Nữ Thám Tử Nancy Drew - Không Dấu Vết

Chưa có ai đánh giá truyện này!
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Gần như toàn bộ bí ở River Towns đều lần lượt bị một “kẻ hiểm ác” nào đó đập nát bét, không rõ vì nguyên cớ gì. Sự việc bắt đầu từ khi một cô gái Pháp tên là Simone chuyển đến thị trấn. Rồi quả trứng  …
Xem Thêm

Chương 1: Bạn bè và hàng xóm
TÔI LÀ NANCY DREW. Tụi bạn lúc nào cũng nói tôi thích đi tìm rắc rối, nhưng có phải thật thế đâu. Hình như các rắc rối tự chúng tìm được đường đến với tôi ấy chứ.

Cứ lấy chuyện hồi cuối tuần trước làm ví dụ nhé. Chiều thứ sáu, tôi trở về từ một buổi tiệc trưa tình nguyện, vừa bước vào nhà đã nghe tiếng hét ầm ầm.

“... chuyện này mà không giải quyết được thì những chuyện khác cũng sẽ chỉ tồi tệ hơn thôi.” Giọng nói giận dữ dội ra tận căn phòng ngoài trống trải. “Tôi đảm bảo đấy!”

“Ui ôi,” tôi lầm bầm và lập tức cảnh giác. Tuy không nhận ra được giọng nói này, nhưng tôi có một thứ đại loại như giác quan thứ sáu mách bảo về những điều lạ lùng hay bí ẩn, và lúc này giác quan đó ngay lập tức trỗi dậy. Nghe giọng người đàn ông đang la ó kia có vẻ tức giận lắm. Thậm chí còn dữ dội nữa là khác. Chắc chắn đó chẳng phải điều bình thường trong một ngày hè yên ắng, nhàn rỗi của vùng Trung Tây như hôm nay.

Tôi vội vã đến chỗ phát ra tiếng ầm ĩ: văn phòng của bố. Bố đã vừa là bố, vừa là mẹ của tôi kể từ khi mẹ mất lúc tôi mới ba tuổi; với tôi, ông thật vĩ đại làm sao. Và tôi không phải là người duy nhất nghĩ như vậy. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ người nào ở River Heights này kể tên những luật sư giỏi nhất, trung thực nhất và được kính trọng nhất thị trấn, thì Carson Drew sẽ luôn đứng đầu danh sách. Văn phòng chính của bố nằm dưới phố, nhưng đôi khi ông cũng gặp gỡ thân chủ ở nhà, trong căn phòng ốp gỗ ấm cúng ở tầng một ngôi nhà kiểu thuộc địa rộng rãi của chúng tôi.

Nhón gót đi về phía văn phòng, tôi vén mái tóc dài ngang vai qua một bên và cẩn thận áp tai lên cánh cửa gỗ sồi bóng loáng. Bạn tôi có thể sẽ gọi đó là nghe lén; tôi thì tôi thích gọi là lấy thông tin hơn.

Bây giờ là giọng của bố. “Cứ bình tĩnh đã nào,” ông nói bằng giọng quyết đoán và bình tĩnh nhất của mình. “Tôi chắc chắn chúng ta có thể giải quyết chuyện này mà.”

“Chắc chắn tôi cũng mong được như thế!” giọng người đàn ông kia lại vang lên, dù nghe đã dịu hơn một chút.

“Nếu không, tôi sẵn sàng đi kiện ngay đấy. Chuyện này xâm phạm đến quyền lợi của tôi - với tư cách là một người chủ sở hữu tài sản đã đóng thuế đàng hoàng.”

Giọng nói bắt đầu có vẻ quen quen, tôi cố nhớ lại. Phải mất một giây sau tôi mới để ý thấy tiếng bước chân đang hướng về phía cửa và nhày lùi lại, vừa kịp để không bị ngã dập mặt khi cánh cửa đột ngột mở vào trong.

“Nancy!” Bố bước ra và nhướn mày, rõ là khá phật ý khi bắt gặp tôi đang trốn ở phòng ngoài. Một người đàn ông bệ vệ, ăn mặc chỉnh tề bước sau bố, mái tóc xám của ông ấy rối tung và những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán. Bố giới thiệu, “Con biết hàng xóm của chúng ta chứ, ông Bradley Geffington đấy mà.”

“A, đúng rồi!” tôi thốt lên khi nhớ ra giọng nói quen thuộc, ông Bradley Geffington không chỉ ở cách chúng tôi vài dãy nhà, mà ông ấy còn điều hành ngân hàng địa phương nơi bố con tôi mở tài khoản. “À, ý con là dĩ nhiên con biết bác ấy chứ ạ. Rất vui được gặp bác, bác Geffington.”

“Chào cháu, Nancy,” ông Geffington bắt tay tôi, dù vẫn còn vẻ rối bời và bực dọc. Ông liếc về phía bố. “Tôi sẽ không thể nghỉ ngơi cho tới khi hiểu được nguyên do chuyện này, ông Carson ạ. Harold Safer đứng sau chuyện phá hoại tài sản của tôi thì hắn sẽ phải trả giá. Hãy nhớ như vậy.”

Tôi chớp mắt ngạc nhiên. Harold Safer là một người hàng xóm khác nữa sống ở khu bờ sông yên tĩnh rợp bóng cây của chúng tôi, và cũng là chủ một tiệm phô mai trong địa phương. Chú này có hơi lập dị một chút, nhưng nhìn chung tính tình hòa nhã và được mọi người quý mến.

“Cho phép cháu hỏi, thưa bác Geffington,” tôi nói. “Nếu bác không phiền... nhưng chú Safer đã làm gì thế ạ?”

Ông Geffington nhún vai. “Không phiền gì đâu, Nancy,” ông nói. “Bác cũng muốn tất cả mọi người đều biết để không ai phải chịu như thế này nữa. Hăn đã phá hoại mấy dây bí ngòi[1] của bác!”

[1] Còn gọi là giống bí Nhật, quả thuôn dài, màu xanh lục sậm.

“Bí ngòi của bác?” tôi lặp lại. Đó chẳng phải là những gì tôi mong đợi sẽ được nghe, “Ừm, ý bác là sao ạ?”

“Phải rồi, sao anh không kể Nancy nghe tất cả các chi tiết nhỉ?” bố lên tiếng. “Con bé là thám tử nghiệp dư trong nhà tôi đấy. Biết đâu nó có thể giúp anh hiểu thật ra việc này là thế nào. Rồi từ đó chúng ta sẽ biết phải tiếp tục làm gì.”

Lời của bố làm tôi hơi sửng sốt. Tôi nghĩ bạn cần biết rõ về bố như tôi biết đây thì mới hiểu tại sao lại như thế. Bố tôi luôn xem trọng các vụ mà ông nhận - bố biết các thân chủ trông cậy vào mình thế nào trong những giờ phút đen tối nhất đời họ. Nhưng sau tất cả các phiên xử nổi tiếng, những vụ kiện kinh khủng, và những báo cáo quan trọng trước những bồi thẩm đoàn lớn, tôi tin chắc bố chẳng bao giờ mong đợi bất kỳ ai yêu cầu mình xúc tiến một vụ kiện liên quan đến bí ngòi.

May thay, có vẻ như ông Geffington chẳng nhận thấy gi, “ờ, tôi cũng nghe nói Nancy có năng khiếu trong việc giải quyết các vụ bí ẩn.” Rồi ông trầm ngâm nhìn tôi. “Vậy thì tốt thôi. Chuyện là thế này, mới chiều thứ ba vừa rồi, bác vẫn đang còn một khoảnh bí mọc tươi tốt trong vườn. Năm cây, ít nhất cũng phải có một nửa tá bí hoàn hảo, tuyệt đẹp chỉ còn chờ hái nữa mà thôi. Bác gần như đã có thể nếm mùi vị của chúng được xào, rán áp chảo và nướng thành bánh mỳ bí...” ông đan tay vào nhau, chép môi, rồi lắc đầu buồn bã.

“Thế chuyện gì đã xảy ra ạ?” tôi hỏi.

“Đến sáng thứ tư bác thức dậy và ra ngoài, định tưới cho chúng một chút trước khi đi làm như thường lệ, và bác nhìn thấy chủng - bí của bác, hay ít nhất là những gì còn sót lại...” giọng ông run run, mắt nhắm lại, rõ là đau buồn với ký ức vừa xong,”... trông như thế đã bị ai đó dùng vồ đập cho nát bét. Những mẩu xanh nhỏ vương vãi khắp nơi!”

“Kinh khủng quá!” Nghe giống một vụ phá hoại thật, mặc dù tôi không thể tưởng tượng nổi sao lại có người thèm phá hoại một lùm bí mà làm gì. “Nhưng sao bác lại cho rằng chú Safer đã làm điều đó?”

Ông Geffington tròn mắt. “Hắn đã rền rĩ và than phiền suốt cả mùa hè về chuyện mấy l*иg cà chua của bác đã ngáng trở tầm ngắm cảnh hoàng hôn đáng nguyền rủa của hắn đấy thôi.”

Tôi cố giấu một nụ cười. Ngoài một cửa hàng bán nhiều loại phô mai ngon tuyệt, Harold Safer còn nổi tiếng khắp thị trấn vì hai lý do - hai nỗi ám ảnh song sinh về nhà hát kịch Broadway và cảnh hoàng hôn. Mỗi năm vài lần chú lại chu du về phía đông, đến thành phố New York và ở lại đó một hay hai tuần để xem tất cả các buổi diễn có thể xem.

Và chú cũng xây hẳn một cái boong lớn phía sau nhà, nhìn ra sông, chỉ nhằm mục đích duy nhất là ngắm cảnh hoàng hôn trên những con dốc mỗi chiều tà.

Tuy nhiên, Harold Safer cũng nổi tiếng là người có lòng tốt và nhạy cảm, thậm chí còn cứu cả những con sâu bị kẹt trên lối đi trước nhà cơ mà. Tôi không thể hình dung được cảnh chú ấy cầm gậy dọa ai, nói chi đến chuyện phá hoại vườn tược nhà người khác.

“Vâng ạ,” tôi tế nhị nói. “Nhưng nếu chú ấy thấy phiền gì mấy cây cà chua thì sao lại tấn công bí cơ chứ?”

“Đừng hỏi bác!” ông Bradley Geffington la lên. “Cháu là thám tử mà - cháu phải tìm cho ra chuyện đó. Tất cả những gì bác biết là toàn bộ bí của bác đã bị phá nát, và hắn là người duy nhất có thể làm điều đó.” Rồi ông liếc nhìn đồng hồ. “Thôi, bác phải đi đây. Gần hết giờ nghỉ ăn trưa rồi, bác còn phải ghé qua trung tâm giống cây trồng xem thử họ còn cây bí nào không nữa.”

Bố con tôi tiễn ông Geffington tới cửa trước. Khi cánh cửa đóng lại phía sau người hàng xóm, bố liếc nhìn tôi. “Con lo vụ này được không, Nancy?” bố hỏi. “Bố biết nó hơi ngớ ngẩn, nhưng để một chuyện như thế xảy ra giữa hai người láng giềng tốt thì chẳng hay chút nào.”

Tôi gật đầu, bố nói đúng. Hơn nữa, nếu quả có ai đó đang lang thang khắp vùng để phá hoại mọi thứ - với một cái vồ trong tay - thì tốt nhất là phải tìm cho ra ngay là kẻ nào và tại sao hắn lại làm như thế.

“Con sẽ làm những gì có thể,” tôi hứa. “Bess và George cũng sắp đến đây. Bọn con định đi mua sắm, nhưng con tin chắc các bạn ấy sẽ sẵn sàng giúp công việc thám tử này một tay thôi.”

Như thế tình cờ, đúng lúc ấy tiếng chuông cửa vang lên. Tôi vội ra mở và thấy hai đứa bạn thân nhất của mình đang đứng đó.

Mặc dù hai đứa là chị em họ với nhau, nhưng trước nay tôi vẫn chưa bao giờ thôi ngạc nhiên vì sao mà Bess Marvin và George Fayne chẳng giống nhau chút nào như vậy. Nếu lật từ điển ra, tra từ con gái trong đó, bạn sẽ thấy Bess ở hình minh họa. Nó xinh đẹp, tóc vàng, những đường cong lý tưởng, hai bên má có lúm đồng tiền, và có cả một tủ quần áo đầy ắp những chiếc đầm hoa cùng rất nhiều đồ trang sức tinh xảo làm tôn thêm những đặc điểm hoàn hảo của nó. Còn George nhẳng nhẳng, dáng người như vận động viên, lại luôn thích quần jeans hơn nữ trang. Mái tóc đen của nó thường trong tình trạng cắt ngắn ngọn gàng. Và cô nàng luôn nhanh nhảu sửa ngay khi có ai gọi nó bằng cái tên khai sinh, Georgia.

Bố chào các bạn tôi rồi quay lại văn phòng. Khi dẫn Bess và George vào phòng khách, tôi mau chóng kể cho tụi nó nghe về vụ phá hoại bí.

“Mày đang đùa đấy hà?” George bình phẩm theo kiểu thẳng thừng thường lệ. “Mày tuyệt vọng vì không kiếm ra một vụ bí ẩn nào đến nỗi sẽ điều tra vụ này hay sao?”

Bess cười khúc khích. “Đàng hoàng chút đi, George,” nó trách. “Nancy tội nghiệp đã không có một vụ trộm nào để tóm gọn hay vụ bắt cóc nào để giải cứu trong vòng... bao lâu nhỉ? ừm, ít nhất cũng vài tuần rồi đấy nhỉ? Nó tuyệt vọng thế cũng phải thôi mà.”

“Biết rồi, biết rồi,” tôi mỉm cười. “Đây không hẳn là một vụ án, nhưng tôi muốn tìm hiểu xem chuyện gì đang thật sự diễn ra trước khi nó gây thêm rắc rối giữa bác Geffington và chú Safer. Họ mà kiện cáo nhau vì một lý do ngớ ngẩn như vậy thì thật chả ra làm sao. Việc ấy có thể phá hỏng tình bạn của họ mãi mãi.”

“Đúng đấy,” Bess tán thành.

“Tốt,” tôi nói. “Có nghĩa là hai người sẽ giúp tôi chứ?”

Trông Bess hơi thất vọng; nó rất thích đi mua sắm mà. Nhưng rồi nó lại nở nụ cười tinh nghịch. “Có lẽ.”

George gật đầu. “Hơn nữa,” nó nói thêm cùng một nụ cười ranh mãnh. “Biết đâu điều tra Vụ án Phá hoại Rau Củ này sẽ giữ cho Nancy nhà ta tránh xa các rắc rối thực sự thì sao!”

***

Vài phút sau cả ba đứa đã ngồi trong phòng khách trang nhã và tiện nghi của bà Cornelius Mahoney dưới phố, cách nhà ông Bradley Geffington một quãng. Hai người hàng xóm khác, cô Thompson và chị Zucker, cũng đang ở đó. Chúng tôi vừa bước tới bậc thềm đã được bà Mahoney ân cần mời ngay vào nhà để tránh nắng nóng và cùng dùng trà với họ.

“Đây, các cô bé,” bà Mahoney nói bằng giọng lào xào khá mảnh của mình, đôi mắt màu hạt dẻ hiền từ lấp lánh dưới mái tóc xám gọn gàng phủ ngang trán; bà bày một khay nước trước mặt chúng tôi. Ít trà đá cho một ngày oi ả. Các cháu cứ tự nhiên dùng bánh quy đi nhé.” Bà chỉ tay về phía một cái đĩa gỗ to tướng - đặt trên cái bàn cà phê bằng gỗ gụ bóng loáng - đựng đầy bánh nướng.

“Thế này mới gọi là điều tra chứ,” George thì thầm với tôi khi rướn người lấy vài cái bánh. Dù có ăn đồ ngọt nhiều cỡ nào, vóc người mảnh mai của nó cũng không hề béo lên - điều đó làm cho cô em họ đầy đặn của nó cứ băn khoăn tức tối mãi.

Ellen Zucker, khoảng ba mươi tuổi và rất quyến rũ, cười với tôi. “Nancy, bố em và bà Hannah vẫn khỏe chứ? Em nhắn hộ với bà Hannah là chị rất thích công thức nấu món... đợi chị chút xíu.” Rồi chị đứng dậy, bước vội về phía cửa sổ trước đang mở. “Owen!” chị gọi to. “Mẹ đã dặn bao nhiêu lần rồi, nếu chơi một mình thì phải tránh xa đường ra chứ. Sao con không ra sân sau mà chơi?”

Các bạn và tôi liếc nhau buồn cười quá thể. Lúc bọn tôi đến, cậu nhóc Owen Zucker bốn tuổi tràn đầy năng lượng đang chơi bóng chày trên lối chạy xe vào nhà. Tất cả bọn tôi đều đã lần lượt nhận trông nó, và đều biết rõ rằng chỉ cần lơ đễnh một tích tắc thôi là sẽ mất dấu cậu nhóc hiếu động, tràn đầy năng lượng đó ngay.

Chị Zucker thở dài và lại ngồi xuống. “Tội nghiệp Owen,” chị nói. “Cứ phải theo chị đi hết từ nhà này qua nhà khác thế này chắc thằng bé chán lắm rồi. Cả tuần nay chị phải đến các nhà trong vùng để kêu gọi quyên góp tiền cho buổi biểu diễn pháo hoa mừng Ngày Hội Đe Búa mà.”

Tôi mỉm cười, biết chị đã đến đúng nhà để vận động rồi. Bà Mahoney là một trong những người giàu nhất thị trấn. Ông chồng quá cố của bà chính là hậu duệ duy nhất của Ethan Mahoney, người sáng lập Tập đoàn Đe Búa Mahoney vào đầu thế kỷ mười chín. Công việc kinh doanh đe búa đã hết từ lâu, chỉ còn ngày hội là vẫn tỗ chức, thế nhưng của cải nhà Mahoney lại nhiều hơn bao giờ hết. Khi ông Cornelius còn sống, hầu hết số của cải đó đều đổ vào các loại xe cổ cùng các kế hoạch tài chính mơ hồ. Theo nhiều nguồn tin thì ông Cornelius quá cố là một người tầm thường và bủn xỉn, chưa bao giờ được cộng đồng thị trấn này yêu quý. Nhưng bà Mahoney lại là một tâm hồn rộng lượng làm cho tất cả những ai từng tiếp xúc với bà đều cảm thấy quý mến. Những đóng góp hào phóng của bà cho rất nhiều việc từ thiện lâu nay đã lấy lại danh tiếng cho cái họ Mahoney.

“Nhóc Owen biết cách tự làm cho mình vui mà chị,” Bess bình luận, liếc ra cửa sổ nhìn cậu nhóc chạy lăng xăng bên mé nhà, với bóng và gậy trong tay. “Em còn nhớ lần cuối cùng trông nó - nhóc ta quyết định làm bánh quy, và đã lôi tất cả mọi thứ trong tủ lạnh ra, bày trên sàn nhà trước khi em kịp băng qua bếp để ngăn nó lại.”

“Đúng là Owen của chị rồi!” chị Zucker kêu lên, còn mọi người thì cười to.

“Nào, chuyện gì khiến các cô gái đến đây hôm nay thế này?” cô Thompson hỏi. Cô là y tá trong bệnh viện địa phương, khoảng chừng bốn mươi tuổi, nhỏ nhắn, từng tham gia với tôi trong một vài ủy ban tình nguyện. “Cháu lại đang lần theo dấu vết của một vụ bí ẩn lý thú nào nữa hả, Nancy?”

Tôi cười ngượng ngùng trong khi hai đứa bạn phải cố nín để không cười phá lên. Tôi đã cho bạn biết là tôi khá nổi tiếng trong thị trấn về việc giải quyết các vụ bí ẩn chưa nhỉ?

“À, cũng gần gần như vậy ạ,” tôi thừa nhận. “Hình như có kẻ nào đó đã gây chuyện trong khoảnh đất trồng rau củ của bác Geffington.”

Chị Zucker há hốc miệng. “Thật không?” chị kêu lên. “Nhà chị cũng bị y như vậy! Kẻ nào đó cũng đã đập hết mấy dây bí của chị cách đây vài đêm.”

Thú vị thật. Chị Zucker sống cách nhà ông Geffington vài căn, ở phía bên kia đường.

“Chị có nghĩ ra kẻ nào đã làm chuyện này không?”

Chị Zucker lắc đầu. “Chị nghĩ chỉ có mấy đứa choai choai mới dám làm vậy thôi, hay là mấy con thú gì đấy,” chị nói. “Có lẽ chuyện xảy ra sau bữa tối, lúc chị đang đi vận động tiền cho Ngày Hội Đe Búa. Chị về khá muộn, chồng chị thì đi ăn tối dưới phố - vì công viêc ấy mà - còn Owen lúc ấy có thể đang chơi với người trông trẻ mà chị thuê đêm đó, cho nên không ai trong nhà để ý thấy gì cả. Chị thật sự không nghĩ ngợi gì nhiều về chuyện này, nhất là vì cả chồng chị lẫn Owen dù sao cũng không thích bí.”

“Chẳng trách họ được,” George vừa nói vừa với tay lấy thêm một cái bánh khác. “Chính em đây cũng ghét món đấy lắm.”

“Vậy là chị không thấy thủ phạm,” tôi trầm ngâm. Tôi nhìn hai người phụ nữ còn lại. “Còn các cô thì sao ạ? Các cô có để ý thấy chuyện gì lạ xảy ra trong vùng cách đây ba đêm không?”

“Ta chẳng thấy gì cả,” bà Mahoney nói. “Cháu có thử hỏi người hàng xóm nào khác chưa? Harold Safer sống ở phía bên kia đường Bluff ấy. Biết đâu ông ấy có thấy gì đó thì sao.”

Lời nhận xét của bà nhắc tôi nhớ một điều. “Cháu nghe nói nhà của gia đình Peterson vừa mới bán,” gia đình Peterson cũng là hàng xóm sát nhà ông Geffington. “Các cô biết người mua là ai không ạ?”

“Cô biết,” cô Thompson nói. “Nghe nói là một phụ nữ trẻ, độc thân, người Pháp, tên là Simone Valinkofsky.”

“Valinkofsky?” George lặp lại. “Nghe chẳng giống tên Pháp lắm.”

“Chà, cô không biết rõ lắm,” cô Thompson đáp. “Nhưng nghe bảo cô này đã dọn đến cách đây ba ngày. Chính cô cũng chưa gặp trực tiếp, chỉ biết cô ấy đảm nhận một công việc rất quan trọng trong viện bào tàng dưới phố.”

“Thú vị thật,” tôi lầm bầm. Tôi biết mình không thể quy kết việc vừa dọn đến đây của người hàng xóm mới có liên quan gì đến vụ bí ngòi. Thế nhưng, cũng không thể không lưu ý là dù gì vụ phá hoại cũng bắt đầu ngay cái ngày cô Valinkofsky ấy dọn đến thị trấn. Có liên quan gì không nhỉ, hay chỉ đơn thuần là trùng hợp thôi? Phải tìm hiểu thêm nữa mới biết được.

Ba đứa tôi uống hết phần trà của mình rồi cáo lui. Cả bọn bước ra cửa, xuống vỉa hè. Cả ông Geffington lẫn bà Mahoney đều sống trên đường Bluff. Tôi liếc nhìn sang nhà ông Geffington, một căn nhà kiểu thuộc địa gọn gàng được bao quanh bởi những vồng hoa được chăm sóc kỹ lưỡng. Những bậc cầu thang bằng xi măng dẫn từ vỉa hè đến lối đi uốn lượn trước nhà, còn hai bên là bãi cỏ mọc tươi tốt. Tôi biết trong sân sau, là vườn rau củ - cùng với tầm nhìn kỳ diệu về phía bờ sông mà tất cả các ngôi nhà bên này đường đều có.

Rồi tôi nhìn sang những nhà hàng xóm sát bên ông Geffington. Ở bên phải là ngôi nhà kiểu Tudor trông rất ấm cúng của chú Safer. Còn bên trái là một ngôi nhà kiểu thôn dã, nhỏ, với mái hiên lớn phía trước và những lùm cây bụi rậm rạp cùng những dây leo mọc dại ở sân sau.

Đúng là một nơi ẩn nấp hoàn hảo, tôi nghĩ bụng. Ánh mắt tôi di chuyển từ khoảnh đất cỏ mọc um tùm trở lại vườn của ông Geffington. Hai cái sân chỉ ngăn cách với nhau bằng cái hàng rào cọc cao gần một mét. Bất cứ ai, nếu muốn, đều có thể dẹp nó đi một cách dễ dàng.

Dĩ nhiên điều bí ẩn ở đây không phải là cơ hội mà là động cơ. Điều gì có thể khiến cho một ai đó muốn phá hủy cả một khu vườn đầy những dây bí vô tội chứ? Cho tới giờ tôi vẫn chưa tìm được một giả thuyết nào nghe có vẻ hợp lý cả.

George dõi theo ánh mắt của tôi. “Hiện trường tội ác, hả?” nó nói. “Mày không định đến tìm dấu vân tay trên mấy cây cà hay gì đó sao?”

Tôi huých đùa nó. “Thôi, đi xem thử hàng xóm mới có nhà không đã.”

Tất cả các khoảnh sân trên con đường Bluff ven sông này đều nằm dốc xuống từ vỉa hè. Tôi cẩn thận bước xuống những bậc thang bằng đá phía trước nơi từng là nhà của gia đình Peterson, theo lối đi băng ngang qua khoảnh sân hẹp trước nhà để vào hiên, tôi nhấn chuông.

Vài phút sau cửa mở, một phụ nữ trẻ khoảng hai chín tuổi xuất hiện cùng với một nụ cười, mái tóc đen dài tới vai và đôi mắt đen tuyệt đẹp. Chị ăn mặc đơn giản nhưng khá phong cách: một cái đầm bằng vải lanh và đôi giày gót thấp.

“Xin chào,” chị nói bằng chất giọng pha âm sắc nước ngoài nhẹ nhàng. Tôi có thể giúp gì các bạn không?”

Tôi tự giới thiệu nhóm của mình, và trước khi kịp giải thích vì sao mình lại có mặt ở đây thì đã được ra hiệu mời vào nhà.

“Mời các bạn vào,” chị nói. “Tôi là Simone Valinkofsky, tôi cũng đang mong được gặp vài hàng xóm mới của mình.”

Chẳng mấy chốc tôi và các bạn đã đứng trong căn phòng khách rộng đến kinh ngạc so với ngôi nhà nhỏ như thế này. Hồi nhà Peterson còn sống ở đây tôi chưa từng bước vào bên trong, nhưng theo tôi, phòng khách lúc đó không hề giống diện mạo bây giờ. Vẫn còn nhiều thùng đồ nằm rải rác chờ được mở ra nhưng người chủ mới đã kịp trang trí kha khá cho căn phòng. Phía trên lò sưởi là một bức tranh sơn dầu lớn, và trên những ô cửa sổ rộng nhìn ra sân sau là những tấm rèm rất trang nhã. Những quyển sách có bìa in nổi nằm ngay ngắn trên mấy cái kệ đóng cố định vào hai bên tường, và trên một bức tường khác thì treo nhiều chiếc quạt có tay cầm bằng ngà đẹp lạ lùng. Bess nhìn chăm chăm không chút giấu giếm những món trang sức rực rỡ tô điểm cuối một cái bàn.

“Chà,” tôi thốt lên, cố thu hết tất cả vào tầm mắt mình. “Chị có nhiều thứ hay quá, chị Valinkofsky ạ.”

“À, cứ gọi chị là Simone thôi.”

“Được ạ,” George nói. “Vì em không chắc mình có thể phát âm được Valin... Valik... em chịu thôi. Từ này chắc chắn không có trong bất kỳ khóa học tiếng Pháp nào của em ở trường!”

Simone cười to, có vẻ ngạc nhiên và vui thích trước phát biểu thẳng thắn của George. “Không, đó không phải là tên Pháp đâu,” chị nói. “Nhà chị gốc Nga, đến đời ông cố chị mới sang Pháp đó chứ.”

Ánh nhìn của tôi vừa bắt gặp một quả cầu vỏ bằng vàng được làm tinh xảo bên trong một cái khung thủy tinh có khóa đặt trên mặt lò sưởi. “Món đó là của Nga phải không chị?” tôi chỉ.

Simone gật đầu. “Ừ, em tinh mắt thật đấy,” chị đáp. “Một quả trứng Faberge chính cống, vật gia truyền có giá trị nhất trong gia đình chị. Dĩ nhiên, đó không phải là một trong những quả trứng hoàng gia nổi danh khắp thế giới mà Faberge làm cho các Nga hoàng rồi, hầu hết chúng đều trong viện bào tàng hay được trưng bày ở đâu đó. Nhưng đây vẫn cứ là một kho báu, và gia đình chị luôn rất tự hào về nó, cũng như về di sản Nga của mình.”

Chị tiếp tục miêu tả nhiều thứ đẹp đẽ và độc đáo khác trong phòng. Thú vị đến nỗi trong phút chốc tôi suýt quên mất mình đến đây để làm gì.

Cuối cùng Simone tự ngừng lại bằng một tiếng cười to. “Thứ lỗi cho chị nhé,” chị nói. “Chị cứ mải nói về bản thân mình thôi. Kể cho chị nghe về các em đi. Điều gì dẫn các em đến cửa nhà chị hôm nay thế?”

“Nancy là một thám tử,” Bess giải thích.

“Thật hả?” Simone ngạc nhiên nói. “Nhưng em còn trẻ quá mà! Chị cứ nghĩ thám tử Mỹ phải là mấy ông già cộc cằn như Humphrey Bogart[2] chứ không phải là các cô gái trẻ xinh đẹp thế này.”

[2] Tên một diễn viên nổi tiếng người Mỹ.

Tôi đỏ mặt. “Em không phải là một thám tử thật sự u ạ,” tôi vội giải thích. “Em không có giấy phép hay gì hết. Em chỉ giúp bố tìm hiểu một số vụ dính dáng đến luật pháp, hay những việc đại khái như vậy. Chẳng hạn, hôm nay bọn em đang cố tìm ra kẻ nào đã đi quanh thị trấn và phá nát mấy dây bí trong vườn nhà mọi người thôi.”

“Bí?” Simone lặp lại.

“Courgette ấy chị,” George giải thích.

Tôi liếc nhìn con bạn mình với ánh mắt đầy kinh ngạc. Có phải George vừa bất chợt nhớ ra một từ hú họa nào đó trong lớp tiếng Pháp không nhỉ? Nhưng George cũng thường nhớ ra những thứ lặt vặt giống vậy mà nó tìm thấy trên internet - nó học được từ này trên mạng cũng nên. Đôi khi cái trí nhớ quỷ quái của nó rất được việc.

Simone cười to. “Chị hiểu rồi. Chà, chị e là không giúp được gì các em đâu,” chị nói. “Ba hôm nay chị bận túi bụi tháo dỡ mấy thùng đồ chuyển đến, chẳng hở ra lúc nào liếc nhìn ra cửa sổ chứ nói gì đến chuyện ra khỏi nhà. Dù vậy chị cũng cam đoan với các em rằng chị không phải là thủ phạm. Chị sẽ không bao giờ phá hoại bí ngòi, tội gì, phải rán nó lên chứ! Và dĩ nhiên, bản thân chị không có vườn, cho nên thủ phạm cũng chẳng có lý do gì mà đến đây cả.”

Tôi bước về cửa sổ phía sau, nhìn quanh. Khi ánh nhìn vừa chạm đến khung cảnh bên ngoài, tôi há hốc mồm kinh ngạc.

“Hê,” tôi buột miệng gọi. “Chẳng phải có cả lùm bí ngay trong sân sau nhà chị kia sao?”

Thêm Bình Luận