- 🏠 Home
- Cổ Đại
- Việt Nam
- Nhị Triều Hoàng Hậu - Dương Vân Nga
- Chương 9: Chiến thắng
Nhị Triều Hoàng Hậu - Dương Vân Nga
Chương 9: Chiến thắng
Cuối tháng giêng năm Đinh Mão, lúc ta đang bận bịu ở Ban Y phục, phân công cho các nhóm đội số lượng trang phục tương ứng với từng kiểu cách may để chuẩn bị cho đợt chuyển hàng ra xa trường vào mùa hè thì người của Trịnh tướng quân đến báo ta trở về Đại sảnh đường ngay, họ Đinh vừa cho người chuyển thư gấp từ Bố Hải Khẩu về.
Ta theo người của Trịnh tướng quân vội vàng về đến Đại sảnh đường thì đã thấy Đinh nương đứng chờ ở đó. Trịnh tướng quân đang đi đi lại lại ở sảnh hết sức căng thẳng. Người đưa thư đang quỳ ở dưới sàn, nâng bức thư lên ngang đầu chờ lệnh.
Thấy ta về đến nơi, Trịnh tướng quân vội vã đỡ lấy bức thư rồi nhìn Đinh nương và ta, bảo:
- Hai phu nhân đều đã có mặt, vậy hạ thần xin phép được đọc thư!
- Xin Tướng quân bắt đầu ngay cho! Đinh nương nói.
Ta nhìn hai người gật đầu, trong lòng không giấu nổi hồi hộp, không biết có thể là tin gì mà họ Đinh phải biên thư về gấp như vậy?
Trịnh tướng quân liền mở phong thư và đọc cho mọi người cùng nghe. Theo đó họ Đinh cấp báo nghĩa phụ Trần Minh Công bệnh nặng không qua khỏi, đã tạ thế nhằm ngày mười tám tháng Giêng.
Họ Đinh cùng hai bộ tướng là Đinh Điền và Nguyễn Bặc sẽ ở lại Bố Hải Khẩu để lo việc hậu sự cho nghĩa phụ, một mặt bảo vệ Bố Hải Khẩu trong lúc ở đây đang việc tang bối rối. Họ Đinh yêu cầu triệu tập ngay Lưu Cơ tướng quân trở lại Động để cùng với Trịnh tướng quân canh phòng, bảo vệ Động. Việc thu gom lương thảo sẽ giao cho bộ tướng của Lưu tướng quân là Lưu Lang tướng quân trực tiếp cai quản. Trong thời gian tới quân đội ở Cổ Loa và Bố Hải Khẩu sẽ được điều về để tăng cường bảo vệ Hoa Lư. Hai tướng quân cùng hai phu nhân phải cùng toàn quân, toàn dân trong Động nêu cao tinh thần cảnh giác, đề phòng các sứ quân khác lợi dụng tình hình ở Bố Hải Khẩu và lợi dụng tình trạng Hoa Lư Động không chủ để thực hiện mưu đồ thôn tính Hoa Lư. Họ Đinh cũng yêu cầu người trong Động để tang Trần Minh Công trong vòng ba ngày, nơi nơi đều phải vận đồ trắng, tạm ngừng các hoạt động hỉ tiệc, vui chơi trong thời gian này. Cai quản việc tang chế này sẽ do Đinh phu nhân và Dương phu nhân làm chủ. Nơi nào vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm minh.
Vậy là trong phút chốc Động Hoa Lư rơi vào tịnh tràng hết sức khẩn cấp. Ta và Đinh nương thì lo việc tang chế. Một mặt cắt đặt người người tức tốc may vá đồ tang cho quan quân trong Động, một mặt bài trí lại khắp nơi trong Động, thay các loại rèm, chướng màu sắc sặc sỡ thành màu trắng hoặc tối màu. Trong khi đó các công việc thường ngày là may vá quần áo, chuẩn bị quân trang, quân dụng cho chiến trường vẫn không được phép lơ là, bởi vậy hết sức bận rộn.
Trịnh tướng quân thì lo tăng cường canh gác khắp nơi, nêu cao cảnh giác của toàn quân, đồng thời phái người tức tốc chuyển tin để Lưu tướng quân trở về.
Ai ai cũng bận rộn liên miên, không ai còn có thời gian mà vui chơi. Những người khác và Đinh nương như thế nào thì ta không biết, nhưng ta thì thấy rất áp lực và khó thở, như mình đang sắp sửa đón một cơn bão lớn vậy.
Nghe tin khoảng năm trăm lính tinh nhuệ ở Cổ Loa và Bố Hải Khẩu đang được điều động về để tăng cường phòng bị cho Hoa Lư thoạt đầu ta khá hồi hộp. Không biết Lê Hoàn có lãnh đạo đội quân trở về Động đợt này không. Sau đó thì lại thấy ý nghĩ ấy của mình thật là ngốc nghếch. Chàng hiện đã được họ Đinh giao cho lãnh đạo hai nghìn binh lính tinh nhuệ, lại là bộ tướng tin cẩn dưới trướng của Đinh công tử, thì đương nhiên phải cùng Đinh công tử trấn giữ Cổ Loa rồi, làm sao có chuyện trở về Hoa Lư được. Nghĩ thế rồi vừa thấy nhẹ nhõm, vừa thấy chán nản, thành ra suốt ngày lại chỉ biết có công việc, công việc và công việc.
Đầu tháng hai tin ở chiến trường báo về liên tục làm cho người trong Động Hoa Lư quay như chong chóng, mà không khí thì vô cùng căng thẳng, lúc nào cũng như đàn đã lên dây, như mũi tên đã giương.
Đầu tiên là tin Đỗ Cảnh Công lợi dụng tình hình chủ tướng Trần Minh Công vừa qua đời bèn kéo quân đến Bố Hải Khẩu giao chiến.
Đỗ Cảnh Công chính là Thái úy Ngự lâm quân tại Triều Đỗ Cảnh Thạc, một vị tướng rất được trọng dụng dưới thời Nhị Hậu Ngô Vương. Sau khi Lữ Xử Bình thâu tóm toàn bộ lực lượng quân đội ở triều đình, chiếm lấy Cổ Loa, vì không chống cự lại được để bảo vệ sự nghiệp của nhà Ngô, Đỗ Cảnh Thạc đã cùng gia quyến và bộ hạ bỏ về vùng Quốc Oai, Sơn Tây vốn là thực ấp được Ngô Vương ban cho, xây dựng thành quách, tuyển binh mộ tướng, tạo nên vùng căn cứ Đỗ Động Giang rất hùng mạnh và kiên cố. Thời gian sau đó, năm trăm con cháu họ Ngô bỏ chạy khỏi kinh đô cũng theo về đây nương nhờ, làm cho binh lực của Đỗ Cảnh Thạc càng thêm lớn mạnh. Đỗ Cảnh Thạc ngày đêm cùng con cháu họ Ngô chỉ đạo quan quân luyện tập, nuôi mộng khôi phục lại nhà Ngô.
Nay thấy chủ tướng Trần Minh Công vừa qua đời, việc phòng bị ở Bố Hải Khẩu không thể tránh khỏi những lúc lơ là, nên định tiến tới chiếm lấy Bố Hải Khẩu, tiêu diệt họ Đinh. Nếu việc ấy mà thành thì khác nào một bước mà nắm được toàn thiên hạ?
Nhưng chưa kịp thực hiện ý đồ, quân của Đỗ Cảnh Công mới đi đến vùng Ô Mân đã bị quân của Ngô Phó Sứ đánh cho một trận thiệt hại nặng nề, đành lùi quân về Đỗ Động Giang để củng cố lực lượng.
Hay tin này, mặc dù công việc tang chế ở Bố Hải Khẩu còn hết sức bừa bộn, Đinh Bộ Lĩnh vẫn quyết định dẫn quân, chớp thời cơ tiến thẳng vào vùng Đỗ Động Giang để tiêu diệt lực lượng của Đỗ Cảnh Công.
Tuy nhiên do đường xa, lại không lường hết được địa hình hiểm trở, rậm rạp, nhiều đầm lầy, lau sậy của vùng Đỗ Động Giang nên cuộc tiến công của Đinh Bộ Lĩnh nhanh chóng bị quân đội ở Đỗ Động Giang đẩy lùi. Thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Quân của hai tướng Đinh Điền và Nguyễn Bặc thua chạy khắp nơi.
Trước bối cảnh ấy, Lưu Cơ tướng quân và Lê Hoàn tướng quân đã phải nhanh chóng từ Hoa Lư và Cổ Loa tiến về yểm trợ, nhờ đó quân của họ Đinh mới không bị tiêu diệt hoàn toàn.
Suốt cả mùa hè, cuộc giao chiến vẫn diễn ra giữa hai bên giằng dai không dứt. Nhận thấy không thể để tình trạng này kéo dài, bởi nếu tiếp tục kéo dài, việc tham chiến liên miên không nghỉ ngơi ở đất khách quê người sẽ làm cho binh lực của họ Đinh kiệt quệ, Lê Hoàn tướng quân bèn hiến kế dương đông kích tây nhằm chiếm lấy một trong hai vị trí thành quan trọng nhất của Đỗ Động Giang, đó là thành Quèn.
Đỗ Động Giang vốn là một vùng căn cứ địa rất rộng lớn ở chân núi Ba Vì, được sông Tích bao bọc tạo thành thế rồng chầu hổ phục rất đỗi ngoạn mục. Vùng này được chia ra làm hai khu thành lớn là thành Quèn và Thành Bảo Đà. Khi đó, Đỗ Cảnh Công đang trấn giữ ở Thành Quèn, còn thành Bảo Đà được giao cho các tướng thân tín là Phan Truật và Đặng Khôi trấn giữ.
Theo kế của Lê Hoàn tướng quân, Đinh Bộ Lĩnh một mặt lệnh cho phần lớn lực lượng hiện có mang theo nhiều lương thảo, quân trang, quân dụng nhất tề tiến về bao vây quanh thành Bảo Hòa, dồn tổng lực để chuẩn bị tiến công; trong khi đó lực lượng của Liên hoa tiểu Thư, Đinh Liễn công tử, Trịnh Tú tướng quân sẽ âm thầm từ các nơi tiến tới tạo nên một mũi tiến công bất ngờ vào thành Quèn.
Nghe tin cấp báo Đinh Bộ Lĩnh đang chỉ hủy tất cả các dũng tướng là Lưu Cơ, Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp, thậm chí cả Lê Hoàn tướng quân đang rầm rộ tiến về Bảo Hòa, Đỗ Cảnh Công không hề nghi ngờ, đã ngay lập tức dồn phần lớn lực lượng sang bảo vệ thành Bảo Hòa. Không ngờ khi đó, quân của Đinh Công tử, Liên Hoa tiểu thư, Trịnh Tú tướng quân đã nhanh chóng tiến thẳng vào thành Quèn. Sau khi đánh lạc hướng được quân địch, Lê Hoàn tướng quân đã mang theo một lực lượng lớn quay lại yểm trợ cho mũi tiến công vào thành Quèn. Bị tấn công bất ngờ, trước lực lượng lớn do Đinh công tử chỉ huy, chỉ trong ít ngày toàn bộ thành Quèn đã bị san phẳng.
Mùa thu, toàn bộ lực lượng của họ Đinh tập trung lại bao vây Bảo Hòa. Vì một phần lực lượng và thành quách quan trọng, cùng lương thảo, vũ khí tại thành Quèn đã bị tiêu diệt, quân của Đỗ Cảnh Công có cố gắng đến mấy cũng không thể chống cự nổi với hàng chục ngàn binh hùng tướng giỏi của họ Đinh.
Đầu mùa đông năm Đinh Mão, trong trận chiến tổng lực cuối cùng, thành Bảo Hòa đã bị tiêu diệt. Đỗ Cảnh Công sống sót chạy thoát khỏi thành về vùng núi Sài Sơn. Nhưng tại đây đã bị hai dũng tướng của họ Đinh là Trần Công Mẫn và Trần Ứng Long truy sát, bắn tên độc mà chết.
Sau khi tiêu diệt xong Đỗ Cảnh Thạc, họ Đinh tự mình chỉ huy hai tướng Nguyễn Bặc, Đinh Điền tiến tới vùng Tây Phù Liệt, tiêu diệt Nguyễn Siêu, là sứ quân hùng mạnh thứ hai, chỉ sau lực lượng của Đỗ Cảnh Thạc. Tiếp đó thừa thắng, đánh chiếm luôn vùng Tam Đái, tiêu diệt Nguyễn Khoan. Đinh Liễn công tử cùng Lê Hoàn tướng quân tiến quân về củng cố Cổ Loa, sau đó tiến thẳng lên phía Tây Bắc tiêu diệt Kiều Thuận ở Hồi Hồ và Kiều Công Hãn ở Phong Châu. Hai tướng Lưu Cơ, Phạm Hạp thì đánh bại Lý Khuê ở Siêu Loại.
Sau khi các sứ quân này bị tiêu diệt, các sứ quân còn lại là Nguyễn Thủ Tiệp ở vùng Tiên Du, Lã Đường vùng Tế Giang, Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm đều nhất loạt tự xin hàng phục.
Mùa xuân năm Mậu Thìn, non sông đã thu về một mối. Họ Đinh mang theo Ngọc tỷ, binh Phù từ Cổ Loa tiến thẳng về Hoa Lư. Đi đến đâu dân ở đó đều kéo hết ra hai bên đường, nhất loạt quỳ rạp xuống mà hô vang "Vạn Thắng Vương vạn tuế".
Động Hoa Lư thế là được một phen nhộn nhịp chuẩn bị chào đón Họ Đinh thắng trận trở về. Ta cũng như người ở trong Động chưa bao giờ được trải qua một việc như thế này nên trở nên hết sức hỗn loạn, không biết phải tổ chức tiếp đón, trang hoàng Động sao cho phù hợp. Ta thì không nói làm gì, người trong Động trước kia vẫn gặp họ Đinh, nhưng khi đó họ Đinh đơn giản chỉ là Đinh Động Chủ của Hoa Lư Động. Nhưng hiện giờ đã khác rồi. Họ đinh đã nắm Binh Phù, Ngọc tỷ trong tay, tất cả các binh hùng tướng giỏi trong cả nước đều quy về dưới trướng, muôn dân nhất tề tôn làm Hoàng Đế. Họ Đinh bây giờ đã trở thành Vua của nước Việt rồi! Thế nên làm thế này cũng sợ không phải mà làm thế kia cũng sợ không phải. Thành ra ta và Đinh Nương, cùng người trong Động đều hết sức rối ren. Nhiều lúc không quyết được, đành cứ thế phó mặc cho gia nhân tự lo liệu.
May sao đến khi quân tiền trạm về báo tin họ Đinh chỉ còn cách Động Hoa Lư ba ngày đường nữa thì mọi việc trang hoàng, chuẩn bị nhã nhạc, tiệc rượu chào mừng cũng đã đâu vào đấy. Ta và Đinh nương cùng Trịnh Tú tướng quân cuối cùng cũng được ngơi tay, chỉ còn phải ngồi đợi đến ngày đoàn quân trở về.
Nhưng ngơi tay rồi thì những suy nghĩ, lo lắng lại không để ta yên. Suốt ba ngày ấy ta gần như không chợp mắt được nhiều. Cũng chỉ về cái việc trở về ấy.
Cuộc trở về này đối với ta mà nói, đâu phải chỉ đơn thuần là sự trở về của một vị Vua vừa thắng trận; đó còn là sự trở về của người chồng mà ta đã được gả cưới. Bấy lâu nay làm hậu phương cho chiến trường, công việc bận bịu liên miên cuốn người ta theo như một cơn bão lũ. Giờ ngoảnh lại cũng đã hơn một năm rồi. Thế mà người chồng ấy ta chưa hề gặp mặt. Đến lúc gặp mặt rồi không biết sẽ ra sao?
Hơn một năm qua, tiếng là đã có chồng, nhưng chuyện đạo nghĩa phu thê ta chưa hề phải lo lắng. Có bận bịu, mệt mỏi, cũng vẫn là cùng Đinh nương muốn làm thì làm, muốn ăn thì ăn, muốn chơi thì chơi; khi thưởng nguyệt, hái sen, lúc hóng gió, dạo mát, hết sức tự do tự tại. Nhưng đến giờ thì sao còn có thể như vậy được đây? Khi họ Đinh trở về, những chuyện vợ chồng làm sao tránh khỏi. Rồi ra sẽ như thế nào? Mới nghĩ đến đó thôi đã thấy chân tay toát mồ hôi lạnh, sốt âm âm ở trong người rồi.
Còn chàng nữa! Cái ngày ta và chàng phải đối diện nhau giữa đất Hoa Lư này chẳng phải đã đến rồi sao? Đối diện nhau như thế nào đây? Ta không biết mình có đủ can đảm để nhìn vào đôi mắt, nhìn vào khuôn mặt của chàng không nữa? Chao ơi! Bóng hình ấy, ta đã mong mỏi biết bao nhiêu; khuôn mặt ấy ta đã yêu thường biết chừng nào; ánh mắt ấy ta đã đắm chìm say mê quá đỗi! Thế mà rồi đây sẽ phải như hai kẻ xa lạ ở Hoa Lư này sao? Những nụ hôn, những cái nắm tay, những vòng ôm xiết chặt, những nụ cười ngập tràn hạnh phúc bên nhau trên cánh đồng.. tất cả trở về như vừa mới hôm qua mà lại cũng xa vời như từ muôn kiếp trước; như những ảo ảnh mơ hồ, mà cũng như những vật nặng vô hình mà ghê gớm đè nghẹt lên ngực ta. Rồi ta sẽ phải đối diện với tất cả ra sao đây?
Thấy ta cứ không ngừng đi lại và vặn vẹo hai bàn tay vào nhau, Lan Nhi chỉ biết lắc đầu nhìn ta đầy ái ngại, rồi lại cúi xuống thêu nốt chiếc khăn tay của nàng. Một lúc, chừng không chịu nổi nữa, nàng bảo:
- Người cứ như vậy cũng có giải quyết được gì đâu? Những việc chưa đến thì lo lắng cũng có ích gì? Chi bằng hãy lo cho sức khỏe của mình mà nghỉ ngơi đi một chút, rồi sau chuyện đến đâu ta tìm cách giải quyết đến đó, như vậy không phải tốt hơn hay sao?
Nghe Lan Nhi nói, ta cũng chẳng buồn đối đáp lại, lẳng lặng theo lời nàng chèo lên giường đi ngủ. Nhưng suốt mấy đêm liền cũng chỉ là chợp mắt được một hai canh.
Những giấc ngủ chập chờn, những cơn bóp nghẹt ở trái tim, những lo lắng và căng thẳng làm ta mệt mỏi đến tột độ. Có đôi khi cảm giác như mình chẳng thể nào mà sống nổi nữa..
- 🏠 Home
- Cổ Đại
- Việt Nam
- Nhị Triều Hoàng Hậu - Dương Vân Nga
- Chương 9: Chiến thắng