Những Cây Cầu Ở Quận Madison

Chưa có ai đánh giá truyện này!
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Nếu bạn vẫn còn đang tự hỏi tình yêu là gì? thì “Những cây cầu ở quận Madison” sẽ cho bạn đáp án. Đó là khi yêu ai đó thật lòng thì cứ hãy để cho họ được làm những gì họ yêu thích, và hãy để cho họ đư …
Xem Thêm

Chương 7
Tro tàn

Đêm đã phủ xuống quận Madison. Sinh nhật lần thứ 67, năm 1987. Từ hai tiếng đồng hồ, Francesca vẫn nằm dài trên giường, bà vẫn có thể thấy, sờ hay cảm thấy tất cả những gì bà trải qua hai mươi hai năm về trước.

Bà còn nhớ, nhớ mãi. Hình ảnh ánh đỏ của đèn sau xe hơi ông khuất dần về phía Tây dọc đường 92, trong sương mù và trong làn mưa, vẫn theo bà từ hơn hai mươi năm rồi. Bà sờ nhẹ lên vυ" và cảm thấy bắp thịt ở ngực mình săn chạm vào tay bà. Chúa ơi, bà yêu ông ấy biết chừng nào. Bà yêu ông ấy hơn là bà có thể tưởng, bà càng yêu ông ấy hơn nữa trong giờ phút này, qua ngần ấy năm. Bà đã có thể làm bất cứ điều gì cho ông, ngoại trừ huỷ hoại gia đình bà và có lẽ, huỷ hoại cả chính ông nữa. Bà bước xuống cầu thang và ngồi xuống bên chiếc bàn cũ kỹ bằng mi-ca vàng trong nhà bếp. Trước đây Richard đòi mua một chiếc mới cho bằng được. Bà đành chìu nhưng khăng khăng đòi phải đem chiếc bàn cũ vào cất trong xưởng và bà chăm chút bọc lại trước khi khiêng đi.

”Anh thật chẳng hiểu tại sao em lại quá gắn bó với cái bàn cũ mèm nảy như vậy“. Richard nhận xét khi giúp bà mang bàn vào xưởng. Sau khi Richard chết, bà bảo Michael mang lại vào trong nhà. Michael không bao giờ hỏi mẹ tại sao lại muốn thay cái bàn mới bằng cái cũ này. Cậu chỉ đưa mắt nhìn dò hỏi và Francesca không nói gì cả.

Bây giờ thì bà ngồi vào chính chiếc bàn ấy. Rồi bà lấy từ tủ ra hai ngọn nến trắng cắm trên giá bằng đồng. Bà châm nến và mở máy thu thanh, đổi kênh cho đến khi máy phát ra một ban nhạc dịu dàng.

Bà đứng yên trước bồn rửa chén một lúc lâu, nhẹ ngẩng đầu như nhìn ông, lẩm bẩm: ”Em nhớ anh, Robert Kincaid. Có lẽ Đấng Tối cao trong sa mạc có lý. Có lẽ anh là người cuối cùng. Có lẽ tất cả những chàng cao bồi ngày nay đều đang biến mất“.

Trước khi Richard chết, bà không bao giờ thử gọi điện hay viết cho Richard, mặc dù suốt chừng ấy năm, ngày nào bà cũng thôi thúc muốn làm như vậy, bởi nếu ông còn bảo bà một lần nữa, hẳn bà sẽ ra đi với ông. Nếu bà viết thư, bà biết chắc chắn ông sẽ bay ngay đến tìm bà. Trong suốt chừng ấy năm, ông không hề gọi điện hoặc viết thư, sau khi gởi cho bà một bưu phẩm nhỏ gồm mấy tấm ảnh và một bản thảo. Bà biết rằng ông hiểu điều bà cảm nhận và hiểu những phức tạp mà ông có thể gây ra cho cuộc đời bà.

Bắt đầu từ năm 1965, bà đặt mua dài hạn tờ National Geographic. Bài phóg sự về những chiếc cầu có mái che xuất hiện năm sau và người ta thấy trên tạp chí hình chiếc cầu Roseman trong ánh sáng đầu tiên của bình minh, cái ngày mà ông nhận mẩu giấy nhắn của bà gắn trên cầu. Bìa cũng đăng một trong những tấm hình ông chụp: đó là ảnh hai con ngựa kéo chiếc xe về phía cầu Hogback. Bài viết cũng ký tên ông.

Phía sau tờ tạp chí, người ta thường giới thiệu các phóng viên và các nhà nhϊếp ảnh, đôi khi còn đăng hình họ nữa. Thỉnh thoảng cũng có đăng hình ông. Vẫn mái tóc xám bạc, chiếc vòng, quần jean hoặc kaki, máy ảnh đeo vai, đường gân hằn rõ nơi cánh tay. Khi thì ở Kalahari, trước bức tường đền jaipar ở ấn Độ, trong chiếc xuồng ở Guatemala, khi ở phía Bắc Canada. Con đường và chàng lãng tử. Bà cắt ảnh và bài của ông cùng cả số báo có bài về cây cầu, bản thảo và ảnh bà cùng mẫu giấy nhắn bà viết, tất cả vào một phong bì giấy dày và để vào ngăn tủ quần áo, lẫn lộn với mớ đồ lót, chỗ mà Richard không bao giờ sờ tới.

Nhìn những bức ảnh chụp Robert Kincaid, theo dấu ông qua bao nhiêu năm, bà nhận thấy ông già đi nhiều. Vẫn luôn luôn nụ cười đó. Vẫn cái thân hình dong dỏng, mềm mại và đầy bắp thịt. Nhưng bà có thể nhìn thấy những nếp nhăn nơi khéo mắt, khuôn mặt hơi trĩu nặng. Bà có thể đọc thấy tất cả điều đó. Bà đã từng quan sát chăm chú thân thể ông trước đây. Và bây giờ thấy ông già đi, bà lại thấy ham muốn ông hơn. Bà đoán - không, bà chắc chắn ông đang sống một mình. Và quả như vậy.

Giờ đây, hai mươi hai năm sau, ngồi bên bàn, bà lặng lẽ ngắm nghía những tấm hình cắt ra từ tờ tạp chí. Từ những miền xa xôi, ông nhìn lại bà. Bà lần giở bức ảnh trên số tạp chí năm 1967. Ông đứng gần một dòng sông ở Tây Phi, cận cảnh, mắt nhìn thẳng vào ống kính, cặp mày hơi nhíu lại, như đang nhắm vào một điểm nào đó.

Nhiều năm trước đây, khi nhìn bức ảnh này lần đầu, bà đã để ý thấy nơi sợi dây chuyền bạc ông đeo ở cổ có gắn thêm một hình trái tim nhỏ. Richard và Carolyn thì đã đi ngủ, bà bèn lấy cái kính lúp mà hồi bé Michael vẫn dùng để xem bộ sưu tập tem và đưa lại gần tấm ảnh.

”Chúa ơi“ - bà kêu lên. Trên hình trái tim có khắc chữ: ”Francesca“. Bà mỉm cười tha thứ cho hành động thiếu kín đáo duy nhất đó của ông. Trong những bức ảnh chụp sau đó, luôn luôn vẫn có hình trái tim nơi dây chuyền bạc của ông.

Từ sau năm 1975, ảnh của ông không còn xuất hiện trên tờ tạp chí nữa. Cả tên cũng không. Bà kiểm tra từng số nhưng không thấy. Năm đó ông hẳn đã sáu mươi hai tuổi.

Khi Richard chết vào năm 1979, sau tang lễ và sau khi các con đã đi, bà mới nghĩ đến việc gọi điện cho Robert Kincaid. Ông lúc đó đã sáu sáu, còn bà năm chín. Vẫn còn thời gian trước mặt hai người, dẫu cho là họ đã đánh mất đi mười bốn năm trời. Bà suy nghĩ thật lâu về điều này trong cả tuần lễ, rồi cuối cùng tìm số điện thoại ghi nơi thư ông và gọi ông.

Tim bà ngừng đập khi nghe chuông reo. Bà nghe tiếng trả lời, một giọng đàn bà:

”Bảo hiểm Mc Gregor đây“. Francesca choáng váng nhưng cố trấn tĩnh để hỏi lại xem có phải đúng số đó không. Đúng. Bà cám ơn và buông máy. Sau đó bà cố thử gọi tổng đài ở Bellingham, ở bang Washington để hỏi. Chẳng ai có tên này trong danh mục. Bà thử hỏi ở Seattle. Cũng không. Rồi các phòng thương mại ở Bellington và Seattle nữa. Cũng không nốt. Bà cũng yêu cầu người ta kiểm tra lại nơi các cuốn niên gím của thành phố. Họ kiểm tra lại và không tìm thấy ai có tên này cả.

”Anh ấy có thể ở bất cứ nơi nào“ - Bà tự nhủ.

Bà nhớ đến tờ tạp chí, ông có dặn nếu cần thì gọi nơi đó. Bà liền gọi thử. Cô tiếp khách trả lời nhã nhặn nhưng cho biết hỏi người khác mới trả lời được, vì cô ta là nhân viên mới. Bà phải gọi qua ba người nữa rồi mới được nói chuyện với người phó tổng biên tập, là người đã làm ở đây từ hai mươi năm. Bà hỏi về Robert Kincaid.

Rõ ràng cái ông phó tổng biên tập này còn nhớ Kincaid. ”Bà muốn tìm lão ta hả? Cái lão nhϊếp ảnh gia chết tiệt đó, ơ, xin lỗi bà. Lão khó chịu lắm, rất bướng bỉnh. Lão cứ nhất định nghệ thuật vị nghệ thuật, mà điều đó thì không ”ăn“ với độc giả của chúng tôi rồi. Họ muốn có những bức ảnh đẹp, chụp khéo nhưng không lập dị, vô lý cơ.

”Chúng tôi luôn luôn là Kincaid hơi khác thường, lão cũng chẳng biết nhĩn xa trong công việc. Nhưng đó là một tay chuyên nghiệp thật sự. Người ta có thể gởi lão đến bất cứ nơi đâu lão cũng làm việc ra trò, kể cả khi lão không đồng ý với quyết định của ban biên tập. Còn về địa chỉ của lão, thì tôi đang xem lại để cho bà biết đây. Lão thôi làm ở tạp chí này từ năm 1975. Tôi có giữ địa chỉ và số điện thoại sau đây...“. Ông ta cho bà những địa chỉ, số điện thoại mà bà đã biết. Sau lần đó bà thôi không cố tìm nữa, dường như bà sợ những điều có thể phát hiện.

Bà tiếp tục sống, cho phép mình nghĩ đến Robert Kincaid thường xuyên hơn. Thường nhiều lần trong năm, bà đến Des Moines để ăn trong cái quán ăn họ đã từng ăn với nhau. Một trong những dịp đó, bà mua một cuốn sổ bìa da. Và trên những trang giấy trắng tinh, bằng một nét chữ trau chuốt, bà bắt đầu kể lại đầy đủ chi tiết về cuộc tình của họ và về những tư tưởng mà ông đã gợi ra cho bà. Bà phải dùng hết ba cuốn sổ như vậy mới có cảm giác là mình đã hoàn tất xong nhiệm vụ. Winterset bây giờ đã tân tiến nhiều. Thị xã có một hội đồng nghệ thuật tích cực, phần lớn do các bà đảm trách. Người ta bàn đến việc sửa chữa, tân trang các cây cầu cũ kỹ bị bỏ quên nhiều năm. Tâm lý dân chúng cũng thay đổi nhiều, những mái tóc dài của đàn ông không còn làm cho người ta xì xào bàn tán nữa, dẫu vẫn có ít người đi xăng-đan và hầu như không có thi sĩ ở đây.

Dẫu sao thì Francesca cũng đã hoàn toàn rút lui ra khỏi cộng đồng, ngoại từ mối liên hệ với một ít người bạn thân. Người ta hơi chú ý đến điểm này và còn kể là thường thấy bà đi đến cây cầu Roseman và đôi khi, đến cầu Cedar nữa. Khi đã già người ta hay lẩn thẩn lạ lùng vậy đó, họ bình luận như thế và bằng lòng về cách giải thích này.

Ngày 2 tháng 2 năm 1982, một chiếc xe tải của Công ty giao hàng rẽ lên ngõ nhà bà. Francesca không nhớ là mình có đặt mua hàng gì không. Ngạc nhiên, bà ký nhận và nhìn địa chỉ ghi ngoài kiện hàng: ”Francesca Johnson RR2, Winterset, Iowa, 50273“. Gói hàng đó do một hãng luật ở Seattle gởi.

Gói hàng được bọc cẩn thận và gởi bảo đảm. Bà đặt lên bàn bếp và cẩn thận mở ra. Phía trong cuộc sống ba cái hộp, chèn giữa bằng những miếng xốp, trên một trong ba hộp đó là một phong bì dán kín. Trên một hộp khác là một phong bì ghi tên bà trong có lá thư của hãng luật.

Bà tháo phong bì đó và run run mở ra.

”25 tháng giêng 1982

Kính gởi bà Francesca Johnson

RR2 Winterset Iowa 50273

Kính bà Johnson,

Chúng tôi xin thay mặt cho ông Robert L. Kincaid vưà mới từ trần...

Francesca đặt phong thư lên bàn. Bên ngoài tuyết đang phủ cánh đồng mùa đông. Bà nhìn tuyết bay phấp phới trên những cuốn rạ, và cuốn theo những vỏ bắp bay tung toé rồi dồn vào trong một góc rào kẽm gai. Bà đọc lại câu đầu trong lá thư.

Chúng tôi xin thay mặt cho ông Robert L Kincaid vừa mới từ trần...

”Ôi, Robert... Robert... không...“. Bà thốt lên dịu dàng, đầu gục xuống ngực.

Mãi một giờ sau bà mới có thể đọc tiếp bức thư. Hình thức hành chánh, giọng văn vô hồn của nó khiến bà phẫn nộ.

”Chúng tôi xin thay mặt cho...

Hẳn là một luật sư tận tuỵ.

Thế còn con báo của vùng hoang vu, còn kẻ đu vào đuôi sao chổi, còn gã phù thuỷ đi tìm cây cầu Roseman vào một ngày nóng nực tháng Tám, còn cái con người đứng trên bục chiếc xe Harry cố quay lại nhìn bà, cái con người đau đớn trong làn bụi mờ nơi một ngõ hẹp ở Iowa, tất cả những cái đó ở đâu nơi những dòng chữ lạnh lùng này?

Lá thư đúng ra phải dài dòng nghìn trang. Đúng ra nó phải nói về điểm tối hậu một dây chuyền tiến hoá về sự cáo chung của tự do hành động, về những chàng cao bồi đang vùng vẫy nơi góc rào kẽm gai, như những vỏ bắp mùa đông kia. Thế mà nó chỉ có vài dòng:

Chúc thư duy nhất của ông ta ghi ngày 8 tháng 7 năm 1967. Ông đã để lại những chỉ dẫn rõ ràng rằng những vật kèm theo đây phải được đưa đến tay bà. Trong trường hợp người ta không thể tìm ra bà, các vật đó phải được thiêu huỷ.

Cũng kèm theo đây là một hộp có ghi "Thư", chứa một lời nhắn của bà mà ông gởi đến cho chúng tôi vào năm 1978, còn thư kia thì ông ta niêm kín và chúng tôi không hề mở ra.

Thi hài ông Kincaid đã được hoả táng. Theo yêu cầu của ông, không một vật gì được khắc tên ông. Cũng theo yêu cầu của ông, tro tàn được rắc ở một nơi gần nhà bà, theo chỗ tôi biết, nơi đó gọi là cầu Roseman.

Nếu bà cần thêm tin tức gì, xin bà cứ liên lạc với chúng tôi, đừng ngần ngại.

Xin bà nhận cho ở đây lời chào trân trọng của chúng tôi.

Allen B Quippen, luật sư.

Bà lấy lại hơi thở, dụi mắt rồi tiếp tục xem xét bên trong kiện hàng.

Bà biết cái gì nằm bên trong phong bì nhỏ dày cộm đó. Bà biết như bà biết mùa xuân sẽ trở lại sang năm vậy. Bà thận trọng mở và lấy ra một sợi dây chuyền đã cũ và có khắc chữ ”Francesca“. Phía sau lưng là một dòng chữ rất nhỏ viết bằng mực: ”Trong trường hợp người đeo bị chết, xin đưa lại cho Francesca John, RR2, Winterset, Iowa, USA“

Chiếc vòng deo tay bằng bạc thì được gói trong giấy lục nhét cuối phong bì. Cùng chiếc vòng là một mảnh giấy. Chính chữ của Francesca.

Chính là tờ thư nhắn của bà gắn trên cầu Roseman. Ông đã giữ làm kỷ niệm. Tờ giấy nhàu bẩn và đầy lằn gấp, chắc ông đã cất lâu ngày trong ví.

Bà tự hỏi ông đã đọc đi đọc lại tờ giấy bao nhiêu lần trong suốt những năm dài đó, từ những nơi rất xa con sông Middle, rất xa quận Madison. Bà hình dung thấy ông đang nhướng mắt đọc lại dưới ngọn đèn nhỏ trên chiếc máy bay phản lực đang bay về những xứ sở vô tận. Hoặc đang ngồi bệt trên đất cạnh một túp lều tre tại một vùng dành riêng cho cọp và đọc dưới ánh sáng cây đèn bấm, hoặc xếp lại và cất cẩn thận trong ví da trong những đêm mưa tầm tã ở Bellingham, rồi lại ngắm nhìn bức ảnh chụp một người đàn bà đang dựa lưng vào hàng rào một buổi sáng mùa hạ, hay đang bước ra khỏi một chiếc cầu có mái che vào lúc mặt trời lặn.

Cả ba cái hộp trong kiện hàng này đều đựng máy ảnh và các ống kính. Tất cả đều nứt nẻ, hư cũ. Nơi lưng một ống kính, bà thấy khắc chữ ”Nikon“ và phía bên trái nhãn hiệu là một chữ ”F“. Đó là cái máy bà đã đưa cho ông nơi cầu Cedar.

Cuối cùng, bà mở lá thư niêm kín của ông. Lá thư viết bằng tay trên giấy viết thư, ghi ngày 16 tháng Tám năm 1978.

Francesca thân yêu,

Tôi hy vọng rằng lá thư này đến với em khi em còn khoẻ mạnh. Tôi cũng không biết khi nào thì lá thư này gởi đến em, sau khi tôi chết. Tôi bây giờ đã 65, và như thế hôm nay là đã 13 năm kể từ khi chúng ta gặp nhau, lúc tôi lái xe lên ngõ hẻm nhà em để hỏi thăm đường.

Tôi đành liều nếu thư và những đồ vật này có thể làm xáo trộn đời sống của em theo một cách nào đó. Đơn giản chỉ là vì tôi không thể chịu nổi cái ý tưởng rằng cuối cùng những đồ đạc của tôi tình cờ nằm trong một cửa hiệu hay trong tay một kẻ xa lạ nào đó. Khi em nhận những đồ này thì chắc là chúng đã ở tình trạng cũ nát tồi tệ, nhưng tôi không còn có ai khác trên đời để giao lại và tôi đành liều gởi đến cho em. Suốt thời gian từ 1965 đến 1975, tôi đã dùng hầu hết thì giờ để ở trên đường. Để cưỡng lại cái ý định gọi điện hoặc đến tìm em, cái ý định đã theo đuổi tôi hầu như suốt cuộc đời còn lại của tôi, tôi chấp nhận đi là tất cả những phóng sự bên kia Đại Tây Dương mà người ta đề nghị với tôi. Đôi khi rất thường khi, tôi tự nhủ: Kệ xác. Mình sẽ đến Winterset. Iowa, giá nào đi nữa mình cũng phải dẫn Francesca theo mình". Nhưng rồi tôi nhớ điều mà em nói với tôi và tôi tôn trọng những tình cảm của em. Có lẽ em có lý. Tôi cũng không biết nữa. Tôi biết rằng việc tôi rời bỏ con hẻm trước nhà em vào buổi sáng Thứ sáu nóng nực đó là hành động khó khăn nhất mà tôi đã làm trong đời. Và thật tôi cho là không có một ai trong đời lại phải làm một việc khó khăn hơn thế.

Tôi đã thôi việc ở tạp chí National Geographic từ năm 1975 và tôi dùng những năm tháng sau đó để chụp những gì tôi thích, bằng cách nhận làm những việc lặt vặt như làm phóng sự địa phương, những công việc chỉ chiếm mất vài ba ngày. Như thế tất nhiên là có khó khăn về mặt tài chính, nhưng tôi đã quyết rút lui. Thì tôi luôn rút lui mà.

Công việc lớn nhất của tôi liên hệ đến Puget Sound. Việc này làm tôi vui. Tôi có cảm giác là càng về già, người ta hay quay về với nước.

à, hiện giờ tôi có nuôi một con chó, một loại lông xù màu vàng. Tôi gọi nó là "Con Đường" và nó đi theo tôi phần lớn khắp mọi nơi, mũi luôn luôn dán vào cửa xe, chắc để đánh hơi những phong cảnh đẹp.

Năm 1972, tôi bị té nơi một bờ dốc ở Công viên Quốc gia Acadia, Maine, bị bể mắt cá chân. Sợi dây chuyền và hình trái tim văng ra khi tôi té. May mắn là rơi không xa lắm. Tôi đã tìm lại được và nhờ một người thợ kim hoàn sửa lại.

Đã có những người đàn bà đến với tôi trước em, một số người, nhưng không có ai sau em. Tôi đã tự chọn cuộc sống độc thân, tôi không còn thích thú cuộc sống gia đình. Một ngày nọ, ở Canada, tôi nhìn thấy một con ngỗng đực mà con ngỗng cái của nó đã bị thợ săn gϊếŧ chết. Em biết đó, ngỗng là loài sống với nhau suốt đời. Thế là con ngỗng đực đó giờ suốt ngày bay trên ao hò, lần cuối cùng tôi thấy, nó đang rúc vào những đám lúa dại để tìm kiếm con cái một cách vô vọng. Chắc cái ẩn dục như thế này, về mặt văn chương, không được hay lắm. Nhưng đó là những gì mà tôi cảm thấy.

Trong những buổi sáng mù sương hay trong những buổi chiều khi ánh sáng mặt trời phản chiếu lên làn nước của vùng Tây Bắc, tôi cứ nghĩ đến em và cố hình dung ra em đang ở đâu, em đang làm gì trong cuộc đời này. Chắc cũng chẳng có gì đặc biệt em đi ra vườn, ngồi trên chiếc xích đu dưới mái hiên hay em đang đứng nơi bồn rửa chén ở nhà bếp. Đại loại như vậy.

Tôi nhớ rõ tất cả. Nhớ mùi hương của em, nhớ cái hương vị của em, giống như hương vị mùa hè. Nhớ cái cảm giác khi thân thể em chạm thân thể tôi và những lời em thốt ra khi tôi đang yêu em. Ngày nọ, Robert Penn Warren có nói về ”một thế giới dường như bị Thượng đế bỏ quên. Tuyệt vời, tất cả những gì mà tôi cảm thấy. Nhưng tôi không thể cứ mãi sống theo cách ấy. Khi tình cảm quá mạnh mẽ, tôi phải mở máy cheíec Harry đi đâu đó với "Con Đường" vài ngày.

Tôi không thích làm ra vẻ tự thương xót mình. Đó không phải là tính cách của tôi. Thường khi tôi không có như vậy đâu. Ngược lại, tôi ý thức rằng cuối cùng, tôi cũng sẽ tìm lại được em. Chúng ta rồi sẽ gặp lại nhau như hai hạt bụi của vũ trụ.

Thượng đế, hay vũ trụ, hay ta gọi tên gì đi nữa, đã tạo ra cái hệ thống lớn của sự thăng bằng và trật tự này, không thể nào nhân ra nỗi kiếp người. Đối với vũ trụ thì bốn ngày cũng chẳng kém gì hơn bốn tỷ năm ánh sáng. Tôi luôn luôn nhớ điều đó trong tâm trí.

Thế nhưng, dẫu sao, tôi cũng chỉ là một con người. Tôi có thể trích dẫn ra đủ lời lẽ duy lý triết học, nhưng điều đó cũng không ngăn cản nổi tôi thèm muốn em từng ngày, từng phút, từng giây. Tận cùng nơi tôi là một lời than khóc tàn nhẫn về thời gian, cái thời gian mà tôi không thể cùng sống với em.

Tôi yêu em đến tận cùng và toàn diện. Và tôi yêu em mãi mãi.

Người cao bồi cuối cùng.

Robert

TB. Hè vừa rồi tôi đã thay động cơ của chiếc Harry và giờ nó chạy rất tốt.

Kiện hàng này đã đến sớm năm năm. Và việc bà ngồi mân mê, ngắm nghía những vật bên trong gói hàng đã là một phần của nghi thức trong ngày sinh nhật hàng năm của bà. Bà để những máy ảnh, sợi dây chuyền với hình trái tim, chiếc vòng vào trong một hộp nhỏ đặt vào tủ áo quần. Bà đã đặt và chỉ dẫn cho bác thợ mộc ở Madison đóng chiếc hộp này, với đủ ngăn, ô cầu kỳ. Khi giao chiếc hộp, bác nói: ”Hộp đóng chi li rối rắm quá“, nhưng Francesca hài lòng và mỉm cười.

Đọc bản thảo của Kincaid là phần cuối cùng của nghi thức. Bà luôn luôn đọc dưới ngọn nến cuối ngày. Bà thận trọng đặt bản thảo lên chiếc bàn mi ca vàng cạnh ngọn nến, đốt điếu thuốc duy nhất trong năm, một điếu Camel, nhấp một ngum brandy và bắt đầu đọc:

Rơi từ chiều vô tận

Robert Kincaid

Có những ngọn gió hằng trăm năm mà tôi chưa hề biết đến bao giờ, nhưng ngay cả vậy, luôn luôn tôi vẫn có cảm giác như là mình đã cỡi trên lưng chúng bay đi. Tôi đang chuyển vào chiều vô tận, là cái thế giới hiện hữu bên kia, nơi cái phần kia của sự vật, song song với cái thế giới của tôi. Như thế này, tay đút vào túi, hơi khom người, tôi nhìn thế giới đó xuyên qua khung kính của một cửa hiệu lớn. ở trong chiều vô tận, có những khoảnh khắc lạ thường. Như khi tôi đang lái xe đi dưới cơn mưa từ New - Mixico đến phía Tây của Magdalena, xa lộ bỗng biến thành đường rừng và đường rừng biến thành lối mòn. Rồi chiếc cần gạt nước gạt qua, lối mòn bỗng biến thành một góc rừng chưa ai đặt chân đến. Rồi một cái gạt nữa, thì là một không lùi xa. Lần này đầy sương móc. Tôi bước trên cỏ mịn, mặc áo lông thú, tóc bù xù, tay cầm cây giáo ngắn, mảnh khảnh và rắn rỏi như một tảng băng, người đầy bắp thịt và lòng đầy quỷ kế. Đằng sau tảng băng, xa hơn tầm hiện hữu của sự vật, nước biển sâu thẳm trong đó toi bơi lội tung tăng, người đầy vảy, thở bằng mang. Tôi không thể nhìn xa hơn nữa, nhưng sau cái giống phiêu sinh ấy thì là độ không, là vô tận.

Euclide không phải bao giờ cũng đúng. Ông giả định rằng có đường song song vĩnh viễn, cho đến tận cùng sự vật, nhưng người ta vẫn có thể hình dung một viễn cảnh phi Euclide, nơi đó các đường gặp nhau ở tít phía xa. Một điểm khuất. Một ảo ảnh của sự hội tụ. Dẫu sao, tôi biết đó không gì khác hơn là một ảo ảnh. Đôi khi có một sự gặp gỡ tự sinh, khi đó hai thực thể hoà tan làm một. Một mối ràng buộc êm đềm. Không hề có một chỗ giao ngang được vạch nên bởi một thế giới của lý tính chính xác. Không một tiếng động của sự vãng lai. Chỉ làmột hơi thở. Vâng, đúng, đó là cách thế và có lẽ cả cảm xúc của nó nữa.

Và tôi chậm rãi đi về cái thực tại khác đó, đi mấp mé bên nó, lướt qua nó, luôn luôn với tất cả sức mạnh, nhưng luôn luôn với tấm lòng thành. Và cái con người kia biết điều đó, nó tiến lại gần bằng cái sức mạnh của nó và đến lượt nó, biến thành chính tôi.

Đâu đó, trong luồng hơi thở này, hiện lên một điều nhạc và một vũ điệu kỳ lạ bắt đầu theo một nhịp bước kỳ ảo làm dịu lòng con người của băng giá với ngọn lao và bộ tóc bù xù. Và chầm chậm - luôn luôn quay chậm, quay chậm - con người của băng giá ngã xuống... rơi ra ngoài chiều vô tận... rơi đến nơi nàng.

Và thế là chấm dứt ngày sinh nhật thứ sáu mươi bảy, Francesca sắp xếp lại phong bì vào nơi ngăn trên của tủ. Sau cái chết của Richard, bà quyết định cất các di vật đó vào két sắt nhà băng, nhưng cứ vào giai đoạn này trong năm, bà lại đem về để ở nhà vài ngày, đặt trong tủ áo trong phòng bà.

Hồi chiều, bà đã đến cầu Roseman. Còn bây giờ bà bước ra hiên, lấy khăn lau chiếc xích đu rồi ngồi xuống đó. Trời lạnh nhưng bà luôn luôn ngồi lại đó vài phút, sau đó đi về phía hàng rào nơi cánh đồng, đứng yên một lúc, rồi đi đến lối vào ngõ nhà. Hai mươi hai năm sau, bà vẫn còn thấy hình ảnh ông bước xuống khỏi chiếc xe tải để hỏi đường, bà vẫn còn thấy hình ảnh chiếc Harry nhấp nhô trên đường quê và thấy Robert Kincaid đứng trên bục xe, ngước mắt nhìn lên phía ngõ.

Thêm Bình Luận