Chương 2: Khảo dị

Một số sử sách chép những truyện trên cho là của Nguyễn Mại thời Lê và cho ông là viên quan xử kiện tài tình.

Trong chuyện này, tình tiết hai người đàn bà kiện giành nhau tấm vải gần giống với một số truyện cổ tích Đông Tây.

Ở phương Tây phổ biến nhất là truyện Vua Xa-lô-mông xử kiện:

Có hai người đàn bà mang hai đứa trẻ: một sống một chết, đến nhờ vua Xa-lô-mông phân xử; người này đổ cho người kia là mẹ của đứa con đã chết, tranh đứa con sống là con của mình. Vua cất tiếng truyền cho lính chặt đôi đứa trẻ còn sống chia cho mỗi người một nửa. Tức thời, một trong hai người đàn bà bỗng bật tiếng khóc. Thấy thế, vua xử cho người ấy đúng là mẹ của đứa trẻ còn sống, sai trả con lại và phạt tội người kia.

Người Khơ-me (Khmer) có hai truyện:

Truyện thứ nhất tương tự truyện Vua Xa-lô-mông xử kiện, nhưng kết cục có khác. Một người đàn bà bế con đi tắm ở sông về. Dọc đường, gặp một bà khác mang xác một đứa trẻ cùng trạc tuổi với con mình. Bà kia nói: "Con bà giống con tôi quá. Bà làm ơn cho tôi ôm hôn cháu một tý". Thế rồi sau khi được bế, bà ta nhất định không chịu trả nữa. Việc đưa lên vua. Vua sai đặt đứa bé sống nằm ngửa ở giữa, hai bà ngồi hai bên, rồi ra lệnh cho ai giật được thì đứa bé về người ấy. Hai bà vội vàng giành nhau, cố cướp cho được đứa bé. Nhưng trong đó có một bà giằng xé dữ dội, không kể da thịt non nớt của nó. Trái lại, bà kia thì gượng nhẹ hơn. Vua đủ chứng cớ để thấy rõ ai là mẹ thật của đứa bé sống.

Thứ hai là truyện phân xử một chiếc ô: một người đi đường tay cầm một cái ô che nắng. Đi được một quãng, gặp một người thứ hai đi không, hắn cho che chung ô. Được một chốc, người kia xin cầm lấy ô. Đến chỗ rẽ, chủ ô đòi lại, thì người kia làm bộ ngạc nhiên nói ô này là của mình. Việc đưa lên quan, quan không xử được. Đưa lên vua, vua sai chẻ đôi chiếc ô cho mỗi người một nửa. Sau đó vua bí mật sai hai người hầu lén theo mỗi người về nhà để nghe ngóng. Người hầu thứ nhất đi về kẻ lại rằng: "Lúc đến nhà, vợ hắn chạy ra hỏi: - Sao chỉ còn có một nửa ô thôi? Hắn khóc lóc kể lại chuyện bị cướp ô cho vợ nghe". Còn người hầu thứ hai về, kể: "Khi về đến nhà vợ hắn hỏi: - Kìa sao lại nhặt được nửa cái ô ở đâu về thế? Hắn đáp: - Tao chơi cho họ một vố và tao đã thắng được nửa cái ô..."

Vua lập tức cho đòi hai người kia đến, kể tội, và bắt người thứ hai phải đền cho người thứ nhất cái ô mới.

Trong Bao Công kỳ án cũng có truyện Cướp ô giống với truyện Khơ-me, nhưng kết cục phân xử có những nét độc đáo:

Sau khi Bao Công hỏi dấu vết chiếc ô, cả hai người tranh giành ô đều nói, vì ô là vật nhỏ mọn nên không có dấu vết. Bao Công cũng sai chẻ đôi chiếc ô cho mỗi người một nửa, rồi cũng cho sai nha đi theo để dò la. Sai nha về báo lại: một người ra khỏi công đường chửi quan là hồ đồ. Bao Công sai gọi cả hai trở lại, kết cả hai vào tội chửi quan. Một người đáp: - "Con đâu dám, chính nó chửi đại nhân, có dân phố chứng kiến". Bao Công cho người đi điều tra, quả đúng như lời hắn nói. Lập tức ông can vặn hắn như sau: - "Trong hai người, thế tất có một người oan nên oán trách ta, điều đó ta tha thứ. Còn mày là đứa che nhờ ô của nó rồi cướp giật, nay được nửa chiếc ô nên không oán thán gì". Tên kia cứng họng. Bao Công bắt hắn đền gấp đôi giá trị chiếc ô, và sai đánh bốn chục gậy vào mông.

Về tình tiết tát vào má người bị mất trộm, một truyện Mẹ chồng đổ tội cho nàng dâu có lẽ gốc từ Trung-quốc, cũng có đề tài tương tự, tuy kết cấu có khác.

Ở Thái-nguyên, có mẹ chồng và nàng dâu ở cùng một nhà, cả hai đều góa chồng. Trong khi nàng dâu giữ tiết, thì mẹ chồng lại lén lút đi lại với một người làng. Nàng dâu biết, tìm cách ngăn ngừa, bị mẹ chồng ghét, muốn đuổi khỏi nhà. Bèn lên quan vu cáo rằng nàng dâu đón trai về nhà. Quan hỏi tên, mẹ chồng bảo phải tra tấn mới biết được. Hỏi nàng dâu, nàng dâu chỉ đích danh người tình của mẹ chồng. Hỏi người này thì anh ta chối, nói vì mẹ chồng nàng dâu không ưa nhau nên kiếm điều nói xấu cho nhau. Đến khi bị tra tấn, anh ta lại khai rằng mình đi lại với nàng dâu. Quan sai gông nàng dâu lại, nàng dâu kêu oan và kiện lên tỉnh. Lâu rồi vụ án còn treo lại đó.

Hồi ấy có ông tiến sĩ họ Tôn làm tri huyện huyện Lâm Tấn. Quan tỉnh giao vụ kiện cho quan huyện bảo phân xử. Đến lỵ sở, quan lấy khẩu cung rồi sai người đi kiếm gạch đá, dao phay để sẵn chỗ tra tấn. Hôm sau đòi nguyên cáo bị cáo đến đối chất sơ qua, rồi quan phán bảo: - "Không cần tra khảo cũng biết được ai gian. Mẹ con nhà này vốn nhà tiết hạnh, chẳng qua mắc mưu tên này mới sinh chuyện. Nay ta cho phép mẹ con được trả thù đứa gian nhân, có gạch đá và dao đây, mẹ con muốn ném, muốn đâm, muốn chém như thế nào mặc ý, có ta đây chịu, đừng có lo gì cả!". Cả hai người đến chỗ đống gạch đá. Trong khi nàng dâu vì căm thù chứa chất nên lấy những hòn đá lớn mà ném, thì mẹ chồng lại nhặt những hòn đá nhỏ quăng nhẹ vào chân. Quan bảo mụ cầm dao mà đâm, tội vạ mình chịu, thì mụ từ chối.

Quan có đủ chứng cớ để kết thúc vụ án.

Người It-xra-en (Israel) có truyện Ba anh em và thây người bố:

Một người bố chết đi, để lại một con đẻ và hai con nuôi, trước khi chết trối trăng lại gia tài cho con đẻ. Vì không một ai nhận ra người nào là con đẻ, người nào là con nuôi, cho nên ba anh em tranh nhau đòi kiện lên quan, ai cũng tự cho mình là con đẻ. Quan cho treo thây người bố lên và giao cho mỗi người một mũi tên, bảo ai bắn đúng chỗ phạm nhất thì được. Người thứ nhất bắn vào giữa trán, người thứ hai bắn vào giữa tim, chỉ có người thứ ba khóc, không bắn. Quan có lý do để nhận ra người nào là con đẻ.

Về tình tiết xem hạt thóc nảy mầm, cổ tích thế giới cũng có những dị bản tương tự:

1. Vua Xa-lô-mông và kẻ trộm ngỗng. Một người đến thưa với vua Xa-lô-mông rằng y bị kẻ trộm bắt mất ngỗng, y đoán kẻ đó cũng chỉ là chỗ xóm giềng.

Vua cho gọi những người láng giềng của hắn đến thánh đường cầu nguyện. Giữa buổi lễ, vua nói: - "Một trong bọn chúng mày có đứa đã bắt trộm ngỗng, vì nay vào đây ta thấy còn có cái lông ngỗng trên đầu". Tự dưng có một người sờ tay lên đầu, vua nói to: "Bắt tên kia, chính nó ăn trộm ngỗng".

Tên trộm nhận tội.

2. Truyện Thổ-nhĩ-kỳ (Turquie): Một vụ trộm xảy ra ở một cửa hàng nọ, tên trộm chui qua lỗ tường còn có dấu vết. Vua Ít-ma-in hội dân làng lại bảo: - "Ta đến cầu ở lỗ tường, tên trộm không thể thoát". Sau buổi cầu, vua nói: - "Rất đơn giản, cái lỗ tường vừa nói với ta tên trộm có bụi ở khăn trùm đầu". Một người đứng trong góc bèn phủi bụi ở khăn. Vua chỉ mặt: - "Chính là nó!".

3. Truyện Ba-tư (Iran): Có một tên kẻ trộm lấy trộm bông trong một cửa hàng nọ và nó tự vạch tội bằng cách vuốt râu khi quan trấn thủ nói: - "Có bông dính ở râu tên trộm".