Thời Cẩn Sơ chờ đến khi nàng bôi thuốc xong mới quay về Ngự tiền. Hoàng hậu biết chuyện cũng sai người đưa đồ đến an ủi, phạt Phùng Phi một tháng bổng lộc để cảnh cáo.
Hình phạt không nặng, thậm chí là rất nhẹ, không đau đớn bằng cách Thời Cẩn Sư khiến người nọ khó chịu. Xét cho cùng, nếu không có Thời Cẩn Sơ can thiệp, việc Phùng Phi dạy dỗ Nghi Tần hoàn toàn không có gì to tát.
Trong cung, bậc trên làm khó bậc dưới là chuyện rất thường thấy.
Cung Tốc Hòa.
Khi hay tin, Lương Phi thoáng sững người. Chốc lát sau, nàng ấy đau khổ nhắm chặt mắt: "Tại ta liên lụy muội ấy."
Nàng ấy bỗng ho sặc sụa, sắc mặt tái nhợt pha lẫn vẻ đỏ ửng do bệnh tật. Lương Phi nắm chặt góc chăn gấm. So với lần đầu gặp Thai Am Yểu, bây giờ nàng ấy gầy hẳn đi, cung trang trên người rộng thùng thình.
Có lẽ do tinh thần suy sụp, thân thể nàng ấy ngày một tiều tụy.
Nếu Phùng Phi nhìn thấy bộ dạng hiện giờ của nàng ấy, có lẽ sẽ khoái trá cười thành tiếng. Nàng ta chẳng cần ra tay, cứ theo đà này thì không đến mấy năm nữa, đoán chừng Lương Phi sẽ tự hương tan ngọc nát trong cung.
Phù Tuyết lau nước mắt. Nàng ấy không dám để mặc nương nương đắm chìm trong sự chán nản, vội vã nói:
"Nương nương, đây không phải lỗi của người. Tất cả đều do Phùng Phi!"
Phù Tuyết lo lắng không thôi, thật sự bất lực trước tình trạng của nương nương. Thật ra, Phù Tuyết biết, vì mất đi điểm tựa tinh thần nên nương nương mới trở nên thế này.
Nàng ấy nhớ tới Nhị cô nương, nói: "Nương nương, Phùng Phi vốn kiêu ngạo ngang ngược. Dù không có người, miễn là Nhị cô nương được sủng ái lâu ngày, chắc chắn Phùng Phi vẫn sẽ kiếm chuyện. Nếu người không xốc lại tinh thần, lần sau nàng ta tiếp tục làm khó Nhị cô nương nữa thì sao?"
Ân sủng như gió thoảng mây trôi, chẳng ai dám chắc khi nào sẽ tan biến.
Dù nương nương và Nhị cô nương xa cách đến mấy nhưng máu mủ tình thân và mối liên kết với mẫu tộc vẫn còn đó. Đây là mối quan hệ không thể cắt đứt.
Sau chuyện của nương nương, Phù Tuyết không còn tin vào thứ gọi là thánh sủng. Thánh thượng có thể ra mặt cho nhị nàng nương một lần nhưng đâu có gì đảm bảo ngài ấy sẽ mãi thiên vị Nhị cô nương?
Cung đình luôn có sự đổi thay. Dù là người tự tin đến mấy cũng không dám vỗ ngực bảo đảm rằng mình sẽ mãi được sủng ái.
Giờ đây, Phù Tuyết chỉ mong nương nương phấn chấn hơn. Nàng ấy lau nước mắt:
"Tuy Phùng Phi mất con, song vẫn là phi tần nhị phẩm, khó bảo đảm sau này sẽ không có thai nữa. Nương nương cứ chán chường như thế, chẳng phải là khiến người thân đau lòng, kẻ thù vui mừng sao!"
Lương Phi nhắm mắt, ai cũng hiểu đạo lý này nhưng thực hiện đâu phải chuyện dễ dàng?
Từ trước đến giờ, nàng ấy độc lai độc vãng. Vào cung đến nay hơn bảy năm, Lương Phi chưa từng ra tay hại ai.
Ra tay hại người nào phải việc đơn giản?
Nửa đêm hồi tưởng, nàng ấy nhớ tới cảnh tượng ở cung Triêu Dương hôm đó. Tiếng ồn ào, mùi máu tanh, tiếng kêu thảm thiết của Phùng Phi và cả thai nhi đã thành hình khiến nàng ấy phải trằn trọc thâu đêm.
Cảm giác tay dính máu tươi không hề dễ chịu, dù cho danh nghĩa là báo thù.
Lương Phi hoảng hốt nhận ra rằng thời gian có thể khiến con người thay đổi. Phùng Phi độc ác nhưng nàng ấy cũng không còn như xưa.
Thế nhưng, cuộc đời con người không thể suôn sẻ mãi. Có một số việc không phải muốn làm hay không muốn làm mà là buộc phải làm. Chỉ cần nàng ấy còn quan tâm Thai gia thì nàng ấy phải xốc lại tinh thần, cho dù hiện giờ cả người nàng ấy mệt mỏi rệu rã.
Khi Hồng Điều bưng thuốc vào, Lương Phi không tiếp tục làm ngơ nữa. Giọng nàng ấy khàn đặc:
"Đỡ ta dậy."
Phù Tuyết che miệng, mừng chảy nước mắt. Nàng ấy vội đỡ nương nương dậy, bảo Hồng Điều bưng bát thuốc tới: "Nương nương, người từ từ thôi."
Uống hết chén thuốc, vị thuốc đắng lan tỏa khắp cung điện nhưng Lương Phi uống sạch mà chẳng hề biến sắc. Nàng ấy nhìn tấm gương đồng đối diện. Hình ảnh nữ tử phản chiếu khiến Lương Phi thấy có phần xa lạ. Nàng ấy nhắm mắt lại, hỏi:
"Hôm nay là ngày mấy?"
Phù Tuyết lập tức đáp: "Mười bảy tháng chín ạ."
Ánh mắt Lương Phi nhìn xa xăm ngoài cửa sổ, không biết đang nhìn gì. Hồi lâu, nàng ấy nói:
"Hóa ra đã đến lúc này rồi."
Phù Tuyết biết nương nương đang nói gì. Còn ba ngày nữa là đến tiết Vạn thọ.
Những năm trước, vào thời điểm này, cả cung Tốc Hòa đang thảo luận về việc nên tặng Thánh thượng món quà gì. Khung cảnh khi đó vô cùng náo nhiệt, nương nương và cung nhân đều tươi cười rạng rỡ. Song, năm nay mọi thứ đã khác xưa.
Lương Phi cụp mắt, lên tiếng: "Ngươi khéo tay, thêu một chiếc đai lưng làm quà sinh thần cho Hoàng thượng đi."
Đây là lần đầu tiên nàng ấy không tự tay chuẩn bị quà sinh thần cho Thời Cẩn Sơ.
Cung điện trở nên yên tĩnh.
...
Bên ngoài bàn tán sôi nổi về tiết Vạn thọ, dù Thai Am Yểu đang dưỡng thương cũng nghe được đôi chút phong thanh.
Tiểu Tùng Tử chộn rộn không yên. Hắn rất thích đi loanh quanh thăm dò nên dò la được rất nhiều tin tức. Các phi tần đua nhau đủ kiểu, thậm chí còn có tin đồn quà sinh thần của một số phi tần bị hỏng vào phút chót.
Trong đó, chuyện gây chú ý nhất là Dĩnh Bảo lâm đến Trung Tỉnh điện lấy kim chỉ, nào ngờ bị Vân Quý tần chặn đứng giữa chừng.
Thai Am Yểu nhướng mày. Dĩnh Bảo lâm hay nhắm vào nàng khiến nàng suýt nữa quên rằng trước khi nàng vào cung, Vân Quý tần mới là địch thủ số một của Dĩnh Bảo lâm.
Nàng quay đầu nhìn Tuy Cẩm, hỏi để xác nhận:
"Hình như gần đây Vân Quý tần rất yên tĩnh."
Yên tĩnh đến mức kỳ lạ.
Nàng từng khiến Vân Quý tần bẽ mặt trong vụ Bạch Hào Ngân Châm. Dù Vân Quý tần lấy cớ thân thể khó chịu mời Hoàng thượng đến lúc nửa đêm nhưng sau đó, nàng ta lại không hề trả thù.
Hơn nữa còn vô cớ đắc tội với Triệu Tu dung. Dù xét từ góc độ nào, đây cũng không phải là một việc đáng giá.
Tuy Cẩm nhíu mày, rõ ràng nhận thấy có điều bất thường.
Thai Am Yểu nhớ kỹ chuyện này. Bên ngoài chợt truyền đến một loạt động tĩnh, nàng nhìn Thu Minh, Thu Minh nhanh chóng đi ra rồi quay lại. Nàng ấy dẫn theo Nguyên Bảo vào cùng.
Thai Am Yểu ngạc nhiên nhìn qua.
Nguyên Bảo xách một l*иg chim, động tác rất cẩn thận. Hắn không chờ Thai Am Yểu đứng dậy mà nhanh nhẹn hành lễ rồi cười nói: "Hoàng thượng lo rằng Nghi Tần chủ tử buồn chán nên cố ý sai nô tài mang một con chim đến cho người, để người giải sầu trong thời gian dưỡng thương."
Thai Am Yểu bị thương không đúng lúc. Nàng bị thương gần sát tiết Vạn Thọ, hoàn toàn không thể đến dự tiệc đúng hẹn.
Nàng vào cung chưa đầy nửa năm, lục đầu bài bị gỡ xuống nhiều lần. Người của Kính Sự phòng đều cho rằng Nghi Tần đa tai đa nạn.
Thai Am Yểu kinh ngạc, không ngờ Thời Cẩn Sơ lại nhớ đến mình vào lúc này. Nàng tò mò quan sát l*иg chim, bên trong là một con vẹt có màu sắc rực rỡ, nàng hỏi:
"Đây là chim gì vậy?"
"Đây là vẹt mẫu đơn mà Nam Duật vừa tiến cống. Nó vừa được huấn luyện xong, Hoàng thượng liền bảo nô tài mang đến cho người."
Khi nói những lời này, thái độ Nguyên Bảo rất ân cần. Thai Am Yểu khá bất ngờ nhưng chỉ xem đây là cách ứng xử khôn ngoan của người Ngự tiền khi nàng được ban thưởng.
Con vẹt ở trong l*иg đang ngoan ngoãn vuốt ve bộ lông của mình. Nó có bộ lông sặc sỡ, dáng hơi tròn trĩnh, cổ có vòng màu vàng, phần ngực trên màu xanh nhạt, lưng và cánh màu xanh lục, eo màu xanh dương, phần đuôi màu xanh ngọc bích, dáng vẻ ngờ nghệch đáng yêu. Thai Am Yểu chưa từng nuôi chim, giờ bị màu sắc này thu hút, không khỏi nhìn thêm vài lần.
Sau khi Nguyên Bảo đi, Thai Am Yểu thấy sắc mặt Thu Minh có điều khác lạ. Nàng khó hiểu hỏi: "Sao vậy?"
Thu Minh nói nhỏ:
"Nô tỳ nhớ Hoàng thượng có nuôi một con vẹt trắng. Ngài ấy không chỉ phái cung nhân chuyên phục vụ mà còn thường xuyên đích thân chăm sóc."
Đâu chỉ dừng ở đó...
Một lần nọ, Phùng Phi trêu đùa con vẹt nhưng bị nó cào. Lúc nàng ta than phiền với Hoàng thượng thì chỉ nhận được một câu lạnh lùng "Ai cho phép nàng chạm vào nó?" từ Hoàng thượng. Từ đó về sau, cả cung đều biết con vẹt trắng đó là sủng vật của Hoàng thượng, không ai dám coi thường nữa.
Trong cung, ngoại trừ Hoàng thượng, chủ tử là người duy nhất được phép nuôi vẹt.
Thu Minh không thể không suy nghĩ ẩn ý sâu xa trong đó.
Nếu nói thái độ của Hoàng thượng đối với chủ tử nói chỉ ở mức bình thường thì có vẻ không đúng nhưng nói khác thường thì hình như cũng khá bình thường. Quả thật khiến người ta khó có thể hiểu thấu.
Nghe vậy, Thai Am Yểu nghiêng đầu nhìn con vẹt ngoan ngoãn kia, tự có câu trả lời cho thái độ của Nguyên Bảo lúc nãy.
Xem ra, Thời Cẩn Sơ thực sự coi trọng con vẹt trắng đó. Nếu không, thái độ của người Ngự tiền cũng không ân cần như vậy.
Ban đầu, Thai Am Yểu thật sự cho rằng con vẹt này chỉ có tác dụng giải sầu nhưng sau khi nghe lời Thu Minh nói, nàng không khỏi cân nhắc kỹ càng. Thai Am Yểu không trêu đùa con vẹt nữa mà dặn dò:
"Bảo Tiểu Bách Tử đến phòng Bạch Điểu học hỏi cách cho vẹt ăn, sau này để hắn chuyên chăm sóc."
Thai Am Yểu dự định sẽ đối xử với con vẹt này như một vật mang lại may mắn, để tránh phạm phải bất kỳ điều kiêng kỵ nào.