Trương Tuấn mạnh về quân sự, sau khi lại được Triệu Cấu trọng dụng liền lần nữa nắm giữ binh quyền, sau khi làm Tể tướng liền lập tức dẫn binh dẹp loạn giặc cướp thổ phỉ, trấn áp khởi nghĩa nông dân. Tới đầu năm Thiệu Hưng thứ sáu, thấy tình thế trong nước đã tương đối ổn định, không còn thế lực nào đủ sức mạnh vũ trang có thể uy hϊếp triều đình được nữa, Trương Tuấn bèn tâu lên Triệu Cấu, cho rằng nay trong nước đã yên ổn, về sau có thể hướng ra ngoài, khởi binh đánh Kim, lấy lại những vùng đất đã mất.
Triệu Cấu đồng ý với ý kiến của Trương Tuấn. Trương Tuấn bèn nhanh chóng lên kế hoạch điều động binh mã, tới tháng Một năm Thiệu Hưng thứ sáu liền mệnh Hàn Thế Trung từ Hoài Đông đánh vào Đông lộ Đông Kinh, Nhạc Phi từ Tương Dương tiến thẳng vào Trung Nguyên. Tháng Hai, Hàn Thế Trung bao vây Hoài Dương, quân Kim bèn liên thủ cùng quân Tề, quân Hàn Thế Trung bị ép lui về. Thế nhưng tới giữa tháng Bảy, tháng Tám, Nhạc Phi dẫn quân về phía Bắc, đánh thẳng vào đảo Y Lạc, lấy lại được Lạc Dương trấn Tây Kinh, tình thế có biến chuyển vô cùng tích cực. Tin tức truyền về, triều dã phấn chấn, quân thần cùng vui, Trương Tuấn liền nhân đó xin Triệu Cấu di giá tới Kiến Khang vào mùa Thu, Đông, an ủi khích lệ sĩ khí ba quân để đạt được chiến thắng lớn hơn nữa, dâng sớ nói: "Tình thế ở vùng Đông Nam hiện nay đòi hỏi phải xây dựng lại Kiến Khang, đó là nền tảng của sự nghiệp phục hưng quốc gia. Hơn nữa nếu bệ hạ ở nơi này phía Bắc nhìn về phía Trung Nguyên, lòng thường không quên thù nước nợ nhà, không dám bê tha nhàn hạ. Nay ở Lâm An yên bình dễ sinh thoái chí, lại quá xa bên ngoài, cách xa trung tâm Trung Nguyên."
Lúc này Triệu Cấu vô cùng tin tưởng Trương Tuấn, có ý tiếp thu kiến nghị của y, song sau đó lại nhận được tin tình báo rằng Lưu Dự đang có ý xâm phạm xuống phía Nam, tả tướng Triệu Đỉnh ra sức chọn phương án an toàn, cho rằng thánh giá tạm thời không nên di chuyển về Kiến Khang, nên dừng lại ở Bình Giang thì ổn thỏa hơn. Sau khi cùng quần thần bàn bạc, Triệu Cấu bèn quyết định tiến về Bình Giang.
Chuyến này Triệu Cấu vẫn theo thông lệ cũ, để cung quyến ở lại Lâm An, chỉ dẫn theo Anh Phất đi cùng. Song sau khi hay tin Nhu Phúc bèn lập tức tiến cung, thỉnh cầu y dẫn theo mình. Triệu Cấu lắc đầu đáp: "Tới Bình Giang không phải để du lịch ngắm cảnh. Hai quân giao chiến, tình thế khó lường, nếu như xảy ra biến cố gì thì Bình Giang chắc chắn sẽ không còn là một nơi an toàn. Muội vẫn nên ở lại Lâm An thì hơn."
Nhu Phúc lại kiên trì tới cùng: "Chính bởi như vậy nên muội mới muốn đi theo cửu ca. Trương Tuấn nói đúng, "Lâm An yên bình dễ sinh thoái chí", muội sống ở đây đã lâu, tự cảm thấy bản thân dần dần trở nên biếng nhác, hài lòng với thực tại, cả ngày ngắm hoa thưởng trà trong phủ, dường như đã quên đi thù nước nợ nhà, vô tình soi gương đều cảm thấy khuôn mặt bê tha này thật đáng ghét. Mà nay cửu ca anh minh nhạy bén, trọng dụng người tài, tin tức từ tiền tuyến không ngừng báo về, cửu ca không màng an nguy của bản thân, quyết tâm tiến về Bình Giang cổ vũ sĩ khí, gan dạ dũng cảm như vậy, khiến Viện Viện hổ thẹn vô cùng, bởi thế mới mạo muội xin cửu ca dẫn muội theo cùng. Có thể ngày ngày bầu bạn bên cạnh cửu ca, nhìn cửu ca bày mưu tính kế thu phục ngàn dặm, mai sau lại xông pha chiến trường là ước nguyện lớn nhất trong đời này của Viện Viện, xin cửu ca hãy thành toàn. Nếu thực sự gặp phải nguy hiểm gì, vậy cũng chỉ có thể xem như đó là kiếp nạn trong số mệnh, Viện Viện có chết cũng không hối hận." Dứt lời, nàng tiến lại gần Triệu Cấu, tha thiết nhìn y, nhẹ nhàng kéo tay áo y, khẽ khàng nói: "Huống chi, cửu ca dấn thân vào chốn nguy hiểm, không sợ muội ở Lâm An ngày đêm lo lắng, ăn không ngon ngủ không yên sao?"
Triệu Cấu nghe đoạn đầu tuy nàng đang nói chính mình song lại âm thầm chứa ý mỉa mai, ít nhiều có chút không vui, nhưng nghe tới cuối cùng, biết nàng tán thưởng tài dùng người, điều binh của mình, quả thực muốn ở cạnh bên nhìn y chiến đấu với quân Kim. Y không dám tin tưởng câu nói cuối cùng kia là lời tim phổi của nàng, thế nhưng vẫn cảm thấy êm tai vô cùng. Lại thấy nàng sóng mắt long lanh, tràn đầy chờ mong nhìn mình, cuối cùng liền nở nụ cười, đồng ý thỉnh cầu của nàng.
Tháng Chín, Triệu Cấu dẫn theo Anh Phất và Nhu Phúc ngự thuyền tiến về Bình Giang. Ngày khởi hành, Nhu Phúc đứng dưới cờ hiệu đầu thuyền hồi lâu, nhìn thuyền cưỡi gió đạp sóng, nở nụ cười trong sáng rạng rỡ. Triệu Cấu thấy nước lạnh gió to, sợ nàng bị cảm, bèn khuyên nàng vào trong nghỉ ngơi. Nàng lại lắc đầu, vui vẻ nắm lấy tay y nói: "Cửu ca, chúng ta nhất định sẽ chiến thắng."
Đôi tay nàng giá lạnh như băng, thế nhưng nụ cười bên khóe môi lại rực rỡ lóa mắt.
Một tháng sau khi Triệu Cấu tới Bình Giang, Lưu Dự huy động ba mươi vạn quân đánh vào Hoài Tây, Triệu Đỉnh thấy quân Tề khí thế bừng bừng, lo lắng quân Tống không chống đỡ nổi bèn mời Triệu Cấu quay về Lâm An, đồng thời khuyên y lệnh cho Trương Tuấn từ bỏ Hoài Tây để giữ Trường Giang. Mà Trương Tuấn sau khi hay tin quân Tề đơn độc tiến công không có sự hậu thuẫn của quân Kim, nếu hai bên giao chiến ắt hẳn có thể giành được thắng lợi bèn tận lực khuyên Triệu Cấu ở lại Bình Giang, không thể dễ dàng quay về Lâm An làm lung lay lòng quân.
Nhận được tấu chương của Trương Tuấn, Triệu Cấu ngồi trong hành cung Bình Giang trầm mặc hồi lâu. Nhu Phúc ngày nào cũng bầu bạn bên cạnh y, Triệu Cấu mặc dù chưa từng chủ động cùng nàng bàn bạc việc chính sự, thế nhưng rất nhiều biến cố nàng đều trông thấy hết, thấy Triệu Cấu do dự trong vấn đề quay về Lâm An, cuối cùng không nhịn nổi nữa lên tiếng khuyên: "Cửu ca, chúng ta mới tới Bình Giang được bao lâu? Nếu hiện giờ quay về, vậy thì cái gọi là an ủi khích lệ sĩ khí ba quân chẳng phải sẽ biến thành trò cười lớn nhất trong thiên hạ hay sao? Địch mạnh ở phía trước, Hoàng đế lại một mực thoái lui, nhất định sẽ đánh mất lòng quân, thậm chí có thể khiến các tướng sĩ viện cớ rút lui nhằm bảo toàn mạng sống, tình thế sẽ càng khó cứu vãn hơn."
Lời của nàng vô cùng thẳng thắn, Triệu Cấu cũng không cảm thấy tức giận, chỉ lạnh nhạt nói: "Biết tiến biết lùi, tiết kiệm thời gian mới là cách sống trên thế gian này. Viện Viện, tính tình muội quá mức quật cường, giống như một ngọn trúc thiếu độ mềm dẻo nên gặp gió mạnh dễ gãy vậy. Nếu là nam tử, có lẽ sớm đã chết trăm ngàn lần rồi."
Nhu Phúc thoáng cười nhạt, nói: "Ngọc vỡ và ngói lành, muội thà bỏ ngói lành lấy ngọc vỡ."
Triệu Cấu cũng nhìn nàng mỉm cười: "Đôi lúc, ta không thể không bội phục sự quyết liệt của muội, mặc dù đây không phải phẩm chất mà ta tán thưởng."
Sau đó y bèn mở tấu chương của Trương Tuấn ra, nhấc bút phê: "Phê chuẩn, ở lại Bình Giang."
Tình hình sau đó quả nhiên đúng với những gì Trương Tuấn dự liệu, Lưu Dự xuất binh không hề có được sự hậu thuẫn của quân Kim, dưới sự chỉ huy điều động của Trương Tuấn, cuộc tấn công của Lưu Dự cuối cùng đã bị Chủ quản điện tiền tư công sự Đường Chi Thiệp và Nhạc Phi dẹp gọn. Quân Tề rút lui khiến vua Kim sai sứ thần tới hỏi tội Lưu Dự, đồng thời bắt đầu manh nha ý định muốn phế Lưu Dự.
Trải qua chiến sự Hoài Tây lần này, cả Triệu Cấu lẫn triều thần đều khen ngợi Trương Tuấn hết lời, Triệu Cấu thậm chí còn công khai bày tỏ: "Công đánh giặc đều thuộc về hữu tướng." Mà Triệu Đỉnh lại thất vọng nặng nề, trong lúc lo sợ bèn xin giao lại tướng vị, song Triệu Cấu tạm thời chưa đồng ý.
Giữa quá trình chiến đấu ở Hoài Tây, đại tướng quân Lưu Quang Thế lại lui binh bỏ Lư Châu. Trương Tuấn biết tin vô cùng tức giận, trong đêm lập tức phái người tới quân doanh của Lưu Quang Thế, tuyên bố với binh sĩ dưới trướng y: "Nếu có kẻ nào vượt sông thối lui, lập tức chém không tha!" đồng thời giám sát Lưu Quang Thế quay về Lư Châu. Sau khi đánh lui quân Tề, Trương Tuấn xin được thừa thắng xông lên, bắt sống cha con Lưu Dự, đồng thời kiến nghị với Triệu Cấu nói Lưu Thế Quang hèn nhát bạc nhược, không thể làm đại tướng, xin hãy bãi chức của hắn.
Triệu Cấu bèn hỏi y: "Khanh đã bàn bạc với Triệu Đỉnh về việc này chưa?"
Trương Tuấn nói: "Vẫn chưa." Sau đó liền tìm Triệu Đỉnh cùng y thương lượng việc bãi chức quan của Lưu Quang Thế, song Triệu Đỉnh lại không tán đồng, nói: "Không thể, Lưu Dự ỷ thế người Kim, song không rõ liệu bắt được Lưu Dự, đoạt lại đất Hà Nam rồi có thể khiến người Kim không xâm phạm xuống phía Nam nữa không. Lưu Quang Thế xuất thân trong gia đình tướng môn nhiều đời, nắm trong tay nhiều binh sĩ, nếu vô duyên vô cớ bãi chức y chỉ e sẽ mất lòng người, gây nên thị phi."
Trương Tuấn nghe vậy rất không vui. Phong cách xử lý chính sự của Triệu Đỉnh trước nay đều xem trọng củng cố nền tảng, không thích mạo hiểm tiến lên, tiếp tục nói rằng binh lực trong nước chưa đủ mạnh để đối kháng với địch, trước mắt vẫn nên phòng thủ là hơn. Thấy chủ kiến của Triệu Đỉnh và mình đối lập nhau, Trương Tuấn bèn nổi lên ý định loại bỏ Triệu Đỉnh.
Được Trương Tuấn chỉ đạo, Tả tư gián Trần Công Phụ liền nhanh chóng dâng sớ vạch tội Triệu Đỉnh. Triệu Đỉnh sớm biết tình thế hiện tại không có lợi cho mình, đã nhiều lần xin Triệu Cấu cho từ chức. Triệu Cấu cũng biết y bị Trương Tuấn bức ép, mặc dù không ráng sức níu kéo, song vẫn không vui nói với Triệu Đỉnh: "Khanh không cần chuyển đi xa, cứ lưu lại Thiệu Hưng, ngày sau trẫm sẽ có việc dùng tới khanh."
Ngày Nhâm Dần tháng Mười Hai năm Thiệu Hưng thứ sáu, Thượng thư tả bộc xạ, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự kiêm Tri xu mật viện sứ, Đô đốc chư lộ quân mã kiêm Giám tu quốc sử Triệu Đỉnh bị bãi chức, giáng làm Quan văn điện đại học sĩ, lưỡng Triết Đông lộ an phủ chế trí đại sứ, kiêm Tri Thiệu Hưng phủ.
Tháng Một mùa Xuân năm Thiệu Hưng thứ bảy, Triệu Cấu tiếp thu kiến nghị của Trương Tuấn, từ Bình Giang hạ chỉ tiến về Kiến Khang, chuẩn bị tháng Hai khởi hành. Ngay sau đó liền bổ nhiệm Hàn lâm học sĩ Trần Dữ Nghĩa làm Tham tri chính sự, Tư Chính điện học sĩ Thẩm Dữ làm Đồng tri xu mật viện sứ. Trương Tuấn đổi thành kiêm Xu mật sứ, đồng thời gọi Tần Cối vào triều làm Xu mật sứ.
Một buổi tối, Trương Tuấn vào cung diện thánh. Triệu Cấu hỏi y tình hình quân đội do các tướng thống lĩnh gần đây, Trương Tuấn bèn cau mày thở dài đáp: "Nay chư tướng mặc dù kháng địch có công, song ít nhiều đều có chút được sủng mà kiêu, không phải lúc nào cũng răm rắp nghe theo mệnh lệnh của triều đình, hơn nữa còn có ý đồ biến quân đội triều đình thành quân đội của riêng mình."
Triệu Cấu truy hỏi tình hình cụ thể, Trương Tuấn đáp: "Giữa lúc công cuộc khôi phục quốc gia của bệ hạ gặp phải khó khăn, trong có họa giặc cướp, loạn dân, trước mắt số lượng quan binh thiếu thốn, bởi thế bệ hạ liền ngầm cho phép chư tướng nạp số lượng thổ phỉ đã đánh bại được vào đội ngũ, cũng là quyết định bất đắc dĩ. Hiện giờ đám quân sĩ đó nằm dưới tay một số vị tướng lớn, đã bị khống chế nhiều năm, dần dần không còn giống binh lính của triều đình nữa mà chỉ nghe theo mệnh lệnh của tướng lĩnh, không khác nào quân đội riêng của chư tướng. Bình thường các đạo quân bắt buộc phải xưng mình là binh sĩ của tướng nào, của Trương Tào thì gọi là Trương gia binh, của Lưu Quang Thế thì gọi là Lưu gia binh, của Nhạc Phi gọi là Nhạc gia binh, những người còn lại như Dương Nghi Trung, Hàn Thế Trung, Ngô Giới, Ngô Lân... đều giống vậy. Nếu cứ tiếp tục như vậy, ắt sẽ bất lợi cho việc điều khiển quân đội của triều đình."
Triệu Cấu gật đầu: "Những chuyện này trẫm cũng đã nghe nói. Ngoài ra, trẫm còn nghe nói, chư tướng lấy danh nghĩa xung vào quân phí mà tự ý cho quân đội kinh doanh, chiếm đoạt tài sản quốc gia."
Trương Tuấn đáp: "Chính vậy. Bệ hạ trước nay luôn xem trọng việc phong thưởng cho các tướng có công, thường ban cho bọn họ chức quan cao bổng lộc nhiều cùng đất đai tài vật, các tướng như Dương Nghi Trung, Ngô Giới, Ngô Lân và Nhạc Phi đều làm tới chức Tiết độ sứ hai trấn. Trương Tào, Lưu Quang Thế, Hàn Thế Trung thậm chí còn lên tới ba trấn. Quyền lực trong tay chư tướng dần tăng, hành sự cũng càng lúc càng ngông cuồng, không chỉ kinh doanh tranh lợi ích với quốc gia, thậm chí có người còn cho binh lính cướp bóc của dân thường, làm ảnh hưởng tới thanh danh quân đội Đại Tống. Quốc gia trung hưng cần chư tướng góp công góp sức, thế nhưng không thể vỗ về bọn họ một cách mù quáng không tiết chế, vừa bất lợi cho triều đình, cũng vừa trái với di huấn lấy văn ngự võ của tổ tông."
Triệu Cấu tỉ mỉm ngẫm nghĩ, lại hỏi y: "Theo ý khanh thì nên giải quyết thế nào?"
Trương Tuấn chắp tay nói: "Bệ hạ, thần cho rằng đã tới lúc thu hồi lại quân đội rồi."
Triệu Cấu nhàn nhạt nhìn Trương Tuấn, ánh mắt tĩnh lặng, không lộ vui buồn: "Khanh là tể tướng, lại nắm quân quyền, có một số việc có thể tự mình xử lý."
Trương Tuấn hiểu ý, cúi người đáp: "Tạ ơn bệ hạ."
Nghị sự cùng Trương Tuấn xong, Triệu Cấu về tới tẩm cung, lại thấy trước mặt Anh Phất có hai thị nữ đang quỳ, Anh Phất đang lệnh cho nội thị vả miệng mỗi người hai mươi cái.
Triệu Cấu hỏi lí do, Anh Phất thở dài đáp: "Thần thϊếp quản giáo không nghiêm, các thị nữ trong cung lại nói năng linh tinh, ảnh hưởng tới thanh danh của Phúc Quốc trưởng công chúa."
Triệu Cấu ngạc nhiên hỏi: "Bọn họ lại nói gì nữa thế?"
Anh Phất đáp: "Ban nãy công chúa nấu cho quan gia một ít canh hạt sen, đích thân đưa đến cho quan gia, có lẽ vì thấy quan gia đang cùng Trương tướng công nghị sự bèn đứng ngoài cửa chờ. Song đám tỳ nữ này thật đáng hận, thấy vậy bèn lén lút nghị luận, nói công chúa một mực chăm chú lắng nghe, để tâm như vậy, ắt hẳn là bởi Trương tướng công..."
Sắc mặt Triệu Cấu sớm đã nặng nề, hỏi tiếp: "Liên quan gì tới Trương Tuấn?"
Anh Phất nói: "Hai tỳ nữ ngu dốt này thì có thể nói ra được lời hay ho gì? Chẳng qua đều là Trương tướng công trị nước có công, lại là người tài năng lỗi lạc, bởi thế công chúa thấy y cùng quan gia nghị sự mới lắng nghe cẩn thận đến thế... Đều là mấy lời hỗn láo. Quan gia cả ngày lo nghĩ cho nước cho dân, công chúa cũng bị ảnh hưởng, lo lắng một chút tới việc quốc gia đại sự cũng là lẽ thường tình, song lại bị mấy tiện nhân này phỉ báng, thần thϊếp phải thay công chúa trừng phạt bọn họ. Vả miệng hai mươi cái, không quá chứ ạ?"
Triệu Cấu quay sang chăm chú nhìn nàng, lạnh lùng nói: "Vả miệng hai mươi cái? Quá nhẹ. Đánh ba mươi hào."