Bức tranh
“Trăng thượng huyền” đã trao tận tay thím Hoa trót lọt, không ai trông thấy.
Khi đó vào khoảng chín giờ sáng, nhà chỉ có thím Hoa đang ngồi may. Hoàng đã dò xét trước, biết chắc Thùy Linh giờ này đã đi chợ chuẩn bị làm cơm trưa, Đại úy Thìn tuần này không về - tình hình chiến sự khá căng thẳng đã buộc chân ông ở lại đơn vị. Hoàng lẻn vào. Đúng là lẻn vào thật vì anh không vào cổng chính. Đáng ra cứ xách bức tranh ngang nhiên đi vào cổng chính cũng chẳng sao, nhưng khi đến gần cổng Hoàng bỗng thấy hồi hộp ghê gớm và sợ, một nỗi sợ ngớ ngẩn buộc Hoàng rẽ trái đi vòng lối vườn nhà, lối mà Hoàng đã bò vào xem trộm qua cửa sổ đêm Đại úy Thìn cột dính lưng Họa sĩ Tư và thím Hoa.
- Thím!
Hoàng đứng sau lưng thím bất ngờ gọi - Dọa một chút cho vui. - Thím Hoa giật bắn người, quay vụt lại:
- Ối... Ma bắt thằng này! Làm thím hết hồn. Đi vào lối nào thế, cháu?
Hoàng cười:
- Đi vào lối mà bọn ăn trộm sẽ vào nhà thím một ngày không xa... Chà, nhà
“quân sự” mà gác xếch sơ hở quá!
Không chú ý lắm câu nói đùa khá nhạt của Hoàng, thím Hoa dán mắt vào cái mà anh đang cầm trên tay: bức tranh được cuộn tròn, bọc kín giấy báo.
- Cái gì thế?... - Thím rụt rè hỏi.
Hoàng không trả lời, đưa bức tranh cho thím. Thím đỡ lấy, lập cập tháo gỡ dây buộc.
- Tranh hả? Đúng là tranh không?
Hoàng cố tình không trả lời, mọi sự trả lời đều thừa. Anh chú ý quan sát thím Hoa. -
“Xem tuổi già họ yêu nhau ra làm sao”.
Bức tranh đã được thím giăng rộng. Thím ngồi lặng trước bức tranh, mặt tái đi. Mười phút sau, thím ngẩng lên, môi run run:
- Chú Tư bảo cháu đưa đến phải không?
- Vâng. Chú ấy dặn thím giấu đi.
Thím nhìn Hoàng, ngơ ngác như một học trò đần độn trước lời giải thích đơn giản của thầy giáo. Hoàng nhắc lại, thím vẫn lơ ngớ, chưa hiểu ra làm sao.
- Chú Tư bảo cháu đưa đến đây phải không?
- Vâng.
- Thế rồi cháu đưa đến đây?
- Vâng.
- Thế rồi... chú ấy bảo thế nào nhỉ?... Cất đi phải không?
- Vâng, chú ấy dặn thế.
- Thế à? Cất đi à?...
Thím đưa tay run rẩy lần dò khắp bức tranh, cố phát hiện xem còn gì đằng sau đó nữa không. Không thấy gì, tất nhiên. Thím lại ngước lên, ngơ ngác.
- Thế rồi... chú Tư có dặn gì nữa không?
- Không. Chú ấy chỉ dặn thím xem xong thì cất đi ngay.
- Thế à? Không dặn gì nữa à?
- Vâng.
- Cất đi chứ gì... đúng không cháu?
Sốt ruột quá Hoàng kêu lên:
- Khổ quá, cháu đã nói rồi mà thím cứ hỏi mãi!
Thím Hoa sực tỉnh, đứng ngớ ra một chút, rồi uể oải tiến đến, đặt tay lên vai Hoàng, thì thầm:
- Xin lỗi cháu. Tại vì bất ngờ quá cháu ạ. - Ngẫm nghĩ một lát, thím lại thì thầm. - Cháu có hiểu thím không Hoàng?
- Hiểu cái gì ạ?
- Là hiểu thím ấy... ví dụ như là có khinh thím không?
Hoàng gãi đầu:
- Cháu còn con nít. Chú Tư bảo cháu đưa cho thím thì cháu đưa, chứ cháu có nghĩ ngợi gì đâu.
Thím lắc đầu, mắt chớp chớp. Hoàng rời thím, đến chiếc chõng tre, ngồi xuống. Thím đi theo, ngồi xuống cạnh.
- Cháu khôn rồi. Thím biết. Trong việc này... cháu có chính kiến của cháu...
- Chuyện gì kia ạ? Cháu chả hiểu gì cả...
Hoàng vờ ngơ ngác nhìn thím.
“Thôi đừng vờ nữa!” - đôi mắt thím nhìn Hoàng.
“Thím biết quá kỹ rồi, hỏi cháu làm gì?” - đôi mắt Hoàng nhìn thím.
“Nhưng thím thích được nghe cháu nói.” -
“Cháu biết nói gì đây.” -
“Ờ, có bao nhiêu là chuyện. Ví dụ một lời khuyên của cháu...”Hoàng cúi đầu, buồn rầu nói:
- Thím muốn biết cháu nói gì phải không? Cháu nói thế này nhé! Thùy Linh rất đau khổ. Nếu câu chuyện của thím và chú Tư tiếp tục... thì cô ấy sẽ chết được. Cô ấy chưa chịu được đau khổ... cháu biết cô ấy chưa chịu được đau khổ.
Hoàng ngừng lại. Thím Hoa nín thở chờ đợi. Thím không ngờ một chú bé mới lớn lại nói năng nghiêm chỉnh đến thế.
“Như người lớn.” - Thím nghĩ -
“Trẻ con bây giờ thật kinh không.”Hoàng tiếp tục, anh biết thím đang đợi anh tiếp tục:
- Còn cháu, cháu chả giận chả khinh gì hết... Nhưng thú thực cháu không hiểu gì hết, cháu sợ... Cháu vừa khâm phục vừa ghê tởm. Vì sao như vậy thì cháu không biết. Không biết thật chứ không phải cháu giả vờ...
- Ờ...
Thím Hoa úp hai bàn tay lên mặt, gục xuống. Hai bờ vai thím rung rung. Thím khóc thầm. Nước mắt lọt qua kẽ tay rơi từng giọt một. Hoàng ngồi im thêm một vài phút nữa, không nghe thím nói gì thêm, bèn chống gối đứng dậy.
- Thôi, cháu về đây...
- Ấy, khoan...
Thím giật mình đứng bật dậy, vội vàng kéo áo Hoàng:
- Ngồi với thím thêm ít nữa, cháu! Thím... thím sẽ trình bày... thật, thím sẽ trình bày...
Hoàng ngồi lại, hồi hộp chờ đợi thím Hoa sẽ tiết lộ gì với anh về cuộc tình nguy hiểm của thím. Thím rót một cốc nước đầy, tu sạch. Dằn mạnh cốc xuống bàn, thím ngước lên. Toát ra trên gương mặt đầm đìa nước mắt của thím vẻ kiêu hãnh của những người đàn bà quyền quý luôn sợ bị sỉ nhục. Không nhìn Hoàng, thím nói, giọng đanh lại, độc ác và cay nghiệt.
- Cháu có biết vì sao thím lại như này không? Không biết chứ gì? Đúng thế. Không ai có thể biết, không ai cả! - Thím rít lên thở hồng hộc. - Không ai biết bởi người đời, thím muốn nói cái lũ người đời khốn nạn ấy, luôn luôn làm rối lên trong những việc đơn giản nhất. Tức là gì? - Thím đập tay xuống bàn. - Tức là chúng nó sợ phức tạp, sợ rắc rối nhưng lại nghi ngờ tất cả những gì dễ hiểu, đơn giản. Nghịch lý, nghịch lý ghê tởm. - Thím ngừng ngắn, hạ giọng. - Đơn giản thế này thôi: thím hát một câu: tư sản! Ngâm thơ một bài: tư sản! May cái váy ngủ cho thoáng: tư sản. Không, không phải như thế. - Thím lắc đầu, bối rối tìm từ diễn đạt. - Như thế nào nhỉ? À... Tất cả những gì thím biết được, đọc được, nghe được, thấy được mà thích thú là tư sản tất cháu ơi! - Thím thay đổi sắc mặt, từ kiêu hãnh, khinh khi sang một vẻ gì đó mà Hoàng không biết được. Chỉ biết gương mặt thím nửa thì căng lên, đỏ ửng; nửa thì nhăn nhúm, méo xệch. - À quên, như thế này nữa chứ; Thùy Linh cũng vậy cháu ạ. Bao nhiêu đôi guốc cao gót thím sắm cho nó, bị chẻ sạch. Cháu ơi, tất cả cái gì chế độ cũ để lại đều thối nát, bẩn thỉu... Chỉ có chế độ mới là sạch sẽ thơm tho. Ông ấy nói như vậy đấy. Ông ấy là ai? Tức là chồng thím. - Thím bắt đầu mếu máo, vừa nói vừa khóc. - Ông ấy giáo dục thím đủ điều: ăn, uống, nói, cười, vui chơi, đi đứng... nhất nhất phải đứng trên quan điểm giai cấp vô sản. Ối chao ôi, cả ngủ nữa cháu ạ. Ngủ cũng phải như thế, nhất cử nhất động, răm rắp... răm rắp... Cháu ơi người ta nói đứng trên quan điểm của giai cấp vô sản chứ có ai nói nằm trên quan điểm giai cấp vô sản đâu cháu! Hu hu hu...
Thím Hoa khóc rống lên. Vật vã. Lăn xả lên giường gào thét. Hoàng lẳng lặng rút lui. Sờ lên trán thấy mồ hôi dầm dề...
***
Thị trấn Linh Giang nhận được hai tin quan trọng làm bùng nổ hàng loạt các cuộc
“tọa đàm” râm ran khắp thị trấn. Đó là
“sự kiện vịnh Bắc bộ” khởi đầu một cuộc chiến tranh từ trên trời rơi xuống và sự kiện Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh say rượu tại quán thịt chó Cule.
“Sự kiện vịnh Bắc bộ” khỏi cần nhắc đến vì nó được nhắc đến trên nhiều sách báo và vì sự xôn xao của dân thị trấn cũng giống sự xôn xao ở mọi nơi thời này. Còn việc bí thư huyện ủy say rượu thì...
Đại úy Thìn nói:
- Bí thư huyện ủy say rượu, thật kinh khủng. Còn gì là thanh danh của một người đứng đầu huyện này? Vai trò người Đảng viên cộng sản để đâu?
Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy gật gù:
- Mất uy tín! Mất uy tín! Thật chẳng còn gì là thanh danh.
Bác Cả Rí cầm xâu lươn vòng vòng khắp thị trấn, dừng lại ở các đám đông đang bàn tán, vểnh tai lên nghe, lại đi. Thỉnh thoảng bác nói chõ vào:
- Toàn Đảng toàn dân say rượu! Tôi dám chắc như vậy, không say rượu thì say gì, hả? Mẹ, rượu đắt bỏ bố, uống mà không say là ngu, vứt tiền qua cửa sổ!
Nơi khác, bác lại nói:
- Ai say rượu cũng được tất, trừ bác Thanh. Bác Thanh mà say thì còn ai để xây dựng Chủ nghĩa Xã hội! Nguy, vận nước lâm nguy!
Riêng Bỉ cứ tủm tỉm cười. Ai hỏi gì cũng tủm tỉm cười không nói gì. Trần Hới trầm tĩnh hơn, phát biểu sự kiện này, anh cân nhắc khá kỹ lưỡng, gần như đếm từng chữ một.
- Chúng tôi thấy vấn đề này cần phải được đem ra thảo luận trong Đảng bộ, bởi vì nó động đến một vấn đề lớn hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Đó là sự sa sút nghiêm trọng ý chí tiến công cách mạng của người Đảng viên cộng sản. Thêm vào đó, nó chứng tỏ sự tha hóa vô bờ bến của bác Thanh. Vấn đề là tìm cho ra nguyên nhân dẫn đến sự sa sút này.
Bỉ tủm tỉm cười, luôn luôn tủm tỉm cười.
“Đòn thứ nhất của Trần Hới”, anh nghĩ. Nghĩ xong lại tủm tỉm cười, không nói gì. Cách đó mấy hôm, đi ngang qua văn phòng ủy ban, Bỉ nghe mấy chị em văn thư bàn tán về việc Trần Hới được
“nhấc” lên chức Phó Bí thư huyện đoàn, anh xoa xoa tay nói một mình:
- Mẹ khỉ! Tay này giỏi đổi chác thật.
Ai nghe cũng không hiểu Bỉ định nói gì. Thường thì Bỉ chỉ nói lấp lửng rồi cười, toét miệng vui vẻ như chẳng có gì quan trọng cả. Nhưng nếu ai chịu khó nghĩ một chút đều hiểu Bỉ đang nói về cuộc đổi chác thông minh của Trần Hới: ông Lanh
“ném” đứa con gái xấu xí của mình cho Trần Hới, một anh chàng đẹp trai có một không hai ở thị trấn này, và Trần Hới đã đón nhận khá vui vẻ. Thế đấy! Vậy nghĩa là thế nào? Nghĩa là bây giờ Trần Hới đã nhảy lên chức vụ mới, cũng chưa thơm tho gì cho lắm nhưng cũng là chức vụ khó kiếm. Trong thời buổi
“người nhiều ghế ít” này, cái ghế ấy chẳng phải ai cũng kiếm được đâu!
Ấy là Bỉ nghĩ thế, nghĩ thế chứ chẳng bao giờ nói thế. Bỉ chỉ tủm tỉm cười, dạ ran mỗi khi Trần Hới gọi. Nói chung cán bộ nào trong Ủy ban huyện gọi, Bỉ cũng dạ ran. Anh hiểu, một cách sâu sắc, rằng Phòng Văn hóa Thông tin của anh là phòng phục vụ chính trị các ngành khác, các ban phòng khác. Vậy ai gọi cũng phải
“dạ” chứ sao?
- Ối giời ơi, tôi chóng mặt quá!
Cule kêu toáng lên khi Bỉ bước vào quán.
- Cái gì đấy? - Bỉ hỏi.
- Dồi chứ? - Cule hỏi lại.
- Dồi, lần này thì dồi. Dồi cho nó chết mẹ nó đi chứ nó bẩn lắm! - Bỉ khoát tay nói như quát.
- Tốt rồi! - Cule vỗ tay, bước nhanh vào trong nhà trong, nói với ra: - Ối giời ơi, tôi chóng mặt quá!
Bỉ chùi mồ hôi trán, ngồi gật gù một mình. Cule bưng đĩa dồi
“sum sê” bước ra. Bỉ hỏi:
- Bác chóng mặt cớ làm sao?
- Ối giời ơi, thế mà bác cũng hỏi em! Là vì người ta lên chức vù vù mà em thì cao huyết áp...
- Ha ha... được!
Bỉ đập tay xuống bàn, mặt mày rạng rỡ vì tìm được người tâm đắc. Dáng bẽn lẽn, Cule thì thầm:
- Em định nói với bác điều này mà em ngượng quá!
- Tức là sao?
Cule ghé miệng vào tai Bỉ thả từng tiếng một:
- Nếu bác muốn lên chức thì bác cứ hủ hóa đi, đắc sách đấy!
Bỉ cười, văng cả miếng dồi chó xuống bàn. Anh biết Cule đang nói Trần Hới về vụ
“học trò cấm cãi” dạo Trần Hới còn là giáo viên dạy Toán ở trường cấp ba huyện. Bỉ chùi mép, ghé miệng vào tai Cule:
- Tôi muốn bỏ mẹ nhưng tôi sợ. Tôi nhát lắm. Tôi hủ hóa với vợ tôi mà còn sợ run lên nữa là...
- Bi kịch! Bi kịch đó, bác ơi! Ối giời ơi, em chóng mặt quá.
Cule ôm đầu nhăn nhó, đứng ngóng ra đường. Bỉ vét nốt miếng dồi chó cuối cùng, bước ra quán.
Chiều nay trừ Bỉ ra không có khách. Tối đến vẫn không có khách. Đến tám giờ tối thì có người gõ cửa.
Cule ra mở cửa và đứng như trời trồng. Lần đầu tiên Cule thấy lúng túng khi đón một khách nhậu. Ông đứng dịch ra cho khách vào, lặng lẽ quan sát sắc diện của khách, không hỏi gì nói gì. Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh,
“khách nhậu tám giờ tối”, lần đầu tiên bước vào quán thịt chó Cule. Ông ngồi xuống, dáng mệt mỏi và chán chường. Cule không hỏi gì nói gì, ông cũng vậy, khoảng mười phút sau ông mới lên tiếng:
- Còn gì nhắm nữa không?
- Thưa có. - Cule lập cập trả lời.
- Gì?
- Thưa đủ cả... thưa ngày nay em ế khách...
- Ờ, chiều nay nóng dữ...
Cuối cùng các món nhậu đã dọn ra. Bí thư huyện ủy nhậu say sưa, ăn một mình uống một mình mà say sưa như đang nhập cuộc với những người tâm đắc. Cule ngồi cạnh chờ sai vặt và chú ý thái độ của ông. Ông uống hết một chai ba rượu, lại gọi thêm một chai bảy...
- Thưa, rượu nặng lắm!
- Tôi biết...
Bí thư huyện ủy khoát tay ra hiệu Cule đừng dính vào cuộc nhậu của ông. Ông cần yên tĩnh, yên tĩnh tuyệt đối. Bây giờ ông chỉ thích đối diện với chai rượu, có vậy thôi. Suốt đời ông đã đối diện với nhiều người, những cuộc đối thoại liên miên làm ông chán nản đến kinh khủng. Ông uống từng chén một, từ từ, từ từ... Lại thêm một chai bảy nữa... Cule thè lưỡi:
“Một bợm rượu hảo hạng mà mình không biết trời ạ!” Bí thư huyện ủy không hề để ý đến Cule, cứ uống liên miên, từng chén một, từ từ, từ từ...
- Thưa, rượu nặng lắm!
- Tôi biết...
Bí thư huyện ủy lại khoát tay ra hiệu cho Cule hãy im đi, im hẳn đi. Bởi vì trước mặt ông bây giờ không phải là Cule mà là Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy. Ông phải trả lời thật trung thực ba việc bị chất vấn:
1. Vì sao tự ý thả Họa sĩ Tư ra?
2. Vì sao lại tổ chức ngày sinh nhật rầm rộ?
3. Vì sao bị địch bắt trong quá trình công tác mà không khai báo?
Ông trả lời, rành mạch và cương quyết, rằng Họa sĩ không có tội gì, ít ra cũng theo quan điểm của ông; rằng ngày sinh nhật của ông là không phải do ông tổ chức, người ta tự ý tổ chức và bắt ông nhập cuộc; rằng quả là ông bị địch bắt trong khi đi công tác nhưng chỉ một giờ sau là ông trốn thoát được và vì thế ông không khai báo. Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy cười. Tiếng cười báo cho ông biết ông thật ngây thơ, ông là Bí thư huyện ủy mà thật ngây thơ...
Ông phải làm bản tự kiểm điểm, Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy yêu cầu. Ông gầm lên:
“Tôi không làm! Tôi có khuyết điểm gì mà phải kiểm điểm”. Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy cười, nhẹ nhàng nói:
“Đây là yêu cầu của Thường vụ. Anh làm hay không, tùy anh...”.
Và ông hiểu, một cách sâu sắc, rằng chữ
“tùy” ấy có sức nặng thế nào. Ông viết, viết một lèo bản tự kiểm điểm dài mười hai trang cốt để làm mờ cái chữ
“tùy” ấy đi. Lúc đầu ông viết rất khó khăn, mặt nhăn nhó. Sau, ông viết rất nhanh, vừa viết vừa cười, cười ha hả. Xong, ông vứt bút đi một mạch ra quán thịt chó Cule...
Ông uống, từng chén một, từ từ... cho đến khi ông thấy một Đại úy Thìn bỗng tách ra thành hai, hai thành bốn, bốn thành tám, tám thành mười sáu... Ông hốt hoảng định bỏ chạy, nhưng chưa kịp đứng dậy ông đã ngã nhào xuống đất.
- Cứu! Cứu Bí...!
Cule kêu ầm lên, co cẳng chạy lên huyện ủy. Đến nửa đường, Cule đứng lại ngẫm nghĩ và quay lui. Khi bước vào quán đã thấy Bí thư huyện ủy ngồi dậy, tựa vào vách nói lảm nhảm như mọi kẻ say rượu trên đời vẫn thường nói lảm nhảm. Ngày hôm sau, cả thị trấn Linh Giang ai ai cũng biết việc này.
***
Có một tiếng nổ dữ dội hất ngược Hoàng trở dậy.
Bom!
Mấy cột khói đen đang bốc lên cùng với rác rưởi, sắt, đá phía bờ sông Linh.
Lúc này khoảng mười một giờ trưa.
Thế là chiến tranh đã đến. Một cuộc chiến tranh không ai muốn, đã đến.
Trên trời ầm ầm tiếng máy bay. Không nhìn thấy gì cả, chỉ nghe tiếng rít như xé vải. Tiếng súng trường, đại liên, tiểu liên... rộ lên khắp thị trấn. Dân quân du kích bám trên cái mái nhà, các ngọn cây thi nhau nổ súng.
Hoàng chạy vụt ra ngõ.
Một đàn bò vài chục con đang cong đuôi chạy thục mạng ra bãi cát sau thị trấn. Lần này Hoàng trông rõ bốn chiếc máy bay (sau này anh biết đó là loại AD6) lừ lừ từ biển vào. Một nhóm dân quân cố đu lên mái nhà bác Cả Rí. Người nào lên được, vội vàng giạng háng đứng bắn liên tiếp từng loạt một. Những người sau ra sức đẩy đít nhau đu lên.
Bác Cả Rí nhảy đại lên cột rơm, hai chân kẹp chặt vào cột gỗ làm nồng cho cột rơm, mặt ngửa lên trời, mồm nhai trầu bỏm bẻm, tay phải cầm dùi cui gõ nhịp ba vào cái mâm đồng đang cầm ở tay trái.
Có một chiếc AD6 hạ độ cao, sà thấp xuống rất nhanh về phía Ủy ban Nhân dân huyện. Một tốp ba người, không rõ trẻ hay già, ra sức đuổi theo, vừa đuổi vừa bắn. Khi chiếc AD6 bay vọt lên, đùm một đám khói đen thì khắp thị trấn ầm ầm tiếng la hét, tiếng hoan hô, tiếng gõ vào các dụng cụ sắt nhôm... Người ta ngỡ máy bay cháy, nhưng không phải, chiếc máy bay không việc gì sất, nó lật cánh hai ba lần như cố tình chọc tức
“các anh hùng chân đất”.
Đám dân quân đứng trên mái nhà bác Cả Rí vừa bắn vừa chửi. Bắn cũng hung mà chửi cũng dữ. Riêng bác Cả Rí thì vẫn hai chân kẹp chặt vào cột gỗ, miệng nhai trầu bỏm bẻm, cứ nhịp ba nện dùi thẳng cánh vào cái mâm đồng làm cho nó cong lên như một cái bánh đa nướng.
Mấy quả bom Mỹ thả hụt, rơi phía bờ sông Linh làm hai đội cứu thương và cứu hỏa chạy toát mồ hôi hột về phía đó. Chẳng việc gì cả, như chó ỉa đùn, chỉ mấy cái hố nông choèn đùn lên sát mép bờ sông. Đội cứu thương ngụy trang đầy mình, nam nữ đều đội mũ vải, bịt khẩu trang. Đội cứu hỏa mặt mày đỏ bừng, ai cũng đội mũ sắt, chân đi ủng. Họ đứng lần chần một chút trước mấy cái hố nông choèn kia, xác định chẳng có việc gì phải làm, kéo nhau về, bán tán râm ri.
Chiến tranh diễn ra ở đây chưa đầy hai mươi phút và kết thúc khá vui vẻ: ta không sao, địch cũng chẳng việc gì. Nhưng đấy chỉ là tấn hề tuồng nhẹ nhàng, giáo đầu cho một vở kịch lớn lao sắp mở màn.
***
Chiến tranh diễn ra chưa đầy hai mươi phút và kết thúc khá vui vẻ: Ta không sao. Địch cũng chẳng việc gì. Nhưng đấy là tấn hề tuồng nhẹ nhàng, giáo đầu cho một vở kịch lớn lao sắp mở màn.
Hoàng không hình dung nổi được điều này. Anh thấy vui hơn là lo lắng, sợ hãi. Ồ, cái điều mà người đời thì thầm với các bộ mặt nghiêm trọng trong gần một năm nay chỉ là hai mươi phút đầy tính hoạt kê này thôi ư? Nếu vậy thì chẳng có gì phải bàn, chiến tranh cũng chỉ là trò chơi ú tim của thâm thù và cay cú, có vậy thôi. Hoàng thấy khoan khoái, nhẹ nhõm và vui, một niềm vui gần như không lý do cứ râm ran suốt buổi chiều hôm đó.
Đến sẩm tối, Thùy Linh chạy đến nhà Hoàng. Cô xô cửa gài cổng lao vào nhà.
- Ơ kìa, Thùy Linh!
Hoàng kêu lên, đứng ngẩn ra một lát, rồi lao tới. Một tháng trời họ mới gặp nhau, kể từ ngày Đại úy Thìn ra lệnh triệt tiêu các cuộc chơi lớn nhỏ của họ trên bờ sông Linh.
Hoàng đỡ hai vai Thùy Linh, rối rít:
- Thùy Linh! Thùy Linh!
Thùy Linh không ngẩng lên, cô buông mình vào ngực Hoàng òa khóc:
- Anh ơi!
Thùy Linh kêu lên hai tiếng đó nhẹ nhàng như không. Đây không phải tiếng gọi lần đầu, cô đã gọi anh như thế giữa lòng sông Linh khi cả hai đều run lên, nóng lạnh vì những cái hôn đầu. Sau đó, cả hai đều ngượng và cảm thấy hình như chưa đến lúc gọi nhau như thế. Sẽ có một ngày, một ngày nào đó hãy còn xa lắm chứ không phải lúc này...
- Anh ơi!
Tiếng gọi ấy đã bật lên khiến Hoàng đứng trơ ra, ngơ ngác không biết làm gì nói gì. Thùy Linh đã gọi Hoàng như thế không phải khi mặt cô đỏ rực vì ngượng ngập và bối rối, nó được bật ra từ một nỗi đau khổ thật lớn chưa kịp nói thành lời. Hoàng dìu Thùy Linh về chiếc ghế đẩu cạnh đấy.
Họ đi từng bước chậm chạp, nặng nề. Thùy Linh ngồi xuống ghế, nín khóc. Hoàng hỏi đi hỏi lại cô tại sao lại như thế nhưng cô không trả lời. Tay chống cằm, mắt đầm đìa nước mắt, Thùy Linh nấc khẽ. Hoàng rót đầy một cốc nước sôi để nguội bưng đến đặt vào lòng bàn tay trái buông hờ của Thùy Linh.
- Em uống nước đi.
Hoàng cố gắng sử dụng đại từ nhân xưng này thật thành thạo, cứ như không ấy, dù vẫn thấy sống sượng thế nào, chưa
“vào” được. Thùy Linh uống một hơi sạch cốc. Vừa dứt, cô đã chìa cốc ra:
- Cho em thêm cốc nữa!
Hoàng đỡ lấy, nhanh chóng rót đầy cốc nữa cho cô. Lần này Thùy Linh uống từng ngụm, vừa uống vừa ngẫm nghĩ rất lung về điều gì đó. Hoàng đứng lớ ngớ bên cô, không biết nên làm gì lúc này là hợp lý nhất. Bụng nghĩ thầm:
“Hay Đại úy bị việc gì rồi. Có thể bên kia sông, nơi đơn vị ông đóng quân, địch đánh phá ác liệt...”. Anh chực hỏi điều này mấy lần nhưng không dám, sợ nhỡ không đúng lại bị trách là
“gở miệng”, nên thôi.
- Lúc có máy bay, em đi đâu? - Hoàng hỏi.
- Em ở nhà. - Thùy Linh trả lời.
- Thế... - Hoàng cố nghĩ thêm một câu hỏi nữa. - Thế em không xuống hầm à?
- Không.
- Thế... - Lần này bí quá, Hoàng hỏi liều. - Thế ba có việc gì không, em?
Thùy Linh khẽ lắc đầu. Cô đưa cốc nước cho Hoàng, ra hiệu cất đi. Hoàng làm theo, xong, lại lớ ngớ bên cô.
- Thế... em có thấy máy bay... không?
Thùy Linh từ từ ngước lên, mắt dại đi. Từ trong hố mắt xanh non của cô đôi hàng nước mắt từ từ lăn.
- Anh! Anh Hoàng ơi! Mẹ em trốn nhà đi rồi!
- Sao? - Hoàng giật mình. - Cái gì? Trốn là sao?
Thùy Linh đứng vụt dậy, hai tay túm lấy ngực áo Hoàng day day:
- Trốn rồi! Trốn cùng với chú Tư! Anh ơi... trốn cùng với Họa sĩ Tư rồi!
Tiếng cuối cùng Thùy Linh hét lên ghê rợn, cô rơi xuống thành ghế mềm nhũn. Không một tiếng nấc.