Kinh văn: “Phục thứ long vương, nhược ly tà hạnh, tức đắc tứ chủng trí sở tán pháp. Hà đẳng vi tứ? Nhất, chư căn điều thuận. Nhị, vĩnh ly huyên trạo. Tam, thế sở xưng thán. Tứ, thê mạc năng xâm. Thị vi tứ. Nhược năng hồi hướng, A-nậu-đa-la tam miệu tam Bồ-đề giả, hậu thành Phật thời, đắc Phật trượng phu, ẩn mật tàng tướng”.
Đoạn này nói đến “tà hạnh”, tức là nói tà da^ʍ. Nếu như có thể vĩnh ly tà da^ʍ, thì liền được tứ chủng trí tuệ sở tán thán. Chữ “trí” này chính là trí nhân, người có trí tuệ nhất định sẽ tán thán bạn. Bốn loại pháp nào vậy?
Loại thứ nhất: “Chư căn điều thuận”.
Câu nói này, dùng cách nói hiện nay mà nói chính là thân thể khỏe mạnh. “Căn” là thân căn. Thân thể khỏe mạnh là cái đứng đầu mà tất cả mọi chúng sanh đều mong cầu. Cho dù là người được đại phú đại quí, nhưng nếu như thân thể không khỏe mạnh thì cũng hối tiếc suốt đời. Đặc biệt là người từ sau tuổi trung niên, khỏe mạnh là phước báo đích thực. Da^ʍ dục quá độ thì chắc chắn tổn hại sức khỏe. Lúc còn trẻ thiếu hiểu biết, thì sau tuổi trung niên tất cả những bệnh tật này sẽ xuất hiện. Cho nên, đại đức xưa dạy người trẻ tuổi là vô cùng coi trọng điều này.
Loại thứ hai: “Vĩnh ly huyên trạo”.
“Huyên”, ở chỗ này nói là trong gia đình vợ chồng bất hòa, cãi cọ lung tung. “Huyên” là cãi cọ, “trạo” là thân tâm bất an. Ở trong một gia đình, vợ chồng không thể hòa hợp, người hiện nay gọi là ngoại tình. Chồng ngoại tình, vợ cũng ngoại tình thì gia đình này liền xuất hiện vấn đề ngay. Bởi do nghi ngờ, đố kỵ, sân hận nên cãi nhau là điều chắc chắn không thể tránh khỏi. Nó không chỉ ảnh hưởng đến hai người, mà còn trực tiếp làm tổn thương đến con cái, đặc biệt là con cái lúc còn tuổi ấu thơ. Cha mẹ là tấm gương ở trong mắt của chúng, hằng ngày chúng đều nhìn thấy. Nếu như cha mẹ tạo nên hình ảnh bất thiện thì sẽ ảnh hưởng cả đời của chúng. Chúng lại ảnh hưởng đến xã hội, ảnh hưởng này cứ dần dần lan rộng ra. Từ đó cho thấy, tà hạnh là tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, rất ít người có thể hiểu được những vấn đề này, rất ít người hiểu rõ được chân tướng sự thật. Nếu như bạn có thể vĩnh ly tà hạnh thì gia đình bạn hòa hợp, vợ chồng hòa thuận, gia đình hòa mục, thì vĩnh viễn sẽ không có những hiện tượng này.
Loại thứ ba: “Thế sở xưng thán”.
Đây là điều rõ ràng dễ thấy, vợ chồng hòa hợp, gia đình mỹ mãn, không những người nhà của bạn tán thán, cha mẹ anh em của bạn tán thán, bạn bè thân thích của bạn tán thán, bà con xóm giềng, xã hội đại chúng không ai không tán thán. Hôm kia, chúng tôi nhìn thấy Hiệp hội truyền đạo Hồi giáo tổ chức ngày lễ các bà mẹ của họ, biểu dương mười mấy người vợ hiền, mẹ tốt. Những người mẹ mẫu mực này, phần lớn đều là những người lúc còn trẻ chồng đã qua đời, hoặc giả là đã ly hôn. Họ cả đời thủ tiết, trải qua đời sống vô cùng gian khổ, nuôi dạy con cái nên người, để con cái được tiếp nhận giáo dục tốt nhất. Ngày nay ở Singapore, xã hội này đều có sự cống hiến kiệt xuất, cho nên những người mẹ này ở trong mắt của con cái là anh hùng vĩ đại vô song. Hiệp hội Hồi giáo tổ chức ngày lễ long trọng này để biểu dương họ. Họ là tấm gương của xã hội. Cốt yếu của tấm gương này, trung kiên chính là viễn ly tà hạnh, cổ nhân Trung Quốc chúng ta gọi là thủ tiết.
Ngày nay xã hội loạn động, chúng ta thường nói gốc do đâu vậy? Gốc do gia đình bị đổ vỡ. Nam nữ trẻ tuổi không hiểu được đạo lý lớn này. Hôn nhân là việc lớn của đời người, lễ xưa Trung Quốc coi trọng biết bao. Tại sao phải coi trọng và tại sao tổ chức hôn lễ một cách long trọng như vậy? Vì đó là cội gốc của tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Chúng ta hãy xem xét tỉ mỉ xã hội hiện nay, cả thế giới loạn động, bất an, mỗi một khu vực đều tiềm tàng nguy cơ nghiêm trọng. Nhân tố cơ bản này là do đâu? Chính là do lơ là giáo dục gia đình. Nếu như giáo dục gia đình không còn nữa, thì giáo dục của chúng ta thất bại hoàn toàn. Ngày nay trên thế giới này, trường học rất nhiều, đại học rất nhiều, cơ hội được giáo dục rất phổ biến, nhưng cái tiếp nhận được là nền giáo dục gì vậy? Đó là nền giáo dục công lợi, cổ vũ mọi người tham sân si, cổ vũ người ta đi làm sát, đạo, da^ʍ, vọng thì xã hội này làm sao đẹp được? Những thứ này mà phát triển thì đó thật sự là ngày tận thế sắp hiện tiền rồi. Ngày nay chúng ta nhìn thấy hiện tượng này của xã hội, hiện tượng chính là điềm báo, điềm báo điều gì vậy? Điềm báo về ngày tận thế. Vô cùng đáng sợ! Giữa con người với nhau không có đạo nghĩa, chỉ có lợi hại. Đối với ta có lợi thì người này là bạn bè, đối với ta không có lợi thì người này là kẻ địch, vậy thì có nguy không?
Vào thời xưa, tuy là thời đại quân chủ chuyên chế, có không ít đế vương rất tốt, họ nói đến nhân nghĩa. Phật dạy đế vương dùng thập thiện trị quốc. Nhà Nho dạy người lãnh đạo các giai cấp trong xã hội, từ đế vương cho đến lãnh đạo các tầng lớp trong xã hội, thậm chí là người chủ trong gia đình, đều dạy họ minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện, khinh tài lợi, trọng nhân nghĩa. Nếu như đại chúng xã hội đều tranh danh đoạt lợi, thì diễn biến cuối cùng chắc chắn là đại chiến thế giới. Từ người lãnh đạo quốc gia đến bình dân, ở trong mắt họ chỉ có lợi hại, vậy có nguy không? Chỉ biết có lợi, không biết đạo nghĩa thì xã hội này hết cứu nổi rồi. Cho nên để cứu vãn xã hội hiện nay, cứu vãn kiếp nạn này (kiếp nạn là thiên tai nhân họa), thì chính trị không làm được, vũ lực không thể giải quyết vấn đề. Nho và Phật đều nói rất rõ ràng, dùng vũ lực chỉ là kết oán thù, nhân quả thông ba đời, oan oan tương báo không bao giờ dứt, sự báo thù đó mỗi lần một tàn khốc hơn. Chúng ta hãy quan sát tỉ mỉ trong lịch sử thì bạn có thể thể hội được. Bạn thấy đại thế chiến lần thứ nhất, đại chiến lần thứ hai, lần sau tàn khốc hơn lần trước. Đại chiến lần thứ ba, có người nói đây là lần chiến tranh cuối cùng của thế giới, tại sao vậy? Lần chiến tranh này bùng nổ thì người trên thế giới hầu như chết hết. Nhà tiên tri Trung Thế Kỷ nước Pháp nói, sau khi cuộc chiến tranh này xảy ra, dân số trên thế giới chỉ còn “bảy cái đại số”. Bảy cái đại số có người nói là 700 triệu người, cũng có người nói là 70 triệu người. Người hầu như đều chết hết thì không còn đánh nhau nữa, cho nên cuộc chiến tranh này là cuộc chiến tranh cuối cùng, chúng ta có thể tin như vậy. Nếu như ngày nay trên thế giới, tất cả quốc gia có vũ khí hạt nhân, bom hạt nhân của họ thảy đều nổ thì thế giới này hầu như là hủy diệt hết rồi. Thật sự đến lúc đó, người sống ngưỡng mộ người đã chết, vì sống để chịu tội! Do đâu tạo nên vậy? Do mọi người tranh danh đoạt lợi tạo nên. Cho nên, thánh hiền thế xuất thế gian không ai mà không dạy chúng ta tiết kiệm, nhẫn nhượng, dùng thiện tâm chân thành giúp đỡ người khác, vậy mới có thể có được hòa bình vĩnh cửu.
Thánh nhân không dạy lễ vật kết giao qua lại phải bình đẳng, mà phải nên nhiều thêm một chút. Người hiện nay không coi trọng điều này, nhưng vào thời xưa ngay cả người thôn quê chưa hề đi học cũng biết. Khi bạn bè thân thích tặng quà, thì tự mình phải dùng sổ tay để ghi lại. Tại sao phải ghi lại? Vì khi họ có ngày vui mừng, chúng ta tặng quà lại cho họ, thử xem họ tặng cho chúng ta bao nhiêu, chúng ta không thể tặng ít hơn họ. Tặng quà giống nhau, nhưng tặng hơn một chút thì tình người hậu. Xã hội xưa của Trung Quốc là như vậy, quốc gia thì hơn như thế. Bất kỳ quốc gia nào tặng quà đến Trung Quốc đều được ghi lại hết, lễ vật tặng là những thứ gì, chúng ta trả lễ là những thứ nào, nhất định trả lễ phải hậu hơn. Vậy thì sao có thể giành phần hơn với người khác được? Cho nên để giải quyết vấn đề tai nạn trước mắt chỉ có giáo dục, giáo dục thánh hiền, giáo dục của Phật Bồ-tát mới có thể giải quyết được.
Loại thứ tư: “Thê mạc năng xâm”.
Xâm là xâm phạm. Ở trong xâm phạm, điều nghiêm trọng nhất chính là ly hôn, chia tài sản, xâm là ý nghĩa này. Vĩnh ly tà hạnh, bạn chắc chắn sẽ không có sự việc này, tuyệt đối không nên có ý nghĩ này. Chúng ta thử xem, ngày nay thế giới này tỉ lệ ly hôn cao bao nhiêu. Có một số đồng tu từ Trung Quốc đến đây, họ nói với tôi về vấn đề này. Họ nói, Trung Quốc hiện nay tỉ lệ ly hôn cũng rất cao, khoảng chừng 25%. Nhưng đại chúng xã hội cho rằng đây là hiện tượng tốt, đây là dân chủ tự do mở cửa đích thực. Đây là tư tưởng của người phương Tây. Tỉ lệ ly hôn của người phương Tây chiếm đến trên 60%, nghe nói Đài Loan đã chiếm đến 50% rồi, xã hội này làm sao có thể không loạn động được? Người ly hôn, con cái của họ là người trực tiếp chịu tổn hại, những đứa trẻ này từ nhỏ có tư tưởng và tâm trạng không bình thường, thiếu tình thương và tràn đầy sân hận. Sự việc này phát triển thì hậu quả chúng ta cũng không khó tưởng tượng ra được. Cho nên giáo dục của bậc thánh hiền, chúng tôi dùng một chữ để làm tổng kết chính là “giáo dục tình thương”. Thánh nhân dạy chúng ta là giữa người với người phải kính yêu lẫn nhau, phải tôn trọng lẫn nhau. Phần trước bộ kinh này, Phật nói với chúng ta thật hay vô cùng. Ngài nói, Bồ-tát có một pháp có thể đoạn tất cả các khổ của ác đạo, đây là pháp gì vậy? “Ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quan sát thiện pháp, lệnh chư thiện pháp, niệm niệm viên mãn, bất dung hào phân, bất thiện gián tạp” (“thiện pháp” chính là thập thiện nghiệp đạo), bạn liền vĩnh đoạn ác nghiệp, ác đạo sẽ không còn nữa (ác đạo là do ác nghiệp biến hiện ra). Đoạn khai thị này là quan trọng không gì sánh bằng. Chúng ta phải thực hiện vào trong gia đình, áp dụng vào đời sống vợ chồng, áp dụng vào trong công việc, bạn làm việc có rất nhiều đồng nghiệp. Áp dụng vào trong xã hội, xử sự đối nhân tiếp vật, chỉ nhớ điểm tốt, điểm thiện của người khác, tuyệt đối không nên nghĩ đến ác niệm, ác hạnh của người khác. Cho dù người ta có ác niệm, ác hạnh, nhưng chúng ta dứt khoát không nên để ở trong lòng. Chúng ta chỉ nghĩ cái thiện của họ, thì thời gian lâu dần, người ác sẽ được bạn cảm hóa thành người thiện, vậy là bạn đã làm việc tốt. Bạn cảm hóa một người quay đầu, sức ảnh hưởng đó rất lớn, ảnh hưởng vô số người quay đầu, vô số người tỉnh ngộ. Từ đó cho thấy, chúng ta nhất định phải chăm chỉ nỗ lực học tập thập thiện này, đối với chúng ta chắc chắn là có lợi ích. Không những bản thân không phạm tà hạnh mà còn phải khuyên bảo, khích lệ bạn bè thân thích mà bạn quen biết, phải đem công đức lợi ích này nói rõ ràng, nói sáng tỏ cho họ nghe. Cứu chính mình, cứu xã hội, cứu tất cả chúng sanh chỉ ở một niệm này. Một niệm tùy thuận theo giáo huấn Phật Đà thì đường chúng ta đi là Phật đạo, là Bồ-tát đạo. Đi ngược lời giáo huấn của Phật Đà, con đường bạn đi là ba đường ác. Cho nên, đây là người có trí tuệ tán thán, họ thấy rất rõ ràng, họ biết sự lợi hại được mất ở trong đây. Sau cùng, bạn có thể hồi hướng về vô thượng Bồ-đề, thì quả báo là Phật “ẩn mật tàng tướng”. “Ẩn mật tàng tướng” là một trong ba mươi hai tướng tốt. “Ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp” là quả báo thiện, nhà Nho gọi là “chỉ ư chí thiện”. Quả ắt có nhân, nhân duyên tuy rất nhiều, vô lượng vô biên, nhưng quy nạp trở lại vẫn không ngoài mười loại này. Cho nên, thập thiện triển khai chính là vô lượng vô biên thiện hạnh, thiện pháp. Hy vọng các đồng tu chúng ta dẫn đầu đi làm, làm nên tấm gương cho người ta thấy, người ta sẽ tin, sẽ bắt chước theo. Như vậy là chúng ta thành tựu vô lượng vô biên công đức.
Kinh văn: “Phục thứ long vương, nhược ly vọng ngữ, tức đắc bát chủng thiên sở tán pháp. Hà đẳng vi bát? Nhất, khẩu thường thanh tịnh, ưu bát hoa hương”.
Hiện nay thế gian có không ít người tin tưởng khoa học, đối với quỷ thần mà trong tôn giáo nói đến, có lẽ cũng rất khó tiếp nhận và phủ định tất cả. Những lời trong bộ kinh này là Phật nói với Long vương, chúng ta có thể tin được không? Long vương rốt cuộc là ở đâu? Chúng ta phải hiểu được sự thiện xảo của Phật thuyết pháp. Mỗi một câu, mỗi một chữ mà Phật nói ra đều hàm chứa vô lượng nghĩa, vấn đề là chúng ta phải biết giải thích. Bộ kinh này mới mở đầu viết rất rõ ràng là Phật nói ở trong Long cung Sa-kiệt-la, cho nên có người hỏi tôi, Long cung Sa-kiệt-la rốt cuộc là ở đâu? Tôi nói với họ, chính là xã hội trước mắt chúng ta. Sa-kiệt-la là tiếng Phạn, dịch thành nghĩa tiếng Trung Quốc là “biển mặn”. Biển thì lớn, nước biển đều có vị mặn. Nước biển có dễ uống hay không? Các bạn có từng nếm qua vị của nước biển chưa? Đắng chát không thể uống. Đây là hình dung biển khổ, thế gian này của chúng ta là biển khổ.
Long đại biểu điều gì vậy? Điều này ở trong Phật pháp nói rất nhiều. Long là đại biểu biến hóa. Thế gian này của chúng ta nhân tình, sự lý biến hóa vô thường, Long là loài giỏi biến hóa, là có ý nghĩa này. Chúng ta sống ở trong xã hội khổ nạn này, đây chính là Long cung Sa-kiệt-la.
Vương là gì vậy? Là người lãnh đạo các ngành, các nghề, không nhất định là chỉ quốc vương. Bạn là ông chủ công ty thì ở công ty bạn là vương. Bạn là người chủ trong một gia đình, cả nhà đều nghe theo bạn thì bạn là vua trong nhà. Người lãnh đạo các ngành, các nghề gọi là vương. Long vương là ý nghĩa này. Cho nên, cách nói này khiến bạn lập tức nghĩ đến xã hội biến hóa đa đoan này, thế gian này là biển khổ, bạn thử nghĩ xem mùi vị của nó phong phú biết bao. Nếu như bảo một đế vương, một cư sĩ hay một chủ nhân nào đó đến thuyết pháp với họ, thì ở trong đó sẽ không có nghĩa thú rộng rãi nhiều như vậy, đây là phương tiện thiện xảo của Phật thuyết pháp.
Chúng ta thử hỏi lại, loài Long này thật sự có không? Thiên long bát bộ thật sự có không? Đây là có thật. Họ ở một tần số không gian khác, chúng ta không nhìn thấy. Phật có năng lực đột phá tất cả không gian khác nhau, cho nên Phật thuyết pháp, trong mắt Ngài nhìn thấy thính chúng rộng lớn, mỗi loài chúng sanh không cùng tần số không gian đều có. Người như chúng ta không nhìn thấy, đợi khi cảnh giới của bạn nâng cao, bạn có thể đột phá mấy tầng không gian rồi, thì giải thích này lại là một loại giải thích khác. Vì vậy chúng ta mới biết, “Phật dĩ nhất âm nhi thuyết pháp, chúng sanh tùy loại các đắc giải”. Cho nên, tất cả chúng sanh nghe Phật thuyết pháp đều có lợi ích. Chúng ta sống trong không gian ba chiều, không có năng lực đột phá những không gian từ bốn chiều trở lên. Cách giải thích này không sai tí nào cả. Cho nên, Sa-kiệt-la là thí dụ cho thế gian này của chúng ta là biển khổ. Long vương ở trong xã hội biến hóa đa đoan này là người lãnh đạo các giai cấp.
Phật dạy chúng ta thiện pháp chân thật. Bạn thử xem quả báo này thù thắng biết bao, quả báo của “không sát sanh”, “không trộm cắp”, “không tà da^ʍ” thù thắng biết bao. Nếu như bạn đi ngược lại, không những quả báo thù thắng này không có mà còn mang lại tai nạn. Chúng ta quan sát thật kỹ xã hội ngày nay, mọi người đều đang tạo thập ác nghiệp. Ai đem thập ác nghiệp làm cho rộng, làm cho lớn thì người này là anh hùng, được xã hội tán thán. Ngược lại, người tu thập thiện nghiệp, không tạo thập ác nghiệp, người xã hội nhìn thấy người này là bất tài, khiếp nhược. Chúng ta ngày nay rốt cuộc là muốn hành thập thiện hay là muốn tạo thập ác? Quí vị nhất định phải nhớ rằng, đời người là khổ và ngắn ngủi. Sau khi chết rồi, rất có thể sẽ đổi qua một không gian khác không cùng tần số. Chúng ta hy vọng ở đời sau. Người hiện nay cũng không tin có đời sau. Nếu họ tin có đời sau, thì tôi tin rằng họ khởi tâm động niệm sẽ biết cẩn thận. Quả thật có đời sau, điều này không giả tí nào cả.
Trước đây ở Mỹ, tôi xem thấy một số tạp chí, báo chí thường hay đăng những tin tức này, có người đem nó sưu tập lại, dịch thành tiếng Trung Hoa đưa tôi xem. Hiện nay ví dụ này rất nhiều, cần nên sưu tập nhiều, phát biểu nhiều, lưu hành nhiều, để mọi người hiểu được đây là sự thật, chắc chắn có đời sau. Nếu như chúng ta tỉ mỉ quan sát cũng không khó thể hội. Chúng ta mỗi tối thường hay nằm mộng, tần số không gian trong mộng với đời sống thật của chúng ta là khác nhau. Mạng sống của chúng ta xả bỏ rồi, nhưng cảnh mộng đó không bị mất đi, tại sao vậy? Cảnh mộng với thân thể chúng ta không liên quan, nó vẫn tồn tại. Trong Phật pháp nói rất rõ ràng, cảnh mộng là chủng tử ở trong A Lại Da Thức khởi hiện hành. Chỉ cần quan sát tỉ mỉ thì mười pháp giới mà Phật nói, chúng ta cũng có thể tiếp nhận, cũng có thể thể hội được.
Từ đoạn này đến bốn đoạn về sau, kinh văn nói về khẩu nghiệp. Tất cả chúng sanh, đặc biệt là chúng sanh thế giới Ta-bà, trong ba nghiệp “thân, khẩu, ý”, thì khẩu nghiệp là nặng nhất. Cho nên Phật đã nói bốn điều:
Điều thứ nhất là “Vọng ngữ”. Vọng ngữ là giữ tâm lừa gạt người khác, tội này thì nặng.
Kế đó, hữu ý hay vô ý truyền bá vọng ngữ tổn hại người khác. “Người khác” này là bao gồm cả xã hội của chúng ta, bao gồm quốc gia và thế giới. Kết tội là phải xem vọng ngữ này của họ ảnh hưởng bao lớn. Ảnh hưởng càng lớn, tức là người bị hại càng nhiều, thì tội này sẽ càng nặng. Nếu như vọng ngữ này lừa gạt người ít, người bị hại ít, thì tội này của họ sẽ nhẹ. Chúng ta nói năng không thể không cẩn thận, không thể không suy nghĩ là từng lời nói sau khi nói ra sẽ gây nên hậu quả như thế nào. Trong kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo, Thích Ca Mâu Ni kể cho chúng ta câu chuyện. Có hai vị Tỳ Kheo giảng kinh thuyết pháp, hoằng pháp lợi sanh, pháp duyên rất thù thắng, liền có người đố kỵ dùng lưỡng thiệt, vọng ngữ để phá hoại, khiến tín chúng mất đi tín tâm với hai vị pháp sư này. Họ đã phá hoại đạo tràng hoằng pháp này, quả báo của họ là bị đọa địa ngục. Phật ở trong kinh nói rất rõ ràng, đọa vào trong địa ngục một ngàn tám trăm vạn năm. Đây là dùng thời gian nhân gian chúng ta để tính, nhưng ở trong địa ngục cảm thọ của họ là vô lượng kiếp. Cái khổ trong địa ngục gọi là “một ngày như một năm”, cho nên cảm thọ thực tế của họ là vô lượng kiếp, thời gian của nhân gian là một ngàn tám trăm vạn năm. Nếu như bạn biết những quả báo này, thì tại sao phải tạo những ác nghiệp này chứ? Tạo nghiệp quả thật rất dễ dàng, thậm chí chỉ mấy phút, chỉ mấy giờ đặt điều sanh sự, đâu có biết được quả báo thảm như vậy.
Công đức của không vọng ngữ thù thắng vô cùng. Phật ở chỗ này nói: “Đắc bát chủng thiên sở tán pháp”. Thiên là thiên nhân. Thiên nhân, thiên thần tán thán bạn.
Thứ nhất: “Khẩu thường thanh tịnh, ưu bát hoa hương”
“Ưu bát hoa” dịch thành tiếng Trung Quốc là hoa sen xanh. Trong miệng bạn tỏa mùi thơm. Điểm này chúng ta cũng phải thường xuyên cảnh giác, trong miệng chúng ta tỏa ra mùi là mùi gì? Nếu như mùi này rất khó ngửi, đối với người tu hành mà nói không phải việc xấu, tại sao vậy? Vì cảnh báo chính mình là: “Ta khẩu nghiệp không thanh tịnh, cần phải nỗ lực tu học!”, cho nên đây là việc tốt. Ở chung với đại chúng, có khi khoảng cách gần nói chuyện, liền ngửi thấy mùi rất khó ngửi của người khác, bạn cũng không nên chê bỏ, bạn chê bỏ họ là sai rồi. Trong tâm bạn phải biết khẩu nghiệp của họ rất nặng. Khẩu nghiệp này chính là vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ.
Cổ nhân có nói là trước 40 tuổi, quả báo của chúng ta vẫn chịu sự ảnh hưởng của nghiệp báo quá khứ, quả báo còn sót lại. Sau 40 tuổi, nghiệp mà bản thân mình đời này đã tạo dần dần sẽ hiện ra. Lời nói này rất có đạo lý. Ác nghiệp tạo trong đời quá khứ chúng ta không sợ, chỉ cần chúng ta thật sự giác ngộ, thật sự quay đầu đoạn ác tu thiện. Chúng ta nhìn thấy ở trong Liễu Phàm Tứ Huấn, người giống như Viên Liễu Phàm này ở Trung Quốc trước đây, thậm chí là hiện đại rất nhiều. Họ đều có thể thay đổi vận mệnh của mình, vận mệnh đều nắm chắc ở trong tay của mình. Giáo dục của Phật Đà không có gì khác, chính là dạy chúng ta cải tạo vận mệnh. Đoạn ác tu thiện là cải tạo vận mệnh. Phá mê khai ngộ là chuyển phàm thành thánh. Chúng ta muốn cải tạo vận mệnh của mình, thì phải cố gắng học theo Phật. Phật đối với chúng ta từ bi đến tột đỉnh. Phật là hoàn toàn nghĩa vụ, nói lời chân thật.
Chúng ta có được lời giáo huấn của Phật, chúng ta không có cái gì có thể báo đáp Ngài, nhưng Ngài chẳng cần gì cả. Lúc còn tại thế, Ngài chỉ là ba y, một bát, bạn dâng cái gì Ngài cũng không cần, huống hồ Phật Đà hiện nay không còn tại thế. Chúng ta để kỷ niệm Ngài, tôn kính Ngài và không quên ân đức của Ngài nên tạo tượng Phật để cúng dường,. Có phải Ngài có ý muốn chúng ta tạo tượng để cúng dường, kỷ niệm Ngài phải không? Không hề có ý nghĩ này. Đây là phát xuất từ tâm báo ơn của chúng ta, Ngài không hề có ý này. Cho nên từng câu, từng chữ đều là giáo huấn chân thật. Bạn có thể khéo giữ khẩu nghiệp thì bạn nhất định được khẩu thường thanh tịnh, hương hoa sen xanh.
Năm 1977, lần đầu tiên tôi đến Hồng Kông giảng kinh, đồng tu Hồng Kông nói với tôi, lão Hòa Thượng Hư Vân đã từng đến Hồng Kông. Vào thời đó, ở trong giới Phật giáo Hồng Kông, tứ chúng đồng tu đều hy vọng giữ Lão Hòa Thượng thường trụ tại Hồng Kông và đã xây một tinh xá cho Ngài. Ngôi tịnh xá đó tôi đã có đến thăm. Nghe nói lão Hòa Thượng chỉ ở có mấy ngày rồi lại trở về Trung Quốc đại lục. Ngài nói với đồng tu Hồng Kông: “Nơi này không thể ở được”. “Nơi này” chính là Hồng Kông, là thế giới phồn hoa, không thích hợp cho người tu đạo, sống ở đây sẽ đọa lạc, cho nên Ngài trở về Trung Quốc. Đồng tu Hồng Kông nói cho tôi biết, lão Hòa Thượng một năm cắt tóc một lần. Bạn xem hình của lão Hòa Thượng Hư Vân, tóc của Ngài rất dài, một năm cắt tóc một lần, một năm tắm một lần, y phục cũng không thay, trên cổ áo cặn dầu bám rất dày, nhưng ngửi thử rất thơm. Ngài không giống chúng ta, quần áo chúng ta ba ngày không giặt là có mùi hôi, quần áo của Ngài tỏa mùi thơm dịu. Thơm dịu chính là hương sen xanh. Thế là chúng ta liền biết, lão Hòa Thượng giữ được ba nghiệp thanh tịnh mới cảm được quả báo này. Chúng ta không cách gì có thể sánh với Ngài, như những chỗ này đều đáng để chúng ta cảnh giác. Chúng ta ba ngày không tắm rửa, thay quần áo, thử ngửi xem có mùi gì? Từ những chỗ này thì biết cảnh giới công phu của mình. Tu hành, khám nghiệm công phu của mình, ở đâu cũng vậy, chỉ vì bản thân chúng ta quá lơ là, quá sơ suất thôi. Tự mình cần phải biết cảnh giới của mình thì việc tu học sẽ có tín tâm, tăng trưởng tín tâm, cũng có thể giúp mình, cảnh sách chính mình dũng mãnh tinh tấn, thật sự được lợi ích quả thật khác nhau.
Khi nói chuyện, mùi trong miệng tỏa ra rất khó ngửi, không nhất định là tuổi tác cao, người trẻ tuổi cũng vậy. Lúc tôi mới bắt đầu học Phật, tự tôi không nhận thấy, có một số cư sĩ thường hay đến gần tôi, họ biết nhưng họ không nói. Tôi vẫn còn nhớ, thời đó có một lão cư sĩ, ông là một vị lão tín đồ ở chùa Lâm Tế, tên bỗng chốc tôi quên mất rồi. Vào lúc đó, có lẽ ông khoảng hơn 60 tuổi, đã về hưu. Khi tôi giảng kinh ở Thư viện Hoa Tạng, ông đến nghe. Tôi giảng kinh được 20 năm thì thư viện này bắt đầu thành lập, sau 20 năm mới có được một thư viện như vậy. Có một hôm, ông nói với tôi: “Pháp sư à, trước đây mùi trong miệng thầy rất khó ngửi, bây giờ không còn nữa”. Trong suốt 20 năm, bản thân tôi không biết và xưa nay cũng chưa có ai nói, chỉ có vị lão cư sĩ này nói cho tôi biết.
Chúng ta thật sự nương theo Phật pháp tu hành thời gian lâu rồi, nhưng kinh này hằng ngày vẫn phải đọc, hằng ngày phải giảng. Nếu như chúng ta xa rời kinh giáo, thì chúng ta sẽ nghĩ ngợi lung tung. Ngày nay, danh vọng lợi dưỡng trong xã hội, sự cám dỗ của tài, sắc, danh, thực, thùy quá mạnh mẽ, nếu chúng ta xa rời lời giáo huấn của Phật Đà, chúng ta chắc chắn chống không nổi, nhất định sẽ đọa lạc. Chúng ta giống như chiếc thuyền rách ở giữa sóng to gió lớn, nhưng vẫn không bị chìm đắm là nhờ Phật pháp hằng ngày nhắc nhở chúng ta, hằng ngày đang khuyến khích chúng ta. Khi cảnh giới hiện ra, chúng ta lập tức liền nghĩ đến lời giáo huấn của Phật Đà thì mới không đến nổi bị chìm đắm. Cho nên, chúng tôi thường nói, tâm thanh tịnh thì thân liền thanh tịnh, thể chất liền thanh tịnh. Có thể y giáo tu hành thập thiện nghiệp đạo này thì có thể thay đổi thể chất, thay đổi dung mạo của bạn. Tướng tùy tâm chuyển, thể chất cũng tùy tâm chuyển. Lợi ích đầu tiên là mùi trong miệng không còn nữa, chuyển đổi thành thơm dịu, đây là lợi ích thứ nhất của “không vọng ngữ”. Chúng ta cũng ở chỗ này khám nghiệm “không vọng ngữ” của mình, làm được công phu như thế nào, có thể từ chỗ này mà nhận ra. “Tướng lưỡi rộng dài” thì điều đó quá khó, không dễ dàng, nhưng cái này thì dễ, thiện nhỏ liền có quả báo nhỏ này. Phật nói, nếu người ba đời không vọng ngữ, thì lưỡi lè ra có thể liếm đến mũi của mình. Lưỡi của Thích Ca Mâu Ni Phật lè ra là có thể che hết cả mặt, chứng tỏ đời đời kiếp kiếp Ngài không vọng ngữ! Đây là một trong ba mươi hai tướng tốt.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.
A Di Đà Phật!