Chương 25: Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo

Vào thời xưa, khi quốc gia có tai nạn, địa phương có hung tai thì quốc vương và quan chức địa phương đều biết dùng Phật pháp để giáo hóa chúng sanh, trên dưới đều có thể y giáo phụng hành, được Phật cảm hóa tiêu trừ tai nạn. Trong lịch sử chúng ta nhìn thấy rất nhiều điển hình. Rốt cuộc có hiệu quả hay không? Sự thật lịch sử có thể chứng minh cho chúng ta. Tại sao lại có hiệu quả? Đạo lý này sâu rộng vô cùng. Trong kinh điển Đại Thừa Phật giáo nói rất rõ ràng, Nho gia và những tôn giáo khác cũng có nói nhưng không nói rõ ràng bằng Phật pháp. Điều này chứng tỏ điển tích của Phật pháp rất là phong phú.

Phật nói cho chúng ta biết, hư không pháp giới tất cả chúng sanh trong cõi nước chư Phật là cùng một nhân sanh. Nhân này Phật pháp gọi là tâm tánh, cùng một tâm tánh sinh ra. Giống như thân của con người chúng ta vậy, nó là một thân thể, thân thể này có biết bao nhiêu tế bào. Chúng ta hiện nay biết, tế bào hoàn toàn không phải là đơn vị nhỏ nhất. Tế bào là do nguyên tử, điện tử tổ hợp mà thành. Nhà khoa học cận đại nói cho chúng ta biết, nguyên tử, điện tử cũng không phải là đơn vị nhỏ nhất, còn có đơn vị nhỏ hơn điện tử, chỉ bằng một phần ức vạn, gọi là hạt “Quark”. Tất cả mọi chúng sanh trên thế giới chúng ta là giống như vật chất nhỏ nhất vậy, không biết toàn bộ cơ thể là mình, chấp trước cái hạt nhỏ kia cho đó là mình. Đến khi nào họ biết toàn bộ cơ thể là mình, sau đó mới biết được bất kỳ một hạt nào cũng có thể ảnh hưởng toàn thân. Giống như cơ thể chúng ta vậy, bất kỳ một tế bào nào, bất kỳ bộ phận nào, bạn dùng kim châm vào thì toàn thân đều cảm giác thấy đau, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Cho nên, Phật dạy chúng ta, khi có tai nạn xảy ra, nhất định phải phản tỉnh, phải ăn năn, phải hối lỗi, như vậy thì mới có thể hóa giải tai nạn.

Giáo dục của Phật Đà quả thật là nền giáo dục trí tuệ chí thiện cứu cánh viên mãn của thế xuất thế gian. Tất cả mọi vấn đề thế xuất thế gian đều có thể giúp chúng ta giải quyết. Chúng ta ở trong đời sống thường ngày gặp phải một số tai họa không may, thường hay nghe thấy lụt lội, hạn hán, động đất, bão tố, những thứ này đích thực là do chúng sanh hữu tình chúng ta đã tạo nghiệp bất thiện mà chiêu cảm nên. Nếu như nói những tai họa tự nhiên này không có liên quan gì với tư tưởng hành vi của chúng ta, thì đây là điều sai lầm, quan niệm này hoàn toàn sai lầm! Người Trung Quốc khoảng 2000 năm trước, vào thời đại của đế vương, có thể nói hầu như là không có đế vương nào mà không tiếp nhận giáo dục qua Phật pháp. Phật pháp truyền đến Trung Quốc từ triều Hán, năm thứ 10 Vĩnh Bình, Minh Đế thời hậu Hán (tức là năm 67 sau công nguyên), thì truyền đến Trung Quốc. Sau khi truyền đến Trung Quốc, giai cấp sĩ đại phu Trung Quốc, hiện nay gọi là phần tử tri thức, bất kể họ tin hay không tin, không có ai mà không đọc sách Phật, nhiều ít đều có đọc, do đó ảnh hưởng rất sâu. Khi tuổi còn trẻ, khí huyết sung mãn, thành kiến rất sâu nên không thể tiếp nhận, nhưng lúc tuổi về chiều thì có rất nhiều người tiếp nhận. Nhân vật đại biểu cụ thể nhất là Hàn Dũ. Hàn Dũ khi còn trẻ tuổi bài xích Phật pháp, lúc về già quy y Hòa thượng Đại Điên, chăm chỉ học Phật, biết tư tưởng kiến giải trước đây là sai lầm. Cho nên, người đi học trước đây có cái điểm hay, họ biết mình có lỗi lầm, họ biết sám hối, họ biết sửa lỗi, đây là điều rất hiếm có. Hiện nay có một số người vô cùng ngoan cố, tuy biết là sai rồi cũng không thừa nhận, cũng không chịu sửa, quả báo này là rất thê thảm. Chúng ta không thể không hiểu những đạo lý này, không thể không quan sát thật kỹ quá khứ, hiện tại, những sự thật này, để từ chỗ này xây dựng tín tâm.

Phật pháp là giáo dục từ đời sống thường ngày từng li từng tí, cho đến khi bạn triệt để hiểu rõ chân tướng hư không pháp giới. Đó là một nền giáo dục viên mãn, chúng ta cần phải lý giải. Gặp được Phật pháp là may mắn lớn. Có rất nhiều chính trị gia sinh ra hoài nghi đối với tôn giáo, đây là vì họ nhận thức không đủ. Tại sao Trung Quốc thời cổ đại, trải qua mấy ngàn năm nay thay đổi triều đại, mà mỗi một đế vương đều tôn sùng Phật giáo? Nguyên nhân là họ hiểu rõ, họ nhận thức được. Bản thân Phật Bồ-tát cho đến tất cả chúng sanh mà các Ngài giáo hóa, đối với quốc gia mà nói thì trong kinh Phạm Võng có hai điều chúng ta cần biết.

Điều thứ nhất: “Không làm giặc quốc gia”. Đây là điều mà Phật pháp dứt khoát không cho phép, điều này quốc gia hoan nghênh, có lợi ích lớn đối với quốc gia.

Điều thứ hai: “Bất báng quốc chủ”. Tuy người lãnh đạo quốc gia có lỗi lầm nhưng không được phép phỉ báng. Tại sao vậy? Vì họ là trung tâm mà người cả nước tin cậy. Nếu như phỉ báng đối với người lãnh đạo quốc gia, khiến cho người cả nước nghi ngờ, thì quốc gia này sẽ nguy hiểm ngay, cho nên có thể khuyên can, không nên phỉ báng. Chúng tôi nghĩ, đây là điều mà bất kỳ người lãnh đạo một dân tộc quốc gia nào trên toàn thế giới cũng hoan nghênh.

Nho gia dạy người, ví dụ thế gian muốn báo thù, “cái thù giết cha không đội trời chung”, cái thù lớn này nhất định phải báo, nhưng nếu kẻ thù này hiện nay là quan chức chính phủ thì bạn không thể báo. Tại sao vậy? Họ vì nhân dân phuc vụ. Nếu như bạn giết họ đi, báo được thù rồi, họ phục vụ rất tốt, làm rất tốt, bạn khiến biết bao nhiêu bá tánh mất phước thì tội này của bạn nặng rồi. Đến khi nào mới báo thù vậy? Đợi khi họ về hưu rồi hãy báo thì rất có đạo lý. Họ chưa về hưu, việc họ làm hiện nay là đang hiến thân vì nhân dân, vì xã hội, vì sự việc công ích thì bạn không thể báo, thù giết cha cũng không được phép báo. Chúng ta thử nghĩ, thánh nhân dạy người thật sự là hợp tình, hợp lý, hợp pháp.

Trong kinh Anh Lạc, Phật cũng dạy hai điều.

Điều thứ nhất: “Bất lậu quốc thuế”. Hiện nay rất nhiều người tìm đủ mọi cách để trốn thuế, đây là điều Phật pháp không cho phép. Đệ tử Phật không trọn nghĩa vụ nộp thuế, vậy là sai rồi, phạm giới rồi! Nộp thuế là nghĩa vụ mà người dân phải làm tròn. Quốc gia dựa vào thu thuế, dùng thu nhập này để kiến thiết đất nước. Nếu quốc khố chính phủ trống rỗng, không có tiền để làm nhiều sự nghiệp kiến thiết thì nhân dân không có phước rồi. Cho nên nộp thuế là tạo phước xã hội, tạo phước nhân quần. Đây là điều đứng đầu ở trong sự nghiệp từ thiện, chúng ta phải tròn nghĩa vụ.

Điều thứ 2: “Bất phạm quốc chế”. Quốc chế là pháp luật quốc gia, nhất định phải tuân thủ.



Các bạn thử nghĩ, nếu như lãnh tụ chính trị đọc kinh Phật, biết bốn giới điều này thì họ nhất định hoan nghênh, họ nhất định chủ động thúc đẩy giáo dục Phật Đà. Có rất nhiều người hỏi: “Chánh pháp là gì? Tà pháp là gì?”. Bốn giới điều này chính là tiêu chuẩn phân định tà chánh. Không biết yêu quốc gia, yêu dân tộc, chạy theo ngoại quốc, ức hiếp quốc gia của mình, đây là quốc tặc, đây không phải là Phật pháp. Phỉ báng người lãnh đạo quốc gia, phê phán hành chánh quốc gia, phân chia tình cảm nhân dân, xúi giục chia rẽ dân tộc, đây không phải đệ tử Phật. Phật hoàn toàn không có giáo dục như vậy bao giờ.

Về việc trốn thuế, cả thế giới, trong và ngoài nước đều có. Người nước ngoài trước đây rất thật thà. Hơn 40 năm trước, lúc tôi còn học tập với tiên sinh Phương Đông Mỹ, thầy đã từng nói với tôi, 50 năm trước (vào thời đó nói 50 năm trước, hiện nay cộng thêm 40 năm nữa là 90 năm trước), người Mỹ vào thời đó rất dễ thương, họ có tính chánh nghĩa. Hiện nay người Mỹ bị người Đông Phương đồng hóa rồi. Người Đông Phương trốn thuế, dùng đủ thứ kỹ xảo thông minh, qua giao lưu văn hóa người Mỹ học được rồi. Chúng ta học được những thói xấu của họ, họ cũng học được những thói xấu của chúng ta. Không học cái hay, chỉ học cái xấu, cũng học cách trốn thuế, cũng học cách tham ô, một mực nghĩ đến lợi hại, nghĩ đến tự tư tự lợi, đạo nghĩa không còn nữa, chui kẻ hỡ pháp luật, đây chính là phạm pháp.

Phật dạy chúng ta: “Bất tác quốc tặc, bất báng quốc chủ, bất lậu quốc thuế, bất phạm quốc chế”, đây là Phật giáo hóa tất cả chúng sanh. Làm thế nào yêu quốc gia? Bốn điều này bạn làm được rồi mới gọi là yêu nước, bạn không làm được thì là yêu nước giả chứ không phải thật. Phật Đà chỉ dạy chúng ta từng câu từng chữ, hàm nghĩa đều sâu xa vô cùng. Trong kinh Đại Tập, Phật còn nói cho chúng ta biết, nếu như thế gian không có Phật, đây là lời giả thiết, nhưng trên thực tế cũng là sự thật. Pháp vận của Phật Thích Ca Mâu Ni là 12 ngàn năm. Sau 12 ngàn năm thì thế gian không còn Phật nữa. Bồ-tát Di Lặc là vị Phật thứ năm của hiền kiếp sẽ thị hiện thành Phật, thời gian này là rất dài. Trong kinh Di Lặc Hạ Sanh, Phật nói cho chúng ta biết, Ngài đến khi nào tái lai vậy? Sau 56 ức vạn năm, hay nói cách khác, 56 ức vạn năm sau khi pháp vận của Phật Thích Ca Mâu Ni qua rồi, thế gian này không có Phật trong thời gian rất dài như vậy, phải đợi Phật Di Lặc hạ sanh giảng kinh thuyết pháp, đến lúc này Phật pháp mới xuất hiện. Cho nên, trong kinh Phật thường nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Thật là không dễ dàng!

Chúng ta thật may mắn có thể sinh vào trong 12 ngàn năm này, bạn mới gặp được Phật pháp. Khi không có Phật pháp, Phật cũng đã nói: “Thiện sự phụ mẫu, tức thị sự Phật”. Thế là chúng ta mới hiểu được, sau khi Phật pháp ở trong thế gian này bị tiêu diệt, tại sao Phật Thích Ca Mâu Ni đem việc độ hóa chúng sanh giao cho Bồ-tát Địa Tạng mà không giao cho Quan Âm Bồ-tát, Văn Thù Bồ-tát hay Phổ Hiền Bồ-tát? Những Bồ-tát lớn này Ngài đều không phó thác, duy chỉ phó thác cho Bồ-tát Địa Tạng là có ý gì vậy? Bồ-tát Địa Tạng là đại biểu hiếu thân tôn sư. Khi thế gian không có Phật pháp, bạn biết hiếu thân tôn sư là không khác gì so với việc phụng sự Phật Đà. Đây là nghĩa thú của biểu pháp, chúng ta cũng nên biết.

Giáo huấn của Phật Đà bắt đầu từ phụng sự cha mẹ. Trong tịnh nghiệp tam phước, câu nói đầu tiên là: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Phật dạy người bắt đầu từ chỗ này và cũng là viên mãn ngay chỗ này. Ngàn kinh vạn luận, trường kiếp tu hành đến cuối cùng chính là viên mãn hai sự việc này. Viên mãn là thành Phật rồi. Bạn hiểu rõ ràng đạo lý hiếu thân tôn sư rồi, thực hiện vào trong đời sống của bạn, thực hiện vào trong việc đối nhân xử thế của bạn thật viên mãn là bạn thành Phật rồi. Từ đó cho thấy, ngàn kinh vạn luận, 49 năm thuyết pháp, Phật nói gì vậy? Chẳng qua là nói đạo lý lớn của hiếu đạo và sư đạo, thực tiễn của hiếu đạo và sư đạo, Phật chỉ nói điều này. Nói đến chỗ rốt ráo thì Phật chỉ thị chúng ta, hư không pháp giới tất cả chúng sanh đều là cha mẹ của chúng ta, đều là thầy của chúng ta. Lời nói này người mới học rất khó thể hội, càng thâm nhập thì bạn sẽ càng phát hiện hai câu nói này của Phật là có đạo lý. Đến khi nào bạn có thể tiếp nhận không nghi ngờ vậy? Giác ngộ! Đại thừa viên giáo sơ trụ Bồ-tát tiếp nhận rồi, hoàn toàn không có nghi ngờ, tha thiết phụng hành. Từ sơ trụ đến đẳng giác, cấp bậc Bồ-tát này gồm có 41 cấp bậc. Họ tu cái gì vậy? Chẳng qua là thực tiễn đường lối này mà thôi. Người ở trong thập pháp giới chỉ có thể nói là nghe Phật có cách nói này, mặc dù không phản đối nhưng không cách gì chứng thực. Tại sao vậy? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước buông không được, vẫn là có phân biệt, vẫn là có chấp trước, cho nên chỉ có thể là nghe nói mà thôi. Nghe Phật có cách nói này, có phải là sự thật hay không? Phàm phu chúng ta sẽ nói là tôi vẫn không dám khẳng định. Bởi vì tôn trọng Phật nên không dám phản bác, nếu không phải Phật giáo đồ, đối với Phật không có cái tâm tôn trọng này thì đã đưa ra phê phán rồi. Lời Phật nói là chân thật, phải dùng trí tuệ, phải dùng thực tiễn mà chứng thực.

Cổ nhân thường nói: “Nhân tồn chánh cử, nhân vong chánh tức”. Chế độ tốt đi nữa cũng cần phải có người chấp hành mới có thể tạo nên hiệu quả. Dạy học cũng không ngoại lệ, nền giáo dục tốt đi nữa, nếu như người học tập không thực hiện được thì nó cũng trở nên vô vị. Đối với bản thân thì tu thân tề gia, đối với xã hội, đối với quốc gia cũng không có sự cống hiến thực chất. Giáo dục tôn giáo cũng không ngoại lệ. Ngày nay, xã hội chán ghét giáo dục Phật Đà một cách phổ biến, nguyên nhân do đâu? Chúng ta cần phải hiểu rõ. Sau khi chúng ta tiếp xúc rồi, hiểu rõ sâu sắc giáo dục Phật Đà quả thật là nền giáo dục chí thiện viên mãn của thế gian, bao gồm cổ kim trong ngoài. Tại vì sao mà lại sa sút đến mức độ này? Ai phải gánh trách nhiệm này? Học trò của Phật phải gánh! Không nên trách người khác. Phật đã không còn tại thế nữa, tổ sư đại đức cũng đã xa lìa chúng ta mà đi. Đệ tử của Phật hiện nay, tại gia, xuất gia, đối với lời giáo huấn của Phật Đà, chúng ta không thể nhận thức được, không thể lý giải được, không thể phụng hành được thì chúng ta là tội nhân của Phật Bồ-tát, là tội nhân của tổ sư đại đức.

Tối hôm qua, tôi nghe tiên sinh Hà Vân nói, giáo sư Cổ Chân Mỹ của đại học quốc gia này, những năm gần đây đã viết một cuốn sách dày, phân lượng rất lớn. Giáo sư chuyên nghiên cứu Phật giáo ở Trung Quốc 2000 năm nay, đã có sự cống hiến to lớn đối với quốc gia, với dân tộc, với chánh trị, với xã hội. Tiên sinh vô cùng tán thán, vì công việc này trước đây chưa có người làm. Tôi biết giáo sư Cổ vào thời ông còn đang học đại học, có lẽ là hơn 30 năm rồi. Ông nhìn Phật pháp từ góc độ này, rất hiếm có, đủ để gợi mở cho người lãnh đạo của mỗi quốc gia khu vực trên thế giới hiện nay.

Tôi biết phương Tây, vì tôi sống ở Mỹ rất lâu. Nước Mỹ là một quốc gia vô cùng hoan nghênh tín ngưỡng tôn giáo, từ tiểu học đã là như vậy. Họ điều tra học sinh tiểu học có tín ngưỡng tôn giáo hay không? Bất kể bạn tín ngưỡng tôn giáo nào cũng tốt. Người không có tín ngưỡng tôn giáo, họ bèn tặng cho một dấu chấm hỏi. Bạn là học sinh có vấn đề! Quả thật quan niệm không giống người phương Đông chúng ta. Tại sao vậy? Trong mắt người phương Tây, giáo dục tôn giáo là nền giáo dục đạo đức. Trong mắt bạn tôn kính thần, thì bạn sẽ được kiềm chế bởi lời giáo huấn thánh thần, đây là một sự việc tốt. Họ không xem việc này là mê tín. Chúng ta quan sát tỉ mỉ lãnh tụ người phương Tây, tổng thống Mỹ, thủ tướng Anh, vào Chủ Nhật đều đến giáo đường để cầu nguyện, đó là giáo dục tôn giáo.

Nếu nói Phật giáo là giáo dục tôn giáo, thì định nghĩa của “tôn giáo” này so với trong quan niệm của họ hoàn toàn không giống nhau. Đây là điều mà người học Phật chúng ta cần phải nên biết. Phật giáo chúng ta nói “Tông” là nói Thiền tông, chuyên chỉ Thiền tông; nói đến “Giáo” là ngoài Thiền tông ra, chín tông phái khác đều gọi là “Giáo hạ” . Tông môn Giáo hạ, đây là bản thân Phật giáo chúng ta xưng “Tôn Giáo”. Tông môn Giáo hạ đều là giáo dục, đều là dạy học, cho nên Phật giáo là giáo dục. Chúng ta không hề gọi Phật Thích Ca Mâu Ni là “Chủ”, là “Thần” hay là “Thượng đế”, mà chúng ta gọi Ngài là “Bổn sư”. Các bạn thử xem cách xưng hô này, “Bổn sư” là ý nghĩa gì vậy? Đây là vị thầy BAN ĐẦU của chúng ta - người sáng lập giáo dục Phật Đà, vị thầy này chúng ta gọi là “Bổn sư”. Chúng ta tự xưng là “Đệ tử”. Các bạn thử nghĩ, đây thật là ý vị! Quan hệ giữa chúng ta với Phật là quan hệ thầy trò. Trong giáo dục mới có quan hệ thầy trò. Trong tôn giáo có quan hệ cha con, quan hệ chủ tớ, không có quan hệ thầy trò. Đạo lý này chúng ta phải biết.

Đời hậu thế, đại chúng thông thường trong xã hội gọi người xuất gia là “Hòa thượng”. “Hòa thượng” là tiếng Phạn, ý nghĩa là “Thân giáo sư”. Nếu dùng danh từ giáo dục hiện đại của chúng ta mà nói thì Hòa thượng có hai loại thân phận. Loại thân phận thứ nhất là hiệu trưởng trường học, hiệu trưởng là Hòa thượng. Ngoài hiệu trưởng ra, những người khác không được gọi là Hòa thượng. Những người khác ở trong Phật pháp gọi là A-xà-lê, gọi là “Pháp sư”. Hòa thượng là người chủ trì giáo dục, họ phụ trách toàn bộ dạy học, họ mời những giáo sư, thầy giáo này thay họ chấp hành. Hiệu trưởng quản lý chính sách giáo dục, lên kế hoạch dạy học, làm thế nào có thể đạt được mục đích dạy học, còn các giáo viên đều là người giúp họ chấp hành. Vì vậy, Hòa thượng chỉ có một người, không có hai người. Nhưng trong phòng nghiên cứu đại học, giáo sư chỉ đạo cũng được xem là Hòa thượng, là thân giáo sư. Vì vậy, Hòa thượng có hai loại thân phận là hiệu trưởng và giáo sư chỉ đạo. Đây là cách xưng hô cực kỳ tôn kính, cho nên “Hòa thượng” không thể gọi tùy tiện.

A-xà-lê cũng là tiếng Phạn, ý nghĩa là ngôn hạnh của vị thầy này có thể làm tấm gương cho ta, cho nên thời xưa dịch thành “Quỹ phạm sư”, là quỹ đạo, mô phạm. Đây là thông thường gọi các giáo viên, ngôn hạnh của giáo viên có thể làm tấm gương cho học sinh, làm mô phạm cho học sinh.



Thời đại triều Đường, Phật giáo tại Trung Quốc đã khởi lên một cuộc cách mạng rất lớn, đó chính là sự hưng khởi của chế độ Tùng Lâm, đây là điểm đặc sắc của Phật giáo Trung Quốc. Chế độ Tùng Lâm là gì vậy? Chính là đại học chính quy. Phật Thích Ca Mâu Ni cả đời dạy học giống như Khổng Lão Phu Tử, là dạy tư thục, không có chính thức thành lập trường học, truyền đến Trung Quốc vẫn là thuộc về loại dạy học tư thục này. Đến thời Mã Tổ, Mã Tổ là đời thứ tám của Thiền tông, chúng ta thông thường gọi là đồ tôn của Lục Tổ đại sư Huệ Năng. Mã Tổ, Bá Trượng đều là người đời thứ tám. Hai người phát khởi xây Tùng Lâm, tức là đem giáo dục Phật giáo chính quy hóa, có tổ chức, tổ chức lại có hệ thống. “Mã Tổ xây Tùng Lâm, Bá Trượng lập Thanh Quy”, đó chính là chương trình của trường học này. Những chế độ quy định ở trong đây là do sư Bá Trượng định ra, đây chính là đại học Phật giáo. Trong Tùng Lâm phân công so với đại học hiện nay không khác nhau. Chủ tịch của tùng lâm cũng gọi là “Phương trượng”, đó chính là hiệu trưởng. Phương trượng là phòng họ cư trú không lớn, chu vi một trượng, cho nên gọi là phương trượng. Ở đây nhìn thấy sự đơn giản, tiết kiệm trong đời sống của người xuất gia. Đây là chủ tịch, đây là Hòa thượng, cho nên gọi là “Đại hòa thượng”. Dưới Hòa thượng có ba vị chấp sự cương lĩnh. Vị thứ nhất là Hòa thượng thủ tọa, quản lý việc giáo vụ, chính là trưởng giáo vụ ở trong đại học hiện nay, họ là “thủ tọa”. Vị thứ hai là “Duy na”, quản lý việc huấn đạo. Vị thứ ba là “Giám viện”, quản lý tổng vụ. Tên gọi thì khác nhau, thực ra Thủ Tọa chính là trưởng giáo vụ, Duy Na là trưởng huấn đạo, Giám Viện là trưởng tổng vụ. Hiện nay tổ chức trường học cũng giống y như thời đó vậy, chỉ là tên gọi chức vị khác nhau. Thủ tọa có rất nhiều vị, trong đó có một vị lãnh đạo gọi là “Hòa thượng thủ tọa”, họ quản lý dạy học. Cho nên nghiên cứu, quan sát tỉ mỉ thì Phật giáo là giáo dục, không phải tôn giáo.

Có người cảm thấy kỳ lạ, tại sao tự viện tùng lâm Phật giáo tạo ra nhiều tượng Phật như vậy, khiến người ta nhìn thấy giống như là mê tín vậy? Đó là do họ chưa có thâm nhập để tìm hiểu. Ngày nay, xã hội chúng ta tách đại học thông thường với viện bảo tàng ra, do đó có rất nhiều môn phải đến viện bảo tàng để điều tra, để tham quan, để nghiên cứu. Phật giáo thì rất đặc thù, đem viện bảo tàng với nhà trường tập hợp lại với nhau. Đây đích thực là nền giáo học nghệ thuật cao độ. Phật giáo coi trọng nghệ thuật điêu khắc, mỹ thuật, âm nhạc, thậm chí là kiến trúc nên đã đem nghệ thuật với giáo dục tập hợp lại với nhau, ngày nay gọi là nền giáo dục nghệ thuật hóa cao độ. Nền giáo dục này hay, khiến lục căn của bạn tiếp xúc cảnh giới toàn là giáo dục, ở mọi lúc, ở mọi nơi đều nhắc nhở bạn. Đây chính là “Biểu pháp” ở trong Phật pháp.

Chúng ta thử xem đại đức xưa chú giải ở trong kinh sách, đặc biệt là đại sư Thanh Lương chú giải kinh Hoa Nghiêm, chỉ ra cho chúng ta thấy ý nghĩa đủ dạng biểu pháp trong Hoa Nghiêm. Trong kinh nói với các bạn nhiều như vậy. Nói Bồ-tát là người giác ngộ triệt để. Nói thiên vương, chư thiên, thì thiên vương là đại biểu người lãnh đạo các cấp chế độ chính trị trong xã hội này. Chúng ta đọc thấy trong kinh Hoa Nghiêm, người lãnh đạo quốc gia, người lãnh đạo cấp tỉnh, người lãnh đạo huyện thị v.v… những người này thuộc về thiên vương, điều này chúng ta đã học qua rồi. Hiện nay, chúng ta đã học tạp thần chúng. Bạn thấy, Khẩn Na La Vương, những tạp thần nhiều đến mấy chục loại, chúng ta gần đây có học nhưng vẫn chưa xong. Tạp thần là đại biểu điều gì? Là người lãnh đạo các ngành các nghề trong xã hội, không phải thuộc về người lãnh đạo chính trị. Bạn mở công ty, mở cửa hàng, ông chủ là người lãnh đạo, cũng là thuộc vào loại này. Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo này, đây là dạy Long vương. Long vương thuộc về loại tạp thần, họ không thuộc về chính trị. Bạn phải hiểu được hàm nghĩa của nền giáo dục nghệ thuật hóa này của Phật giáo, đây không hề mê tín, mà là đem giáo dục thăng hoa. Dùng phương pháp nghệ thuật để biểu đạt thì hàm nghĩa sẽ sâu và sống động.

Phật nói ra kinh này là nói tại Long cung Sa-kiệt-la. Long cung Sa-kiệt-la là gì vậy? Chính là xã hội hiện thực của chúng ta. Sa-kiệt-la là tiếng Phạn, dịch theo mặt chữ là “biển mặn”. Nước biển có vị mặn. Tôi hỏi bạn, nước biển có dễ uống không? Nước biển rất khó uống. Đây đại biểu gì vậy? Thế gian này của chúng ta là biển khổ, khổ hải vô biên! Sa-kiệt-la là đại biểu biển khổ. “Long” là gì vậy? Là sự lý, nhân tâm trong xã hội này biến ảo vô thường. Long là loài giỏi biến hóa, trong mắt người thời xưa rồng và rắn là loài giỏi biến hóa nhất. Đây là hình dung điều gì vậy? Là thế gian sự lý, nhân tình biến hóa đa đoan. Cho nên Long cung ở đâu vậy? Ở xã hội trước mắt của chúng ta. Ai là “Long” vậy? Mỗi người đều là “Long”. Từ sáng đến tối nghĩ ngợi lung tung, đây gọi là Long. “Vương” chính là người lãnh đạo ở trong các ngành nghề. Trong nhà, bạn là gia trưởng, thì bạn là vua ở trong nhà. Bạn mở cửa hiệu nhỏ, bạn là ông chủ thì bạn là vua của cửa hiệu. “Vương” chính là ý này, đâu có gì là mê tín? Bạn phải hiểu được thâm nghĩa của Phật thuyết pháp. Trong Phật pháp thường nói: “Y văn giải nghĩa, tam thế Phật oan”. Nếu bạn theo mặt chữ mà giải thích, mà lý giải thì ba đời chư Phật đều hàm oan cả, bạn hiểu sai ý của các Ngài cả rồi! Bạn không hiểu lời Ngài nói là ý tại ngôn ngoại, để bạn thể hội chỉ một câu mà ý nghĩa vô cùng. Đây là nghệ thuật nói chuyện.

Người Trung Quốc biết nói chuyện, lão cư sĩ Triệu Phác Sơ nói rất hay: “Chúng ta chịu sự ảnh hưởng của Phật giáo. Nếu như không có Phật giáo, thì người Trung Quốc không thể nói ra được một câu hoàn chỉnh”. Tại sao vậy? Bạn thử nghĩ kỹ xem, trong một câu của bạn có rất nhiều danh từ, thuật ngữ toàn là của Phật giáo, cho nên xa rời văn hóa Phật giáo là không biết nói chuyện rồi. Cụ ấy nói rất có đạo lý, đây là người có nghiên cứu, có nhận thức đối với Phật pháp. Do đó, chúng ta hãy quan sát từ các phương diện, thì chúng ta mới thật sự lý giải Thích Ca Mâu Ni Phật là một người như thế nào. Dùng quan niệm của đại chúng xã hội hiện nay để định vị cho Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài là một nhà giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Tôi nghĩ, đây là điều mà người học Phật ai cũng khẳng định. Sự cống hiến cả đời của Thích Ca Mâu Ni Phật đối với xã hội, đối với nhân dân, Ngài là một người làm công tác nghĩa vụ về giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa đáng được chúng ta tôn kính.

Chúng ta học Phật thì phải noi theo Phật Thích Ca Mâu Ni. Chúng ta hiến thân phụng sự cho giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, thì chúng ta cũng phải học tập giống như Phật Thích Ca Mâu Ni làm một người dạy học nghĩa vụ. Cho nên, làm người thì không thể không học Phật.

Học Phật không xảy ra xung đột với tín ngưỡng tôn giáo. Lời nói này có lẽ là vào 30 năm, 40 năm trước, tôi đã nói tại Đại học Bổ Nhân. Tôi còn nhớ, khi tôi nói chuyện tại Đại học Bổ Nhân, người ngồi ở hai hàng ghế phía trước là các cha xứ và sơ, ngồi phía sau là sinh viên của trường họ. Tôi nhìn thấy nhiều cha xứ như vậy thì rất hoan hỷ. Tôi nói với họ: “Các bạn với Thượng đế là quan hệ cha con, các bạn đến học Phật thì các bạn với Phật Thích Ca Mâu Ni là quan hệ thầy trò, không hề có xung đột. Ở nhà có cha mẹ, đến trường thì có thầy, đâu có gì là xung đột?”. Tôi cũng đặc biệt khuyên họ, nhất định phải cố gắng học theo Phật Thích Ca Mâu Ni, nếu không thì Thượng đế sẽ rất cảm thán: “Con cái của ta được lắm, rất tốt, nhưng đáng tiếc là không được đi học”, thì Thượng đế cũng rất xấu hổ. “Nếu như bạn học Phật, thì Thượng đế sẽ cảm thấy rất vinh dự, con cái của Ngài là học trò của Phật Thích Ca Mâu Ni - người có trí tuệ nhất, Ngài cũng thấy vẻ vang”. Tôi nói xong, mọi người trong giảng đường đều cười vang. Hôm đó các đồng tu nói với tôi, những cha nhà thờ này yêu cầu tôi ở lại thêm nửa giờ, họ muốn hỏi một số vấn đề. Sau khi tôi giảng xong thì không còn vấn đề nào nữa. Cho nên, Phật giáo là nền giáo dục cứu cách viên mãn. Bất kỳ tín đồ tôn giáo nào cũng cần phải nên học Phật, đây là nền giáo dục trí tuệ, không có trí tuệ không thể giải quyết vấn đề.

Thật sự Thượng đế không phản đối học Phật. Chúng ta thấy trong kinh điển, Thượng đế thường hay mời Phật, Bồ-tát đến thiên cung để giảng kinh thuyết pháp. Cho nên tôi nói, hiện nay bạn không học Phật cũng không sao cả. Bạn cố gắng tu cho tốt pháp môn của bạn đi, tương lai bạn thật sự đến thiên đường rồi thì thượng đế của bạn mời Phật Bồ-tát giảng kinh, bạn đến nghe cũng vậy thôi, cũng tốt thôi. Bạn không đến được thiên đường thì bạn đã bỏ lỡ cơ hội này của bạn rồi. Cho nên, chúng ta phải rõ lý, phải nhận thức Phật giáo, phải gánh vác sứ mệnh giáo học, phải làm tấm gương tốt cho đại chúng xã hội thấy. Nếu như chúng ta không thể làm tấm gương tốt, thì chúng ta là tội nhân của Phật Bồ-tát, là tội nhân của tổ sư đại đức. Chúng ta có lỗi với bản thân, cũng có lỗi với xã hội. Bạn không có cơ duyên tiếp xúc được Phật pháp, thế thì khỏi phải bàn đến, nhưng tiếp xúc được rồi thì chúng ta sẽ có tính sứ mệnh.

Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.

A Di Đà Phật!