Bởi vì khoảng thời gian hơn mười năm xa cách mà ngài thiếu tướng có nhiều lúc thực sự không lường hết được sự xuất sắc vượt trội của con trai mình.
Viên Anh Vũ đã sớm không còn là bé thạch gấu vị chocolate năm nào được ba mẹ che chở trong lòng bàn tay nữa rồi. Viên Thanh Nguyên thực sự rất là hoài niệm khoảng thời gian còn di chuyển qua lại giữa hai chiến trường thực địa là Nga và Đức, bởi vì bất chấp cả khoảng cách địa lý lẫn lệnh cấm không được lộ diện, anh vẫn có thể mỗi đêm nhìn thấy đứa trẻ của mình bình an và khỏe mạnh mà lớn lên, hơn nữa lại còn hưởng thụ cái cảm giác con trai vô thức ỷ lại vào người cha dưới vỏ bọc người xa lạ này. Hồi ký ba mươi sáu ngày đêm “đào ngũ” của Anh Vũ cho tới bây giờ vẫn còn được chuyền tay nhau trong lớp huấn luyện quân sự của Tần Dịch, không chỉ là vì để cảnh tỉnh chính ngài chỉ huy họ Tần về việc để thất lạc mất một đứa trẻ mà còn là ví dụ điển hình và xuất sắc nhất để đào tạo lối tư duy của quân Trinh thám. Viên Thanh Nguyên cũng có một bản do chính ngài chỉ huy cực khổ chép tay gửi lại cho anh, bất chấp việc từng dòng từng chữ của cái quyển tự truyện tràn đầy tính trẻ con kia anh đã sớm thuộc nằm lòng.
Năm đó Anh Vũ thực sự rất nhỏ, chính ngài thiếu tướng cũng không biết là bé con kia đã ôm cái suy nghĩ gì khi trốn thoát sự truy lùng của cả quân đội và cảnh sát, một mình vượt qua mấy nghìn kilomet chỉ để tới biên giới tìm mẹ. Hành trang của Anh Vũ lúc đó cũng chỉ có vỏn vẹn bốn năm bộ quần áo, chocolate các loại và một khoản tiền tiết kiệm nhỏ anh để lại trước khi bị cưỡng chế bắt đi làm gián điệp nằm vùng. Anh cũng thực sự không ngờ rằng chỉ dựa vào vài câu tiếng Pháp anh nói đùa với con trước khi đi xa và trình độ tiếng Anh vỡ lòng, đứa bé ấy lại có thể đánh lừa được chừng đó người lớn để đặt chân đến chỗ trú quân của đội ngũ bác sĩ và y tá tình nguyện của chính phủ, an toàn tìm được mẹ mình.
Bé con Anh Vũ của những năm sau đó đã thôi không làm những chuyện dại dột như thế nữa, phần vì có làm cũng không có ý nghĩa gì, phần vì lệnh cấm túc dài hạn mà đại tá Tần đặt ra lúc đó. Khi tự truyện của Anh Vũ bị người sao chép rồi lan truyền khắp nơi trên các trang web trong nước và quốc tế, bé con nhà anh đã tức giận đến độ lập một trang web riêng nhờ mọi người quyên góp tiền để kiện những tài khoản phát tán “tác phẩm” của mình, thậm chí còn cao cấp đến độ phiên dịch ra vài thứ tiếng khác nhau, cũng không biết là phải mất bao nhiêu công sức tra từ điển mới viết ra được một đoạn văn dài ơi là dài thế nữa.
Những tháng ngày sau khi Anh Vũ có trang web riêng, Viên Thanh Nguyên lúc này mới dám mạo danh thành một người Đức tốt bụng không có con cái gì để bắt chuyện với bé con nhà mình. Anh dùng danh nghĩa là người ủng hộ việc đòi bản quyền tự truyện để gửi tiền cho con trai, cho dù là nhiều năm sau đó trang web của Anh Vũ dần không còn ở trạng thái hoạt động và đã thôi đăng bài, anh vẫn chăm chỉ gửi vào tài khoản của nhóc con 200 Euro mỗi tháng.
Một phần tuổi thơ của Anh Vũ trôi qua bên chiếc máy tính để bàn trong phòng ngủ của Viên Thanh Nguyên, ngày ngày đêm đêm tìm “bác tốt bụng”, vừa than thở vừa cố gắng độc lập hoàn thành cho xong công việc của mình. Quãng thời gian đó đối với ngài thiếu tướng mà nói chính là một loại dằn vặt, không chỉ là bởi vì khoảng cách địa lý quá xa mà còn là vì bản thân anh không được phép đường đường chính chính tham dự vào cuộc sống của con mà phải mượn danh một người qua đường xa lạ khác, có những lúc thật lòng thương con nhớ con nhưng vẫn phải nhịn xuống câu “Ba đây.” để mà che giấu chính mình.
Anh Vũ lúc này không chỉ phải mang trên vai gánh nặng những bài học ở trường mà còn là những bài học “phổ cập giáo dục cấp quân đội” biếи ŧɦái cộp mác nhà họ Tần, có những lúc vừa mệt vừa uất ức nhưng vẫn phải hoàn thành cho xong bài tập, cho dù là buồn ngủ đến mức mắt díp vào nhau, bé con vẫn phải cố gắng tập trung tinh thần để làm bài vì chỉ cần thiếu một câu một đề nào thôi, cái tên chỉ huy xấu xa cứng nhắc kia lại được dịp đem đủ các loại kỷ luật và hình phạt quân đội ra để mà hù dọa.
Năm Anh Vũ lên lớp sáu, những bài huấn luyện khắc nghiệt và không nằm trong sức chịu đựng của nhân loại bắt đầu ghé thăm thường xuyên hơn, cũng không biết là cái vị chỉ huy của chiến đội Thiên Lang kia nghĩ cái gì trong đầu mà lại quyết tâm buộc đứa con mà đến cả anh cũng không nỡ nhìn nó chịu khổ đi theo con đường đa ngôn ngữ. Bài tập chất đầy như núi, nhịp sống như ở quân đội ép Anh Vũ đến mức thở không ra hơi, đứa bé vốn tự lập tự cường kia không thể không nhờ đến anh – dưới thân phận ngụy trang là “bác Wolfgang” – giải quyết giúp cái đống bài tập tiếng Đức khó nhằn kia.