Tải app Android hoặc iOS để đọc truyện nhanh hơn

Hỗ trợ: Fanpage TruyenHD

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh

Chương 13: Thập Thiện Nghiệp

« Chương TrướcChương Tiếp »
Chào các vị đồng tu, chào mọi người!

Hai ngày nay, có rất nhiều đoàn đến từ Bắc Kinh, Cam Túc, Sơn Đông, Liêu Ninh và rất nhiều khu vực khác của Trung Quốc, từ Ma Cao, Hồng Kông, cũng có người đến từ Pháp, từ Nam bộ và Đài Bắc Đài Loan, tổng số xấp xỉ 200 người. Nhân duyên lần này thù thắng vô cùng.

Hôm nay, đoạn kinh văn này là trọng tâm của toàn kinh, là tinh hoa ở trong hội Thập Thiện Nghiệp Đạo của Thế Tôn, là lời khai thị đặc sắc nhất. Tối hôm nay, những đồng tu này không thể đến để nghe chúng ta giảng kinh, cho nên tôi nghĩ, đoạn kinh văn này chúng ta nên bảo lưu lại, đợi khi mọi người đến hãy giảng kỹ với họ. Đối với chúng ta, tu hành, vãng sanh, chứng quả là có quan hệ mang tính quyết định. Lòng người thế gian, cách nghĩ phức tạp vô cùng. Phần trước, trong kinh Phật dùng ví dụ để nói, tất cả chúng sanh trong biển lớn hình sắc khác nhau, không có gì không phải từ tâm tưởng sanh. Chúng ta thử xem xã hội đại chúng nghĩ gì? Họ nói những gì? Họ đã làm những gì? Chúng ta quan sát tỉ mỉ thì việc hoằng pháp lợi sanh mới có thể khế cơ. Nếu như không biết căn tánh chúng sanh, không biết điều cần thiết trước mắt thì pháp này vô dụng rồi, đây gọi là khế lý, không khế cơ. Cổ đức nói, đây là lời vô nghĩa, là hý luận. Khế cơ mà không khế lý là Ma nói, những thứ mà Ma nói thì khế cơ. Căn cơ hiện nay là gì? Là tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, tham sân si mạn. Ma chuyên nói những thứ này, mọi người vừa nghe liền hoan hỷ vô cùng, những lời thuyết pháp này dẫn dắt bạn đọa địa ngục, đó là lời của Ma.

Phật thuyết pháp nếu như không khế cơ mà chỉ khế lý, tuy không hại người nhưng chúng sanh nghe rồi không được lợi ích, thì thuyết pháp này cũng là vô dụng. Chúng ta học Phật, trải qua nhiều năm nghiên cứu học tập như vậy, chúng ta phải chân thật giác ngộ được sanh tử là việc lớn, nếu như chúng ta không có sự cảnh giác này thì cả đời học Phật chỉ uổng công thôi, đời này nhất định là vô ích. Có thành tựu hay không? Thiện Đạo đại sư nói rất hay, “đều do duyên ngộ không đồng”. Ở trong duyên, quan trọng nhất là thiện tri thức. Kinh A-nan Hỏi Phật Việc Tốt Xấu, câu nói đầu tiên là dạy chúng ta phải cầu minh sư. Tiêu chuẩn của cổ nhân là gần gũi thiện tri thức khi ta chưa khai ngộ, tức là khi chưa minh tâm kiến tánh thì nhất định không nên xa rời thầy. Các bạn hãy xem Thiền Tông Ngữ Lục, Ngũ Đăng Hội Nguyên, hoặc giả mọi người đọc qua Lục Tổ Đàn Kinh thì sẽ thấy rõ. Tại sao vậy? Chưa minh tâm kiến tánh thì cũng như đi đường mà ta không biết đường, như vậy thì ta đi về đâu? Gần gũi thiện tri thức, thiện tri thức đi ở phía trước, chúng ta đi theo họ thì sẽ không bị sai đường. Sau khi đại triệt đại ngộ thì có thể độc lập, không cần theo người khác nữa, con đường bạn đi chắc chắn không bị sai lầm. Giáo Hạ quyết định bởi "đại khai viên giải".

Người hiện nay không hiểu đạo lý này, không những nói là ít có thành tựu, thậm chí là hoàn toàn không có thành tựu. Tự mình có vẻ như lao vào thiên hạ, có vẻ như gánh vác công việc một mình, không sai! Đến cuối cùng đều rơi vào ba đường. Bạn đem tâm tốt đi hoằng pháp lợi sinh, độ chúng sanh, kết quả bị chúng sanh độ hết! Bị danh độ rồi, háo danh, tham danh, bị lợi độ, bị tài độ, bị sắc độ, bị năm dục sáu trần thế gian độ. Các vị phải hiểu rằng, “tài, sắc, danh, thực, thùy là năm con đường đi vào địa ngục”, chỉ một đường là phải đọa địa ngục, đầy đủ năm đường thì vĩnh viễn khó thoát ra, không dễ đâu. Người ngộ đạo thì không sợ, họ đứng trước “tài, sắc, danh, thực, thùy” thật sự không động tâm, không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, vậy thì được, thế mới có thể độ chúng sanh. Bạn chưa đến cảnh giới này thì làm sao được?

Trưa hôm qua, chủ tịch Đức giáo mời tôi cùng với cư sĩ Lý Mộc Nguyên và cư sĩ Phó dùng cơm. Chúng tôi có ba người, phía họ có bảy người. Bữa cơm này kéo dài từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều. Chúng tôi đã nói rất nhiều về vấn đề hiện thực trong xã hội hiện nay, đôi bên trao đổi ý kiến, tuy là ăn cơm nhưng thực tế là đang nghiên cứu, thảo luận. Đức giáo là một chi phái thuộc về Đạo giáo. Tuần trước, Chủ tịch của họ giới thiệu Đạo Đức kinh tại Cư Sĩ Lâm, bản thân ông là một luật sư, vô cùng hiếm có, cũng rất ham học. Làm thế nào đem văn hóa bản địa đề xướng lên? Thang Ân Tỉ người Anh nói rất hay: “Nếu muốn cứu vãn tai nạn của thế kỷ sau, chỉ có học thuyết Khổng Mạnh và Phật pháp đại thừa”. Chúng tôi cùng nhau đàm đạo, tôi đặc biệt nhấn mạnh chuyên tu, chuyên hoằng. Khi trở về, tôi còn bàn vấn đề này với cư sĩ Lý Mộc Nguyên tại Cư Sĩ Lâm, pháp sư Ngộ Đạo cũng có ở đó. Sự thành tựu của đạo nghiệp đức hạnh, sự thể hiện của chân thành từ bi không giống với hạnh phàm phu.

Mấy ngày trước có người nói với tôi là lão pháp sư Minh Sơn đã nói: “Pháp sư Tịnh Không cả đời chỉ chuyên giảng kinh, Ngài mới có thể giảng hay được. Tôi vừa phải làm hội trưởng, vừa phải làm phương trượng, biết bao nhiêu chuyện tạp sự, tôi không thể chuyên tâm”. Dụng ý của lời nói này thật là rất sâu. Tôi khi mới bắt đầu học Phật là hiểu rõ đạo lý này. Tôi có hai tấm gương tốt ở trước mắt. Một vị là tiên sinh Phương Đông Mỹ, thầy cả đời dạy học, không làm công việc hành chánh. Một vị khác là bạn học của tôi, cư sĩ Phó Lạc Thành, ở thư viện cũng có không ít đồng tu đã gặp ông ấy, ông là giáo sư lớp tiến sĩ đại học Đài Loan, cả đời dạy học. Có một lần, hình như là đại học Thành Công Đài Nam mời ông làm viện trưởng viện văn học, làm được một học kỳ, ông liền từ chức trở về. Chúng tôi cùng nhau dùng cơm, ông nói với tôi: “Đây hoàn toàn không phải việc của con người làm, phải ứng phó rất nhiều người và việc, tâm loạn cả lên”.

Chúng ta nhất định phải biết, Phật pháp có hai hệ thống. Một hệ thống là cả đời lập chí làm giáo viên, tôi cứ là giảng kinh, cứ dạy học, ngoài điều này ra, tất cả việc khác không nghe, không hỏi, bạn sẽ đi về con đường thành công, bạn quả thật có thể đoạn phiền não, có thể khai trí tuệ, bạn có thể được tâm thanh tịnh, bạn ở ngay trong đời này chắc chắn thoát khỏi lục đạo luân hồi. Một loại khác là hộ pháp, người xuất gia là nội hộ, làm trụ trì, làm chủ nhà, làm chấp sự tự viện là nội hộ. Nội hộ tâm địa phải chân thành, tâm địa phải công bằng, tâm địa phải thanh tịnh. Nội hộ lo việc xây dựng đạo tràng, quản lý đạo tràng, mời pháp sư đến nơi này để giảng kinh thuyết pháp. Trước đây trưởng thư viện Hàn làm nội hộ, ở nơi đây cư sĩ Lý Mộc Nguyên làm nội hộ, dốc toàn bộ tinh thần quản lý đạo tràng, ứng phó mọi phương diện, để người giảng kinh, người học đạo yên tâm làm việc. Đây là tu phước, điều này sẽ được chư Phật Bồ-tát gia trì. Ngạn ngữ thường nói: “Phước chí tâm linh”, bạn dùng công đức này hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ thì chắc chắn được sanh.

Trưởng thư viện Hàn có công đức gì vậy? Thành tựu ngày nay của tôi chính là công đức của bà. Không có bà hộ trì chúng tôi đã tiêu từ lâu rồi. Hơn 30 năm trước, hoàn cảnh lúc đó tôi chỉ có hai đường có thể chọn lựa, một là hoàn tục, một là theo kinh sám Phật sự, đâu có ngày nay, làm sao có thể ở đây giảng kinh Hoa Nghiêm? Là điều không thể! Cho nên, quản lý đạo tràng, xây đạo tràng, tất cả mọi thứ đều giao cho bà, bà đến hộ trì, công đức vô lượng vô biên. Khi bà vãng sanh, đó là phước báo hiện tiền. Các đồng tu chúng ta đều nhìn thấy, bà bị bệnh mà không có vẻ bị bệnh. Bạn nhìn thấy khí sắc, dung mạo của bà, bà chết mà không có tướng chết. Vãng sanh hai tuần sau bà mới được nhập liệm, đậy quan tài, vậy mà sắc mặt vẫn tươi nhuận, thân người mềm mại. Trước khi vãng sanh hai hay ba ngày, bà nhìn thấy A Di Đà Phật hai lần và một lần nhìn thấy Liên Trì Hải Hội.

Cho nên, bạn phải hiểu rằng, công đức hoằng pháp với hộ pháp là bình đẳng, không chỉ là bình đẳng, tôi vẫn thường nhấn mạnh, công đức của hộ pháp hơn hẳn hoằng pháp! Hoằng pháp thì dễ, hộ pháp thì khó, bạn không phải là Bồ-tát đích thực thì không thể hộ pháp. Hộ pháp chắc chắn phải hứng chịu biết bao nhiêu sự dày vò khổ nạn, chịu sự phỉ báng, làm nhục của bao nhiêu người, thậm chí là hãm hại. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên bị người ta vu cáo, chính phủ điều tra ông sáu lần. Sau khi điều tra xong, chứng minh ông trong sạch, đích thực là người ta vu cáo. Thẩm phán pháp viện nói với Lý Mộc Nguyên, ông có thể kiện ngược lại người ấy, họ có tội vì đã vu cáo ông. Lý Mộc Nguyên mỉm cười, người học Phật chúng tôi tất cả lấy từ bi làm gốc, không truy cứu. Vị thẩm phán này vô cùng khâm phục. Thế gian người bình thường không làm được. Chúng ta chịu những khổ nạn, không muốn để người khác chịu những khổ nạn này thêm nữa. Người khác dày vò chúng ta, chúng ta không muốn dùng những phương pháp này để dày vò người ta trở lại. Cho nên, công đức của hộ pháp bất khả tư nghì. Về sau tôi xem thấy ở trong kinh Đại Niết Bàn, Phật cũng nói như vậy, vậy là chứng thực rồi. Trong kinh Đại Niết Bàn, Phật nói công đức của hộ pháp hơn hẳn hoằng pháp.

Chúng ta thấy trong Lục Tổ Đàn kinh, nếu như đại sư Huệ Năng không có được sự hộ trì của pháp sư Ấn Tông, Ngài cũng không biết phải làm sao, ai nhận ra Ngài? Ai biết đến Ngài? Ấn Tông thật tuyệt vời! Ngài không phải người bình thường. Lúc đó ở Lãnh Nam, Ngài là vị cao tăng đại đức được mọi người tôn kính, ngưỡng mộ nhất. Ngài gặp Tổ Huệ Năng, biết Tổ đắc pháp ở Tổ Hoàng Mai, liền thế độ cho Ngài. Sau khi thế độ xong thì bái Tổ làm thầy. Quí vị thử nghĩ, ai có thể làm được? Đem thành tựu cả đời của mình toàn bộ dâng hiến cho đại sư Huệ Năng, người phàm không làm được. Đây là chư Phật Như Lai thị hiện. Phàm phu có người nào không tham cầu danh vọng, lợi dưỡng? Bản thân đạt được rồi, làm sao chịu dâng hiến cho người khác? Cho nên, sự thành tựu của đại sư Huệ Năng chính là sự thành tựu của Ngài Ấn Tông.

Ở trong pháp thế gian, nếu quí vị đọc sách thì biết, sự thành tựu của Quản Trọng là sự thành tựu của Bảo Thúc Nha. Không có Bảo Thúc Nha thì bản lĩnh lớn nhất của Quản Trọng cũng chỉ là anh chàng bình dân, học vấn mà cả đời ông ôm ấp không cách gì phát huy được. Cho nên, công đức của người hộ trì hơn hẳn người đương sự. Người hộ trì là thân phận gì vậy? Giống như xây trường học, họ là chủ tịch của ngôi trường này, là giám đốc của ngôi trường này, là hiệu trưởng của ngôi trường này. Người đương sự là giáo viên. Giáo viên có học thức, có đức hạnh, có năng lực, nếu không có nhà trường đến mời bạn, bạn có tác dụng gì? Bạn đến đâu để phát huy được? Nhất định phải có nhà trường tốt, có những chủ tịch, hiệu trưởng tốt này đến mời bạn thì bạn mới có thể phát huy, bạn mới có thể thi thố tài năng giáo hóa chúng sanh. Cho nên, Thích Ca Mâu Ni Phật đem công việc hộ pháp giao phó cho quốc vương đại thần để họ đến hộ pháp. Phật pháp truyền đến Trung Quốc, vua và dân Trung Quốc đã tiếp nhận nền giáo dục Phật Đà. Đế vương và đại thần hộ pháp, giáo dục Phật Đà do quốc gia thúc đẩy, cho nên giáo dục Phật Đà đã trở thành văn hóa Trung Quốc, dung hòa thành một thể với văn hóa vốn có của Trung Quốc, hiện nay không thể tách rời được. Chính phủ địa phương làm hộ pháp. Bạn thấy trong sách xưa, thậm chí trong sách cổ văn đều đọc thấy, quan chức địa phương đối với người xuất gia rất tôn kính, rất nhiều quan chức còn đích thân đến nghe pháp sư giảng kinh thuyết pháp, giữ lễ của người đệ tử.



Nền giáo dục của Phật Đà, kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, đoạn này là trung tâm, quy kết về tâm thiện, niệm thiện, hạnh thiện. Niệm là tư tưởng, hạnh là hành vi, như vậy mới có thể “lệnh chư thiện pháp niệm niệm tăng trưởng, bất dung hào phân bất thiện gián tạp”. Thành tựu thuần thiện, nhà Nho gọi là “Chỉ ư chí thiện” mà không hề đưa ra được biện pháp thật rõ ràng, thật cụ thể. Biện pháp này ở trong kinh Phật, nhà Nho chỉ nói cương lĩnh, nhà Phật thì nói chi tiết. Cho nên, chúng ta muốn giác ngộ, muốn cứu chính mình, Ấn Quang đại sư thường đem chữ “Tử” dán ở trên trán là vô cùng có đạo lý. Hằng ngày luôn nghĩ rằng mình sắp chết rồi, chết rồi sẽ đọa địa ngục, bạn có được tâm cảnh giác này, có tâm sợ hãi này, bạn mới thật sự biết đoạn ác tu thiện. Bạn không có tâm cảnh giác này là mê hoặc điên đảo, vô cùng đáng sợ.

Cư sĩ Lý Mộc Nguyên nói cho tôi biết, lớp tập huấn quyết định phải làm. Lần này là Trung Quốc và Singapore hợp lại làm, chúng ta xem như khóa đầu tiên của sự hợp tác. Trước đây chúng ta tự mình làm, lớp hợp tác này là lần đầu tiên. Thời gian tu học là một năm, có lẽ là nửa năm đầu ở Singapore, nửa năm sau ở Trung Quốc. Những việc chi tiết này do cư sĩ Lý và Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc thương lượng. Chúng tôi phụ trách dạy học, chúng tôi phải làm cho tốt công việc, bổn phận của mình. Ngoài việc giảng kinh dạy học ra, việc gì cũng không nghe, không hỏi, định tâm ngay trên công việc thì đạo nghiệp của chúng ta mới có thành tựu. Phải đem danh vọng, lợi dưỡng buông xả cho thật sạch sẽ thì phiền não sẽ nhẹ, trí tuệ sẽ ngày càng tăng trưởng. Người không có trí tuệ là do phiền não không chịu xả hết, quy về gốc rễ chính là tôi thường nói tự tư tự lợi, đây là gốc bệnh của chúng ta. Gốc bệnh không trừ bỏ là có bất thiện xen tạp ở trong đó. Cho dù bạn tu thiện nghiệp mà không phải thuần thiện thì không thể vãng sanh. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là “Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”, câu nói này phải đặc biệt nhớ kỹ. Chúng ta không phải thuần thiện, không phải thượng thiện thì niệm Phật tốt cỡ nào cũng không thể vãng sanh. Việc gì ở trong đời này tạo tội nghiệp? Ở trong đời này đọa địa ngục?

Kinh văn: “Long Vương đương tri, Bồ-tát hữu nhất pháp, năng đoạn nhất thiết chư ác đạo khổ. Hà đẳng vi nhất? Vị ư trú dạ thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp, lệnh chư thiện pháp niệm niệm tăng trưởng, bất dung hào phân bất thiện gián tạp, thị tức năng lệnh chư ác vĩnh đoạn, thiện pháp viên mãn”.

Đoạn khai thị này là trung tâm của bộ kinh này, không chỉ là phần quan trọng nhất của bộ kinh này, mà cũng có thể nói đó là trung tâm mà Thích Ca Mâu Ni Phật 49 năm giảng kinh thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh. Thích Ca Mâu Ni Phật như vậy, mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai cũng không có gì khác, đó gọi là “Phật Phật đạo đồng”. Từ đó cho thấy, tính quan trọng của đoạn kinh văn này.

Chúng ta tu hành là tu gì vậy? Đoạn kinh văn đã nói rất rõ ràng, rất minh bạch. Pháp môn chúng ta tu là Tịnh Độ, tại sao chúng ta phải học kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo? Thậm chí còn có người hỏi: “Tại sao pháp sư còn phải giảng kinh Hoa Nghiêm?”. Một số người sơ học không hiểu rõ đạo lý này. Tịnh Độ học từ đâu vậy? Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, phu nhân Vi Đề Hy đã gặp đại nạn, biến cố của gia đình, biến cố của quốc gia, bà đau khổ tột cùng, cầu Thế Tôn chỉ giáo là có hoàn cảnh sống nào tốt hay không? Bà muốn cầu sanh về đó. Thế Tôn vô cùng từ bi, đem cõi nước của chư Phật mười phương biến hiện ngay trước mặt bà, để tự bà nhìn thấy, tự bà lựa chọn. Bà liền chọn thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà. Bà chọn đúng rồi, Thế Tôn vô cùng tán thán đối với sự lựa chọn của bà. Bà muốn cầu sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, Phật Thích Ca Mâu Ni dạy bà như thế nào vậy? Điều này chúng ta không thể không lưu ý. Trước tiên, Phật chưa dạy bà phương pháp vãng sanh mà dạy bà “Tịnh nghiệp tam phước”.

Điều thứ nhất: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”.

Điều thứ hai: “Thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm uy nghi”.

Điều thứ ba: “Phát Bồ-đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng đại thừa, khuyến tấn hành giả”.

Phật lại nói cho bà biết, ba điều này là “Tam thế chư Phật, tịnh nghiệp chánh nhân”. Pháp môn mà ba đời chư Phật đã tu không giống nhau. Ý nghĩa này là nói, vô lượng, vô biên pháp môn, đây là căn cơ. Vô lượng, vô biên pháp môn chính là tu ba điều này. Ba điều này là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc mà mười phương ba đời tất cả chư Phật giáo hóa chúng sanh. Mà tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc, trên thực tế chính là hai câu phía trước: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”, sự tu học Phật pháp bắt đầu từ chỗ này và cũng viên mãn ngay đây. Đây là căn bản, những điều phía dưới đều là phương tiện. Làm thế nào viên mãn hai câu này? Đó chính là chín câu phía sau, từ câu “Từ tâm bất sát” trở về sau là phương tiện. Ở trong phương tiện, điều quan trọng nhất là “Từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”, kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo chính là giảng giải hai câu này. Bạn nghĩ xem, kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo chúng ta có cần học hay không? Bạn không hiểu được Thập Thiện Nghiệp Đạo, thì hiếu thân, tôn sư chỉ là hai câu khẩu hiệu rỗng không, không thể thực hiện.

“Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng” thực hiện ở “từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”, đây là “Tịnh nghiệp chánh nhân”, đặc biệt là muốn cầu sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Thế giới Cực Lạc là Tịnh Độ. Tịnh Độ làm sao có thể vãng sanh vậy? Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh. Tâm thanh tịnh rồi thì ngữ nghiệp thanh tịnh, thân nghiệp thanh tịnh, ba nghiệp đều thanh tịnh. Nếu như bạn tỉ mỉ đọc kinh Vô Lượng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ vừa mở đầu là nhắc nhở chúng ta cương lĩnh tu hành cũng là “Tịnh nghiệp tam phước”, dạy chúng ta “khéo giữ khẩu nghiệp”. Ở trong “khéo giữ khẩu nghiệp”, điều quan trọng nhất là “không nói lỗi người”, với điều mà trong Đàn kinh của Lục Tổ Huệ Năng đại sư nói hoàn toàn tương ưng. Huệ Năng đại sư nói: “Người chân thật tu hành, không thấy lỗi thế gian”, chính là trong kinh Vô Lượng Thọ nói “khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”. Hằng ngày nói thị phi, hằng ngày phê bình người khác, hằng ngày ý kiến thật nhiều, thì người này không phải người tu hành, người này không phải là đệ tử Phật. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này.

Phật dạy chúng ta khéo giữ ba nghiệp, dạy chúng ta phải làm đến thuần thiện. Bắt đầu từ đâu vậy? Bắt đầu từ đoạn kinh văn này. Kinh văn vừa mở đầu Phật bảo: “Long vương đương tri”, Sa Kiệt La Long Vương là người đương cơ của bản kinh. Sa Kiệt La Long Vương là đại biểu cho chúng ta. Sa Kiệt La là tiếng Phạn, nghĩa là “biển mặn”, nước biển là có vị mặn. Biểu thị ý gì vậy? Biểu thị tâm chúng ta không thanh tịnh. Nước biển là mặn, là khổ. Chúng ta biết được, trên lục địa tất cả mọi dòng sông thảy đều chảy về biển. Mỗi loại nước của dòng sông khác nhau là đại biểu cho nghiệp khác nhau của tất cả chúng sanh, đều tập trung về biển lớn. Biển lớn này chính là đại biểu cho biển nghiệp.

Trong kinh Địa Tạng chúng ta thường hay đọc, Long là đại biểu cho ý gì vậy? Long là đại biểu cho biến hóa. Chúng ta từ sáng đến tối nghĩ ngợi lung tung, niệm niệm không dừng, thiên biến vạn hóa, biểu thị ý này. Ở trong kinh Phật, điều khó hiểu nhất chính là pháp biểu trưng của kinh. Bạn hiểu được pháp biểu trưng của kinh thì kinh Phật không còn khó nữa, bạn sẽ lý giải rất dễ dàng, mới thật sự biết ý nghĩa mà Phật thuyết pháp. Trong kệ khai kinh nói: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”. Cho nên, đây là bảo chúng ta, bảo chúng sanh trong sáu cõi.



“Đương tri, Bồ-tát hữu nhất pháp”. Bồ-tát có nghĩa là gì vậy? Là người giác ngộ, chúng sanh giác ngộ thì gọi là Bồ-tát. Đại sư Huyền Trang phiên dịch Bồ-tát là “Giác hữu tình”. Chúng ta là chúng sanh hữu tình. Hữu tình tức là nói phàm phu lục đạo. Chúng sanh hữu tình trong mười pháp giới, chúng sanh hữu tình khi nào giác ngộ rồi, người này được gọi là Bồ-tát, cho nên ý nghĩa của Bồ-tát là chúng sanh hữu tình giác ngộ. Phàm phu thông thường là chúng sanh hữu tình mê hoặc, người này bắt đầu giác ngộ rồi. Sao gọi là giác ngộ vậy? Muốn lìa khổ được vui, người này là giác ngộ. Người thế gian chúng ta, có người nào không muốn lìa khổ được vui đâu? Người người đều muốn lìa khổ được vui. Nhưng mà họ nghĩ sai rồi, họ đem khổ cho là vui, đem vui cho là khổ. Họ bị điên đảo rồi! Đây là ngu si, đây là mê hoặc. Người thế gian cho rằng danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần là vui, họ không biết đây là nguồn gốc của khổ, hoàn toàn không phải vui. Hưởng thụ những thứ này, kết quả là khổ báo ở ba đường. Trong kinh Phật thường thường dùng “liếm mật trên lưỡi dao” để làm ví dụ, người này chưa giác ngộ. Người thật sự giác ngộ rồi thì nhất định đi theo Phật Bồ-tát, trải qua đời sống của Phật Bồ-tát. Phật Bồ-tát sống đời sống ra sao vậy? Thứ nhất buông xả tự tư tự lợi, khởi tâm động niệm vì chúng sanh, vì xã hội, vì chánh pháp trụ lâu, người này giác ngộ rồi. Đoạn ác tu thiện, chuyển mê thành ngộ, người này được gọi là Bồ-tát.

Ở chỗ này, Phật nói cho chúng ta biết, Bồ-tát có một biện pháp, có một phương pháp: “Năng đoạn nhất thiết chư ác đạo khổ”. “Chư ác đạo” không chỉ là chỉ ba cõi sáu đường, mà bao gồm cả mười pháp giới ở trong đó.

Cái khổ ở ba đường, trong kinh Phật nói rất nhiều. Mặc dù quí vị đọc kinh không nhiều, tôi tin rằng mọi người đều đọc Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện rồi, trong kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, cái khổ trong ba đường cũng đã nói không ít. Chúng ta thường xuyên đọc, thường xuyên cảnh giác chính mình. Nếu chúng ta không thật sự làm nghiêm túc, nếu không cầu giác ngộ, trong kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện nói về những quả báo đó, tức là chúng ta tương lai nhất định phải thọ nhận. Chúng ta có sợ không? Chắc chắn là không thể tránh khỏi. Vì chúng ta ngày nay khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm đều không tương ưng với lời Phật dạy trong kinh.

Cái khổ ở nhân gian là chúng ta hiện nay đích thân cảm nhận được, trên trời tuy vui nhưng có hoại khổ, có hành khổ, pháp giới bốn thánh có cái khổ của không thể phá vô minh chứng pháp thân, mười pháp giới thảy đều khổ! Bồ-tát có phương pháp gì có thể đoạn khổ nạn của mười pháp giới vậy? Chỉ cần có khổ chính là ác đạo, chúng ta gọi pháp giới bốn thánh vẫn là ác đạo. Pháp giới bốn thánh so với nhất chân pháp giới đó chính là ác đạo, so với sáu cõi thì đó là cõi thiện, nhưng so với nhất chân pháp giới đó là cõi ác. Bộ kinh này là kinh Đại Thừa, không phải kinh Tiểu Thừa.

“Hà đẳng vi nhất”, Bồ-tát rốt cuộc dùng pháp gì vậy? Ở chỗ này, Phật chỉ ra cho chúng ta thấy, bảo là ngày đêm thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp. “Thiện pháp” này là thông suốt đến tận phía trên. Chúng ta muốn không sợ phiền phức, đó chính là ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, chúng ta đọc như vậy, mọi người sẽ dễ dàng hiểu. Thiện pháp là gì vậy? Phần sau chỉ ra cho chúng ta thấy, pháp ấy chính là "thập thiện nghiệp đạo”, đây là nền tảng tu hành, căn bản tu hành của chúng ta. Ngay cả điều này cũng không có thì không thể bàn đến niệm Phật nữa, khỏi phải bàn đến tu hành nữa.

“Trú dạ” là không gián đoạn, ngày nay gọi là 24 giờ không gián đoạn. “Thường niệm” là ở trong tâm thật sự có tâm thiện. “Tư duy” là ý nghĩ, khởi tâm động niệm, ý nghĩ thiện. “Quán sát” là hành vi, lời nói, việc làm, “thân, ngữ, ý” không có bất thiện, như vậy mới được. Trong tâm vẫn còn tự tư tự lợi, đây là tâm bất thiện, đây là căn bản bất thiện. Tại sao bạn lại tạo tội nghiệp vậy? Tại sao bạn lại tạo mười ác vậy? Đều là vì tự tư tự lợi, chỉ có mình, không có người khác, đây là sai lầm căn bản.

Bồ-tát giác ngộ rồi, phàm phu chúng ta mê. Mê chính là mỗi niệm đều tự tư tự lợi. Trong kinh Kim Cang, Phật đã nói mấy câu, chúng ta có thể đem ra đối chiếu với điều này. Trong kinh Kim Cang nói: “Nhược Bồ-tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ-tát”. Đó không phải là Bồ-tát. Nửa phần sau nói rất hay: “Nhược Bồ-tát hữu ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến tức phi Bồ-tát”. “Kiến” là gì vậy? Kiến là khởi tâm động niệm, kiến giải. Chúng ta ngày nay nói, bạn còn có cách nghĩ này, cách nhìn này, thì bạn không phải là Bồ-tát, là bạn mê, là bạn không ngộ rồi, người thật sự giác ngộ là “vô ngã”. “Vô ngã” tức là chúng ta ngày nay nói tương đối dễ hiểu là không có tự tư tự lợi, người này là giác ngộ, còn có tự tư tự lợi thì người này là mê hoặc, chưa có giác ngộ.

Phàm phu có khi nghe kinh, nghe pháp, phát sinh một niệm sáng suốt, khoảnh khắc này là giác ngộ rồi. Thế nhưng ý nghĩ thứ hai lại mê, cái giác ngộ này không thể duy trì, không thể kéo dài. Chúng ta ở giảng đường nghe kinh, giống như là hiểu rõ rồi, nhưng sau khi ra khỏi đây thì liền mê hoặc, chúng ta không ngăn nổi sự cám dỗ của danh vọng lợi dưỡng, tài sắc danh thực thùy ở bên ngoài, lập tức liền thối chuyển ngay. Cho nên, ngày đêm không được gián đoạn bạn mới là Bồ-tát, thỉnh thoảng phóng quang giống như tia chớp vậy thì không khởi tác dụng. Tuy không khởi tác dụng nhưng cũng rất đáng quí, tại sao vậy? Vì từ vô thỉ kiếp đến nay vốn dĩ chưa từng phóng quang, tuy phóng quang rất ngắn ngủi nhưng một sát-na cũng rất đáng quí. Cho nên, chúng ta nhất định phải học tâm thiện, phải học ý nghĩ thiện, phải học hành vi thiện. Bắt đầu học từ đâu vậy? Bắt đầu học từ thập thiện nghiệp đạo. Bạn quyết định không được có ý nghĩ làm tổn hại chúng sanh, đây là sát sanh, không những không được sát, khiến chúng sanh sinh phiền não thì cũng ngang bằng với sát sanh.

Mạng sống của con người có xác thân vật chất, có pháp thân huệ mạng tinh thần. Cho nên, trong kinh thường nói, chư Phật Bồ-tát là khiến tất cả chúng sanh thường sinh tâm hoan hỷ, đó là chư Phật Bồ-tát. Tuyệt đối không nên khiến tất cả chúng sanh sinh phiền não, người khiến tất cả chúng sanh sinh phiền não, người này là Ma, không phải Phật, Phật không làm việc này. Có lẽ đây là Phật Bồ-tát đến thử thách bạn, đến dày vò bạn, đến thử thách bạn, có chuyện này không vậy? Có. Ma cũng biết làm việc này, nhưng Ma là dày vò bạn thật sự, không phải thử thách bạn. Phật Bồ-tát thử thách bạn, nếu bạn trải qua thử thách này, thì bạn chắc chắn thành tựu.

Giống như đánh hét ở trong Tông Môn Thiền Tông, đây là phương pháp dạy học của Thiền Tông. Người ta thật sự có năng lực, thật sự có trí tuệ, một gậy đánh xuống, người này khai ngộ ngay, đó thật sự là phương tiện. Đánh chết cũng không khai ngộ, đó là Ma, đó chắc chắn không phải Phật. Phật biết, một thiền bảng đánh xuống, họ liền khai ngộ ngay, minh tâm kiến tánh ngay. Khi một tiếng hét lên, họ liền khai ngộ rồi, họ hiểu rõ rồi. Nếu như đánh họ cũng không khai ngộ, la hét cũng không khai ngộ, thì tuyệt đối không dùng phương pháp này. Ma học cách thức này của Bồ-tát, hại tất cả chúng sanh còn tự cho mình tốt: “Tôi thành tựu cho anh”. Cho nên, chúng ta phải có năng lực biện biệt giữa Phật với Ma, tuyệt đối không để bị lừa. Đây là đưa ra cương lĩnh này, “ngày đêm đều phải tư duy thiện pháp, phải tâm thiện, hành thiện”.

Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.

A Di Đà Phật!
« Chương TrướcChương Tiếp »