Chương 34: Người bạn cũ

Diễm liền nghe theo lời bác sĩ Mỹ, ngoan ngoãn thả lỏng người cho bạn ấy khâu vết rạch cho mình. Một phần vì ngại, lại thêm dư âm của cơn đau lúc sinh em bé mà nàng không còn cảm nhận được cơn đau của những vết khâu cho mình nữa, mặc dù Mỹ không hề gây tê chỗ khâu của nàng.

Mỹ thấy Diễm chỉ có hai cô trung niên đi cùng, nên sau khi vệ sinh cho nàng xong thì cô chủ động bế nàng chuyển qua phòng dưỡng bệnh để nghỉ ngơi. Diễm cũng không còn ngại nữa. Ở thời điểm đi sinh mà không có người nhà đi cùng, thì ai giúp được gì cho nàng là nàng và con đỡ khổ đi cái đó. Nàng sẽ không từ chối lòng tốt của mọi người, vì nàng rất cần những tấm lòng nhân ái với mẹ con nàng vào lúc này. Vì thiên thần nhỏ bé mới chào đời kia, nàng nhất định sẽ bỏ qua tất cả sĩ diện, hay định kiến xã hội để cho con một cuộc sống thật tốt.

Từ nhỏ đến lớn, Mỹ là người bạn khá thân của Diễm. Và cô luôn rất ngưỡng mộ con người của nàng. Sau khi học xong cấp ba, cô vào Sài Gòn học đại học y nên hai người không còn liên lạc với nhau nữa. Nhưng cô cũng hay nghe mẹ kể về chuyện của nàng. Vài năm trước, nàng chính là tấm gương mà các bậc phụ huynh luôn đưa ra để so sánh với con mình. Ra trường lấy một người giàu có, đẹp trai, thi thoảng mặc đồ đẹp, đi xe sang, xách túi lớn túi nhỏ về cho bố mẹ. Rồi sau đó, mẹ nàng lại kể là nàng được chồng cho đi du học ở nước ngoài nọ kia.

Xong một đùng cái, khi Mỹ chuyển về Bắc ở, thì lại nghe vô vàn những lời không hay về nàng. Nào là đổ đốn bỏ chồng, là đứa con gái bị đồng tính luyến ái, yêu con Cúc vừa nghèo vừa hèn, để bố mẹ phải đến nhà Cúc làm ầm lên. Kết quả là bố Cúc tức giận mà chết tức tưởi. Còn nhà nàng cũng bị gánh nghiệp, em trai thì chết, bố mẹ phải đi tù. Vô vàn những lời nói không hay về nàng.

Trong lúc nàng như một ngôi sao sáng chói mà ai cũng phải ngưỡng mộ, thì Mỹ lại là một kẻ thất bại. Bởi vì khi cô là sinh viên năm cuối, thì quen một người đàn ông vô cùng lịch lãm và giàu có. Vậy nên, chỉ qua vài lần hẹn hò, Mỹ đã thật sự rơi vào bẫy tình của anh ta. Ra trường, anh ta chạy việc cho cô làm ở một bệnh viện lớn, có cơ hội học hỏi rất tốt. Khiến cô yêu anh ta hết lòng, hết dạ.

Sau khi công việc ổn định, được vào làm chính thức. Bố mẹ cứ đốc thúc rồi lấy Diễm ra so sánh làm cô cũng sốt ruột. Trong thâm tâm của mỗi người, thường có những suy nghĩ tiêu cực khiến họ trở nên sân si. Thời điểm mẹ cô hay so cô với Diễm, cô thật sự đã có chút ganh tị, cô muốn mình phải hơn nàng. Mà khi nói chuyện với bạn trai về việc cưới xin thì anh ta cứ ầm ừ, không chịu đối diện. Cô liền có suy nghĩ ăn cơm trước kẻng để ép anh ta cưới mình.

Là một bác sĩ khoa sản, nên Mỹ dễ dàng canh được ngày rụng trứng để thụ thai thành công. Chỉ tiếc là, khi cô báo tin với anh ta, thì anh ta lại lấy rất nhiều lý do để không chịu làm đám cưới. Anh ta nói, một là cô phá thai, còn nếu để, anh ta sẽ chịu trách nhiệm, thuê người chăm sóc cô và con tử tế, còn đám cưới thì phải đợi vài năm nữa.

Mỹ khi ấy vẫn ngây ngốc tin vào lời anh ta, giấu bố mẹ chuyện mang thai rồi âm thầm sinh con cho anh ta. Thấy anh ta tỉ mỉ chăm sóc cho mình và con thì lại càng thêm phần tin tưởng. Chỉ tiếc là, nửa năm trước, cô phát hiện ra anh ta đã có vợ. Mà vợ anh ta thì lại đang là người thực vật. Chị ấy bị tai nạn, không chết nhưng cứ nằm hôn mê suốt mấy năm trời. Anh ta nói anh ta yêu Mỹ, nhưng không thể bỏ vợ mình được. Cô cảm thấy như mình là một kẻ hèn hạ và đê tiện, đi tranh giành với cả một người thực vật mà còn không thắng nổi. Vậy là cô quyết định đưa con trai về ngoài này ở. Con trai cô được hai mươi tháng tuổi rồi.

Lúc cô trở về, mẹ cô như phát điên lên khi thấy cô bế theo một đứa trẻ. Nhưng vì chuyện của nhà Diễm, mà dân làng quên luôn cả chuyện của cô, khiến bà cảm thấy con mình vẫn còn hơn Diễm rất nhiều. Lại còn đồng ý trông con cho cô lên Hà Nội làm. Nhưng cô không muốn xa con, vậy là bà ấy lên đây giúp cô trông con. Cô thầm nghĩ, giờ bà ấy mà biết Diễm còn mang thai rồi làm mẹ đơn thân nữa thì chắc là vui lắm.

Còn cô, khi thấy Diễm được mọi người tôn sùng, ca ngợi thì cô cảm thấy ganh tị, nhưng giờ thấy nàng thế này, thì bản thân lại chẳng cảm thấy vui hơn chút nào, mà chỉ thấy xót xa cho nàng thôi.

Trong lúc Diễm nằm nghỉ ngơi, thì cô đã đi ra ngoài nói chuyện với cô Loan và cô Thanh, nghe họ kể về cuộc sống của Diễm suốt thời gian qua, cô lại cảm thấy khâm phục sự mãnh mẽ của nàng.

Gia đình rơi vào hoàn cảnh bi đát đến vậy, mà nàng vẫn có thể vượt qua, lại còn dũng cảm làm mẹ đơn thân. Cô thật sự muốn được làm bạn với nàng như ngày còn đi học, và giúp đỡ nàng khi nàng cần.

Không khó để cô nhận ra, đứa bé là con của Cúc và Diễm, ánh mắt và đôi môi của con bé giống hệt Cúc hồi nhỏ.

Trước khi tan làm, Mỹ lén nhìn Diễm qua cánh cửa phòng bệnh, thấy mấy đứa sinh viên với hai cô hồi chiều đang ríu rít nói chuyện với nàng, rồi còn cưng nựng em bé nữa. Mọi người bày cho Diễm lấy lược trải xuôi xuống ngực để sữa nhanh về. Cô nhận ra, bởi vì nàng sống tốt và hòa đồng, nên ở hoàn cảnh nào, nàng cũng có thể tồn tại và được mọi người yêu quý. Chẳng như cô, đến khi về Bắc rồi, vẫn nhận tiền trợ cấp của hắn để nuôi con.

Diễm còn ở lại đây theo dõi thêm một ngày nữa rồi mới về. Trong lúc nghỉ trưa, Mỹ có ghé thăm nàng, gửi cho con nàng vài đồng mua sữa, rồi kể cho nàng nghe về hoàn cảnh của mình. Hai người liền trở nên đồng cảm với số phận của người kia. Cô đưa cho nàng số điện thoại, dặn nàng nhớ quay lại kiểm tra sức khoẻ sau sinh, và nếu có khó khăn gì thì điện cho cô, cô nhất định sẽ giúp đỡ nàng trong khả năng có thể. Nàng vui vẻ nhận lời. Trong hoàn cảnh này của nàng, gặp được người quen không bỏ rơi mình là hạnh phúc lắm rồi.