Chương 4: Nhiều bạn nữ trong lớp thích Lâm Phong quá, ai ngồi cạnh cậu ấy đều có nguy cơ cao

Sau khi xem sơ đồ chỗ ngồi mới, hầu hết các bạn học đều không có phản ứng gì đặc biệt mạnh mẽ, chỉ có vài bạn hoặc là luyến tiếc bạn cùng bàn cũ hoặc không hài lòng với bạn cùng bàn mới, họ tụ thành nhóm nhỏ chuẩn bị đến văn phòng Ngữ văn để gặp thầy Dương Siêu.

Kỉ Minh Việt cố ý lưu ý, cậu phát hiện không có Lâm Phong trong đó.

Cậu thở phào nhẹ nhõm, may mà Lâm Phong mặc dù không thích cậu, nhưng cũng không đến mức không muốn ngồi cùng bàn với cậu. Nhưng khi cậu nhìn xung quanh thì lại phát hiện Lâm Phong đã đi từ lúc nào không hay, ngay cả bóng người cũng không thấy.

Lúc cậu ra cổng trường, Phùng Duệ đi cùng cậu, cậu ta ném quai cặp, nói:

- Vì muốn ngăn cản chuyện yêu sớm mà anh Siêu tốn công sức thật đấy. Sau khi điều chỉnh, mấy cặp ngồi chung đều là nam với nam một bàn, nữ và nữ một bàn.

Khi đó Kỉ Minh Việt chỉ thẫn thờ theo dõi tên của mình và Lâm Phong, nên cậu không chú ý đến điều này:

- Vậy à?

- Đúng vậy! Không phải mày và Lâm Phong ngồi cùng bàn sao? - Phùng Duệ nói.

- Có lẽ anh Siêu thấy nhiều bạn nữ trong lớp thích Lâm Phong quá, ai ngồi cạnh cậu ta đều có nguy cơ cao, chẳng thà cho một bạn nam ngồi cạnh, để các nữ sinh từ bỏ đấy!

Kỉ Minh Việt nghĩ nghĩ, cảm thấy cách nói của cậu ta cũng khá có lý, cậu cười:

- Sao mày không nói trong lớp có nhiều người thích tao? Theo như mày, anh Siêu đã giải quyết hai mối nguy một lúc còn gì, nước đi tuyệt vời!

- Thích mày? Mày thấy họ suốt ngày cứ "đại tiểu thư", giống thích mày lắm hả?

Phùng Duệ cười hì hì khoa tay múa chân trên đỉnh đầu:

- Mày còn chưa cao bằng tao, họ chỉ xem mày là em trai thôi!

- Cút đi!

Điều khiến Kỉ Minh Việt khó chịu nhất là biệt danh "đại tiểu thư" này, cậu làm bộ như mình định đánh cậu ta. May mà vừa đến cổng trường, nhóc mập nhanh nhẹn kia tránh khỏi tay cậu, cười ha ha rồi chạy đến trạm xe buýt bên kia đợi xe về nhà.

Vốn dĩ Kỉ Minh Việt có tài xế đưa đón, nhưng từ khi bị gọi là "đại tiểu thư", cậu không muốn có tài xế đưa đón nữa, cậu tình nguyện cùng các bạn chen nhau trên xe buýt về nhà. Kỉ Hoành khuyên bảo không được, sợ đứa con trai quý giá của mình gặp nguy hiểm trên đường, bèn dứt khoát mua một căn hộ trong khu dân cư đối diện trường thí điểm, để Kỉ Minh Việt đi học cho thuận tiện.

Căn hộ này ban đầu được dùng làm phòng tân hôn, nhưng đôi trẻ mới cưới chưa được cấp giấy chứng nhận đã chia tay (bởi vì bên nam nɠɵạı ŧìиɧ), vì vậy căn hộ tân hôn đã trang trí xong nhưng vẫn chưa có ai ở này đã được bán đi. Vì là phòng tân hôn nên phong cách trang trí cũng rất vui vẻ, Kỉ Hoành từng hỏi Kỉ Minh Việt có muốn sửa sang lại không, nhưng Kỉ Minh Việt không quan tâm, cũng không muốn tốn công nên từ đó đến giờ vẫn không sửa.

Từ khu dân cư này đến cổng trường chỉ mất năm sáu phút, nên Kỉ Minh Việt đã quen với việc đến trường vừa kịp lúc. Lúc định lên lầu, cậu đi ngang qua cửa hàng bình ổn giá ở tầng dưới, đứng trước tủ kính do dự một lát cậu mới đi vào mua một thùng sữa.

Khi vào nhà, bảo mẫu nấu cơm cho cậu đã mua đồ ăn xong, đang bận rộn nấu nướng trong bếp. Nghe thấy Kỉ Minh Việt trở về, bà liền cười chào cậu:

- Minh Việt tan học rồi sao?

Bà quay người lại, thấy Kỉ Minh Việt cầm hộp sữa đi vào liền vội đi tới đón lấy:

- Cháu muốn uống sữa cứ nói trước với dì là được, dì mua cho, để cháu tự mang vác nặng nhọc thế này.

- Dì Hoàng, không cần, chỉ là đột nhiên cháu muốn uống thôi.

Kỉ Minh Việt hơi ngại ngùng, tránh tay của bà ấy:

- Cháu mang về phòng rồi làm bài tập trước ha.

Cậu vẫn còn nhớ dì nấu ăn này tên là Hoàng Thục Hương, dáng người mập mạp, tính cách vô cùng dịu dàng. Dì Hoàng thích mặc quần áo màu vàng và xanh ngọc, thoạt nhìn trông rất phúc hậu.

Dì ấy nấu cơm cũng rất ngon, Kỉ Minh Việt đôi khi không về nhà vào buổi trưa, thích ăn đồ ăn nhanh, vì vậy dì ấy càng chú ý đến dinh dưỡng trong bữa cơm tối, ba món một canh, mặn nhạt phối hợp, cố gắng bồi bổ lại cho cậu.

Nhưng sau đó con trai của dì ấy đang làm việc trong nhà máy đột nhiên được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối, không được vài tháng đã qua đời, dì ấy vô cùng đau buồn. Lúc Kỉ Minh Việt về nước gặp lại dì, cả người dì gầy gò như thay hình đổi dạng, thật sự khiến người ta thương xót.

Kiếp này phải nhớ tìm cách để nhắc nhở dì ấy sớm đưa con trai đi bệnh viện kiểm tra... Kỉ Minh Việt lấy "sổ kế hoạch" của mình ra, nghiêm túc ghi thêm dòng tip nhỏ này vào.

Khi mở sách bài tập, Kỉ Minh Việt thuận tay xé thùng ra, lấy một hộp sữa. Cậu lột ống hút cắm vào hộp, vừa cắn ống hút uống sữa vừa xem bài tập, nhưng cả hai thứ đều khiến cậu phải cau mày...

Bài tập khó không phải nói nữa, nhưng thật ra cậu cũng chẳng thích uống sữa. Đời trước sau khi cậu ra nước ngoài mới bắt đầu nảy nở, từ 1m72 thành 1m79, bây giờ lại trở về trước khi giải phóng, chiều cao cũng thê thảm trở về mốc 1m72.

Với dinh dưỡng năm 2008 ở miền bắc, chiều cao của nam sinh là 1m72 đúng là hơi xấu hổ: đã không thể so với Lâm Phong vừa vào lớp 10 đã cao 1m80, ngay cả các nữ sinh trong lớp cũng đã cao 1m67, 1m68 rồi, chỉ nhìn thôi trông các bạn ấy cũng đã cao suýt soát với cậu.

Chẳng trách Phùng Duệ nói rằng không có bạn nữ nào trong lớp thích cậu, đều xem cậu như em trai thôi - dáng người trông suýt soát với bạn, chân còn thon hơn cả bạn, thì làm sao có thể nảy sinh tình yêu được chứ?

Tuy Kỉ Minh Việt không thích con gái, nhưng liên quan đến vấn đề chiều cao, mỗi đứa con trai đều canh cánh trong lòng.

Mặc dù chiều cao cuối cùng ở kiếp trước là 1m79 khiến cậu tự hào, nhưng nó chỉ phát triển sau khi cậu ra nước ngoài. Biết đâu kiếp này ở trong nước, nếu không có hoocmon và thổ nhưỡng bên kia đại dương, chiều cao của cậu có còn được như vậy không?

Vì thế dù sữa tươi nguyên chất có mùi vị không ngon lắm, Kỉ Minh Việt cũng cau mày chịu đựng - vì cao lớn, khó uống thì khó uống thôi!

Cậu cũng biết mình làm vậy có hơi ấu trĩ, thế nhưng, tuy cậu có thêm mười năm đời trước nhưng sinh hoạt của cậu dư dả, quan hệ giao tiếp cũng đơn giản, công việc cũng không đòi hỏi phải tiếp xúc với quá nhiều người, cũng không có áp lực công việc gì, nên tuổi tâm lý cũng không thực sự trưởng thành lắm.

Thậm chí cậu còn có một chút cố chấp gần như ngây thơ, mỗi ngày đã định ra mục tiêu nào thì sẽ vì mục tiêu đó mà nỗ lực, không va vào tường cũng sẽ không quay đầu...

Mệt mỏi vì làm các câu hỏi, Kỉ Minh Việt đẩy cuốn sách bài tập sang một bên, lấy chiếc điện thoại di động mới nhất của mình ra, bắt đầu gửi tin nhắn cho Kỉ Hoành, nói chuyện mình không muốn ra nước ngoài nữa.

Lúc này Kỉ Hoành cũng đang chuẩn bị ăn cơm, tin được gửi đến rất nhanh.

Ông không có tâm lý gia trưởng mong con biến thành rồng phượng gì đó, mà chỉ cố gắng đối xử với Kỉ Minh Việt tốt nhất có thể trong khả năng của mình. Miễn là lựa chọn của Kỉ Minh Việt không quá đáng, ông ấy đều sẽ "cục cưng vui vẻ là được", nếu không kiếp trước Kỉ Minh Việt cũng sẽ không ra nước ngoài đánh bóng bằng cấp, còn học cả chuyên ngành mỹ thuật không giúp ích gì cho doanh nhân cả.

Kỉ Hoành hỏi lý do tại sao Kỉ Minh Việt không muốn ra nước ngoài. Được Kỉ Minh Việt bảo đảm "sẽ học tập chăm chỉ trong tương lai", ông đã nhanh chóng buông tay: "Vậy không đi nữa, cục cưng vui vẻ là được." Nghĩ một lát, ông lại thêm một câu: "Việt Việt, có cần ba chuẩn bị học phí học thêm không? Hay tan học có cần gia sư dạy bù không?"

Khi hai cha con đang thảo luận, Hoàng Thục Hương đã làm cơm xong, bà gọi Kỉ Minh Việt ra dùng bữa, lúc này bà thấy mắt Kỉ Minh Việt sáng lên, cậu ném chiếc thìa vào nồi canh, hay tay gõ lích kích trên điện thoại, hưng phấn như chuột trong vựa lúa vậy.

Bà nhịn không được bèn khuyên:

- Minh Việt, lúc ăn đừng nghịch điện thoại, tiêu hóa không tốt đâu.

Kỉ Minh Việt "ừm ừm" hai tiếng, thấy phía dưới tin nhắn "được được được! cần cần cần!" của mình đã xuất hiện câu trả lời của Kỉ Hoành: "Gửi trước một vạn, không đủ cứ nói ba."

Kỉ Hoành nghe nói bây giờ học phí học thêm của các giáo viên cấp ba rất đắt, sợ Kỉ Minh Việt nộp ít sẽ bị người ta chểnh mảng, thế là gửi luôn một vạn. Đương nhiên ông dám làm như vậy là vì ông cũng hiểu rõ con trai của mình, biết cậu dù thích chơi bời nhưng sẽ không làm ra chuyện xấu gì.

Hầu bao của Kỉ Minh Việt phồng lên, trên mặt cậu cũng lộ ra vẻ vui mừng, sau khi ăn uống vui vẻ trở về phòng thì lại không khỏi nhăn mặt.

...Hết cách rồi, đã rời xa giáo dục trong nước gần mười năm, giờ phải quay lại làm đống bài tập cấp ba nặng nề, thật sự khiến tâm trạng người ta như muốn tan vỡ...

Cậu thở dài, cam chịu số phận, lấy ra một hộp sữa khác, cắm ống hút, vừa uống vừa cắn móng tay làm bài.

Nếu đã bảo đảm với Lâm Phong rằng sẽ không bao giờ chép bài tập nữa... vậy thì nhất định phải làm được.

Bởi vì tối hôm trước làm bài tập đến nửa đêm, Kỉ Minh Việt vừa lên giường ôm gối là ngủ ngay, nên ngày hôm sau dậy rất sớm.

Nghĩ đến việc hôm nay bắt đầu ngồi cùng bàn với Lâm Phong, cậu cũng không có tâm tư muốn ngủ nướng thêm nữa. Cậu thu dọn bài tập, cầm hai hộp sữa, xuống tiệm dưới lầu mua thêm bánh mì và bánh quy. Hoàng Thục Hương không phụ trách bữa sáng, Kỉ Minh Việt cũng không thích thức ăn thừa thế nên cậu đã đến trường trong ánh nắng buổi sáng hơi se lạnh của tháng Hai.

Khi cậu đến lớp thì mới hơn 6 giờ 50, ban ủy phụ trách chìa khóa vửa mở cửa cách đây không lâu. Cậu tưởng mình đã đi sớm, không ngờ Lâm Phong còn đến sớm hơn cả mình, cậu ấy đã dọn bàn học và sách vở đến vị trí theo sơ đồ chỗ ngồi sắp xếp, hơn nữa còn đang viết gì đó vào vở bài tập.

Vốn Kỉ Minh Việt ngồi ở hàng thứ ba, còn Lâm Phong ngồi ở hàng thứ hai, Dương Siêu vì để hai người ngồi cùng nhau và chăm sóc được các bạn học ở phía trước và sau nên đã chuyển hai người họ đến hàng thứ năm, là vị trí ngay giữa lớp học.

Thị lực Kỉ Minh Việt luôn khá tốt, vì vậy cậu không lo lắng về việc không nhìn thấy bảng. Thấy Lâm Phong đã tìm đúng chỗ, cậu đặt cặp lên ghế rồi hì hục di chuyển bàn của mình đến bên cạnh Lâm Phong.

Lát nữa khi tất cả các học sinh đều đến, có lẽ cả phòng học đều là âm thanh dọn bàn này, nhưng lúc này trong lớp không có mấy người, tiếng động này lại trở nên vô cùng lớn, ngay cả Lâm Phong cũng không nhịn được ngẩng đầu nhìn cậu, tuy rất nhanh sau đó lại cúi đầu xuống.

Kỉ Minh Việt cúi đầu nhìn xem cậu ấy đang viết cái gì, không khỏi phì cười:

- Cậu chưa làm bài tập xong luôn à!

Chẳng phải Lâm Phong đang giải bài toán hóc búa đã làm phiền cậu đến nửa đêm hôm qua sao?

Kỉ Minh Việt đắc ý nói:

- Mình đã làm xong bài tập rồi!

Nhưng cậu lập tức nghĩ, Lâm Phong không làm xong bài tập, nhất định không phải do cậu ấy ham chơi hay lười biếng, rất có khả năng là phải chăm sóc mẹ trong bệnh viện hoặc đi làm gì đó, nên mới không có thời gian để làm bài tập về nhà. Nghĩ đến đây, cậu không thể cười nổi nữa.

Không ngờ, lúc này Lâm Phong lại nhìn cậu:

- Cậu làm xong rồi? Cho mình mượn chép được không?

- Hả? - Kỉ Minh Việt kinh ngạc, Lâm Phong muốn chép bài tập của cậu hả?!

- Mình chép đáp án tham khảo đằng sau.

Lâm Phong nói.

Các giáo viên bộ môn cấp ba của họ thường không muốn dành thời gian sửa bài tập về nhà lắm, các thầy cô đều bảo học sinh để đáp án tham khảo ở cuối sách bài tập, tự làm xong rồi dùng bút đỏ đối chiếu đáp án và sửa lại.

Nhưng cũng có vài giáo viên, ví dụ như Ngữ văn, sẽ cho phép học sinh xé câu trả lời tham khảo, trong khi có những người sẽ không cho phép, có vài giáo viên vẫn sẽ kiểm tra. Lúc này, việc chép nhanh bài tập về nhà sẽ khó hơn, mượn đáp án của người khác để chép sẽ tiện hơn rất nhiều.

Khi Lâm Phong nói vậy, Kỉ Minh Việt cũng đã hiểu. Hiếm khi khi Lâm Phong nhờ cậu giúp đỡ, cậu vội vàng lục cặp sách lấy sách bài tập của mình ra dâng lên:

- Cậu cứ chép thoải mái!

Lâm Phong nhận lấy, thấp giọng nói "cảm ơn", rồi lật đến số trang tương ứng bắt đầu sao chép.

Kỉ Minh Việt đã làm xong bài tập, hôm nay cũng không phải đến lượt trực nhật, vì vậy cậu thấy hơi chán, chỉ có thể chống cằm nhìn chằm chằm Lâm Phong đang "sao chép bài tập".

Cậu phát hiện ra rằng ngay cả khi Lâm Phong sao chép bài tập về nhà, cậu ấy cũng không chép giống cách người khác chép bài. Mọi người đều đọc lướt thật nhanh, chép lẫn lộn cả lên, còn khi Lâm Phong chép bài, đầu tiên sẽ đọc đề từ vài giây đến một phút, sau đó mới đọc các câu trả lời tham khảo, đọc khoảng mười giây rồi mới chép, nhiều bước ở giữa cũng khác với đáp án, lời giải đơn giản và có vẻ rõ ràng hơn.

Kỉ Minh Việt đoán, sau khi Lâm Phong hiểu được đề, trong đầu đã có cách giải, cậu ấy sẽ so sánh nó với đáp án tham khảo, bỏ bớt phần giữa đi, dường như chỉ mất thời gian tính toán số liệu mà thôi.

Cậu nằm trên bàn nhìn một lát, phát hiện ra một chuyện, cảm thấy mình cần phải nhắc đối phương:

- Lâm Phong, cậu quên dùng bút đỏ sửa lại rồi!

Vì không có thời gian để đánh giá từng bài đúng hay sai nên các giáo viên thường căn cứ vào việc dùng bút đỏ sửa trên sách bài tập để đánh giá học sinh làm bài có nghiêm túc hay không. Vì vậy dù là chép bài, Kỉ Minh Việt và các học sinh cũng sẽ cố ý dùng bút đỏ vẽ loạn xạ lên đó.

Nhưng Lâm Phong chỉ dùng bút đen viết từ đầu đến cuối, sạch sẽ và gọn gàng, hầu như không thể nhìn thấy dấu vết sửa đổi.

Lâm Phong chép xong, trả lại cuốn sách bài tập cho Kỉ Minh Việt, sau đó dùng bút đỏ đánh dấu vào các lựa chọn của hai câu hỏi trắc nghiệm, viết ra câu trả lời đúng.

Bị ánh mắt Kỉ Minh Việt nhìn chằm chằm, cậu ấy hơi không chịu nổi, bèn nói:

- Mình tự làm bài, cũng chỉ sai những chỗ này thôi.

Kỉ Minh Việt: "..."

...Có lẽ đây chính là học thần.

Chép xong bài tập, lớp học cũng đã trở nên sôi nổi hơn từ lúc nào không biết. Học sinh đến lớp học càng ngày càng nhiều, thay đổi chỗ ngồi, đùa giỡn với nhau, xin chép bài tập, tiếng nói ồn ào, có thể so với cả một cái chợ lớn.

Khi Dương Siêu bước vào lớp, điều đầu tiên thầy nhìn thấy là hai người đang ngồi ngay giữa lớp.

Lâm Phong đang yên lặng đọc sách, Kỉ Minh Việt đang cười nói với bàn phía trước, dù thoạt nhìn cả hai chẳng có gì giao nhau, nhưng cả hai đều có tâm trạng thoải mái và thích nghi rất tốt.

Điều này khiến thầy cảm thấy vui vẻ một cách khó hiểu.

Ý tưởng để Kỉ Minh Việt và Lâm Phong ngồi cùng bàn của Dương Siêu tất nhiên không phải chỉ để ngăn chặn tình trạng yêu sớm như Phùng Duệ nghĩ.

Là giáo viên chủ nhiệm, thầy vẫn nắm được đại khái hoàn cảnh gia đình của học sinh. Khi gia đình Lâm Phong xảy ra chuyện, tuy thầy đã cố gắng hết sức để giúp đỡ trong kỳ nghỉ, nhưng những gì thầy có thể làm vẫn rất hạn chế, thầy cũng rất lo lắng cho gánh nặng gia đình và tình hình học tập của Lâm Phong sau này.

Lâm Phong luôn phát huy xuất sắc, Dương Siêu không muốn một hạt giống tốt như vậy bị gia đình kéo xuống, thầy muốn thông qua việc thay đổi chỗ ngồi, Lâm Phong sẽ có thể làm bạn tốt với những người phù hợp trong trường, có thể phần nào ảnh hưởng tích cực đến em ấy hơn.

Mà Kỉ Minh Việt, một bạn học nhiệt tình, hoạt bát với gia cảnh giàu có đã lọt vào tầm mắt của thầy ấy.

Dù Kỉ Minh Việt học tập không nghiêm túc, nhưng bản chất hào phóng, tính cách cũng tốt, em ấy giống như một mặt trời nhỏ, hầu như mọi người trong lớp đều thích em ấy. Hơn nữa nhà em ấy cũng khá giả, để đưa được em ấy vào trường thí điểm, ba em ấy đã bỏ vốn cải tạo lại sân vận động của trường…

Với tư cách là giáo viên chủ nhiệm, Dương Siêu không thể ép Kỉ Minh Việt "vô tư cống hiến", nhưng nếu như em ấy và Lâm Phong trở thành bạn tốt, sẵn lòng chủ động giúp đỡ Lâm Phong... vậy thì không thể nào tốt hơn.

Tuy nghĩ tốt đẹp là thế, nhưng Dương Siêu cũng có điều lo lắng: Nếu thái độ học tập kém của Kỉ Minh Việt ảnh hưởng đến điểm số của Lâm Phong thì sao? Thầy nghe nói ba Kỉ Minh Việt nghe rằng giáo dục ở nước ngoài tốt nên muốn đưa con trai ra nước ngoài học tập, trước đó thầy cũng chưa từng thấy Kỉ Minh Việt và Lâm Phong giao lưu gì với nhau, nếu Kỉ Minh Việt lười kết bạn trong nước thì sao? Hơn nữa Kỉ Minh Việt lại hào phóng rộng lượng, còn lòng tự trọng của Lâm Phong lại quá mạnh, nếu hai người xảy ra mâu thuẫn và phản tác dụng thì sao?

Chính vì những lý do này mà Dương Siêu luôn do dự và không thể đưa ra quyết định. Mãi đến chiều hôm qua, thầy nhìn thấy Kỉ Minh Việt chủ động ngồi cùng bàn với Lâm Phong.

Thoạt nhìn không được thân mật cho lắm, nhưng ít nhất... vẫn có hy vọng.

Nếu đã thấy được hi vọng thì tại sao lại không thử.

...Kỉ Minh Việt cũng không ngờ rằng một cú đập cánh của bươm bướm sẽ dẫn đến một hướng đi hoàn toàn khác với kiếp trước.

Lúc này, cậu nhân lúc Dương Siêu đang duy trì kỉ luật, lấy một hộp sữa từ trong cặp ra, đẩy về phía bạn cùng bàn mới.

Lâm Phong quay đầu nhìn cậu, cậu liền chỉ hộp sữa, cười rạng rỡ:

- Cậu ăn sáng chưa? Mình mời cậu!