Chương 17: Thương vụ mua lại Med-Ferry (8)

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Sau một buổi tối nghỉ ngơi, đến sáng sớm hôm say, Kinh Hồng tự nhiên lại muốn dạo quanh thị trấn lịch sử nổi tiếng mà anh chưa từng ghé qua này.

Kinh Hồng không gọi các trợ lý đi cùng mà chỉ một mình ra khỏi khách sạn.

Đến tham gia Hội nghị Internet Thế giới lần này Kinh Hồng có mang theo bốn, năm trợ lý. Có điều thị trấn này rất rộng, có hai khu vực tham quan chính là Đông Sách và Tây Sách, phải mấy tiếng đồng hồ mới có thể đi hết được. Nhưng tối nay cả đoàn sẽ phải quay lại Bắc Kinh rồi, mà ngày thứ hai của hội nghị thì khoảng 9 giờ sáng sẽ bắt đầu, vậy nên Kinh Hồng không gọi thêm ai mà tự đi một mình. Anh ra khỏi phòng lúc 5 giờ hơn, ngày thường anh cũng thức dậy vào khoảng tầm giờ này.

Một ngày bình thường của anh lúc nào cũng là thức dậy vào khoảng 5 giờ hơn, tập thể dục, đi tắm, ăn sáng rồi đi làm. Anh ít khi ngủ quá sáu tiếng một ngày, có ngày anh chỉ ngủ khoảng bốn tiếng hoặc ít hơn.

Thay vì áo sơ mi và quần âu như bình thường, Kinh Hồng mặc một chiếc áo len rộng màu trắng gạo phối với quần bò, bộ đồ khiến anh trông trẻ trung hơn nhiều.

Tối qua anh và những người khác đều ở Tây Sách, các khách sạn bên đây đều là khách sạn thương mại.

Đi tới bờ sông, Kinh Hồng lên một chiếc thuyền mui đen và lặng lẽ ngồi chờ mặt trời mọc.

Thuyền mui đen là kiểu thuyền chèo tay. Những gợn sóng lăn tăn xô đẩy nhau va vào hai bên mạn thuyền, tiếng mái chèo khua nước long bong, khua cả vào bọt nước lăn tăn tự trong đáy lòng.

Một lúc sau, mặt trời dần dần ló dạng.

Ánh nắng ban mai mạ vàng những tầng cây. Các bức tường trắng hai bên bờ sông cũng được nhuộm một màu vàng nhẹ ấm áp. Bình minh loang hình trên mặt nước kéo ra một cái đuôi thật dài, sóng lắc lư bồng bềnh lẫn màu vàng lấp lánh. Tọa giữa vầng thái dương trên trời và vầng thái dương trong nước là một cây cầu vòm trắng cổ kính, trên cầu là các cô gái trẻ trong bộ trang phục sườn xám truyền thống đang cùng nhau chụp ảnh.

Như chốn bồng lai.

Lái đò tiếp tục đưa thuyền đi quanh thị trấn.

Kinh Hồng ngắm nhìn phong cảnh.

Sáng sớm tinh mơ, cả thị trấn vẫn đang chìm trong giấc ngủ, nhà nào nhà nấy chốt cửa gài then. Tây Sách được tạo thành từ mười hai cồn nhỏ, nối với nhau bằng bảy mươi cây cầu con. Trên cồn nào cũng là tường trắng ngói xanh, điểm xuyết bằng những tán cây xanh mướt. Khung cảnh này gợi Kinh Hồng nhớ về Venice.

Có chỗ giống, cũng có chỗ không giống.

Thuyền đi một lúc, trời lại bắt đầu đổ mưa. Không phải kiểu mưa cuốn theo bụi bẩn và hỗn loạn như ở Bắc Kinh mà là mưa phùn lâm râm của vùng sông nước Giang nam.

May là Kinh Hồng có mang ô.

Đi hết một vòng, thuyền cập bến cũ, Kinh Hồng hài lòng cầm ô bước xuống. Đây là ô của khách sạn, màu đen, cán dài, tay cầm bằng gỗ, không nhẵn lắm nhưng cầm rất thoải mái.

Kế tiếp, Kinh Hồng chỉ đơn giản dạo qua vài nơi ở Tây Sách. Sau cùng, anh leo lên chùa Bạch Liên – một trong những điểm đến được đề cử của Ô Trấn.

Đây quả là một nơi tuyệt vời để ngắm cảnh. Phóng tầm mắt ra xa là kênh đào Đại Vận Hà nối giữa Bắc Kinh – Hàng Châu. Con kênh đi ra từ cuối Tây Sách, rộng mở, thăng trầm, cuồn cuộn, ngang tàng. Đây là thị trấn duy nhất nằm trên lưu vực Đại Vận Hà của Giang Nam.

Kinh Hồng thử hình dung về sự ồn ào hối hả của kênh đào này năm xưa.

Kênh đào Đại Vận Hà được xây dựng từng phần vào thời Xuân Thu, hoàn thành vào thời nhà Tùy và phát triển rực rỡ vào thời Đường Tống. Con kênh này, thị trấn này, thậm chí là cả mảnh đất dưới chân này, hưng thịnh, suy tàn, rồi lại hưng thịnh. Thoáng cái đã ngàn năm.

Cách đó mấy mét, Chu Sưởng vừa leo lên đến chùa Bạch Liên thì bắt gặp bóng dáng Kinh Hồng.

Không biết vì sao, Chu Sưởng không có tiến lên mà lẳng lặng đứng yên quan sát dáng vẻ đang tựa vào lan can của Kinh Hồng.

Trên đỉnh ngôi chùa Bạch Liên, dưới cơn mưa lâm râm, Kinh Hồng cầm ô đứng đó. Cán ô gác trên bả vai, tán ô chỉ vừa đủ che qua đầu. Phía xa kia là con kênh Đại Vận Hà đã cuồn cuộn suốt hai ngàn năm trăm năm, là biển hoa rộng lớn, là dòng nước chảy lởn vởn khói sương, là ngói xanh, tường trắng, là con người Giang Nam cả đời gối đầu bên dòng nước biếc. Thu tầm mắt lại thì là Kinh Hồng đang cầm ô. Hắn thấy lọng ô kia xoay một vòng, vài giây sau lại xoay một vòng, thêm vài giây, lại một vòng nữa. Có vài giọt nước văng ra từ tán ô, trong suốt long lanh. Dưới tán ô, Kinh Hồng mặc một chiếc áo len trắng, trông khác hẳn so với ngày thường.

Chu Sưởng nghĩ: Những gì người ta nói về cái xoáy tóc nghịch ngợm kia xem ra cũng đúng ra trò.

Hắn trầm ngâm giây lát rồi quyết định xoay người đi xuống, không quấy rầy Kinh Hồng thưởng thức cảnh đẹp.

Kinh Hồng đứng trên đỉnh Bạch Liên thêm một lát, thấy thời gian không còn sớm nữa nên cũng xuống khỏi chùa và di chuyển sang Đông Sách.

*

Chẳng mấy chốc đã tới Đông Sách. Kinh Hồng dạo bước trên con đường lát đầy phiến đá xanh. Để tiện ngắm nhìn cảnh đẹp ven đường, Kinh Hồng nhấc ô lên một chút. Thế là thỉnh thoảng lại có một cơn gió Giang Nam thổi qua cuốn theo những hạt mưa ti li tấp lên người anh, hơi lạnh nhưng rất dễ chịu.

Hai bên là cầu có mái che, chòi nghỉ, hàng ăn, quán trà, giàn treo vải nhuộm, vại chum ngâm tương. Cảnh đẹp như tranh vẽ.

Phía sau mỗi cánh cửa dường như đều cất chứa những câu chuyện quá khứ đã phủ bụi. người năm ấy cũng như người hôm nay, cũng hăng say lao động, cũng bàn chuyện lứa đôi.

Sau khi dạo qua vài nơi, Kinh Hồng nhìn thấy một cây cầu có mái che.

Dưới phần mái che, cầu được tách thành hai bên trái phải, ở giữa là dải ô cửa sổ gỗ rỗng chạm trổ phong cách Trung Hoa truyền thống.

Giờ này đường phố đã bắt đầu có người qua lại, Kinh Hồng một người: "Đây là cầu đôi Phùng Nguyên sao?"Như Nước Với Lửa - Chương 17: Thương vụ mua lại Med-Ferry (8)"Phải!" Người dân ở đây không biết Kinh Hồng, "Đây chính là cầu đôi Phùng Nguyên!"

Tối hôm qua Kinh Hồng đã đọc về cây cầu này. Nghe nói đi bên trái thì thăng quan, đi bên phải thì phát tài, mọi bề đều may mắn thuận lợi.

Nhưng Kinh Hồng lại thấy như vậy thì không được logic cho lắm.

Chung quy mỗi người chỉ có thể bước lên một bên cầu mà thôi, tức chẳng ai có thể vạn sự hanh thông, tả hữu đều "Phùng Nguyên" được cả, đừng tham lam cố chấp làm gì.

Chú thích: Cây cầu tên Phùng Nguyên Song Kiều, lấy từ thành ngữ "tả hữu phùng nguyên" (左右逢源). Cầu chia thành hai bên trái phải, tức "tả hữu". Nguyên là nguồn nước, dù đứng bên nào của cầu ta cũng thấy được dòng nước, tức "phùng nguyên". Ẩn ý luôn được như nguyện cầu, thuận lợi, hanh thông.

Nghĩ cũng biết, dù ban đầu cầu đôi Phùng Nguyên mang ý nghĩa gì thì bây giờ cũng chỉ còn là "Đôi người yêu nhau mỗi người lên một bên, đi song song với nhau và gặp lại ở đầu bên kia, ấy là có thể sắt son cả đời".

Kinh Hồng một không có người yêu, hai không có nguyện vọng thăng quan phát tài (bởi đều đã đạt được cả rồi), giờ cầu thêm gì nữa thì chắc đến thần linh cũng phải khó chịu mất thôi. Thế là anh bước đại lên bên trái cầu.

Cầu không dài lắm. Đi đến giữa cầu, Kinh Hồng dừng bước ngắm nhìn liễu rủ xanh rì cùng đình đài uốn khúc giữa dòng nước một lát rồi mới tiếp tục cất bước.

Đi được vài bước, Kinh Hồng nghiêng đầu nhìn thoáng qua phần cầu bên kia vách ngăn bằng gỗ.

Sau đó, xuyên qua phần rỗng của hoa văn chạm trổ, anh nhìn thấy Chu Sưởng.

Chu Sưởng cũng cầm một chiếc ô màu đen, hắn mặc một chiếc áo len màu xám. Như thể cảm nhận được ánh mắt của anh, hắn cũng xuyên qua phần chạm rỗng để nhìn sang.

Dáng người cao lớn, gương mặt điển trai, khí chất mạnh mẽ.

Trong lúc nhất thời, chân hai người vẫn bước tiếp, ánh mắt cũng không dời đi. Vách ngăn gỗ ở giữa thoáng lại ngăn trở, thoáng lại thông liền tầm mắt của hai người.

Bởi có vách ngăn gỗ chạm trổ kiểu cổ điển ở giữa, đứng bên này cũng chỉ thấy được phần nào khuôn mặt người bên kia.

Nhưng Kinh Hồng nhận ra, dù bị chạm hoa tuyệt đẹp chắn đằng trước, con người Chu Sưởng vẫn không bớt đi chút rực rỡ nào. Thậm chí khung gỗ chạm trổ tinh tế văn nhã này còn tô điểm thêm cho khí chất của hắn, làm con người ấy càng thêm phần đượm vị ngát hương.

Làn mưa bụi Giang Nam làm mềm đi cảm xúc trong lòng người. Kinh Hồng nhẹ nhàng gật đầu, Chu Sưởng thấy thế cũng gật nhẹ lại.

Xem như lời chào hỏi.

Nhưng đặt trên cầu đôi Phùng Nguyên, lời chào này có vẻ không phù hợp cho lắm.

Trước giờ những lần gặp mặt của hai người chỉ giới hạn trong những hoạt động sự kiện liên quan đến công việc.

Thăm quan Đông Sách xong vẫn còn một chút thời gian.

Các trợ lý theo đoàn đã thức dậy. Kinh Hồng nói với họ mình đã ăn sáng rồi, tầm 8 giờ 45 phút anh sẽ qua chỗ phòng khách sạn luôn. Các trợ lý cũng vui vẻ đáp lại.

Kinh Hồng không định về ngay. Anh ước lượng thời gian cần để trở lại khách sạn và thay quần áo rồi lại đi dạo quanh Tây Sách thêm một lúc.

Đi được một lát, Kinh Hồng thấy gần hồ có một tòa nhà vừa lớn vừa hiện đại. Hình như anh chưa từng thấy hình của tòa nhà này trên mạng, bèn lại gần để xem, ra đây là "Không gian lưu niệm Mộc Tâm".

Kinh Hồng không biết nhiều về nghệ thuật cho lắm, anh chỉ biết sơ sơ rằng Mộc Tâm này hình như là một họa sĩ nổi tiếng. Mà dù sao bây giờ cũng rảnh, Kinh Hồng quyết định bước vào xem thử.

Trên phần giới thiệu ở cửa ra vào có viết, vào thời khắc lâm chung, trong cơn mê man, khi nhìn thấy bản thiết kế của phòng trưng bày nghệ thuật này, lão nhân Mộc Tâm đã bình luận như sau: "Kìa gió, kìa nước, kìa một cây cầu."

Kinh Hồng ngẫm nghĩ về những câu chữ này một lát rồi bắt đầu cuộc hành trình ngẫu hứng ở nơi đây.

Đầu tiên là không gian trưng bày về cuộc đời người họa sĩ. Cuộc đời ông được chia thành bốn giai đoạn. Từ năm 1927 đến năm 1943, ông sinh ra và lớn lên ở thị trấn này. Ông vốn có tuổi thơ sung túc, nhưng vì chiến tranh mà phải di tản nhiều lần. Năm 1945, ông tới Thượng Hải học hội họa. Song vì phản đối nội chiến, ông bị trường đuổi học, bị Quốc Dân Đảng truy nã và phải trốn đến Đài Loan. Đến năm 1949, ông mới lại trở về Thượng Hải. Tại đây ông bắt đầu làm việc, lánh đời, vẽ tranh, rồi lại vì mưu sinh mà lại tiếp tục làm việc,... Năm 1971, ông bị bắt vào tù, tất cả những bức tranh ông vẽ đều bị tiêu hủy, tay ông cũng bị đánh gãy vài ngón. Thời gian này, ông viết bộ trường thiên tiểu thuyết "Ghi chép trong tù". Sau khi ra tù, việc đầu tiên ông làm là sửa chữa công trình Đại lễ đường Nhân dân. Năm 1982, ông tới New York tiếp tục học tập. Cuộc sống của ông ở nước ngoài gặp phải muôn vàn khó khăn. Khi trở về cố hương đã xa cách 52 năm, ông nhận thấy mọi thứ đã hoàn toàn đổi thay. Trong nỗi niềm buồn đau, ông đã làm một bài thơ, câu cuối ông viết "Vĩnh biệt, tôi sẽ không quay lại nữa". Sau này, người đứng đầu thị trấn đã cho tu sửa lại nhà cũ của ông cha và mời Mộc Tâm trở về. Vì vậy, năm 2006, ở tuổi 79, Mộc Tâm đã nhận lời và quyết định trở về quê cũ. Ông sống những năm cuối đời ở nơi từng là vườn hoa Tôn gia cho đến khi qua đời vào năm 2011.

Một cuộc đời truyền kỳ.

Bên trong còn có không trưng bày hội họa và văn học nữa.

Tuy Kinh Hồng không biết nhiều nhưng là anh vẫn có khả năng thường thức nghệ thuật cơ bản. Đứng trước những bức họa đó, anh cũng như đắm chìm trong phong cảnh sau nét mực mài.

Đến trước một bức tường nọ, Kinh Hồng dừng lại hồi lâu, ngắm nghía từng bức tranh được treo trên đó.

Cách đó không xa là hai mẹ con đang vừa ngắm tranh vừa nói chuyện phiếm.

Cô gái dường như rất hiểu về Mộc Tâm, cô nói với mẹ mình: "Mộc Tâm tuy là một họa sĩ, nhưng thứ nổi tiếng nhất của ông ấy lại không phải tranh, cũng không phải câu chuyện về cuộc đời, mà là một bài thơ đó mẹ."

Mẹ cô ấy là người Giang Nam, giọng bà mang khẩu âm phương Nam dịu dàng: "Vậy sao? Là bài nào thế?"

Cô gái cũng đổi sang nói bằng tiếng Ngô mềm mại: "Bài thơ tên Ngày xưa chậm rãi, nó nổi tiếng vì đã được phổ nhạc thành bài hát rồi."

Nghe vậy, mẹ cô gái lại hỏi: "Bài thơ đó như thế nào vậy?"

"Để con tìm." Hình như cô gái đang mở điện thoại ra để tìm nội dung bài thơ. Một lát sau, giọng nói nhẹ nhàng của cô ấy lại vang lên giữa khu trưng bày tranh:

"Còn nhớ những năm tháng thiếu thời,

Con người ai cũng thật thà chất phác,

Nói gì thì chính là vậy..."

Mẹ cô ấy yên lặng lắng nghe, Kinh Hồng cũng thong thả đứng đó nghe.

Cô gái vẫn đang đọc tiếp:

"Ngày đó sắc trời thay đổi thật chậm rãi,

Ngựa xe thì chậm, thư cũng rất lâu,

Cả đời chỉ đủ để yêu một người..."

Không rõ vì sao nhưng khi nghe đến câu này, Kinh Hồng đột nhiên có một cảm giác rất kỳ lạ. Anh chợt tập trung tinh thần lại, đưa mắt qua vai nhìn về phía sau.

Sau đó Kinh Hồng thấy, ở bức tường phía sau lưng, Chu Sưởng cũng vừa lúc xoay người lại và nhìn về phía anh.

Bốn mắt chạm nhau.

Rõ ràng hai người đều không biết đối phương đang ở đó, nhưng thật lạ lùng, giữa Giang Nam mưa bụi lâm thâm, giữa những bức tranh thủy mặc non nước hữu tình, giữa khoảnh khắc lắng nghe câu thơ "Cả đời chỉ đủ yêu một người" kia, hai người lại cùng quay đầu lại.