Bà ta cười cười, cuối cùng cũng nói thẳng vào vấn đề: "Bây giờ chị một mình nuôi ba đứa con cũng vất vả, nếu có duyên thì cho em xin một đứa được không?"
Trương Thục Phân hơi sững người, hỏi lại: "Ý em là..."
Em dâu vội vàng nói: "Chị dâu họ, nếu chị không muốn thì cứ coi như em chưa nói gì, vợ chồng em đã sớm muốn nhận con nuôi để nương tựa lúc tuổi già, nhưng lỡ nhận phải đứa ngỗ nghịch thì lại khổ, chi bằng nhận con của người quen biết còn hơn. Em rất quý mến hai đứa con gái của chị, chúng ngoan ngoãn lễ phép lắm."
Lòng Trương Thục Phân không khỏi nao nao.
Đó là Bắc Kinh đấy, hai người kia đều là công nhân chính thức, con gái bà đến đó biết đâu cũng có thể xin được vào làm công nhân, rồi từ đó mà trở thành người Bắc Kinh.
Quan trọng nhất là lúc Hàng Tầm còn sống, hai người đã sống rất chắt chiu rồi, sau này bà thành góa phụ, thật sự không biết cuộc sống sẽ ra sao.
Hôm sau, Trương Thục Phân gom góp phiếu thịt mua hai cân thịt lợn, gói sủi cảo nhân thịt lợn bắp cải cho bọn trẻ ăn.
Trương Thục Phân vốn keo kiệt trong chuyện ăn uống, ngay cả Hàng Kiến Thiết cũng phải nhìn tròn mắt, bỏ miệng ăn ngấu nghiến.
"Con là quỷ đói đầu thai à!" Trương Thục Phân gõ đũa, mắng: "Để phần cho em gái con ăn!"
"Con không ăn đau."
Hàng Nhã Phỉ không động đũa, chỉ nhìn Hàng Du Ninh, ánh mắt không biết là thương hại hay vui mừng.
Hàng Du Ninh nào hay biết, sủi cảo rất ngon, béo ngậy, cắn một miếng là miệng đầy mùi thịt, cô ăn rất ngon lành.
Sau khi ăn đến cái thứ năm, cô dừng lại, len lén nhìn mẹ rồi lại nhìn chị.
Trương Thục Phân gõ đũa vào đầu cô: "Ăn cho tử tế vào, cái tật xấu gì thế."
Đây là thói quen từ nhỏ của Hàng Du Ninh, cô hay đói bụng nên mỗi khi được ăn đồ ngon là sẽ không nhịn được mà giấu một ít, Trương Thục Phân luôn nổi trận lôi đình khi phát hiện dưới gối cô có bánh ngọt ăn dở, quả táo bọc bằng giấy vệ sinh hay quả lê khô héo.
Hàng Du Ninh xoa đầu, không dám giấu nữa, chỉ nói: "Mẹ ăn đi, con không ăn nữa."
Trương Thục Phân lại gắp cho cô một cái, nói: "Ăn đi, ăn no... để đi tàu."
Hàng Du Ninh đập mạnh chiếc bát trong tay xuống đất nhưng nó không vỡ tan, chỉ bị sứt một mảnh.
Cả đời này cô chưa từng bốc đồng hay nổi nóng, chỉ nhìn Trương Thục Phân, không kìm được òa khóc.
"Đập, đập hết thì mày cũng phải đi." Trương Thục Phân thậm chí còn không thèm nhìn cô, loảng xoảng dọn dẹp bát đũa.
Hàng Kiến Thiết ngồi bên cạnh khuyên nhủ: "Bắc Kinh có Thiên An Môn, biết bao người mơ ước đến đó còn không được, em cứ đi xem thử đi, nếu không được thì quay về."
Hàng Du Ninh hất tay anh ta ra, lần đầu tiên trong đời lớn tiếng cãi lại: "Thế sao anh không đi!"
"Nói gì vậy, anh lớn thế này rồi, với lại anh là..." Anh ta định nói mình là con trai duy nhất của nhà họ Hàng nhưng lại không tiện nói ra.
Trương Thục Phân ở trong bếp quát: "Kiến Thiết, con đi đi, đừng quan tâm đến nó nữa, đồ không biết điều!"
Cuối cùng Hàng Kiến Thiết đành phải ra khỏi nhà đến nhà bạn học, trước khi đi còn đóng sầm cửa lại.
Phòng khách bỗng chốc trống rỗng, chỉ còn lại một mình Hàng Nhã Phỉ thong thả húp nốt phần cháo loãng còn lại.
Hàng Du Ninh đi đến cạnh chị gái, đôi mắt đỏ hoe, vẫn thút thít.
"Chị." Cuối cùng cô cũng òa khóc nức nở: "Họ sẽ gϊếŧ em, họ thực sự không phải người tốt. Chị cứu em đi, em sẽ nghe lời chị mà."