Bóng tối cô quạnh bao quanh lấy chiếc xe sang trọng màu đen đang từ từ tiến vào con hẻm nhỏ hẹp. Vì đã khá muộn nên những cửa hàng, quán ăn ven đường hầu như đều đã thu dọn hết, trả lại nơi đây một không gian yên ắng lạ thường. Đình Huy không biết mình đến đây vào giờ này có hợp lý không vì có thể vào giờ này anh không thể gặp được người mà ba mẹ anh cần anh gặp. Đi gần hết con hẻm nhưng anh không thấy cửa hàng nào còn mở, anh bắt đầu cảm thấy hối hận bởi cái bản tính tham công tiếc việc đã dụ dỗ anh tới đây đêm nay thay vì một ngày nào khác. Nhưng ở cuối con hẻm, ánh sáng của bóng đèn tuýp nhỏ vẫn bừng tỏa một khoảng không gian, Đình Huy tiến xe lại gần phía ấy, chiếc bảng hiệu sơ sài với dòng chữ tiệm bánh Song An được viết bằng phấn trắng đã nhắc nhở anh đây là nơi cần đến. Tiệm bánh này thực ra chỉ là một cửa hàng di động ven đường với một cái tủ đựng bánh và mấy chiếc ghế nhựa đã phai màu.
"Anh cần mua gì ạ"?
Cô gái trẻ với nụ cười nở trên đôi môi xinh xắn tiến lại gần chiếc xe hơi đắt tiền, cất giọng nói ngọt nhẹ nhàng.
"À không" - Đình Huy thoáng chút ngập ngừng - "tôi đến để gặp cô gái tên Song An, hình như cô ấy làm việc tại đây".
"Tôi là Song An, anh muốn gặp tôi không biết có chuyện gì?".
Nét mặt cô gái hiện lên vẻ khó hiểu đầy thắc mắc nhưng đôi mắt vẫn long lanh, trong vắt như mặt nước hồ có thể phản chiếu những làn mây. Cơ mặt Đình Huy dãn ra đầy thoải mái, cuối cùng anh cũng có thể giúp mẹ mình được tròn giấc ngủ ngon khi hoàn thành được nhiệm vụ bà giao. Anh xuống xe, bước theo từng nhịp chân cô gái lên chỗ vỉa hè chặt chội, lỉnh kỉnh những món đồ chưa được thu dọn hết. Có lẽ cô gái này cũng chuẩn bị ra về nên xem ra Đình Huy khá may mắn khi có thể gặp cô vào giờ này.
"Tôi là Đình Huy, em trai của nạn nhân trong vụ đâm xe mà cô vừa làm nhân chứng, hình như tôi từng thấy cô ở tòa án".
Đình Huy nói rành mạch từng chữ một khi cô gái tên An đang lấy chiếc ghế nhựa cho anh ngồi. Nghe thấy tên anh, cô bối rối ngượng ngùng vì cảm thấy nơi vỉa hè chật hẹp không thích hợp cho những người có địa vị cao sang, nhưng Đình Huy vẫn thoải mái ngồi lên chiếc ghế nhựa cô đưa dù trước đây anh sẽ chẳng bao giờ làm thế.
"Tôi thay mặt gia đình mình cảm ơn cô đã đứng ra làm nhân chứng cho gia đình tôi, đây là một chút tấm lòng mong cô nhận lấy".
Đình Huy nhanh chóng nhét chiếc phong bì mẹ anh đã chuẩn bị sẵn vào tay Song An nhưng bị cô đẩy ra ngay lập tức. Cô cười thơ ngây:
"Sau phiên xử ba mẹ anh cũng đã cảm ơn tôi rồi, giờ anh lại đến đây làm tôi ngại quá. Hơn nữa tôi chỉ làm những gì tôi cần làm, nói ra những gì tôi trông thấy thôi chứ có làm được gì to tát đâu. Anh đừng làm vậy nữa, tôi cảm thấy áy náy lắm".
Lời từ chối của Song An cũng chỉ như lời từ chối của bao người khác mà Đình Huy đã từng nghe trong suốt mấy năm qua. Ai cũng thế, họ luôn giả vờ ngượng ngùng, ái ngại khi được người khác biếu tặng, trả ơn bằng vật chất nhưng thực ra trong lòng lại muốn được nhận nhiều hơn. Người đời mà, thể diện chỉ là cái tấm màn che lòng tham vô đáy của họ, nhưng tấm màn nào rồi cũng có kẽ hở và lòng tham của họ sớm muộn gì rồi cũng được lộ ra. Môi anh khẽ nhếch lên, gắng gượng không nở ra nụ cười khinh bỉ
"Số tiền này không ít đâu, nó có thể giúp cô làm vốn mở một cửa hàng nhỏ ở cái thành phố này đó".
"Nếu tôi nhận món tiền này chắc cả quãng đời còn lại lương tâm tôi ngày nào cũng bị cắn rứt. Tôi chỉ nhận những gì xứng đáng thuộc về mình thôi, mong anh hiểu cho".
Thái độ cứng rắn pha chút ương bướng của cô gái vẫn còn nét hồn nhiên khiến Đình Huy có chút trật khớp. Chưa kịp nghĩ mình sẽ làm gì tiếp theo, tiếng quát giận dữ đầy lửa của người đàn ông trong bộ đồng phục dân phòng đã khiến anh giật nảy người.
"Cái cô này, đã bao lần nhắc nhở cô đây không phải chỗ để cho nhà cô buôn bán mà sao ngày nào cô cũng tái phạm là sao. Cô muốn cái tiệm bánh rách nát này bị thu hồi lắm hả".
Song An vội vã kéo tay người đàn ông ấy ra một chỗ cách xa nơi Đình Huy ngồi một khoảng cách vừa đủ để anh không nghe được cuộc hội thoại giữa họ. Nhưng nhìn qua vẻ cầu khẩn, van nài đối ngược hẳn với nét cương quyết vừa nãy của Song An cũng như vẻ mặt đã dịu đi của người cán bộ dân phòng cũng giúp anh đoán được phần nào câu chuyện. Đợi đến khi người đàn ông kia đi mất, Đình Huy mới khơi lại đoạn đối thoại còn dang dở giữa anh và cô chủ tiệm bánh:
"Có vẻ như việc buôn bán của cô cũng không được thuận lợi lắm nhỉ. Cô có thể xem xét lại lời đề nghị của tôi và nhận lấy chiếc phong bì này", Đình Huy một lần nữa giơ chiếc phong bì đầy tiền trước mặt Song An nhưng cũng một lần nữa cô đưa tay gạt nó.
"Phải, có chút khó khăn nhưng tôi thật sự không cần gia đình anh phải trả ơn thế này. Không phải ai cũng cần tiền như anh nghĩ đâu".
Dường như Song An đọc được ở Đình Huy có một sự khinh thường dành cho mình. Cô không hề giấu sự khó chịu khi anh ta đang cố tình áp đặt thành kiến cá nhân lên những lời cô nói, khiến chúng dẫu vốn thật tâm nhưng qua bộ não anh lại phủ một màu đen tối. Cuối cùng, viện cớ trời khuya, cô đuổi khéo Đình Huy về.
"Thôi được, bất kỳ lúc nào cô thay đổi quyết định, cô có thể gọi lại cho tôi, chào cô".
Không muốn phí thêm lời và phải cúi mình trước một kẻ nghèo nàn, Đình Huy chỉ để lại tấm danh thϊếp cùng câu chào lạnh lùng phảng phất chất sắc quý tộc. Lái xe đi rồi, Đình Huy vẫn nhìn thấy qua chiếc gương chiếu hậu hình ảnh Song An đang thu dọn những đồ đạc còn sót lại như chẳng có gì nuối tiếc khi không cầm lấy phong bì dày cộp từ tay anh. Chiếc xe cứ thế từ từ mất hút khỏi con hẻm tối tăm, phóng ra đường lớn, nơi Đình Duy cùng mẹ anh từng bị ông Kim cố tình đâm xe gϊếŧ hại và cô gái tên Song An đã chứng kiến tất cả. Chỉ như bao con đường khác ở thành phố này, Đình Huy cũng biết bao lần đã đi qua nó nhưng từ khi vụ việc đó xảy ra, lưng anh chưa bao giờ thôi rợn lạnh dù anh đã cố tình phóng nhanh qua đoạn đường từng nhuốm máu anh trai mình trên đó. Hôm nay cũng thế, cơn gió kiêu ngạo mang chút hờn giận về đêm càng làm anh thêm lạnh giá giữa mùa hè, không chỉ ở sống lưng, đôi tay mà còn lạnh nơi ngực trái đang chứa một con tim đầy nỗi căm hờn. Nếu cứ như vậy, biết đến khi nào Đình Duy mới thôi ám ảnh cuộc đời anh?