- 🏠 Home
- Hồi Ký
- Voz
- Những Ngày Cuối Tháng 4
- Chương 2: KHỔNG MINH CỰ ĐỊCH NGOÀI NGÀN DẶM
Những Ngày Cuối Tháng 4
Chương 2: KHỔNG MINH CỰ ĐỊCH NGOÀI NGÀN DẶM
Một trong những mệt nhọc của tôi là phải lang thang trong tiềm thức suốt mười hai tiếng, giấc ngủ dài làm lữ khách trong mơ mệt mỏi. Ngày giỗ tổ, cần thưởng cho mình những cơn ngủ nướng dưới cái oi thiêu của khí trời vào Hạ.
Trưa đến, Phi gọi cho tôi.
– Tôi chưa phát hiện ra người nào lập dị trong số sinh viên Y. Tôi thử khoanh vùng lại trong khoa ngoại, hiện tại thì do dễ, một số sinh viên đã nghỉ, một số thì ở lại trực ban và thực tập.
– Anh đã kiểm tra những thủ khoa và á khoa trong sáu năm trở lại đây chưa?
– Chưa.
– Với trí thông minh tồi tàn của tôi, năm đó khi thi đại học tôi đã á khoa. Thì người thanh niên này chẳng khác gì tôi. Và có thể hắn từng là thủ khoa. Mỗi năm có một thủ khoa và hai á khoa, tổng cộng là ba người, sáu năm là mười tám người. Anh sẽ có tên tuổi đầy đủ cộng thêm địa chỉ và số điện thoại, khi đó, tôi sẽ mách anh cách tìm ra hắn.
***
Sau một tiếng, Phi gọi điện.
– Tôi có danh sách gồm hai mươi người, anh có giấy không, tôi đọc cho anh viết lại.
– Không cần, anh xem dùm tôi những người quê ở miền Tây, học ở Cần Thơ hoặc Vĩnh Long.
– Tôi chưa hiểu ý anh.
– Một kẻ thông minh xuất chúng như vậy, chắc chắn hắn nhiều hoài bão. Hắn sẽ học những trường có danh tiếng nhất. Mười lăm tỉnh miền Nam có khoảng hai mươi trường chuyên, nhưng có điều kiện sở hữu nhân tài chỉ có Vĩnh Long và Cần Thơ. Nếu hắn không đủ điều kiện lên Sàigòn học Lê Hồng Phong thì hắn chắc chắn sẽ chọn một trong hai trường sau đây: chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long hoặc chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ.
– Sao anh có thể chắc hắn không học ở Lê Hồng Phong Sàigòn?
– Tôi mỗi năm luôn chú ý đến thủ khoa của trường, chưa có ai trong sáu năm nay thật sự nổi bật. Chắc chắn không thể có hắn.
– Anh đoán chính xác, tôi biết ai rồi. Trần Mạnh Khoa, quê Rạch Giá, học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long. Tôi sẽ tìm ra địa chỉ của anh chàng này trong nửa tiếng nữa.
– Phi. Tôi biết anh là người cẩn thận. Nhưng, đừng vì hắn còn trẻ mà lơ là.
– Tôi biết mà.
***
– Hắn vừa chuyển nhà trọ cách đây bốn tiếng.
– Thông minh. Rất thông minh. Hắn đã phát hiện ra anh từ lúc anh bước vào khuông viên bệnh viện đại học Y. Tôi tin chắc, hắn có một thói quen nhất định quan sát những người bước vào trường, có người bệnh, có bác sĩ, có sinh viên; hắn đã quy ra một công thức chính xác để biết được ai là người bệnh, ai là sinh viên và ai là bác sĩ. Khi anh bước vào, phong thái và anh mắt của anh hẳn đã làm hắn chú ý, một nỗi sợ vô hình len lỏi vào tâm trí hắn. Hắn biết hắn đã gặp phải đối thủ đáng gờm. Hắn đã ra tay trước với anh.
– Đúng như anh nói, tôi đang ở phòng trọ của hắn tại một khu tập thể Q5. Chúng tinh tươm và ngăn nắp dù hắn đã chuyển đi rất nhanh. Hắn còn lau rửa sạch sẽ phòng trọ để trả lại nhà cho chủ. Nhanh và gọn một cách đáng sợ.
– Hôm nay săn chuột đủ rồi. Tôi đoán được hắn sẽ ở đâu. Anh cứ về nhà nghỉ ngơi, nghỉ lễ đi. Tối mai, tôi và anh đi săn chuột.
– Đồng ý.
***
– Năm giờ chiều rồi, mình đi được chưa? Vô Danh. Anh tư lự gì vậy.
– Hơi bất công với hắn, nhưng đây là chước phải làm. Anh nhanh chóng nhờ người của mình nội trong tối ngày hôm nay từ miền quê Rạch Giá, đến Vĩnh Long và bốn năm trường Y của tay này, mang tất cả thông tin, hình ảnh, học bạ, tất cả những gì có thể. Tối nay chúng ta nghiên cứu nó.
– Anh muốn biết gì?
– Tôi muốn biết hắn bắt đầu thông minh từ lúc nào. Hôm nay chúng ta sẽ gặp chú chuột nhắt, đừng bắt chuột vội, chúng ta sẽ thả cho nó đi. Chúng ta sẽ tóm trọn ổ vào lúc khác. Anh chịu khó hưởng máy lạnh trong xe đi, sáu giờ mới là giờ săn chuột.
Thật hiếm hoi mới được nhìn thấy đôi môi mỏng của Phi mím lại, anh nghiêng đầu nhìn phố phường qua cửa kính. Tôi nhắm nghiền mắt lại, bất lợi lớn nhất của tôi là trong bóng tối.
***
– Sáu giờ đã điểm. Đi thôi, bác tài chạy đến ngã tư Trần Hưng Đạo và Nguyễn Tri Phương thì dừng lại. Phi, lúc đó tôi và anh đi bộ một đoạn khá dài, không phiền anh chứ?
– Tôi chỉ sợ phiền anh.
– Ôi, chúng ta là hai kẻ thân thiết mà thói quen khách sáo vẫn không bỏ được. Tôi vẫn chưa bỏ được huyết quản Hà Nội trong con người mình.
– Đến rồi, mình xuống được rồi.
– Nhà trọ hắn ở đường nào anh?
– Đường Nguyễn Án.
– Vậy là tản bộ một đoạn khá xa.
Khi đến góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Điện, tôi nói Phi,
– Anh đi đến đó trước, tôi sẽ đến sau.
Phi hiểu ý tôi.
***
Tôi ngắm quang cảnh phố Tàu lâu đời nhất Việt Nam, hít thở lại những hơi quen thuộc, dừng chân mua uống một cốc nước mát mà người Việt gọi là nước sâm. Ở đây đủ vị, có nước mía lau củ sen, có 24 vị, có nước đắng, có rong biển, có trà Tàu v.v. Khi Phi khuất dần tầm mắt, tôi thong thả đi theo.
Cái thú ngắm nhìn những người Việt gốc Hoa trong chiếc áo thun, tay cầm quạt mo chơi cờ trong buổi xế, ở đây ngã tư có một quán bán bánh trứng khá ngon, nó làm tôi nhớ. Và kìa, một cậu trai trẻ đội nón lưỡi trai, đeo khẩu trang, quần lửng, giày thể thao, tai đeo headphone bên trong một shop 24; thật dễ thương, cậu bé nổi bật giữa lối ăn mặc giản dị và nhiều dơ bẩn của người dân nơi đây. Tôi mỉm cười nửa miệng.
Bước nhanh chân lên cầu thang, nơi Phi đang nói chuyện với bà chủ nhà trọ.
Bà chủ trọ người Tiều, tiếng nói lơ lớ nhưng vẫn rất Việt. Tôi hỏi nhanh.
– Chào chị, Khoa là em của em. Trời ơi, nó dọn nhà mà không nói em một tiếng. Nhờ anh này nói em mới biết.
– Tui cũng không biết, nó dọn nhanh lắm, nói ở quê có việc gấp, nó về liền, xin trả nhà và chấp nhận mất cọc. Tui cũng chịu chứ sao.
– Dạ đúng, mẹ ở nhà bệnh lắm. Mà Khoa có trở về hôm qua phải không chị?
– Đúng rồi, nó hỏi về cái chú này nè. Nó hỏi có ai tìm nó hông, tui nói có cái chú đẹp trai, mặc vét kím. Nhưng tui hỏi nó chuyển về đâu rồi, để có ai tới tìm thì tui đưa địa chỉ mới. Nó hỏng nói, bỏ đi một nước.
Tôi nhìn Phi mỉm cười, Phi hiểu vì sao tôi muốn trở lại nơi trọ của hắn. Tôi và Phi bước xuống cầu thang, và nói chuyện chẳng đâu vào đâu. Đến góc đường Nguyễn Trãi có con hẻm vắng. Tôi mở lời,
– Chuột con đã xuất hiện, mắt anh nhìn rõ hơn tôi, anh nhìn xem nó còn đi theo chúng ta không? Tôi ít khi có cơ hội sàm sỡ anh, nhưng đây xem như là công việc. Phi, ôm tôi đi, nhanh, và chầm chậm anh nhìn phía sau lưng chúng ta. Đúng rồi, anh thấy đứa đội nón lưỡi trai, đeo khẩu trang, mang giày chạy bộ không? Thấy rồi à. Nó đó, chuột con của chúng ta. Nó bỏ chạy à, đừng đuổi theo, nó phát hiện ra anh thấy nó rồi. Thông minh thật.
– Sao anh để nó chạy?
– Từ từ đã, giờ chúng ta tản bộ về chỗ cũ. Xem nào, anh thích mua bαo ©αo sυ và bôi trơi không? Hahaha… Phi ơi, đây là lần đầu tôi thấy anh đỏ mặt.
– Hi em. Lấy anh hai hộp Durex và chai bôi trơn này. Nhìn gì, em mới thấy người đẹp trai như anh chàng này sao? Còn bạn trai mặc đồ chạy bộ của em ban nãy đâu? Ồ, khách à? Khách gì em ơi, hai đứa gay chết đi được, Khoa là bạn anh mà. Ồ, sao đỏ mặt vậy. Anh cá là khoa mua bαo ©αo sυ phải không? Ồ, lại sai sao? Trời đất, cái thằng bần tiện, mua hai lon Pepsi, một bịch đậu phộng da cá, một chai nước suối. Anh không tin, bằng chứng đâu? Hahaha… cám ơn em, anh xin số phone em được không? Coi kìa, em…
– Hahaha, bình thường Vô Danh trơ trẽn vậy à?
– Không, thật xấu hổ, bình thường tôi rất yểu điệu thục nữ. Anh gọi bác tài đến đón chúng ta được rồi.
***
– Anh có thể giải thích được chưa?
– Đầu tiên, khi tôi biết tin hắn chuyển nhà, tôi biết chắc chắn hắn sẽ vòng về chỗ cũ để kiểm tra xem có thật là anh đến tìm hắn không. Khi biết chắc anh điều tra hắn, hắn cũng biết anh sẽ còn trở lại một lần nữa để có thêm thông tin về hắn. Và hắn sẽ kiên nhẫn ở đó chờ anh. Tôi muốn đi bộ, và để anh đi trước là để có dịp quan sát hắn từ xa, nếu tôi đi cùng với anh, tôi sẽ lọt vào tầm ngắm của hắn. À há, anh hỏi tôi cách nào nhận ra được hắn, rất đơn giản, tôi chọn giờ cơm của người Tàu. Người Tàu có thói quen gia đình rất lớn, dẫn đến họ ăn uống rất có giờ. Thế nên, ta đến vào lúc này, sẽ loại trừ những kẻ tập thể dục và chạy bộ vào giờ cơm. Tại sao ư? Hắn lo sợ chúng ta sẽ phát hiện ra hắn, hắn chuẩn bị sẵn trang phục chạy bộ, và những con đường nhỏ lắt léo với một số con hẻm chằn chịt, hắn sẽ biết mất ngay trong mắt chúng ta. Để thuận tiện và hiệu quả cao nhất cho cuộc chạy trốn nếu có thể, hắn sẽ ăn mặc như người tập thể dục. Anh mang giày và đồ veston, anh không thuận lợi để chạy, tôi thì mang dép lào. Hắn đoán được trang phục chúng ta sẽ không thích hợp rượt đuổi. Cho nên, tôi tìm kiếm kẻ mặc quần áo thể thao, kín đáo khuông mặt. Và khi rẽ vào đường Nguyễn Án, tôi phát hiện ra hắn ngồi trong siêu thị tiện ích ngay. Tôi chăm chú nhìn hắn, hắn chăm chú nhìn anh trên lầu khi nói chuyện với chủ nhà. Anh biết không, tôi cực kì lo sợ, đôi mắt hắn qua khung kính rực lửa hận thù. Nghề bác sĩ là nghề đáng sợ nhất, chúng đứng giữa thiên thần và ác quỷ, chúng có thừa kiến thức để cứng mạng người và cũng thừa kiến thức để cướp sinh mạng kẻ khác. Tôi chú ý túi quần hắn một lên, tôi cho rằng hắn sẽ lợi dụng đi bên cạnh anh, rồi một phút đông người sơ ý, hắn sẽ tiêm cho anh một mũi mà không biết đó là loại độc dược gì. Anh sẽ co rúm người và sùi bọt mép giữa phố Tàu. Nên sự xuất hiện bất ngờ của tôi làm hắn bối rối, hắn không biết đối diện với ai vì tôi cũng đội nón và đeo khẩu trang như hắn, hắn không nhìn được tôi và tôi không nhìn được hắn. Hắn âm thầm theo tôi và anh, đến con hẻm vắng và hắn thấy anh ôm tôi nhưng nhìn hắn. Hắn biết mình bị lộ, và lẻn nhanh.
– Tuyệt vời!
– Chưa, điều tôi lo nhất là ở những món hàng hắn mua. Anh thấy gì không? Hai lon pepsi và một chai nước suối nhỏ. Bịch đậu phộng da cá không đáng quan tâm. Anh có thấy lạ không?
– Có người thứ hai hoặc thứ ba.
– Đúng. Đó chính là lí do tôi trở lại siêu thị tiện ích. Hiển nhiên, may mắn cho chúng ta. Chứ nếu săn chuột vào thời điểm khác trong ngày, tôi e rằng tôi và anh sẽ đối diện nhiều hơn một đứa. Từ đây, phía trước sẽ mịt mờ, tôi bắt đầu không hi vọng vào những tư liệu về đời tư của hắn mà chúng ta sẽ có.
– Tại sao?
– Chúng sẽ bị xóa sổ vào ngày hôm qua. Sai lầm lớn nhất của tôi ngày hôm qua là không ngờ đến việc hắn có một tổ chức phía sau. Hi vọng là không có.
– Fax tới rồi, anh chờ tôi in ra.
– …
– … Đúng như anh nói, toàn bộ hồ sơ của hắn đều biết mất ở Rạch Giá và Vĩnh Long, mất tích hoàn toàn. Không còn cách nào điều tra ra thông tin của hắn. Cũng may, chúng ta có bảng điểm bốn năm hắn học đại học. Hình ảnh của hắn, người của chúng ta đang cố tìm.
– Xem nào, học kỳ đầu, điểm gần như tuyệt đối. Học kỳ hai, cũng thế. Học kỳ ba giảm dần, chà, lạ nhỉ. Anh thấy gì không? Từ học kỳ ba trở về sau, sức học hắn trở nên bấp bênh.
– Học kỳ ba toàn điểm bảy, học kỳ bốn toàn điểm tám, rồi trở về điểm bảy.
– Hắn bắt đầu thông minh hơn từ năm thứ hai đại học. Hắn bắt đầu biết đến thuật ẩn thân, hắn làm cho điểm mình kém đi, nhưng hắn vẫn thích vẻ đẹp của con số. Hắn tìm cách kiểm soát mọi điểm số theo ý của hắn. Học kỳ ba hắn làm mọi điểm trở thành bảy, dù có một vài điểm vọt lên tám hoặc xuống sáu. Học kỳ kế tiếp chỉ có một môn bị lệch khỏi tám. Còn lại càng hắn tuyệt đối chỉ điểm tám, không một điểm nào lệch khỏi tám. Chết tiệt, hắn tiên đoán chính xác cả kẻ chấm thi bài hắn, hắn trù dự cả ba rem điểm. Hắn biết trước hắn phải có điểm gì. Điều này còn khó hơn là anh lấy điểm mười. Hắn tự tạo cho mình khó khăn và vượt qua nó. Chúng ta đang gặp phải kẻ nào đây?
– Điều đáng sợ hơn cho anh và tôi nằm ở điều khác. Có kẻ đứng sau lưng hắn. Kẻ có quyền lực mạnh đến mức xóa nhanh dấu vết cuộc đời hắn trong một đêm.
– Kẻ nuôi quỷ dữ và thực tập cho con quỷ này trưởng thành. Mục đích của kẻ nuôi quỷ này là gì, tôi không biết, nhưng rõ ràng trái tim Sàigòn sẽ đập nhanh hơn khi thân thể này xuất hiện chủng vi rút độc hại nhất mà chúng ta từng biết.
Phi đau đáu đi lại quanh phòng, anh vén bức màn bên khung cửa nhìn ánh vàng vọt nhảy múa trên mặt sông. Chúng tôi biết mình đã phạm một sai lầm nào đó, một sai lầm rất căn bản. Để phá tan bầu không khí tĩnh lặng, Phi mở lời.
– Anh thấy lạ không, từ ngày hôm kia đến hôm nay, hầu như chúng ta đều bị cuốn hút bởi một người.
– Anh đã nhìn thấy điều mà tôi đang nghĩ, mọi chứng cứ, mọi sự quyến rũ đều tập trung vào hắn. Chúng ta hầu như lơ là người đàn bà, người cha làm ở bộ ngoại giao, và cả việc điều tra thân phận cô gái. Đây là điều trước đây cả tôi và anh đều không mắc phải.
– Chết. Chúng ta trúng kế rồi. Tôi hi vọng phía bờ sông không mất dấu vết. Vô Danh ơi, tôi sẽ không thể tha thứ cho lỗi lầm của mình.
Hai anh em chạy nhanh ra phía bờ sông được rào chắn bởi hàng song sắt cao hai thước, cách mỗi năm thước ngang thì có mắt thần quan sát. Phi chỉ cho tôi bờ lao sậy bị dẹp ngang, trên lớp sình bùn vẫn còn lưu lại dấu vết của vài dấu chân biến dạng do con nước thủy triều. Phi đau đớn thừa nhận.
– Tôi phạm sai lầm rất nghiêm trọng khi sơ sài tập trung vào tấn thảm kịch bên trong mà quên rằng bên ngoài vẫn quan trọng không kém. Người đàn bà kia chưa hề ra khỏi khuôn viên này, bà ta chưa hề đi với hắn. Hắn đã mang theo chiếc giày cao gót và tạo dấu chân đi ra, đáng lý ra tôi cần nhận ra sự vô lý là một người mang giày cao gót vào buổi tối thì phải vận đồ dạ tiệc, phải là áo dài, không thể leo qua hàng rào với bộ đồ đó mà không lưu lại dấu vết, không hề có dấu vết tà áo quét lên bùn.
– Ngay từ đầu, chúng ta đã bị dắt mũi và tập trung vào một con người, chúng ta hăng say vì cho rằng trí thông minh của mình bị kí©h thí©ɧ, chúng ta lao vào những thứ gây nghiện cho chúng ta mà quên rằng thảm kịch này còn nhiều hơn một nhân vật. Cho đến khi chúng ta biết rằng có một thứ đứng phía sau hắn.
– Cái này tôi rành hơn anh, anh Kiệt à. Điệu hổ li sơn. Một đòn chính trị bẩn thiểu mà không ít chính trị gia lão luyện vẫn thường dùng. Đó cũng là cách từng dùng để lật đổ Thaksin ở Thái và vô hiệu hóa quyền lực Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng. Vấn đề tôi gặp khó ở đây, là mục đích của kẻ đã khiến chúng ta mất tập trung vào ai? Tay thanh niên kia rốt cuộc chỉ là con cờ trong bàn cờ lớn, hắn xem chừng chỉ là con tốt thí.
Bất chợt tôi và Phi bốn mắt nhìn nhau rồi thốt lên.
– Khổng Minh cự địch ngoài ngàn dặm.
Rõ ràng chúng tôi luôn đi trễ một bước, chính điều đó cho thấy chúng tôi rơi vào một ván cờ mà ma trận đã bày sẵn. Mọi đường đi nước bước của chúng tôi đều đã được trù dự từ ai đó, kẻ phán đoán được chúng tôi sẽ điều tra đến Trần Mạnh Khoa, và nhanh chóng xóa dấu vết, kẻ đã khiến Trần Mạnh Khoa trở thành nghi điểm và nghi vấn nổi bật nhất vụ án bởi tính chất thông minh của hắn, tính nghệ thuật trong tác phẩm chết người. Hắn, một tội phạm thông minh sẽ làm quyến rũ mọi đầu óc khác, khi đó, người ta sẽ bỏ qua nhiều thứ. Đứng trước một tác phẩm yêu thích, người ta bị kí©h thí©ɧ và giác quan lạc lối.
Phi ôm đầu thở dài, tự trách.
– Một thằng nhãi Chu Du chưa giải quyết xong, giờ lại thêm một Gia Cát Lượng. Có lẽ tôi và anh cần đến sự giúp đỡ của những cái đầu khác.
– Không, hiện giờ chưa cần. Vì, tôi là một biến số trong ván cờ này. Rõ ràng chúng ta đánh ván cờ này nhanh hơn sự tưởng tượng của Gia Cát Lượng, hãy tạm gọi nhân vật bí ẩn phía sau là như vậy, chính vì vậy mà Trần Mạnh Khoa đã bối rối phải chuyển nhà nhanh. Chính ẩn số của tôi, sẽ làm thay đổi sách lược của Gia Cát, nên nhớ, Lưu Bị dù có ngũ hổ tướng, có Ngọa Long, Phượng Sồ cũng không thể thống nhất nhà Hán. Chính vì biến số của vòng xoay lịch sử. Đừng nghĩ nhiều nữa, anh đi uống sữa đậu nành không?
– Hahaha… hôm nay tôi là người của anh, anh được quyền chọn nơi mà chúng ta đến. Tôi cần phải trừng phạt bản thân mình ngày hôm nay.
– Đi xe tôi đi, chúng ta sang cầu Phú Xuân, dạo này tôi có thói quen uống sữa đậu nành khuya và ngắm xe qua lại.
***
– Anh thấy không, ở đây chúng ta được dịp trở về quá khứ, luôn có cách đi ngược thời gian bằng cách đi ngược chiều vào trung tâm thành phố. Ở Nhà Bè, những nếp sống của họ gợi cho tôi thời gian tôi còn bé, còn những quán rong trước nhà, ánh đèn hiu hắt, gió thoảng từng cơn trong giấc mộng đêm hè.
– Đi với anh tôi luôn thấy thoải mái. À, tôi có một điều quên hỏi anh. Sao anh biết hắn phải là người miền Tây?
– Ăn may thôi anh, không có điều gì khiến tôi biết. Nhưng trực giác tôi mách bảo, một người con gái thuần chất miền Tây và còn nhiều khuyết tật tâm hồn sẽ yêu đắm đuối một chàng thanh niên mà khí chất thôn dã vẫn còn. Những cô gái miền Tây thường thích con trai miền Nam hơn, tôi chẳng biết, có thể vì sự gần gũi văn hóa. Nên tôi đưa vào dữ kiện miền Tây để thu hẹp quan sát. Anh biết không, đôi lúc chúng ta cần trực giác nhiều hơn là lý trí, trong trường hợp này là vậy.
– Vì sao?
– Vì chúng ta cần tin rằng bản năng không bao giờ phản bội chúng ta. Anh đã từng gặp kẻ nào mà khiến anh cảm thấy sợ sệt chưa? Vì tiềm thức của anh lí trí nhanh hơn lí trí do chúng ta tổng hợp lại, chính tiềm thức đã cô đọng chúng lại thành những phản xạ vô điều kiện, đó chính là trực giác. Trực giác chúng ta, khi nguy hiểm nhất, chưa bao giờ phản bội chúng ta.
– Đúng.
***
Cơn gió đầu mùa Hạ bắt đầu thổi những hơi khô khốc lan qua mặt đường Huỳnh Tấn Phát, bên dốc cầu Phú Xuân là huyện lị Nhà Bè. Phi đưa làn môi nhấp từng ngụm sữa, sữa vện một lớp trắng quanh môi, đó là nét đẹp bình dị của một đứa con Hà Nội lần đầu xuống phố. Bên đây cầu Phú Xuân, buổi tối người ta tụ tập bán đủ thứ, cháo, chè, trà sữa, bánh canh, nui, bún, miến, cơm, xôi v.v. Tôi có cái thú ngồi đường uống sữa đậu nành, không phải vì nó ngon, mà vì nó gợi nhiều ký ức. Phi không nhìn tôi, có lẽ vì cảm thấy câu hỏi sổ sàng.
– Chắc hẳn tuổi thơ anh gắn liền với phố phường và nếp người bình dân? Tôi ngồi đây và cảm giác anh luôn dành nhiều tình cảm cho những người bình dân. Anh thích quan sát và muốn hiểu tâm tình của họ, những tâm tình rất đỗi bình dị và tầm thường. Tôi nhìn trong đôi mắt anh như một người rời xa quê hương và cố nhìn lại nó lần cuối, như cơn hấp hối cuối đoạn đường gắng hơi thở dốc.
– Tôi không biết, nhưng cái thời mà mọi gia đình đều khó khăn như nhau và tuổi thơ tôi ở đó. Chính cái không gian nghèo hèn mà đêm đêm bố tôi mở radio nghe đọc truyện Kim Dung lúc mười giờ và chỉ vỏn vẹn mười lăm phút. Mẹ tôi ngồi thêu gia công hoa văn trên từng tấm áo dài, những đêm xuống, mẹ tôi giăng mùn và đập từng con muỗi, trên bàn thờ còn leo lét cây đèn dầu. Làng xóm quanh tôi cả một trời ký ức của ngày mưa ngập nước, ngày nắng thì mất điện. Tôi thường thích thú nhìn con vụ xoay tròn mà ngoài Bắc gọi là con tạo, tôi nhớ đến những hòn bi ve chai sạn vì phép bắn của mình và thích thú khi nó rơi vào lỗ. Tất cả ký đó, nó mang tôi đến nghệ thuật và cho tôi được ngày hôm nay.
– Mang anh đến nghệ thuật?
– Với thơ, một người chị hàng xóm nghèo hèn và tủi nhục đã mang thơ đến cho tôi. Chị là con của một cô gái con sĩ quan thời chế độ cũ, mẹ chị được ăn học rất cao, và như bao người đàn bà thời đó, đàn bà quý tộc thì không được phép có nghề. Họ chỉ được học cách trở thành mệnh phụ phu nhân, học cách giao tiếp với đàn ông trong những buổi dạ tiệc. Thời vận đổi thay như con tạo xoáy vào tầng không, năm 75, bà mất tất cả, mất cha, mất mẹ. Một người đàn bà trẻ, không nghề nghiệp và chưa quen lao động chân tay, thì sẽ làm gì để nuôi sống mình trong cuộc vật đổi sao dời đó? Vâng, làm đĩ anh. Bà phải phục vụ từ bộ đội đến sĩ quan, nghèo hèn sang trọng bà phải tiếp, nhưng phẩm giá cao quý của một người đàn bà có nề nếp vẫn còn trong tướng đi và lời nói của bà. Và rồi mà mang thai chị. Không biết chị lớn lên như thế nào, nhưng có lần, chị kéo tôi và Tuấn ra sau hè mà bảo, chị có cái này hay lắm đọc cho hai đứa nghe. Anh biết gì không? Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều. Chị đọc bốn câu thơ mà giọng đầy nỗi chua cay.
Khi bóng thỏ chênh-vênh trước nóc,
Nghe vang lừng tiếng giục bên tai
Dè chừng nghĩ tiếng tiểu đòi,
Nghiêng bình phấn mốc, mà giồi má nheo.
Hẳn là hằng đêm, qua bóng đèn dầu nhà chị, chị nằm trong chiếc giường trải chiếu, thông qua tấm vải mùn mờ ảo, mẹ chi đêm về. Bà khó khăn lau từng vết son phấn chua cay trên khuôn mặt, bao nỗi khốn khó hiện lên khuôn mặt này, đứa con sẽ nghĩ gì? Nên nó đã tìm đến nghệ thuật và chỉ một câu thơ vỗ về nó, nghiêng bình phấn mốc và giồi má nheo. Và nó đã trao lại cái tâm tự đó cho hai đứa trẻ khác chỉ mới sáu bảy tuổi là tôi và Tuấn. Thơ đến với tôi là những gì trần tục, chua cay, đau đớn của kiếp người quanh tôi. Vậy anh đòi tôi phải cư xử làm sao với quá khứ của mình?
– Mỗi con đường hình thành nên một con người luôn có nhiều khúc quanh. Tôi xin lỗi vì tò mò vô ý.
– Phi. Anh gợi cho tôi một ý tưởng tốt. Chúng ta quên mất khúc quanh của đời người. Tôi biết chúng ta phải làm gì. Mọi sự định hướng tập trung về Trần Mạnh Khoa, đơn giản, là muốn chúng ta quên đi cô gái. Nhanh, nhanh lên anh, trở về nhà kẻo không kịp.
***
– Phi, anh thấy không, chúng ta bỏ qua cảm xúc của cô gái. Một người con gái đột ngột có đời sống kinh tế khá giả lên, cô ta sẽ nghĩ đến điều gì đầu tiên? À há, anh không biết đúng không? Hưởng thụ cuộc sống. Tâm lý nhược tiểu của kẻ nghèo. Luôn tìm mọi cách chối bỏ quá khứ nhọc nhằn. Mà anh nhìn đây, cô gái không dùng iPhone, nhà không hề có máy tính bảng, không có trang phục quá đắt tiền, hay có bất cứ thứ gì để phô diễn đời sống dư dật. Nếu nói cô gái không thích đời sống tiện ích và vật chất là trái với tâm lý của một người đang trưởng thành vốn nhiều nhu cầu. Theo anh, điều gì đã khiến cô gái trở nên như vậy?
– Tôi không nghĩ người cha có thể tiện tặn với đời sống người con, một người có đời sống khắc kỷ chỉ có hai nguyên nhân: tiền túi không nhiều và…
– Tôn giáo.
– Đúng, nhưng trong nhà không cho thấy cô gái là một tín đồ ngoan đạo.
– Đó chính là cái mà kẻ sát nhân đã không muốn chúng ta để ý. Anh nhìn xem, trên đầu giường có ba cây đinh, rõ ràng nơi đó dùng để treo một cái gì đó. Đây nữa, con ốc lòi ra mà không có một vật kỳ, kia nữa và kia nữa. Cô gái có đạo, tôi đoán là Catholic và một thứ Catholic khắc kỷ, thủ phạm đã tiêu hủy và mang đi những bức tranh và phù điêu tôn giáo. Anh nghĩ xem, lí do gì hắn muốn loại trừ khía cạnh tôn giáo của cô gái ra khỏi óc chúng ta?
– Tôn giáo là một nguyên nhân.
– Điều tra trở ngược lại từ nhà thờ. Tôi tin chắc anh sẽ biết được cô gái thường đi nhà thờ nào từ cha cô ấy và hẳn, ông ta cũng là một tín đồ ngoan đạo. Anh biết không, không bầy chiên lúc nào cũng có vài con chiên ghẻ. Gia Cát Lượng của chúng ta không chừng là con chiên ghẻ xấu xa nhất của đàn. Không chắc, nhưng biết đâu được.
– Tôi sẽ dành thời gian điều tra về cô gái. Anh cho tôi ba ngày.
– Tôi sẽ ngồi nhà phác thảo lại mối quan hệ của tất cả những con cờ. Khi ra được thế cờ, chúng ta sẽ biết được chủ nhân nó muốn gì.
– Trông cậy vào nơi anh.
– Tạm biệt, tôi cần về nhà và ôm facebook của mình.
– Hahaha.
—————-
- 🏠 Home
- Hồi Ký
- Voz
- Những Ngày Cuối Tháng 4
- Chương 2: KHỔNG MINH CỰ ĐỊCH NGOÀI NGÀN DẶM