Chương 7: Phạm học đạo khảo hạch báo ơn thầy, vương viên ngoại ở triều đãi nghĩa bạn

Nghiêm cống sinh đem việc lập tự lên kiện ở huyện, ở phủ đều thua. Quan không xét đến, y chỉ còn cách đi lên kinh, tưởng đâu rằng có thể mạo nhận là bà con với Chu học đạo để nhờ ông ta. Nhưng lên đến kinh thì biết tin Chu học đạo đã được bổ làm tư nghiệp Quốc tử giám. Y bèn liều mạng viết một cái thϊếp đề là "thông gia" nhờ người đầy tớ đưa vào. Chu Tiến xem trong lòng nghi hoặc, vì mình không có người thông gia nào tên như thế cả. Đang trầm ngâm suy nghĩ thì một người nhà đưa vào một cái thϊếp chỉ viết hai chữ "Phạm Tiến". Chu Tiến nhớ đây là người mình đã lấy đỗ ở Quảng Đông, nay đã thi đỗ ở tỉnh, lên kinh thi hội. Chu Tiến bèn bảo mời ngay vào.

Phạm Tiến vào, miệng chào rối rít, cứ sụp xuống lạy mãi. Chu Tiến giơ hai tay ra đỡ dậy, mời ngồi và hỏi ngay:

- Cùng đồng hương với anh có ai họ Nghiêm đỗ cống sinh không? Ông ta vừa mới đưa thϊếp vào đây, tự xưng là thông gia với ta. Người giữ cửa hỏi thì ông ta bảo là người Quảng Đông, nhưng ta không có ai là thông gia ở đấy cả.

- Con vừa thấy ông ta. Ông ta người huyện Cao Yếu, thông gia với người cũng họ Chu như thầy, nhưng không biết có là bà con của thầy không?

- Tuy cùng là họ Chu đấy nhưng không phải bà con gì hết!

Chu Tiến bèn bảo người đầy tớ:

- Mày ra nói với ông Nghiêm cống sinh kia rằng quan bận việc công không muốn gặp và trả thϊếp lại cho ông ta.

Người đầy tớ vâng dạ đi ra.

Chu Tiến nói với Phạm Tiến:

- Trước đây ta xem bảng tỉnh Quảng Đông thấy anh đỗ cao, ta mong đợi gặp anh ngay ở kinh. Không ngờ mãi đến nay anh mới vào thi. Sao lại chậm thế?

Phạm Tiến kể lại việc mình phải chịu tang mẹ. Chu bùi ngùi nói:

- Anh học vấn súc tích, tuy có lâu ngày lận đận, nhưng lần này thi hội thì nhất định đỗ. Vả lại, ta vẫn thường khen anh với các quan có thế lực ở đây, nên ai cũng muốn lấy anh làm môn hạ. Anh cứ yên tâm về nhà trọ xem lại văn chương cho kĩ. Nếu tiền bạc có thiếu thốn đôi chút thì ta sẵn lòng giúp cho.

- Con suốt đời xin đội ơn thầy.

Phạm Tiến nói chuyện một lát, ở lại ăn cơm rồi từ biệt.

Thi hội xong, quả nhiên Phạm Tiến đỗ tiến sĩ, được bổ làm ngự sử. Vài năm sau, khâm mạng ra làm giám khảo ở Sơn Đông. Ngày được lệnh ra đi, Phạm Tiến đến gặp Chu Tiến, Chu Tiến nói:

- Sơn Đông tuy là quê hương ta, nhưng ta không có gì làm phiền anh. Ta chỉ nhớ thời dạy học ở làng, có một đứa học trò là Tuân Mai, bấy giờ bảy tuổi. Nay đã hơn mười năm thì chắc nó đã lớn. Nhà nó là nhà cày cấy, không biết học hành đã khá và đã đi thi chưa. Nếu nó thi thì anh lưu ý hộ cho. Có chỗ nào khá thì lấy nó đỗ, đó là điều ta mong ước.

Phạm Tiến nghe vậy ghi nhớ đinh ninh, y đi đến Sơn Đông nhậm chức. Việc thi cử kéo dài hơn nửa năm, sau đó mới đến Duyện Châu. Thí sinh thì đông, ở cả ba nhà, làm y quên mất lời dặn của Chu. Ngày sắp công bố kết quả, y sực nhớ:

- Ta làm ăn như thế này à! Thầy ta bảo ta lưu ý đến tên Tuân Mai ở huyện Vấn Thượng. Ta đâu dám trái lời. Thật là lơ đễnh quá.

Phạm Tiến bèn vội vàng giở danh sách thí sinh ra xem một lượt, không thấy có tên Tuân Mai, y lại dò tất cả sáu trăm quyển thi hỏng ở các phòng ra, xem từng quyển một, vẫn không thấy quyển nào là của Tuân Mai hết.

Lòng y buồn bã nói:

- Vô lí! Nó không thi sao?

Phạm Tiến lại nghĩ:

- Nếu tên nó ở đây mà tìm không ra thì mai sau còn mặt mũi nào nhìn thầy ta nữa. Ta phải xem kĩ! Dầu mai có hoãn công bố kết quả cũng được.

Trong bữa ăn với những người mạc khách 1. Phạm Tiến chỉ nghĩ đến việc ấy không sao yên tâm được, những mạc khách cũng vì vậy mà bồn chồn không yên.

Một người mạc khách trẻ tuổi tên là Cừ Cảnh Ngọc nói:

- Thưa ngài, việc này giống như một việc cũ. Mấy năm trước, có một ông được cử đi chấm thi ở Tứ Xuyên. Một hôm ông ta đang uống rượu với ông Hà Cảnh Minh, lúc rượu say ông Cảnh Minh nói lớn: "Văn chương ở Tứ Xuyên như Tô Thức 2 thì đáng xếp hàng thứ sáu". Ông ta nhớ lời nói đó. Ba năm sau, ông ta rời bỏ Tứ Xuyên trở về. Gặp ông Hà, ông ta nói: "Con đến ở Tứ Xuyên ba năm, tìm khắp nơi nhưng không thấy ai là Tô Thức đi thi cả, có lẽ là ông ta tránh không đi thi chăng?"

Cảnh Ngọc nói xong, lấy ống tay áo che miệng cười, rồi lại nói:

- Không biết Chu tư nghiệp nói với ngài về việc Tuân Mai trong trường hợp nào?

Phạm Tiến là người thực thà, không hiểu y nói đùa nên cau mày:

- Nếu văn chương Tô Thức kém, tìm cũng không ra thì thôi! Chứ Tuân Mai là người thầy học bảo tôi cất nhắc, tìm không được thật không tiện chút nào.

Một người nhiều tuổi là Ngưu Bố Y nói:

- Người huyện Vấn Thượng à? Sao không đem mấy chục quyển của những người đỗ ra mà xem? Nếu văn ông ta khá thì đã lấy đỗ trước rồi cũng nên.

Phạm nói:

- Phải đấy, phải đấy!

Phạm vội vàng xem lại mười mấy quyển những người đã lấy đỗ. Khi xem kĩ thì thấy người đứng đầu là Tuân Mai. Phạm thấy thế vui mừng nở mày, nở mặt. Bao nhiêu buồn bã cả ngày mất đâu hết.

Hôm sau đọc danh sách những người thi đỗ. Trước tiên đọc tên những người đỗ tú tài, rồi đến hạng nhất, hạng nhì, hạng ba. Đọc đến hạng tư, thì người đứng đầu là Mai Cửu ở huyện Vấn Thượng đang quỳ nghe đọc văn mình. Phạm làm vẻ giận nói;

- Văn chương là nghề nghiệp chính của người đỗ tú tài, tại sao văn chương anh lại kém thế này. Thế là ngày thường anh không lo đến công việc của mình, chỉ nghĩ việc đâu đâu. Ta định cho đứng bét, nhưng nay khoan hồng chỉ chiếu lệ phạt roi mà thôi. 3

Mai Cửu nói:

- Con hôm ấy mắc bệnh, nên văn chương lộn xộn. Xin thầy làm ơn bỏ quá cho!

- Triều đình có phép, ta cũng không làm sao được. Tả hữu đâu, kéo ra ghế, đánh theo đúng phép tắc của triều đình!

Nói xong, một người lôi y ra. Mai Cửu sợ hãi kêu lên.

- Xin ngài nể mặt thầy con mà tha cho con!

- Thầy anh là ai?

- Là Chu Khoái Hiên, hiện đang làm tư nghiệp Quốc tử giám 4.

- Người cũng là môn sinh của thầy ta à! Thế thì hãy tạm tha cho.

Phạm Tiến bèn ra lệnh tha cho y. Mai quỳ trước mặt, Phạm Tiến dặn:

- Anh đã là học trò của cụ Chu, lại càng phải ra sức học hành mới được. Văn chương như thế làm nhục cả thầy! Từ nay về sau phải cố gắng mà chữa lỗi. Ta chấm thi mà còn thấy thế thì quyết không tha đâu!

Nói xong thét:

- Đưa anh ta ra.

Bấy giờ đến lượt gọi những người mới đỗ. Đến huyện Vấn Thượng thì người được gọi đầu tiên là Tuân Mai. Một người thiếu niên ở trong đám đông ra nhận quyển. Phạm Tiến nói:

- Anh có phải là bạn học với Mai Cửu không? Tuân Mai không hiểu câu hỏi ấy, nên trả lời không được. Phạm Tiến lại hỏi:

- Có phải anh là học trò cụ Chu không?

- Cụ là thầy dạy vỡ lòng cho con.

- Đúng rồi! Ta cũng là học trò cụ Chu. Lúc ta ở kinh về đây, thầy có dặn ta để ý đến quyển thi của anh. Không ngờ lúc tìm thì thấy anh đã đỗ đầu. Anh tuổi trẻ tài cao như vậy, thực không phụ công dạy dỗ của cụ. Từ nay phải chăm lo học hành mới tiến lên được.

Tuân Mai quỳ xuống cảm tạ.

Sau khi đã xem quyển xong và tiếng trống, tiếng kèn đưa mọi người ra, Phạm Tiến quay trở vào nhà.

Tuân Mai vừa mới đi ra thì gặp Mai Cửu đang đứng ở ngoài cửa. Tuân Mai hỏi ngay:

- Ông Mai! Ông học cụ Chu bao giờ?

- Anh là hậu sinh làm sao biết được việc đó. Khi ta học cụ thì anh còn chưa đẻ kia mà! Bấy giờ cụ đang dạy ở huyện. Nơi dạy thì toàn là những nha lại trong huyện. Mãi sau, cụ mới xuống làng. Khi anh học thì ta đã thi đỗ rồi, cho nên anh không biết đấy thôi. Cụ thích ta nhất vì cụ cho ta có văn tài, nhưng phải cái không theo quy củ. Vừa rồi, cụ học đài phê quyển của ta cũng hệt như vậy. Rõ ràng những tay sành văn chương đều có ý kiến như nhau, không sai nhau một sợi tơ, sợi tóc. Cụ có thể cho ta đỗ vào giữa hạng ba. Nhưng nếu không răn dạy thì không thể gặp mặt, cho nên cụ cho ta đỗ vào hạng thứ tư, để có thể răn dạy và nhắc đến chuyện cụ Chu, nhân đó tỏ rõ tình riêng. Anh mà được lấy đầu cũng là vì thế. Chúng ta là người làm văn chương cần phải biết ý tế nhị của người ta, chớ có bỏ qua.

Hai người nói chuyện suông một lát rồi trở về nhà trọ. Hôm sau họ đến tiễn Phạm Tiến rồi thuê ngựa cùng về làng Tiết huyện Vấn Thượng.

Bấy giờ cụ Tuân đã chết chỉ còn bà mẹ ở nhà. Tuân Mai về chào mẹ, mẹ mừng rỡ nói:

- Từ khi thầy con mất đi mùa màng kém, nhà cửa ruộng vườn dần dần bán hết; nay con thi đỗ sau này có thể dạy học kiếm tiền sinh sống.

Thân Tường Phủ đã già, cũng chống gậy lại mừng. Ông ta cùng bàn với Mai Cửu quyên tiền trong làng để mừng Tuân Mai. Quyên được hai ba mươi quan tiền và mượn am Quan Âm để ăn tiệc.

Sáng hôm ấy, Mai Cửu và Tuân Mai đến trước. Hòa thượng ra tiếp. Hai người vào lễ Phật, rồi vái chào hòa thượng. Hòa thượng nói:

- Mừng ông Tuân nay đã thi đỗ cao. Thật là không phụ cụ Tuân ngày xưa trung hậu làm nhiều việc tốt đối với đức Phật, nên được nhiều âm đức. Lúc ông học ở đây còn bé lắm, đầu còn để chỏm.

Lại chỉ cho hai người xem:

- Đây là cái bàn thờ sống cụ Chu!

Hai người xem bàn thờ, có lư hương, đèn sáp? Trên có bài vị chữ vàng viết: "Bài vị sống của cụ Chu, đỗ tiến sĩ làm ngự sử ở Quảng Đông, nay được bổ làm tư nghiệp Quốc tử giám". Bên trái có một hàng chữ nhỏ: "Dân làng Tiết và tăng nhân am Quan Âm cùng phụng thờ".

Hai người trông thấy bài vị của thầy mình, đều lạy mấy lạy rất cung kính. Họ lại cùng hòa thượng đi ra nhà sau xem chỗ cụ Chu dạy học ngày trước. Phòng ở sát mé sông, hai cánh cửa mở toang, bên kia sông lõm đi một ít, bên này lại bồi thêm một ít. Ba gian nhà lau lách, nay không dùng để dạy học nữa. Gian bên phải có một người ở Giang Tây ở, ngoài cửa treo cái biển:

"Trần Hòa Phủ, người hữu ngạn Trường Giang, cầu tiên, xem tướng". Ông này không có ở nhà, nên phòng đóng kín. Chỉ thấy ở giữa nhà treo một đôi câu đối của cụ Chu, giấy đỏ vì lâu ngày màu đã bạc thếch. Ở trên có mười chữ: "Chinh thân dĩ sỹ thời", "Thủ kỷ nhi luật vật" (Ngay tấm thân để chờ cơ hội; giữ phẩm hạnh làm gương mọi người).

Mai Cửu nói với hòa thượng:

- Chữ này chính tay cụ Chu viết! Ông không nên treo ở đây. Ông lấy nước lã dấp vào câu đối, bóc đi, cất giữ cho kĩ 5.

Hoà thượng vâng dạ, vội vàng lấy nước lột đôi câu đối. Một lát Thân Tường Phủ đem mọi người đến, ăn uống một ngày mới tan.

Bà cụ Tuân dùng mấy mươi quan tiền để chuộc ít đồ dùng, mua vài đấu gạo, còn bao nhiêu giao lại cho Tuân Mai để làm tiền ăn đường đi thi hương. Năm sau, Tuân Mai lại đỗ đầu kì thi dự bị đi thi hương. Quả thật người tài thì ngay lúc còn trẻ cũng tài. Khi lên tỉnh thi lại đỗ cao. Tuân Mai vội vàng đến nha môn quan Bố chính lĩnh chén, mâm, mũ, cờ, để lên kinh thi hội. Tuân lại đỗ tiến sĩ đệ tam danh.

Theo lệ triều Minh, ai đỗ tiến sĩ thì người ta bày ra một nơi công đường, ông tiến sĩ lên ngồi ở đấy và những người ty thuộc sắp hàng cúi đầu.

Trong khi làm lễ ở bên ngoài có người đưa thϊếp vào nói:

"Người đồng khoa đồng hương họ Vương xin vào chào".

Tuân Mai bảo người nhà cất dọn ghế, còn mình thì ra mời vào. Thấy Vương Huệ râu tóc bạc phơ đi vào, Vương cầm tay Tuân Mai mà nói:

- Tình bạn bè giữa tôi với ông là do trời định, không phải như tình đồng khoa thông thường.

Hai người chào nhau cùng ngồi. Vương Huệ nhắc tới giấc mộng ngày xưa nói:

- Cho hay tôi với ông đều có tên trên bảng trời. Sau này chúng ta cùng làm việc và có gì thì cùng giúp đỡ nhau.

Tuân Mai từ nhỏ có nhớ mang máng câu chuyện ấy nhưng không rõ lắm. Nay nghe Vương nói mới vỡ lẽ.

Bèn nói:

- Tiểu đệ ít tuổi may mà được cùng bảng với tiên sinh, lại là người đồng hương, mọi việc mong tiên sinh chỉ giáo!

- Ông anh ở đây à? - Vâng.

- Ở đây chật quá, lại ở xa triều đình, không tiện. Không dám giấu gì ông anh, tôi cũng có bát ăn có mua được ngôi nhà ở Kinh. Ông anh cứ đến đấy ở. Nay mai điện thí tiện hơn nhiều.

Ngồi chơi một lát, Vương ra về. Hôm sau, Vương cho người mang hành lý của Tuân tiến sĩ đến phố Giang Mễ để cùng ở với mình. Ngày xướng danh điện thí, Tuân Mai đỗ nhị giáp, Vương Huệ đỗ tam giáp, đều bổ làm chủ sự. Sau đấy đều được bổ làm viên ngoại.

Một hôm hai người đang ngồi trong nhà, thì có người đưa một tờ danh thϊếp đỏ trên đề "Vãn sinh Trần Lễ xin vào lạy". Ở trong danh thϊếp có chua "Trần Lễ tự là Hoà Phủ ở huyện Nam Xương Giang Tây, giỏi xem tướng số và cầu tiên đã từng hành đạo ở am Quan Âm, tại làng Tiết huyện Vấn Thượng".

Vương viên ngoại hỏi:

- Này anh, anh có biết ông này là ai không? Tuân viên ngoại đáp:

- Ông ta rất giỏi nghề cầu tiên. Ta nhờ ông ta cầu tiên lên hỏi việc công danh xem sao?

Bèn bảo người nhà cho mời vào.

Trần Hòa Phủ vào. Y trạc độ năm mươi tuổi, đầu đội mũ hình miếng ngói, mặc áo lụa, thắt lưng tơ, râu lốm đốm bạc. Thấy hai người y liền chào:

- Xin hai vị ngồi để cho kẻ sơn nhân này bái kiến. Hai người hai ba lần nhường, rồi cùng ngồi, để y ngồi hàng đầu.

Tuân viên ngoại hỏi:

- Trước đây lúc ông ở am Quan Âm làng tôi, rất tiếc tôi không có dịp may được gặp.

Trần cúi mình đáp:

- Hôm đó vãn sinh biết ngài đến am. Vì ba ngày trước Thuần Dương lão tổ có giáng. Ngài viết hôm ấy vào giờ ngọ, khắc thứ ba, thì có một vị quý nhân đến. Lúc bấy giờ ngài còn chưa đỗ cao, thiên cơ chưa thể tiết lộ được, cho nên vãn sinh cố tránh:

Vương viên ngoại nói:

- Phép cầu tiên của ông do ai truyền? Ông chỉ mời được Thuần Dương lão tổ hay có thể mời được tất cả các vị tiên?

Trần nói:

- Vị tiên nào cũng mời được. Đến vương, khanh tướng, thánh hiền, hào kiệt, đều có thể mời được cả. Không giấu gì hai ngài, vãn sinh mấy mươi năm nay không hành đạo ở chốn giang hồ nữa mà chỉ ở nơi vương phủ, và ở nơi nha môn của các vị đại thần. Nhớ năm Hoằng Trị thứ mười ba, vãn sinh cầu tiên ở nhà cụ Lưu làm thượng thư bộ công. Nhân việc cụ Lý Mộng Dương bị bỏ ngục vì tham dự việc làm của Trương quốc cữ, nên cụ Lưu bảo tôi cầu tiên để xem may rủi thế nào. Hôm ấy lại chính Chu Công lão tổ giáng. Ngài phê bốn chữ lớn "Bảy ngày hết hạn". Bảy ngày sau, quả nhiên cụ Lý được tha, chỉ phải phạt có ba tháng lương. Sau đó, cụ Lý lại bảo tôi cầu nhưng cầu không lên. Về sau lên viết một bài thơ, hai câu sau là "Mộng đến Giang Nam thăm miếu cũ, biết ai là kẻ ở kinh xưa?" Những người ở đây đều không hiểu vị tiên đó là ai. Chỉ có cụ Lý hiểu được lời thơ liền đốt hương lạy ở dưới đất hỏi: "Vị vua nào giáng?" Bấy giờ cái bút viết: "Trẫm là Kiến Văn hoàng đế". Mọi người sợ hãi, quỳ xuống lạy. Cho nên vãn sinh nói đế vương, thánh hiền cũng có thể cầu được.

Vương viên ngoại hỏi:

- Ông thực cao minh như thế không hiểu có thể biết được việc quan tước sau này của chúng tôi chăng?

Trần Hòa Phủ nói:

- Cái gì lại bói không được? Đại phàm việc giàu nghèo, sống chết của người ta đều có thể bói được cả. Cái nào cũng ứng nghiệm phi thường.

Hai người thấy nói chắc chắn như thế bèn hỏi:

- Hai chúng tôi muốn được tiên dạy bảo xem việc làm quan như thế nào?

- Hai ông thắp hương lên!

Hai người kia nói:

- Hãy khoan! Chúng ta ăn cơm đã!

Ăn cơm xong sai đày tớ về nhà Hòa Phủ mang đến một mâm cát, một cái sọt 6. Tất cả đều được bày ra, Trần nói:

- Hai vị khấn nhỏ thôi!

Hai người khấn xong đặt sọt đâu vào đấy.

Trần lại lạy, đốt một đạo bùa để cầu tiên xuống. Mời hai người ngồi hai bên cầm sọt. Y lại đọc mấy câu chú, đốt một đạo bùa để mời tiên, thì thấy cái sọt dần dần chuyển động! Trần gọi người nhà rót một chén trà rồi quỳ xuống, hai tay nâng chén trà mời tiên uống. Sọt vẽ mấy vòng. Trần lại đốt một đạo bùa bảo mọi người im lặng. Tất cả người nhà đều ra ngoài.

Một lát sau cái sọt viết bốn chữ "Ông vương nghe phán". Vương viên ngoại vội vàng bỏ sọt, quỳ xuống lạy bốn lạy. Lại hỏi:

- Không biết tiên ông quý danh là gì?

Hỏi xong lại cầm sọt. Sọt chạy như bay viết một hàng:

"Ta là Phục Ma đại đế quan thánh đế quân 7"

Trần ở sau cũng lạy như tế sao. Lại nói:

- Hôm nay hai vị có lòng thành mới được ngài giáng đàn, đó là một việc không dễ có. Thật là phúc cho hai vị! Cần phải hết sức tôn kính! Nếu có chút gì sơ suất thì tôi không chịu trách nhiệm.

Hai người sợ toát mồ hôi, tóc dựng ngược, buông sọt lạy bốn lạy. Lại cầm sọt.

Trần nói:

- Khoan, mâm cát nhỏ, sợ ngài viết nhiều không đủ, lấy một tờ giấy ra đây để tôi ghi lời tiên phán!

Bèn lấy ra một tờ giấy, để Trần chép lại. Hai người lại cầm như lúc nãy. Sọt chạy như bay viết:

"Khen mày công danh Hạ hậu,

bẻ một cành hoa tươi hồng.

Mịt mù sóng khói phủ trên sông.

Hai ngày nhà vàng long trọng.

Chỉ nói hoa lưu mở lối;

vốn là thiên phủ Quỳ Long 8

cầm sắt tỳ bà gặp lạ lùng,

một chén rượu nồng đau bụng 9.

Viết xong lại viết năm chữ lớn "theo điệu tây giang nguyệt". Ba người đều không hiểu ý muốn nói gì. Vương viên ngoại nói:

- Tôi chỉ hiểu câu đầu. Công danh Hạ hậu là đời Hạ hậu mỗi người cày năm mươi mẫu và nộp thuế cống, ý nói tôi cũng năm mươi tuổi thi đỗ cống sinh. Như vậy là nghiệm. Còn mấy câu dưới thì tôi không hiểu gì cả.

Trần nói:

- Ngài không có lừa ai bao giờ! Ông cứ nhớ lấy sau này sẽ nghiệm. Trong bài thơ có câu "Thiên phủ Quỳ Long" tức là ông sẽ làm mãi đến Tể tướng.

Vương nghe nói đúng ý của mình trong lòng vui sướиɠ. Nói xong, Tuân viên ngoại lại cúi xuống lạy xin cho biết ngài phán như thế nào. Nhưng sọt vẫn không chuyển. Cầu mãi thì sọt chỉ viết "thôi". Trần xoá cát bằng để xin chữ thì chỉ thấy chữ "thôi". Xoá ba lần liên tiếp cũng chỉ có chữ "thôi" rồi sọt không chuyển động nữa.

Trần nói:

- Ngài chắc đã về trời, không nên làm phiền nữa.

Trần bèn đốt một đạo bùa để tiễn, rồi đem sọt, hương, mâm cát cất đi. Hai người biếu Trần năm đồng cân bạc, lại viết một phong thư tiến cử với cụ Phạm vừa mới thăng làm Thông chính tư. Trần bái tạ đi ra.

Đến chiều người nhà vào báo: - Có người nhà ông Tuân đến.

Người nhà của Tuân Mai mang đồ tang phục đến cúi đầu quỳ bẩm:

- Ngày hai mươi mốt tháng tư cụ nhà đã về chầu trời rồi!

Tuân viên ngoại nghe vậy, khóc ngã lăn ra đất.

Vương viên ngoại chữa chạy giờ lâu mới tỉnh. Tuân Mai định viết đơn xin về nhà chịu tang thì Vương Huệ cản lại mà nói:

- Anh hãy khoan, chúng ta bàn lại đã! Nay đã đến lúc tuyển người có khoa mục ra làm quan. Tôi và anh đều có hy vọng cả. Nếu mà báo tin rằng ở nhà có tang thì phải chờ mất ba năm. Như thế thì uổng lắm. Chi bằng hãy tạm giấu đi, chờ khi được bổ làm quan rồi hẵng hay.

Tuân viên ngoại nói: - Ông nói như thế thật là yêu quý tôi hết sức, nhưng sợ việc này giấu không được.

- Anh bảo ngay người nhà cởi đồ tang ra, không được lộ tin cho ai biết. Sáng mai, tôi sẽ có cách.

Sáng mai mời Kim Đông Nhai làm trưởng ấn bộ lại đến bàn.

Kim nói:

- Đã đi làm quan lại còn giấu việc tang thì không được! Trừ phi ông làm chức vụ trọng yếu bắt buộc phải ở lại bộ thì có thể hoãn việc chịu tang. Nhưng muốn vậy lại phải có quan trên che chở chứ chúng tôi thì không làm sao được. Nhưng nếu việc này đưa lên bộ thì cố nhiên tôi sẵn lòng giúp, cái đó không cần phải nói.

Hai người nhờ Kim Đông Nhai giúp. Kim ra về. Buổi chiều Tuân Mai mặc áo xanh, đội mũ thường đến tìm hai ông thầy là Chu Tiến và Phạm Tiến để cầu xin che chở. Cả hai đều nói:

- Việc này châm chước được.

Nhưng ba ngày sau họ đều đáp:

- Chức quan ông nhỏ, không thể nào theo lệ hoãn việc chịu tang được. Muốn hoãn thì phải là Tể tướng hay là Cửu khanh. Hay nếu làm quan ở biên cương thì cũng được phép làm thế. Nhưng viên ngoại bộ Công là một chức quan rảnh cho nên việc che chở thành ra khó khăn.

Tuân viên ngoại chỉ còn một cách làm đơn xin về chịu tang. Vương Huệ nói:

- Lần này chắc tốn kém nhiều. Anh là học trò nghèo lấy tiền đâu mà tiêu vào việc này? Vả chăng, tôi thấy anh cũng chẳng thích gì cái trò phiền phức này. Theo ý tôi, tốt nhất là tôi cũng xin nghỉ và cũng về nhà với anh. Phí tổn vài trăm lạng tôi xin giúp. Như thế mới được.

- Việc tôi lỡ đã đành, nhưng không lẽ vì việc của tôi lại làm lỡ cả việc tuyển bổ của anh nữa sao?

- Có bổ bán gì thì cũng đến sang năm! Ông phải chờ cho hết tang thì mới lỡ, chứ tôi xin nghỉ thì nhiều lắm chỉ nửa năm, ít thì ba tháng, vẫn còn kịp chán.

Tuân Mai không thể chối từ. Hai người cùng về nhà lo tang lễ. Luôn bảy ngày, các quan khách ở tỉnh, phủ, huyện đều đến điếu, làm náo động cả làng Tiết. Con trai, con gái ngoài trăm dặm đều đến xem Tuân viên ngoại lo việc tang. Trưởng thôn Thân Tường Phủ đã chết. Con trai là Thân Văn Khánh làm trưởng thôn thay cho bố vợ là ông Hạ, lăng xăng đến giúp đỡ. Việc tống táng mất hai tháng mới xong. Vương Huệ cho Tuân Mai mượn tất cả trên hai ngàn lạng bạc và từ giã về kinh. Tuân Mai tiễn ra khỏi làng, cảm tạ mãi. Vương viên ngoại đi một mạch về kinh. Chợt thấy một người mang giấy báo đến báo tin mừng.

Nhận tin báo này khiến cho:

Những đấng lương thần phút chốc thành người bội nghịch,

mấy ông quan lớn trọn đời làm khách lênh đênh.

Không biết Vương viên ngoại có tin mừng gì hãy xem hồi sau phân giải.

--------------------------------

1Mạc khách: Người giúp việc. 2Tô Thức là Đông Pha, một thi hào lớn nhất đời Tống. 3Những thí sinh nào làm bài kém có thể bị đánh. 4Mai Cửu mạo nhận Chu Tiến làm thầy mình mặc dầu trước kia đã chế nhạo Chu Tiến. 5Chu Tiến đã biến thành thần! 6Sọt: Ngày xưa ở Việt Nam cũng có tục "cầu tiên sọt". Cái sọt đan bằng tre hai đầu có hai thanh gỗ để cho hai người cầm, sọt có một cái mỏ để viết vào mâm gạo. 7Quan Vũ thời tam quốc. 8Quỳ, Long: hai vị đại thần đời vua Tuấn. 9Bài này là thơ theo lối sấm không thể dịch ra mà hiểu ngay được. Nguyên văn của bài là: "Tiến nhĩ công danh Hạ hậu, nhất chi cao chiết tiên hồng. Đại giang yên lãng liễu vô tung, lưỡng nhật hoàng đường toạ ủng. Chỉ đạo hoa lưu khai đạo, nguyên lai thiên phủ Quỳ Long. Cầm sắt tỳ bà lộ thượng phùng. Nhất trản thuần giao tâm thông".