Chương 2

NỮ CHƯỞNG MÔN PHÁI MAO SƠN: HUYẾT VƯƠNG CƯƠNG THI (Phần 2)

Phạm Trung Đạt chắp tay sau lưng, không nghe rõ lời tôi nói.

Ông ấy chỉ vào núi Ngọc Giang đĩnh đạc nói: "Nói về phong thủy của mộ táng là khi chọn mộ sẽ ở trong bóng râm, tàng phong tụ thủy (gió không tản đi, nước được tụ lại), tức là sinh khí tụ mà không tán, mảnh đất này bốn bề là núi, tránh được ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào mộ, hút nước từ trời tụ lại thành nước ngầm, có thể nói đây là nơi phong thuỷ bảo địa hiếm có."

Mọi người ríu rít khen ngợi, ông chủ Lưu vui vẻ nói: "Đúng là vị trí đắc địa, núi non bao quanh, thật sự là một nơi tốt!"

Phạm Trung Đạt tiếp tục nói: "Càng đặc biệt là, đây là nơi long mạch tụ lại chủ yếu của Cửu Giang từ thời xa xưa, là một trong những nơi để xây lăng mộ hoàng gia của nhiều triều đại khác nhau."

"Mọi người nói xem, nếu được chôn ở đây thì còn lo gì con cháu không hưng thịnh, dòng họ không thịnh vượng chứ?"

Tôi nhanh chóng thêm vào một câu phá hỏng không khí.

"Trong lịch sử có rất nhiều triều đại ngắn ngủi, số hoàng đế chết non đếm trên hai bàn tay còn không hết!"

Phạm Đại Sư bị tôi nói đến mức nghẹn lời, mấy đại sư bên cạnh cũng khó chịu với chuyện họ nói câu nào là tôi phản bác câu đấy.

"Cô không biết tôn trọng tiền bối à! Tôi thấy hôm nay cô cố ý kiếm chuyện với chúng tôi!"

"Nào! Vậy cô nói xem, phong thủy của chỗ này như thế nào? Nếu cô không nói được thì tôi sẽ yêu cầu hiệp hội phong thủy xóa tên thầy trò các cô khỏi hội, để từ nay thầy trò các cô không bao giờ xem phong thủy trong nước được nữa."

Tôi nói: "Được, vậy tôi nói một chút về chỗ này, các ông đứng cho vững nhé!"

Tôi chỉ xuống dưới chân, nói năng khí phách, "Lấy mộ làm chuẩn thì ngọn núi đằng sau là Huyền Vũ, núi phía trước gọi là Chu Tước, núi bên trái là Thanh Long, núi bên phải là Bạch Hổ. Sườn núi Bạch Hổ có đường như hai lưỡi dao cắt qua, Thanh Long ngậm sát khí bị bốn dòng nước bịt kín là chỗ hung hiểm! Nếu chôn ở đây, gia đình lục đυ.c, công việc trắc trở liên miên, cuộc đời gian truân, chưa đến ba đời sẽ mất hết cả người và của, cửa nát nhà tan!"

Phạm Trung Đạt nghe xong rất tức giận, ông ấy vừa định nói lại, tôi đã giơ tay ngăn cản.

"Nếu các ông đã muốn tôi nói thì phải để tôi nói hết, tôi đã nói xong đâu, ông vội cái gì chứ?"

Quay người nhìn núi Ngọc Giang, tôi tiếp tục nói, "Ông nói không sai, núi Ngọc Giang đúng là long mạch, cũng là nơi hội tụ chủ yếu của long mạch Cửu Giang. Nhưng mà trong phong thủy, long mạch chỉ là yếu tố đầu tiên, xem phong thủy để đặt mộ đầy đủ là long, sa, thủy, huyệt và hướng, tương ứng với 『 tầm long, sát sa, xem thủy, điểm huyệt, lập hướng 』"

*Sát sa tức là quan sát, xem xét những ngọn núi xung quanh ngôi mộ

[ Đoạn này nói chi tiết về tầm long, sát sa, xem thủy, điểm huyệt do mình tìm hiểu, tổng hợp, viết lại một đoạn truyện theo mạch truyện đang có dựa trên kiến thức và những gì mình hiểu, bạn nào không quan tâm về phong thủy thì đọc luôn đoạn tiếp theo nhé. Nhưng đoạn này là kiến thức nền tảng để hiểu những gì nữ chính nói nên mình để đây để các bạn đọc.

"Nghĩa là nơi đặt mộ có long mạch phải có hình thế uyển chuyển, mềm mại, lên xuống trùng điệp như chim sa cá lặn, lấy mộ làm trung tâm thì đằng sau phải có Huyền Vũ, phía trước có Chu Tước, bên trái có Thanh Long, bên phải có Bạch Hổ.

Quanh những ngọn núi lớn đó thì phải có các ngọn núi nhỏ hơn gọi là "sa" vây quanh kín kẽ không lọt gió, vì sinh khí do nước mà tụ, do gió mà tản, nếu mộ không được che chắn thì sinh khí sẽ tản theo gió, dù có nước bao bọc cũng vô ích.

Tiếp đến là xem thủy, nước là nguồn của tiền của, dòng nước phải trong, tĩnh lặng, chảy vòng quanh huyệt mộ, nếu chảy đi không vòng về thì tiền của sẽ tiêu tán, chỗ đấy gọi là đất ch.ết, cửa sông (thủy khẩu) phải nhỏ hẹp như cái nơm có núi nhỏ che chắn để tiền bạc chảy vào bị giữ lại, không bao giờ hết.

Về huyệt thì cần bằng phẳng, tụ khí cho long mạch, hướng đặt mộ phải đặt ở hướng cát như sinh khí, thiên y, diên niên, phúc đức, tránh các hướng hung như tuyệt mệnh, ngũ quỷ, họa hại, lục sát. Những điều các ông vừa nghe là Ngũ Quyết Tầm Long" ]

"Đúng là mảnh đất dưới chân chúng ta là long mạch, nhưng sát sa yêu cầu dãy núi chính phải có núi trước, sau, trái, phải để ngăn chặn gió âm trong phong thủy, chỗ này phía đông Bạch Hổ phình ra, phía tây Thanh Long bằng phẳng, phía nam Chu Tước và phía bắc Huyền Vũ có sơn cốc, như hai con dao nhỏ đâm vào sườn núi, sao có thể làm bình phong che chở cho mộ được, phong thủy chỗ này hoàn toàn bị phá hủy.

"Nói đến nước thì núi không thể không có nước, không có nước thì khí sẽ tan hết, không có nước thì không thể nuôi sống vạn vật, ông nói chỗ này hút nước để tụ lại thành nước ngầm á? Trời mưa suốt mà ông thấy dòng nước ngầm nào ở đây không? Chỗ này không có nước, không xem thế nước được!

"Trong phong thủy mà Bạch Hổ có đường như hai lưỡi dao cắt qua lưng, Thanh Long ngậm sát khí bị bốn dòng nước bịt kín là chỗ hung hiểm, là nơi thích hợp để nuôi cương thi, gọi là đất dưỡng thi, mộ dưỡng thi, nghĩa là người chôn ở chỗ này sẽ thành Bánh Chưng!"

Mọi người sợ hãi, bất an nhìn Phạm Trung Đạt để xem tôi nói đúng hay không. Ông ta thẹn quá hóa giận, chạy đến trước mặt tôi mắng sa sả: "Cô nói linh tinh! Rõ ràng chỗ này bốn bề là núi, nước ngầm chảy ra, sao cô dám nói là đất dưỡng thi hả!"

Tôi khịt mũi coi thường, bước sang bên cạnh, tránh xa ông ta.

Bây giờ Lưu Kiến Nam cũng hoảng loạn, cử người đỡ Phạm đại sư xong ông ấy căng thẳng hỏi tôi: "Vậy còn điểm huyệt, lập hướng thì sao?"

Tôi lắc đầu: "Núi không cản được gió, không có nước chảy qua, điểm huyệt không có ý nghĩa gì nữa."

Thấy ông ấy lộ ra vẻ lo lắng, hiển nhiên là ông ấy đã hơi tin những gì tôi nói, tôi thở phào nhẹ nhõm. Đúng lúc này có người hét lên: "Hình như ở đây có cái hố do trộm đào"

Câu nói ấy như hòn đá rơi xuống hồ khiến mặt hồ dậy sóng, mọi người đều tò mò nhìn về phía cái hố.

Tôi nhếch miệng, cuối cùng cũng có người phát hiện ra rồi à.

Tôi đang định đi về thì Phạm Trung Đạt kích động nói: "Tôi nói rồi mà, chỗ này có bảo huyệt!"

Ông ấy chỉ vào cái hố, hưng phấn, "Mọi người nhìn đi! Nếu chỗ này là đất hung, vị tổ tiên kia sao lại để con cháu chôn mình ở đây chứ! Chỗ này có long tuyền bảo huyệt! Con nhóc ăn nói lung tung, bừa bãi kia, bây giờ cô còn gì để bao biện nữa?"

Mấy vị đại sư khác nghe thấy vậy hai mắt sáng lên, vội vàng hùa theo!

"Đúng vậy! Thuật phong thủy do tổ tiên chúng ta truyền lại, chẳng lẽ bọn họ còn không biết phong thủy ở đây à?"

"Đúng! Chỗ này nhất định là cổ mộ, có khi trong đó chôn một vị Vương Gia hoặc Hoàng Đế ấy chứ, sao bọn họ chôn mình ở chỗ đại hung được?"

"Tôi nói mà, sao chỗ có long mạch lại là nơi đại hung được, suýt chút nữa bị con nhóc này lừa rồi!"

Tôi bất lực đỡ trán không trả lời bọn họ.

Có đúng một cách để về với tổ tiên nhanh hơn mà họ cũng tìm ra được, mấy người này nên đi mua xổ số đi!

Lưu Kiến Nam cũng vui mừng, nhưng nghĩ đến điều gì đó, ông ấy lại thở dài nói: "Nhưng nếu đây là cổ mộ thì mộ tổ tiên của nhà tôi sao đặt ở đây được nữa?"

Phạm Trung Đạt nhìn chằm chằm vào cái hố với ánh mắt kỳ lạ: "Nếu có hố do trộm đào thì lăng mộ này bị trộm hết rồi, chúng ta đi xuống xem thử, nếu lăng mộ bị phá hoại rồi thì chúng ta dọn mộ cũ đi, chuyển mộ mới đến là được".

Còn tranh giành, dọn nhà của người đã chếc hả?

Tôi phục ông ấy sát đất, giơ ngón tay cái lên like cho ông ấy 1 like.

"Phạm đại sư, ông định huyệt cũng có điểm mạnh đấy."

Phạm Trung Đạt: "Cô nói rõ xem?"

"Chỉ một chữ thôi —— nhanh, vừa tìm được vị trí đặt mộ đã dọn vào ở như nhà của mình rồi!"

Chú thích:

*Truyền nhân: Mình đã phân vân giữa việc sử dụng truyền nhân hay hậu duệ trong bản edit

- Truyền nhân: Chỉ người được chân truyền, nối nghiệp, kế thừa (gia nghiệp, vị trí...) của tổ tiên

- Hậu duệ: Thế hệ con cháu, dòng dõi đời sau của một người nào đó/dòng họ.

Nếu dùng từ hậu duệ sẽ dễ hiểu hơn với các bạn nhưng sẽ bị sai về nghĩa vì chưởng môn là người đứng đầu môn phái và chỉ có một người, còn hậu duệ thì sẽ chỉ nhiều người hơn (Ví dụ: bất cứ ai trong cùng dòng họ cũng có thể gọi là hậu duệ của dòng họ đó) nên mình quyết định dùng từ truyền nhân để sát nghĩa nhất.

*老鼠吹猫屁 - Lão thử xuy miêu thí: Câu này có nghĩ là không lượng sức mình mà đi làm việc ngu ngốc, mình dùng thành ngữ tiếng Việt có nghĩa tương đương Chuột cắn dây buộc mèo để đọc xuôi tai và không bị dài dòng.

*马打 (mada): Tiếng lóng chỉ cảnh sát.

*Trường bào mã quái: là trang phục có phần trên là Mã Quái, phần vạt áo dưới là Trường Bào và có một dải cúc đính ở mặt trong của vạt áo Trường Bào nối hai phần với nhau, trong đó trường bào (ảnh áo mình để trong comment)

Một Số Kiến Thức Ngoài (không phải truyện đâu, các bạn lướt qua đoạn này á, còn muốn hiểu rõ tại sao vị trí đặt mộ ảnh hưởng đến đời sau và mối quan hệ giữa trái đất, long mạch với cơ thể con người thì nán lại á)

Phong thủy học cho rằng, khắp nơi trên địa cầu đều có long mạch, có một số long mạch trồi lên mặt đất, hình thành sơn mạch ở khắp nơi trên bề mặt trái đất, đây là cái mà chúng ta có thể nhìn thấy được. Nhưng cũng có một số long mạch bị chìm xuống dưới lòng đất, có một số long mạch ở trong biển lớn, những long mạch này là phần mà chúng ta không nhìn thấy được. Có một năng lượng đến từ vũ trụ cao chiều lưu thông trong long mạch, năng lượng đó được gọi là "khí", thúc đẩy sự vận chuyển của sự sống khổng lồ (trái đất), cũng thúc đẩy sự sinh trưởng và sinh mệnh tuần hoàn của vạn sự vạn vật trên mặt đất.

Từ vệ tinh trái đất của Google, chúng ta có thể thấy được những sơn ngọn núi như mạch trải đầy khắp trái đất giống với kinh mạch của cơ thể người. Y học cổ đại của Trung Quốc nhận định rằng khắp cơ thể con người đều là các đường mạch lạc, bên trong lưu thông một năng lượng "khí" có thể duy trì sinh mệnh của con người, và thúc đẩy sự vận hành của con người. Khi mạch lạc trong cơ thể người tuần hoàn một cách thuận lợi, cơ thể con người sẽ rất khỏe mạnh, khi mạch lạc bị cản trở hoặc đứt đoạn, cơ thể con người sẽ sinh ra các loại bệnh hoặc tử vong.

Trong phong thủy học, trái đất là một sự sống khổng lồ với vô số những mạch lạc, có long mạch, thủy mạch. Trong long mạch có lưu thông một năng lượng "khí" thúc đẩy sự sinh trưởng và vận hành của mặt đất và vạn vật tự nhiên. Trên long mạch còn phân bố rất nhiều phong thủy bảo địa, gọi là "địa huyệt", những địa huyệt này là huyệt vị của sự sống trái đất khổng lồ. Địa huyệt cũng phân ra các cấp bậc khác nhau, huyệt vị nằm ở vị trí khác nhau sẽ tích tụ năng lượng khác nhau, kiểm soát long mạch khác nhau. Nếu như mộ của tổ tiên may mắn được chôn ở trên địa huyệt, chiếm được địa huyệt này, vậy thì con cháu đời sau sẽ có thể được nhận năng lượng của địa huyệt này. Từ đây có thể hiểu tại sao vị trí đặt mộ lại ảnh hưởng đến con cháu đời sau.

Mình giải thích theo khoa học nhé, yếu tố cốt lõi của phong thủy chính là Khí. Trong Khí có Thiên nguyên khí và Địa nguyên khí, dễ hiểu thì Thiên nguyên khí là khí hình thành ở trên trời. Theo khoa học hiện đại thì đó là các nguồn năng lượng và các trường khí trong vũ trụ. Còn Địa nguyên khí là khí trên mặt đất, khoa học hiện đại gọi là từ trường tích tụ trong lòng đất. Khí tác động đến mọi thứ trong tầm ảnh hưởng của nó, tiếp năng lượng cho con người, làm cho cây cối tốt tươi, vạn vật phát triển...