Vạn trung thư đang ngồi trong nhà khách của Tần trung thư xem diễn tuồng thì đột nhiên có một ông quan đến, mang theo mấy người lính xích tay Vạn rồi đem đi. Cao Hàn Lâm, Thi ngự sử, Tần trung thư nhìn nhau ngơ ngác không biết nên làm thế nào. Việc diễn tuồng cũng dừng lại. Mọi người im lặng, Thi ngự sử nói với Cao Hàn Lâm:
- Cụ có đoán biết tại sao ông ta bị bắt không?
- Việc này thực tôi không hiểu mảy may. Nhưng tôi cho rằng ông huyện Phương như vậy cũng buồn cười thực. Hà tất phải làm thế.
Tần trung thư cố nén giận nói:
- Quan huyện xích tay người khách của tôi ngay trong bữa tiệc thực làm cho tôi bẽ mặt quá!
Cao Hàn Lâm nói:
- Cụ không nên nói như vậy. Ta ngồi trong nhà, làm sao biết được ông ta làm việc gì? Dẫu sao người bắt cũng là ông ta, chứ không phải tôi. Như vậy thì sợ cái gì.
Vừa lúc ấy, quản gia vào bẩm:
- Những người diễn tuồng xin cụ cho biết có nên diễn nữa hay để họ về.
Tần trung thư nói:
- Khách của tôi phạm tội chứ người trong nhà tôi không ai phạm tội, tại sao lại không diễn?
Mọi người ngồi lại xem tuồng. Phượng ngồi một mình ở xa và nhìn mọi người cười nhạt. Tần trung thư liếc mắt thấy hỏi:
- Ông Phượng, chắc ông có biết chút gì về việc này chứ!
- Tôi biết làm sao được.
- Ông không biết, thế làm sao ông lại cười?
- Tôi cười vì buồn cười cho các vị. Người ta đã bị bắt rồi, lo lắng cũng vô ích. Cứ theo ý tôi, phải sai một người nhà lanh lợi đến huyện dò la tin tức xem thế nào. Trước hết, để biết ông Vạn bị tội gì, thứ hai, để biết các vị có bị liên can hay không.
Thi ngự sử nói:
- Đúng lắm, đúng lắm.
Tần trung thư cũng nói ngay:
- Đúng lắm, đúng lắm!
Liền sai một quản gia đến huyện dò la tin tức. Người quản gia ra đi. Bốn người lại ngồi. Những người diễn tuồng lại ra diễn vở "Mời ăn tiệc" rồi đến vở "Tiễn biệt". Thi ngự sử nói với Cao Hàn Lâm:
- Chọn hai vở này rõ ràng là không có lợi. Vừa mới "mời ăn tiệc" đã "tiễn biệt" ngay. Thực ra thì chưa mời ăn tiệc mà đã tiễn biệt rồi.
Lại diễn một vờ "Anh em gặp nhau ở núi Ngũ Đài". Lúc sắp diễn đến vở "Đuổi theo Hàn Tín" thì người quản gia trở về, y đến trước mặt Tần trung thư nói:
- Đến cả huyện cũng không ai hiểu gì hết. Con có nhờ ông Tiêu làm thơ lại ở phòng hình luật chép cho cái công văn sức bắt ở đây. Vừa nói, y đưa công văn cho Tần trung thư xem. Mọi người đều đến xem. Chỉ thấy trên tờ giấy viết nguệch ngoạc mấy chữ: "Kỳ tri phủ ở Thái Châu báo về việc tuần phòng ở biển. Trong án của quan Trâu tuần vũ Chiết Giang kiêm đô sát viện, trị tội viên tổng binh Thai Chân là Miêu Nhi Tú có một tên phạm nhân quan trọng là Vạn Lý (tức Vạn Thanh Vân). Vạn Lý đã bị cách chức sinh viên ở phủ. Y dáng người tầm thước, da vàng, râu thưa, bốn mươi chín tuổi đã trốn khỏi phủ chúng tôi. Hiện nay quan tuần vũ ra lệnh bắt, chúng tôi đã phái người đi bắt và thông tri đi các nơi. Bắt được ở đâu đem ngay lên phủ để tra xét, không được chậm trễ. Việc gấp".
Lại có một dòng chua thêm vào: "Các quan huyền đều phải để ý việc này".
Nguyên do là có sai nhân mang công văn đến huyện. Tri huyện vốn người Chiết Giang, thấy quan tuần vũ tỉnh mình muốn bắt một người phạm tội thì lập tức thân hành mang sai nhân đi bắt chứ cũng không hiểu ông ta phạm tội gì. Cao Hàn Lâm nói:
- Không những việc bắt hồ đồ mà đến cả lời lẽ ở trong công văn cũng hồ đồ nốt. Ông Vạn nói ông ta làm trung thư, tại sao ở đây lại bảo ông ta bị cách chức sinh viên? Nếu ông ta làm sinh viên bị cách chức thì liên quan gì đến cái án của Miêu tổng binh?
Tần trung thư nói với Phượng:
- Ông vừa cười chúng tôi. Bây giờ ông có hiểu tại sao không?
Phượng đáp:
- Anh chàng quản gia kia thì nghe ngóng được cái gì! Để tôi đi cho.
Nói xong đứng dậy ra đi. Tần trung thư nói:
- Ông nói thực đấy chứ?
- Tôi nói dối ông làm gì.
Phượng nói xong, ra đi.
Phượng đi một mạch đến cửa huyện, thấy hai người lính ở đấy. Hai người này thấy Phượng bảo gì thì làm theo không dám cưỡng lại. Phượng nói với hai người lính dẫn mình đến gặp những người sai nhân từ Chiết Giang đến.
Hai người lính đưa Phượng đến Tam Quan Đường để gặp. Phượng hỏi những người sai nhân:
- Các ông ở phủ Thai Châu phái đến phải không?
- Vâng.
- Ông Vạn phạm tội gì?
- Chúng tôi cũng không biết, chỉ thấy quan phủ chúng tôi nói ông ta là một tên phạm nhân nguy hiểm vì vậy đã có công văn gửi đi các tỉnh. Bây giờ ông có dặn điều gì chúng tôi sẽ cố gắng làm.
- Hiện nay ông ta ở đâu?
- Quan huyện vừa mới hỏi ông ta. Ông ta cũng không nói rõ ràng. Hiện nay tạm giam ông ta ở ngoài. Ngày mai được công văn trả lời, có lẽ chúng tôi cũng phải về. Ông có muốn gặp ông ta không?
- Nếu ông ta bị tạm giam ở ngoài, thì tôi có thể đến thăm được. Ngày mai các ông đem công văn đi, thế nào cũng cho tôi được gặp mặt rồi hãy đi.
Những người sai nhân bằng lòng. Phượng cùng mấy người lính vào chỗ giam Vạn trung thư. Vạn trung thư nói với Phượng:
- Lần này, tôi thật là oan ức vô cùng. Ông làm ơn nói hộ tôi gửi lời thăm cụ Cao và cụ Tần, không biết sau này còn có thể gặp nhau nữa không?
Phượng hỏi rất cặn kẽ nhưng Vạn không biết trả lời thế nào. Phượng bèn nghĩ bụng"
- Muốn biết việc này cho rõ ràng, mình phải đi Chiết Giang mới được!
Phượng không nói với Vạn việc đó, từ biệt đi ra và nói:
- Ngày mai tôi sẽ lại thăm.
Phượng đi một mạch về đến nhà Tần trung thư thì thấy ban tuồng đã về. Thi ngự sử đã về nhà. Chỉ còn Cao Hàn Lâm ngồi ở đấy đợi tin tức. Thấy Phượng trở về, Cao vội vàng hỏi:
- Công việc như thế nào rồi?
- Thực là lạ vô cùng! Không những quan phủ không hiểu mà đến cả những người sai nhân ở Chiết Giang cũng không hiểu. Không những những người sai nhân không hiểu mà đến cả bản thân ông Vạn cũng không hiểu nổi! Việc này thực là mập mờ. Tôi phải đi Chiết Giang với ông ta thì mới hiểu rõ được. Tần trung thư nói:
- Như thế thì thôi! Việc này không liên quan gì đến chúng ta.
Phượng nói:
- Tôi đã có chủ ý, ngày mai tôi sẽ đi cùng ông ta. Nếu như vụ án này có gì nguy hiểm tôi sẽ giúp đỡ ông ta, vì cũng là nơi quen biết.
Cao Hàn Lâm vốn sợ bị liên luỵ đến mình nên cũng giục Phượng đi. Chiều hôm ấy, Cao Hàn Lâm đem đến nhà Phượng mười lạng bạc và nói:
- Ông nhận số tiền này để làm tiền ăn đường.
Phượng nhận số tiền.
Hôm sau vừa ngủ dậy, Phượng đến "Tam Quán đường" để gặp những người sai nhân. Những người sai nhân nói:
- Ông đến sớm quá!
Phượng cùng những người sai nhân đến cửa huyện vào phòng lo việc hình gặp người thư lại họ Tiêu giục ông ta làm xong giấy tờ để đưa lên quan huyện phê và làm giấy chọn bốn tên lính để quan cho chữ, đóng dấu. Quan huyện ngồi ở công đường bảo lính lệ hầu ban gọi Vạn đến. Những người sai nhân ở Thái Châu đứng đợi ngoài cửa. Vạn trung thư đầu vẫn đội mũ sa, mình mặc áo thất phẩm. Phương tri huyện sực nhớ:
"Trong công văn nói ông ta là sinh viên bị cách chức, tại sao lại ăn mặc như vậy?"
Rồi lại nhìn xem tên và diện mạo, nhưng thấy không có gì sai rồi hỏi tiếp:
- Anh là sinh viên hay là quan?
- Tôi vốn là sinh viên ở trường phủ Thai Châu. Năm nay tôi ở kinh đô vì viết chữ đẹp nên được cử làm trung thư. Tôi không bao giờ bị cách chức sinh viên hết.
- Giấy nhậm chức của ông chưa bao giờ đến Thai Châu cả. Vì ông phạm tội, quan tuần vũ đã cách chức sinh viên của ông cũng chưa biết chừng. Ông là người Chiết Giang, tôi cũng là người Chiết Giang. Tôi cũng không muốn khó dễ với ông làm gì. Việc của ông, ông cứ về xem xét xử thế nào.
Tri huyện nghĩ bụng: "Khi ông ta về nhà, quan địa phương cho ông ta là sinh viên bị cách chức,
trị tội như một người thường, nhưng ta với ông ta là người đồng tỉnh, lẽ nào lại không giúp đỡ một chút?".
Và cầm lấy bút son, tri huyện viết thêm một hàng:
"Tuổi tác và diện mạo của phạm nhân Vạn Lý thì đúng như trong công văn. Nhưng hắn đội mũ sa, mặc áo thất phẩm, lại nói rằng năm nay ở kinh đô được cử chức làm trung thư. Tôi cho giải hắn về. Bọn sai nhân không được đòi tiền của hắn, cũng không được để hắn trốn thoát".
Viết xong tri huyện cho gọi sai nhân Triệu Thăng và những người sai nhân ở Thai Châu dặn:
- Người này không phải là trộm cướp. Hai anh với một người trong huyện ta dẫn hắn đi là đủ. Trên đường cần phải cẩn thận.
Ba người sai nhân cầm công văn dẫn Vạn đi ra. Phượng đứng đợi ở ngoài cửa hỏi sai nhân ở phủ:
- Có phải ông áp giải ông ta đi không? Công việc xong rồi chứ?
Và chỉ sai nhân ở huyện hỏi:
- Ông áp giải ông ta đi có phải không? Người sai nhân ở phủ nói:
- Xong rồi! Ông ta đi áp giải đấy.
Thấy một người đội mũ sa, mặc áo quần bị xích tay ra khỏi cửa huyện, hai trăm người vây quanh lại xem, người chen không lọt.
Phượng nói:
- Ông Triệu! Ông ở đâu?
Triệu Thăng nói:
- Tôi ở gần đây thôi.
Phượng nói:
- Chúng ta đến nhà ông Triệu đã.
Mọi người đến nhà Triệu Thăng, vào ngồi trong nhà. Phượng bảo Triệu Thương tháo xích cho Vạn trung thư rồi cởϊ áσ ngoài của mình đưa cho Vạn bảo Vạn cởϊ áσ thất phẩm, mặc áo mình vào. Phượng lại bảo người sai nhân ở Thai Châu về nhà Vạn gọi người quản gia của Vạn lại. Sai nhân đi một lát trở về báo:
- Những người quản gia đều không về đấy chắc là họ chạy trốn cả rồi! Hành lý của ông Vạn còn ở nhà, nhưng hòa thượng không cho đem đi. Phượng nghe vậy lấy mũ của mình cho Vạn đội, mình chỉ mặc một cái áo chẽn, đội một cái bo tóc 1. Phượng nói:
- Phòng này chật lắm. Các ông về nhà tôi.
Ba người sai nhân cùng Vạn đến nhà Phượng ở đường Hồng Vũ. Họ bước vào cửa, đi vào cái nhà khách hai tầng. Vạn trung thư bước vào sụp xuống lạy. Phượng đỡ dậy.
- Nay không phải lúc làm lễ, ông cứ ngồi.
Và nói với mấy người sai nhân:
- Ba ông đều là những người hiểu biết. Cái đó không phải nói nhiều. Các ông cứ ở đây. Ông Vạn là bạn tôi. Chuyến này tôi cũng muốn lên quan với ông ta xem công việc như thế nào. Tôi cũng không làm khó dễ gì với các ông đâu!
Triệu Thăng hỏi hai người sai nhân kia.
- Các ông nghĩ thế nào?
Hai người kia nói:
- Ông Phượng bảo gì chúng tôi xin làm nấy. Nhưng mong ông làm chong chóng cho.
- Cố nhiên!
Và chỉ cho ba người sai nhân cái phòng để không ở trước mặt và nói:
- Các ông ở tạm đây hai ngày. Ba ông cứ đem hành lý vào đây.
Ba người sai nhân giao Vạn lại cho Phượng giữ, yên tâm đi lấy hành lý về.
Phượng kéo Vạn trung thư vào thư phòng ở phía tay trái và hỏi:
- Ông Vạn! Ông phải cho tôi biết sự thật về việc này. Dẫu có việc gì tay tầy trời tôi cũng vẫn giúp ông. Nhưng nếu ông nói mập mờ thì tôi không giúp đỡ gì được.
- Trong việc này tôi thấy ông thật là một người hào kiệt. Trước mặt một con người quân tử tôi dám đâu dối trá. Nếu việc này xảy ra ở phủ Thai Châu thì tôi không thua đâu. Nhưng ở đây lại là huyện Giang Ninh.
- Ông nói gì vậy? Ông huyện Phương ở Giang Ninh đối với ông tử tế lắm chứ?
- Không giấu gì ông! Tôi chỉ là một anh tú tài không phải là trung thư. Vì trong nhà làm ăn khó khăn, tôi phải đi đây đi đó. Nếu tôi nói rằng tôi chỉ là anh tú tài thì tôi sẽ chết đói, nhưng nếu tôi nói rằng tôi làm trung thư thì những thương nhân và những hương thôn sẽ vui lòng giúp đỡ tôi. Không ngờ hôm nay quan huyện lại viết cả chức tước, áo quần của tôi vào công văn. Lần này đến Thai Châu, về cái án thì tôi không ngại; nhưng tội giả làm quan thì chắc là nặng lắm.
Phượng trầm ngâm một lát rồi hỏi:
- Ông Vạn, giờ nếu ông là ông quan thực thì ông có thắng trong việc này không?
- Tôi có quen với Miêu tổng binh. Tôi không bao giờ ăn hối lộ hay phạm pháp gì cả. Tội tôi nhất định không nặng, miễn là họ không biết cái việc giả mạo làm quan thì tất cả xong xuôi.
- Ông ngồi đấy! Tôi đã nghĩ ra một kế.
Vạn trung thư ở lại thư phòng. Ba người sai nhân ở trong cái phòng bên cạnh nhà sảnh. Phượng một mặt sai người làm một bữa tiệc, một mặt đến nhà Tần trung thư.
Tần trung thư nghe tin Phượng đến nhà, vội vàng chạy ra, không có thì giờ mặc áo ngoài. Tần hỏi:
- Ông Phượng! Bây giờ công việc như thế nào rồi?
- Ông không biết gì sao, ông đóng cửa ngồi trong nhà, tai vạ trên trời rơi xuống ông không biết sao?
Tần trung thư hoảng hốt hỏi:
- Cái gì? Cái gì?
- Cái gì với cái gì nữa! Có một việc nó làm ông nửa đời thân oan không xong.
Tần trung thư mặt xám như chàm đổ, nói không ra tiếng. Phượng nói:
- Ông nói ông ta làm chức quan gì nào?
- Ông ta nói ông ta làm trung thư!
- Sau này, xuống âm phủ ông ta sẽ làm trung thư.
- Có lẽ nào ông ta lại giả làm trung thư?
- Giả chứ còn gì nữa! Một người mắc tội nặng, giả làm quan lại bị bắt trong nhà ông. Tuần Vũ Chiết Giang chỉ cần phê một câu ấy thì thực không giấu gì ông, đời của ông sau này cũng như là "con chuột bị gội nước nóng".
Tấn trung thư nghe nói vậy cặp mắt trắng dã nhìn Phượng mà rằng:
- Bây giờ làm thế nào? Ông bảo tôi bây giờ làm thế nào?
- Không có cách gì khác. Nếu ông làm cho ông ta thắng trong vụ này thì số phận của ông mới khá được.
- Làm cho ông ta thắng là làm thế nào?
- Nếu ông ta là ông quan giả thì thua. Trái lại nếu ông ta là ông quan thực thì không thua chứ gì nữa!
- Bây giờ ông ta đã làm giả rồi, làm sao có thể thành một ông quan thực được.
- Ông là ông quan giả hay ông quan thực?
- Tôi được đề cử hẳn hoi theo đúng luật lệ.
- Ông được đề cử, vậy ông ta cũng có thể được đề cử chứ!
- Dù có đề cử đi nữa thì cũng chậm mất rồi.
- Tại sao lại chậm? Có tiền thì làm được quan! Có Thi ngự sử đây thu xếp việc đó chứ sợ gì!
- Phải mau mau bảo ông ta lo liệu việc ấy.
- Nếu như ông ta có thể lo liệu được thì ông ta đã chẳng làm ông quan giả làm gì!
- Theo ý ông nên làm như thế nào?
- Theo ý tôi nếu như ông không ngại bị liên quan vào việc này thì cứ để mặc ông ta. Còn nếu như ông muốn được yên ổn thì phải lo liệu giúp ông ta. Khi nào được kiện và được làm quan rồi ông ta sẽ trả tiền lại. Bấy giờ sẽ không lo thiếu một đồng, hay ông ta có rút bớt đi vài ba phân thì cũng chẳng hề gì.
Tần trung thư nghe vậy, thờ dài một cái và nói:
- Không ngờ lại liên luỵ như thế này. Thôi không có cách gì khác ông Phượng ạ. Tôi sẽ xuất tiền, ông sẽ thu xếp giúp.
- Việc này có khác gì mò trăng ở dưới nước. Còn phải có cả cụ Cao nữa mới được.
- Tại sao lại cần đến cụ Cao?
- Thì ngự sử là bạn thân của cụ Cao. Cụ Cao có thể nhờ ông ta viết ngay một cái giấy đưa vào nội các như thế thì mới được chứ.
- Ông Phượng! Ông quả là con người biết việc!
Tần lập tức viết một cái thϊếp mời cụ Cao đến bàn. Một lát sau Cao Hàn Lâm đến. Tần trung thư đem chuyện của Phượng nói lại một lượt. Cao Hàn Lâm vội vàng nói:
- Tôi sẽ lo liệu việc ấy!
Phượng đứng bên cạnh nói:
- Việc này rất gấp xin cụ lo liệu cho. Ông Tần trung thư mau mau đem khoản tiền để cho cụ Cao lo liệu.
Tần liền vào nhà một lát sau, người quản gia đưa ra mười hai gói bạc, mỗi gói một trăm lạng, giao tất cả cho Cao Hàn Lâm, Tần nói:
- Cái này một nửa trang trải nha môn, một nửa là lễ vật. Tôi xuất tiền để cung vào việc tiêu dùng trong nội các. Ông là bà con với Thi ngự sử, có việc gì nhờ giúp hộ.
Cao Hàn Lâm lúng túng không biết nói sao đành phải ưng thuận. Y cầm số tiền đến nhà Thi ngự sử giục Thi ngự sử ngay đêm hôm đó phái người lên kinh lo liệu.
Phượng về nhà đi thẳng vào thư phòng thấy Vạn trung thư đang ngồi trên ghế chờ đợi. Phượng nói:
- Xin chúc mừng ông, việc như thế là được đấy.
Bèn kể lại mọi việc rất tỉ mỉ. Vạn nhảy xuống đất lạy Phượng lia lịa hai ba mươi lạy, Phượng phải khó khăn lắm mới kéo dậy được. Phượng nói:
- Ngày mai ông cứ mặc áo quan của ông đến nhà hai vị kia mà tạ ơn.
- Như thế là phải, nhưng tôi thấy thế nào ấy!
Sai nhân vào hỏi Phượng bao giờ thì có thể đi. Phượng nói:
- Ngày mai chưa đi được, hãy đợi đến ngày kia.
Hôm sau, Phượng dẫn Vạn đến cám ơn Cao và Tần. Hai người nhận danh thϊếp của Vạn nhưng đều nói không ở nhà. Khi Vạn trở về, Phượng lại bảo Vạn đến chùa Báo Ân lấy hành lý. Hôm sau Phượng cũng thu xếp hành lý và cùng với những người sai nhân đưa Vạn đến phủ Thai Châu tỉnh Chiết Giang. Chỉ nhân phen này khiến cho:
Nho sinh lận đận, hóa nên áo gấm về làng,
Ngự sử rủ lòng, chỉ sợ một người oan khuất.
Muốn biết việc sau thế nào hãy xem phần sau phân giải.
--------------------------------
1Bao tóc: cái lưới úp trên đầu cho tốc khỏi rối trước khi đội mũ.