- 🏠 Home
- Ngôn Tình
- Đô Thị
- Nụ Hôn Của Samire
- Chương 21
Nụ Hôn Của Samire
Chương 21
8 giờ tối, gió đêm vẫn còn nóng nực, ngoài cửa sổ vọng đến tiếng ve rả rích kéo dài, lại ngắt quãng mệt mỏi như âm thanh cuối cùng trong đời.
Dọn dẹp bàn ăn xong, tôi nấp trong phòng ngủ, lén lút thay một bộ váy.
Đó là chiếc váy dài bằng sa tanh màu tím nhạt mà cô Carolyn tặng tôi, chiếc váy rất đẹp, tay áo ngắn phồng lên như l*иg đèn, cổ áo vuông khoét trễ, phần ngực và eo được thắt lại, càng tôn lên đường cong của phụ nữ.
Tôi xõa tóc, mái tóc xoăn màu vàng óng đã dài tới tận eo. Tôi trong gương như biến thành một người khác.
Ánh đèn tù mù tạo cho người trong gương một quầng sáng mờ ảo, như phủ một làn nước lên đôi mắt màu xanh lục.
Tôi ngắm mình trong gương rất lâu, cuối cùng vẫn thay về bộ đồng phục của trường, bộ đồ rộng thùng thình mà lại đem tới cho tôi cảm giác an toàn, nó che đi đặc điểm phái nữ trên người tôi, cũng che giấu sự xao động ở tuổi dậy thì.
“Annie?” William gõ cửa phòng, “Em ngủ chưa?”
“Chưa ạ.” Tôi mở cửa, nhìn William lưỡng lự ngoài cửa.
Anh ho một tiếng: “Anh muốn nói chuyện với em, có thể vào được không?”
“Dĩ nhiên rồi.” Tôi né đường.
William đi vào phòng ngủ, kéo ghế tới ngồi trước giường.
Tôi và anh mắt to mắt nhỏ nhìn nhau, cuối cùng tôi cũng mất kiên nhẫn: “Anh muốn nói gì với em?”
William do dự: “Em biết tin chưa, cửa hàng thịt anh làm việc bị nhà Jonathan thu mua rồi.” Anh sờ đầu, thở dài nói, “Hai ngày trước có người đến tìm anh bàn bạc, hy vọng anh tiếp quản cửa hàng.”
“Anh lên chức hả? Tốt quá rồi!”
William cau mày: “Nhưng… Heine Jonathan nhắc đến em, còn nói là cám ơn sự hỗ trợ của em, rốt cuộc em đã có chuyện gì với người nhà đó vậy?”
Tôi lắc đầu: “Đừng lo, em giúp ngài Jonathan một việc, có liên quan đến cô chủ của em, tóm lại bọn họ không muốn nợ ơn thôi.”
“Nhưng anh từ chối rồi.” William nói.
“Vì sao? Anh lo cho em à?”
“Không, chỉ là anh… không muốn làm công cho người khác nữa.” William thở dài một hơi.
“Anh muốn lập nghiệp?” Tôi ngạc nhiên.
“Anh nghe đài nói West và Bernard cho nước ta vay lãi suất thấp, nhà nước khuyến khích tiểu thương gây dựng sự nghiệp, có lẽ anh sẽ đến ngân hàng xin vay.” William nói.
“Có cần thế chấp không? Nhà chúng ta không đủ tiền, bố có biết chuyện không?”
“Anh chưa nói với ông, nhưng anh nghĩ kiểu gì ông cũng tạt nước lạnh lên đầu thôi.” William nhún vai.
“Anh cần bao nhiêu tiền?”
“Ít nhất là 100 đồng vàng Phổ, mấy năm qua anh tích cóp được 30 đồng vàng Phổ, có điều theo anh tính toán thì vẫn còn thiếu rất nhiều.” William nói.
“Cô Carolyn vẫn trả tiền công cho em, em có 10 đồng vàng Phổ.”
William lắc đầu: “Anh không thể dùng tiền của em được, em cần mua sách vở, mua quần áo, hơn nữa lấy tiền em bù vào cũng không đủ.”
Tôi cắn môi, đưa chiếc vòng tay của ngài Jonathan ra: “Anh bán cái này đi, có lẽ cũng được 10 đồng vàng Phổ.”
William mở to hai mắt: “Chúa ơi, món đồ này từ đâu ra thế?”
Tôi vuốt ve hoa văn trên vòng tay, nói: “Ngài Hegar Jonathan tặng, vì em đã giúp anh ta.”
“Rốt cuộc em đã giúp chuyện gì? Anh ta không có ý đồ gì với em chứ!”
Tôi trợn mắt nói: “Nói linh tinh, con gái quê mùa như em có ai thèm.”
William nắm tay tôi: “Không nên bán thứ tốt thế này, tự anh sẽ nghĩ cách, em đừng lo.”
Áo sơ mi của William đã sờn cũ, cổ áo bị xơ vải, anh mặc quần cũ của bố, thậm chí còn không có đôi giày nào vừa chân. Đối với chàng trai ở độ tuổi như anh thì thật sự đã tiết kiệm quá mức, không biết tích góp bao lâu mới được 30 đồng vàng Phổ. Anh ngồi cạnh tôi, mùi chua chua bốc lên, là thứ mùi bần cùng chỉ thấm vào những người như chúng tôi.
Tôi nghĩ ngợi, cuối cùng vẫn quyết định nói việc đó cho anh biết, rồi lại dúi chiếc vòng vào tay anh.
“Em muốn nói với anh một chuyện, nếu anh cảm thấy không ổn thì cứ coi như em chưa nói gì.”
“Chuyện gì?” William tò mò nhìn tôi.
“Mùa đông năm nay, đồ len sẽ tăng giá.”
“Giá len tăng vào dịp thu đông là chuyện bình thường.”
“Đó là những năm trước, năm nay có thể tăng phi mã.” Tôi nhìn anh chằm chằm, nói, “Trong bữa tiệc của ông bà chủ của em, bọn họ nói từ năm trước đã tích trữ rất nhiều len. Các nhà máy tăng ca ngày đêm, tất cả sản lượng làm ra đều được gửi đi nước ngoài, hình như là một dạng dự án trả nợ quốc gia, nên em cảm thấy nhu cầu dùng len trong nước năm nay sẽ rất eo hẹp.”
William ngẩn người, nhìn tôi khó hiểu: “Thật chứ?”
“Em không dám cam đoan.” Tôi dè dặt nói.
William vuốt vòng tay, cau mày trầm ngâm: “Anh đi nghe ngóng xem sao, em đừng nói chuyện này với bố.”
Rồi anh bôn ba ở bên ngoài ba ngày, sau khi về thì âm thầm nói với tôi, anh ấy muốn thử.
Tôi không kìm được hỏi: “Nếu thất bại thì sao?”
“Làm kinh doanh luôn cần mạo hiểm, nếu ngay tới dũng khí này cũng không có thì đừng làm gì nữa.” William tự giễu.
Anh mượn 10 đồng vàng từ chỗ tôi, không bán vòng tay, anh bảo: “Anh vẫn thấy dính dáng quá nhiều đến nhà Jonathan không phải chuyện tốt, bọn họ là đám côn đồ chuyên làm chuyện xấu, anh không biết bọn họ cải tà quy chính thật hay chỉ giả vờ, nói chung qua lại với bọn họ phải cẩn thận.”
William nói không sai, gia đình đó không hợp với thế giới của người thường, tốt nhất là nên ít tiếp xúc, tôi bèn gật đầu: “Anh đừng lo, ngày mai em về trường rồi.”
Nhưng đến hôm sau, khi đang đợi xe buýt ở nhà ga, tôi vẫn nhìn thấy Heine Jonathan.
Cậu ta bước xuống từ một chiếc xe jeep trông rất oách, nhìn tôi với vẻ mong chờ: “Để tôi đưa cậu đến trường.”
Ánh nắng chan hòa rơi trên mái tóc ngắn màu vàng và lông mi của cậu ta, nhẹ nhàng trong suốt, đôi mắt màu lam xanh thẳm dịu dàng nhìn đối phương, đem lại cảm giác thoải mái như đại dương nhiệt đới.
Tôi cảm thấy có nghìn vàng đang ghì chân mình, chỉ biết chôn chân tại chỗ, ngẩn ngơ nhìn cậu.
“Đừng như thế, tôi có phải dã thú đâu.” Cậu ta mỉm cười mở cửa xe, “Chỉ là đưa cậu đến trường thôi mà, lên xe đi.”
Tôi nhìn vào mắt cậu, lắc đầu rồi lại lắc đầu. Nếu tôi yêu cậu ta thì ắt có thể ngồi xe của cậu ta, nhưng tôi biết mình không hề thích cậu ta. Mập mờ không phải là tính cách của tôi, thay vì để cậu ta tiếp tục vướng vào thì chi bằng nói rõ ràng.
Xe buýt đến, dòng người chờ xe xô đẩy chen lấn, như bầy ong vỡ tổ chen chúc ngay cửa, vào cái thời tiết này, cỗ xe giống như một lò hơi khổng lồ, không những nóng mà còn trộn lẫn với nhiều mùi hôi khác nhau. Nếu không sớm chen lên thì đến ghế ngồi cũng sẽ bị chiếm.
Tôi chạy vào dòng người hỗn loạn, vẫy tay với Heine rồi nói lớn: “Không cần đợi tôi đâu, cậu đi đi.”
Ánh nắng chói chang, tôi không nhìn rõ biểu cảm của Heine, chỉ ra sức giành giật cơ hội lên xe. Cuối cùng cũng tìm được một chỗ trống ngồi xuống, đến khi nhìn ra cửa sổ, tôi mới thấy Heine vẫn đứng ở cuối đường, dần trở nên mờ ảo với lớp bụi bay trong không khí.
Ngồi bên cạnh tôi là một người đàn ông trung niên, râu dày, tay ngăm đen, mặc quần yếm lấm lem bùn đất, ăn nói bỗ bã, trên người ông ta mùi mồ hôi buồn nôn, ông ta đi cùng những người cũng ăn mặc giống mình, có vẻ là công nhân.
Ông ta bắt chuyện: “Cô là người New City à? Định đi đâu?”
Tôi thận trọng mỉm cười, không trả lời.
Người đàn ông râu quai nón liếc nhìn đống sách vở trong ba lô của tôi, tự nhủ: “Vẫn còn đi học phải không, thành phố đúng có khác, con gái cũng được đến trường, con gái tôi hồi 19 tuổi đã là mẹ của ba đứa con, chưa bao giờ đi học, hiện tại vẫn sống rất tốt. Nghe tôi nói này, phụ nữ không cần thiết học hành làm gì, cô đã đọc báo Chân Lý Xã Hội chưa? Mấy thứ bọn họ tuyên truyền rất có lý.”
Ông ta mở tờ báo dúm dó ra, lật hai lần rồi đưa cho tôi: “Cho cô đấy, đọc đi.”
Tôi tò mò nhận lấy tờ báo, hóa ra là báo đảng của Đảng Công nhân Xã hội Phổ, đăng nhiều thông tin cùng xã luận*.
(*Xã luận là một bài báo quan trọng trong một số báo, thể hiện lập trường, quan điểm của một tờ báo về một vấn đề quan trọng, mang tính thời sự của xã hội.)
Trên đường đi, tôi cắm cúi đọc tờ báo ấy, phát hiện tổng biên tập của tờ báo này – Mosley Streira – là một nhà chủ nghĩa cấp tiến rất định hướng.
Mẩu tin xã hội đưa tin về hoàn cảnh của người nghèo để chỉ trích những người nắm quyền, trong khi các bài xã luận lại tuyên dương triết lý và mục tiêu cầm quyền của Đảng Công nhân Xã hội Phổ, ngoài ra còn đưa tin về những thành tựu hiện tại của họ.
Trong đó có một bài báo đề cập đến quan điểm về phụ nữ, ông ta cho rằng không khí xã hội cởi mở hiện nay đã khiến phụ nữ dần biến chất.
‘Tuy phụ nữ đi làm cũng tạo nên giá trị cho xã hội, nhưng điều đó khuyến khích họ tập trung nhiều vào công việc hơn là gia đình, có tác động rất lớn đến sự hòa thuận và ổn định của gia đình. Gia đình là nền tảng của xã hội, gia đình không ổn định, xã hội sẽ mất trật tự…’
‘Phụ nữ là những sinh vật phi lý trí và sống cảm tính. Họ không thể nhìn thế giới một cách hợp lý, đặc biệt là khi họ có thể kiểm soát tiền bạc một cách tự do, sự phi lý trí sẽ khiến họ thực hiện những hành vi cực đoan, biến thành thói kiêu căng và sùng bái tiền bạc…’
‘Phụ nữ vĩ đại biết bao. Họ tần tảo trong việc vun vén gia đình, nuôi dạy con cái, chăm sóc chồng con. Họ nhẫn nại và hy sinh hơn đàn ông. Tất cả những người phụ nữ tần tảo, khiêm tốn đều cần được tôn trọng. Than thay, những tư tưởng dơ bẩn du nhập từ nước ngoài vào gần đây đang ảnh hưởng đến phụ nữ truyền thống ở nước ta, khiến họ mất đi những phẩm chất cao đẹp nhất của người phụ nữ, thậm chí còn đánh mất sự tôn trọng đối với gia đình, cha mẹ và chồng mình…’
Tác giả lên án mạnh mẽ những tệ nạn khi phụ nữ làm việc bên ngoài với cái giọng điệu tự cho là nhẹ nhàng và trân trọng.
Cuối cùng, ông ta cho rằng Đảng Công nhân Xã hội Phổ lấy sự thịnh vượng kinh tế làm sứ mệnh, phấn đấu tăng tỷ lệ việc làm cho nam giới, để phụ nữ yếu thế có thể yên tâm ở nhà chăm sóc gia đình mà không phải làm lụng nặng nhọc.
Đọc xong bài báo, tôi phát hiện tác giả đã hoàn toàn chối bỏ quyền tự lựa chọn của phụ nữ với tư cách là một con người xã hội hoàn chỉnh, lại còn tự hào đã đưa ra sự sắp xếp phù hợp nhất cho giới nữ.
Điều này làm tôi nhớ đến Elizabeth, cô bạn học cấp hai có người chị gái kết hôn với anh ba của Heine.
Lần này trở về, tôi có gặp cậu ấy trên phố, cậu ấy đã kết hôn nhưng trông có vẻ không hạnh phúc, lủi thủi trên phố mua thức ăn, bên khóe mắt còn mờ vết thương.
Tôi chào Elizabeth, muốn nói chuyện với cậu ấy, nhưng cậu ấy đã viện cớ bận rộn rời đi. Từ đầu chí cuối, trên mặt cậu ấy là nụ cười lạnh lùng, thoạt nhìn rất khách khí nhẹ nhàng.
Như thể chỉ trong một chớp mắt, cô gái kiêu ngạo bừng bừng sức sống đã trở nên suy tàn, cậu ấy đã trở thành người lớn, là một người vợ, một người mẹ, một người trưởng thành biết nhẫn nại.
Kỳ hoa nở trong cuộc đời của một cô gái thật là ngắn ngủi.
- 🏠 Home
- Ngôn Tình
- Đô Thị
- Nụ Hôn Của Samire
- Chương 21