Buổi chiều trở ra khỏi cung, Tông Tuyển lập tức cưỡi ngựa tới phủ Tông Vọng, thấy trước cổng đìu hiu lạ lùng, một giọng nói buồn bã thấp thoáng truyền ra từ phía trong. Hai gia nô sắc mặt nghiêm túc mặc tang phục đang yên lặng đứng đối diện nhau, nghe thấy tiếng vó ngựa liền uể oải ngẩng đầu, nhận ra là Tông Tuyển mới nở nụ cười, lập tức cất giọng thông báo, sau đó liền vội vã nghênh đón dắt ngựa cho y.
Tông Tuyển xuống ngựa, chạy thẳng vào linh đường. Chính thê Đường Quát thị cùng con trai cả Thụ Tốc của Tông Vọng ra cửa tiếp đón, y thoáng gật gật đầu, sau đó tiến vào đại sảnh, ném khăn choàng đi, quỳ một gối xuống trước linh cữu Tông Vọng. Yên lặng nhìn bài vị của Tông Vọng một lát, hai tay chầm chậm nâng một con dao găm cán bạc vỏ vàng lên, đặt ngang mày, ánh sáng sắc lạnh chợt lóe, dao rút khỏi vỏ, lại nhẹ nhàng cứa qua trán, máu tươi tức thì túa ra từ vết cắt.
Ngẩng mặt đau đớn rên, hai hàng lệ hòa cùng máu nóng, huyết lệ mơ hồ, Tông Tuyển thất thanh gào khóc.
Đây là tập tục tiễn đưa người chết thể hiện sự đau đớn sâu sắc nhất của quý tộc Nữ Chân. Trong chúng huynh đệ, Tông Tuyển và Tông Vọng thân thiết với nhau nhất, bởi thế lần khóc tang này hoàn toàn không phải chỉ là phô diễn, từng tiếng đều xé lòng, khiến những người đứng xem càng thêm đau buồn, không nén nổi lớn tiếng khóc than.
Hồi lâu sau, Đường Quát thị và Thụ Tốc bước lên phía trước an ủi, Tông Tuyển mới gạt nước mắt đứng lên, lau sạch vết máu trên trán, hỏi: "Có thể cho đệ nhìn nhị ca được không?"
Đường Quát thị buồn bã lắc đầu: "Di thể Tông Vọng đã bị thiêu ở quân doanh ngay ngày hoăng thệ, nghe nói là vì sợ thời tiết nóng nực, không dễ bảo quản, chỉ có tro cốt được đưa về."
Việc này không hề hợp với quy củ. Theo tập tục của người Nữ Chân, người trong tộc chết nhất định phải đưa về cố hương mai táng, nếu chiến sĩ chết trên đường đi đánh trận cũng phải đưa linh cữu từ xa quay về chôn cất hoặc hỏa táng, chứ không phải hỏa táng ngay tại nơi qua đời. Tông Tuyển bèn cau mày hỏi: "Do ai hạ lệnh vậy?"
Lửa giận trong đôi mắt Thụ Tốc tức thì bốc lên, cướp lời: "Tông Bàn!"
Cái tên này lại khiến nghi ngờ trong Tông Tuyển cuộn trào. Tông Bàn là con trai cả của Hoàn Nhan Thịnh, rất được Hoàn Nhan Thịnh tin yêu, từ khi y còn niên thiếu đã cho y theo hoàng thúc Hoàn Nhan Cảo đi đánh Liêu quốc, ngày thường cũng chú tâm bồi dưỡng. Chế độ kế thừa ngai vàng ở nước Kim là huynh truyền đệ nối, Hoàn Nhan Thịnh sau khi kế vị đã theo quy định phong ngũ đệ của mình là Hoàn Nhan Cảo làm Am ban bột cực liệt, song sự chiếu cố công khai lẫn âm thầm đối với Tông Bàn vẫn luôn khiến mọi người cảm thấy ông không cam lòng về vấn đề lập trữ này.
"Trận đã đánh xong hết rồi, Lang chủ mới phái Tông Bàn tới quân doanh của cha cháu, rõ ràng chính là để hắn ngang nhiên chiếm công lao, được ghi tên vào danh sách những người có công. Hơn nữa hắn vừa tới không bao lâu cha cháu liền đổ bệnh, hắn xin Lang chủ phái y quan tới, vừa tới đã chữa chết luôn cha cháu... " Thụ Tốc tiếp tục mắng, phẫn nộ không thôi. Một thiếu niên mười mấy tuổi, vui buồn đều thể hiện hết lên khuôn mặt.
Tông Tuyển hỏi cậu: "Là Tông Bàn xin Lang chủ phái y quan tới? Ai nói với cháu?"
Thụ Tốc đáp: "Là Tông Cán đại bá."
Tông Cán tên thật Oát Bản, là thứ trưởng tử* của Thái Tổ, anh trai khác mẹ của Tông Vọng và Tông Tuyển. Cũng từng theo phụ thân lập được không ít chiến công trong cuộc chiến với Liêu, chỉ là võ công thua kém Tông Vọng chút xíu. Hoàn Nhan Thịnh để Tông Vọng làm nguyên soái lĩnh binh, song lại phong Tông Cán làm Quốc luận bột cực liệt, cùng Am ban bột cực liệt Hoàn Nhan Cảo quản lý việc triều chính.
(*
Thứ trưởng tử (庶长子): Xét về mặt thứ tự chào đời hay tuổi tác, Tông Cán là con trai cả, song bởi ông không phải do vợ cả (chính thê) sinh, nên chỉ được gọi là "thứ trưởng tử". Chữ "thứ" ở đây là chỉ con do vợ lẽ sinh.)
Đường Quát thị cũng chen lời: "Tông Vọng thường xuyên chinh chiến ở bên ngoài, Tông Cán cũng chưa từng quên chiếu cố nhiều hơn cho mẹ con ta. Sau khi Tông Vọng chết, huynh ấy cũng thường tới phủ giúp đỡ lo liệu tang lễ, đôi khi còn kể một số chuyện trong triều cho chúng ta."
Lúc này đột nhiên có người ngoài cửa gọi: "Tông Tuyển!"
Chúng nhân nghe thấy đều nhìn ra bên ngoài. Đường Quát thị lập tức mỉm cười nói: "Vừa nhắc đến thì huynh ấy đã tới rồi."
Người đứng ngoài cửa vóc dáng cao lớn, khí độ ôn hòa, chính là Tông Cán thứ trưởng tử của Thái Tổ mà bọn họ đang nhắc tới.
Tông Tuyển mỉm cười ra nghênh đón. Sau khi hai người ôm nhau hàn huyên, Tông Cán hỏi: "Ban nãy mọi người đang nói chuyện gì vậy?"
Thụ Tốc vội vã nói: "Đại bá tới thật đúng lúc, mau kể lại chuyện Tông Bàn hại cha cháu thế nào cho bát thúc nghe đi."
Tông Cán lắc đầu đáp: "Ta đã nói là Tông Bàn hại Tông Vọng khi nào? Sự tình vẫn chưa rõ ràng, không thể nói bừa."
Tông Tuyển bèn thuận chủ đề hỏi tiếp: "Nghe nói y quan chữa trị cho nhị ca là do Tông Bàn xin Lang chủ phái tới?"
"Theo lời đồn là như vậy." Tông Cán cười, "Lúc ấy ta cũng không có trong quân doanh, không cách nào chứng thực được. Huống chi, cho dù có là do Tông Bàn yêu cầu thật, vậy cũng không thể nói lên được bất cứ điều gì. Chủ soái đổ bệnh, mời một y quan cho anh ta là một việc rất bình thường."
"Vậy y quan đó giờ đang ở đâu?" Tông Tuyển lại hỏi.
Tông Hàn thở dài đáp: "Mất tích rồi. Sau khi Tông Vọng chết, hắn lập tức hồi kinh. Ta cũng từng tìm hắn, song không thấy đâu nữa, cũng không biết còn sống hay đã chết."
Tông Tuyển nhất thời không lên tiếng nữa, chỉ cúi đầu trầm mặc. Tông Cán lại đột nhiên cười hỏi y: "Lần này đệ quay về là chuẩn bị phục mệnh ở lại kinh thành, không giám sát quân đội ở ngoài nữa sao?"
Tông Tuyển đáp: "Đúng là có dự tính này, song chưa tâu lên Lang chủ."
Khuôn mặt Tông Cán tức thì xẹt qua một tia kinh ngạc, ngay sau đó lại quay đầu nhìn ra bên ngoài, động tác vội vã không được tự nhiên.
Không tránh khỏi sinh nghi, đột nhiên nhớ ra y thế nào lại đoán được mình sắp sửa ở kinh thành nhậm chức, Tông Tuyển bèn hỏi: "Sao vậy? Đại ca đã nghe người khác nhắc tới chuyện này?"
Tông Cán trầm mặc hồi lâu, cuối cùng dường như đã hạ quyết tâm, thấp giọng nói với Tông Tuyển: "Ta vừa từ cung ra ngoài, khi ấy Tông Hàn đang nghị sự cùng Lang chủ, ta thấp thoáng nghe thấy y đang xin Lang chủ để con trai y tiếp quản chức Tiết độ sứ tri Hạt Tô Quán..."
Tông Hàn để con trai y tiếp quản chức Tiết độ sứ tri Hạt Tô Quán trước khi Tông Tuyển chủ động đề xuất việc hồi kinh, vậy có nghĩa rõ ràng đang xin bãi chức y. Tông Tuyển cười lạnh, song lại không nói năng gì nữa. Tông Cán nhìn sắc mặt y, lại đè thấp giọng hỏi: "Nghe nói Quốc tướng và Tông Vọng ở quân doanh đã nhiều lần xảy ra tranh chấp?"
Tông Tuyển không trả lời, chỉ thư thái nói: "Lâu lắm rồi không cùng đại ca uống rượu, hôm nay trùng phùng phải say khướt một phen. Lát nữa đại ca và Thục Tốc theo đệ hồi phủ, chúng ta uống thâu đêm nay, thế nào?"
Tông Cán và Thụ Tốc hào hứng nhận lời. Ba người ngồi xuống tiếp tục nói chuyện. Tông Vọng tin Phật giáo, trong linh đường hương khói mịt mờ, có mười mấy vị hòa thượng đang không ngừng gõ mõ tụng kinh. Ngoài Đường Quát thị ra, hai bên linh cữu là các thị thϊếp đang mặc áo tang quỳ, rầu rầu khóc than. Đột nhiên nữ tử quỳ đầu tiên hàng bên trái không chống đỡ nổi cơ thể, người khẽ nghiêng, ngất xỉu trên nền đất.
Nữ tử bên cạnh nàng kinh hãi kêu lên, vội vã vực nàng dậy. Trong linh đường nhất thời hỗn loạn.
Tông Tuyển nghiêng đầu nhìn, bất ngờ nhận ra hai nữ tử ấy y có quen biết. Nữ tử ngất xỉu chính là Mậu Đức đế cơ mà Tông Vọng đã nạp ở Lưu Gia Tự, còn người đỡ nàng là thị nữ Lý Tiên Nhi.
"Giả chết cái gì! Nghĩ là ngất xỉu mấy lần thì ta sẽ thương hại ngươi, không bắt ngươi đi hầu hạ Tông Vọng nữa hay sao?" Đường Quát thị tức giận trừng mắt nhìn nữ tử, gằn giọng nói, sau đó lệnh cho gia nô: "Mang chút nước tới hắt cho cô ta tỉnh lại, bảo cô ta tiếp tục quỳ đó!"
Quay lại trông thấy Tông Tuyển đang nhìn, Đường Quát thị bèn giải thích: "Đây chính là người thϊếp mà Tông Vọng dẫn về từ Nam triều, con gái của tên Thái thượng hoàng đã bị phế đó, gọi là Mậu Đức đế cơ gì gì đó, bát đệ hẳn đã gặp qua rồi phải không? Chồng con đã đề huề, chẳng hiểu Tông Vọng thích cô ta ở điểm nào nữa! Hơn nữa còn đúng là sao chổi, Tông Vọng vừa gặp phải cô ta chưa được mấy ngày đã mất mạng. Có điều nếu Tông Vọng đã nạp cô ta thì ta cũng xem cô ta là người trong nhà. Tông Vọng thích cô ta như vậy thì hãy để cô ta tuẫn táng đi theo bầu bạn cùng đi. Đợi tới ngày phát tang, sẽ đem cô ta thiêu cùng con ngựa mà lúc sinh thời Tông Vọng yêu quý nhất."
Tông Tuyển nhàn nhạt mỉm cười, không nói năng gì. Theo ý Đường Quát thị, gia nô đen nửa xô nước hắt vào mặt Mậu Đức. Mậu Đức bị nước lạnh dội tỉnh, hoang mang mở lớn mắt, run rẩy ngồi dậy, sóng mắt như sương khói, thê lương cắn môi, ngơ ngác bất lực khôn cùng.
"Quỳ đó! Nếu còn diễn trò giả chết này, ta sẽ để ngươi đi gặp Tông Vọng sớm hơn chút." Đường Quát thị mắng nhiếc.
Mậu Đức nghe lời quỳ đó, thân thể không nén được khẽ khàng run rẩy. Lý Tiên Nhi cũng sợ tới mức cúi đầu thật sâu, không dám nhiều lời. Lại là một thị thϊếp Nữ Chân có chút đồng cảm với Mậu Đức, nhẹ nhàng giúp nàng giải thích: "Khẩu vị của nàng ấy không được tốt, không ăn nổi thứ gì, từ hôm qua tới bây giờ vẫn chưa miếng cơm lót dạ, lại quỳ lâu như vậy rồi, bởi thế mới ngất xỉu, không phải cố ý."
Đường Quát thị cười lạnh: "Làm lá ngọc cành vàng quen rồi, không ăn nổi cơm gạo thô sơ của chúng ta hả? Tự mình muốn tuyệt thực, lại làm như ta đang ngược đãi ngươi vậy. Người đâu, mang cho cô ta một cái bánh mì, để cô ta ăn hết trước mặt ta."
Thị nữ mang tới một chiếc bánh mì nguội lạnh cứng đơ. Đường Quát thị đón lấy, vứt xuống nền đất trước mặt Mậu Đức, ra lệnh: "Nhặt lên ăn!"
Mí mắt Mậu Đức hơi rũ, hai hàng lệ châu nhỏ xuống đất. Lý Tiên Nhi thấy nàng không nhúc nhích, lo lắng Đường Quát thị sẽ phát nộ, từ mình bèn vội vã bò lên vài bước, vươn tay ra nhặt chiếc bánh lên, lại bò về, đưa bánh cho Mậu Đức. Mậu Đức chần chừ đón lấy, sau đó lệ nóng lưng tròng bắt đầu gặm từng miếng bánh dưới sự thúc giục của Lý Tiên Nhi.
"Nữ nhân Nam triều đúng là hạ tiện!" Đường Quát thị buột miệng mắng, Mậu Đức toàn thân run rẩy, giống như chú chim bị kinh hãi, chiếc bánh trong tay cũng rơi xuống đất, nghe nàng ta mắng lại không dám để lộ ra nét mặt giận dữ phẫn hận, chỉ rũ mắt khép mi, lần nữa nhặt chiếc bánh trên mặt đất lên, cái cúi đầu kia quạnh hiu vô hạn.
Nàng và Nhu Phúc tuy là tỷ muội, thế nhưng dung mạo không giống nhau, tính cách lại càng khác xa một trời một vực. Nếu Nhu Phúc bị Đường Quát thị sỉ nhục như thế, ắt hẳn sẽ vùng lên phản kháng. Nhớ lại ánh mắt quyết liệt như lửa cháy khi liều mạng rút trâm đâm ngựa của nàng, Tông Tuyển không nén được lộ ra ý cười, đột nhiên cảm thấy hình như đã rất lâu rồi chưa trông thấy nàng, không biết nàng có chịu được quãng đường gian khổ cả ngàn dặm mà sống tiếp hay không, hiện giờ đang ở nơi nào.