Chương 24: Vụ án thứ 6 - Nổi chìm dưới giếng (1)

Nếu những người đàn ông hiểu nhau, họ sẽ không sùng bái cũng như căm hận lẫn nhau.

Elbert Hubbard

“Tại sao lại có bệnh tiềm ẩn?”

“Rất nhiều người có bệnh tiềm ẩn, loại bệnh này thường không có triệu chứng rõ rệt, nhưng nếu gặp các tác nhân khiến bệnh tiềm ẩn bùng phát sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh tiềm ẩn thường gặp chủ yếu là một số bệnh về tim mạch máu não. Ví dụ như mạch máu não có một khối u động mạch, bình thường sẽ không có biểu hiện rõ rệt, nhưng nếu phần đầu bị va đập nhẹ, hoặc tinh thần đột nhiên kích động, khối u động mạch có khả năng bị vỡ, nếu vỡ sẽ dẫn đến tử vong. Thêm vào đó, rất nhiều người gặp vấn đề tại hệ thống dẫn truyền của tim, nếu chịu kí©h thí©ɧ, bệnh tiềm ẩn ở hệ thống dẫn truyền đột ngột phát tác có khả năng khiến tim ngừng đập dẫn đến tử vong.”

“Thế anh bảo bệnh tiềm ẩn của bố tôi nằm ở đâu?”

“Tim của bố anh không thể coi là có bệnh tiềm ẩn. Ông ấy mắc bệnh huyết áp cao, bệnh tim mạch vành, hẹp động mạch vành độ bốn, van tim có huyết khối.”

“Bố tôi vừa khám sức khỏe xong, tại sao lại không phát hiện ra?”

Tôi nhìn tờ xét nghiệm máu của trạm xá thị trấn mà nhất thời nghẹn họng.

“Ông ấy chỉ xét nghiệm máu thôi, đến điện tâm đồ cũng không làm thì không thể tính là khám sức khỏe được.” Đại Bảo đỡ lời.

“Anh nói không tính thì là không tính chắc? Tôi nói tính là tính! Đừng nhiều lời nữa, nói luôn đi, có xử bắn hay không?”

“Xử bắn hay không, không phải do cơ quan công an quyết định.” Tôi cố gắng hết sức để giữ bình tĩnh. “Tinh thần kích động chỉ có thể coi là tác nhân phụ, còn nguyên nhân tử vong của ông cụ là do phát bệnh. Nếu tử vong do bệnh tật thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự được. Nhiều nhất chỉ là sơ suất dẫn đến chết người thôi.”

“Các anh dựa vào đâu mà dám nói là tác nhân phụ hả? Tôi thấy rõ ràng là đánh chết người.”

“Nguyên nhân tử vong của con người, về cơ bản chỉ có bốn loại chính, đó là ngoại thương, ngạt thở, ngộ độc, bệnh tật.” Tôi nói. “Chúng tôi đã khám nghiệm toàn diện thi thể của bố anh, đã loại trừ các khả năng ngoại thương, ngạt thở, ngộ độc, và đã phát hiện ra chứng bệnh có khả năng gây tử vong và dấu hiệu phát bệnh. Cho nên kết quả giám định của cả hai cấp pháp y thành phố và tỉnh đều trùng khớp, không có nghi vấn gì.”

“Mẹ kiếp! Đúng là quan chức bao che cho nhau, cấp trên bao che cho cấp dưới. Cái gì mà loại trừ ngoại thương? Vậy cái vết bầm tím to tướng trên đùi ông cụ không phải là ngoại thương thì là cái gì? Các người giải thích cho tôi xem nó là cái gì?”

Tôi thầm siết chặt nấm đấm, cố hạ giọng ôn tồn mà tiếp tục giải thích: “Ngoại thương mà chúng tôi nói đến là chỉ vết thương có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng, ví dụ như đứt mạch máu gây mất máu, hoặc giập vỡ các cơ quan nội tạng quan trọng, hoặc các nguyên nhân lý hóa dẫn đến tổn thương gây chết người. Chứ một vết xuất huyết dưới da còn chưa được tính là tổn thương nhẹ, làm sao có thể gây chết người được? Tổn thương này chỉ chứng tỏ ông ấy có xô xát với người khác, nhưng không có liên quan gì tới cái chết của ông ấy cả.”

“Các người thì lúc nào cũng lừa dối nhân dân như thế cả. Thế mà còn rêu rao án mạng nhất định phải phá. Mẹ kiếp!”

“Đây không phải là án mạng. Ông cụ tử vong là do phát bệnh.”

“Ông đếch tin. Ngày mai ông sẽ lên hẳn Bắc Kinh thưa kiện.”

“Thôi đừng anh ạ, chúng tôi đã giải thích rõ với anh rồi còn gì.” Phân đội trưởng Hoàng trưng ra một nụ cười.

Tôi không sợ kiện cáo khiếu nại, tôi đã cố gắng hết sức để giải thích về căn cứ phán đoán pháp y cho người khiếu nại nghe, hy vọng họ hiểu được những kiến thức pháp y và hiểu được chúng tôi rồi, ngừng khiếu nại, ngừng kiện tụng. Thế nhưng, cho dù vụ án đã rõ rành rành, cho dù đã giải thích, thuyết phục chi tiết đến đâu, cũng chẳng thể hóa giải được bao nhiêu vụ khiếu nại qua thư tín, điện thoại.

Tôi đang tức nổ đom đóm mắt trước những lời thóa mạ của gã lưu manh trước mặt, nhìn thấy nụ cười xởi lởi của phân đội trưởng Hoàng, lại càng bực mình hơn nữa.

Tôi nói hắn là một gã lưu manh cũng chẳng oan uổng cho hắn chút nào. Hắn là một đứa trẻ bị bỏ rơi được ông cụ sống độc thân nhận nuôi. Ông cụ vất vả nuôi hắn cho đến khi có thể tự lập, hắn liền chuyển ra ngoài ở riêng. Hơn chục năm nay, chưa bao giờ hắn mua cho ông cụ một cây kim sợi chỉ hay mang cho ông cụ một bát canh, cốc trà. Sau một vụ xô xát nhẹ với hàng xóm, ông cụ đột nhiên qua đời, gã khốn này mới vác mặt về gào khóc ăn vạ.

Xô xát dẫn đến phát bệnh gây tử vong, đối phương chí ít cũng phải gánh chịu một phần trách nhiệm dân sự. Hắn hoàn toàn có thể tuân theo đúng quy trình pháp luật, nhưng hắn biết như vậy thì không được bao nhiêu tiền bồi thường.

“Gây ầm ĩ thì lời lớn, gây sơ sơ thì lời nhỏ, không gây thì không có lời.” Hắn nói với dân làng như vậy.

Dân làng đều phản cảm với hắn, tán đồng kết luận của cơ quan công an, nhưng việc này lại trở thành lý do cho hắn lên mạng tung tin: “Họ đều cùng một giuộc, chèn ép cha tôi, một người già cả neo đơn, thế mới thấy quyền lực nhà họ lớn thế nào. Công an đều đã bị họ mua chuộc, nhắm mắt làm ngơ trước vụ án gϊếŧ người. Mọi người nhìn ảnh mà xem, khắp người đầy thương tích mà công an lại bảo là ốm chết. Xin mọi người hãy lên tiếng giúp tôi, tôi không thể để cha nuôi của mình chết oan uổng như vậy được.”

Thế là, trên mạng lập tức dậy lên một làn sóng chửi bới sôi động.

Giải thích kiểu gì cũng vô ích. Tôi đã quá ngán ngẩm những vụ phúc tra vụ án khiếu nại qua thư rồi.

“Sư huynh, sao vừa nghe anh ta đòi đi Bắc Kinh kiện cáo anh đã xuống nước ngay thế, trông ghét không chịu được.” Tôi hậm hực nói với phân đội trưởng Hoàng.

“Với người dân thì phải cúc cung tận tụy là đúng rồi, chúng ta là công bộc, là đầy tớ của nhân dân cơ mà!” Phân đội trưởng Hoàng cười nói. “Gần đây áp lực lớn quá, chẳng hiểu tại sao mà liền mấy vụ hàng xóm xích mích gây phát bệnh tử vong, họ đều khiếu nại lên trên cả. Mấy nhà còn so bì xem ai đòi được nhiều tiền hơn nữa kìa.”

“Đây không phải là dấu hiệu tốt đâu, xã hội rối loạn, khéo lại có án mạng cũng nên!” Tôi nói.

Biệt danh sao Quả Tạ là do phân đội trưởng Hoàng đặt cho tôi đầu tiên, cho nên tôi cũng hay dùng cách nói gở để trả đũa anh ấy.

“Này! Này!” Phân đội trưởng Hoàng kêu lên. “Vụ án khiếu nại còn chưa xong, thêm một án mạng nữa thì tôi không đỡ nổi đâu. Tôi sợ anh lắm rồi, Vân Thái đã bao giờ xảy ra án mạng đâu, anh vừa đến đã đen đủi ngay, đúng là sao Quả Tạ!”

Đi qua sở nghiên cứu Khoa học hình sự Công an thị trấn Vân Thái, chúng tôi thấy các đồng chí công an đang tất bật chạy đi chạy lại.

“Chuyện gì thế?” Phân đội trưởng Hoàng hỏi bác sĩ Cao.

“Thưa sếp, các anh họp suốt, trung tâm chỉ huy vừa gọi đến, phát hiện ra một tử thi, có khả năng là án mạng.” Bác sĩ Cao nói. “Chúng em đang chuẩn bị ra hiện trường. À, bác sĩ Trần có gọi điện thoại cho anh báo cáo rồi đấy.”

“Ôi, tôi sợ cái ông sao Quả Tạ này quá!” Phân đội trưởng Hoàng méo mặt.

Tôi nhanh nhảu xung phong: “Em sẽ đi hiện trường với anh.”

*

Đây chính là ngôi làng đã xảy ra một vụ án mạng trong chuỗi vụ án Vân Thái (1). Vừa đến cổng làng, chúng tôi đã thấy người dân túm tụm bàn tán xôn xao. Có người nói ngôi làng đã bị ma ám, oan hồn của cô gái năm xưa còn quanh quất nơi đây. Có người lại nói phong thủy của làng không tốt, năm nào cũng khắc chết người làng. Còn có người dân rục rịch muốn chuyển nhà đi chỗ khác.

(1) Xem “Pháp y Tần Minh” tập 2, “Lời tố cáo lặng thầm”.

Ngoài làng có một cánh đồng, một góc cánh đồng có một cái giếng, hiện trường chính là ở đó. Mấy điều tra viên đang vây quanh người báo án để hỏi thăm tình hình. Người báo án tên Giải Lập Văn, một ông cụ 60 tuổi, vóc dáng nhỏ thó, đen đúa, lúc này đang ngồi thu lu bên ngoài vòng dây cảnh giới, lặng lẽ hút thuốc.

“Bác nói gì đi chứ.” Điều tra viên giục. “Đây là một mạng người, bác là người đầu tiên phát hiện ra, bác hãy cho chúng cháu biết một vài điều để giúp chúng cháu nhanh chóng phá án.”

Giải Lập Văn ngẩng lên nhìn anh cảnh sát, nói: “Mẹ kiếp, đúng là vô phúc mới gặp phải chuyện này. Mẹ cha đứa nào gϊếŧ người ném xuống giếng nhà ông, ông nguyền rủa nó tuyệt tử tuyệt tôn!”

Hóa ra cái giếng là của nhà Giải Lập Văn. Mấy ngày trước, ông ta vẫn còn múc nước giếng để tưới cho đồng ruộng. Hôm nay, trời vừa tờ mờ sáng, Giải Lập Văn vẫn đi làm đồng như mọi bận. Ông ta buông gầu xuống giếng kéo nước, nhưng thả đi thả lại mấy lần mà gầu vẫn không thể chìm xuống nước được. Trước đây chẳng bao giờ có chuyện như thế cả nên ông ta lấy làm ngờ vực. Ông ta thò đầu ngó xuống lòng giếng, dưới ánh sáng ban mai, loáng thoáng nhìn thấy có thứ gì bập bềnh phía dưới.

“Thằng mất dạy nào vứt bậy xuống giếng nhà ông?” Ông ta nghĩ thầm.

Chẳng còn cách nào khác, ông ta đành tạm bỏ đó, đi làm việc khác. Đến khi mặt trời lên, trời sáng rõ, ông ta mới nhớ đến cái giếng.

Nhìn xuống lòng giếng, thấy dưới đó toàn là rơm rạ.

“Tiên sư cha nhà nó.” Giải Lập Văn chửi bới. “Không biết trẻ con nhà nào nghịch bậy, ném đầy rơm rạ xuống giếng nhà ông, lại phải dọn bở hơi tai đây!”

Mực nước giếng sâu khoảng 1,5 mét, đường kính miệng giếng chỉ rộng bằng vai, muốn vớt rác rưởi dưới giếng lên không phải chuyện dễ dàng. Giải Lập Văn hết khua xẻng lại thả gầu, hì hục đến tận hơn 12 giờ trưa mới vớt hết được rơm rạ dưới giếng.

Giải Lập Văn ngồi phịch xuống bên thành giếng thở phì phò, châm thuốc hút, vẫn không ngừng chửi bới mười tám đời tổ tông kẻ đã vứt rơm xuống giếng. Sau đó, ông ta lại ngẫm nghĩ xem gần đây có xích mích với ai không?”

Đỡ mệt rồi, ông lại đứng dậy, cầm gầu định kéo nước lên. Nhưng vừa thò đầu nhìn xuống, ông ta đã giật bắn mình, hai chân loạng choạng.

“Còn cái gì dưới giếng thế nhỉ?” Ông ta thầm nghĩ. “Vừa nãy đã vớt sạch cả rồi cơ mà!”

Ông nhặt lấy một mảnh cây dài, run run chọc xuống lòng giếng, khuấy lên. Dưới mặt nước có vật gì đó sẫm màu trôi nổi bập bềnh, trên mặt nước còn nổi lên một lớp váng dầu.

“Ối mẹ ơi, mèo chết hay chó chết thế này?” Giải Lập Văn nghĩ như vậy để trấn an bản thân chứ ông ta biết rõ, mèo hay chó cũng không thể to đến vậy.

Ông ta cầm cành cây chọc xuống lần nữa. Vật dưới đáy giếng chìm hẳn xuống rồi lại nổi bềnh lên theo quán tính, nhô lên khỏi mặt nước.

Là đôi bàn chân, chân người.

“Lần bác kéo nước gần đây nhất là khi nào?” Điều tra viên hỏi.

“Tôi không nhớ rõ.” Giải Lập Văn nói. “Hình như là hôm kia, hay là hôm kìa.”

“Vậy hôm qua bác không kéo nước giếng, có phát hiện ra điều gì khác thường không?”

“Không, chẳng có gì khác thường cả.”

Điều tra viên ngẫm nghĩ một lúc vẫn thấy tắc tị, bèn quay sang hỏi tôi: “Trưởng phòng Tần, có cần bảo vệ hiện trường không?”

“Đương nhiên rồi.” Tôi vừa gật đầu vừa nhảy lò cò đeo ủng. Đeo ủng ở ngoài đồng cần phải dùng tư thế “ngỗng đứng một chân”, mà khả năng giữ thăng bằng của tôi không được tốt cho lắm.

“Chúng tôi đã khám nghiệm xung quanh rồi,” nhân viên kỹ thuật nói, “những nơi có khả năng lưu lại dấu chân đều thấy chồng chéo dấu chân của người báo án và cảnh sát, về cơ bản không hy vọng có thể phát hiện ra vật chứng dấu vết.”

Tôi lắc đầu, nói: “Vậy thì cũng phải bảo vệ, còn ở bên kia nữa, đống rơm rạ đằng ấy cũng phải bảo vệ cẩn thận. Một lát nữa, Lâm Đào sẽ đến giúp chúng ta.”

Đi xong ủng, tôi tiến đến bên giếng, thò đầu nhìn xuống. Có lẽ tử thi lại đã chìm xuống đáy giếng nên không thấy đâu nữa. Dù trời đang nắng to nhưng lòng giếng vẫn tối om om, không nhìn thấy gì cả.

“Sao ông Giải Lập Văn lại nhìn thấy được nhỉ?” Tôi nói. “Tôi chẳng nhìn thấy gì cả.”

“Ờ… Thi… thi thể vẫn chưa được vớt lên à?” Đại Bảo hỏi. “Thi thể chưa vớt lên, sao biết là án mạng? Lỡ nhảy xuống giếng tự sát thì sao? Hay uống rượu say rồi ngã xuống giếng?”

“Vớ vẩn!” Tôi nói. “Tự sát hay tự ngã xuống giếng, chẳng lẽ hồn ma quay về ôm rơm rạ ném xuống?”

“Ôi chao!” Đại Bảo rúm người lại. “Em nói nghe mà phát ghê! Ý anh là, nạn nhân rơi xuống đó trước, sau đó có đám trẻ con nghịch ngợm chơi đùa vứt rơm rạ xuống dưới?”

“Ừm, cũng không phải là không có khả năng.” Tôi xoay vòng vòng quanh miệng giếng, lựa đủ các góc độ để nhìn xuống, vẫn chẳng thấy gì cả.

“Thôi đừng có mơ nữa đi.” Phân đội trưởng Hoàng nói. “Có sao Quả Tạ ở đây thì kiểu gì cũng là án mạng.”

Tôi lườm phân đội trưởng Hoàng một cái rồi cầm lấy cành cây Giải Lập Văn đã dùng, chọc thử xuống giếng. Lần này tôi cảm thấy đúng là có vật gì đó bên dưới. Tôi lại quan sát kỹ miệng giếng, đúng là không có bất cứ dấu vết nào đáng ngờ.

“Vớt lên thôi.” Tôi ném cành cây đi, phủi tay nói.

Nghe tôi nói vậy, phân đội trưởng Hoàng bắt đầu cắt cử mấy người mang sào tre và dây thừng đến, bắt tay vào việc.

“Em nghe nói là có máy trục vớt rồi cơ mà?” Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy phương pháp nguyên thủy này.

“Máy trục vớt thì phải phá giếng.” Phân đội trưởng Hoàng nói. “Nên cố gắng không phá phách của người dân.”

Chắc tại gần đây quá đau đầu với các vụ án khiếu nại nên phân đội trưởng Hoàng trở nên cẩn trọng hơn nhiều.

“Em thấy cái giếng này cũng chẳng giữ được đâu, sớm muộn cũng phải phá thôi.” Tôi chép miệng nói.

Phân đội trưởng Hoàng lừ mắt nhìn tôi: “Này, làm ơn nói những lời tốt đẹp cho tôi nhờ.”

Mấy cảnh sát vây quanh miệng giếng, hò hét ỏm tỏi: “Này này này, bên trái bên trái bên trái, cẩn thận cẩn thận, được rồi được rồi, tròng vào được rồi, bắt chặt, bắt chặt vào!”

Hì hục suốt hơn nửa tiếng đồng hồ, cuối cùng, các cảnh sát bắt đầu kéo dây lên.

Tôi đứng bật dậy khỏi bãi cỏ, chạy đến bên giếng, ngồi xuống quan sát.

Theo nhịp hò dô của các cảnh sát, sợi dây được kéo lên từng chút một. Một cái xác từ từ lộ lên khỏi giếng. Khi các cảnh sát đặt tử thi xuống tấm nilon đã trải sẵn bên giếng, nước từ tử thi nhỏ xuống rào rào, bắn lên tung tóe.

“Không trương phềnh, không sáp hóa, may quá!” Đại Bảo lẩm bẩm.