Chương 9

Vùng hải vực này có nước chảy siết khó lường, bên dưới mặt biển nhìn như tĩnh lặng tồn tại rất nhiều mạch nước ngầm xoắn ốc. Dù là con thuyền với hình thể khổng lồ đi qua vùng biển nguy hiểm này, khả năng bị vòng xoáy nuốt chửng vẫn rất cao.

Chỉ có cụ rùa Huyền Vũ sinh trưởng ngay tại vùng hải vực mới có thể tránh được các loại mạch xoáy ngầm tìm đến đảo Bích Hải Triều Sinh.

Và con thuyền khổng lồ mà Văn Nhân Thính Tuyết với Thương Chi đang đi, chính là được đóng trên mai của cụ rùa Huyền Vũ.

Để lấy được hai tấm vé đi trên con thuyền này quả thật rất khó khăn, tất cả đều nhờ vào một tay kiếm pháp hơn người của Văn Nhân Thính Tuyết. Nàng phải làm hộ vệ cho người lái thuyền Thạch Liệt một đoạn thời gian, mới có tư cách dẫn Thương Chi bước chân lên con thuyền này.

Ngoại trừ miền biển nguy hiểm khôn lường, Bích Hải Triều Sinh cũng là một vùng đầy nguy cơ, độc trùng và khí độc chiếm cứ khắp hải đảo. Mà đệ tử trên đảo có tính tình lạnh nhạt, không dễ ra tay trị liệu cho người bị thương.

Điểm chí mạng chính là, chủ nhân của Bích Hải Triều Sinh – y tiên Nguyệt Phù Sơ có vài phần giao tình với hoàng thất triều Vũ. Hơn nữa, thái tử Vũ Trọng Tuyết còn là thượng khách ở đây.

Văn Nhân Thính Tuyết một kiếm đâm thủng l*иg ngực của sư đệ thái tử, dựa vào tính nết của sư đệ, hai người đã không thể đội trời chung được nữa.

Nếu không phải Thương Chi dính thi độc, Văn Nhân Thính Tuyết tuyệt đối sẽ không đặt chân đến nơi đó.

Lần này đến Bích Hải Triều Sinh, không được bại lộ thân phận, nhất định phải hành động cẩn thận, nếu không kết cục sẽ vô cùng thê thảm.

Con đường phía trước ngập tràn thử thách, không khỏi khiến lòng người sầu lo.

Ánh nến tối tăm, Văn Nhân Thính Tuyết cúi đầu nhìn thanh kiếm trong tay.

Thân kiếm vừa mảnh vừa uyển chuyển, tên là Tế Tuyết, phần chuôi được chế tác từ một khối hàn ngọc, chạm vào lạnh lẽo thấu xương.

Nhìn lại, từ năm chín tuổi đến hai mươi tuổi, thanh kiếm này đã bầu bạn với nàng được mười một năm.

Trong hai mươi năm cách biệt với Thương Chi, đao kiếm phong sương, gió đông lạnh buốt, chỉ có Tế Tuyết bầu bạn bên người.

Vận mệnh của nàng và thanh kiếm trong tay đã sớm hòa làm một, không bao giờ phân cách.

Sống cũng là kiếm, chết cũng là kiếm.

Nương ánh nến mà nhìn ái kiếm, Văn Nhân Thính Tuyết lúc này mới cải trang giả dạng cho ái kiếm một lần nữa.

Phàm là danh kiếm, hầu hết đều rất bắt mắt, trước đây nàng luôn bộc chuôi kiếm lại bằng vải bố, lại bị Thương Chi mang đi nướng gà rừng, dưới trận khói lửa mịt mù, ái kiếm không khỏi thay đổi.

Bây giờ sắp tiến vào hải đảo, phải chú ý đến từng tiểu tiết một, cẩn thận từng li từng tí.

Văn Nhân Thính Tuyết tròng lớp vỏ bộc kim loại vào chuôi kiếm, còn phần thân kiếm sắc bén sáng bóng thì dùng nước sơn đặc chế phủ lên để cho màu sắc tối xuống. Sau một hồi cải biến, ánh sáng sắc bén khiến người người sợ hãi của ái kiếm bị áp chế tối đa, trông rất giống một thanh kiếm bình thường đến không thể bình thường hơn.

Tra kiếm vào vỏ, Văn Nhân Thính Tuyết cầm lên chiếc mặt nạ dịch dung ở bên cạnh, sau khi pha chế xong keo dính, mới lần nữa dán lên mặt.

Khuôn mặt thanh lệ tức khắc trở nên bình thường nhạt nhẽo, nhìn qua không hề có điểm nào đặc sắc, chắc chắn sẽ luôn bị chìm nghỉm giữa đám đông.

Làm xong hết việc cần làm, Văn Nhân Thính Tuyết đứng lên đi ra sau bức bình phong.

Thương Chi đang ngủ trên giường chau mày, bộ dạng hoàn toàn không còn cợt nhả như ban ngày.

Cứ việc Văn Nhân Thính Tuyết bước chân không tiếng động, nhưng nàng chỉ vừa đến gần giường, Thương Chi lập tức mở mắt.

Văn Nhân Thính Tuyết bĩu mỗi: “Đã chung chăn gối suốt ba tháng rồi, mà còn cảnh giác thế à?”

Thương Chi ngáp một cái.

“Không còn cách nào khác, người hàng năm phải xuống mộ sao có thể bỏ tính cảnh giác được. Một năm 365 ngày, ngày nào cũng bị đám bánh chưng rượt đuổi khắp nơi, ai mà dám ngủ sâu.”

(*Ngôn ngữ Thương Chi: bánh chưng = các loại ma thi nằm trong mộ.)