NHÀ HỌ TRIỆU CÒN DÁM CẦU HÔN CON GÁI NHÀ MÌNH, THÌ NƯƠNG TỬ PHỦ QUÂN SAO LẠI KHÔNG THỂ MỜI NÀNG?
Hồng Khiêm bụng bảo dạ như thế cũng đúng, nhất là gia đình hoàng thất, con cái quá đông, cha mẹ có khi phải lo lắng đến độ rụng cả tóc. Triều này chú trọng chữ “kiệm”, lúc lập triều đã chịu nạn chiến loạn thảo phạt mấy mươi năm, lúc ấy tình thế buộc phải vậy mà thôi, càng về sau này, cuộc sống từ trên xuống dưới dần bắt đầu xa xỉ, nhưng bổng lộc vẫn không tăng. Rồi lại ngần ấy năm trôi qua, dân số gia tăng, giá lương thực lại rớt, còn giá cả những thứ khác lại tăng, cộng thêm hòa bình đã lâu, phát sinh vô số cách hưởng lạc, khỏi phải nói, cái gì cũng cần tiền.
Tông thất bổn triều là vậy, bổng lộc lúc mới khai quốc không thấp, chỉ cần tích góp vài năm thì sự tình sẽ khác. Nhưng chuyện là vầy, khi ấy sắc phong, Thiên gia còn neo người, mỗi người một danh hào một phần bổng lộc, cứ thế vài năm trôi qua, ai nấy tự sinh con đẻ cái, thành ra cả nhà chia chung một phần bổng lộc này. Tuy con cái mới sinh có thể có phong hào nhưng khó mà chiếu cố hết tất cả, nay không bằng xưa. Những người có gia nghiệp, lại vì sống quá sung sướиɠ nên nạp thϊếp tích tỳ sinh con đẻ cái càng nhiều, tiền tiêu lúc cưới gả thì tạm không bàn, đến khi cha mẹ mất lại phải chia gia tài, đương nhiên tài sản mỗi nhà sẽ càng ít đi. Con lại có con, con lại thêm cháu, chia một chia hai, đã nghèo càng nghèo.
Triều này không thịnh
phân phong, đến một mảnh
thái ấp* để sản xuất cũng không có, chỉ dựa vào ruộng vườn, cửa hàng để sống, người giỏi kinh doanh lại ít, thỉnh thoảng lại tòi ra mấy trò hao tiền tốn của, đa số ngày càng cực khổ. Với phần lớn người Thiên gia Lệ thị, bốn chữ hậu duệ Thiên hoàng nở mặt nở mày, nghe cho oai vậy thôi chứ chả có tác dụng gì ngoài việc mua cưới bán gả. Có gia đình quả thật không sống nổi nữa, bèn đem danh hay tiếng tốt kết thân với gia đình giàu có, sui gia lấy tiếng thơm, họ thì giành đồ cưới sính lễ —– Thường thì trường hợp gả tông nữ nhiều hơn.
[*Phân phong: vua chúa phát đất cho chư hầu; thái ấp: đất chư hầu phát cho dân chúng canh tác.]Nhưng những gia đình giàu có bậc nhất, chưa cần kíp thì chẳng muốn liên hôn với tông thất khốn cùng, chỉ có những nhà nền tảng không vững mới chịu bỏ tiền mua dâu mua rể thôi. Đúng là có rất nhiều gia đình thương nhân thích bỏ tiền mua mặt mũi, nên tuy triều này trọng văn khinh thương, nhưng Thiên gia lại tồn tại không ít sui gia là thương nhân. Như lẽ tất nhiên, có tiền có mặt mũi rồi lại khỏi đích thân làm ăn nữa, thà mua ruộng mua đất làm phú ông chứ không thèm ra tay buôn bán, chỉ sai tôi tớ hay bà con xa ra mặt hộ.
Ấy là khi Tú Anh và Ngọc Tỷ ngợi ca tân phủ quân xuất thân thanh quý, Hồng Khiêm sợ dạy hư con gái, đành phải phân tích rõ ràng sự thật.
Tú Anh hỏi: “Phủ quân là anh em con chú bác với Quan gia, anh em ruột nhà Quan gia đã mất cả, ấy chẳng phải thân nhất rồi sao?” Hồng Khiêm dở khóc dở cười: “Nàng biết Quan gia có bao nhiêu anh em chú bác không? Chỉ riêng cha của vị phủ quân này là Ngô vương thôi đã có đến hai mươi ba đứa con trai còn sống rồi! Để nuôi cả nhà, Ngô vương bỏ cả vương phủ trong kinh, muối mặt ở lỳ hai mươi năm tại khu trung chuyển Đông Nam, cuối cùng bị ngự sử hạch tội mới chịu về kinh. Chẳng còn cách nào khác, ngoài con trai cả con trai thứ thì đám con còn lại cũng mua bán hôn nhân gần sạch. Nghe đồn vị phủ quân này có đến chín đứa con trai, chưa kể con gái, nàng tự đi mà tính xem! Dù có gia tài bạc triệu, chia gia sản rồi thì mỗi người còn chẳng đủ tiền mua tòa nhà chúng ta đang ở nữa.”
Tú Anh á khẩu.
Ngọc Tỷ nói: “Có thể làm phủ quân, chắc cũng có tý bản lĩnh, dù không có bản lĩnh thì cũng có người nâng đỡ, nếu không ai nâng đỡ, hẳn là vận mệnh không tồi.”
Hồng Khiêm đáp: “Chuyện này thì không biết được, giảng giải chỉ để hai người mở rộng tầm mắt, nhìn xa hơn thôi. Ta đi đọc sách đây, mấy ngày nữa phải cùng đám tú tài gặp ông ta rồi.”
Hồng Khiêm đọc sách, Ngọc Tỷ thì ngó vào nôi ngắm Kim Ca, Kim Ca ngủ rất say, Ngọc Tỷ chọt nhóc nhóc cũng không thức, Ngọc Tỷ le lưỡi làm mặt quỷ với nhóc, bảo Tú Anh: “Mẹ, em ngủ lắm ghê!” Tú Anh cười đáp: “Lúc con bằng thằng bé cũng vậy thôi, đứa nào đứa nấy ngủ nhiều như heo con.” Ngọc Tỷ gọi Kim Ca hai tiếng “Heo con” rồi mới nói: “Con làm xong bài tập rồi, đi thăm an nhân và bà ngoại đây.”
Tú Anh bảo: “Trời nóng nắng độc, bảo Tiểu Trà che ô cho mà đi, đừng để đen người.” Ngọc Tỷ dạ vâng, vừa ra khỏi cửa, không cần sai bảo Tiểu Trà cũng đã giương ô từ sớm: “Tiểu thư che nắng.” Đóa Nhi nhớ kỹ, thầm nhủ sau này cứ ra ngoài là phải giương ô.
•••••
Ngọc Tỷ đến nhà họ Trình, cụ Lâm bảo nhà bếp sắp trái cây, lại sai vớt lê ướp lạnh dưới giếng lên ăn giải nhiệt, giờ đã tháng tư, sắp vào hạ. Cụ Lâm trông Nghênh Nhi gọt vỏ bổ thành miếng nhỏ, Ngọc Tỷ ăn được vài miếng thì cụ ngăn lại: “Đừng tham mát.” Ngọc Tỷ cười đón lấy quạt tròn trong tay mụ Ngô, tự mình quạt hầu cụ.
Lâm lão an nhân nói: “Thấy cháu thì bà hạ mát đông ấm rồi, không cần quạt đâu. Rảnh rỗi đến trò chuyện với bà, bà đã vui lắm rồi.” Đoạn hỏi chuyện Kim Ca. Ngọc Tỷ cười đáp: “Thằng bé ngủ suốt, mấy hôm trước thì sáng ngày ngủ nhiều đêm lại thức, khóc om cả lên, quấy cha mẹ dậy cả.”
Cụ Lâm hỏi: “Là do ưa ngủ ngày à?” Ngọc Tỷ đáp: “Vâng ạ, mợ Hồ, mợ Lý đều bảo thế, gọi thầy lang đến khám cũng bảo thế, mấy hôm nay mẹ không cho thằng bé ngủ sáng nữa mà dạy nó lật bò, đêm ngon giấc rồi. Bây giờ xế trưa lại ngủ nhiều hơn chút, lúc cháu đi thằng bé vẫn đang ngủ, chắc không lâu sau sẽ gọi nó dậy thôi.”
Bấy giờ cụ Lâm mới an tâm. Lại hỏi chuyện Hồng Khiêm: “Trời nóng, cha cháu học hành thoải mái chứ? Thấy mà thương, mẹ cháu từ khi lọt lòng chưa từng rời khỏi căn nhà này, giờ lại ra ngoài ở, thể nào cũng sẽ thiếu này hụt kia, có thường mua đá không? Nếu mẹ cháu quên thì tới đây nói với bà, bà mua cho, chúng nó còn trẻ đã phải lập gia rồi.”
Ngọc Tỷ cười đáp: “Bà an tâm, không quên đâu ạ, cha cháu cũng không phiền lòng, chỉ có thầy Tô là hay giễu cha thôi.”
Cụ Lâm bật cười: “Vậy thì chả sao.”
Ngọc Tỷ hỏi: “Bà ngoại đâu ạ?” Cụ Lâm đáp: “Cháu cũng rõ mà, trời mà nóng thì nó cả ngày ngơ ngác mơ màng, bà bảo nó về nghỉ rồi.”
Cụ cháu hai người lại nói đùa vài chuyện ngày thường, vì trời nóng, tuổi lão an nhân lại cao, Ngọc Tỷ thường chịu khó chạy đến chơi. Có khi Tố Tỷ chưa ngủ, cũng tám chuyện cùng bé. Hôm ấy lúc đang chuyện trò, nhà họ Triệu sát vách lại sai người đến, là một tiểu nha đầu hầu lão an nhân bên ấy. Những gia đình ngụ ở ngõ Hậu Đức, tuy cũng có tôi có tớ nhưng tôi tớ mỗi nhà lại không nhiều, tiếp xúc miết rồi cũng quen mặt.
Cụ Lâm thấy nha đầu này bước vào thì mặt mày đổi sắc, còn nhủ thầm bà nhà họ Triệu mất rồi, không ngờ nó bước vào dập đầu xong, lại nói: “Nương tử nhà con bệnh nặng.” Cụ Lâm nghĩ, chắc là Lâm thị rồi, vì Lâm thị và Lâm lão an nhân từng nhận làm mẹ con kết nghĩa, suy cho cùng cũng là chòm xóm với nhau, giấu giấu che che thì không hay, nếu thực sự không xong phải thông báo sớm, tránh trường hợp bên kia chuẩn bị làm đám, bên này chẳng rõ đầu đuôi lại đến chúc mừng.
Cụ Lâm sống thư thả lắm, tuy vẫn còn một Tố Tỷ phải trông nom nhưng vẫn thoải mái hơn biết bao lần, lòng rộng rãi hơn nên nói: “Về bẩm lại với an nhân nhà ngươi, hôm nay quá ngọ rồi, mai sáng ta dẫn người sang thăm bệnh.”
Hôm sau, đến cả Tú Anh cũng tự chuẩn bị một phần trà bánh, sai Tiểu Hỉ xách, cùng đến Triệu gia. Đến nơi, thoạt đầu sang thưa chuyện với lão an nhân nhà họ, bà Triệu vẫn xì tai sắp-chết-mà-chưa như trước, thốt một chữ thở gấp một hơi: “Ta chết cũng chẳng hề gì, sao nó lại bệnh theo thế này…”
Cụ Lâm thấy bà ta mệt thật, bèn nói: “Bà khoan phiền lòng, con bé còn trẻ, chịu đựng nổi.” Đoạn dắt Tú Anh đến thăm Lâm thị, vừa vào phòng Tú Anh đã hoảng: “Sao thế này?” Lâm thị ấy vậy mà da mặt khô vàng, quầng mắt trắng xanh, hốc mắt trũng. Lâm thị cười khổ đáp: “Tôi cũng không biết, chắc đã tận hạn rồi. May mà không phải bệnh lao, trước khi chết còn được gặp Văn Lang một bận.”
Cụ Lâm bảo: “Mới tý tuổi đầu đã nói xui gì vậy, chăm sóc kỹ vào, mùa đông mùa hạ dễ mệt, nghỉ ngơi đi.”
Lâm thị rơi nước mắt, nằm giường dập đầu với cụ Lâm, nói: “Con còn trẻ không hiểu chuyện, có phạm điều gì xin mẹ châm chước. Một mai con đi, tuy cả nhà này đều là người thân, nhưng con lại sợ Văn Lang của con bị ghẻ lạnh.”
Tú Anh bảo: “Nếu cô thực sự thương thằng bé thì càng phải tự đi mà chăm sóc nó, dù nhờ ai cũng chẳng bằng cậy mẹ ruột mình. Văn Lang đâu?”
Lâm thị đáp: “Buổi sáng nó đi học, chiều thì sang chỗ tôi trò chuyện. Là thầy của tiểu tú tài mười ba tuổi kia, vị tiên sinh này đã bồi dưỡng ra mười tú tài, ba cử nhân rồi.”
Tú Anh nói: “Đấy đấy, Văn Lang sắp có tiền đồ rồi, cô còn nằm đây ăn mắm ăn muối tổn thọ mình làm gì?”
Lâm thị buồn bã: “Người tôi tôi biết, hết chống đỡ nổi thật rồi, ăn không trôi thứ gì, người ta bệnh chỉ cần chắc bụng, hấp thụ thuốc và đồ bổ các loại thì sẽ không sao, như tôi thì không ổn. Giờ chỉ còn Văn Lang là không an tâm nổi.”
Cụ Lâm đáp: “Dù cho có người ghẻ lạnh nó, nó vẫn còn gia đình nhà cậu, có kẻ đánh mắng nó, ta sẽ sai người đưa thư về nhà mẹ đẻ cô.”
Lâm thị cứ lắc đầu miết, cuối cùng mới ngượng ngùng tòi ra rằng: “Nói chỉ e mẹ giận, là con trèo cao, muốn xin Ngọc Tỷ cho thằng bé.” Thò tay định sờ hộp sơn đỏ bên gối. Tiểu nha đầu của Lâm thị lấy hộ thị, lại quỳ xuống thưa: “An nhân, nương tử, thương thay nương tử nhà con, Văn Lang nhà con cũng học hành giỏi giang lại khéo léo, không dám khinh nhờn đại tỷ quý phủ đâu ạ.”
Tú Anh mặt mày biến sắc rồi bình tĩnh lại. Cụ Lâm suy cho cùng cũng đã kinh qua nhiều chuyện, tiếp lời ngay: “Con nha đầu nhà ngươi muốn leo lên đầu chủ nhân quyết định thay, phỏng, cớ gì phải quỳ? Chuyện này các cô muốn định thì hai chúng ta lại chẳng quyết nổi, Tú Anh và Ngọc Tỷ đã là người nhà họ Hồng, cha Ngọc Tỷ phải cho phép mới được. Bớt nghĩ xằng xiêng mà an lòng nuôi bệnh đi, cô khỏe rồi ta lại sang thăm.”
Dứt lời kéo Tú Anh rời khỏi, không để nàng về nhà họ Hồng mà kéo đến chỗ mình mắng một thôi một hồi: “Cháu đây là thế nào?! Mèo nuốt mất lưỡi rồi à? Một câu chặn lời cũng không biết? Tức với chả giận, tức giận thì làm được gì?”
Tú Anh cười lạnh đáp: “Bà không nói thì cháu đã mắng toác mặt nó ra rồi! Cậy bệnh ép cháu đồng ý á, đi mơ mộng vàng nhà nó đi! Hỏi quan nhân, quan nhân mà có đồng ý cháu cũng không cho phép! Cái ngữ mắt chó xem thường người khác, khi trước còn sợ Ngọc Tỷ cản chân Văn Lang nhà nó cơ, bây giờ lại bám rịt lấy mà đòi, có món hời vậy à?”
Cụ Lâm thở dài: “Cũng cái nhà này khiến cháu thiệt thòi, chưa từng dạy cách giao tiếp khéo léo, giờ cháu đã là vợ tú tài, nếu cháu rể còn tiến tới thì cháu phải thay đổi chính mình đi, nào có cái kiểu đắc tội muôn nơi thế này? Dù không vui cũng không thể từ chối thẳng thừng. Việc có thể làm tuyệt tình, nhưng lời thì phải chừa đường lui. Không được giấu cháu rể chuyện này, phải kể cho nó nghe.”
Tú Anh nghe lời cụ Lâm, về nhà dùng cơm, lúc Hồng Khiêm sang nghỉ trưa, Tú Anh bèn thuật hết lại cho chàng nghe. Hồng Khiêm cũng cười lạnh: “Dẹp đi!” Tú Anh yên tâm, lại trò chuyện phiếm với Hồng Khiêm, chàng bỗng nói: “Nương tử nhà phủ quân dạo này mời vài nương tử trong thành đến chuyện trò, phải dắt cả con cái đi, bảo là nghỉ mát. Nàng chuẩn bị trước nhé, đừng hoảng.”
Tú Anh đúng là hoảng thật: “Ta sống đến từng tuổi này, chức quan to nhất từng gặp chỉ có Kỷ chủ bộ hàng xóm, chuyện này… Nương tử nhà phủ quân sao lại mời ta được?”
Hồng Khiêm cười bảo: “Nhà họ Triệu còn dám cầu hôn con gái nhà mình, thì nương tử phủ quân sao lại không thể mời nàng? Quần áo không cần may mới, mặc đồ hè nhà ta vừa may đợt này là được, cũng đừng đeo nhiều trang sức quá, cả đầu cắm đầy châu ngọc mới khiến họ cười. Ngọc Tỷ cũng ăn mặc điểm trang như thường là được, con gái ta lúc nào cũng giỏi giang hơn người khác hết.”
Tác giả có lời muốn nói: Nhanh hem nhanh hem, có cả người cầu hôn rồi đó ==!