Tải app Android hoặc iOS để đọc truyện nhanh hơn

Hỗ trợ: Fanpage TruyenHD

Ở Một Nơi Không Biết

Quyển 2 (Thế giới thứ hai) - Chương 1: Mở mắt đã thấy sóng gió

« Chương TrướcChương Tiếp »
“Tại sao lại rời đi bằng cách này như thế, đồ tồi tệ…”

Bên ngoài cửa sổ giấy rách nát, mặt trời đang tờ mờ soi tỏ. Tiếng gà gáy vang vọng từng hồi, xen lẫn xa gần còn có tiếng chó sủa ở sân nhà nào đấy trong thôn. Tôi bàng hoàng tỉnh giấc, không nhớ nổi đây đã là lần thứ mấy tôi mơ lại những giấc mơ liên quan tới kiếp trước như thế.

Tôi uể oải ngồi dậy, tiện tay phủi sạch mấy cọng rơm trên đỉnh đầu xuống. Trong căn phòng kho thoang thoảng mùi ẩm mốc, nhưng tôi đã sớm quen. Dù sao ít nhất vẫn còn có chỗ trú thân khỏi sương giá của đêm lạnh bên ngoài. Tầm này dậy cũng vừa vặn, tôi rời khỏi cái giường ọp ẹp nhưng sạch sẽ, gấp gọn chăn màn, lặng lẽ ra ngoài quét sân.

Ừm, so với kiếp trước, có vẻ như kiếp này tôi thảm hơn một chút. Ít nhất thì kiếp này cũng chẳng mong trúng số gì nữa rồi. Thế mới nói, phải thật sự rất trân trọng mọi thứ đến với mình… Hiện tại tôi đang ở nhờ nhà của bên ngoại. Nhà của ông bà ngoại cũng gọi là khá lớn so với cả cái thôn làng hẻo lánh nơi vùng sâu vùng xa này rồi. Ít nhất thì nó còn có ba gian nhà nhỏ, vừa đủ cho ông bà ngoại, cho một nhà bác trai, và nhà cậu út vừa mới tân hôn cách đây không lâu. Phòng kho đồng thời cũng là phòng của tôi, bên cạnh là gian bếp, xa hơn phía sau là nhà xí và chuồng ngựa.

Sau khi quét dọn một lượt, tôi gánh nước và mang cỏ tới trước chuồng ngựa. Năm trước nữa con ngựa cái già bên họ tộc tặng cho nhà này vì cậu út cứu được người sau trận lũ ở làng bên thế mà lại phối được giống, đẻ thêm được một con ngựa con, cả nhà đều mừng lắm. Làng này cách thị trấn và huyện trên rất xa, đi bộ phải mất tới cả ngày đường. Có mấy con ngựa này, có ai mà không muốn mượn khi có việc đi xa đây? Một ngày cũng mấy lượt thuê mượn, coi như có thêm đồng ra đồng vào. Ông ngoại còn muốn cho mướn ngựa để thuê cày, nhưng cậu út sống chết không chịu, cậu sợ mệt chết con ngựa của cậu, nên nói mãi ông ngoại cũng thôi.

Vào tôi thì tôi cũng không nỡ. Hai con ngựa xinh đẹp lại thông minh như này, sao có thể vắt kiệt chúng đến mức thế chứ. Tuy chăm chúng rất tốn công tốn sức, phải lo nước, rơm cỏ, dọn chuồng, tắm cho chúng, đôi khi còn phải đi hái chuối hái quả dại, đào củ trên rừng cho chúng ăn, nhưng dù sao cũng thuộc vào phần việc của tôi phải làm, nên cả nhà đối với việc tôi ở nhờ cũng bớt phần nào soi mói khó chịu.

Thời gian đầu, nếu nói tôi không có oán giận thì cũng không phải. Tôi có giận chứ, vừa giận vừa mệt vừa bực. Một nhà bảy, tám người đã đủ đống việc cho tôi làm rồi, càng chưa kể sau khi tôi có được ký ức về một thời đã qua, tôi càng hoài niệm hơn về cuộc sống tiện nghi đủ đầy khi ấy. Dù người nhà thời ấy gần như không ra gì, nhưng ít nhất cuộc sống cũng coi như hiện đại tiện nghi, nhất là… nhà xí! Tôi thực sự không chịu được!!! Ở đây còn không có giấy, đi nặng xong chỉ có lấy lá cây chùi, còn không thì lấy cái gậy dùi sạch chà qua chà lại, chà muốn tróc cả đít.

Má nó! Làm tôi mỗi lần đi nặng đều phải lén lút ra gần hạ nguồn con suối gần nhà chùi rửa, rửa xong còn phải mang theo xơ mướp với bồ kết rửa lại tay thêm lần nữa. May là ở thời đại này sông suối, nước mưa đều rất trong lành và sạch sẽ, tôi cắn răng dần rồi cũng quen. Con người mà, ai rồi cũng phải học cách thích nghi thôi. Chưa kể trước năm mười lăm tuổi tôi cũng sinh hoạt quen rồi, khi kí ức hội nhập, qua một thời gian lại càng quen thôi.

Ngựa con giờ đã hơn một tuổi, to lớn phổng phao, nghiêng nghiêng cái đầu mở to đôi mắt tròn xoe xinh đẹp nhìn tôi. Tôi vừa đưa tay ra, nó lại thân mật dụi dụi đầu vào tay tôi. Đáng yêu ghê…

“Con Miên! Con Miên đâu rồi?! Còn chưa nấu bữa sáng mà chết rúc ở đâu rồi?” Tiếng ông ngoại quát tháo vọng ra ầm ĩ, tôi tặc lưỡi, lúc này mới đủng đỉnh đứng dậy.

Bỏ ngoài tai những tiếng chửi bới khó nghe của ông ngoại, tôi đi ra sân trước, thu dọn đống quần áo để mang ra bên bờ sông ngoài làng giặt. Nấu bữa sáng á? Việc đó cứ để bác dâu và mợ làm đi, tôi cũng đâu phân thân được ra đâu? Hôm qua tôi nấu bữa sáng thì chê ăn không ngon, hôm kia thì bảo tôi cắt xén giấu đồ, quần áo ba hôm nay cũng không ai giặt, chất đầy trước cửa phòng tôi. Cũng chẳng tội gì mà tôi phải đi nấu bữa sáng, cơm trưa nữa, thà đi giặt đồ còn sướиɠ hơn.

Vừa vào đầu hạ, mặt trời lên nhanh. Khi tôi ra bên bờ sông ở đầu làng thì cũng đã có không ít cô dì trong làng cũng đang tranh thủ giặt giũ rồi, thậm chí còn rảnh đến mức đang ghé tai nhau thì thầm cái gì đó. Thấy tôi vừa đến, bọn họ đột nhiên im bặt, sau đó chăm chú nhìn qua. Đột nhiên tôi có dự cảm không lành…

“Lạc Miên, cũng đi giặt sớm đấy à?” Thím Thuý hàng xóm vội vàng đi tới cạnh tôi, hỏi han.

Ngó thấy bộ dạng úp mở ấy của thím, tôi càng thêm có chút không yên, nhưng vẫn tỏ vẻ bình tĩnh:

“Vâng thím, không giặt sớm thì lát nắng gắt lắm cũng không giặt được…”

“Ừ ừ, thím hỏi này, mày năm nay là bao nhiêu rồi ấy nhỉ?” Thím Thuý đột nhiên hỏi một câu không liên quan lắm.

Tôi:

“...Cháu cuối năm nay mười chín.”

“Ôi? Đã mười chín rồi á?” Thím ôi một tiếng rõ to, sau đó lại vội vàng hạ giọng xuống, “Trời ơi, mày nhỏ gầy như này, thím còn cứ ngỡ mày mới mười ba mười bốn, mày thấy mấy đứa cháu dì không? Chúng nó nhỏ hơn mày cả bốn năm tuổi mà còn cao lớn hơn cả mày ấy.”

Tôi im lặng. Chẳng lẽ nói toẹt ra là tôi bị ngược đãi đến mức suy dinh dưỡng à… Mỗi lần nhìn tay chân tong teo như que củi, nằm thẳng trên giường mà xương hông còn mài với tấm ván gỗ đến phát đau ấy, tôi ngoài cảm thán ra thì còn cách nào khác đâu… Dù sao nhà ông bà ngoại cho tôi chỗ ở đã tốt lắm rồi. Sau khi cha mẹ kiếp này của tôi chết, họ đằng nội còn không ai muốn nhận nuôi tôi.

Tôi cũng từng muốn rời khỏi làng này để đi làm và sống một mình, nhưng thời đại này quá nguy hiểm với phụ nữ, chưa kể hộ tịch của tôi nằm ở làng này, một khi tôi mất tích mà không có khai báo thì coi như không có hộ tịch, cũng đồng nghĩa một khi bị rơi vào tay người khác, tôi sẽ trở thành nô ɭệ. Đây là một thời đại mà các giai cấp xã hội phân tầng rõ ràng nhất, có những người nằm ở đỉnh cao, còn có những người dưới đáy xã hội còn không bằng heo chó. Chưa kể, nhỏ gầy cũng tốt, thoát được nạn kết hôn sớm ở thời đại này. Chứ nếu tính ra, mười chín như tôi còn chưa lấy chồng thì đã là gái ế rồi…

“Miên! Mày có đang nghe thím hỏi không đấy?” Tiếng của thím Thuý hàng xóm kéo hồn tôi về.

Tôi ngẩn ra:

“Vâng? Vừa rồi cháu chợt nhớ ra chưa đi lấy nước…”

“Cái đó quan trọng sao? Thím thấy mấy nay ông bà mày qua lại với nhà bà Lâm ở cuối thôn, ai cũng bảo mày được phú ông trên trấn để ý. Cái Hoa nhà bên vừa kể với thím, vừa rồi nó chạm mặt bà Lâm trên đường, bà Lâm bảo hôm nay về nhà mày chốt định với mang một phần lễ tới đấy… Mày sắp đi lên nhà phú ông ở rồi thì chú ý một chút, đừng tuỳ tiện ra ngoài nữa, đàn ông trong làng cứ đi qua nhìn mày, sau này mày lại khổ.”
« Chương TrướcChương Tiếp »