Chương 14: Vụ án thứ 4 - Xác chết không có mặt (1)

“Chúng ta không sợ chuyện này ảnh hưởng xấu đến xã hội tới mức nào, dù sao án mạng cũng xảy ra rồi. Điều chúng ta cần làm là phải nhanh chóng phá án, như vậy chuyện xấu mới có cơ hội chuyển biến thành chuyện tốt.” Nói đến đây, tôi chợt nghĩ đến một điều nên liền hỏi luôn, “Hiện trường có đẫm máu không?”

———-

“Nói đi! Anh định đền bù cho chúng tôi thế nào?” Tôi vứt tập tài liệu vụ án lên bàn làm việc của anh Ngô, giả bộ tức giận.

“Đền bù gì cơ? Sao phải đền bù cho các cậu?” Anh Ngô cười hỉ hả.

“Anh già cả đâm lú lẫn rồi à? Tự mình nói mà giờ lại quên sao?” Tôi nói, “Tôi bảo anh thối mồm anh còn chối. Lần trước anh bảo có án mạng, thế là có án mạng luôn, lần trước anh còn nói “Nếu vụ án này xảy ra lần nữa thành chuỗi án liên hoàn thì rất có khả năng tôi sẽ phát hiện ba chữ đó có ý nghĩa gì”. Anh xem, giờ thì nó đến thật rồi đấy, nó thành chuỗi án liên hoàn rồi đấy! Miệng của anh quả là phun vàng nhả ngọc, thiêng không tưởng tượng nổi. Cố lắm thì tôi cũng chỉ làm quạ được thôi, còn anh ấy à, chắc sắp thành Tinh Vệ (1) được rồi đấy!”

(1) Tinh Vệ: tên một giống chim nhỏ mỏ đỏ chân trắng có hình dáng giống con quạ thường sinh sống ở các vùng duyên hải Viễn Đông. Ở đây nhân vật Tần Minh muốn ám chỉ nhân vật anh Ngô là mồm quạ, chuyên nói điều xui rủi.

Quan hệ giữa anh Ngô và chúng tôi rất tốt, nên dẫu đùa hơi quá trớn anh cũng không giận.

“Tinh Vệ ư?” Anh Ngô cười khề khà, “Cậu muốn nói đến loài chim lấp bể chứ gì? Thế thì cậu mới hiểu một nửa thôi! Tinh Vệ không phải là quạ, mà đó là cô con gái út của thần Mặt Trời, sau nàng hóa thành một loài chim nhỏ mỏ trắng, chân đỏ, đầu hoa mơ, thường sinh sống ở núi Phát Cưu. Sở dĩ gọi nó là chim Tinh Vệ là bởi vì tiếng kêu của nó giống như tiếng kêu da diết của nàng Tinh Vệ.”

Đối với các nghiên cứu cổ xưa như thiên văn địa lý, chắc chắn tôi không đấu lại anh, thế là tôi trợn mắt cãi cùn: “Vâng, đúng quá còn gì! Thê thiết thế còn gì! Trong vài ngày xảy ra bao nhiêu vụ án mạng.”

“Tôi nói cho các cậu biết, tôi cảm thấy nguyên nhân chủ yếu khiến năm nay các cậu không ngơi tay với hàng loạt chuỗi án mạng là bởi vì cặp câu đối của các cậu đấy!” Anh Ngô nghiến răng nói.

Để nâng cao tinh thần văn hóa văn nghệ của Đội Cảnh sát dân phòng, vào dịp Tết năm nay Sở Cảnh sát đã tổ chức cuộc thi viết câu đối, yêu cầu các phòng phải sáng tác một cặp câu đối xuân dựa trên đặc điểm công việc thực tế của từng đơn vị.

Câu đối xuân mà tổ khám nghiệm chúng tôi viết thế này:

Vế trên: Ánh dao bóng cưa dệt thành vạn mắt lưới trời

Vế dưới: Phanh ngực mổ bụng gột rửa ngàn nỗi hàm oan

Hoành phi: Tay quỷ tâm Phật

Chúng tôi nhờ một cựu bác sĩ pháp y đã nghỉ hưu thích thư pháp viết nên câu đối xuân đó bằng lối viết mang đầy ngạo khí bá vương. Khi dán câu đối lên tường, tổ chúng tôi được các tổ khác hết lời khen ngợi, bởi vậy chúng tôi nghiễm nhiên coi như tổ mình đã giành được giải nhất, giải thưởng là một chai dầu gội đầu.

Thành tích này đâu phải dễ dàng mà có được! Tuy hàng năm chúng tôi đều bận đến nỗi vắt chân lên cổ mà chạy, nhưng không biết vì sao kết quả thi sát hạch luôn không bằng các phòng ban khác trong đơn vị. Bởi vậy giải thưởng duy nhất mà chúng tôi đạt được – câu đối xuân – được chúng tôi coi như bảo bối, chúng tôi treo nó trên tường suốt hơn hai tháng, mãi đến khi sắp hè mới gỡ xuống.

“Vạn nỗi hàm oan đấy! Ha ha! Cứ cho mỗi năm các cậu giám định được hai, ba mươi vụ án tại hiện trường.” Anh Ngô nói, “Thì phải hơn trăm năm sau mới có thể rửa sạch được vạn nỗi oan đấy! Cậu nghĩ mình là Tôn Ngộ Không sao? Chắc ông trời sợ các cậu không hoàn thành được chỉ tiêu đã đề ra nên mới tằng tằng giao nhiệm vụ cho các cậu đấy!”

Tôi tức đến nỗi nhất thời không thốt nên lời.

Lâm Đào cười nói: “Được rồi, hai anh già rồi mà còn không gương mẫu. Thôi! Không nói chuyện nhăng cuội nữa, chúng ta bàn việc chính nhé!”

Lời nói của Lâm Đào khiến chúng tôi lập tức thôi đùa.

“Đúng rồi! Anh nhận ra đặc trưng viết chữ khác thường gì thông qua mấy chữ viết bằng máu đó không?” Tôi giơ ảnh chụp ra đặt trước mặt anh Ngô.

Anh Ngô nói: “Lâm Đào đã gửi ảnh cho tôi rồi và tôi cũng đã đối chiếu kỹ càng. Từ thói quen viết chữ và đặc trưng rất tinh vi về kiểu chữ thì tôi xác định chắc chắn hung thủ của cả hai vụ án là cùng một người không còn nghi ngờ gì nữa.”

“Chúng tôi cũng biết là một người gây án rồi!” Tôi nói, “Từ các phương diện như thủ đoạn gây án, đối tượng sát hại… Hung thủ đều thực hiện giống nhau như đúc.”

Anh Ngô nói: “Thì đây là hai vụ án xảy ra ở hai thành phố khác nhau, nên chí ít có thể coi đó là chứng cứ xác định cả hai vụ án này đều do một cá nhân gây ra, chứ không phải một tổ chức hay tập thể gây ra. Chí ít bây giờ chúng ta đã tìm hiểu được quỹ đạo và đường đi nước bước của hung thủ.”

Tôi gật đầu công nhận lập luận của anh Ngô.

Anh Ngô nói tiếp: “Còn về đặc trưng đặc biệt đúng là không dễ tìm đâu. Thứ nhất, cả hai vụ án đều chỉ có ba chữ ngắn ngủn thế kia. Thứ hai, vật liệu sử dụng để viết lên lại là vách tường, điều đó khiến mất đi rất nhiều điều kiện giám định. Bởi vậy ban đầu tôi chỉ tiến hành giám định trên tinh thần còn nước còn tát, chẳng ngờ không xem thì không biết, xem rồi đúng là tìm thấy điều đáng mừng đấy!”

“Hả? Điều đáng mừng gì vậy?” Tôi và Lâm Đào đồng thanh hỏi.

Anh Ngô cho hiển thị hai bức ảnh lên màn hình máy vi tính cùng một lúc, rồi nói: “Các cậu có dò ra manh mối gì không? Đừng lãng phí thời gian vào việc tìm hiểu thói quen viết chữ, bởi rốt cuộc đó không thể tính là đặc trưng gì đặc biệt. Tôi gợi ý một chút nhé! Các cậu xem liệu có chữ nào bị viết nhầm không?”

“Tất cả chỉ vỏn vẹn ba chữ, hơn nữa chẳng phải anh cũng từng nói hung thủ là người có trình độ văn hóa nhất định sao? Làm gì có chuyện còn viết sai?” Tôi thắc mắc.

“Trình độ văn hóa và tỷ suất viết sai chữ không nhất định phải tỷ lệ thuận với nhau.” Anh Ngô thong thả nói, “Rất nhiều người có trình độ học vấn uyên bác nhưng vẫn có thói quen viết sai chính tả, nếu không thì sao còn hình thành nên Thông giả tự (2)? Mà một số chữ sai do người viết nối liền các nét vào nhau khiến người đọc không dễ phát hiện ra.

(2) Thông giả tự: một phép dùng chữ trong tiếng Hán cổ. Dùng những chữ có âm đọc giống hoặc gần giống để thay cho một chữ khác.

Tôi và Lâm Đào nhìn bức ảnh thật kỹ nhưng vẫn không phát hiện thấy gì.

Anh Ngô mỉm cười bảo: “Nhìn ba chữ ‘Thanh đạo phu (3)’ này! Chữ ‘thanh’ viết nhấc nét nên từng chữ viết khá cẩn thận, gãy gọn, còn chữ ‘phu’ thì các nét chữ khá đơn giản nên cũng không có vấn đề gì, duy chỉ có chữ ‘đạo’ này…”

(3) Ba chữ ‘Kẻ dọn rác’ nguyên gốc tiếng Hán là 清道夫 (Thanh đạo phu). Lý giải của nhân vật anh Ngô là lý giải dành cho chữ Hán. Chữ “đạo” 道 bao gồm bộ quai xước 辶 và chữ “thủ” 首. Chữ “thủ” 首 bao gồm bộ thảo đầu 艹 và chữ “tự” 白. Hung thủ viết sai nên đã gạch ba gạch trong chữ “tự” thay vì gạch hai gạch.

“Trong cả hai vụ án, hung thủ đều không viết chữ ‘đạo’ một cách rõ ràng.” Lâm Đào nhận xét.

“Không rõ ràng không thể coi là đặc trưng được!” Anh Ngô nói, “Các cậu thấy không rõ ràng chứ gì? Vậy để tôi phóng to lên cho các cậu xem.” Nói xong anh Ngô liền phóng to chữ “đạo” chiếm trọn cả màn hình.

“Khi chúng ta viết chữ đó thì thường viết ‘bộ thảo đầu’ ở bên trên, kế tiếp đó là chữ ‘tự’ ở bên dưới, trong khung của chữ ‘tự’ chỉ có hai gạch ngang, nhưng hung thủ lại quen tay viết thành ba gạch, thế là thành chữ sai. Có thể hắn biết rõ chữ đó chỉ có hai gạch, nhưng khi viết thì lại quen thói viết sai nên mới tạo ra sai lệch như vậy.” Anh Ngô giảng giải.

Tôi và Lâm Đào nhíu mày, không rời mắt khỏi màn hình. Dòng chữ máu trên màn hình được phóng to, độ phân giải lại kém nên trông lờ mờ, thêm vào đó hung thủ lại viết quá ngoáy và chữ nhiều nét, nên nom càng mờ hơn. Nhưng đúng là tôi nhìn thấy có ba gạch ngang nhàn nhạt màu đỏ bên trong khung có chữ “tự”.

“Anh chắc chắn không đấy?” Tôi cầm bức ảnh xoay ngang xoay dọc.

Anh Ngô châm điếu thuốc, rít một hơi thật sâu rồi chậm rãi nói: “Không chắc chắn lắm, nhưng tại cả hai hiện trường đều phát hiện thấy cùng một đặc trưng, tuy chưa rõ nét lắm nhưng cũng rất đáng ngờ.”

“Đặc điểm đó có được tính là đặc trưng đặc biệt không?” Trần Thi Vũ xen ngang.

Anh Ngô đáp: “Chữ viết sai có hằng hà sa số, nhưng nếu viết sai cùng một chữ giống nhau thì không có nhiều người đâu. Bởi vậy tôi cảm thấy nó không có giá trị điều tra loại trừ nhưng chí ít nó có giá trị kiểm định, phân biệt.”

Ý nghĩa của việc điều tra loại trừ là có thể lợi dụng đặc trưng này để tiến hành rà soát tất cả những kẻ khả nghi. Vì nếu muốn lấy bút tích chân thực của tất cả những đối tượng khả nghi thì phải lục tìm chữ viết tay trước kia của anh ta. Trong thời đại phổ cập máy tính như hiện nay thì lượng công việc đó vô cùng khổng lồ, bởi vậy cách làm này không khả thi. Thông thường các đặc trưng có giá trị điều tra loại trừ là độ tuổi, chiều cao, giới tính, đặc trưng diện mạo… Vì những yếu tố này dễ đối chiếu tiến hành trực tiếp trong quá trình thẩm vấn, bởi vậy chúng thường được sử dụng làm căn cứ loại trừ. Còn việc kiểm định phân biệt chỉ áp dụng với những nghi phạm trọng điểm mà cảnh sát nghi ngờ, giá trị kiểm định phân biệt cho phép tiến hành phân biệt trọng điểm với một đối tượng đặc thù.

“Nếu nó có giá trị kiểm định phân biệt thật thì cũng tốt lắm rồi. Chúng ta có thể yêu cầu các cảnh sát điều tra tìm nhiều người có điều kiện phù hợp đến phòng thẩm vấn và bí mật lấy bút tích của họ.” Trần Thi Vũ góp ý kiến.

“Có điều tôi cứ nói tình huống xấu trước.” Anh Ngô nói, “Tôi tìm đặc trưng này trên tinh thần còn nước còn tát, chứ rốt cuộc có chuẩn xác hay không thì khó nói lắm. Các cậu cũng thấy rồi đấy, trong hai vụ án này, chữ ‘đạo’ đều viết không rõ nét. Đừng để đến lúc cần sử dụng làm căn cứ kiểm định, phân biệt mới phát hiện đặc trưng này chẳng qua là hai lần viết trùng hợp ngẫu nhiên của hung thủ. Tới khi ấy, tôi không gánh vác nổi trách nhiệm đâu đấy.”

“Anh nói cũng phải.” Tôi nói, “Rốt cuộc đó là thói quen viết sai chữ hay chẳng qua là sự sai lệch của thị giác khi hung thủ viết liền các nét vào nhau thì thật khó nói. Chúng tôi sẽ xử lý thận trọng.”

“Chí ít thì từ phần giám định chữ viết này, chúng ta đại khái phỏng đoán được chiều cao của hung thủ rồi còn gì.” Anh Ngô tự tin, “Hắn cao tầm một mét bảy mươi, các cậu có thể lấy đây làm điều kiện điều tra loại trừ.”

“Quá nhiều người cao tầm một mét bảy.” Tôi lắc đầu.

Đại Bảo nói: “Còn giới tính thì sao? Anh Ngô, anh có phán đoán được giới tính của hung thủ không?”

Xem ra Đại Bảo vẫn chắc mẩm với mùi nước hoa mà cậu ta ngửi thấy ở hiện trường lần trước. Khi đó chúng tôi vẫn còn bàn cãi về vấn đề giới tính của hung thủ.

“Đầu tiên, hiện giờ chúng ta vẫn chưa có căn cứ đầy đủ để xác định giới tính của hung thủ.” Tôi cắt ngang lời Đại Bảo, “Tiếp đến, tôi nhìn vết thương ở xương sườn và cảm thấy lực tay của nữ giới không thể mạnh đến mức như vậy được.”

Anh Ngô day mũi, cau mày nói: “Lần trước chúng ta đã bàn về vấn đề này rồi, việc phán đoán giới tính thông qua rèn chữ không hề có căn cứ khoa học. Nhưng tôi cảm thấy nét chữ của kẻ này rất thanh tú nên cũng không loại trừ trường hợp là do phụ nữ viết.”

“Đấy đấy! Anh thấy chưa?” Đại Bảo được đà lên giọng, “Anh Ngô ủng hộ tôi đấy!”

“Anh Ngô chỉ nói không loại trừ thôi, ok? ‘Không loại trừ’ và ‘khẳng định chính xác’ là hai khái niệm khác nhau.” Tôi nói.

“Chẳng phải nguyên nhân không thể xác định chính xác là vì văn bản mẫu quá ít ỏi đấy sao?” Anh Ngô nói, “Nếu các cậu có thể khiến hung thủ viết thêm mấy tổ từ thì tôi cho rằng đặc trưng sẽ lộ ra rõ ràng hơn, hơn nữa như thế cũng có lợi cho phán đoán của chúng ta.”

“Anh cả!” Tôi thực muốn chổng mông vái sống anh, “Làm ơn khép cái mồm Tinh Vệ lại cho tôi nhờ!”

Lần này, mồm quạ của anh Ngô không lập tức hiển linh, chúng tôi trải qua công việc hành chính vô vị trong suốt một tuần chẵn. Cũng như lần trước, phòng chúng tôi lại tụ tập hai lần.

Đương nhiên chúng tôi cũng không thể bỏ bê các vụ án mạng. Trong tuần đó, chúng tôi thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm Phòng Cảnh sát thành phố Long Phiên và Phòng Cảnh sát thành phố Vân Thái về tình hình điều tra “chuyên án Kẻ dọn rác”.

Sau một tuần điều tra, các cảnh sát đều bỏ ra rất nhiều công sức nhưng gần như chẳng thu được kết quả gì. Tổ điều tra bắt đầu rà soát từ những người lang thang vì họ nghĩ đến nhân tố gây án là những người lang thang tranh giành địa bàn, rồi họ lại nghĩ đến nhân tố bệnh nhân tâm thần gây án, thậm chí hai thành phố trên còn huy động lực lượng cảnh sát rất hùng hậu để kiểm tra từng đối tượng, họ tiến hành nghiên cứu, phán đoán tất cả các camera xung quanh hiện trường nhưng tuyệt nhiên không tìm ra manh mối nào. Vụ án không chỉ đơn thuần là sa vào tình thế bế tắc mà là hoàn toàn mất phương hướng. Niềm tin của các cảnh sát điều tra bị dập tắt thô bạo, họ không biết phải điều tra thế nào mới phải.

Đương nhiên mấy ngày vắt nát óc cũng chẳng thể giúp chúng tôi có được bước đột phá về phương diện chuyên ngành kỹ thuật hình sự. Hai vụ án này trở thành hai vụ án bỏ ngỏ, mặc dù Sở Cảnh sát tỉnh đã treo biển báo động và liên tục thúc giục tiến độ của chuỗi án liên hoàn, nhưng đơn vị cơ sở trực tiếp thực hiện mệnh lệnh là chúng tôi thì vẫn loay hoay như gà mắc tóc.

Tôi cũng nhắc anh Ngô không quên lưu ý xem trong quá trình giám định chữ viết hàng ngày có phát hiện thấy từ “đạo” không và so sánh với từ “đạo” mà hung thủ viết. Thứ nhất là xem tỷ lệ người viết sai chữ này cao hay không, thứ hai là muốn mò kim đáy bể và ôm cây đợi thỏ xem hung thủ có liên quan đến các vụ án khác mà “dâng” bút tích lên cho chúng tôi kiểm định không. Tất nhiên cách này hoàn toàn là trông chờ vào sự trùng hợp ngẫu nhiên một cách cực đoan để phá án, tuy nhiên hai vụ án đã bế tắc đến nước này thì chỉ còn biết trông mong vào sự tình cờ đó thôi.

Sáng thứ hai, tôi đi làm khá sớm, giở lại album ảnh ăn chơi tụ tập của phòng mà Trần Thi Vũ chụp và lưu lại trong máy tính. Càng xem lại càng thấy thú vị, bụng Linh Đan đã lùm lùm, Đại Bảo và chị Bảo vòng tay uống rượu giao bôi, các cô bạn gái mới của Hàn Lượng liên tục được thay đổi… Đột nhiên chuông điện thoại reo vang, số máy hiển thị trên màn hình điện thoại giúp tôi biết người gọi đến là thầy. Tôi nhăn mày biết lại có việc làm rồi.

“Giờ là bảy giờ năm mươi chín phút.” Thầy nghiêm giọng, “Tôi gọi đến xem các cậu có đi làm muộn hay không.”

Tôi thầm nhủ trong bụng thì ra thầy cũng thích soi học trò, may mà hôm nay tôi lại đến sớm.

Dường như thầy đọc được suy nghĩ của tôi nên nói tiếp: “Đương nhiên tôi gọi điện đến không chỉ đơn thuần để kiểm tra việc chuyên cần của các cậu mà còn muốn làm phiền các cậu một chút. Khi nãy tôi vừa nhận được thông báo của trung tâm chỉ huy, ở huyện Khánh Hoa vừa xảy ra một vụ án mạng, hai người tử vong, điều tra bước đầu cho thấy đây là vụ án cố tình sát hại, Phòng Cảnh sát cần chúng ta đến chỉ đạo và trợ giúp, các cậu chuẩn bị xuất phát đi!”

“Không phiền! Không phiền mà thầy!” Tôi rối rít đáp lại với giọng hơi kích động. Từ sau vụ thảm án một lúc sát hại năm người ở nhà Miêu Chính thì đã lâu chúng tôi không gặp vụ nào bị sát hại từ hai người trở lên. Tôi mơ hồ cảm nhận vụ án này có gì đó liên quan đến chuỗi huyết án “Kẻ dọn rác”.

Tôi buông điện thoại xuống cũng là lúc Đại Bảo, Lâm Đào và Trần Thi Vũ bước vào phòng.

Tôi liếc ba người họ, rồi thủng thẳng cất giọng rất gian: “Thầy vừa gọi điện đến kiểm tra chuyên cần.”

Lâm Đào ngó lơ, quay người vào phòng vệ sinh vuốt lại mái tóc bị gió thổi rối bời của cậu ta. Trần Thi Vũ cảnh giác kiểm tra lại máy vi tính đã bị tôi bật lên. Chỉ duy Đại Bảo hoảng hốt hỏi: “Á? Thật không? Thầy… thầy có hỏi tôi không?”

Nhìn bộ dạng lo lắng và giọng nói lắp bắp của cậu ta, tôi phá lên cười: “Đi thôi! Huyện Khánh Hoa vừa xảy ra án mạng.”

Đại Bảo lập tức hỏi theo thói quen: “Mấy cỗ?”

Tôi giơ hai ngón tay, rồi xách hòm dụng cụ nhanh chân bước xuống tầng.

Huyện Khánh Hoa trực thuộc thành phố Thanh Hương, nằm ở phía bắc của tỉnh, đó là nơi giao nhau giữa ba tỉnh.

So với các huyện thành vùng biên khác, trị an ở huyện Khánh Hoa khá yên ổn. Tôi làm việc ngần ấy năm mà mới đến đây trợ giúp phá án hai, ba lần. Nhưng trong ấn tượng của tôi, huyện thành này không có án thì thôi, mà hễ xảy ra án lại toàn án động trời. Tuy số lượng án mạng không nhiều nhưng tần suất phá được án lại không cao, đặc biệt còn xuất hiện những vụ án mạng vô cùng nan giải. Nghĩ đến đây tôi không khỏi thầm lo lắng.

Trưởng phòng Cảnh sát hình sự huyện Khánh Hoa mồ hôi nhễ nhại đứng đợi chúng tôi ở lối ra đường cao tốc. Anh là một cảnh sát lão thành, tuy chưa đến năm mươi tuổi nhưng đã có ba mươi năm kinh nghiệm làm cảnh sát hình sự, hơn nữa anh lại quả cảm, tác phong uy nghi lẫm liệt nên được các đồng nghiệp trong tỉnh rất kính trọng.

“Ô? Anh Triệu đích thân đến đón chúng tôi sao?” Tôi xuống xe hàn huyên.

Trưởng phòng Triệu dường như vẫn chưa dứt cơn bực mình, anh chửi thề: “Con bà nó! Đúng là xui tận mạng! Không biết thằng cha phóng viên nào vừa khéo đi ngang qua hiện trường, lén chui vào khu vực phong tỏa, nhòm vào cửa sổ phía sau hiện trường, rồi chụp một bức ảnh tung lên mạng. Bây giờ cả Sở Cảnh sát và Phòng Cảnh sát đều đang xả cơn giận lên đầu tôi.”

“Bị chụp trộm à?” Tôi cười hì hì, “Chuyện nhỏ ấy mà! Suốt ngày chúng tôi bị chụp trộm đấy thôi! Chỉ cần họ không gắn thêm cái tiêu đề ngậm máu phun người là được. Lần trước có một vụ án được giới truyền thông rất quan tâm, khi các bác sĩ pháp y chúng tôi vào phòng bệnh tiến hành khám nghiệm tình trạng vết thương cho người bị thương thì bị một phóng viên chụp ảnh trộm. Việc này lẽ ra hết sức bình thường đúng không? Ngày nào bác sĩ pháp y chẳng làm những công việc như vậy? Thế mà vị phóng viên đó lại thông minh hơn những bác sĩ pháp y luôn nghĩ đơn giản như chúng ta nhiều, anh ta đã đặt một tiêu đề rất kêu cho bức ảnh đó, rồi còn viết cái gì mà cảnh sát canh phòng nghiêm ngặt ngoài phòng bệnh 24/24 giờ không cho nạn nhân được phép trao đổi thông tin với người ngoài. Đúng là bịa đặt trắng trợn! Một vụ án đơn giản thế mà lại bị xào xáo thành vụ án ẩn chứa âm mưu đen tối khổng lồ phía sau, ha ha!”

“Hả? Lại còn chuyện đó nữa sao?” Trưởng phòng Triệu lập tức thấy tâm lý cân bằng trở lại, anh nói, “Có điều hiện trường lần này rất máu me, tình trạng tử vong của người chết rất thảm. Bởi vậy bức ảnh kia vừa được tải lên mạng là lập tức thu hút sự chú ý của rất nhiều người, gây ảnh hưởng cực kỳ không tốt đối với xã hội.”

“Chúng ta không sợ chuyện này ảnh hưởng xấu đến xã hội tới mức nào, dù sao án mạng cũng xảy ra rồi. Điều chúng ta cần làm là phải nhanh chóng phá án, như vậy chuyện xấu mới có cơ hội chuyển biến thành chuyện tốt.” Nói đến đây, tôi chợt nghĩ đến một điều nên liền hỏi luôn, “Hiện trường có đẫm máu không?”

Trưởng phòng Triệu gật đầu, vẻ mặt không giấu được nét bi thương: “Hầy! Hai ông bà già! Mất hết cả mặt.”

“Hả?” Đại Bảo kinh ngạc kêu lên, “Không… không còn mặt sao?”

Trưởng phòng Triệu lắc đầu thở dài không đáp, anh quay người chui vào trong xe dẫn chúng tôi đến hiện trường vụ án. Chiếc xe lao đi vun vυ"t.