Chương 30: Chim bay, cá nhảy

Năm tháng đại học.

Sau khi ngừng phát tiền lương hai tháng rốt cuộc xưởng dệt cũng phát được tiền lương nhưng không có khoản 5 tệ mỗi tháng để đề phòng trúng gió cảm nắng như mùa hè vừa rồi.

Những chiếc quần lục quân từng tượng trưng cho thời đại mới cùng khoản phí nắng nóng biến mất trở thành nỗi lo ầm thầm trong lòng đám công nhân viên chức.

Ngô San San tốt nghiệp trung cấp sư phạm và được phân tới trường tiểu học làm giáo viên, có thể cầm bát sắt.

Trương Mẫn thì tốt nghiệp ngành dệt ở trường nghề và ở nhà chờ sắp xếp việc làm.

Ngô Quân thi vào trường trung học phụ thuộc của xưởng dệt. Sau khi khai giảng Ngô Kiến Quốc mới hoàn hồn và tới nhà họ Trang mượn vở ghi chép và bài thi của Trang Tiêu Đình.

Ngô Quân kể việc này cho các bạn học thế là phụ huynh của đám nhỏ cùng ngõ cũng bừng tỉnh và sôi nổi tới nhà họ Trang mượn vở ghi cùng bài thi.

Vở ghi của anh em nhà họ Trang bị mượn hết thế là hàng xóm lui một bước mà mượn vở của Lâm Đống Triết. Trong lúc nhất thời sân nhỏ đầy khách tới thăm.

Năm nay Chu Thanh cũng vào lớp 9 thế là Vương Phương ngỏ lời muốn con gái mình có thể nhân dịp nghỉ hè sang đọc sách làm bài tập với Trang Tiêu Đình như thế khả năng năm sau con gái cô sẽ đỗ trung học chuyên ở Thượng Hải.

Nhưng ngoài dự đoán của Trang Đồ Nam là Hoàng Linh đã lập tức từ chối. Cô không cho Chu Thanh tới cửa, cũng kiên quyết không cho Trang Tiêu Đình tới nhà họ Vương làm bài tập.

Trang Đồ Nam buồn bực và lén dò hỏi.

Hoàng Linh thở dài, “Con biết vì sao ba con lại mua xe đạp cho Tiêu Đình không? Trước kia Đống Triết và Tiêu Đình cùng nhau ngồi xe buýt đi học nhưng từ khi lên cấp ba Đống Triết đạp xe nên chỉ có mình em gái con ngồi xe buýt. Có lần tan học về con bé bị một tên lưu manh đi theo, Vương Phương thấy nhưng coi như không biết và đi về nhà mình. Cuối cùng là ông nội nhà họ Lý kéo Tiêu Đình vào quầy bán quà vặt trốn tránh. Vừa lúc Đống Triết đạp xe về thấy thế thì gọi đám nhỏ trong xóm kết phường đánh tên lưu manh kia một trận.”

Trang Siêu Anh cũng cảm khái, “Người xưa nói giúp người cũng là giúp mình.”

Hoàng Linh than, “Nói một lời công bằng thì lúc Vương Phương còn trẻ cũng không như thế. Mấy chục năm nay cô ấy cũng phải chịu khổ nên tính nết thay đổi rất nhiều. Ngày đó ông nội nhà họ Lý nói cô ấy giả vờ không thấy em gái con và cứ thế bỏ đi mẹ còn không tin. Mẹ cứ nghĩ là ông ấy nhìn lầm nhưng Tiêu Đình và Đống Triết đều xác nhận thế nên mẹ mới tin.”

Trang Siêu Anh nói, “Kho thóc đầy mới có thể tính đến lễ nghĩa.”

Trang Đồ Nam về nhà một cái là ngủ liền mấy ngày. Hoàng Linh mua rất nhiều cá tôm tẩm bổ mới giúp cậu hồi hồn được một chút.

Đợi thân thể khỏe hơn Trang Đồ Nam mang theo Trang Tiêu Đình về nhà ông bà nội thăm hỏi. Trong lúc nói chuyện phiếm cậu vô tình nhắc tới chuyện đám nhỏ trong hẻm mượn vở ghi.

Bà nội nhà họ Trang lập tức bừng tỉnh và bảo Trang Tiêu Đình đưa vở ghi và bài thi cho Trang Ái Hoa và Trang Ái Quốc mượn. Trang Đồ Nam nghe thế thì vội ngăn cản, “Tiêu Đình còn phải dùng vở của con bé, để cháu chép lại và sẽ mang tới khi đến phụ đạo hai đứa.”

Trang Tiêu Đình giữ im lặng, sau khi rời khỏi nhà ông bà nội cô mới nói với anh trai mình, “Hiện tại trước khi nói gì với ông bà nội em đều phải nghĩ vài lần, chỉ khi nào chắc chắn không lỡ lời em mới nói. Hướng Bằng Phi thì trốn tới lúc nào không trốn được phải tới mới tới, mà tới rồi thì anh ấy cũng nhất quyết không mở miệng nếu không cần thiết.”

Trang Đồ Nam không còn lời gì để nói.

Sau khi về nhà Trang Đồ Nam hỏi giấy than từ chỗ Trang Siêu Anh và nhìn chằm chằm Lâm Đống Triết sửa sang lại vở ghi chép của em gái.

Lâm Đống Triết chép một phần, bên dưới giấy than có thêm một phần nữa, vừa lúc đủ cho Trang Ái Quốc và Trang Ái Hoa.

Lâm Đống Triết kêu như vạc nhưng Trang Đồ Nam không hề nhương bộ, “Đống Triết, sửa sang lại vở ghi có tác dụng củng cố kiến thức, cậu biết anh cũng vì tốt cho cậu thôi. Nếu không vào được đại học thì cuộc đời cậu sẽ rẽ sang hướng khác đó.”

Lâm Võ Phong lấy giá thị trường chi trả phí gia sư cho Trang Đồ Nam nhưng cậu nhất định không chịu nhận, “Đống Triết ngồi xe đường dài tới đưa xe đạp cho cháu mà cháu còn chưa làm gì được cho nó.”

Cậu vô tình lèo lái sang hướng khác, “Mùa đông năm kia Đống Triết và Bằng Phi tới Thượng Hải có mang cho cháu ít táo, ăn rất ngon. Chú Lâm, nếu được thì khi cháu về Thượng Hải muốn xin mấy quả táo mang theo được không?”

Không khí trong nhà ông bà nội của Lý Giai gần đây rất căng thẳng.

Lý Giai thi đậu đại học và về Thượng Hải khiến mọi người trong nhà đều vui mừng. Con cháu có thể về Thượng Hải, lại còn là đứa cháu ưu tú như thế thì nói ra ngoài ai cũng thấy mát mặt. Huống chi Lý Giai chỉ tới ăn bữa cơm vào ngày lễ tết, bản thân cô vừa ngoan lại hiểu chuyện, lúc nào cũng hỗ trợ làm việc nhà, phụ đạo cho em họ. Nếu có hôm nào ở lại muộn quá cô sẽ chắp vá ngủ dưới đất. Vì thế việc Lý Giai về Thượng Hải hoàn toàn không quấy nhiễu cuộc sống của ông bà nội.

Nhưng em trai cô là Lý Văn thì không như thế. Cậu về Thượng Hải học cấp ba, cần ở lại nhà ông bà nội.

Trong nhà vốn đã nhiều người, căn phòng 28 m2 mà đã có 5 người ở. Ông bà nội và em họ ở một gian, chú thím một gian, phòng bếp riêng, WC công cộng. Đã vậy nhà cũ còn cách âm không tốt nên nếu lại thêm một thằng nhóc nữa thì chất lượng cuộc sống sẽ càng kém.

Trong phòng ông bà nội có hai cái giường, hai ông bà già một cái giường, em họ cô ngủ ở giường nhỏ, giữa hai giường là một khoảng nhỏ hẹp. Nếu Lý Văn ngủ dưới đất thì nửa người sẽ ở bên ngoài còn nửa người ở trong gầm giường.

Huống chi thím cô kiên quyết phản đối đề nghị này, “Hai đứa nhỏ khác giới, sao có thể ngủ chung một phòng mấy năm được?”

Phòng của chú thím kiêm phòng ăn và phòng học. Bên cạnh giường đôi là một cái tủ năm ngăn, một cái bàn vuông nhỏ. Ban ngày người một nhà ăn cơm ở bàn vuông, sau cơm chiều bàn kia phân làm hai. TV trên chốc tủ năm ngăn sẽ được khiêng lên bàn, chiếm một nửa diện tích. Mặt TV quay về phía giường đôi, người một nhà ngồi trên giường xem TV, còn phía sau là không gian để em họ Lý Giai học bài.

Ba mẹ Lý Giai nhún nhường tỏ vẻ con mình có thể ngủ ở phòng bếp. Mỗi tối ăn cơm xong cậu sẽ ngồi làm bài tập chung với em họ. Chờ người nhà đều tắm rửa xong cậu sẽ bày một cái giường gấp ở bếp để ngủ, tới sáng lại gấp gọn.

Ông bà nội chậm chạp không đáp còn thím của Lý Giai thì cực lực phản đối, “Trong phòng bếp có người ngủ thì buổi tối sẽ phải mở cửa sổ. Mùa hè còn đỡ, tới mùa đông gió Tây Bắc sẽ thổi vào lạnh chết à.”

Kỳ nghỉ có hạn, ba mẹ Lý Giai xin nghỉ về Thượng Hải lo chuyển hộ khẩu cho con nhưng tới giờ sắp hết kỳ nghỉ rồi vẫn không làm được gì. Ba cô quyết định tiền trảm hậu tấu, trước tiên chuyển hộ khẩu cho Lý Văn rồi nói tới chuyện khác sau. Nhưng lúc ông muốn lấy hộ khẩu lại không thấy nó đâu —— sổ hộ khẩu luôn được đặt ở tủ quần áo nay không cánh mà bay.

Ba Lý Giai không thể tin được tình thân lại bạc bẽo như thế. Ông run giọng hỏi bà nội, “Sổ hộ khẩu đâu?”

Bà nội ấp úng mở miệng, “Em trai con không đồng ý cho Văn Văn chuyển hộ khẩu về đây.”

Tủi thân và thất vọng nhiều ngày nay nháy mắt bùng nổ. Ba Lý Giai điên cuồng gào lên, “Mẹ có biết con đã chờ chính sách này bao lâu rồi không? Mẹ bé cũng đã vì nó mà khóc bao nhiêu lần. Mùa đông của Hắc Long Giang lạnh hơn âm 30 độ vậy mà bọn con đứng trong tuyết hai ngày chỉ để gặp được lãnh đạo và nói với họ bọn con là người Thượng Hải thế nên Lý Văn phải về Thượng Hải!”

Ông nội nổi giận gầm lên, tay run rẩy duỗi ra chỉ thẳng vào con trai cả nhưng nghe thấy lời này ông lại vô lực và buông cánh tay.

Ba Lý Giai tiếp tục gào thét, “Thằng hai không đồng ý đúng không? Lúc trước nếu con không xuống nông thôn thì sao nó có thể ở lại Thượng Hải? Nó có mặt mũi gì mà không đồng ý?”

Biểu tình trên mặt ông ngày càng dữ tợn, “Sổ hộ khẩu đâu?”

Ông tiến lên một bước ép hỏi bà nội, “Đưa sổ hộ khẩu cho con.”

Ông nội hét lớn, “Nghiệp chướng, mày đang ép mẹ mày à? Tao còn chưa chết, cái nhà này không tới lượt mày làm chủ đâu.”

Ba Lý Giai xoay người đá vào cánh cửa kính của tủ quần áo. Gương kia chia năm xẻ bảy, non nửa vẫn dính vào ngăn tủ còn hơn nửa thì rơi trên mặt đất vỡ thành từng mảnh nhỏ. Nó giống như tình thân trong lòng ông, vụn vỡ tan tành.

Ông như nổi điên mà vung chân đá mạnh vào tủ quần áo, mảnh kính bay khắp nơi, cắt qua cánh tay bà nội, cũng cắt qua mặt và cẳng chân của ông.

Lý Giai nhận được điện thoại của mẹ thì hỏa tốc chạy tới nhà ông bà nội.

Trong phòng ông bà nội là một mảnh hỗn độn. Sắc mặt ông nội xanh mét, bà nội thì khóc thét, cẳng chân ba cô thì máu tươi đầm đìa. Mẹ cô lặng lẽ khóc thút thít, chú hai thì trầm mặc không nói gì, thím thì xị mặt còn em trai cô và em họ thì mang theo sợ hãi rúc trong góc.

Lý Giai ôm mẹ mình đang khóc thút thít và nhìn thẳng vào ông nội cùng chú hai nói, “Để em trai cháu đăng ký hộ khẩu ở đây, cháu đảm bảo sẽ không đòi chia căn nhà này.”

Biểu tình trên mặt chú hai đột nhiên trở nên hốt hoảng, “Giai Giai……”

Mẹ theo bản năng giữ chặt tay cô nhưng Lý Giai nhẹ nhàng xoa tay bà sau đó bình thản nói, “Ông nội, chính sách yêu cầu phải có địa chỉ mới có thể đăng ký hộ khẩu, mong ông để em trai cháu đăng ký hộ khẩu ở đây. Chúng cháu chỉ cần hộ khẩu còn lại cháu bảo đảm tương lai cháu và em trai sẽ tuyệt đối không đòi chia căn nhà này.”

Không đợi những người khác phản ứng Lý Giai đã bồi thêm một câu, “Cháu có thể viết giấy cam đoan.”

Giữa công viên có mấy cái ghế đá và bàn đá. Đêm đã khuya cả nhà Lý Giai ngồi bên một cái bàn đá.

Ba cô và Lý Văn ngồi ở một cái ghế đá, Lý Giai và mẹ ngồi trên cái còn lại. Cô vẫn ôm chặt mẹ. Thật lâu sau ba cô mới thở dài một hơi và nở nụ cười tự giễu, “Bé, đến con cũng hiểu thì sao ba có thể không hiểu đây?”

Tiếng cười của ba cô sao mà nghẹn ngào bi phẫn.

Lý Giai nói, “Trong lớp con có mấy bạn học là người Thượng Hải. Trong phòng ký túc của con cũng có một bạn. Bọn họ thường xuyên chụm lại nói tới mâu thuẫn trong nhà nên con cũng biết một chút. Nhà nhỏ như thế, mọi người không ai muốn thêm người khác, càng không muốn tương lai có tranh chấp về bất động sản.”

Cô nhẹ giọng nói, “Ba, chờ Văn Văn có hộ khẩu rồi ba mẹ dẫn em về nhà đi.”

Mẹ cô cố chấp nói, “Nông trường không phải nhà của chúng ta.”

Lý Giai mỉm cười, “Không phải nhà của ba mẹ nhưng là nhà của con và Văn Văn.”

Cô nhẹ giọng nói, “Hạ cánh nhẹ nhàng thực sự chính là giống như con, thi đậu một trường trung cấp hoặc đại học có ký túc xá. Ba mẹ mang Văn Văn trở về đi, hoặc để thằng bé học lại một năm thi trung cấp, hoặc học xong cấp ba và thi vào đại học.”

Lý Giai kiên trì, “Đừng để Văn Văn ăn nhờ ở đậu và phải chịu sự coi thường của chú thím rồi chui rúc ngủ trong bếp.”

Mẹ cô chần chừ, “Nhưng……”

Lý Giai nói, “Con còn hai năm nữa là tốt nghiệp, con sẽ nghĩ cách ở lại Thượng Hải làm việc, đến khi ấy con sẽ chăm sóc Văn Văn.”

Lý Giai ngồi ở công viên với ba mẹ và em trai cả đêm sau đó sáng hôm sau cô về ký túc xá.

Về đó rồi cô ngồi thật lâu trước bàn học sau đó mở khóa ngăn kéo lấy ra một chồng thư thật dày và một cuốn sổ vẽ tốc ký.

Thư là ba mẹ gửi, nội dung không khác nhau mấy, cơ bản là dặn dò cô phải học cho tốt, cố gắng ở lại Thượng Hải sau khi tốt nghiệp.

Thư của em trai nội dung cũng không khác nhau lắm, đại khái là,

“Chị, em rất nhớ chị.”

“Chị, khi nào thì chị về nhà? Để em mang chị đi xem phim.”

“Chị, khi nào chúng ta mới đoàn tụ đây?”

Trong cuốn sổ vẽ tốc ký kia phần đầu là những bức vẽ bằng bút chì khá giống nhau, là một loạt nhà trệt, trong một góc có một hàng chữ nhỏ, “Nhà ở nông trường”.

Nhưng tờ cuối cùng lại là bức vẽ dở dang nửa sườn mặt của một người nào đó.

Đó là lúc có người đẩy cô vào WC nữ, trong nháy mắt ấy cô kinh hoàng quay lại và thấy nửa sườn mặt của Trang Đồ Nam.

Đường nét bức vẽ giống như đúc nhưng Lý Giai trước sau vẫn không hài lòng. Cô muốn vẽ ra kiên định và dịu dàng cùng chút hoảng hốt trong mắt người đó nhưng sửa mãi vẫn không ra.

Lý Giai nhìn bức vẽ này thật lâu.

Ba mẹ khát vọng trở về Thượng Hải như thế, thậm chí tất cả những bậc phụ huynh cô tiếp xúc từ nhỏ tới lớn bao gồm bạn bè của ba mẹ cô, bạn học của họ cũng đều khát vọng trở về nơi này. Vì thế từ khi cô còn mơ hồ về cuộc sống, thậm chí còn không biết cuộc sống là gì thì đã hiểu rõ mục tiêu của đời mình —— về Thượng Hải.

Lý Giai mơ hồ cảm nhận được bản thân không hề có khát khao và kỳ vọng bởi vì ba mẹ cô đã cho cô một nỗi khát khao quá to lớn và quá cụ thể —— lúc còn bi bô tập nói cô đã học được giọng của người Thượng Hải. Trong nhà mua đài và kênh họ nghe nhiều nhất là kênh Chiết Giang……. Thượng Hải quá khổng lồ cũng quá nhỏ bé, cô không thể có nổi khát khao cho riêng mình.

Dù cô không hề có lòng chung thành với Thượng Hải thì bản thân cô cũng chẳng thể có được khát khao nào ngoài nó.

Trên con đường tới Bình Dao Lý Giai mới biết bản thân khát khao cái gì.

Những thấp thỏm, chờ mong, ưu thương, vui sướиɠ……, khát khao của cô tốt đẹp như thế, so với trong tưởng tượng còn đẹp đẽ hơn.

Nhưng hiện tại cô đã quyết định sẽ bóp chết những kỳ vọng và khát khao mới chớm nở kia.

Lúc cô nhìn thấy vết máu trên cẳng chân ba cô đã lặng lẽ quyết định: cứ để Thượng Hải này cắn nuốt bản thân đi. Để nó nuốt chửng cô, nuốt hết những thương nhớ với quê hương, nuốt hết những giãy giụa và kháng cự và nuốt luôn những khát khao mới nảy sinh của cô.