Chương 10: Vụ án thứ 3 - Người khổng lồ màu xanh (1)

Hàng năm, các bác sĩ pháp y mỗi thành phố tìm thấy hàng chục xác chết trôi sông, trôi trên biển hoặc những xác chết vô danh bên vệ đường…

———-

Nửa tháng sau đó là chuỗi ngày bình yên, êm ả. Thời tiết bắt đầu nóng dần lên.

Trong thời gian này, năm người chúng tôi vô thức không ai nhắc đến vụ án vừa xảy ra, hình ảnh đôi mắt ngấn lệ của Trương Việt khiến chúng tôi mủi lòng, thậm chí còn thấy day dứt. Điều tra rõ chân tướng sự thật là chức trách của chúng tôi, mà chân tướng ấy lại khiến một con người tội nghiệp rơi vào hoàn cảnh tù tội. Nhưng day dứt vậy thôi, trong sâu thẳm nội tâm, chúng tôi đều hiểu rõ tất cả những việc chúng tôi làm vì chân tướng sự thật không có gì là sai cả. Giống như khái niệm “nghi can không có chứng cứ” trong pháp luật, thoạt nghe thì có vẻ pháp luật đang bảo vệ phần tử phạm tội, nhưng thực ra là đang bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mỗi công dân. Tuy nói là nói vậy, nhưng rốt cuộc trái tim của bác sĩ pháp y cũng làm từ máu thịt, muốn vượt qua nỗi buồn này cũng cần một quá trình.

Có lẽ cùng trải qua nỗi bi thương nên khiến chúng tôi càng có cớ để cố gắng tạo ra bầu không khí vui vẻ cho cả nhóm. Mỗi khi tan làm, chúng tôi lại gọi Linh Đan, chị Bảo và những cô bạn gái liên tục thay đổi của Hàn Lượng đến tụ tập cho vui. Điều khác trước đây là bây giờ chúng tôi có thêm một ký giả tham gia cùng. Mỗi khoảnh khắc vui chơi thả ga của chúng tôi đều được ống kính của “nhà nhϊếp ảnh chuyên nghiệp” Trần Thi Vũ ghi lại. Từng ngày trôi qua, chúng tôi cũng dần quen với sự có mặt của Trần Thi Vũ. Mặc dù những ngày này chúng tôi không phải đi công tác, nhưng công việc hành chính dày đặc khiến chúng tôi không thể thở nổi, có điều giữa bộn bề công việc, chúng tôi vẫn tìm ra những khoảng trống để kể chuyện cười trêu chọc nhau, thành ra quãng thời gian này phòng giám định, khám nghiệm của chúng tôi tràn ngập tiếng cười. Ngay cả Trần Thi Vũ vốn ít lời nay cũng tham gia kể chuyện cười với chúng tôi.

Nói thật, nếu không nỡ để Linh Đan ôm bụng bầu phải chịu cô đơn, quả thực chúng tôi thích những ngày tháng phải đi công tác hơn. Vì khi ra ngoài để phá án, chúng tôi chỉ cần tập trung tinh thần vào các vụ án, trong khi ở sở, chúng tôi phải làm rất nhiều việc vặt vãnh khiến tôi thường cảm thấy rằng mình ít nhất phải có ba đầu sáu tay mới đủ dùng.

Hôm ấy, Lâm Đào đang ở văn phòng giở cuốn sách Bệnh tâm thần trong pháp y.

“Pháp y các anh mà cũng phải nghiên cứu về bệnh thần kinh sao?” Trần Thi Vũ thấy lạ liền hỏi.

“Lông Vũ à! Cái này thì phải để tôi phổ cập kiến thức cho cô mới được, tránh để mai sau ra ngoài cô lại làm mất mặt anh em chúng tôi.” Đại Bảo nói, “Giám định bệnh tâm thần cũng là bộ môn khoa học thuộc về phân ngành giám định pháp y.”

“Có phải anh muốn nói đến vấn đề năng lực trách nhiệm hình sự hoàn toàn, năng lực trách nhiệm hình sự hạn chế và không có năng lực trách nhiệm hình sự không?” Trần Thi Vũ hỏi tiếp, lần này cô không chỉnh Đại Bảo vì tội gọi sai tên mình nữa, có lẽ cô đã quen rồi.

Đại Bảo gật đầu.

Lâm Đào nói: “Trước đây tôi xem một bộ phim trên rạp, tên là Dạ xoa, nội dung phim đề cập đến vấn đề nhiều chuyên gia giám định làm giả giấy tờ, giúp một số kẻ có tiền phạm tội trở thành người không có năng lực trách nhiệm hình sự, cuối cùng thoát khỏi trách nhiệm truy cứu hình sự. Một cảnh sát không thể chấp nhận được việc đó nên chuyên lợi dụng thời gian về đêm đi quật chết những kẻ xấu xa đó, xem mà đã vô cùng! Các cậu làm giám định cũng chớ cả gan làm giả, kẻo lại bị người ta quật chết đấy!”

Đại Bảo “Hừ!” một tiếng, rồi nói: “Lâm Đào nói đúng đấy! Tôi thấy kẻ đáng bị gϊếŧ nhất chính là những kẻ làm giám định giả, chúng còn xấu xa hơn cả bọn tội phạm. Có điều bộ phận pháp y trong cơ quan công an chúng ta không phụ trách giám định tâm thần, thể loại giám định quan trọng này cần tổ giám định do các chuyên gia đủ tư cách trong các bệnh viện tập hợp lại để đảm bảo yếu tố chân thực, khách quan trong quá trình giám định.”

Trần Thi Vũ hỏi: “Trong các vụ án mà các anh từng tham gia, các vụ án mà hung thủ là bệnh nhân mắc bệnh thần kinh có nhiều không?”

Đại Bảo ngẫm một lát rồi đáp: “Ừm… Cũng không ít đâu, hơn nữa những vụ án đó rất khó phá giải, khó tìm chứng cứ, càng không trông mong gì có khẩu cung. Anh Tần Minh còn nhớ không? Trước đây chúng ta từng thụ lý vụ án một người bị thiểu năng trí tuệ sát hại một cặp vợ chồng, chính nhờ những vết thương thừa trên cơ thể nạn nhân và thông qua phân tích hành vi, chúng ta đã phán đoán hung thủ là kẻ không hoàn thiện về mặt tâm thần.”

“Đợi chút!” Tôi vừa viết báo cáo vừa xen lời, “Tôi phải đính chính một chút cách hiểu sai của cô Thi Vũ.”

“Cô luôn miệng nói bệnh thần kinh, thực ra ý cô muốn biểu đạt là bệnh tâm thần.” Tôi vừa viết vừa nói. Đối với tôi, viết báo cáo là công việc không cần sử dụng đầu óc nhất, chỉ cần làm theo một mô típ cố định, một chức danh cố định, một nội dung cố định, không cần phải suy nghĩ, cầm bút là viết thôi.

“Trong y học, bệnh thần kinh và bệnh tâm thần là hai khái niệm khác nhau. Bệnh tâm thần chỉ những chứng bệnh gây trở ngại nghiêm trọng về tâm lý, trong đó nhận thức, tình cảm, ý chỉ, hành vi, động tác của bệnh nhân xuất hiện triệu chứng bất thường một cách lâu dài và rõ rệt, họ không thể học tập, lao động và sinh sống một cách bình thường, người bình thường khó mà lý giải được các hành vi và động tác của họ. Dưới sự chi phối của tâm lý mang bệnh, những người bị tâm thần có thể thực hiện những hành vi nguy hiểm như tấn công, đả thương người khác. Còn bệnh thần kinh chỉ loại bệnh cấp tính do hệ thống thần kinh gây ra. Tuy đôi lúc hai loại bệnh này có thể cùng tồn tại song song, nhưng thực chất chúng là hai khái niệm khác nhau.”

“Ồ!” Trần Thi Vũ như hiểu ra, “Bệnh nhân tâm thần do bệnh viện tâm thần quản lý, có thể làm giám định tâm thần. Còn bệnh thần kinh thì sao? Bệnh thần kinh do ai quản lý và có thể thực hiện giám định hay không?”

“Nếu bệnh thần kinh do ngoại thương gây ra thì sẽ do chúng ta tiến hành giám định mức độ thương tích trên cơ thể người theo pháp y học.” Tôi nói, “Còn vấn đề chữa trị thì do các bác sĩ khoa thần kinh của các bệnh viện chịu trách nhiệm.”

“Giải tán! Giải tán! Mấy người đang nói linh tinh gì thế?” Đại Bảo đột nhiên trở mặt, “Không lôi thôi với mấy người nữa!”

Chúng tôi ngơ ngác không hiểu gì.

“Sao thế?” Tôi chợt nghĩ ra, chị Bảo hình như là bác sĩ khoa thần kinh, nên nói, “Cậu nghe nhầm không đấy? Chúng tôi đâu có nói bác sĩ khoa thần kinh không tốt hả? Chúng tôi đang phổ cập kiến thức cho Thi Vũ rằng bệnh nhân thần kinh do bác sĩ thần kinh quản lý. Có sai đâu nào?”

Đại Bảo trợn mặt nhìn chúng tôi trong giây lát, rồi ngay sau đó liền cúi đầu xuống, vân vê gấu áo nói: “Hừ! Ừ đấy! Vợ tôi quản lý tôi thì cũng đâu có gì sai?”

Khi chúng tôi đang phá lên cười vui vẻ thì có tiếng chuông điện thoại reo.

“Dạo này nhàn rỗi quá à?” Giọng của thầy vang lên từ bên kia đầu dây, “Cười gì mà giòn thế? Có chuyện gì thú vị sao?”

Chắc chắn khi tôi nghe điện thoại, Lâm Đào vẫn chưa nhịn được cười. Tôi lườm Lâm Đào, cậu ta liền thè lưỡi ra vẻ sợ.

“Có nhiệm vụ mới hả thầy?” Tôi vội lảng sang đề tài khác.

“Ở thành phố Phong Lĩnh có một công xưởng, dòng sông trước cổng công xưởng đó có một xác chết trôi, hiện giờ các bác sĩ pháp y địa phương không dám xác định tính chất của vụ án, nên mời các cậu xuống đó một chuyến xem sao.” Thầy nói.

Hàng năm, các bác sĩ pháp y mỗi thành phố tìm thấy hàng chục xác chết trôi sông, trôi trên biển hoặc những xác chết vô danh bên vệ đường. Để nói ngắn gọn, chúng tôi thường dùng cụm từ “xác chết trôi” để biểu thị ba loại xác chết đó.

“Xác chết trôi ạ?” Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, vầng dương đỏ ối như chảo lửa, rồi day mũi quay sang Lâm Đào và Đại Bảo.

Đại Bảo vội vàng đứng dậy, mở tử, tìm ba chiếc mặt nạ phòng độc.

“Vụ án này không gấp lắm.” Thầy nói, “Vụ án được phát hiện từ sáng hôm qua. Chiều qua các bác sĩ pháp y địa phương đã tiến hành khám nghiệm, hôm nay ý kiến thảo luận của họ lại không đồng nhất nên muốn mời chúng ta giúp một tay. Các cậu chỉ cần đến đó trước giờ ăn trưa là được.”

Tôi nâng cánh tay lên nhìn đồng hồ, lòng thầm nghĩ: “Thế này mà thầy bảo không cần đi gấp sao? Bây giờ đã hơn chín giờ sáng, thành phố Phong Lĩnh lại cách đây những hơn hai trăm cây số. Chúng tôi phải đến đó trước giờ ăn trưa mà còn chưa đủ gấp gáp ư?”

Tôi không dám phàn nàn, tổ năm người lập tức xách hòm dụng cụ khám nghiệm và lên xe xuất phát.

Thành phố Phong Lĩnh là một trong những thành phố nhỏ ở ven bờ sông Trường Giang. Tuy nằm ở vị trí giao nhau giữa ba tỉnh nhưng nhân khẩu nơi đây khá ít, cuộc sống dư dả, giàu có, bởi vậy thành phố này rất hiếm khi xảy ra án mạng. Từ ngày đi làm đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi phải đến Phong Lĩnh tác nghiệp.

Sau khi xe ra khỏi đường cao tốc thì bắt đầu xuyên ngang qua thành phố. Suốt dọc đường, chúng tôi vừa thưởng thức phong cảnh non nước hữu tình của thành phố nhỏ, lòng vừa thầm nghĩ không biết lần này sẽ ra sao? Thi thể phân hủy đến mức nào? Chỉ riêng Trần Thi Vũ là vẫn còn tâm trạng chụp ảnh phong cảnh bên ngoài qua lớp của kính xe ô tô.

Thi thể bị phân hủy sẽ dẫn đến việc các điều kiện suy đoán biến mất, đồng thời cũng mất đi rất nhiều chứng cứ, điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác pháp y mà còn ảnh hưởng tới các suy đoán của bác sĩ pháp y. Đương nhiên, đây cũng là lần đầu tiên Trần Thi Vũ tiếp xúc với thi thể đã bị phân hủy, tôi khá tò mò muốn biết lần này cô ấy có “qua cửa” hay không.

Xe cảnh sát địa phương đi trước dẫn đường, những huyên náo, phồn hoa dần dần biến mất sau ô cửa kính, xe bắt đầu vào địa phận của khu kinh tế mở ở ngoại ô thành phố. Nhân khẩu ở thành phố vốn đã thưa thớt, đến đây lại càng thưa thớt hơn. Xe cảnh sát nhấp nháy đèn hiệu, chỉ một lát sau đã đến trước cổng một công xưởng.

“Đây là xí nghiệp chủ lực của thành phố chúng tôi, nhân công trên một ngàn người.” Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự của thành phố mang họ Triệu, anh ta vừa nhảy xuống xe vừa nói, “Trong xí nghiệp có khu sinh hoạt cho công nhân, những ngày đi làm, công nhân đều ở công xưởng, chỉ cuối tuần mới ai về nhà nấy.”

Tôi nhìn quanh một vòng rồi nói: “Giao thông ở đây thuận tiện không?”

Đội trưởng Triệu lắc đầu: “Nếu ai không có phương tiện giao thông riêng thì cần đi bộ năm trăm mét đến trạm xe buýt, họ có thể bắt xe buýt xuống thành phố. Đa phần công nhân trong công xưởng đều có xe riêng, ai không có xe riêng thì nhà máy sẽ điều xe đưa họ về vào cuối tuần và đón họ trở lại nhà máy vào đầu tuần sau.”

“Hiện trường ở ngay đây sao?” Tôi thấy trước cổng công xưởng có một dòng sông nhỏ chảy hiền hòa, nước trong đến tận đáy. Con sông nhỏ này giống như hào nước bảo vệ thành phố, nó bao quanh cả khu nhà xưởng, chỉ có chỗ mấy cổng vào lớn là bắc cầu khá rộng cho mọi người ra vào. Xe chúng tôi dừng bên cầu, nhìn xuống lòng chảo sông, tôi thấy một vài chiếc áo phẫu thuật dùng một lần màu xanh da trời và mấy đôi găng tay cao su rất ngứa mắt.

Tôi nhăn mày lắc đầu, thầm nghĩ bây giờ tỉnh đang rất coi trọng việc xử lý rác thải y tế, vậy mà các bác sĩ ở đây lại không quán triệt tinh thần này một chút nào. Áo phẫu thuật và găng tay cao su đều là những chất rất khó phân hủy sau nhiều năm, vứt bừa bãi như vậy sẽ khiến môi trường bị ô nhiễm, đồng thời còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố. Bởi vậy Sở Cảnh sát luôn yêu cầu các cảnh sát phải thu dọn các vật dụng bỏ đi, cho vào thùng rác và gom đi xử lý sau khi đã tiến hành kiểm tra hiện trường xong xuôi.

Đội trưởng Triệu gật đầu, kể tiếp: “Bình thường trong cống không có ai, đến tận thứ hai vừa rồi, khi công nhân bắt đầu đi làm thì mới phát hiện có vật lạ ở dưới cầu, bảo vệ nhà máy liền xuống xem tá hỏa nhận ra đó là một xác chết, họ lập tức gọi điện báo cảnh sát.”

“Thời gian gây án chính là cuối tuần sao?” Đại Bảo hỏi.

Tôi lắc đầu: “Không phải! Nghe nói tử thi đã phân hủy mức độ cao, chắc chắn tử vong hai, ba ngày trước rồi. Sau khi tử thi phân huỷ, nó mới từ từ nổi lên mặt nước, mà dòng nước của con sông này là dòng nước chảy, chỉ có điều xác chết trôi đến chân cầu thì mắc vào ụ cầu nên mới bị giữ lại và được người ta phát hiện. Tôi cho rằng địa điểm vứt xác chắc chắn không phải ở đây.”

Đội trưởng Triệu gật đầu nói: “Đúng vậy, chúng tôi đã xem tất cả các cuộn băng trong máy camera gắn trước mấy cổng lớn, nhưng không phát hiện được gì.”

Chúng tôi đi qua cây cầu rộng, men theo tường bao quanh của nhà máy. Trần Thi Vũ nói: “Tôi thấy cứ cách mấy trăm mét là lại gắn một ống kính camera ở trên bờ tường.”

Đội trưởng Triệu nói: “Đúng vậy, thực ra người ngoài nhìn vào thì cho rằng camera quan sát gần khu vực công xưởng dày đặc như rừng, nên đây hẳn không thể là nơi vứt xác lý tưởng, nhưng bảo vệ nhà máy đều biết thực ra những camera này chỉ giám sát được khu vực đầu tường, nó không thể giám sát được tình hình diễn ra ở phía bờ đối diện. Điều đó có nghĩa là nếu đứng ở bờ phía đối diện mà vứt xác xuống thì chưa chắc đã bị ống kính camera ghi lại.”

“Anh đang nghi ngờ những người thuộc bộ phận bảo vệ sao?” Trần Thi Vũ hỏi.

Đội trưởng Triệu không đáp.

Tôi tiếp lời: “Trong công xưởng lắp camera thì không nói làm gì, nhưng khu vực xung quanh công xưởng đều là nơi thoáng đãng, muốn tìm nơi nào chôn xác cũng không phải chuyện gì khó khăn, vì sao hung thủ lại chọn cách vứt xác xuống sông? Tuy camera chỉ giám sát được khu vực trên đầu tường nhưng phải cúi người lom khom tìm góc chết của camera mà vứt xác xuống dòng sông gần đó là một hành động rất mạo hiểm. Dẫu là người vô cùng thông thạo các vị trí giám sát của camera như bảo vệ nhà máy thì theo lẽ thường họ cũng sẽ không dám liều lĩnh làm vậy.”

Đội trưởng Triệu cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, anh ta nói: “Hay chúng ta cứ đi ăn cơm trước đã, đừng để ấn tượng ban đầu làm làm ảnh hưởng phán đoán. Bởi vì trong số các bác sĩ pháp y của thành phố có người nhận định đây chẳng qua là vụ tự sát hoặc tai nạn ngoài ý muốn mà thôi.”

Đại Bảo vỗ đầu bồm bộp đáp: “Đúng đấy! Chúng ta đến đây chỉ giúp họ định hướng tính chất vụ án, vội gì đâu mà phải sốt sắng thế?”

Bác sĩ pháp y cũng là người, nhìn thấy xác chết rữa nát, sự kí©h thí©ɧ về thị giác và khứu giác cùng ập đến một lúc, nếu bảo không thấy khó chịu, đảm bảo là nói dối. Còn nhớ nhiều bác sĩ pháp y còn nói, nếu tôi bị viêm mũi thì sẽ không ngửi thấy mùi tử thi thối rữa nữa, thực ra không phải vậy, viêm mũi thường song hành cùng viêm họng, mà triệu chứng của viêm họng là buồn nôn và nôn khan. Những bác sĩ pháp y bị viêm họng khi vào hiện trường có thi thể phân hủy, họ thường phải cố gắng át chế cảm giác muốn nôn khan, nhưng đó hẳn không phải điều dễ dàng. Tôi cũng vậy, là bác sĩ pháp y mà nôn khan ở hiện trường là vô cùng mất mặt, hơn nữa còn khiến lãnh đạo hoài nghi về khả năng làm việc của mình. Bởi vậy, những sinh viên chuyên ngành điều tra như Trần Thi Vũ lần đầu tiếp xúc với xác chết phân hủy, dẫu cô ấy có nôn mửa thật, tôi cũng hoàn toàn thông cảm.

Vừa nhảy xuống khỏi xe và bước vào cửa phòng giải phẫu của nhà xác thành phố Phong Lĩnh, tôi đã ngửi thấy mùi đáng ghét nhưng quen thuộc. Phòng giải phẫu luôn được lắp đặt hệ thống thông gió rất hoàn thiện và hiện đại, vậy mà tử thi này vẫn đội ngược gió bốc mùi hôi thối khắp nơi, không cần nghĩ cũng biết mức độ phân hủy phải nghiêm trọng đến độ nào.

Trong phòng thay quần áo, tôi nhìn qua lớp cửa kính thấy một túi đựng tử thi phồng to đặt trên bàn phẫu thuật. Chúng tôi đều ngầm hiểu không phải bởi nạn nhân quá to béo khiến túi phồng như vậy, mà vì xác chết đã hóa thành “người khổng lồ”. Sở dĩ gọi là “người khổng lồ” là vì sau khi tử thi bị phân hủy ở mức độ cao, các vi sinh vật kỵ khí liên tục diễn ra các hoạt động trao đổi chất dẫn đến tích tụ các khí như hidro sunfit, cacbon dioxit và metan trong xác chết, gây phình bụng và dần dần lan khắp cơ thể khiến xác chết trở nên phình to giống như người khổng lồ. Nếu côn trùng tiếp cận xác chết sẽ khiến các mô tế bào bị phân hủy làm cho diện mạo ban đầu của nạn nhân hoàn toàn biến mất.

Rất nhiều người xem xong ảnh “người khổng lồ” trên mạng liền không chịu nổi sự xung kích quá mãnh liệt của thị giác, lũ lượt than thở làm bác sĩ pháp y không dễ dàng chút nào. Thực ra nếu chỉ chịu sự xung kích của thị giác thì cũng chẳng có gì, điều đáng nói hơn là sự xung kích của khứu giác và xúc giác. Mùi thối thì khỏi cần bàn thêm, còn xúc giác truyền đến khi khám nghiệm cho tử thi thật khiến người ta không thể nào quen nổi. Vì toàn thân của tử thi trương phình rất trơn, chỉ cần hơi mạnh tay một chút là phần biểu bì sẽ bị trợt ra, bởi vậy muốn chụp được chân tay của thi thể trong khi bác sĩ pháp y đang đeo găng tay cao su thực sự rất chật vật, càng chưa bàn đến việc lật người tử thi lại.

Nhưng để tìm ra chân tướng sự thật, trả lại lẽ công bằng cho nạn nhân, dẫu phải chịu đựng khổ sở như thế, tôi vẫn thấy rất đáng.

Chúng tôi nhanh chóng mặc trang phục khám nghiệm, bước vào phòng giải phẫu. Trưởng khoa Pháp y của Phòng Cảnh sát thành phố Phong Lĩnh là trưởng khoa Chu, ông chậm rãi mở túi đựng tử thi ra, một xác chết khổng lồ màu xanh đen hiện ra trước mắt chúng tôi. Cùng với đó là mùi thối xộc vào mũi đến lộng óc.

Tôi quay sang nhìn Trần Thi Vũ, hiển nhiên cô ấy cũng không chịu nổi nên chun mũi lại, nhưng lần đầu tiên nhìn thấy cảnh tượng này mà cô ấy không nôn mửa cũng đủ khiến tôi thấy kinh nhiên (kinh ngạc + ngạc nhiên) lắm rồi.

Nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị tiên tiến, nên bác sĩ pháp y đã có thể chào tạm biệt với thời đại “mũi khuyển”. Trước đây chúng tôi chỉ biết đeo khẩu trang để ngăn mùi tử khí, bây giờ điều kiện tốt hơn trước nhiều, các bác sĩ pháp y đều được phát mặt nạ phòng độc để phòng tránh độc khí thải ra từ thi thể xâm nhập vào cơ thể các bác sĩ. Than hoạt tính trong mặt nạ phòng độc quả thực có thể hút độc khí, nhưng khả năng ngăn cản mùi hôi thối thì chẳng khá hơn khẩu trang là bao. Lúc này, mùi xác thối đã xuyên qua mặt nạ phòng độc, chui vào trong mũi tôi. Tôi nhíu mày, đeo cái món này vào, ngay cả thói quen day mũi cũng đành phải bỏ.

Lưỡi nạn nhân thè hẳn ra ngoài, mắt mở trừng trừng như thể đang nhìn chúng tôi.