ngục thì những vị A La Hán này tâm vẫn còn run sợ, vừa nghe thấy thì trên thân đều xuất mồ hôi máu, vì quá khứ đã từng trải qua rồi. Phật vừa nói, nghĩ lại tình trạng trước đây ở trong địa ngục, nỗi sợ hãi vẫn hiện tiền như xưa. Chúng ta thì không biết điều này. Khi nào chúng ta thoát khỏi ngu si, đoạn tham sân si liền chứng quả A La Hán, thì những việc đời đời kiếp kiếp trong đời quá khứ đều có thể nhớ hết. Khi chúng ta đã hồi phục trí nhớ, nghĩ đến tình trạng ở trong lục đạo trước đây, bạn đã từng làm vua trời, làm súc sanh, làm ngạ quỷ, cũng đọa địa ngục, đường nào cũng đều trải qua rồi. Chúng sanh ở trong đường nào cũng đều có quan hệ mật thiết với ta, ngày nay chúng ta gọi là quan hệ thân thuộc. Nếu như chúng ta giết hại chúng sanh, ngược đãi chúng sanh, coi thường chúng sanh, Phật nói rất hay, là giống như đối xử với chư Phật, cha mẹ của mình vậy. Chúng ta với tất cả chúng sanh, với chư Phật Như Lai, trong quá khứ vô lượng kiếp đều có quan hệ thân thuộc, làm cha con lẫn nhau. Những lời này chắc chắn không phải hoang đường, đích thực là lời chân thật. Thật sự không làm ác, ngay cả niệm ác cũng không sanh thì A La Hán mới làm được, chúng ta phải cố gắng nỗ lực học tập. Nếu như bạn có thể làm được thì bạn liền chứng quả A La Hán, nghiệp ác hoàn toàn đoạn rồi.

“Tam, duy quy y Phật, phi dư thiên đẳng”.

Đây là lợi ích thứ ba trong mười lợi ích của việc lìa tà kiến.

Ý nghĩa của “quy y” chính là lấy Phật làm thầy. Chư thiên thiện thần, trí tuệ của họ cao hơn chúng ta nên họ cũng có thể chỉ dạy cho chúng ta, chúng ta đối với họ phải tôn kính. Chư thiên thiện thần phần lớn cũng là quy y Phật, cũng đều là học trò của Phật. Trong kinh điển chúng ta thường đọc thấy, vua trời Đại Phạm, vua trời Đao Lợi thường hay thỉnh chư Phật Bồ-tát đến thiên cung để giảng kinh thuyết pháp, cho nên chúng ta biết, chư thiên thiện thần cũng là học trò của Phật. Chúng ta nhất định phải lấy Phật làm thầy, tùy thuận theo giáo giới của Phật Đà để tu học, vậy là đúng rồi. Cõi trời tuy tốt, nhưng kiến tư phiền não của họ chưa đoạn hết, chỉ có thể nói phiền não của họ nhẹ hơn của chúng ta, phước báo của họ lớn hơn phước báo của chúng ta, quả vị đạt được không phải cứu cánh, không phải viên mãn. Chúng ta phải tìm một vị thầy thật sự có công đức, trí tuệ viên mãn là tốt. Chúng ta chọn Phật làm thầy, thì những chư thiên thiện thần này có trách chúng ta không? Không trách. Nếu chúng ta cho rằng, “trước đây tôi thờ thần, bây giờ tôi quy Phật rồi, không thờ thần nữa, thì vị thần này nhất định rất giận, nhất định muốn kiếm chuyện với tôi”. Chúng ta nghĩ như vậy là sai rồi! Không ngờ rằng, nếu như vị thần đó nhìn thấy bạn quy y Phật, chọn Phật làm thầy, thần rất vui mừng, vô cùng hoan hỷ tán thán, bạn làm rất đúng, bạn không hề làm sai, những thần này đều biến thành hộ pháp của bạn. Thần thông minh hơn chúng ta, chánh trực hơn chúng ta. Nếu như vị thần này nhìn thấy bạn quy y Phật, họ còn kiếm chuyện với bạn, không hoan hỷ mà còn trả thù bạn, thì đây không phải chánh thần, đó là yêu ma quỷ quái. Yêu ma quỷ quái sẽ hại người, chánh thần sẽ phù hộ người. Chúng ta chọn Phật làm thầy là quyết định chính xác. Nhưng đối với thiên thần khác nhất định phải tôn kính, tôn trọng và tán thán.

Bồ Tát Phổ Hiền dạy chúng ta “lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai, quảng tu cúng dường”. Chúng ta đối với tất cả thiên thần, quỷ thần phải tôn kính, tán thán, cúng dường. Điều này nhất định phải có, đối với quỷ thần phải có thái độ này. Chúng ta đối với những chủng tộc khác nhau, tôn giáo khác nhau thì cũng cần phải lễ kính, tán thán, cúng dường, đây là hạnh Phổ Hiền. Bạn muốn hỏi tại sao vậy? Trong đại kinh Phật nói với chúng ta, trong tất cả chúng sanh có nam, có nữ (trong cõi súc sanh chúng ta nói có trống, có mái). Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta, “tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật”, đạo lý chính là chỗ này. Bạn thử xem, tâm lượng này bao lớn? Cái tri kiến này là chánh tri chánh kiến, cho nên lưu xuất ra một cách tự nhiên, yêu thương tất cả chúng sanh còn trọng hơn so với yêu thương mạng sống của chính mình. Vì yêu thương chúng sanh, vì cứu hộ chúng sanh mà bỏ mạng sống của mình cũng không hề luyến tiếc. Mạng sống còn có thể bỏ, huống hồ là vật ngoài thân, đâu có đạo lý nào không bỏ được? Đâu có lý nào không thể cúng dường? Người khác đến tìm chúng ta [cầu xin sự giúp đỡ], trừ khi bản thân chúng ta không có năng lực, nếu có năng lực thì nhất định phải giúp họ. Tín đồ thiên chúa giáo bên châu Phi đến tìm tôi, muốn tôi tặng họ một chiếc xe hơi. Ở Châu Phi nơi ấy rất khổ, có một bệnh viện bệnh nhân rất nhiều, họ ở cách bệnh viện rất xa, phương tiện giao thông thiếu thốn, nên họ đến tìm tôi xin giúp đỡ. Đương nhiên tôi phải tặng cho họ, không thể nói, đó là người ngoại quốc, người Châu Phi, đó là thiên chúa giáo, không phải Phật giáo, tôi không có cái nhìn như vậy. Tất cả mọi chúng sanh, tôn giáo khác nhau, quốc gia khác nhau, chủng tộc khác nhau đều là một thể. Chúng ta không có năng lực thì đành phải chịu, nhưng có năng lực thì nhất định hết lòng hết sức giúp đỡ họ, đây là bổn phận, là nhiệm vụ, huống hồ người ta tự đề xuất yêu cầu? Không đề xuất, chúng ta nhìn thấy, nghe thấy đều phải chủ động đi cứu giúp, đi giúp đỡ. Chúng ta đối xử với người như vậy, thì người ta đối với ta cũng giống như vậy. Chúng ta cần phải tin sâu nhân quả mới được.

Tùy thuận lời giáo huấn của Phật Đà là “quy y Phật”. “Quy y” thực hiện như thế nào? Chính là trong kinh thường nói: “Thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói”. Bạn có thể làm được câu nói này là bạn đích thực quy y. Trong kinh điển, Phật chỉ dạy điều gì, chúng ta phải tiếp nhận toàn bộ.



“Trì” là vĩnh viễn gìn giữ không để mất đi. Biết rõ mà cố phạm là chữ “trì” không còn nữa. “Trì” là gìn giữ vĩnh viễn, y giáo phụng hành.

“Đọc tụng” là lợi mình, lợi người. Bản thân ta mỗi ngày đọc tụng, ôn xưa biết nay. Hằng ngày tiếp nhận lời giáo huấn của Phật Đà, mở cuốn kinh ra là giống như Phật ở trước mặt vậy, nghe Phật thuyết pháp, nghe lời giáo huấn của Phật.

“Vì người diễn thuyết”. “Diễn” là phải làm được. Phật dạy cho chúng ta bộ Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo này, chúng ta phải đem thập thiện nghiệp đạo làm được, làm cho đại chúng xã hội thấy. Làm cho người ta thấy thì đây gọi là diễn. “Thuyết” là vì người khác diễn thuyết. “Diễn” là thân giáo, “thuyết” là ngôn giáo, đây chính là quy y Phật chân chánh. Nếu như chỉ là học tập ở trong kinh điển, mà không thể thực tiễn vào trong đời sống thường ngày của chúng ta, vậy thì không có quy y, đây chỉ là hình thức, không có thực chất. Thực chất nhất định phải vì người diễn nói. Diễn ở trước, nói ở sau. Trước tiên phải làm được, sau khi làm được rồi mới nói. Đây là người chân chánh học Phật, đích thực thực tiễn.

“Tứ, trực tâm chánh kiến, vĩnh ly nhất thiết, kiết hung nghi võng”.

Đây là lợi ích thứ tư trong mười lợi ích của việc lìa tà kiến.

Lìa tà kiến chính là trí tuệ. “Tà kiến” mà Phật nói chính là “si” ở trong tam độc phiền não “tham sân si”. Chuyển ngu si thành trí tuệ. Trí tuệ hiện tiền là tự mình có thể làm chủ được. Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật có nói: “Nếu chuyển được cảnh thì đồng Như Lai”. Mục tiêu cao nhất của người tu học Phật pháp là ở chỗ này. Sau khi trí tuệ đã mở rồi thì tất cả kiết hung họa phước thế gian bạn đều hiểu rõ, bạn đều sáng tỏ, bạn không còn nghi hoặc nữa. Có cần phải tránh hung tìm kiết hay không? Không cần thiết. Tại sao không cần thiết vậy? Bạn có thể chuyển cảnh giới, có thể chuyển hung thành kiết, chuyển họa thành phước. Bạn có năng lực này là hoàn toàn không giống như người thế gian. Người thế gian không có năng lực chuyển cảnh giới là do nguyên nhân gì vậy? Tham sân si không đoạn, cho nên họ mới bị cảnh giới trói buộc. Tham sân si đoạn rồi thì định tuệ hiện tiền. Mọi thứ vận mệnh gặp phải này thảy đều chuyển đổi được hết, thật sự là chuyển thập pháp giới thành nhất chân pháp giới. Đây là sự thật.

Điều kiện mà Phật ở chỗ này nói rất rõ ràng là “trực tâm, chánh kiến”, bốn chữ này chính là tâm đại Bồ-đề. Tâm Bồ-đề là chân tâm. Trong kinh Phật Quán Vô Lượng Thọ, Thế Tôn nói với chúng ta: “Trực tâm chính là tâm chí thành”. Trong Khởi Tín Luận, Bồ-tát Mã Minh nói: “Tâm thể của tâm Bồ-đề là trực tâm”, còn trong “Quán kinh” Phật nói là tâm chí thành. Từ đó cho thấy, “trực tâm” chính là chân thành đến cực điểm. Cách nói như vậy chúng ta vẫn rất khó thể hội. Rốt cuộc chân thành là thế nào? Chánh trực như thế nào? Tiêu chuẩn ở chỗ nào? Trong Độc Thư Bút Ký của Tiên sinh Tăng Quốc Phiên thời tiền Thanh, ông đem chữ “Thành” làm một định nghĩa. Cái định nghĩa này rất hay, tương đối gần với nghĩa mà Phật pháp nói. Ông nói: “Một niệm không sanh ấy là thành”. Từ đó cho thấy, có niệm là không thành, một niệm không sanh mới gọi là thành.

Chúng ta muốn hỏi, vô niệm có phải là thành hay không? Vô niệm cũng không phải thành. Nếu như vô niệm là thành, thì định vô tưởng, tâm Bồ-đề liền hiện tiền rồi. Phật nói cho chúng ta biết, định vô tưởng sau khi tu thành, thì thật sự là một niệm không sanh. Quả báo ở đâu vậy? Ở trời vô tưởng tứ thiền, ở trời ngoại đạo. Cho nên, ở chỗ này chúng ta cần phải có năng lực biện biệt. “Một niệm không sanh”, ý nghĩa của câu nói này không được hiểu sai. Một cái là “một niệm”; một cái là “không sanh”, bạn mới có thể thật sự hiểu được ý nghĩa của nó. “Một niệm” là không có niệm thứ hai, có niệm thứ hai thì không phải “một niệm”. “Không sanh” là không sanh niệm thứ hai. Câu nói này phải lý giải nó cho thật chính xác. Họ không phải rơi vào vô niệm, họ nói là “một niệm” thì họ hoàn toàn không rơi vào vô niệm.

“Một niệm”, Phật trong kinh Đại Thừa thường nói: “Lặng lẽ chiếu soi, chiếu soi lặng lẽ”, nó là sống, không phải chết. Định vô tưởng là chết, không phải sống. Vì vậy, định vô tưởng là vô minh, không phải Bồ-đề. Bồ-đề rốt cuộc là gì vậy? Thực ra sự việc này là ở ngay trước mắt chúng ta, ngay cả nhà Nho cũng nói “Đạo không xa người, người tự xa đạo”. Có phương cách gì? Trong hội Lăng Nghiêm, Phật nói: “Lục căn môn đầu, phóng quang động địa”. Đó chính là một niệm không sanh. Lục căn môn đầu là mắt có thể thấy, tai có thể nghe, mũi có thể ngửi, lưỡi có thể nếm, thân có thể xúc, ý có thể biết. Mắt chúng ta vừa mở ra thì nhìn thấy cảnh giới bên ngoài rất rõ ràng, rất minh bạch, đây là nhất niệm. Tai nghe âm thanh ở bên ngoài rất rõ ràng, rất sáng tỏ, đây là nhất tâm. “Không sanh” cái gì vậy? Không sanh vọng tưởng, không sanh phân biệt, không sanh chấp trước, đây là chí thành. Định vô tưởng tuy giống như là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều không có, nhưng họ là cái gì cũng không biết, cái gì cũng không hiểu rõ, cho nên đó là vô minh. Nhất định không được đem vô minh, vô tưởng định nói là thành tâm chí thành, vậy là quá đỗi sai lầm rồi! Phật Bồ-tát không giống như chúng ta, tức là các Ngài có thể gìn giữ nhất niệm vĩnh viễn, không khởi niệm thứ hai, vậy là tuyệt vời. Chúng ta mỗi người đều có nhất niệm, nhưng thời gian nhất niệm đó quá ngắn ngủi, trong vòng sát-na liền khởi phân biệt, khởi chấp trước, vậy liền đem trí biến thành thức rồi. Nhất niệm là trí, là chân trí tuệ. Niệm thứ hai khởi lên rồi thì đem trí chuyển đổi thành thức. Thức chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Cho nên, chúng ta tu học Phật pháp là tu cái gì vậy? Đại đức tướng tông thường nói: “Chuyển thức thành trí”. Phân biệt giữa thức và trí là ở trong thức có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; ở trong trí không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Từ đó cho thấy, lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì cái tâm đó là “tâm chí thành”, là “trực tâm”, trí tuệ đã đến cực điểm. Khi nó không khởi tác dụng, giống như là vô tri, trong kinh Bát Nhã nói: “Bát Nhã vô tri”. Vô tri chính là tâm chí thành, chính là trực tâm. Khi khởi tác dụng thì “không gì không biết”. Định vô tưởng nó cũng vô tri, khi nó khởi tác dụng thì nó chẳng biết gì cả, cái này không được. Khi khởi tác dụng là không gì không biết, không gì không thể.

“Chánh kiến” chính là trực tâm khởi dụng. Nếu như dùng cách nói của nhà Nho để nói thì “trực tâm” chính là thành ý; “chánh kiến” chính là chánh tâm, “trực tâm, chánh kiến” chính là “thành ý chánh tâm”. Trong Phật pháp nói, “trực tâm” là tâm chân thành; “chánh kiến” là thâm tâm, đại bi tâm. Trong “Quán kinh” nói tâm hồi hướng phát nguyện, đây là chánh tri chánh kiến. Thế gian tất cả kiết hung, họa phước thảy đều sáng tỏ rồi. Sáng tỏ thế nào vậy? Nghiệp nhân quả báo rất rõ ràng, một chút cũng không mê hoặc. Cho nên là “vĩnh ly nhất thiết kiết hung nghi võng”.

Bạn thử xem xã hội hiện nay, người xem phong thủy, người xem tướng, người chấm tử vi làm ăn rất khấm khá. Những người này làm ăn tốt là chứng minh người thế gian đối với kiết hung họa phước có chồng chất nghi ngờ. Họ đều muốn biết một chút tin tức, để làm thế nào có thể tránh hung tìm kiết, họ đều giữ một cái tâm cầu may này. Bạn có tai nạn, bạn có thể trốn tránh nổi không? Trốn tránh không khỏi. Quả báo nhất định phải tự chịu. Bạn có phước, cái phước đó bạn không cần, bạn muốn bỏ đi cũng không bỏ được, phước cứ đi theo bạn. Phật không cho phép chúng ta đi làm những sự việc này.

Trong kinh A Nan Hỏi Phật Việc Tốt Xấu, Phật đối với gieo quẻ, xem tướng, tử vi, phong thủy, hết thảy không cho phép chúng ta đi hỏi. Ngài nói đây là ý thế gian, đệ tử Phật có thể làm việc thế gian, nhưng không được phép làm ý thế gian, lời nói này quá rõ ràng, minh bạch. Phật thật là từ bi đến cực điểm, chúng sanh có căn tánh, có mê hoặc này, cứ luôn muốn gieo quẻ để hỏi, cho nên Phật cũng thuận theo tập khí của chúng sanh, Ngài đã nói ra bộ kinh Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo để dạy đệ tử Phật chúng ta, nếu như đối với kiết hung có nghi hoặc thì gieo quẻ thế nào. Chúng ta nhìn thấy bộ kinh điển này, thì nghĩ đến Phật thật sự là từ bi đến cực điểm, vì chúng ta mà mở rộng cửa phương tiện. Nhưng phương pháp gieo quẻ đó, phần trước đều dạy bạn phải tu như thế nào thì mới có thể có được cảm ứng. Nếu bạn không có công phu tu học, thì bạn không thể có cảm ứng. Ở Trung Quốc chúng ta nhìn thấy có một cuốn sổ tay nhỏ “Quán Thế Âm Bồ Tát Linh Khóa”. Đó cũng là sách xem bói. Phần trước đại sư Ấn Quang có viết một bài tựa rất rõ ràng, trước khi gieo quẻ phải thật cung kính, phải thật thành khẩn niệm thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát 108 biến. Đây là cầu cảm ứng, điều này rất có đạo lý. Tại sao vậy? Thành tắc linh. Bạn niệm Phật hiệu hơn 100 biến rồi thì tâm định, tâm thành rồi. Nếu như chúng ta vĩnh đoạn tham sân si thì tâm này là chân tâm, là trực tâm chánh kiến, tâm Bồ-đề của bạn liền hiện tiền. Cho nên, tất cả kiết hung họa phước không cần phải đi hỏi nữa. Giờ nào cũng là giờ tốt, ngày nào cũng là ngày tốt, ở đâu cũng là chỗ tốt, không có gì là không kiết tường, vẫn là nguyên lý mà Phật đã nói ở trong bộ kinh này là “cảnh tùy tâm chuyển”. Tâm của bạn thuần thiện, không ác thì cảnh duyên của bạn thảy đều chuyển đổi hết. Chúng ta phải biết đạo lý này.



“Ngũ, thường sinh nhân thiên, bất canh ác đạo”.

Đây là lợi ích thứ năm trong mười lợi ích của việc lìa tà kiến.

Chúng ta nhất định phải biết, ác đạo là rất đáng sợ, thật sự là vô cùng khủng khiếp. Địa ngục là khổ nhất, chúng ta dứt khoát không được đi. Trong kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện nói rất nhiều, địa ngục là đau khổ vô lượng vô biên, bất kỳ loại nào chúng ta cũng chịu không nổi. Nhưng quả thật mà nói, địa ngục rất dễ dàng đọa lạc, mà rất khó ra khỏi. Những người nào đọa địa ngục vậy? Trong kinh Phật nói là những người phạm tội “ngũ nghịch, thập ác”. Mặt trái của thập thiện nghiệp đạo là thập ác nghiệp.

Trong “tội ngũ nghịch” là:

- Thứ nhất là giết cha.

- Thứ hai là giết mẹ.

- Thứ ba là giết A La Hán (thời xưa nói A La Hán, tức là hiện nay chúng ta nói thầy giáo tốt). A La Hán, Bồ-tát ở trong thế gian này quên mình vì người, giáo hóa chúng sanh, là con mắt của trời người, quả thật đúng là vô lượng công đức. Người như vậy, nếu bạn dùng tâm ác hại họ thì bằng với giết hại A La Hán.

- Thứ tư là làm thân Phật chảy máu. Phước báo của Phật rất lớn, thần hộ pháp rất nhiều, cho nên không có người nào có thể giết được Phật, nhưng khiến Phật bị thương một chút, chảy một chút máu thì có thể. Phật Thích Ca Mâu Ni cũng làm nên tấm gương cho chúng ta thấy. Đề Bà Đạt Đa hại Phật, làm thân Phật chảy máu. Chúng ta ngày nay ác ý phỉ báng Phật, hủy hoại hình tượng của Phật pháp, cũng có nghĩa là làm thân Phật chảy máu. Chúng ta dùng tâm sân hận, tâm chán ghét đem tượng Phật phá hoại, đây cũng là làm thân Phật chảy máu. Điều này mọi người đều biết, nhưng ý nghĩa sâu hơn thì mọi người không biết. Chúng ta thường hay đang tạo tội mà không biết, đó là gì vậy? Phá hoại hình tượng của Phật pháp. Chúng ta là người học Phật, đã thọ tam quy ngũ giới mà còn làm những việc ác, khiến đại chúng xã hội nhìn thấy, họ không muốn học Phật nữa. “Bạn nhìn xem, người học Phật là như vậy đấy!”. Chúng ta tạo tội địa ngục, đem hình tượng Phật pháp phá hoại mất rồi. Người tạo loại tội nghiệp này rất nhiều, nhưng nghĩ là “tôi không có tạo tội ngũ nghịch”, tự mình hoàn toàn không biết đây chính là tội ngũ nghịch.

Hình tượng của Phật pháp là gì? Lời giáo huấn đơn giản nhất, rõ ràng nhất là “Chớ làm các việc ác, vâng làm các việc lành, tự thanh tịnh ý mình, đó là lời Phật dạy”. Chúng ta ngày nay không thể tu thiện, hằng ngày vẫn tạo ác nghiệp, khiến đại chúng xã hội nhìn thấy tín đồ Phật giáo, liền mắng Phật Thích Ca Mâu Ni, liền đánh giá thấp Phật giáo, đó là chúng ta đang phá hoại hình tượng Phật giáo. Cho nên trong tất cả trường hợp, người học Phật, người đệ tử Phật đều phải chú ý cẩn thận, phải làm nên tấm gương tốt cho đại chúng, không được tạo hình ảnh xấu. Chúng ta tạo hình ảnh xấu thì làm sao có thể xứng đáng với Phật Thích Ca Mâu Ni? Chúng ta quy y Phật A Di Đà thì làm sao có thể xứng đáng với Phật A Di Đà? Niệm niệm phải tương ưng với chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Mỗi hạnh phải tương ưng với nhìn thấu, buông xả, tự tại, tùy duyên. Đây gọi là “ủng hộ Phật pháp”, đây gọi là “lễ kính chư Phật”. Những cái mà chúng ta biểu hiện có phải như thế này hay không? Chúng ta đã tạo tác biết bao nhiêu tội nghiệp mà tự mình hoàn toàn không biết. Tương lai đọa lạc đến Âm Tào Địa Phủ, vua Diêm La tính sổ với bạn, từng món từng món nói ra với bạn, đến lúc đó thì đã quá muộn rồi, hối hận không kịp nữa.

- Thứ năm là phá hòa hợp tăng. Phá hoại tăng đoàn, đặc biệt là phá hoại cơ duyên hoằng pháp lợi sanh, phá hoại cơ duyên nghe pháp của tín chúng. Pháp sư giảng kinh thuyết pháp, bạn phá hoại đạo tràng này; chúng sanh có cơ duyên nghe Phật pháp, bạn đi chướng ngại họ, không để họ nghe pháp. Đây gọi là phá hòa hợp tăng.

Năm tội trên đây là cực sâu, cực nặng, đều là đọa địa ngục A Tỳ. Chúng ta tạo loại tội nghiệp này, thế có nguy không? Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện đều nói rất cặn kẽ, rất tỉ mỉ về nghiệp nhân quả báo. Chúng ta thường hay đọc tụng, phải thường xuyên nhớ kỹ, nhất định phải quay đầu, phải đoạn ác tu thiện, nhất định phải biết “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Phật Bồ-tát là sư trưởng của chúng ta. Mở quyển kinh ra, nghe lời giáo huấn của Phật Bồ-tát, nhất định phải tùy thuận theo giáo huấn Phật Đà, không được tùy thuận theo ý của mình. Tùy thuận theo tham sân si mạn của mình chắc chắn đọa lạc. Phật ở trong kinh giáo hết lòng hết dạ chỉ dạy chúng ta. Trước khi chưa chứng được A La Hán, nhất định không được tùy thuận theo ý của mình, không nên tin vào ý của mình, vì ý của bản thân mình là sai lầm. Khi chứng được quả A La Hán, tức là kiến tư phiền não đều đoạn rồi, thập ác nghiệp đều không còn nữa, những việc bạn làm đều là thập thiện nghiệp, thì khi đó bạn có thể tin vào ý của bản thân bạn. Thập ác chưa có đoạn tận thì không thể tin vào ý của mình. Người mà có thể đoạn ác tu thiện, đoạn thật sạch sẽ, tu rất viên mãn, nhưng chưa gặp được Phật pháp, không biết thế giới Tây Phương Cực Lạc thì đời sau của người này cũng “thường sanh nhân thiên, bất canh ác đạo”. Tuy không thể thoát khỏi luân hồi, nhưng đều thọ sanh ở ba đường thiện, chứ không bị đọa vào ba đường ác. Trời, người ở trong ba đường thiện, không có A Tu La. A Tu La cũng không tốt. Hôm nay chúng ta giảng kinh Hoa Nghiêm sẽ nói về A Tu La. Chúng tôi sẽ giới thiệu với quí vị sao gọi là A Tu La? A Tu La không tốt ở chỗ nào?

Tốt rồi, thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.

A Di Đà Phật !!
« Chương TrướcChương Tiếp »