Tải app Android hoặc iOS để đọc truyện nhanh hơn

Hỗ trợ: Fanpage TruyenHD

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh

Chương 17: Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo

« Chương TrướcChương Tiếp »
Kinh văn: “Long vương! Nhược ly sát sanh, tức đắc thành tựu thập ly não pháp. Hà đẳng vi thập? Nhất, ư chư chúng sanh phổ thí vô úy. Nhị, thường ư chúng sanh, khởi đại từ tâm. Tam, vĩnh đoạn nhất thiết sân nhuế tập khí. Tứ, thân thường vô bệnh. Ngũ, thọ mạng trường viễn”. Lần trước tôi đã giảng đến đây. Chúng ta tiếp tục xem xuống phía dưới:

Điều thứ sáu: “Hằng vi phi nhân chi sở thủ hộ”. “Phi nhân” là chỉ ngoài cõi người, phần lớn là chỉ quỷ thần. Quỷ thần, ngạn ngữ thường nói: “Nhân đồng thử tâm, tâm đồng thử lý”. Mặc dù là ngạ quỷ, nhưng đối với người có tâm thiện họ cũng tôn kính, họ sẽ không làm tổn hại. Cho dù là có oan nghiệp hay là oan gia trái chủ trong quá khứ, gặp phải người có tâm từ, họ vẫn cung kính như nhau, không những không đến gây phiền phức mà còn ủng hộ bạn, tại sao vậy? Vì thiện tâm, thiện hạnh của bạn họ cũng được thơm lây, họ cũng được hưởng phước. Vì vậy tâm thiện, niệm thiện, hành thiện là quan trọng hơn hết.

Trong tất cả mọi bệnh tật, chúng ta biết nguồn gốc của bệnh tật quy nạp lại không ngoài ba phương diện:

- Thứ nhất là ăn uống sinh hoạt không điều độ, ngày nay chúng ta gọi là không vệ sinh, dẫn đến bệnh tật. Bệnh này là phải tìm thầy thuốc, thuốc men có thể giúp đỡ được.

- Thứ hai là oan gia trái chủ tìm đến. Giống như quốc sư Ngộ Đạt bị mụt ghẻ hình mặt người, đây là thuộc loại này. Trong Phật pháp gọi là “phi nhân”, người thế gian gọi là bị oan quỷ nhập. Chúng tôi ở trong và ngoài nước thường hay gặp sự việc này, họ đến tìm tôi. Gặp phải trường hợp này thì phải làm thế nào? Bị những loại oan quỷ này nhập, chúng ta phải hòa giải. Phàm là gặp phải loại này, đi khám bệnh uống thuốc chỉ là giúp được chút ít thôi, chắc chắn không thể trị khỏi. Việc quan trọng nhất là tụng kinh bái sám để hòa giải, như “Lương Hoàng Sám”, “Từ Bi Tam Muội Thủy Sám”, những loại này là thuộc về hòa giải. Nếu đối phương tiếp nhận hòa giải thì họ liền đi, bệnh của bạn sẽ khỏi ngay.

- Thứ ba là bệnh nghiệp chướng. Đây không phải oan gia đối đầu, mà là bản thân tạo tội nghiệp quá nhiều nên bị nghiệp báo. Bệnh này rất phiền phức, thuốc men không thể chữa trị, hòa giải cũng không được. Phật dạy chúng ta sám hối, trong Thập Đại Nguyện Vương, Bồ-tát Phổ Hiền nói là “sám trừ nghiệp chướng”. Sám từ đâu vậy? Sám từ trong tâm, đoạn ác tu thiện, sửa chữa lỗi lầm, thì bệnh này liền có cơ hội chuyển biến, chuyển nguy thành an.

Hai loại bệnh phía sau này, dùng phương pháp đoạn ác tu thiện đều vô cùng có hiệu quả. Đặc biệt một người thật sự quay đầu, biết được mình khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đã sai rồi, triệt để sửa chữa lỗi lầm thì bệnh nghiệp chướng sẽ được tiêu trừ, tức là oan gia trái chủ cũng sẽ không tìm bạn kiếm chuyện nữa. Người thiện thì mỗi niệm vì xã hội, mỗi niệm vì chúng sanh, cho nên “phi nhân” cũng được phước. Họ không những không hại bạn mà còn đến bảo vệ bạn. Cho nên, trong đồng tu chúng ta khi đang niệm Phật, tụng kinh, cảm giác bên cạnh có những phi nhân này, thậm chí là tự mình thấy sởn tóc gáy thì không nên sợ hãi. Quả thật là bên cạnh bạn có, có thể cũng không phải là ít, nếu ít, bạn sẽ không có cảm giác rõ rệt như vậy. Vào lúc này, bạn chân thành niệm Phật, tụng kinh hồi hướng cho họ, chính là bạn đang siêu độ họ. Đọc kinh cho họ nghe, họ nghe xong sẽ giác ngộ. Giống như trước đây, Thiền tông Đại sư Huệ Năng tình cờ đi ngang qua cửa sổ nhà người ta, trong nhà có người tụng kinh Kim Cang, Ngài vừa nghe qua liền hiểu rõ, Ngài liền giác ngộ. Trong cõi quỷ, có rất nhiều quỷ thần thích nghe kinh, cho nên bạn sẽ thường được sự bảo vệ của thiên địa quỷ thần, trong cửa Phật chúng ta nói là thần hộ pháp, thần hộ pháp phù hộ bạn.

Điều thứ bảy: “Thường vô ác mộng, tẩm giác khoái lạc”. Đây là vào mỗi buổi tối, bạn nghỉ ngơi, ngủ nghỉ vô cùng yên ổn, không có ác mộng. Chúng ta phải thường xuyên dùng điều này để kiểm tra công phu tu hành của bản thân mình. Công phu có đắc lực hay không, có thể từ chỗ này mà kiểm tra. Khi chưa có học Phật thì thường hay thấy ác mộng, hầu như ngày nào cũng thấy. Sau khi học Phật được một thời gian thì ác mộng ít đi, đây chính là công phu đắc lực, bạn có thành tựu rồi. Càng nâng cao lên thêm, ác mộng gần như không còn nữa, trong một năm hiếm có một lần ác mộng, vậy là bạn công phu khá rồi. Công phu nếu thuần thục hơn, là thường hay mộng thấy thánh hiền, mộng thấy Phật Bồ-tát, mộng thấy cảnh giới thù thắng mà trong kinh điển nói. Đây là tướng tốt. Nếu như chúng ta học Phật, trong một tuần vẫn còn thấy hai, ba lần ác mộng thì phải đặc biệt cảnh giác, công phu của chúng ta không đủ. Khởi tu từ đâu vậy? Đoạn ác tu thiện, nhất định phải thật nghiêm túc sửa chữa lỗi lầm. Cho nên, đây là một phương pháp dễ dàng nhất, bình thường nhất để kiểm tra công phu tu hành của chúng ta.

Điều thứ tám: “Diệt trừ oán kết, chúng oán tự giải”. “Oán kết” chính là chúng ta thường thường nói có hiềm khích với người, có chuyện không vui với người, thế gian thường nói là “đắc tội với người”. Việc có lỗi với người quá nhiều, việc có lỗi với người rất dễ hay phạm phải, đặc biệt là ở trong lời nói, có ý hay vô ý đã kết oán với người. Lời nói, thái độ của chúng ta, điều này vào thời xưa là được cha mẹ, thầy cô dạy từ nhỏ. Mục đích việc dạy này là gì? Không nên có lỗi với người, mục đích là ở chỗ này. Một người quả thật có thể làm được cả đời không có lỗi với người, thì người này là rất tuyệt vời, được gọi là chánh nhân quân tử. Nhưng trong xã hội hiện nay, nền giáo dục cổ xưa chúng ta đều không gặp được, chuẩn mực xử sự đối nhân tiếp vật chúng ta chưa hề được nghe thấy, cho nên trong hữu ý hay vô ý, chúng ta có lỗi với người thật quá nhiều. Người thông minh thì những chuyện mà họ thường hay vấp phải là cứ dần dần trở nên tốt hơn, họ biết cẩn thận. Người này ở trong xã hội, bất kể là làm ở trong ngành nghề nào họ đều thành công cả, tại sao vậy? Họ được rất nhiều bạn bè giúp đỡ. Nếu bạn không hiểu rõ đạo lý này, đến đâu cũng có lỗi với người thì bạn không được người khác giúp đỡ, bạn trơ trọi một mình thì bất kể bạn làm ngành nghề nào cũng đều thất bại.

Người xuất gia cũng không ngoại lệ, bạn có lỗi với người nhiều rồi thì hộ pháp sẽ không còn nữa. Nội hộ, ngoại hộ đều không còn thì bạn sẽ rất gian nan khốn khổ. Cho nên, Phật pháp thường nói “kết duyên”, nên kết thiện duyên, nên kết pháp duyên, điều này quan trọng. Trước đây, chúng tôi theo học với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, thời đó chúng tôi vẫn chưa xuất gia, học Phật với Ngài, học giảng kinh với Ngài. Thầy căn dặn chúng tôi, việc quan trọng hàng đầu chính là kết duyên với đại chúng. Thầy nói với chúng tôi, nếu như không kết thiện duyên, không kết pháp duyên với tất cả chúng sanh, cho dù bạn học giỏi đi nữa, bạn lên bục giảng, giảng đến nỗi hoa trời rơi rụng cũng không có ai thích nghe. Khi lên bục giảng kinh, thính chúng rất nhiều là pháp duyên của bạn thù thắng, bạn kết duyên tốt với người nhiều. Dứt khoát không nên kết ác duyên, kết ác duyên thì phiền phức to rồi, chướng ngại của bạn sẽ nhiều, kẻ thù của bạn sẽ nhiều. Ác duyên cũng phải đem nó hóa giải. Phương pháp hóa giải là tự mình thật sự đoạn ác tu thiện. Cho nên có câu: “Diệt trừ oán kết, chúng oán tự giải”, chỉ cần bạn thật sự quay đầu, thật sự là người thiện, được sự khẳng định của xã hội đại chúng, thì oan gia trái chủ của bạn nhìn thấy, nghe thấy, tâm họ cũng bình rồi thì ý nghĩ trả thù không còn nữa. Đây là phương pháp hóa giải oan kết.

Điều thứ chín: “Vô ác đạo bố”. Bản thân có tín tâm, khẳng định tương lai không còn đọa đường ác, tại sao vậy? Nghiệp nhân ba đường ác mặc dù có, điều này là không thể tránh khỏi vì vô lượng kiếp trước tạo nghiệp ác, nhưng nhân muốn khởi hiện hành, tức là muốn kết thành quả báo thì phải có duyên. Có nhân mà không có duyên thì sẽ không kết quả, giống như chúng ta có một hạt dưa, đó là nhân, đem nó để vào trong ly thủy tinh, để 100 năm nó cũng không trở thành dưa được, tại sao vậy? Không có duyên. Duyên của nó là thổ nhưỡng, nước, ánh nắng, không khí, bạn đem duyên của nó dứt hết rồi, thì tuy có nhân mà không thể kết thành quả.

Chúng ta biết, trong A Lại Da Thức của mỗi chúng sanh, nghiệp nhân của mười pháp giới thảy đều đầy đủ. Chúng ta có nhân của ba đường ác, chúng ta cũng có nhân làm Phật, làm Bồ-tát, thảy đều có đủ. Cho nên, trong mười pháp giới, nếu chúng ta muốn có thành tựu như thế nào, bạn chỉ cần hiểu được duyên là được rồi. Ta muốn làm Phật, ta khiến cái duyên Phật này của ta niệm niệm tăng trưởng, còn duyên của chín pháp giới khác ta đem nó khống chế, xa lìa nó, vậy trong đời này ta liền làm Phật rồi. Duyên làm Phật, điều quan trọng nhất là gì? Niệm Phật! Niệm niệm đều tương ưng với Phật thì bạn nhất định làm Phật. Không nên nghi ngờ mình không có thiện căn, không có chủng Phật, vậy là sai rồi. Tất cả chúng sanh đều có chủng Phật, cho nên chúng ta phải có tín tâm. Trong điều thứ ba của tịnh nghiệp tam phước là: “Phát Bồ-đề tâm, thâm tín nhân quả”. Điều này chúng tôi đã giảng rất nhiều rất nhiều lần rồi, “thâm tín nhân quả” đó không phải nhân quả gì khác, mà là “niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Chúng ta nhất định phải tin rằng niệm Phật là làm Phật, niệm Bồ-tát là làm Bồ-tát. Cho nên, người thật sự hiểu được, họ từ sáng đến tối chỉ niệm A Di Đà Phật, họ không cần tụng kinh, không cần niệm chú, cũng không cần đi tu những pháp môn khác, tại sao vậy? Vì xen tạp rồi. Đã tạp, đã loạn thì công phu không thuần. Quan trọng nhất là công phu phải thuần, công phu thuần thì bạn chắc chắn thành công. Tại sao có một số người tín tâm của họ đối với việc vãng sanh có đầy đủ mười phần vậy? Họ chuyên tu, không tạp. Xen tạp thì bạn có thể vãng sanh hay không là một ẩn số, công phu thuần nhất thì bạn chắc chắn khẳng định, cho nên bạn còn đi làm những cái khác để làm gì? Chúng ta mỗi ngày nghe kinh, đọc kinh là để làm gì vậy? Là để đoạn nghi sanh tín. Nếu như bạn đã tin rồi, nhất định không có mảy may nghi ngờ thì kinh giáo này là không cần nữa, bạn còn đi nghe kinh, đọc kinh làm gì? Một câu Phật hiệu niệm đến cùng!

Năm xưa, niệm Phật đường của Ấn Quang Đại Sư chỉ có một câu Phật hiệu, nhất định không xen tạp những thứ khác. Khi khởi hương niệm một biến kinh A Di Đà, để làm gì vậy? Là để nhiếp tâm. Trước khi vào niệm Phật đường tâm thường tán loạn, tụng một biến kinh A Di Đà là để thâu tâm lại, ý nghĩa là như vậy. Nếu như tâm thanh tịnh, tâm không tán loạn thì quyển kinh A Di Đà cũng là quá thừa. Qua đó chúng ta mới biết, người ta dùng công phu tối thượng thừa là dùng như thế nào. Ngày nay, chúng ta niệm Phật lại muốn đọc kinh Địa Tạng, lại muốn đọc Hạnh Nguyện Phẩm, lại còn muốn tu Mật Tông, xen tạp rất nhiều pháp môn, đây là người không có phước báo. Chúng ta xem qua thì biết, đây là người phước mỏng, không phải người tối thượng thừa mà trong Phật pháp nói. Chúng ta phải hiểu rõ, tối thượng thừa chỉ là một câu Phật hiệu. Đạo tràng chúng ta mỗi ngày vẫn giảng kinh là để làm gì? Là để tiếp dẫn người sơ cơ. Giúp đỡ xã hội tiêu trừ tai nạn thì việc giảng kinh là điều rất cần thiết. Thế gian có thêm một người học Phật, thêm một người hiểu rõ Phật pháp thì thế gian có thêm một người thiện, thêm một người thiện thì bớt đi một người ác, người thiện sẽ nhiều hơn. “Hằng vi phi nhân chi sở thủ hộ”, xã hội này, thế giới này là có chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ. Chúng ta giúp đỡ tất cả chúng sanh tiêu tai miễn nạn nên làm việc này (việc giảng kinh này).



Đối với bản thân chúng ta, nhất định là một câu Phật hiệu niệm đến cùng, nhất định phải hiểu được đạo lý này. Nếu tín tâm của bạn không đầy đủ, vẫn còn nghi hoặc, gặp phải cảnh giới vẫn còn động tâm thì bạn cần phải đọc kinh, nghe kinh. Đọc kinh tốt nhất chỉ là một bộ thì bạn mới chuyên, chuyên đọc kinh Vô Lượng Thọ, chuyên nghe kinh Vô Lượng Thọ. Vậy, có cần phải nghe kinh khác hay không? Tín tâm không đủ, có nghi hoặc không thể giải trừ thì hãy nghe nhiều, nếu không còn nghi ngờ nữa thì bạn nghe nó để làm gì? Đây là phương pháp giúp đỡ người thượng thượng căn của cổ thánh tiên hiền và tổ sư nhiều đời.

Nếu như bạn phát tâm Bồ-đề muốn phổ độ tất cả chúng sanh, giúp đỡ tất cả đại chúng, thì bạn phải học nhiều, tại sao vậy? Vì căn tánh chúng sanh không giống nhau. “Quảng học đa văn” là vì ai vậy? Là vì người khác, không phải vì mình, điều này nhất định phải biết. Ta học thật rộng, vì ta có thể độ rất nhiều chúng sanh căn tánh bất đồng. Cho nên, học là vì người khác, niệm Phật là vì bản thân, tự lợi và lợi tha phải cho thật rõ ràng, cho thật minh bạch. Lợi tha tuyệt đối không làm hại tự lợi, tự lợi cũng có thể giúp lợi tha, vậy là tốt. Cho nên, nhất định tự mình phải có tín tâm, tuyệt đối không đọa ba đường ác.

Điều thứ mười: “Mạng chung sanh thiên”. Đây là nói, bạn không có phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ thì bạn chắc chắn sanh thiên, đời sau sẽ không ở cõi người mà lên cõi trời để hưởng phước trời. Tại sao vậy? Thiên nhân là từ bi, cả đời bạn có thể giữ không sát sanh, thiện pháp này, trình độ đức hạnh này của bạn ngang bằng với cõi trời, sanh thiên là do đạo lý này mà được sanh. Không phải nói, hằng ngày cúng dường, nịnh nọt thiên thần là bạn có thể sanh thiên. Trình độ đức hạnh của bạn phải ngang bằng với họ, thì bạn không lạy trời, bạn cũng sẽ sanh thiên.

Mười loại quả báo này đều là quả báo thiện. Cho nên vĩnh ly tất cả phiền não, đây là dạy chúng ta lìa được sát sanh là có thể lìa những pháp khổ não này.

Kinh văn: “Nhược năng hồi hướng A-nậu-đa-la tam miệu tam Bồ-đề giả, hậu thành Phật thời, đắc Phật tùy tâm, tự tại thọ mạng”.

Không sát sanh là bố thí vô úy, quả báo của bố thí vô úy là khỏe mạnh trường thọ. Cho nên, bạn có thể đem công đức này hồi hướng về vô thượng Bồ-đề, tương lai thành Phật là được Phật Vô Lượng Thọ, Vô Lương Thọ “Tùy Tâm Tự Tại”. Chúng ta hiểu được quả báo thù thắng như vậy, viên mãn như vậy, thì chúng ta cần phải nghiêm túc học tập. Đối với tất cả chúng sanh dứt khoát không có tâm tổn hại, không những không được làm tổn hại mà chỉ khiến chúng sanh sinh phiền não là chúng ta cũng đã sai rồi. Chúng ta khiến chúng sanh vì ta mà sinh phiền não, thì bản thân chúng ta sẽ thường xuyên có phiền não, vậy là phiền não của chúng ta không thể dứt được.

Kinh văn: “Phục thứ Long vương, nhược ly thâu đạo, tức đắc thập chủng, khả bảo tín pháp. Hà đẳng vi thập? Nhất giả, tư tài doanh tích, vương tặc thủy hỏa, cập phi ái tử, bất năng tán diệt. Nhị, đa nhân ái niệm. Tam, nhân bất khi phụ. Tứ, thập phương tán mỹ. Ngũ, bất ưu tổn hại. Lục, thiện danh lưu bố. Thất, xứ chúng vô úy. Bát, tài mạng sắc lực, an lạc biện tài, cụ túc vô khuyết. Cửu, thường hoài thí ý. Thập, mạng chung sanh thiên. Thị vi thập. Nhược năng hồi hướng, A-nậu-đa-la tam miệu tam Bồ-đề giả, hậu thành Phật thời, đắc chứng thanh tịnh đại Bồ-đề trí”.

Đoạn này, Thế Tôn vì chúng ta khai thị mười loại quả báo thù thắng của không trộm cắp.

Thứ nhất: “Tư tài doanh tích, vương tặc thủy hỏa cập phi ái tử, bất năng tán diệt”.

Loại thứ nhất là giàu có. “Tư tài doanh tích, vương tặc thủy hỏa cập phi ái tử”. Đây là trong kinh Phật thường nói, tiền tài là của năm nhà, bạn sẽ không gặp nạn này. “Vương” là trước đây vào thời xưa, nếu như bạn phạm tội thì gia sản của bạn sẽ bị nhà nước tịch thu, tịch biên. “Tặc” là trộm cướp. “Thủy, hỏa” là bị nước cuốn trôi, lửa thiêu. “Phi ái tử” là con phá hại. Đây là của chung của năm nhà, bạn có thể tránh được tai nạn này.

Có thể nói, tất cả mọi chúng sanh hằng luôn mong cầu được giàu có. Người không thích giàu có thì rất ít, đó là người đích thực có đạo, an bần lạc đạo. Bạn thấy, tuyệt đại đa số người đều đang theo đuổi giàu có. Giàu có có thể theo đuổi được hay không? Nếu như nói chúng ta có năng lực theo đuổi được giàu có, thì giáo huấn của thánh hiền có thể vứt bỏ rồi, bạn có thể lật đổ được định luật của nhân quả. Trong kinh giáo Phật nói với chúng ta, pháp thế xuất thế gian đều không ra khỏi định luật nhân quả. Pháp thế gian như vậy, mà pháp xuất thế gian cũng như vậy. Ngài Thanh Lương chia kinh Hoa Nghiêm thành ngũ chu nhân quả. Ngài Trí Giả chia kinh Pháp Hoa thành nhất thừa nhân quả. Phật pháp không thể lìa nhân quả, đạo lý này chúng ta cần phải nên hiểu rõ. Gieo nhân thiện nhất định được quả thiện, nhân bất thiện mà muốn cầu được quả thiện là không có đạo lý này. Giáo dục của thánh hiền nhân, tổng kết lại, họ dạy chúng ta điều gì vậy? Chẳng qua là dạy chúng ta có năng lực biện biệt tà chánh, thị phi, đây là nhân; giúp chúng ta nhận thức kiết hung họa phước, kiết hung họa phước là quả.

Cái gì là tà, là chánh? Phàm là tương ưng với tai họa, quả báo là tai họa, quả báo là hung, thì đây chính là “tà”, đây chính là “phi”. Nếu như quả báo là kiết tường, là phúc, thì đây chính là “thị”, đây chính là “chánh”. Tiêu chuẩn, định nghĩa của kiết hung họa phước nhất định phải xem từ trên quả báo. Nhà Phật nói về quả báo rất nhiều, nói cũng rất rộng, rất sâu: “Quả báo thông ba đời”. Hiện tại chúng ta được phước báo nhưng tương lai không có phước, thì phước báo này là giả, không phải thật.

Chúng ta hãy xem xã hội hiện nay, có rất nhiều người lúc còn trẻ thì phát đạt, thật sự là “tư tài doanh tích”, tài sản có ức vạn, nhưng kinh doanh khoảng 10 năm, 20 năm thì công ty của họ phá sản vì vỡ nợ. Đây là điều mà trong xã hội hiện nay chúng ta nhìn thấy rất nhiều. Sự phát đạt đó của họ, sự giàu có đó của họ không phải thật. Quả thật mà nói, là bày ra trước mắt cho bạn xem mấy ngày mà thôi, thời gian không dài. Nếu như sự giàu có này của họ có thể kéo dài đến đời con cháu, đời đời đều có thể duy trì, thì đây mới là thật, không phải giả. Cổ nhân Trung Quốc chúng ta nói “giàu không quá ba đời”, ý nghĩa của câu nói này thật sâu xa, ba đời là suy, là bại rồi, vậy đâu phải là thật. Ba đời còn không phải thật, bản thân ở ngay trong đời này còn giữ không xong, có thể thấy được là càng hư huyễn.



Trong Phật pháp nói phước báo, tức là nói đời này có phước, đời sau có phước, đời sau nữa có phước, đời đời kiếp kiếp đều có phước. Người hiện nay nhãn quan nông cạn, chỉ thấy trước mắt, đây là không có trí tuệ, đây là ngu si. Giáo huấn của cổ thánh tiên hiền không phải là không có đạo lý, nếu như không có đạo lý, những lời giáo huấn này làm sao có thể kéo dài mấy ngàn năm được? Trong mấy ngàn năm này đều không có một người thông minh sao? Không có người có thể đem giáo huấn của cổ nhân vạch trần, lật đổ? Đến thời này của bạn, bạn thông minh, bạn có thể đem nó phủ định hết à? Chúng ta phải suy nghĩ thật nhiều. Trong giáo huấn của cổ nhân, chắc chắn không xen tạp sự lợi hại của cá nhân. Họ với chúng ta không quen biết, họ không cầu mong chúng ta bất kỳ một chút báo đáp nào. Không những họ không mong cầu chúng ta cúng dường về vật chất, mà còn không mong cầu hậu thế chúng ta đối với họ lễ kính tán thán. Thật sự họ đã đạt đến vô sở cầu. “Vô sở cầu” thì lời nói đó là lời chân thật. Phàm là có sở cầu, có điều kiện thì lời nói này chưa chắc là thật. Chư Phật Bồ-tát, cổ thánh tiên hiền đối với tất cả chúng sanh chỉ có một thái độ là “vô điều kiện, vô sở cầu”. Vì vậy, chúng ta phải nhận thức được người nào là thiện tri thức, người nào là người tốt, người nào là người xấu, phải có năng lực biện biệt.

Chư Phật Bồ-tát, cổ thánh tiên hiền chúng ta nhìn sự việc rất thấu triệt. Đối với lý luận nhân quả, sự thật về nhân quả, sự chuyển biến của nhân quả, sự tương tục của nhân quả, sự tuần hoàn của nhân quả, các Ngài thấy quá rõ ràng, quá sáng tỏ rồi. Cho nên, các Ngài hướng dẫn chúng ta một tổng nguyên tắc: “Gieo nhân thiện nhất định được quả thiện, nhân bất thiện chắc chắn gặt quả báo bất thiện”. Thánh nhân sở dĩ trở thành thánh nhân, hiền nhân sở dĩ thành hiền nhân đều không ra khỏi đạo lý này.

Giàu có từ đâu mà ra vậy? Do bố thí tài mà có. Bố thí tài là nhân, giàu có là quả báo. Quả báo tốt hay không? Điều này rất khó nói. Tôi trước đây giảng kinh cũng thường nói, bạn đời này được giàu có là trong đời quá khứ bạn tu nhân thiện, ngày nay bạn được quả báo. Quả báo hiện tiền rồi, là phước hay họa rất khó nói, vấn đề là bạn có trí tuệ hay không? Biết cách dùng tiền là trí tuệ. Nếu như bạn không có trí tuệ, tiền của bạn dùng không đúng chỗ là tạo tội nghiệp, thế là biến thành họa, là không phải phước. Có mấy người biết dùng tiền? Từ đó cho thấy, thật sự biết dùng tiền là phải dựa vào trí tuệ lớn. Trí tuệ lớn vẫn là từ trong giáo dục mà ra. Quy kết đến cuối cùng là vấn đề giáo dục, mấu chốt của kiết hung họa phước là ở giáo dục. Người có trí tuệ, tự nhiên có thể sẽ hướng đến cái tốt, lìa xa cái xấu. Mà cách thức hướng về kiết, tránh hung nhất định là ở đoạn ác tu thiện, thì nhân quả của bạn mới tương ưng, thêm phá mê khai ngộ thì thật sự bạn có thể xa lìa hung tai, hướng về kiết tường. Đây là giáo huấn của thánh hiền.

Câu phía dưới nói: “Vương tặc thủy hỏa cập bại gia tử”. Những điều này đều là do chúng ta ở đời quá khứ và đời nay kết duyên bất thiện với tất cả chúng sanh mà tạo thành. Từ đó cho thấy, chúng ta sống trên thế gian, xử sự đối nhân tiếp vật, ngôn hạnh cử chỉ của chúng ta không thể không cẩn thận. Bồ-tát tuyệt đối sẽ không đi kết oán với một chúng sanh nào. Kết oán về sau nhất định gặp phải oan oan tương báo, năm nhà này là oan oan tương báo. Bạn kết duyên tốt với người thì sẽ không có sự việc này. Cho nên giàu có, phước báo thật sự là của cải đem ra hưởng chung với đại chúng xã hội, chứ không phải để một người hưởng riêng, đây là phước báo đích thực. Bạn phát tài rồi, người khác tán thán, người khác hoan hỷ, tại sao vậy? Họ được thơm lây, vì bạn biết chia sẻ.

Người Trung Quốc thời cổ đại thật có trí tuệ, người biết dùng tiền là Phạm Nặc, ông là một đại phu của Ngô Vương Phù Sai. Sau khi Câu Tiễn phục quốc rồi, ông liền bỏ đi. Ông đi buôn, đi làm thương mại. Kinh doanh được mấy năm thì ông phát tài to. Sau khi phát tài, ông chia sẻ, bố thí khắp nơi, đem tiền của thảy đều bố thí hết cả. Sau đó, ông bắt đầu buôn bán nhỏ trở lại, qua mấy năm ông lại phát tài nữa, vì trong mạng có mà! Trong mạng có thì có bỏ cũng bỏ không được. Sau khi phát rồi, ông lại bố thí tiếp, nhiều lần phát, nhiều lần bố thí. Cho nên Trung Quốc đại lục cúng thần tài là cúng Phạm Nặc. Ở Đài Loan cúng thần tài là cúng Quan Công, tôi không biết cái này là từ đâu mà có? Cúng Phạm Nặc là có đạo lý, vì ông là một nhân vật điển hình cho chúng ta về tu tích của cải. Ông thật sự là người giàu có, mẫu mực, biết giúp đỡ cứu tế chúng sanh khổ nạn. Cho nên, bạn chỉ cần chịu bố thí tài thì bố thí không hết, càng bố thí càng có nhiều.

Mấy năm nay, Đông Nam Á bị cơn bão tài chính, kinh tế suy thoái khắp nơi. Tại sao Cư Sĩ Lâm không suy thoái vậy? Thu nhập của Cư Sĩ Lâm mỗi tháng đều tăng trưởng, đây là nguyên nhân gì? Là bố thí tài. Cư Sĩ Lâm không tích chứa tài sản mà bố thí tài. Nhà Phật nói ba loại bố thí là bố thí tài, bố thí pháp và bố thí vô úy. Các bạn hãy quan sát tỉ mỉ, Cư Sĩ Lâm hằng ngày làm, tích cực làm, cho nên quí vị nhìn thấy tiền của ra vào liên tục không dứt. Cư Sĩ Lâm bố thi 1pha1p nên nếu bạn quan sát tỉ mỉ từ trên xuống dưới, ai nấy đều có trí tuệ, khỏe mạnh, trường thọ, đây là quả báo của bố thí pháp mà chúng ta đều nhìn thấy. Cho nên, chúng ta nhất định phải hiểu được đạo lý này.

Chúng ta nhìn thấy Đan-Tư-Lý, Lý Kim Hữu ở Malaysia, ông làm rất đúng pháp. Ông mở xí nghiệp tư nhân. Chúng tôi đến Cổ Tấn thăm ông, cả vùng núi hoang này ông đã mua rồi. Rất nhiều người đều nói: “Quyết định này của anh sẽ lỗ, anh sẽ không có tiền đồ”. Ông kinh doanh sáu năm không kiếm được một xu nào, đều thua lỗ. Cái núi này không có khai trương được trong sáu năm kinh doanh của ông. Gần đó có mười mấy thôn trang, người trong mười mấy thôn trang này đều là đi săn bắt. Săn bắt không phải là việc tốt nên dụng cụ săn bắn của họ ông thảy đều thu mua lại hết. Ông mời tất cả mọi người lên núi, phân phối công việc cho họ, làm nhân viên của công ty ông. Ông đãi ngộ với họ rất tốt, họ có thể nuôi gia đình mà không phải săn bắt nữa. Phần trước, chúng ta có nói không sát sanh, người ở trong khu vực này không sát sanh nữa, không những không sát sanh mà còn ăn trường chay. Nhân viên ở trên núi có hơn 300 người, họ ăn trường chay quanh năm. Ông nói, mới đầu những người này không quen ăn chay, nhưng chỉ sau nửa năm là họ rất thích, tại sao vậy? Da thay đổi, nếp nhăn trên mặt không còn nữa, mọi người ở đây rất mừng. Cho nên hiện nay, họ rất thích ăn trường chay. Bạn thử nghĩ xem, mười mấy thôn trang này, ông bố thí nhiều người như vậy, họ rất cảm kích ông, cám ơn ông, tất cả đều làm hộ pháp của ông. Cho nên, sơn trang này của ông vô cùng an toàn, không có người xấu bước vào, những người ở thôn trang này đều bảo vệ ông. Một người có phước thì người trong cả khu vực đều được phước, đều được hưởng thụ, đây là việc làm đúng. Dứt khoát không phải vì một nhà, vì một đoàn thể nhỏ của bạn là không đúng, mà phải đối với cả xã hội, đối với tất cả chúng sanh toàn tâm toàn lực dâng hiến. Phước báo về sau của ông là bất khả tư nghì. Đây là xuất phát từ nội tâm của ông. Ông làm đến thấu tình đạt lý, làm được vô cùng hoan hỷ.

Làm người cần phải có tâm đại Bồ-đề, giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn. Nếu như có mảy may tâm muốn chiếm phần hơn của chúng sanh, vậy là phạm vào giới trộm cắp. Trộm cắp gọi là “không cho mà lấy”. Ngày nay, ở Singapore, chúng ta đoàn kết các tôn giáo khác nhau, chủng tộc khác nhau, được người trên toàn thế giới tán thán. Chúng ta có phải vì mong cầu những lời tán thán này mà làm hay không? Không phải. Bạn tán thán cũng tốt, bạn phỉ báng cũng tốt, chẳng liên quan đến ta. Ta chỉ cần cân nhắc tỉ mỉ sự việc này có nên làm hay không. Tiêu chuẩn của cân nhắc là “ổn định, hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc”, đối với xã hội, đối với thế giới này, có tương ưng với mấy điều kiện này hay không? Nếu như tương ưng thì phải nên làm, không tương ưng chúng ta dứt khoát không được phép làm. Đây là một tiêu chuẩn để cân nhắc.

Chúng ta ngày nay nhìn thấy thế giới sắp gặp tai nạn lớn. Dấu hiệu của loại tai nạn này, toàn thế giới người có trí tuệ, nhà chính trị, nhà khoa học, trong các ngành các nghề đều có thể cảm giác thấy rất sâu sắc, nhưng không có biện pháp giải quyết vấn đề này. Tôi đã nghĩ rất nhiều, nguyên nhân do đâu vậy? Nguyên nhân là do giáo dục thất bại, giáo dục thánh hiền hoàn toàn mất hết rồi. Trung Quốc đem giáo dục thánh hiền bỏ hết, phương Tây đem giáo dục tôn giáo bỏ hết, họ không còn tin lời trong kinh Thánh nữa, họ tuyên bố thượng đế đã chết rồi, vậy có nguy không chứ? Cho nên thế gian này có tai nạn. Giáo dục gia đình không còn nữa, giáo dục nhà trường không còn nữa, giáo dục xã hội cũng không còn, giáo dục tôn giáo cũng phá sản rồi, vậy chúng ta phải làm sao? Chúng ta ngày nay liên hiệp tôn giáo, đoàn kết tất cả tôn giáo, chúng ta giúp đỡ họ, nhắc nhở họ, chúng ta nhất định phải coi trọng giáo dục tôn giáo. Không nên cứ ở trên nghi thức tôn giáo mà làm, có nghi thức mà không có giáo dục thì người ta nói chúng ta là mê tín. Cần phải khôi phục giáo dục tôn giáo để đoàn kết chủng tộc, bù đắp giáo dục thánh hiền. Đại chúng đã quên hết nó rồi, hãy từ chỗ này mà khôi phục, mà nhắc nhở. Chỉ có thật sự khôi phục giáo dục thánh hiền thì thế gian này mới có thể tránh khỏi tai nạn.

Tâm lượng của chúng ta nhất định phải lớn, không nên chỉ vì bản thân. Chúng ta ngày nay giúp đỡ những tôn giáo khác, giúp đỡ những chủng tộc khác, giúp đỡ những quốc gia khác, thì tâm này lập tức liền không vui. Thế gian này của chúng ta phải cùng đến chỗ chết, cuối cùng là hủy diệt, tại sao vậy? Bạn chỉ quan tâm bản thân, không quan tâm người khác. Toàn thế giới những nơi khác đều hủy diệt cả, chỗ của bạn đây sẽ giữ vững được sao? Thế giới này giống như cơ thể của chúng ta vậy, chúng ta đây là phần đầu, nếu như toàn thân đều thối rữa hết thì cái đầu này của bạn có thể sống được không? Phật nói với chúng ta: “Tận hư không khắp pháp giới, tất cả chúng sanh là một pháp thân”. Cho nên, kinh điển thường nói: “Tâm bao thái hư, lượng chu sa giới”, đạo lý là ở chỗ này.

Chúng ta dứt khoát không nên chỉ quan tâm bản thân, phải quan tâm đến cả đại cục. Đại cục là toàn thế giới. Khởi tâm động niệm hãy nghĩ vì toàn thế giới, cả thế giới hòa bình, xã hội ổn định thì mọi người chúng ta đều được phước. Nơi nào có tai nạn cũng đều có liên quan mật thiết với chúng ta. Chúng ta muốn trốn tránh không phải là việc dễ dàng, bất kể là nói trên lý luận hay trên hiện thực đều không thể được. Cho nên, ngày nay toàn thế giới là một thể, chúng ta phải có tầm nhìn vĩ mô, phải có trí tuệ chân thật.

Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.

A Di Đà Phật!
« Chương TrướcChương Tiếp »