Tải app Android hoặc iOS để đọc truyện nhanh hơn

Hỗ trợ: Fanpage TruyenHD

Nhu Phong

Chương 39

« Chương TrướcChương Tiếp »
Cuối cùng là bị đưa về giam lỏng trong viện nhỏ. Bão Kê nương nương ngủ vùi nguyên ngày, khi tỉnh lại thì đã chập tối. Trong nhập nhoạng, nàng trông thấy Lý Nhu Phong đang ngồi ở đầu giường.

Do hôm nay ngủ quá nhiều nên nàng hơi lừ đừ, cả người vừa rêm nhức vừa rã rời, vừa mệt vừa đói, chỉ muốn nằm ỳ một chỗ. Nàng không muốn gặp Lý Nhu Phong, cứ gặp lại phiền lòng, nên.lật người ngay qua, định ngủ tiếp.

Thế mà Lý Nhu Phong còn bưng một chén nước, bảo: “Nương nương, đừng ngủ nữa, dậy ăn chút gì đi.”

“Chưa thích ăn.”

Tay Lý Nhu Phong tìm trên giường, chạm đến tay nàng thì đặt chén vào đấy.

Bão Kê nương nương không nắm lại, dán mắt lên nóc giường, chê: “Nguội ngắt.”

Lý Nhu Phong nói: “Đâu nào, tôi vừa hâm nóng rồi.”

Đầu tóc nàng còn bù xù, tuy vẫn buồn ngủ đấy nhưng đành phải ngồi ngay dậy vì khát quá. Uống một hớp, lập tức tỉnh táo hẳn: “Trà gừng đường đỏ với táo à?”

Lý Nhu Phong gật đầu, sờ lấy chiếc gối đệm lưng cho nàng, xong thì đứng lên: “Ngài nghỉ ngơi tiếp đi, tôi ra hâm nóng đồ ăn.”

Bão Kê nươngỉnương ôm bụng, cụp mắt uống cho hết chén trà. Nhưng rồi lại không kìm lòng được, bèn ngẩng đầu liếc nhìn chàng, đã thấy chàng vịn khung cửa bước ra ngoài. Vẫn là dáng cao như ngọc ấy, mà sao lạc lõng giữa bóng đêm vô ngần, mà sao cứ chới với, cô liêu.

Ngực nàng chợt đau, đau đến hoảng hốt.



Chưa mất bao lâu, Lý Nhu Phong đã nâng mâm đồ ăn vào. Chàng kê một chiếc bàn con lên giường, xếp đũa đưa cho nàng, đoạn châm ngọn đèn đặt gần giường. Tức thì, nơi góc giường nhỏ này được soi rõ thành một miền sáng ngời, ấm áp.

Hai món mặn một món canh, thêm một bát cơm mạch [1]. Bão Kê nương nương vừa tới tháng nên uể oải chẳng muốn ăn, cứ gảy gảy, rệu rã nhai.

Lý Nhu Phong lắng tai, nghe nàng ăn không nhiệt tình lắm, mới nói: “Ngài gầy thế là do ăn ít quá đấy.”

Bão Kê nương nương hơi ngừng đũa, mấp máy môi định nói gì, nhưng rồi chỉ cúi đầu lùa cơm.

Lý Nhu Phong kể: “Lúc còn nhỏ tôi rất thích ăn uống trên giường thế này. Phụ mẫu không cho phép thì tôi giả bệnh, thế là được như ý ngay. Có khoảng thời gian cha mẹ đều tưởng tôi yếu ớt lắm bệnh, mãi sau mới biết là tôi giở chứng.”

Bão Kê nương nương im lặng nghe, chầm chậm dùng bữa, vẫn chẳng thèm ừ hử.

Lý Nhu Phong hỏi: “Thế lúc bé ngài thích ăn ở đâu nhất?”

Bão Kê nương nương không đáp lời chàng. Lý Nhu Phong lại tiếp: “Mẫu thân tôi bảo, hồi bé đại ca tôi thích ăn trái cây trên bệ xí nhất. Phải lâu thật lâu sau, tận khi ra làm quan rồi mới được đại tẩu sửa cho.”

Bão Kê nương nương đập đũa xuống: “Lý Nhu Phong, rốt cuộc chàng có để ta ăn nữa không?”

Lý Nhu Phong dừng câu chuyện, lần tìm đôi đũa trên bàn đặt vào tay nàng, còn khép các ngón tay nàng để cầm như cũ.

Bão Kê nương nương tiếp tục biếng nhác gảy thêm vài miếng. Chốc lát sau, Lý Nhu Phong lại kể: “Đại ca tôi…”

“Hồ nước nóng Tiêu Long [2].”

Lý Nhu Phong kinh ngạc “A” lên.

“Ta thích ăn ở hồ nước nóng Tiêu Long nhất.”

Lý Nhu Phong biết chỗ đó, hồ nước nóng Tiêu Long là một hồ tắm lớn của triều đình Đại Ngụy. Khuôn viên hồ cực kỳ xa hoa tráng lệ. Trong hồ có thả tượng rồng bằng đồng, mùa hè thì chất các khối băng để giữ nước luôn mát mẻ, vào đông sẽ đốt than làm cả phòng ấm áp như xuân. Hồ tắm hoàng gia này chuyên dùng cho văn võ bá quan triều đình Đại Ngụy tẩy rửa trước các buổi lễ trọng. Nhưng sao Bão Kê nương nương lại ở đây?

Bão Kê nương nương hồi tưởng: “Mùa đông năm đó trời rét đậm, ta vừa đi tới ven hồ nước nóng thì suýt chết cóng. Đến lúc tỉnh dậy đã thấy được đưa vào khuôn viên hồ, bọn họ để ta chà lưng cho các quý nhân. Trong đấy thật ấm, cũng là lần đầu tiên ta được ăn cơm nóng, nên ở lại tận hai năm.”

Giọng nàng đã thoải mái hơn nhiều: “Hai năm đó là được ăn uống no đủ nhất, chẳng phải sầu lo.” Nàng “À” một tiếng, nhớ ra điều gì, “Hoàng đế Thế Tông đúng là béo trắng núc ních, còn béo hơn cả Phùng Thời.” Nàng bổ sung, “Dòm vô là thấy thèm thịt heo ngay.”

Lý Nhu Phong nghe nhập tâm, hồi lâu mới hỏi một câu: “Vậy sao ngài không ở đấy tiếp?”

“Sau này càng lớn càng giống nữ tử, nên phải đi thôi.”

“Tiếp đó là tới Trừng Châu?”

“Không, ta vốn định sang đảo Đam Nhĩ. Nghe bảo vùng đấy là cực nóng, rất tốt cho dương bạt như ta này. Nhưng lúc tạt qua Lan Khê thì dừng lại, sau nữa chuyển đến Trừng Châu.”

Lý Nhu Phong hỏi: “Sao lại dừng ở Lan Khê?”

“Bởi vì...” Một chữ “chàng” tắc trong miệng. Bão Kê nương nương ngước mắt, thấy trên mặt chàng nào có vẻ thắc mắc gì, hiểu ra trong lòng chàng đã cầm chắc đáp án, chẳng qua là biết rõ mà vẫn cố hỏi thôi. Nàng chợt nổi giận, đặt mạnh đũa xuống bàn, “Không ăn nữa!”

Lý Nhu Phong vươn tay về phía quầng lửa ánh kim. Ngón tay thon gọn se lạnh của chàng đầu tiên là chạm vào sống mũi nàng. Nàng tránh ra sau chút, chàng liền thuận thế hạ tay, đến gần môi nàng, dùng đầu ngón cái lau ít dầu mỡ dính trên khoé miệng nàng, rồi lau tay vào khăn, nói: “Thế uống thêm ít canh đi.”

Bão Kê nương nương giật mình: “Lý Nhu Phong, chàng đâu cần như vậy. Ta có làm gì thì đều là tự mình muốn làm, không phải vì mong chàng báo đáp.”

Lý Nhu Phong từ tốn đẩy chén canh tới trước mặt nàng: “Ngài nào phải tôi, làm sao biết là tôi đang báo đáp?”

Bão Kê nương nương chẳng phải hạng xuẩn dại, nhưng nàng không dám nghiền ngẫm kỹ ẩn ý sau những lời này, nên chỉ coi như chưa nghe. Nàng bưng chén canh, nín thở mà uống. Trong canh có hoàng kỳ, tính ôn, bổ dưỡng, nhưng nồng mùi thuốc. Nàng uống cạn chén này, vị thuốc đắng cả vào trong bụng.

Khi Lý Nhu Phong đang lo rửa chén, Bão Kê nương nương thay đồ, chải đầu rồi mới ra ngoài. Nàng chưa đeo chuông đồng, song trên thân vương mùi máu nhẹ, khứu giác của người cõi âm nhạy bén nên chẳng cần quay đầu cũng biết nàng đến đây.

Chàng dùng nước sạch tráng bát đũa, khuyên: “Nương nương, canh khuya sương lạnh, nên mặc đồ dày thêm chút.”

“Chàng không nhớ y sao?”

“Y” là ai, chẳng cần nói rõ cũng biết.

Lý Nhu Phong lặng im nghiêng chiếc mâm cho ráo bớt nước, rồi sờ soạng xếp ngay ngắn vào tủ bát. Chàng dùng bông thơm và nước sạch rửa tay, lau khô bằng khăn vải, xong mới nói: “Nương nương, tối nay cùng tôi về nhà đi.”



Trước kia, Bão Kê nương nương luôn cảm thấy Lý Nhu Phong này tâm tư thật nặng. Thế nhưng giờ đây cùng chàng dạo bước dưới ánh trăng, tự nhiên nàng lại nghĩ thông suốt. Nàng không thích chàng tâm tư nặng, là bởi vì chàng chẳng đặt hết tâm tư vào nàng. Giả như tất cả tâm tư của chàng đều dành riêng cho nàng, dẫu rằng tâm tư ấy có to bằng trời, có sâu hơn biển, thì đâu lẽ nào nàng lại buồn phiền?

Suy cho cùng, nàng vẫn rất ích kỷ.

Trên đường đi, nàng ngẫm về mấy lời Lý Nhu Phong nói với Dương Đăng trong nhà lao đá. Lý Nhu Phong từng ở bên Tiêu Yên, mặc dù nhìn như luôn sống an nhàn, xa rời thế sự, nhưng liệu chăng có thể thật sự tách khỏi loạn thế này? Những con cháu sĩ tộc môn phiệt như họ, thoạt trông chỉ ngày ngày rỗi việc ngồi ăn tô thuế của tá điền, song vào thời khắc gia quốc khuynh vong, thực chất trong cốt tủy vẫn tồn tại một thứ mà loại người tầm thường như nàng không có được. Đấy là ý thức trách nhiệm với thiên hạ chúng sinh.

Nàng khẽ thở dài, nhanh chân đuổi kịp chàng. Hình như Lý Nhu Phong nhận ra mình đi hơi vội nên chậm bước lại.

Chàng hỏi: “Nương nương có lạnh không?” Nàng lắc đầu, Lý Nhu Phong nói, “Nương nương, tôi đâu nhìn thấy được.”

Nàng liền đáp: “Không lạnh.”

Chàng lại hỏi: “Nương nương hết đau bụng chưa?”

Bão Kê nương nương đáp: “Hết rồi.”

Chàng ngồi chống chân trước mặt nàng: “Hay tôi cứ cõng ngài đi, ngài chỉ đường cho tôi.”

Bão Kê nương nương bám vào lưng chàng, chàng thật sự bước nhanh thoăn thoắt. Qua chốc lát, Bão Kê nương nương xoa trán chàng, hỏi: “Lý Nhu Phong, chàng có mệt không?”

“Nương nương, người cõi âm không hư tổn, không suy kiệt. Ngài đã luôn ở bên tôi rồi, dẫu có phải đi vạn dặm đường thì tôi cũng chẳng mệt đâu.”

Bão Kê nương nương không còn mong chờ gì hơn. Nàng nhắm mắt lại, ôm chặt cổ chàng.

- ----------

[1] Cơm mạch: Bột lúa mạch đem nấu như nấu cơm, dùng kèm với đậu. Món này đơn giản, đạm bạc, chỉ có dân nghèo ăn, nhưng vẫn thường xuất hiện trong văn thơ cổ.

[2] Hồ nước nóng Tiêu Long: Theo Thập Di ký, đây là hồ tắm của Thạch Hổ thời Tấn, dùng làm hồ tắm bốn mùa. Khi thời tiết đóng băng thì cho nung nóng mấy ngàn tượng đồng hình rồng uốn khúc, thả vào hồ để ổn định nhiệt độ.
« Chương TrướcChương Tiếp »